Bí Tích: 9 vị thánh nói với chúng ta về bí tích Giải tội

9 vị thánh nói với chúng ta về bí tích Giải tội

https://tgpsaigon.net/bai-viet/9-vi-thanh-noi-voi-chung-ta-ve-bi-tich-giai-toi-72191
9 vị thánh nói với chúng ta về bí tích Giải tội

VỊ THÁNH NÓI VỚI CHÚNG TA VỀ BÍ TÍCH GIẢI TỘI

Mónica Muñoz

WHĐ (17.01.2024) – Vì bị suy yếu bởi tội nguyên tổ, nên ngay cả sau khi lãnh nhận ân sủng của bí tích Rửa tội, chúng ta vẫn có thể lại tiếp tục phạm tội. Biết rõ điều này, Chúa Giêsu Kitô đã để lại cho Giáo hội bí tích Giải tội, nhờ đó, chúng ta có thể bỏ lại tội lỗi của mình và bắt đầu lại: “Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23).

Các Thánh nhận thức bí tích Giải tội quan trọng thế nào. Dưới đây là những câu trích dẫn của 9 vị thánh có thể giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với hồng ân của Bí tích này.

1. Thiên Chúa “quên đi tương lai”

Thiên Chúa nhân lành biết hết mọi sự, ngay cả trước khi bạn xưng tộiNgài biết rằng bạn sẽ lại tái phạm nhưng Ngài vẫn tha thứ cho bạn. Tình yêu của Thiên Chúa cao cả đến nỗi Ngài sẵn sàng quên đi tương lai sẽ sai phạm của chúng ta để tha thứ cho chúng ta ngay trong hiện tại! – Thánh Gioan Vianney

2. Vẻ đẹp của một tâm hồn trong sạch sau khi xưng tội

Nếu thế giới tội nghiệp này có thể nhìn thấy vẻ đẹp của tâm hồn sạch tội thì các tội nhân và tất cả những người không tin sẽ muốn hoán cải ngay lập tức. – Thánh Piô Pietrelcina

3. Tầm quan trọng của sự thành thật khi xưng tội

Đừng bao giờ để mình bị ma quỷ lừa dối bằng việc không xưng ra một số tội nào đó vì xấu hổ. Cha bảo đảm với các con, hỡi các bạn trẻ thân mến, rằng tay cha run rẩy khi viết những dòng này chỉ với ý nghĩ rằng một số đông các Kitô hữu sẽ hư mất đời đời vì họ không thành thật xưng thú tội lỗi khi đến với Bí tích Giải tội. – Thánh Gioan Bosco

4. Giáo hội có quyền tha mọi tội lỗi

Chúng ta đừng nghe những người phủ nhận sự thật rằng Giáo Hội của Chúa có quyền tha thứ mọi tội lỗi. – Thánh Augustinô

5. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả, không có ngoại lệ

Thiên Chúa không phân biệt; Ngài hứa thương xót mọi người và ban cho các linh mục quyền tha thứ mà không có ngoại lệ. – Thánh Ambrosiô

6. Sự tha thứ đến từ ân sủng của Đức Kitô

Cũng như người lãnh Phép Rửa được soi sáng bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần, thì người lãnh Bí tích Giải tội sẽ nhận được sự tha thứ qua linh mục nhờ ân sủng của Chúa Kitô. – Thánh Athanasiô

7. Bí tích Giải tội xóa bỏ sự xấu xa của tội lỗi

Việc xưng tội và ăn năn thật tốt đẹp và thơm ngát đến nỗi xóa đi sự xấu xvà xua tan mùi hôi thối của tội lỗi. – Thánh Francis de Sales

8. Hãy cầu nguyện trước khi xưng tội

Trước khi đến với Bí tích Giải tội, hãy cầu xin Chúa ban cho ơn thành tâm sám hối để trở nên thánh thiện. – Thánh Philip Neri

