THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 20:1-16)
CÔNG BẰNG.
Dụ ngôn làm việc vườn nho,
Người thuê lao động, phát cho lương ngày.
Đồng lòng lợi tức hôm nay,
Ra vườn từ sáng, hăng say việc làm.
Nhiều người thất nghiệp khổ cam,
Không ai thuê mướn, hãm giam đợi chờ.
Ngóng tin sốt ruột hững hờ,
Chủ thương gọi tới, giúp nhờ việc đây.
Khoảng giờ thứ sáu hôm nay,
Giờ ba, giờ chín, gọi ngay ra đồng.
Vui mừng có việc ngóng trông,
Thù lao tùy chủ, trả công gọi mời.
Một đồng lương trả từng người,
Người sau, kẻ trước, xin mời lãnh công.
Số người từ sớm kể công,
Chúng tôi vất vả, mà không hơn gì.
Chủ rằng đồng ý đã ghi,
Chúng ta thỏa thuận, cầm đi số tiền.
Công bằng đối xử trước tiên,
Rộng lòng quảng đại, nhân hiền có sao.
Trong bài Phúc Âm đã kể rằng chủ vườn nho mướn những người làm việc được trả lương theo thỏa thuận. Xem ra rất công bằng. Nhưng truyện xảy ra, có những người làm ít mà lại được hưởng nhiều, đã gây nên sự ghen tương chành cạnh. Những người đến sau, làm có mấy giờ mà cũng được hưởng lương đồng đều như những người vất vả từ sáng sớm. Thật là khó chịu với cách đối xử của ông chủ. Ông chủ đã trả lương cho các người làm công theo cách thế của riêng ông với sự đại lượng từ bi.
Làm việc là cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa. Chúa ban cho mỗi người khả năng riêng biệt để cùng nhau góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. Ai trong chúng ta cũng cần có công ăn việc làm. Làm việc để phát triển khả năng. Làm việc để kiếm sống. Có những người may mắn, làm ít mà hưởng nhiều. Có những người cầy sâu cuốc bẫm, làm việc cực nhọc vất vả, đổ mồ hôi, sối nước mắt mới có của ăn. Hằng ngày họ chạy lo kiếm công ăn việc làm, không có việc kể như không có của ăn.
Suy lại cuộc đời, chúng ta vào làm vườn nho của Chúa đã lâu. Chúng ta đã được những gì? Có lẽ chúng ta đã nhận lãnh vô vàn ân huệ. Còn có những người vừa mới vào làm vườn nho, mới gia nhập đạo, họ cũng được thừa hưởng những ân lộc như chúng ta, đôi khi còn có hơn nữa, chúng ta có ghen tị không?
Làm việc trong vườn nho của Chúa đã là một ân phúc. Điều quan trọng không phải làm nhiều giờ hay ít giờ, mà làm việc với lòng mến hay không? Đừng ngồi đó kể lể rằng: Tôi là đạo gốc ba bốn đời. Tôi đáng được hưởng những đặc quyền hơn những người khác. Điều so sánh này không ích lợi gì cả. Mỗi người được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là được mời vào làm vườn nho. Thời gian dài ngắn không quan trọng, tùy thuộc chúng ta thi hành với lòng bác ái và yêu thương. Mọi ân huệ đều là ơn sủng nhưng không mà Chúa đã ban. Chúa rộng lượng ban đầy dư hơn là chúng ta đáng được.
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa cho chúng ta được làm trong Vườn Nho của Chúa.
VUI VỚI NGƯỜI VUI “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt 20,15)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: Is 55,6-9
Bài đọc I được trích trong phần cuối của sách Ngôn Sứ Isaia đệ II (các chương 40-55), được gọi là sách An Ủi Israel đang bị lưu đày ở Babylon. Đối mặt với đoàn dân đang gặp khủng hoảng đức tin, có tâm trạng chán chường và thất vọng trong thời gian bị lưu đày, tác giả sách Isaia đệ II lại có thái độ ngược lại khi đưa ra lời an ủi, động viên, khích lệ dân, và cho biết sắp đến ngày Thiên Chúa đến giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày.
