Sống Lời Chúa tuần 31 Chúa Nhật thường niên năm A 05.11.2023
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A
(Ml 1,14b-2,2b.8-10; 1 Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12)
ĐỂ THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,11-12)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc1:
Trong đoạn Sách Thánh trích từ ngôn sứ Malakhi, Thiên Chúa trách tội các tư tế là những người đáng ra phải có đời sống gương mẫu trước dân Chúa.
Khi dâng lễ tế lên cho Thiên Chúa, các tư tế đã không dâng những con vật lành lặn, không tỳ vết theo như lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Đnl 17,1). Trái lại, họ đã dâng những con vật mù, què hay bệnh tật, và như thế là điều ô uế trước mặt Thiên Chúa (x. Ml 1,7-8). Giữa muôn dân, Danh Chúa thật cao cả, vậy mà những người được đặt riêng để phụng thờ Thiên Chúa lại không hết lòng tôn vinh và phụng thờ Ngài.
Điều tệ hại hơn nữa là các tư tế đã “đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy” (Ml 2,8). Vì là những người được đặt lên cách riêng để lo việc phụng thờ Thiên Chúa và là gương mẫu cho dân trong việc giữ Lề Luật, sự “trệch đường” của họ không chỉ là tội của cá nhân họ mà còn ảnh hưởng trên nhiều người khác. Việc không tuân theo đường lối của Thiên Chúa và vị nể khi áp dụng Luật vừa làm cho các tư tế đáng trách phạt trước mặt Thiên Chúa, lại vừa làm cho họ “đáng khinh và hèn mạt trước mặt toàn dân” (Ml 2,9).
Là những trung gian giữa Thiên Chúa và dân Chúa, vai trò của vị tư tế rất quan trọng. Nếu họ không chu toàn bổn phận phụng thờ Thiên Chúa cách đúng đắn, thì họ vừa bị Thiên Chúa trách phạt vừa bị toàn dân coi thường.
2. Bài đọc 2:
Trong đoạn thư gởi tín hữu Thêxalônica, thánh Phaolô vừa cho thấy sự nhiệt thành của một sứ giả Tin Mừng, vừa bày tỏ tâm tình dịu dàng của một người mục tử.
Như sứ giả loan báo Tin Mừng, thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh, vừa làm việc để không trở thành gánh nặng cho các tín hữu Thêxalônica, vừa hăng say rao giảng Tin Mừng. Thánh nhân sẵn lòng trao hiến cả mạng sống, miễn sao Tin Mừng được rao giảng. Và khi thấy các tín hữu đón nhận Tin Mừng như là lời của Thiên Chúa, thánh nhân lại hết lòng tạ ơn Thiên Chúa vì xác tín rằng những gì mình làm cốt để Thiên Chúa được nhận biết và tôn vinh.
Như một người mục tử, thánh Phaolô coi các tín hữu Thêxalônica như những người thân yêu, nên đã cư xử thật dịu dàng. Thánh nhân mặc lấy tâm tình của người mẹ đối với đứa con thơ mà bày tỏ lòng quý mến đối với họ. Thái độ dịu dàng và tâm tình quý mến mà thánh nhân dành cho các tín hữu Thêxalônica hẳn đã mang lại cho họ niềm khích lệ để hăng say đón nhận Tin Mừng cách mau mắn và mở lòng để cho lời Thiên Chúa tác động nơi cuộc sống của họ.
3. Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo sống giả hình, vì việc làm của họ không nhằm tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ tôn vinh chính mình. Đồng thời, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy biết khiêm tốn phục vụ để Thiên Chúa được tôn vinh.
Chúa Giêsu không chối bỏ giáo lý mà họ giảng dạy theo thẩm quyền dành cho họ, nhưng lên án lối sống giả hình của họ vì họ nói mà không làm. Họ “mang hộp kinh thật lớn” không phải để được nhắc nhớ đừng quên lời Thiên Chúa đã truyền cho dân Chúa (x. Đnl 6,4-9); họ “mang những tua áo thật dài” không phải để nhớ mệnh lệnh Thiên Chúa truyền mà thi hành (x. Ds 15,38-39). Họ làm mọi việc cốt để được “cỗ nhất trong đám tiệc”, “ghế đầu trong hội đường”, “chào hỏi nơi công cộng”. Tất cả những gì họ làm không nhằm để tôn vinh Thiên Chúa mà để thiên hạ thấy mà tôn vinh họ.
