Sống Lời Chúa Chúa Nhật 23 Thường Niên năm A 10.09.2023

THI CA SUY NIỆM CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN. A
 

(Mt. 18:15-20)

SỬA LỖI

Con người yếu đuối lầm than,

Mê say sắc dục, dối gian ở đời.

Xét mình tội lỗi trong đời,

Tội trong tư tưởng, nói lời gian ngoa.

Làm sao kết nối giao hòa?

Bao nhiêu hành động, mù lòa lạc sai.

Ghen tương thù hận chê bai,

Nói hành nói xấu, công khai hại người.

Chúa khuyên sửa dậy từng lời,

Trước là kín đáo, mở lời khuyên răn.

Âm thầm chỉ dậy can ngăn,

Không nghe từ chối, tận căn giúp người.

Hai người góp ý gọi mời,

Sửa sai giải quyết, đẹp đời biết bao.

Cứng lòng bất chấp ra sao,

Cộng đoàn giúp đỡ, ngọt ngào bảo ban.

Lắng nghe hối cải hiền ngoan.

Trở về xum họp, hân hoan cả nhà.

Nơi nào tụ họp hai, ba,

Có Thầy ở giữa, mưa sa phúc lành.

Chúng ta là con người yếu đuối và tội lỗi. Ai trong chúng ta cũng là người có lỗi lầm. Có nhiều cách để sửa lỗi. Chúng ta có thể xét mình dựa vào các giới răn, luật lệ và những lời khuyên bảo và góp ý xây dựng

Khi tự biết mình sai, chúng ta có thể sửa sai. Tự chúng ta nhận biết lỗi và sửa lỗi mình thì dễ hơn. Nhưng để người khác sửa lỗi, đôi khi chúng ta khó chấp nhận. Chúng ta là con cháu của Adong và Evà mà. Nhớ khi xưa, Thiên Chúa hỏi tội Adong, ông đã đổ tội cho bà Evà và Chúa hỏi tội bà Evà, bà lại đổ tội cho con rắn. Đổ lỗi cho người khác đó là yếu điểm của con người. phản ứng tự nhiên, trước hết để bảo vệ thanh danh và tiếng tốt của mình, chúng ta từ chối. Ít khi chúng ta muốn nhận sự sai trái về phía mình.
   Muốn sửa lỗi anh em, trước hết hãy tìm hiểu nguyên do trước khi quy lỗi. Chúng ta cần có sự hiểu biết rõ ràng với lòng thành và sự tôn trọng. Rồi gặp gỡ riêng tư để đối thoại và góp ý. Anh em sửa lỗi nhau trong âm thầm và kín đáo. Người có lỗi dễ dàng nghe và sửa mình. Đôi trường hợp, với ý không ngay lành, chúng ta lại muốn bêu diễu, hạ thấp uy tín, gây tổn thương và xúc phạm. Đừng khi nào đem truyện của anh em làm quà cho người khác nói là yêu thương xây dựng. Điều này khó thuyết phục người anh em nhận và sửa lỗi.
  Để sự sửa lỗi có sức thuyết phục, chúng ta cần cầu nguyện. Chúa phán: Nơi đâu có hai ba người tụ họp nhau cầu nguyện nhân danh Chúa, Chúa sẽ ở giữa họ. Góp ý và sửa lỗi luôn luôn đi với sự cầu nguyện. Nghĩa là, có Chúa hiện diện giữa chúng ta. Trong gia đình, vợ chồng và con cái hay trong nhóm nhỏ tụ họp cầu nguyện, Chúa sẽ ở giữa họ và họ có thể hòa giải dễ dàng.  Xin Chúa chiếu dọi vào tâm trí của chúng con sự hoàn thiện của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con đều là tội nhân, nhưng lại muốn người khác xem là công chính. Xin cho chúng con biết can đảm nhìn nhận lỗi lầm của chính mình để biết sửa sai và hòan thiện hơn mỗi ngày. Xin Chúa thương nâng đỡ tâm hồn yếu đuối của chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

(Lc 6, 6-11).

