Sống lời Chúa lễ Hiển Linh năm B 07.01.2024
Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1 Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha :
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.
Đáp ca: Tv 71,1-2.7-8.10-11.12-13 (Đ. x. c.11)
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
1 Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
12 Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Bài đọc 2: Ep 3,2-3a.5-6
Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
2 Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3a Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là : trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Tung hô Tin Mừng: Mt 2,2
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mt 2,1-12
Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các nhà Chiêm Tinh?
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh
Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a.5-6; Mt 2, 1-12
ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông,
nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (Mt 2, 2)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Đoạn sách Isaia 60, 1-6 được xem là lời an ủi dành cho thành Giêrusalem. Tiếp nối mạch ý tưởng của “sách an ủi” trong Isaia Đệ Nhị (40-55), tác giả muốn củng cố niềm tin và hy vọng cho Giêrusalem sau bao nỗi khó khăn nhục nhằn của cuộc lưu đày. Rồi đây, Giêrusalem sẽ được chiếu sáng, được gặp lại con cái mình và ngoại bang sẽ đến để tăng cường lực lượng, của cải, dân số.
Trước hết, thời kỳ lưu đày là một khoảng thời gian đau buồn trong lịch sử Israel trong đó dân Chúa trở thành đối tượng bị nhạo cười, chế giễu (Tv 80, 7). Cuộc sống của dân Chúa trong thời gian đó không khác gì đi trong đêm tối. Giêrusalem không còn là niềm tự hào mà là sự ô nhục của dân Israel. Trong bối cảnh đó, Isaia khơi lên niềm tin và hy vọng bằng lời mời gọi hãy đứng lên mà tỏa sáng vì chính Thiên Chúa là “bình minh chiếu tỏa” trên Giêrusalem. Ánh huy hoàng của Giêrusalem không do nó tự tạo nên, không đến từ những chiến công hiển hách mà đến từ chính Đức Chúa.
Hơn nữa, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên Giêrusalem mà các dân nước xung quanh sẽ nhận ra và kéo đến. Ánh sáng không chỉ soi sáng giới hạn cho dân cư Giêrusalem mà thôi nhưng còn là thứ ánh sáng đủ mạnh, đủ sáng, đủ hấp dẫn để thu hút chư dân. Ánh sáng cũng soi đường để cho con cái Israel tản lạc từ phương xa được trở về, trở về trong niềm vui sướng và tự hào (Is 60, 4b). Như vậy, ánh sáng của Thiên Chúa tạo nên điểm hội tụ và gặp gỡ, không chỉ giữa con cái Israel với nhau mà thôi, mà còn mở rộng ra để quy tụ cả dân ngoại.
Sau cùng, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa, “mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (Is 60, 5). Ánh sáng của Thiên Chúa làm cho sức hút của Giêrusalem trở nên mãnh liệt, không những lôi kéo muôn dân kéo đến mà còn mang theo cả của cải. Tất cả đều do bàn tay Thiên Chúa định liệu và sắp xếp (x. Is 66, 12).
Nhờ “ánh sáng” của Thiên Chúa mà “muôn dân” từ các địa danh khác nhau như “Mađian, Êpha và Saba” mang theo “vàng với trầm hương” đến Giêrusalem; qua hình ảnh này, ngôn sứ Isaia như muốn cho thấy tính chất đại đồng của ơn cứu độ. Rồi đây những điều này sẽ được “ứng nghiệm” trong bài trình thuật của thánh Mátthêu về ba nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài Nhi Giêsu.
2. Bài đọc 2
Một trong những câu hỏi mà các Kitô hữu gốc Do Thái thời Giáo hội sơ khai đặt ra là liệu dân ngoại có được cứu độ và được cứu độ nghĩa là thế nào. Thánh Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại, trả lời rõ ràng trong thư Êphêsô, thư gởi cho các Kitô hữu gốc dân ngoại, rằng: đó là kế hoạch của Thiên Chúa, đã có từ trước muôn đời, loài người không hề được biết, nhưng nay Thiên Chúa đã mạc khải ra (Ep 1, 9-10; 3, 3-10). Mầu nhiệm này được thực hiện nơi Đức Kitô và được công bố trong Hội Thánh nhờ các Tông Đồ, cách riêng Phaolô. Mầu nhiệm đó là gì ?