Trái lại, Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng tôn vinh ai, mà cũng không để ai tôn vinh mình như là “thầy”, là “cha”, là “người lãnh đạo”. Lý do đơn giản là vì tất cả đều là con của Cha trên trời, đều được hướng dẫn bởi Thầy Giêsu, và được lãnh đạo bởi Đức Kitô. Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống tinh thần phục vụ cách khiêm tốn, theo gương của Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Mục đích của người môn đệ là sống theo gương mẫu Đức Kitô: Như Đức Kitô làm mọi việc để Thiên Chúa được tôn vinh (x. Mt 9,1-8; 15,29-31), các việc làm của người môn đệ cũng là“để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Ngôn sứ Malakhi cho thấy các tư tế bị khiển trách vì đã không hết lòng phụng thờ Thiên Chúa theo trách vụ được trao phó. Là những trung gian giữa Thiên Chúa và dân Chúa, một khi tư tế không chu toàn bổn phận phụng thờ Thiên Chúa cách đúng đắn, thì họ vừa bị Thiên Chúa trách phạt vừa bị toàn dân coi thường. Mỗi người đều được Thiên Chúa giao cho những trách vụ riêng theo ơn gọi và khả năng. Tôi đã được Thiên Chúa trao cho những phận vụ nào và tôi đã chu toàn những phận vụ đó như thế nào?
2/ Trong đoạn thư gởi tín hữu Thêxalônica, thánh Phaolô vừa cho thấy sự nhiệt thành của một sứ giả loan báo Tin Mừng, vừa bày tỏ tâm tình dịu dàng của một người mục tử. Như là sứ giả Tin Mừng, thánh nhân chấp nhận thiệt thòi, sẵn sàng hy sinh để Tin Mừng được rao giảng. Như là mục tử, thánh nhân cư xử dịu dàng và thân ái, đúng theo tinh thần của Tin Mừng mà ngài rao giảng. Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi để trở nên những sứ giả Tin Mừng nhiệt thành, và những mục tử nhân ái theo gương thánh Phaolô.
3/ Chúa Giêsu khiển trách những nhà lãnh đạo tôn giáo về cách sống giả hình, vì việc làm của họ không nhằm tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ để tôn vinh chính mình. Đồng thời, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy biết khiêm tốn phục vụ, vì “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi theo gương Chúa Giêsu hạ mình xuống, làm mọi việc để tôn vinh Thiên Chúa, thì lại được Thiên Chúa tôn vinh (x. Ga 13,31-32). Tôi đã làm gì để tôn vinh Chúa, hay tôi chỉ làm những việc tôn vinh chính mình?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Giêsu đã dạy và nêu gương cho các môn đệ bằng chính đời sống khiêm nhường phục vụ của Người. Với quyết tâm thực thi những điều Chúa dạy, cộng đoàn chúng ta cùng cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời nguyện xin:
1. “Chúng tôi đã trở nên những kẻ bé mọn giữa anh em.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị mục tử trong Hội Thánh, biết noi gương phục vụ khiêm hạ của Thầy Chí Thánh, để đời sống chứng tá của các ngài luôn thu hút và giúp cho nhiều người nhận biết và tin yêu Chúa.
2. “Danh Ta đáng kính sợ trong các dân tộc.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, được ơn sáng suốt và khôn ngoan, biết quan tâm giúp đỡ cho người dân của mình không chỉ được đầy đủ về vật chất, mà còn đạt tới những giá trị tinh thần cao qúi.
3. “Đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bạn trẻ đang sống giữa một xã hội đầy dẫy cạm bẫy và gương mù, biết phân định đúng sai, tốt xấu, để có những quyết định cho đời mình phù hợp với lương tâm và Tin mừng.
4. “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn sống khiêm tốn hòa thuận với nhau, sẵn sàng hy sinh công sức và quyền lợi bản thân cho lợi ích chung của cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Chúa là cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn giúp sức để chúng con biết hăng hái thực hành lời dạy của Con Chúa, và theo sát gương khiêm nhường phục vụ của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Các bài suy niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên A (Nhiều tác giả)
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm A
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN A
Anh chị em thân mến,
Tuần trước chúng ta cùng nhau suy niệm về một vấn đề được coi là cốt lõi trong đạo của Chúa . Đó là vấn đề có liên quan đến giới luật yêu thương. Hôm nay Giáo hội muốn cho chúng ta suy gẫm tiếp về một trong những khía cạnh khác cũng có liên hệ đến vấn đề trên. Có thể nói đây là khía cạnh quan trọng nhất để giúp cho chúng ta dễ thực hiện giới luật yêu thương của Chúa. Đó là sự khiêm nhường, một nhân đức mà các nhà tu đức gọi là nhân đức nền tảng của đời sống thiêng liêng.