KHÔ BẠI

Bàn tay khô bại liệt lào,

Hội đường giảng dậy, Chúa vào bên trong.

Những người Luật Sĩ quanh vòng,

Các thầy Biệt Phái, đồng lòng dõi theo.

Số người bệnh hoạn đói nghèo,

Đến xin Chúa chữa, tin gieo trong lòng.

Vào ngày Sa-bát hằng mong,

Cầu xin ân phước, theo dòng thời gian.

Các thầy cấm cản lời van,

Tỏ lòng thương xót, Chúa ban ơn lành.

Việc làm phúc đức thi hành,

Giúp người cứu chữa, việc lành thực thi.

Rộng lòng Chúa rất từ bi,

Người tay khô bại, ai bì tình thương.

Những ai khó chịu vô phương,

Chúa thương ban phúc, tựa nương bên Ngài

THỨ BA, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

(Lc 6, 12-19).

CHỌN GỌI

Suốt đêm cầu nguyện cùng Cha,

Tìm người nhiệt huyết, đi ra rao truyền.

Chọn mười hai vị thành viên,

Trở thành nồng cốt, lo chuyên vào đời.

Truyền rao chân lý ngàn đời,

Si-mon anh cả, gọi mời dấn thân.

Vì yêu Chúa chọn thế nhân,

Những người khiêm nhượng, canh tân cuộc đời.

Có người yếu đuối rụng rơi,

Giu-đa phản bội, đã rời Chúa đi.

Đám đông dân chúng phụ tùy,

Từ xa muôn lối, cùng quy tụ về.

Chữa lành bệnh hoạn bến mê,

Xua trừ ma quỷ, đưa về sống chung.

Tạ ơn Thiên Chúa vô cùng,

Yêu thương cứu chữa, bao dung tấm lòng.

THỨ TƯ, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

(Lc 6, 20-26).

CHÚC PHÚC

Phúc thay nghèo khó ở đời,

Nước Trời chiếm đoạt, cho người tin yêu.

Phúc ai đói khát thiên triều,

No đầy hoan hỉ, lãnh nhiều ân thiêng.

Phúc người khóc lóc tội khiên,

Vui cười hớn hở, cõi thiên tìm về.

Người đời thù ghét tư bề,

Loại trừ phỉ báng, lời thề tín trung.

Reo mừng đón nhận bao dung

Chúa ban phần thưởng, thiên cung rạng ngời.

Khốn thay giầu có ở đời,

No nê đầy đủ, mọi thời vui say.

Vui tươi sảng khoái chốn này,

Mọi người ca tụng, hằng ngày thỏa thuê.

Công bình phân xử đuề huề,

Sáng danh Thiên Chúa, hưởng quê Nước Trời.

THỨ NĂM, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

(Lc 6, 27-38).

THƯƠNG XÓT

Thi hành giới luật tình thương,

Làm ơn kẻ ghét, yêu thương kẻ thù.

Nguyện cầu chúc phúc đền bù,

Còn ai vu khống, xin tu, đừng phiền.

Ai mà vả má luân phiên,

Đưa thêm má trái, chịu liền thiệt thân.

Áo ngoài họ lột từng phần,

Áo trong đừng cản, ở trần hy sinh.

Ai đòi lấy của riêng mình,

Xin đừng đòi lại, giữ tình bà con.

Thực hành yêu mến vẹn tròn,

Điều gì con muốn, sắt son cho người.

Chúa thương mưa xuống cho đời,

Người hiền kẻ ác, gọi mời yêu thương.

Đừng nên xét đoán vô thường,

Thứ tha lỗi phạm, mở đường tội nhân.

THỨ SÁU, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

(Lc 6, 39-42).

MÙ QUÁNG

Kẻ mù dẫn dắt người đui.