9. Việc xưng tội chữa lành và rèn luyện chúng ta

Từ Bí tích Giải tội chúng ta rút ra 2 lợi ích: (1) chúng ta xưng tội để được chữa lành; (2) giống như một đứa trẻchúng ta xưng tội để tâm hồn chúng ta được rèn luyện không ngừng. – Thánh Faustina Kowalska

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (15. 01. 2024)

BẢN XÉT MÌNH XƯNG TỘI CHO NGƯỜI LỚN

ĐIỀU RĂN THỨ 1
– Có bỏ đọc kinh sáng tối mấy lần?
– Có thờ lạy hay cúng tế tà thần chăng? Thí dụ lập bàn thờ thần tài, thần thổ địa trong nhà.
– Có phạm sự thánh như: xưng tội mà giấu tội trọng, rước lễ khi còn mắc tội trọng không?
– Có hành vi hoặc thái độ bất kính đối với ảnh Thánh, như sử dụng cách bất xứng hoặc để tượng ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh ở những chỗ bất xứng không?
– Có nói chuyện lớn tiếng hoặc đùa giỡn, hoặc có hành vi bất kính trong nhà thờ mấy lần?
– Có chửi bới lăng mạ hay phạm đến thân xác người có chức thánh hay đã khấn trọn đời chăng?
MÊ TÍN DỊ ĐOAN
– Có sử dụng bùa ngải chăng?
– Có nhờ thầy bùa ếm hại người chăng?
– Có lên đồng lên xác chăng?
– Có tin vào lời đồng bóng xúi bẩy chăng?
– Có nhờ người lên xác coi bói cho mình chăng?
– Có đi xin xăm để bói lành dữ chăng?
TỘI NGHỊCH CÙNG ĐỨC TIN
– Có hồ nghi hay không tin một tín điều nào trong đạo thánh Chúa chăng?
– Có trao dồi đức tin để có khả năng đứng vững trong thời đại mới chăng?
TỘI NGHỊCH CÙNG ĐỨC CẬY
– Có ngã lòng nản chí không tin vào lòng nhân từ của Chúa, dẫn đến lìa bỏ Chúa chăng?
– Có ỷ nại vào sức mình thái quá mà không cần tới Chúa không?
TỘI NGHỊCH CÙNG ĐỨC MẾN
– Có phỉ báng đạo thánh Chúa không?
– Có khích bác giáo lý đạo Chúa không?
– Có bất mãn với Chúa hay kêu trách Chúa chăng?
ĐIỀU RĂN THỨ HAI
– Có kêu tên Chúa một cách bất kính chăng?
– Có nói phạm đến Chúa, Đức Mẹ và các Thánh mấy lần?
– Có chửi trời, đất, nắng, mưa chăng?
– Có thề dối chăng?
– Có thề lặt vặt chăng?
– Có thề làm điều ác điều xấu chăng?
– Có khấn hứa mà không giữ mấy lần?
ĐIỀU RĂN THỨ BA
– Có bỏ lễ Chúa Nhật và lễ buộc mấy lần?
– Có dự lễ Chúa Nhật không trọn chăng (đi trễ, về sớm, chia trí, ở ngoài nhà thờ…)?
– Có làm việc xác ngày Chúa Nhật chăng (làm nặng nhọc chừng một buổi. Trừ khi có xin phép chuẩn hay quá cần kíp thì không mắc tội)?
– Có xem ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa không (đọc sách đạo, đi hành hương, làm việc bác ái, tĩnh tâm…) hay xem ngày Chúa Nhật là ngày ăn chơi buông thả?
ĐIỀU RĂN THỨ TƯ
– Có khinh dể ông bà cha mẹ mấy lần?
– Có giận ghét ông bà cha mẹ mấy lần?
– Có cãi lại, không vâng lời ông bà cha mẹ mấy lần?
– Có đánh lại cha mẹ chăng?