Tác giả thư Hípri khẳng định rằng Thiên Chúa đã từng mạc khải cách tiệm tiến qua các ngôn sứ trong Cựu Ước, nhưng đến thời sau hết này Ngài mạc khải cách đầy đủ và trọn vẹn qua Thánh Tử (Hr 1, 1-2). “Trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng” (Ep 3, 6), Thiên Chúa mạc khải cho con người kế hoạch cứu độ cách tròn đầy, trong đó có chỗ cho cả dân ngoại. Đoạn thư Êphêsô nêu lên ba điểm quan trọng của mầu nhiệm này:
– Một là, trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng, dân ngoại được trở nên những người đồng thừa kế. Thật vậy, dân ngoại cũng xứng đáng được nghe Tin Mừng và trong Đức Kitô, những ai tin đều được trở nên con Thiên Chúa (Ga 1, 12). Dân Do Thái tự hào mình là con cái Thiên Chúa, nhưng tư cách làm con đó giờ đã được mở rộng ra cho dân ngoại nữa. Một khi tin vào Đức Kitô, dân ngoại cũng trở nên con Thiên Chúa và vì là con, họ được hưởng trọn vẹn quyền lợi của những người con, đó là được trở nên những người đồng thừa kế.
– Hai là, trong Đức Kitô và nhờ tin vào Tin Mừng được rao giảng cho cả dân ngoại, họ được trở nên thành phần của cùng một thân thể. Phaolô khẳng định rằng chính Đức Kitô “đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một… đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2, 14-15). Trong Đức Kitô, không còn bất kỳ một sự phân biệt, không còn bất kỳ sự chia cắt nào giữa những người cùng tin vào Đức Kitô; họ đều được liên kết chặt chẽ với Đức Kitô thế nào thì cũng vì thế mà được liên kết với nhau như vậy.
– Ba là, dân ngoại cũng được đồng chia sẻ lời hứa. Nếu như trước kia dân ngoại “không có Đấng Kitô, không được hưởng quyền công dân Israel… xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa” (Ep 2, 14), thì nay nhờ tin vào Đức Kitô, họ được chia sẻ những gì Thiên Chúa đã hứa với dân Do Thái. Xưa kia con cháu Israel nhận được lời hứa của Thiên Chúa qua tổ phụ Ápraham (x. Gl 3, 18.29), thì nay dân mới của Thiên Chúa bao gồm cả dân ngoại cũng được chia sẻ lời hứa ấy qua chính Đức Kitô (Ep 3, 6; x. Gl 3, 16).
3. Bài Tin Mừng
Bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu vẽ lên cho chúng ta khung cảnh đối nghịch giữa hai nhóm người Do Thái và dân ngoại về hành động (ra đi tìm kiếm hay thờ ơ, thụ động) và thái độ (đón nhận hay chối từ).
Bài Tin Mừng đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng Thiên Chúa, qua ánh sao của mầu nhiệm Giáng Sinh, tỏ mình ra không chỉ cho dân Do Thái mà còn cho cả dân ngoại, nhưng phản ứng của mỗi nhóm lại khác nhau. Ba nhà chiêm tinh, đại diện cho nhóm dân ngoại, khi thấy ánh sao đã nhanh chóng chủ động lên đường tìm kiếm. Họ dùng những phương tiện và khả năng mình có để tìm cho ra nguồn gốc của ánh sao trời.
Trái lại, sự “bối rối” của vua Hêrôđê, “bối rối” và sự “xôn xao” của cả thành Giêrusalem là biểu hiện sự ngạc nhiên; ngạc nhiên của sự thờ ơ, thụ động. Họ thông thạo Kinh Thánh, biết chính xác nơi sinh của “Đấng Kitô” là tại Bêlem, nhưng lại tỏ ra bàng quan; họ không thấy hay vờ như không nhận ra ánh sáng sao trời. Nếu đem so sánh khoảng cách từ Bêlem tới Giêrusalem với quãng đường mà những người “từ phương Đông” phải vượt qua để gặp Hài Nhi Giêsu thì mới thấy khoảng cách lòng người mới là yếu tố quyết định.
Thánh Phaolô đã diễn tả sự thay đổi ngoạn mục này: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2, 13); trái lại, những người được xem là “ở gần”, rất gần cả về không gian lẫn thời gian, lại là những người “ở xa”, xa đến nỗi không thể nhận ra ánh sáng sao trời.