Cả hai rơi hố, biết lui đường nào.

Môn đồ kính trọng kẻ cao,

Tín trung hiếu nghĩa, tự hào trò ngoan.

Tông đồ học hỏi lo toan,

Tu thân hoàn hảo, chu toàn bản thân.

Mắt nhìn cái rác cận lân,

Cái đà không thấy, ở gần bên ta.

Để tôi lấy rác này ra,

Cái đà to tướng, trong xa mắt mình.

Giả hình giấu diếm vô tình,

Lỗi mình vấp phạm, chớ khinh tội người.

Xét mình đấm ngực mọi thời,

Ăn năn sám hối, từng lời dối gian.

Chúa thương giáo dục bảo ban,

Thứ tha tội lỗi, bình an tâm hồn.

THỨ BẢY, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

(Lc 6, 43-49).

HOA TRÁI

Trồng cây mong trái trổ sinh,

Cây nào tươi tốt, hoa xinh trái vàng.

Loại cây trái xấu trong hàng,

Sinh ra đèo đọt, bẽ bàng đừng lo.

Trái thơm chín ngọt thơm tho,

Bỏ công vun tưới, vườn nho xanh rì.

Lòng người nhân đức từ bi,

Sinh hoa kết qủa, thực thi giới điều.

Ngước nhìn thượng giới cao siêu,

Thành tâm tu luyện, thiên triều ước mong.

Thực hành đức ái tinh trong,

Nghe lời Chúa dậy, giữ lòng kiên trung.

Xây nhà trên đá nền khung,

Mưa to gió lớn, vững cùng thời gian.

Lắng nghe lời dạy khôn ngoan,

Hoàn thành sứ mệnh, trao ban trong đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16999

HIỆP THÔNG VỚI CHÚA VÀ VỚI NHAU

“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Thiên Chúa luôn muốn xây dựng mối hiệp thông giữa Ngài với con người như là nền tảng để con người sống hiệp thông với nhau. Đồng thời, mối hiệp thông tốt đẹp giữa con người với nhau lại là cơ sở để làm thăng hoa mối hiệp thông với Thiên Chúa. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy tầm quan trọng của mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và với nhau.

1. Bài đọc 1:

Ngôn sứ Êdêkien được Thiên Chúa trao nhiệm vụ canh gác cho dân Israel bằng cách cảnh báo họ về những điều sai trái để họ hối cải.

Nhiệm vụ của người canh gác là nghe lời Chúa và trung thành loan báo lại cho dân. Dù việc cảnh báo dân về những sai trái của họ luôn đặt người canh gác vào trong tình thế nguy hiểm vì có thể bị thù ghét, nhưng những lời cảnh báo trừng phạt đối với kẻ gian ác là cơ hội để họ nhận ra lỗi lầm mà hoán cải, trở về với Thiên Chúa.

Người canh gác chu toàn nhiệm vụ khi truyền lại trọn vẹn lời cảnh báo của Thiên Chúa đối với những ai làm điều sai trái, còn hối cải hay không thì không thuộc phạm vi trách nhiệm của người canh gác. Trái lại, nếu người canh gác tránh né hoặc không loan báo đầy đủ lời cảnh báo của Thiên Chúa, thì không những người làm điều sai trái phải chịu hình phạt mà chính người canh gác cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa.

Đặt trong bối cảnh Giêrusalem đang bị quân thù bao vây, việc Thiên Chúa đặt ngôn sứ làm người canh gác cho dân Israel cho thấy rằng đằng sau những lời cảnh báo tai họa và hình phạt là ý định của Thiên Chúa muốn thức tỉnh dân Chúa, và những tai họa xảy ra là để thanh tẩy họ cho xứng với tương lai huy hoàng mà Thiên Chúa dự liệu cho họ là được sống hiệp thông cách trọn vẹn với Người.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô đề cao tình tương thân tương ái trong tương quan giữa con người với nhau. Yêu thương như Chúa Giêsu, không chỉ giới hạn trong tương quan máu mủ thân thuộc mà mở rộng ra tất cả mọi người, là gồm tóm toàn bộ Lề Luật của Thiên Chúa.