– Có bỏ không giúp đỡ ông bà cha mẹ khi già yếu bệnh tật chăng (giúp đỡ phần xác lẫn phần hồn)?
BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI
– Có bỏ hoặc xao lãng bổn phận dạy dỗ con cái về đàng rỗi linh hồn như: không lo cho nó được học giáo lý, xưng tội, chịu lễ chăng?
– Có dung túng con cái trong điều sai lỗi mà không sửa dạy chúng chăng?
– Có làm gương xấu tạo dịp tội cho con cái và kẻ dưới mấy lần?
– Có đánh đập con cái không vì lý do giáo dục mà để cho đã giận mấy lần?
– Có đánh đập hành hạ con nuôi hoặc con riêng của chồng, của vợ chăng?
– Có đối xử thiếu nhân đạo đối với kẻ ăn người ở trong nhà chăng?
– Có tạo điều kiện thuận lợi cho họ giữ đạo và sống xứng đáng với nhân phẩm không?
BỔN PHẬN CỦA ANH CHỊ EM VỚI NHAU
– Có mắng nhiếc chửi rủa anh chị em mấy lần?
– Anh chị em có đánh lộn với nhau không?
– Anh chị có làm gương xấu cho em không?
– Anh chị em có phân bì, tranh giành của cải ba mẹ để lại không?
BỔN PHẬN CỦA VỢ CHỒNG
– Vợ chồng có chửi lộn mắng nhiếc nhau mấy lần?
– Chồng có đánh vợ chăng?
– Vợ có đay nghiến chồng chăng?
– Vợ chồng có bỏ giúp nhau khi đau yếu, lúc gian nan chăng?
– Vợ chồng có bỏ giúp nhau nên thánh mỗi ngày một hơn chăng?
ĐIỀU RĂN THỨ NĂM
– Có giết người một cách cố ý chăng?
– Có bất cẩn mà làm chết người chăng? (như lái xe cẩu thả gây tai nạn chết người)
– Có ý muốn hay ước ao giết người chăng?
– Có cộng tác hay đồng lõa làm chết người chăng?
– Có hành động tự sát chăng?
– Có dự tính tự sát chăng?
– Có phá thai hay cộng tác vào việc phá thai chăng?
– Có đồng lõa hoặc khuyến khích phá thai chăng?
– Có đánh đập hoặc gây thương tích cho ai chăng?
– Có ước muốn làm điều dữ cho ai chăng?
– Có ghen ghét phân bì khi thấy người khác được sự lành chăng?
– Có oán thù ai chăng?
– Có báo thù chăng? Cách nặng hay nhẹ?
– Có chửi mắng người ta chăng?
– Có rủa mình hay rủa kẻ khác chăng?
– Có làm gương xấu hay tạo dịp tội cho kẻ khác chăng?
– Có tìm cách giải hòa khi có tranh chấp hay là gây hiềm khích, kích động căm thù chăng?
ĐIỀU RĂN THỨ SÁU VÀ THỨ CHÍN
– Có phạm tội tà dâm (nam nữ ăn ở, lấy nhau ngoài Bí tích hôn phối) mấy lần?
– Có ngoại tình trong lòng chăng?
– Có ngoại tình trong hành động chăng?
– Có hành vi xấu một mình mấy lần?
– Có hành vi xấu với kẻ khác mấy lần?
– Lòng trí có mơ tưởng hoặc ước ao làm điều tà dâm mấy lần?
– Mắt có xem điều chẳng nên hoặc xem phim ảnh xấu, hình ảnh xấu mấy lần?
– Có đọc sách dâm ô mấy lần?
– Miệng có nói lời tục tĩu hoa tình hoặc chửi tục mấy lần?
– Có nói chuyện dâm ô cho một hay nhiều người nghe? Mấy lần?
– Tai có nghe chuyện dâm ô mà lấy làm vui mấy lần?
– Ăn mặc có thiếu nết na, khêu gợi chăng?