Sau nữa, bài Tin Mừng còn cho thấy sự đối nghịch về thái độ. Một đàng, các nhà chiêm tinh không tìm kiếm vì tính tò mò nhưng vì một niềm xác tín về một vị vua mới sinh đáng cho họ tôn thờ. Ngay từ trước lúc lên đường, họ đã chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ lớn lao. Cử chỉ “vui mừng” khi thấy ngôi sao xuất hiện trở lại và thái độ cung kính thờ lạy, dâng những phẩm vật họ mang theo vừa thể hiện thái độ xác tín vừa cho thấy lòng kính tôn thần phục của họ đối với Hài Nhi Giêsu.
Đàng khác, hành động “bí mật”, “hỏi cặn kẽ” các nhà chiêm tinh và lời hứa “để tôi cũng đến thờ lạy Người” của vua Hêrôđê (Mt 2, 7-8) chỉ là chiếc mặt nạ che dấu một âm mưu nham hiểm sẽ sớm bị bóc trần (Mt 2, 12). Rõ ràng, ngay từ đầu những người “ở gần” như vua Hêrôđê đã không hề có ý định muốn kiếm tìm hay đón nhận mạc khải của Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giêsu. Họ không đón nhận ánh sáng cũng đồng nghĩa với việc họ đang sống trong tối tăm.
Tác giả Tin Mừng thứ tư cũng đã loan báo về sự xuất hiện của ánh sáng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9), nhưng đồng thời ông cũng chua chát nhận ra một sự thật phũ phàng về sự chối từ của những người được xem là “người nhà”, những người “ở gần” rằng: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Tóm lại, Thiên Chúa, qua việc sinh hạ của Hài Nhi Giêsu, mạc khải ơn cứu độ của Ngài cho mọi người. Đón nhận hay chối từ, tìm kiếm hay thờ ơ, tôn thờ hay tìm cách loại trừ, chấp nhận ánh sáng hay ở lại trong tối tăm là sự lựa chọn của mỗi người. Coi chừng! Những người tưởng mình “ở gần”, có khi lại đang “ở rất xa”, còn những người bị xem là “ở xa” lại biết tìm “lại gần”.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa đem lại niềm vui và hy vọng cho Giêrusalem vì đó là ánh sáng báo hiệu thời kỳ đen tối đã qua; và nhờ ánh sáng đó, muôn dân tuôn đến mà tôn thờ Thiên Chúa của Israel. Tôi có nhận ra ánh sáng của Chúa trong cuộc đời mình ? Tôi có để cho ánh sáng của Chúa lan tỏa đến những người xung quanh, nhất là những người chưa nhận biết Chúa, bằng chính gương sáng đời mình khi tôi biết đem lại niềm vui và hy vọng cho người khác ?
2/ Thánh Phaolô xác quyết rằng “trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng”, dân ngoại cũng được chia sẻ lời hứa cứu độ với dân Israel, hợp thành một thân thể. Ơn cứu độ không dành riêng cho bất cứ ai mà là cho mọi người nhờ nghe rao giảng Tin Mừng mà tin vào Đức Kitô. Tôi có sẵn sàng rao truyền Tin Mừng mà tôi đã lãnh nhận, để những người khác cũng tin vào Đức Kitô và cùng tôi hợp thành dân mới là Hội Thánh, có Chúa Kitô là đầu ?
3/ Qua bài Tin Mừng Mátthêu, Thiên Chúa tỏ mình ra cách rõ ràng cho dân ngoại, để họ cũng tìm tới mà tôn thờ Hài Nhi Giêsu. Họ là những người “ở xa” nhưng đã tìm cách “lại gần” để tôn thờ Con Thiên Chúa Nhập Thể. Mátthêu đồng thời cảnh báo những người “ở gần”, nhưng lòng họ lại “rất xa” Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã từ xa đến gần với con người qua mầu nhiệm Nhập Thể. Lòng tôi đang “ở xa” hay “ở gần” Người ? Tôi có tìm cách “đến gần” Người mỗi ngày ? Tôi có làm cầu nối giúp cho những người “ở xa” Thiên Chúa “đến gần” Ngài ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa muốn tỏ mình cho nhân loại và cứu độ tất cả mọi người trong Con Một yêu dấu của Người. Vì thế, những ai vững lòng dõi theo ánh sáng của Chúa soi dẫn sẽ tìm thấy ơn cứu độ. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin tưởng cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo ơn cứu độ phổ quát cho thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết nỗ lực trở nên những ánh sao dẫn đường cho muôn dân bằng một đời sống gương mẫu đạo đức và luôn dấn thân phục vụ.