Trong khi thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma nếu “nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó”, để “anh em đừng mắc nợ gì ai”, thì ngài lại bảo họ hãy mắc nợ nhau “món nợ yêu thương” (x. Rm 13,7-8). Thật vậy, vì được Thiên Chúa yêu thương cách nhưng không, các Kitô hữu cũng phải có bổn phận yêu thương người khác; và tình thương đó chính là món nợ đức ái cần phải trả. Chính Chúa Giêsu đã tóm gọn tất cả Lề Luật Cựu Ước vào hai điều răn có giá trị như nhau (x. Mt 22,37-40): Yêu Chúa và yêu người. Dựa trên căn bản đó, thánh Phaolô mới khẳng định: Yêu thương là chu toàn Lề Luật (x. Gl 6,2; Ga 13,34; 15,12).

Hơn nữa, theo thánh Phaolô, các điều răn trong Cựu Ước (x. Xh 20,13-17; Đnl 5,17-21) đều tóm lại trong đòi buộc này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (x. Rm 13,9). Trong khi đối với người Do Thái “người thân cận” hiểu cách rộng nhất là một người Do Thái khác, thì đối với thánh Phaolô, tình thương cần phải mở rộng ra cho “người đồng loại” (x. Rm 13,10a), nghĩa là không chỉ giới hạn trong huyết tộc, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, mà bao gồm tất cả mọi người. Cũng vậy, qua dụ ngôn người Samari nhân hậu, Chúa Giêsu cho thấy rằng tất cả những ai đang cần đến ta, cần tình thương của ta đều là người thân cận của ta (x. Lc 10,25-37).

Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp thông với nhau trong mối tương quan yêu thương. Vì được Thiên Chúa yêu thương, con người cũng biết yêu thương và nhờ đó mà con người được hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.

3. Bài Tin Mừng:

Trong bài giảng về cách sống trong Hội Thánh (chương 18), thánh Mátthêu tường thuật việc Chúa Giêsu dạy cách sửa lỗi cho nhau. Đối với Chúa Giêsu, việc sửa lỗi cho nhau phải theo tinh thần đức ái và hướng đến sự hiệp thông với nhau.

Trước hết, Chúa Giêsu cho các môn đệ hiểu rằng Chúa Cha trên trời “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14), nên khi có bất kỳ người anh em nào trót phạm tội thì hãy sửa lỗi người đó trong tinh thần đức ái, nghĩa là nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là trừng phạt. Vì thế, Chúa Giêsu đòi buộc phải áp dụng những phương thức có thể, dù bằng lời khuyên nhủ cá nhân, hay thông qua vài ba nhân chứng, thì mục đích cuối cùng vẫn là để đưa người anh em lầm lạc trở về. Và dù có phải đưa người anh em ra trước Hội Thánh, trước những người có thẩm quyền và trách nhiệm chính thức, thì cũng vì muốn dùng một hình thức công khai để đưa người đó trở về.

Sau nữa, mục đích tối hậu của việc sửa lỗi cho nhau phải là để hiệp thông với Chúa và với nhau. Thật vậy, việc sửa lỗi không phải để nhìn vào những lỗi lầm, thiếu sót của nhau, mà cùng nhau nhìn về phía Chúa, để thấy tình thương của Chúa mà hòa giải với nhau. Sửa lỗi cho nhau không phải để cầm giữ nhau trong những lỗi lầm, những tật xấu, những bất toàn yếu đuối, mà tháo cởi cho nhau để cùng được hiệp thông với Chúa và với nhau, vì dưới đất cầm buộc điều gì thì trên trời cũng cầm buộc như vậy; trái lại, dưới đất tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy.