Thiên Chúa ở thật gần dân, thấu hiểu dân, đang sẵn lòng lắng nghe những lời họ kêu cầu. Vì thế đây là thời gian thuận tiện nhất để tìm gặp Chúa và để bày tỏ tâm tư với Người. Cụ thể hơn, tác giả sách Isaia II đã kêu mời dân bày tỏ thái độ hoán cải cụ thể, đó là: ‘kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình, người bất lương hãy bỏ tư tưởng mình’ mà trở về với Đức Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót và tha thứ gần gũi với con người bao nhiêu khi họ cần đến Chúa, thì con người lại cảm thấy Thiên Chúa lại trở nên xa vời và bí ẩn bấy nhiêu khi con người quay lưng lại, và nhất là khi họ không học cho biết cách hiểu đường lối của Người. Tác giả đã ví von sự khác biệt trong lối suy nghĩ và hành động giữa con người với Thiên Chúa: “trời cao hơn đất chừng nào” thì đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn đường lối và tư tưởng của con người như vậy.
2. Bài đọc II: Pl 1,20c-24.27a
Sống và chết là hai thái cực nơi cuộc sống của con người. Thông thường ai cũng thích sống, sợ chết. Thế nhưng, trong bài đọc II trích thư gửi tín hữu Philípphê, thánh Phaolô biểu lộ một sự giằng co nội tâm giữa sống và chết theo chiều hướng ngược lại. Chết là phúc cho thánh nhân và sống thì có lợi cho cộng đoàn. Lúc đó, ngài giằng co giữa phần phúc của riêng cá nhân Phaolô là “ao ước chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần” với việc sống để đem lại lợi ích cho cộng đoàn, vì “ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.”
Thánh Phaolô đã chọn nguyên tắc này để phân định và chọn lựa, đó là: lấy Đức Kitô làm trung tâm cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Vì thế đối với ngài sống hay chết không thành vấn đề nữa, miễn sao quyền năng của Đức Kitô được tỏ hiện, Tin Mừng được loan báo đến mọi người và ước mong “anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Ðức Kitô”.
3. Bài Tin Mừng: Mt 20,1-16a
Dụ ngôn về “Thợ làm vườn nho” hay còn gọi là dụ ngôn về “Ông chủ tốt bụng” mô tả cảnh quen thuộc trong đời sống sản xuất nông nghiệp thường nhật ở Palestine thời Đức Giêsu. Dụ ngôn diễn tả sự tự do của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ và đề cao lòng quảng đại đầy xót thương của Người qua hình ảnh ông chủ vườn nho, cũng như lên án thái độ không đúng mực của một số Kitô hữu qua hình ảnh các người thợ.
Trong dụ ngôn, có nhiều nhóm người làm khác nhau đang đứng chờ tại chợ nhân công đợi chủ thuê làm để được hưởng tiền công nhật. Có những người thợ được ông chủ gọi đi làm lúc sáng sớm, kẻ khác lúc ban trưa, người kia lúc xế chiều, thậm chí vào gần tối (Mt 20,1-6).
Lúc tan giờ lao động, ông chủ trả công mọi người như nhau: đều được “một quan tiền”. Điều này khiến những người vào làm từ sớm cằn nhằn, vì trách ông chủ bất công và ghen tức với người khác.
Ông chủ đã trách cứ những người cằn nhằn, vì họ có thái độ sai trái. Tại sao họ lại ghen tức với anh chị em mình ? Họ không chấp nhận để cho người khác được hưởng ân huệ hay sao ? Tại sao họ không thể chia sẻ niềm vui của người khác, khi mình chẳng mất gì ?
