TÌM HIỂU PHỤNG VỤ
Chuyên mục: Phụng Vụ
https://giaophankontum.com/chuyen-muc/muc-vu/phung-vu
Nghĩa trang theo niềm tin Kitô giáo
LINH MỤC CÓ ĐƯỢC PHONG THÁNH VÀ GIA VẠ TUYỆT THÔNG CHO AI KHÔNG?
Lời Chào: “Chúa Ở Cùng Anh Chị Em”
TÍN LÝ
https://giaophankontum.com/chuyen-muc/muc-vu/tin-ly
Ngày Lễ Các Thánh có phải là lễ buộc?
Những vị thánh nào được tôn vinh trong ngày Lễ Các Thánh?
Tầm quan trọng của âm nhạc và nền tảng Kinh thánh
TÌM HIỂU PHỤNG VỤ
https://gpquinhon.org/q/than-hoc/
Vạ Tuyệt Thông Là Gì?
Để trả lời cho câu hỏi “Vạ tuyệt thông là gì?”, chúng ta cần tìm hiểu tín điều “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy, các thánh thông công” (kinh Tin Kính các Tông Đồ), thì mới hiểu “Vạ tuyệt thông” được rõ ràng hơn.
1. Các thánh thông công.
Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng (từ khi sinh ra cho tới lúc lãnh nhận bí tích rửa tội, nếu là người lớn), được gia nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể nầy, mỗi chi thể thông hiệp với nhau, vì cùng chung một Nhiệm thể của Chúa Kitô, Người là Đầu (x.GLCG. 92, 947). Nên:
Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời – đã được lên thiên đàng hay còn đang ở luyện tội – đều có thông hiệp mật thiết. Đó là tín điều Các Thánh thông công.
– Các tín hữu còn sống làm thành Giáo hội lữ hành.
– Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo hội khải hoàn.
– Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo hội thanh luyện.
Các tín hữu tôn kính, cầu xin Các Thánh. Còn Các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.
Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.
Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác (x. SGL CG 92, 946-959). Hiểu như vậy, từ đây, chúng ta đi sang phần vạ tuyệt thông.
2. Vạ tuyệt thông.
Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người đó bị tách rời ra khỏi sự “hiệp thông” với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội.
Theo Giáo luật có hai hình thức vạ tuyệt thông:
Vạ Tuyệt thông tiền kết và Vạ Tuyệt thông hậu kết.
1. Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ (ipso facto), không cần Giáo hội phải ra công bố, nhưng nếu có công bố thì đó là một tội phạm công khai, để ngăn chặn những hệ luỵ xấu đi kèm. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết. Các vạ đó là:
1. Người bỏ đạo, rối đạo hay ly khai khỏi Giáo hội, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết (đ.1364§1).
2. Ai ném bỏ Mình Máu Thánh Chúa, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ. 1367).
3. Người nào hành hung Đức Giáo hoàng sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1370§1).
4. Người phá thai trực tiếp (đ.1398), hay người đồng lõa: như chỉ chỗ, giúp phương tiện và việc phá thai có kết quả (đ.1329§2), sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
Những tội mà một giáo sĩ có thể vi phạm:
5. Giải tội cho người đồng phạm chiếu theo điều 977, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1378§1).
6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1388§1).
7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư Giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1382).
Trong bảy qui định vạ trên đây, có năm loại vạ tuyệt thông chỉ được giải do chính Tòa thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do Giám mục giáo phận hay những linh mục được ủy thác.
2. Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội sau khi vi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố hay phán quyết.
3. Quyền phạt và tha vạ tuyệt thông
1. Vạ tuyệt thông hậu kết chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi vạ được tuyên án. Một Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho người ngoan cố không chịu sửa lỗi nặng đã được cảnh cáo. Nếu chịu hối lỗi thì Giám mục có thể tha vạ này.
2. Vạ tuyệt thông tiền kết nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng ghi trên đây, chỉ có Giáo hoàng hay những người được luật quy định mới giải vạ này.
Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết.
Giáo luật nói rõ những hậu quả của vạ tuyệt thông như sau:
– Không được cử hành hay lãnh nhận mọi bí tích kể cả á bí tích của Giáo hội.
– Đối với giáo sĩ và tu sĩ: không được hành xử mọi chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng như bị cấm hưởng dùng các đặc ân đã được ban cấp trước đó.
Người mang vạ tuyệt thông là người tự tách mình ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo hội. Cho nên, chính họ không được lãnh nhận hay cử hành mọi bí tích là nguồn cội của sự thông hiệp vào Nhiệm Thể Chúa Kitô trong yêu thương và hiệp nhất. Vì thế, họ tạm thời ở bên ngoài Giáo hội cho đến khi vạ được tha bởi người có thẩm quyền trong Giáo hội.
Hình phạt chỉ là biện pháp sau cùng, sau khi đã sửa sai trong tình huynh đệ, đã cảnh cáo…. nhưng vẫn không có kết quả nên phải áp dụng hình phạt. Khoản Giáo Luật 1341 cũng nói rằng: Đấng bản quyền Giáo phận là Đấng có thẩm quyền để áp dụng hình phạt nhằm: tái tạo công bình – hàn gắn hậu quả những tai hại và hoán cải phạm nhân.
Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa. Mà chỉ là hình phạt dược hình (phương thuốc chữa bệnh). Nghĩa là Giáo hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những ai phạm tội có thiện chí ăn năn, và xin được tha tội. Vì thế, theo Giáo hội hình phạt này chỉ tạm thời cho những người ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi.
(trích Nguyệt San Mục Vụ Giáo Phận Vĩnh Long tháng 6 năm 2014)