Thật thế, việc sửa lỗi cho nhau để giúp nhau hoàn thiện và tạo nên sự hiệp thông với nhau ở dưới đất, thì ở trên trời, lời cầu nguyện của những người sống hiệp thông với nhau sẽ được Thiên Chúa lắng nghe và nhậm lời. Ở đâu có sự hiệp thông, ở đó có sự hiện diện của Chúa. Dù sửa lỗi cho nhau thế nào thì mục đích tối hậu vẫn là để được hiệp thông với nhau. Và sự hiệp thông ở dưới đất là điều kiện để có được sự hiệp thông với Thiên Chúa trên trời.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Thiên Chúa trao cho ngôn sứ Êdêkien trách nhiệm canh gác cho dân Israel để cảnh báo họ về những điều sai trái nhằm giúp họ hoán cải để được Thiên Chúa tha thứ. Mục đích của Thiên Chúa không phải để trừng phạt dân Người, nhưng muốn họ ăn năn trở về mà sống trong ân nghĩa với Người. Các Kitô hữu cũng được mời gọi làm người canh gác cho nhau: cảnh báo cho nhau về những điều sai trái không vì ghen ghét hay loại trừ, nhưng vì muốn mọi người nhận ra con đường lầm lạc mà trở về sống hiệp thông với Chúa và được hòa giải với nhau.

2/ Thánh Phaolô đề cao đời sống thắm đượm yêu thương và coi đó như là cách chu toàn Lề Luật. Yêu thương không chỉ những người thân cận mà còn mở rộng ra đối với tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, giai cấp hoặc tôn giáo. Đối với Chúa Giêsu, yêu Chúa và yêu người mà không phân biệt cao thấp, sang hèn, địa vị hay nguồn gốc, là điều răn quan trọng nhất. Giữa bao nhiêu điều luật phải giữ, đôi khi trở thành máy móc, người Kitô hữu được nhắc nhớ đến điều cốt lõi nhất của Kitô giáo: yêu thương.

3/ Trong một Hội Thánh gồm những con người bất toàn, khó tránh khỏi những điều sai sót, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi với thái độ kiên nhẫn và trong tinh thần bác ái; sửa lỗi không phải vì thù ghét hay nhằm để loại trừ nhau, mà vì muốn anh chị em mình bỏ con đường sai trái mà trở về với Chúa và hiệp thông với Hội Thánh. Sửa lỗi cho nhau để được hiệp thông với Chúa và với nhau, cùng nhau tiến bước trên đường hoàn thiện, là bổn phận của các Kitô hữu trong một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ ai điều gì ngoài việc phải yêu mến nhau.” Giới răn yêu thương không chỉ đòi chúng ta biết cảm thông chia sẻ, mà còn phải chân thành sửa lỗi cho nhau. Tin tưởng vào tình thương và ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. “Những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội, luôn trung thành với tác vụ ban phát các mầu nhiệm thánh và khôn ngoan sáng suốt khi thực thi quyền bính để phục vụ dân Chúa.

2. Thánh Phaolô nói: “Yêu thương là chu toàn lề luật.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người có quyền lập pháp và hành pháp trên thế giới, biết tôn trọng sự thật và tiếng nói của lương tâm ngay chính, để mưu tìm cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân.

3. Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em của con phạm tội, hãy đi sửa dạy nó.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu luôn biết cảm thông trước những lầm lỗi của người khác, chân thành giúp nhau trở nên hoàn thiện mỗi ngày qua các việc lành và đời sống gương mẫu.

4. “Ở đâu có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn siêng năng họp nhau nhân danh Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ cũng như các giờ kinh chung trong gia đình.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng và hay thương xót, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con biết sống trọn vẹn giới răn yêu thương mọi người như Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-23-thuong-nien-nam-a-3158

Nghe giảng Chúa nhật XXIII thường niên năm A (2011-2023)

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 23 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 23 Thường niên năm A

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt 18,15).