Ông vẫn trả đủ cho họ theo thỏa thuận, còn ông làm phúc cho ai thì tùy ý ông. Họ muốn sự “hợp lý” là vào sớm thì phải được trả nhiều, vào sau thì chỉ được trả ít, nhưng sao họ lại dám cản sự “hợp tình” của ông chủ khi ông thi ân giáng phúc trên người khác ? Sao họ lấy tư cách của người làm thuê để trách cứ quyền tự do định đoạt của cải của ông chủ ? Ông có quyền làm thế, không phải do những người kia xứng đáng, nhưng vì ông tốt bụng mà thôi.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1.‘Trời cao hơn đất thế nào, thì tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi thế ấy.’ Nhiều lúc chúng ta khó hiểu biết tư tưởng cũng như đường lối của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình. Biết bao nhiêu câu hỏi đã được con người đặt ra cho Thiên Chúa: Tại sao ? Thế nào ?… và dường như nhiều lần chúng ta không thể tìm được câu trả lời. Chắc chắn rằng nếu chúng ta quay lưng ngược hướng với Chúa thì càng đi, chúng ta càng xa Chúa. Có cách nào giúp chúng ta đi đúng đường lối và tới bến bờ hạnh phúc nếu chúng ta không tìm kiếm thánh ý Chúa, bỏ ý riêng và đặt ý mình vào trong ý Chúa ?
2. ‘Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết.’ ‘Quy ngã’ hay ‘quy Kitô’ vẫn luôn là một giằng co gay gắt nơi mỗi người dẫu vẫn biết rằng chỉ “quy Kitô” mới là cách duy nhất giúp vượt qua cơn khủng hoảng đức tin. Qua Chúa Kitô, chúng ta sẽ gặp được Chúa Cha, gặp được người khác và gặp lại đúng bản chất của chính mình. Chúng ta có định hướng cuộc sống ‘quy Kitô’, lấy Đức Kitô làm điểm tựa, làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình ? Chúng ta có đặt lợi ích của Đức Kitô, của anh chị em lên trên lợi ích của bản thân trong đời sống đạo ?
3.‘Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?’ Ghen tức là một trong Bảy mối tội đầu. Vì ghen tức nên không muốn ai hơn mình. Ghen tức là tỏ ra khó chịu, bực mình, thậm chí oán ghét với người khác vì những thành công của họ. Tại sao mình lại ghen tức với người không hề làm gì ảnh hướng đến mình, và mình cũng không mất công mất của gì cho họ ? Mặt khác, trong cuộc sống, con người dễ dàng chia buồn khi người anh chị em mình gặp đau khổ, khó khăn hay thử thách, nhưng lại khó chia vui khi anh chị em mình gặp may mắn, sung sướng hay hạnh phúc hơn mình. Chúng ta có cằn nhằn ngầm trách Thiên Chúa bất công và ghen tức với người khác khi họ được ân lộc Chúa ban ? Chúng ta có dám sẵn sàng lan tỏa niềm vui của mình và chia vui với người khác để “niềm vui chia sẻ, niềm vui lớn” ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa rất nhân từ muốn mời gọi và trao phó cho mỗi người chúng ta những phận vụ khác nhau trong vườn nho của Người là Hội Thánh. Cộng đoàn chúng ta hãy chung lời cảm tạ Chúa, và tha thiết cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh trở nên những người thợ nhiệt thành chăm chỉ, để vườn nho Chúa ngày càng thêm tươi tốt và sinh nhiều hoa trái.
2. Việc làm và tiền lương chi phối cuộc sống của rất nhiều người trong xã hội hôm nay. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm hơn đến người nghèo và nỗ lực tạo ra nhiều việc làm cùng với tiền lương hợp lý cho người lao động.
3. Thiên tai dịch bệnh đã gây thương vong và thiệt hại lớn ở nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai bị ảnh hưởng nhận được sự đồng cảm và trợ giúp kịp thời của nhiều người, để sớm khắc phục thiệt hại và mau ổn định cuộc sống.
4. Tính ích kỷ và hay ganh tị là nguyên nhân gây ra bao xung đột chia rẽ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức dẹp bỏ những tư tưởng cá nhân, để hết lòng vì lợi ích chung, tích cực xây dựng một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất.
Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Chúa đã mời gọi chúng con cộng tác trong vườn nho của Chúa; xin đón nhận tâm tình tạ ơn của chúng con và giúp chúng con luôn dấn thân với hết khả năng Chúa ban, để phục vụ anh chị em và làm sáng danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.
Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao ?”(Mt 20,14)
Anh chị em thân mến,
Bài dụ ngôn chúng ta vừa nghe là những lời dạy của Chúa nói về lòng tốt và tình thương của Người. Chúng ta thấy rất rõ điều này qua một bài dụ ngôn đặc biệt Chúa dùng để cắt nghĩa cho chúng ta.