I. Như anh chị em đã biết khiêm nhường thì đối nghịch với kiêu ngạo. Mà Chúa thì không thích sự kiêu ngạo vì người kiêu ngạo thường không sống thực với lòng của mình.
– Người kiêu ngạo thường đánh giá mình theo cái mình có hơn là theo cái mà công đồng Vat gọi là cái mình là.
– Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa hay đả kích những người Biệt phái và luật sĩ cũng chỉ vì họ sống như thế.
* Họ tưởng họ có được một mớ hiểu biết về luật pháp là họ đương nhiên trở thành Thầy dạy mọi người.
* Họ tưởng họ có cái quyền nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo là tất nhiên họ trở thành nhà mô phạm đối với mọi người.
* Họ tưởng họ có được một chỗ nhất trong đám tiệc, một chỗ cao trong hội đường là tự nhiên họ phải được mọi người nể vì và kính phục.
– Rõ ràng Chúa không bằng lòng với kiểu tự đánh giá mình như thế. Chúa có một cái nhìn khác về cuộc sống chứ không theo cái nhìn tầm thường như vậy.
* Đối với Chúa thì cuộc sống của những người biệt phái và luật sĩ chỉ là cuộc sống hình thức mà không có nội dung – có cái mã ở bên ngoài mà không có thực chất ở bên trong.
* Đã có rất nhiều lần Chúa quở trách họ một cách rất nặng lời. Thậm chí Chúa ví họ như những mồ mả bên ngoài sơn phết rất đẹp nhưng bên trong thì toàn là mùi xú uế.
– Đối với Chúa thì có phải nói có, không thì phải nói không. Và Chúa nhấn mạnh thêm: thêm điều đặt chuyện là do ma quỉ mà ra.
– Chúa thích cái gì là thật, là đúng.
Trong Tin Mừng Chúa đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em.” André Frossard thuộc viện hàn lâm Pháp là bạn thân của Đức thánh Cha Gioan Phaolô II có lần đã hỏi Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, nếu phải chọn lấy một lời duy nhất của Tin Mừng để công bố thì Đức Thánh Cha sẽ chọn lời nào ?” Không một chút trần trừ, không cần phải suy nghĩ, Đức Thánh Cha trả lời ngay: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”. Sống theo sự thật là sống khiêm nhường. Thánh Têrêsa Avila đã quả quyết như thế.
2. Vậy thì sống khiêm nhường là sống như thế nào ?
– Thay vì đưa ra một ý kiến riêng tôi xin mượn cách trả lời của văn hào Dostoievsky. Theo ngôn ngữ của Dostoievsky thì sống theo sự thật là biết sống thực với căn tính của mình và góp phần vào việc xây dựng một mối quan hệ hoàn toàn mới đối với những người khác.”
* Căn tính của tôi là gì ? – Chỉ là một thụ tạo không hơn không kém. Là một thụ tạo cho nên tôi phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, phải đặt mình dưới uy quyền của Ngài. Trong Tin Mừng có lần Chúa kể một câu truyện về hai người lên đền thờ để cầu nguyện: Một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái cầu nguyện trong tư thế đứng thẳng, đứng giữa cung thánh và cầu nguyện bằng cách phô trương công đức trước Thiên Chúa. Thái độ như thế không phải là thái độ của người khiêm nhường. Ngược lại người thu thuế cảm thấy mình bất xứng trước Thiên Chúa cho nên anh ta đứng cúi đầu xuống đấm ngực ăn năn và cầu xin lòng thương xót của Chúa. Thái độ như thế là thái độ của một thụ tạo khi đối diện với Đấng tạo thành. Và đó là thái độ của kẻ khiêm nhường. Trong Tin Mừng chúng ta còn thấy một lần kia, sau khi được chứng kiến mẻ cá lạ, Phêrô một ngư phủ dầy dặn về nghề đánh bắt cá, đã quì sụy lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa với Người: “Lạy Ngài . xin tránh xa con vì con là một người tội lỗi.” Thái độ đó là thái độ của một thụ tạo và đó cũng là thái độ của người khiêm nhường.