2. “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu ?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí luôn khao khát chân lý, tìm thấy trong Tin Mừng của Chúa Kitô nguồn ánh sáng đích thật, giúp họ định hướng cuộc đời trong hy vọng và bình an.
3. Các đạo sĩ đã gặp được Hài Nhi Giêsu và bái lạy Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các cộng đoàn kitô hữu luôn hợp nhất và không ngừng gắn bó mật thiết với Đức Giêsu qua việc tham dự cách ý thức và tích cực vào hy tế Thánh Thể cùng các cử hành phụng vụ.
4. Họ đã dâng tiến Hài Nhi lễ phẩm: vàng, nhũ hương và một dược. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tiến dâng cho Thiên Chúa của lễ cao quí xứng hợp là chính con người cùng cuộc sống với những việc làm tốt lành và thánh thiện.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhận tâm tình cảm tạ và những ý nguyện chân thành của chúng con, cùng ban ơn giúp sức để chúng con luôn vững bước trong ánh sáng của Đức Kitô và biết làm cho ánh sáng ấy bừng lên trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
Mt 2.1-12
Bài Tin mừng hôm nay nói cho chúng ta biết rằng khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Belem thì có một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.
Hẳn là đã có nhiều người thấy ánh sao lạ, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ đã nhận ra đó là “tín hiệu” loan báo Chúa Cứu thế giáng sinh.
Con trẻ sinh ở Bêlem hẳn nhiều người đã thấy hoặc đã biết, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ nhận ra rằng trẻ sơ sinh đó chính là Con Thiên Chúa làm người và các ngài đã quỳ xuống dâng kính Ngài lễ vật cũng như thờ lạy Ngài. Tại sao thế?
KẺ THẤY NGƯỜI KHÔNG
Đứng trước cùng một sự kiện mà có kẻ thấy người không, kẻ tìm ra ý nghĩa người không. Vậy thì làm sao mà cắt nghĩa được sự khác biệt đó?
Nguyên nhân gây ra khác biệt là do một bên nhìn bằng con mắt thường một bên nhìn bằng đức tin, con mắt của con tim. Bên nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy những việc thông thường, còn bên nhìn bằng con mắt đức tin, con mắt của con tim thì nhờ đức tin và tình yêu mà khám phá ra được thực chất và ý nghĩa ở bên trong.
Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã làm bật lên những tiếng hò reo vui sướng tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt.
Từ trên xe lửa, những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của những người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng:
– Mẹ!
Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Người mẹ già xót xa:
– Làm sao một người mù như con lại có thế tìm đến với mẹ ?
Người lính mù ấy đáp:
– Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.
Sự vật thay đổi diện mạo và ý nghĩa tùy theo cách nhìn và mức độ quan sát của mỗi người. Cùng một giọt máu nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy màu đỏ, còn quan sát bằng kính hiển vi thì có thể đếm được hồng cầu và bạch cầu. Đức tin cũng giống như một thứ kính hiển vi. Nó giúp cho người ta thấy rõ hơn, lớn hơn, thật hơn. Bởi thế đức tin là một sự khám phá, một cái nhìn tinh tế theo chiều sâu, một thứ ánh sáng cực mạnh dội vào sự vật giúp ta nhìn thấy tận bên trong. Chính vì các đạo sĩ có lòng tin nên đã nhận ra Con Thiên Chúa trong khi những người khác chỉ thấy một trẻ thơ.
KINH NGHIỆM NỘI GIỚI
Như vậy thì đức tin có phải là cái gì hoàn toàn chủ quan không? Người tin có phải chỉ là một người bị ám ảnh bởi một đối tượng do chính mình tưởng tượng ra?
Đức tin thật ra không hoàn toàn khách quan mà cũng không hoàn toàn chủ quan.
Không hoàn toàn khách quan vì những điều người tín hữu tin không thể cân, đo, đong, đếm được. Không thể chứng minh bằng lý luận như một bài toán hay một định luật khoa học, không thể viết thành công thức đưa vào máy điện toán để kiểm chứng. Tin là một xác tín cá nhân chỉ chắc chắn cho chính người tin.