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta hai điều: Trước hết là phải biết sửa lỗi cho nhau và thứ hai là phải biết tụ họp lại mà cầu nguyện chung với nhau.

I. Trước hết là việc sửa lỗi.

Con người chúng ta chẳng ai mà không có lần lầm lỗi. Châm ngôn của người La Mã nói: “Lầm lỗi là bản tính của con người”. Lý do cũng dễ hiểu bởi vì loài người chúng ta “nhân vô thập toàn”. Chẳng ai trong chúng ta hoàn thiện đến mức độ không có một tật xấu nào.

Một nhà văn Pháp đã nói:

* Tuổi trẻ thì táo bạo,

* Người trưởng thành thì háo danh, kiêu căng

* Người già thì keo kiệt, khó ưa.”

Tóm lại: Không ai trong chúng ta hoàn toàn.

Và còn một điều này nữa cũng thường xảy ra. Đó là: cái xấu của ra, ta khó thấy….Còn cái xấu của người khác ta lại rất dễ thấy.

Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần cảnh giác người ta: “Cái xà trong mắt ngươi, ngươi không thấy. Nhưng lại rất thấy thật rõ cọng rác nhỏ trong mắt nơi người anh em “(Mt 7,3).

Chính vì thế mà việc sửa lỗi cho nhau đã được Chúa coi như một điều cần thiết cho đời sống cộng đoàn.

Bản thân ta nếu muốn thấy rõ mình, ta cũng cần phải nhờ đến người khác

“Người chỉ cho ta, mà chỉ phải, tức là thầy của ta.

Người khen ta, mà khen phải, là bạn của ta.

Còn người nịnh hót ta thì ta phải kể họ là kẻ cừu địch của ta”(Tuân Tử)

Vua Hoàn Công xưa là một người có một cuộc sống thật gương mẫu về vấn đề này.

– Vua chọn cho mình ba người bạn để ngồi chơi với mình.

– Vua chọn cho mình năm người để can ngăn mình khi mình có lỗi

– Và vua chọn cho mình 30 người để nhắc nhở cho mình mỗi khi mình có lỗi lầm điều gì.

Phải biết sửa lỗi cho nhau vì đây là một  nhiệm vụ chứ không phải chỉ là một lời khuyên. Lời Chúa qua miệng tiên tri Êzêkiel cũng nhấn mạnh điều đó: “Nếu ngươi không chịu lên tiếng nói để người gian ác từ bỏ đường lối của mình…mà người gian ác phải chết trong sự gian ác của nó thì Ta sẽ đòi máu của nó bởi tay của ngươi”(Ed 33,11)

Nhưng sửa bằng cách nào thì Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta. Những chỉ dẫn của Người hết sức rõ ràng.

a/ Trước hết là tiếp xúc cá nhân. Đây là phương pháp hay nhất. Tuy nhiên phải rất khéo léo tế nhị và khôn ngoan thì mới thành công.

Thánh Phaolô đưa ra hai lời khuyên;

–  Với người trên ta phải năn nỉ.

– Với người dưới ta phải nhẫn nại khuyên lơn

Thánh Philipphê Nêri một ngày kia muốn sửa lỗi cho một người phụ nữ có cái tật hay nói hành nói xấu người khác. Ngài bảo chị ta mua một con gà rồi làm cho nó chết đi….sau đó hãy đem con gà đó đến gặp Ngài với điều kiện là phải vặt hết lông con gà trên đường đi đến gặp ngài. Người phụ nữ hơi thắc mắc nhưng vì lòng mến đối với thánh nhân nên cũng vui lòng làm như ngài đòi hỏi. Khi tới nơi, ngài không khuyên lơn gì cả mà lại ra lệnh cho bà đó trở về…. vừa đi vừa lượm lại cho ngài hết số lông con gà mà bà đã vứt ở giữa đường.

Chúng ta thừa biết phản ứng của người phụ nữ đó như thế nào.