* Và từ thái độ của một thụ tạo trước Thiên Chúa mà tôi phải đi tới một thái độ khác đó là tôi phải coi và đối xử với mọi người như anh em. Lý do tại sao thì Chúa đã cho biết trong Bài TM hôm nay: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Chúng ta là con của cùng một Thiên Chúa là Cha…và cùng là người được Chúa Giêsu cứu chuộc. Mọi thái độ có tính cách “cha-chú” đối với nhau đều không phải là thái độ của những người anh em và chắc là không phải là thái độ của những người biết sống khiêm nhường.
* Hơn thế nữa, nếu đọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Chúa còn cổ võ một nếp sống có tính cách quyết liệt và cao hơn nữa: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ phải là người phục vụ”. Đây quả là một quan niệm thật mới và táo bạo thời đó . Giữa lúc các xã hội còn đang bị chi phối bởi chế độ quân chủ và đầu óc con người còn nặng chất phong kiến mà Chúa đã có một quan niệm như thế thì phải nói là rất cách mạng. Không những Chúa nói mà Chúa còn sống như thế: “Thầy đến không phải được phục vụ mà là để phục vụ”.
II. Ngày 22.10.1978, trước mặt đầy đủ các vị trong hồng y đoàn, có khoảng chừng 100 phái đoàn ngoại giao và có khoảng 70.000 tín hữu tụ tập lại ở công trường Thánh Phêrô để tham dự buổi lễ đăng quang của người kế vị đức Gioan Phaolô I trên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố sự khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài bằng những lời rất cảm động sau đây: “Người kế vị mới của Phêrô trên tòa Roma này hôm nay xin được dâng lên Chúa Kitô một lời nguyện cầu thật chân thành, khiêm tốn và tin tưởng. Đó là xin cho có thể làm một nô bộc hay đúng hơn: làm nô bộc của các nô bộc của Người”. Và rồi người ta đã thấy Ngài đã sống như thế.
Trước đó, một vị Giáo hoàng cũng lấy danh hiệu là Gioan Phaolô. Đức Gioan Phaolô thứ I. Ngài chỉ sống trong chức vụ Giáo hoàng của Ngài một thời gian rất ngắn ngủi: chỉ có 33 ngày. Nhưng cuộc sống của Ngài đã để lại nhiều ấn tượng thật tốt đẹp. Jean Villot vị thư ký riêng của Ngài đã nói về Đức Thánh Cha với những lời lẽ cảm động như thế này: “Bên cạnh Ngài, tôi đã được sống những kinh nghiệm đạo đức phong phú nhất cuộc đời của tôi”
Trở về trước đó một chút nữa, ngày 14-12-1975, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giáo Hội Roma và Giáo hội chính thống Constantinopolis xóa bỏ sự khai trừ lẫn nhau có từ thế kỷ thứ 11 dẫn tới sự ly khai như Lịch sử đã cho chúng ta biết, một buổi lễ chính thức đã được cử hành long trọng trong nhà nguyện Sixtine nơi vẫn diễn ra các cuộc bầu cử Giáo hoàng. Tham dự buổi lễ hôm đó có 40 vị hồng y, toàn thể ngoại giao đoàn, các đại diện dòng tu nam nữ. Buổi lễ diễn ra trong một bầu khí thật đạo đức và thánh thiện. Vào gần cuối buổi lễ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm cho mọi người tham dự phải sửng sốt. Ngài tiến lại gần Đức Tổng Giám Mục Mêliten, vị Giáo chủ chính thống giáo, Ngài quì xuống, vén áo và hôn chân vị Giáo chủ này. Mọi người đều ngỡ ngàng.
Phải chăng đây là một sự hạ mình quá đáng ? Làm như vậy có thế mất thể diện chăng ? – Không. Không phải là hạ mình, cũng không phải là mất thể diện, mà là thể hiện tinh thần của Bài TM hôm nay. “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Dostoievsky nói: “Nếu mọi người hiểu được điều ấy thì thế gian này sẽ trở thành Thiên đàng”. Amen.
Nghe giảng Chúa nhật XXXI thường niên năm A (2011-2023)
(Mt. 23:1-12)
GIẢ HÌNH
Các thầy thông luật ngồi trên,
Có quyền dậy dỗ, khuyên nên nghe lời.
Hãy làm, tuân giữ lời mời,
Đừng theo tật xấu, có nơi các thầy.
Không làm mà nói rất hay,
Chất vai gánh nặng, đắng cay muộn phiền.
Phô trương công đức triền miên,
Thẻ kinh nới rộng, may viền khoe khoang.