– Có la cà nơi quán rượu, vào ra các vũ trường và quen thân với bạn bè xấu không?
– Có phá hoại gia cang kẻ khác? Có ly thân khi không có lý do chính đáng chăng? Có li dị trái với ý Chúa và ý Giáo Hội chăng?
ĐIỀU RĂN THỨ BẢY VÀ THỨ MƯỜI
– Có lấy của người cách bất công chăng (trộm cắp, cướp giựt…)? Món gì? Trị giá bao nhiêu? Lấy của người giàu hay nghèo?
– Có cầm giữ của người khác như là không trả nợ, mượn không trả, giữ giùm rồi không trả, lượm được cũng không trả khi có thể được chăng?
– Có tàng trữ của gian chăng?
– Có lấn chiếm đất đai của người khác chăng?
– Có cho vay nặng lãi chăng?
– Có lấy của công chăng? Bao nhiêu?
– Có ăn hối lộ chăng?
– Có làm hư hại tài sản chung chăng?
– Có làm hư hại vật gì của kẻ khác chăng?
– Có dung túng cho con cái hay kẻ dưới làm thiệt hại vật chất của kẻ khác chăng?
– Có đồng lõa trong việc lấy của người hay làm thiệt hại cho người khác chăng?
– Có gian lận trong việc mua bán chăng (tráo đồ giả, đồ xấu cho người mua)?
– Sửa xe, sửa máy móc, dụng cụ có tráo đồ xấu hoặc lấy tiền quá đắt không?
– Có gian lận trong việc cân đo đong đếm chăng?
– Có trả tiền công không xứng đáng chăng?
– Có cờ bạc sát phạt nhau mấy lần?
– Có tham lam muốn đoạt lấy của người chăng?
– Có làm việc không tận tình, thiếu tinh thần trách nhiệm, bớt xén vật tư chăng?
– Có chủ mưu hay đồng mưu biển thủ của công chăng?
ĐIỀU RĂN THỨ TÁM
– Có nói dối phỉnh gạt gây nên thiệt hại vất chất hay thiệt hại về mặt tinh thần cho ai chăng?
– Có dối gạt Đấng bề trên phần hồn (Giám mục, Cha xứ…) trong việc hệ trọng chăng?
– Có dối gạt ông bà cha mẹ trong việc quan trọng chăng?
– Có tố gian, cáo gian ai chăng?
– Có làm chứng gian trước tòa án phần đời hay phần đạo chăng?
– Có vu khống ai chăng?
– Có nói hành, nói xấu kẻ khác chăng?
– Có tiết lộ điều bí ẩn của kẻ khác khi không cần thiết chăng?
– Có nhục mạ phỉ báng kẻ khác chăng?
– Có hồ nghi sự xấu cho kẻ khác khi chưa đủ lẽ chăng?
SÁU ĐIỀU RĂN HỘI THÁNH
– Có bỏ xưng tội hằng năm chăng? Mấy năm?
– Có bỏ rước lễ mùa Phục Sinh chăng? Mấy năm?
– Có bỏ ăn chay và kiêng thịt ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh chăng?
CÁC MỐI TỘI ĐẦU
– Có tự phụ kiêu căng trong lòng hay cả bề ngoài chăng?
– Có khinh bỉ chê bai kẻ khác chăng?
– Có chế diễu nhạo cười những người già nua lẩm cẩm hoặc có khuyết tật chăng?
– Có quá hà tiện không bố thí giúp đỡ những kẻ khốn khổ cho vừa sức mình chăng?
– Có quá ham mê tìm kiếm tiền tài vật chất đến nỗi bỏ bê việc thờ phượng Chúa chăng?
– Có ham mê ăn uống quá độ hay say sưa chăng?
– Có buông mình theo tính nóng giận quá lẽ chăng?
dcvxuanloc