Nhưng đức tin cũng không hoàn toàn chủ quan vì không phải chỉ có một người tin nhưng hằng bao nhiêu tỷ người thuộc các thế hệ cùng tin. Và những người tin này đều lành mạnh, tỉnh táo, sáng suốt, trong đó có biết bao nhiêu nhà bác học hàng đầu của thế giới. Chẳng hạn ở thế kỷ XIX, trong số 432 nhà bác học lớn đã có tới 357 Kitô hữu.
Thực ra đức tin là một thứ kinh nghiệm nội giới độc đáo có tính riêng tư. Trong lãnh vực tôn giáo, mỗi người phải cảm nghiệm cho mình bằng tâm hồn. Tự chúng, những thực tại tôn giáo không thế chứng minh được, lý lẽ nào cũng chỉ là gợi ý có tính thuyết phục tương đối. Vì thế mới cần đến chứng tá đời sống. Chính đời sống sẽ biện minh cho những gì không thế giải trình bằng lý luận.
Đức tin cũng giống như cảm hứng và cái nhìn của nghệ sĩ. Nghệ sĩ hơn người ở chỗ cảm thấy cái đẹp, nhìn thấy cái đẹp, nhận diện được cái đẹp ở những nơi, vào những lúc mà người thường chẳng thấy gì cả. Không thể nói người nghệ sĩ bịa đặt ra một cái gì thực ra không có, nhưng phải nhìn nhận rằng tâm hồn không có tính nghệ sĩ là tâm hồn thiếu nhạy bén. Người có đức tin giống nghệ sĩ ở chỗ tâm hồn cởi mở, nhạy cảm nên nắm bắt, lĩnh hội được cái vô hình. Tâm hồn người tín hữu bắt trúng tần số.
LÒNG THÀNH VÀ ƠN THÁNH
Bởi đâu người có đức tin lại có một cái nhìn thấu suốt như vậy? Có điều kiện nào để con người có thể có được một đức tin trong sáng như thế hay không?
Thưa có. Đó là sự thành tâm thiện chí, sự ngay thật khiêm tốn trong tâm hồn. Thiếu những điều kiện đó đức tin khó có thể nảy sinh.
Tuy nhiên dầu có tất cả những điều đó cũng vẫn chưa đủ. Còn cần có tác động của Chúa trong tâm hồn. Nguồn mạch chính của đức tin là ơn Chúa. Đức tin trước hết là một hồng ân.
Chúng ta tin. Nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể tin. Chính Ngài mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta thấy và hiểu. Đức tin là một cuộc hiển linh: Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta được thấy Ngài. Chính Ngài rọi ánh sáng vào lòng chúng ta và rọi ánh sáng trên mọi sự để chúng ta có thể thấy. Lời thánh vịnh 39 thật có ý nghĩa: “Trong ánh sáng của Chúa chúng con nhìn thấy ánh sáng”. Mọi ánh sáng đều bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
Như vậy người tín hữu là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và nhìn thấy mọi sự trong và nhờ ánh sáng của Thiên Chúa.
Cũng như các đạo sĩ, người tín hữu đã được Thiên Chúa mở lòng mở trí, đã bắt được ánh sáng của Thiên Chúa, đã được đưa vào thế giới mới của Ngài. Phải gọi ơn này là gì? Gọi là ơn trời biển thì cũng chưa nói được gì về cái phúc của mình. Hãy tri ân và đừng bao giờ coi thường phúc đó.
Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau:
Một hôm, tình cờ tôi đi ngang qua một khu rừng, ông nghe thấy có một âm thanh kì lạ: cứ sau một tiếng gõ búa vào đá ông lại nghe thấy một tiếng cám ơn! Tò mò đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ Lamartine mới thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt lên hai tiếng “Cám ơn”.
Thi sĩ Lamartine nấn ná đến hỏi chuyện, người thợ đá mới giải thích: “Tôi tạ ơn Chúa”. Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than vất vả hơn nhiều người, thi sĩ bảo:
– Giả như bác được giàu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng “cám ơn”. Đàng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo nên bác. Và sau đó Ngài ban cho bác một cây búa, rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa? Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?
Nghe nói thế, người thợ đá mới hỏi vặn lại thi sĩ:
– Ông cho rằng, Thiên Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?
– Dĩ nhiên -Thi sĩ Lamartine bèn thách thức- Chúa chỉ nghĩ đến bác chỉ có một lần thôi!
Người thợ đá nghèo nhưng đầy lòng tin mếu máo thốt lên:
– Tôi nghĩ điều đó không gì là đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi, vậy không đủ tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa!