Dành phần chỗ nhất huênh hoang.
Bái chào nơi phố, huy hoàng giả danh.
Xưng hô kính trọng đã dành,
Giả hình rỗng tuếch, thực hành thì không.
Danh ‘thầy’ thích gọi đám đông,
Anh em chung sống, mặn nồng có nhau.
Một Thầy chỉ đạo trước sau,
Giê-su chí ái, hãy mau phụng thờ.
Ai người quyền thế bây giờ,
Là người phục vụ, cậy nhờ đỡ nâng.
Khiêm nhu tự hạ xin vâng,
Tập tành nhân đức, phó dâng đổi đời.
Chúa Giêsu đã vạch trần sự giả hình của những người Biệt Phái. Nhóm người Biệt Phái được coi như những bậc thầy trong tôn giáo. Họ thay mặt Chúa lãnh đạo, hướng dẫn và dạy bảo dân chúng. Họ đặt ra nhiều thứ luật lệ và chất gánh nặng lên vai người khác. Họ nói mà không làm và chỉ dạy mà không giữ. Lời nói của họ không đi đôi với việc làm.
Chúng ta cảm thấy Lời Chúa như đang nói với chính chúng ta. Biết rằng vì bản tính yếu đuối, chúng ta thấy có sự cách biệt không ít giữa lý tưởng và cuộc sống thực tế. Giữa lời giảng dạy, khuyên bảo và cuộc sống thực còn cách xa. Sự cách biệt này đươc gọi là giả hình. Mỗi người chúng ta đều sống giả hình trong mức độ nào đó. Thánh Phaolô nói rằng sự lành tôi muốn, tôi không làm; còn sự dữ, tôi không muốn, tôi lại làm.
Không ai trong chúng ta có thể tự nhiên là người hoàn hảo. Bản tính yếu đuối lầm lạc chính là cơ hội giúp chúng ta vươn lên. Điều Chúa trách cứ không phải là sự yếu đuối, nhưng là thái độ cố chấp và mù quáng. Cố tình từ chối tình trạng bất toàn của mình để sửa đổi.
Đôi khi chúng ta nghe rằng có vài người rời bỏ Giáo Hội, cộng đoàn hay nhóm hội. Họ nghĩ rằng các giám mục, linh mục đã không thực hành điều họ dạy. Điều này có phần đúng. Những việc giữ đạo và sống đạo cần thiết giúp chúng ta nên hoàn thiện mỗi ngày. Chúng ta cũng biết rằng là con người, trong chức vụ nào cũng thế, cần phải cố gắng không ngừng để hoàn thiện chính mình. Lời khuyên sống đạo vẫn có giá trị cho cuộc sống mỗi người. Các giám mục , linh mục là dụng cụ Chúa dùng. Họ cũng có những yếu đuối cần khắc phục. Không ai quá xấu như chúng ta tưởng.
Chỉ có Chúa là thầy dạy hoàn hảo. Còn tất cả chúng ta là anh em với nhau. Chúng ta cần có nhau để sống bác ái trong tình người. Qua các ơn gọi, Chúa trao cho mỗi người một trách nhiệm. Sự hiện diện của Chúa qua các bề trên như giám mục, linh mục, cha mẹ, thầy cô, những người lãnh đạo… Chúng ta cùng thông cảm với những yếu đuối của họ. Họ cũng là những con người bất toàn như chúng ta. Đây là những con người cần được chữa lành, soi sáng và nâng đỡ.
Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống.
THỨ HAI, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 12-14).
TRI ÂN
Ngỏ lời thủ lãnh trong dân,
Chúa khuyên tế nhị, ân cần nghĩ suy.
Khi ông dọn tiệc đại bi,
Đừng mời bạn hữu, tông chi họ hàng.
Đáp tình, mời lại người làng,
Chẳng công ân nghĩa, tiếng vang ở đời.
Khi ông đãi tiệc hãy mời,
Những người nghèo khó, không nơi nương nhờ.
Đui mù, tàn tật, khù khờ,
Đền ơn chẳng có, chỉ chờ thi ân.
Lập công cao quý thế trần,
Nêu gương bác ái, thế nhân cao vời.
Muối men ánh sáng giữa đời,
Thương người nghèo khó, ơn trời phúc ban.
Yêu người mến Chúa sẻ san,
Ngày sau hưởng phước, chứa chan ơn lành.
THỨ BA, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 15-24).
TIỆC CƯỚI
Đồng bàn dự tiệc thưa rằng:
Phúc ai ăn tiệc, vĩnh hằng trời cao.