Sau đó ngài cắt nghĩa: “Những lời nói vu oan cáo vạ cho người khác khi ra khỏi miệng cũng sẽ nhanh chóng loan truyền từ tai người này sang tai người khác như vậy, khó mà con thể thu lượm lại được…chẳng khác gì phải thu lượm lại những cái lông gà….của con vậy.”. Rồi ngài thêm “Còn khi muốn nói về một người nào làm khổ mình thì chỉ nên nói với Chúa mà thôi….hãy cầu nguyện cho họ để họ biết sửa lỗi”.

b/ Tiếp theo là dùng những buổi sinh hoạt của cộng đoàn

Đây là hình thức rất được ưa chuộng ngày hôm nay. Những buổi chia sẻ lời Chúa. Những buổi tĩnh tâm, những buổi sinh hoạt tổ đều ít nhiều nhắm tới mục đích tìm ra những sai sót giúp nhau sửa lại những sai sót của mình trước mặt Chúa.

c/ Bước tiếp theo cực chặng đáng mới phải dựa vào sự phán xét của Giáo Hội.

Ngày kia vị Giám mục đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì ông đang chung sống với một phụ nữ mất nết. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng.

Vị Giám mục là người thứ nhất bước vào lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự việc. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Tìm mãi mà không thấy ai, dân lành đành ra về. Chờ cho mọi người đi ra hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ Linh hồn mình”.

II. Về việc cầu nguyện

Sau tất cả những “biện pháp như thế mà vẫn không có kết quả thì sao? Chúa bảo: “ Nếu họ không nghe….thì hãy coi họ như những người thu thuế và người ngoại giáo”(Mt 18,17).  Lời của Chúa có vẻ hơi khó hiểu. Phải chăng là tuyệt vọng? Không! Bằng chứng là trong Tin Mừng Chúa đã nhiều người tội lỗi trở thành  người công chính. Cụ thể như Matthêô tác giả bài Tin Mừng hôm nay.

Như vậy là còn một “chiêu” khác. Đó chính là sự hiệp lời cầu nguyện.

Lời cầu nguyện nhiều khi có một giá trị không ngờ.

Chúng ta hãy nghe những lời sau đây của Thánh Augustinô: “Nhờ ơn của mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của người mà tôi đã thành người như hiện nay. Lạy Chúa nếu con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con một người mẹ, một trong những tôi tá của Chúa.”

Thánh Têrêsa bằng lời cầu nguyện của mình đã làm cho một tử tội tưởng chừng như không thể khuất phục ăn năn và chịu các Bí tích cuối cùng trước khi lên đoạn đầu đài.

Ngày kia, thánh Etienne, đang giảng thuyết trước một cử tọa đông đảo, bỗng có một người dám nói với ngài:

– Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự kinh tởm tội lỗi, con cũng chả muốn hoán cải tí nào và con rất bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con.

Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc ròng. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông tập hợp tất cả các tu sĩ lại, bảo:

– Chúng ta hãy mau cầu nguyện cho con người đáng thương này!.

Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu này hoàn toàn thay đổi; anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của mình và quyết định sống một cuộc đời đổi mới. Anh đến tìm gặp vị thánh, phủ phục dưới chân ngài xin tha thứ, và hứa sẽ từ bỏ các tật xấu, không bao giờ tái phạm nữa.

Lạy Chúa Giêsu

Chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng con những điều kỳ diệu.

Xin Chúa đừng để cho những lỗi lầm chúng con gây ra cho nhau trở thành nguyên cớ cho những mất mát và phân ly.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương.

Xin cho chúng con biết hết lòng giữ gìn, chăm sóc, vun tưới cho cuộc sống hiệp nhất giữa những người con của Chúa mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Vì chỉ có như thế chúng con mới xứng đáng là những người con và xứng đáng với tình yêu thương của Chúa mỗi ngày. Amen.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-23-thuong-nien-nam-a-61044