I. Bài dụ ngôn
1. Một người kia có một vườn nho.
– Ông ta là chủ của vườn nho đó cho nên ông ta có quyền canh tác trên vườn nho đó để thu hoa lợi
– Diện tích vườn nho có lẽ phải lớn cho nên ông phải thuê người làm cho ông.
– Ở đây chúng ta nên lưu ý một chút về cách tính giờ của người Do Thái:
Ngày làm việc của người Do Thái bắt đầu từ lúc mặt trời mọc và kết thúc vào lúc mặt trời lặn. Và căn cứ vào đó thì chúng ta sẽ có một thời biểu tương ứng như thế này:
Giờ thứ 1, thứ 3, thứ 6, thứ 9 và thứ 11, tương đương với 6 giờ, 9 giờ,12 giờ,15 giờ,17 giờ, và kết thúc lúc 18 giờ.
– Có 5 đợt thuê thợ tất cả.
Đợt đầu có sự mặc cả rõ ràng về giá cả 1đ/một ngày công.
Các đợt sau thì không có sự mặc cả gì.
– Chiều đến: trả lương.
– Cách thức trả lương cókhác thường….bắt đầu từ người đến làm việc sau cùng đến người làm đầu tiên.
– Chính cách thức trả lương như thế đã làm nảy sinh ra sự phen bì giữa những người thợ được thuê làm trong cùng một vườn nho.
– Người cuối cùng vui vì thái độ đầy lòng yêu thương và quảng đại của chủ.
– Những người đến làm trước buồn vì cảm thấy mình như bị thua thiệt.
2. Vấn đề đặt ra ở đây là ông chủ làm như thế có công bằng không. Ta phải trả lời là có.
– Này bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một đồng sao ?(Mt 20,13)
– Ông đã đối xử với họ theo lẽ công bằng thương mại. Luật pháp gọi là công bằng giao hoán.
– Về phương diện này thì ông chủ hợp lý và hợp pháp
– Việc ông chủ đối xử khác, khác hơn lẽ công bằng giao hoán thì lại là vấn đề khác. Nó đã vượt ra ngoài phạm vi công bằng. Nó đã vươn lên tới một bình diện cao hơn…đó là lòng Bác áiyêu thương và ông ta có quyền làm như thế.
Vậy thì khi kể dụ ngôn này Chúa muốn dạy chúng ta điều gì .
II. Bài học
1. Muốn hiểu được bài học Chúa muốn dạy qua bài dụ ngôn hôm nay, chúng ta lại phải trở về với những hoàn cảnh của nó.
Tin Mừng kể lại trước khi nói dụ ngôn này thì có một người thanh niên đến gặp Chúa và muốn xin được làm môn đệ của Ngài. Chúa bảo anh ta hãy trở về bán tất cả những gì anh có rồi phân phát cho những người nghèo khó và Chúa coi đó như một điều kiện phải có để Ngài chấp nhận anh ta. Sự đòi hỏi của Chúa làm cho anh ta chùn bước. Lý do là vì anh có nhiều của cải. Của cải đã níu kéo quá mạnh, thành thử anh ta đã bỏ cuộc. Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt tại đây.
Sau khi người thanh niên bỏ đi thì ông Phêrô….lại ông Phêrô. Ông Phêrô đứng ra đặt vấn đề với Chúa. Ông nói như sau: “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì”(Mt 19,27)
Câu hỏi của Phêrô sặc mùi thương mại trần thế. Ông muốn Chúa phải nói rõ cho các ông biết Chúa Chúa sẽ đối xử với các ông thế nào trước những hy sinh từ bỏ của họ. “Chúng con sẽ được gì ?”
Chúa không để cho các ông ấy phải thất vọng. Chúa đã trả lời. Chúa không lẩn tránh vấn đề. Và câu trả lời của Chúa thật là tuyệt diệu. Tuyệt diệu ở chỗ nó vừa thỏa mãn được vấn đề các tông đồ đặt ra với Chúa, lại vừa có sức nâng tầm nhìn của các môn đệ lên tới một bình diện cao hơn.