Dụ ngôn Chúa kể truyền rao,
Người kia dọn tiệc, đãi khao mọi người.
Thiệp mời thực khách nhiều nơi,
Tới giờ khai tiệc, chối mời không đi.
Lý do xin kiếu phụ tùy,
Có người tậu ruộng, phải đi khám điền.
Đôi bò mới tậu chợ phiên,
Ở nhà đi thử, nơi miền đất xa.
Có người cưới vợ hôm qua,
Thật lòng xin kiếu, bỏ qua đừng phiền.
Chủ nhà nổi giận dĩ nhiên,
Sai người đầy tớ, ra hiên đón mời.
Công trường ngõ hẻm mọi nơi
Đui mù hành khất, xin mời vào ngay.
THỨ TƯ, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 25-33).
TIÊN LIỆU
Đám đông theo Chúa hằng ngày,
Chúa không câu nệ, giãi bày cảm thông.
Chối từ cha mẹ, vợ chồng,
Hy sinh mạng sống, góp công Nước Trời.
Vác mang thập giá ở đời,
Trở thành môn đệ, gọi mời hiến thân.
Dụ ngôn Chúa dậy thế nhân,
Trước tiên tính toán, từng phần đắn đo.
Muốn xây lầu tháp phải lo,
Bao nhiêu phí tổn, trong kho sẵn sàng.
Ra công hoàn tất mọi đàng,
Không ai chế diễu, bẽ bàng cười chê.
Vua nào giao chiến tư bề,
Phải lo dự liệu, cận kề đối phương.
Biết rằng yếu kém nhún nhường,
Giải hòa cuộc chiến, mở đường cầu an.
THỨ NĂM, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 15, 1-10).
TRỞ VỀ
Những người tội lỗi đến gần,
Lắng nghe Thầy giảng, tinh thần cải tân.
Các thầy Luật Sĩ góp phần,
Mấy người Biệt Phái, tự phân phê bình.
Ông nầy đón tiếp cùng đinh,
Gian tham tội lỗi, chúng sinh ngồi cùng.
Dụ ngôn Chúa dậy bao dung,
Con chiên lạc mất, trong vùng đồng hoang.
Bỏ đàn, tìm thấy, ôm choàng,
Trên vai mang vác, cả làng mừng vui.
Đàn bà mất đồng tiền xui,
Kiếm tìm đồng bạc, tới lui trong nhà.
Đốt đèn dọn dẹp lối ra,
Tới khi tìm được, quí bà hân hoan.
Tội nhân sám hối cải hoàn,
Trên trời mừng rỡ, trần hoàn vui ca.
THỨ SÁU, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 16, 1-8).
CÔNG BẰNG
Một người phú hộ giầu sang,
Có người quản lý, lầm đàng gian tham.
Anh ta mánh khóe việc làm,
Chủ nhân sa thải, sao cam phận đời.
Khôn lanh tính toán tiền lời,
Đến từng con nợ, gọi mời sửa sai.
Kiểm tra văn tự quản cai,
Khấu trừ sửa chữa, kê khai số thùng.
Kho hàng thua thiệt vô cùng,
Lấy phần của chủ, lạm dùng riêng tư.
Tha cho kẻ nợ bù trừ,
Số lương sổ sách, của dư đáp đền.
Mai sau thất sủng tựa bên,
Đền công ưu đãi, không quên bạn bè,
Quản gia khôn khéo áp phe,
Bất lương gian dối, bao che lỗi lầm.
THỨ BẢY, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 16, 9-15).
CHỌN LỰA
Dùng tiền gian dối ở đời,
Tìm mua bạn hữu, kiếm lời mai sau.
Phòng khi mất hết qua mau,
Bạn bè đón tiếp, kiếp sau hưởng nhờ.
Kẻ nào trung tín trông chờ,
Dù là việc nhỏ, đơn sơ cõi đời.
Mỗi người một chủ trong đời,
Làm tôi Thiên Chúa, tuyệt vời biết bao.
Chủ ông tiền bạc tự hào,
Đồng tiền gian dối, dẫn vào bến mê.
Tham lam Biệt Phái lỗi thề,
Nhạo cười phỉ báng, khinh chê lời Thầy.
Chúa còn nhắc nhủ thế nầy,
Phô trương công chính, khen hay người đời.
Trước tòa Thiên Chúa trên trời,
Tinh tường thấu tỏ, lòng người thế gian.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17206