Nói xong, người thợ đá bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông! Vừa đập đá vừa cám ơn Chúa!
Nghe giảng Lễ Chúa Hiển Linh 2010-2024
Thánh ca Phụng vụ Chúa nhật lễ Chúa Hiển Linh
THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ HIỂN LINH. B
Mt. 2: 1-12
Khát khao
Ba nhà đạo sĩ từ phương xa tìm đến gặp Chúa Giêsu Hài Nhi. Họ là những người khôn ngoan. Thấy ngôi sao lạ, họ đã đi tìm kiếm. Chúng ta có thể nói, mọi người đều có thể nhìn thấy ngôi sao nhưng không phải mọi người đều hiểu được ý nghĩa. Muốn nhìn thấy sao, người ta phải ngước nhìn lên trời.
Ba nhà đạo sĩ không chỉ thấy ngôi sao lạ mà còn thấy ẩn ý nơi ngôi sao. Họ nhìn thấu qua dấu chỉ để đi tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ. Họ không quản ngại đường xá xa xôi cách trở, không ngại khó khăn và gian nan. Họ đã rời quê hương xứ sở để đi tìm theo dấu lạ. Họ đã dõi theo hướng sao lạ trong lòng tràn đầy niềm hy vọng tìm về nguồn chân lý.
Đôi lúc lạc hướng, họ đã dừng lại hỏi thăm. Tìm hiểu qua những lời loan báo trong Kinh Thánh, họ biết Đấng Cứu Thế sinh ra tại Belem. Họ đã tiếp tục lên đường tìm kiếm. Họ đã gặp được Ngài và đã bái phục tôn thờ Ngài. Họ đã nhận được phần thưởng lớn lao là gặp được chính Đấng mà thiên hạ bao năm đợi trông. Họ đã tiến dâng Chúa Hài Nhi các phẩm vật là vàng, nhũ hương và mộc dược.
Tìm sẽ gặp. Các đạo sĩ tìm và đã gặp Chúa. Họ đã trở về trong hân hoan theo con đường khác. Sau khi gặp được Đấng Cứu Thế, cuộc đời của họ đã thay đổi. Họ không màng thế sự trần gian nhưng trở về lòng tràn đầy hy vọng.
Trái lại, có những người ngồi nhà đợi tin: như Hêrôđê, như các thầy tư tế và các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, họ cậy dựa vào sách vở, vào uy quyền, vào khả năng chuyên môn và không muốn dấn thân tìm kiếm, họ đã không gặp được Chúa.
Muốn tìm gặp Chúa, chúng ta phải có thái độ khiêm nhường phó thác, tìm kiếm và học hỏi. Chúa vẫn hiện diện đó nhưng chúng ta không thấy và không gặp được Ngài. Bởi vì chúng ta không ngước mắt nhìn lên mà chỉ cúi xuống tìm kiếm những nhu cầu vật chất và quanh quẩn trong ước muốn tầm thường của con người.
Xin cho chúng con biết khao khát và tìm kiếm nguồn Chân Thiện Mỹ, chính Chúa là nguồn gốc và trung gian của cả vạn vật. Chúa là khởi điểm và cùng đích của tất cả mọi sự. Có Chúa là có tất cả.
THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
(Mt 4, 12-17. 23-25)
HỐI CẢI.
Tiền hô tống ngục nhà giam,
Nói lời chân thật, người phàm ghét ghen.
Gio-an nhân chứng muối men,
Rao truyền chân lý, ngợi khen Ngôi Lời.
Giê-su xuất hiện vào đời,
Bắt đầu rao giảng, Nước Trời ngay bên.
Ăn năn hối cải tội đền,
Cuộc đời thay đổi, xây nền vững tâm.
Quyết tâm xa lánh lỗi lầm,
Tin mừng giải thoát, giam cầm tự do.
Quyền năng Chúa chữa đừng lo,
Thân tâm bệnh hoạn, ban cho ơn lành.
Kinh phong quỉ ám hoành hành,
Xua trừ ám hại, Chúa đành đuổi xa.
Đoàn dân đông đảo ngợi ca,
Tin yêu một Chúa, mưa sa ơn trời.
THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
(Mc 6, 34-44)
THƯƠNG XÓT
Động lòng thương xót đoàn dân,
Bơ vơ vất vưởng, gian trần khó nguy.
Yêu thương tỉnh thức tư duy,
Tin mừng giảng dạy, phát huy tấm lòng.