“Ai vì danh Ta mà từ bỏ Cha Mẹ, anh em, con cái, nhà cửa, ruộng đất thì sẽ được gấp trăm ở đời này và ….tiếng Và thật quan trọng…Và được sự sống đời đời.”(Mt 19,29)
Sự sống đời đời. Đó là một phần thưởng vô cùng quí giá mà không có một giá trị trần thế nào có thể đổi chác được. Phần thưởng đó là do ơn lộc của Chúa cũng như do lòng quảng đại vô bờ vô bến của Ngài.
Trong nước của Thiên Chúa sẽ không có giao hoán đổi chác, phần thưởng sẽ không dựa vào lao động như thước đo.
Phần thưởng trong nước Thiên Chúa không được tính theo số lượng giờ giấc nhưng trước hết phảicăn cứ vào niềm tin: Tin vào sự quảng đại và tình thương bao la của Thiên Chúa và sau là trung thành với niềm tin đó.
Vì thế dù chỉ được Chúa kêu gọi một phút giây trước giờ tàn của cuộc sống thì sự trung thành cũng vẫn cần thiết.
Con người không có quyền ghen tị với sự quảng đại của Thiên Chúa. Nếu một ai đó thấy cuộc đời của mình không được Chúa đối xử lại một cách quảng đại, thì lý do không phải tại Chúa mà họ phải hồi tâm trở lại với lòng mình xem mình đã sống với Chúa như thế nào:
Ông chủ trong dụ ngôn đã tính toán với những ai đã muốn tính toán với ông. Nhưng ông lại rất quảng đại đối với những ai tin tưởng vào ông.
Để minh họa điều này tôi xin mời anh chị em nghe một câu chuyện. Câu chuyện này do văn hào Tagore viết ra. Ông là một người không có đạo nhưng những gì ông viết rất phù hợp với những Lời của Chúa trong Phúc âm.
Câu chuyện có tựa đề là “Người ăn xin”
Con đi ăn xin từng nhà trên con đường làng. Bỗng con thấy một cỗ xe bằng vàng đang từ xa đi tới….như một giấc mơ, giấc mơ huy hoàng. Con tự hỏi ông vua nào mà lại lộng lẫy như thế ? Lòng hy vọng trào lên trong lòng con. Con tự nghĩ:
– Thế là từ nay đời mình sẽ hết khổ!
Và con chuẩn bị sẵn sàng chờ Ngài đến….tay Ngài bung những đồng tiền vàng vung vãi trong đám cát bụi bên đường.
Và cỗ xe dừng lại nơi con đang đứng. Cái nhìn của đức vua đậu lại trên con….rồi Ngài bước xuống, miệng mỉm cười. Con cảm thấy như cơ may của đời mình đã tới.
Bỗng dưng con thấy đức vua chìa tay ra và hỏi
– Con có gì cho ta không ?
Con bối rối ngỡ ngàng….Con từ từ thò tay vào trong bị rút ra một hạt lúa mì và dâng cho Ngài. Nhận hạt lúa mì xong, Ngài lên xe và tiếp tục đi.
Chiều đến….khi dốc những hạt lúa trong bị ra…thì thật ngỡ ngàng biết bao.
Một hạt vàng óng ánh nằm giữa những hạt lúa mì khác.
Con nức nở khóc và tiếc rẻ. Con tự nguyền rủa chính mình:
– Tại sao mình đã không dâng cả cho đức vua tất cả những hạt lúa mì mình có.
Có lẽ cuộc sống của chúng ta mỗi người nhiều khi cũng giống như thế. Chúng ta rất hẹp hòi với Chúa và với anh em. Rồi nhiều khi chúng ta thấy người nọ người kia được Chúa đối xử hơn chúng ta, thay vì chúng ta bình tâm xét lại xem chúng ta đã sống cho Chúa như thế nào, chúng ta lại đâm ra ghen tương phen bì với anh em và cả với Chúa nữa.
Giờ đây xin Chúa điều chỉnh lại cách sống của chúng ta sao cho những ngày tháng chúng ta sống trên đời là những ngày tháng tràn ngập niềm vui vì đó là những ngày chúng ta sống chan hòa với Chúa và với anh chị em chúng ta Amen.