Say mê mòn mỏi xoay vòng,
Lắng nghe lời Chúa, trong lòng ấm êm.
Vì thương vất vả ba đêm,
Chữa hồn nuôi xác, ban thêm ơn lành.
Có năm cái bánh để dành,
Thêm hai con cá, biến thành thức ăn.
Năm ngàn tín hữu cùng ăn,
Mười hai thúng vụn, tự căn phúc trời.
Tình thương lai láng tuyệt vời,
Chúa ban ân phúc, mọi người no say.
Tạ ơn Thiên Chúa hằng ngày,
Bánh ăn nước uống, đời này đời sau.
THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
(Mc 6, 45-52)
ĐỪNG SỢ
Thầy đây! đừng sợ hãi chi,
Quyền năng cao cả, từ bi vô ngần.
Thức đêm cầu nguyện ân cần,
Thuyền khơi ra bến, sóng dần nổi lên.
Môn đồ chèo chống hai bên,
Gió to sóng cả, dạt trên mũi tầu.
Chắp tay khấn vái nguyện cầu,
Xa kia bóng dáng, khấu đầu sợ lo.
Tưởng rằng ma quái rình mò,
Đi trên mặt nước, Thầy trò gặp nhau.
Yên tâm vững lái tiến mau,
Chính Thầy, đừng sợ, tới sau xum vầy.
Ngạc nhiên sự lạ tỏ bầy,
Quyền uy siêu việt, ơn Thầy tri ân.
Chúa ban phúc lộc nhân trần,
Tin yêu phó thác, tinh thần sướng vui.
THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
(Lc 4, 14-22a)
ỨNG NGHIỆM
Hội Đường tụ họp lắng nghe,
Tin Mừng cứu độ, trưa hè truyền rao.
Mọi người mong mỏi khát khao,
Lắng nghe Lời Chúa, trên cao tuyệt vời.
Về làng quê cũ gọi mời,
Nơi Người sinh trưởng, rạng ngời biết bao.
Đọc lời Kinh Thánh được trao,
Thánh Thần Chúa ngự, dạt dào hồn tôi.
Loan tin giải thoát đền bồi,
Người mù được thấy, đơn côi vui mừng.
Nhiệt tâm nhà Chúa cháy bừng,
Hồng ân tuôn đổ, như rừng được mưa,
Hôm nay ứng nghiệm lời xưa,
Tiên tri loan báo, thuở xưa thực hành.
Dân làng kinh ngạc phúc lành,
Giê-su Cứu Thế, chính danh cao vời.
THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
(Lc 5, 12-16)
PHONG CÙI
Phong cùi ghê gớm tránh xa,
Xấp mình khấn vái, lê la đến gần.
Xin Thầy cứu chữa vết sần,
Da cùi lở loét, thân trần sạch trong.
Niềm tin phó thác thật lòng,
Chúa thương chữa sạch, cầu mong đáp tình.
Tin rằng sạch sẽ trong mình,
Tìm thầy tư tế, đệ trình chứng thư.
Tạ ơn Thiên Chúa nhân từ,
Đoái thương chúc phúc, an cư sống đời.
Rao truyền ân nghĩa cao vời,
Giê-su Con Chúa, xuống đời độ nhân.
Bệnh nhân tuôn đến cầu thân,
Xin Ngài tẩy xóa, canh tân cuộc đời.
Thành tâm đón nhận ơn trời,
Dục lòng tôn kính, tin Lời Chúa ban.
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
(Ga 3, 22-30)
THANH TẨY
Giê-su thanh tẩy nước nguồn,
Hồng ân chan chứa, mưa tuôn vào hồn.
Nước trong rửa sạch xác hồn,
Thần Linh thánh hóa, sứ ngôn thi hành.
Từ trên ban xuống ơn lành,
Ki-tô Cứu thế, nổi danh trong vùng.
Tội nhân dõi bước đến cùng,
Xin Ngài thanh tẩy, bao dung phận người.
Môn đồ tranh luận đôi lời,
Gio-an hóa giải, ơn trời phú ban.
Tiền hô dọn chỗ trần gian,
Tân lang chính thức, phá tan tội đời.
Nước nguồn xóa sạch lòng người,
Ban nguồn cứu độ, Ngôi Lời Chúa Con.
Bao năm dân chúng mỏi mòn,
Đợi trông Chúa đến, sắt son một lòng.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17488