Triết lý giáo dục
Xét mình trong tinh thần cầu nguyện
(Credit: Associated Press.) |
Trong nỗ lực đáp lại lời mời gọi cầu nguyện, chúng ta được trợ giúp rất nhiều bởi kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội. Trong kho tàng khôn ngoan và nguồn mạch thiêng liêng rộng lớn như vậy, Giáo Hội mang đến cho chúng ta những phương pháp cầu nguyện khác nhau.
Mỗi phương pháp cầu nguyện đều có ích cho việc trí nguyện, tức là một cuộc trò chuyện cởi mở với Chúa. Trong trí nguyện, chúng ta nói và lắng nghe Người. Cách cầu nguyện này có thể gây khó khăn, đó là lý do tại sao Giáo Hội còn mang đến nhiều phương pháp khác nhau để trợ giúp chúng ta.
Xét mình là một phương pháp cầu nguyện xưa cũ hơn. Nó đã được các thánh tích cực thực hành trong suốt lịch sử cứu độ. Đó là một phương pháp phổ biến nơi các đan sĩ sa mạc thời Giáo Hội sơ khai.
Mặc dù xét mình đã từng bước tiến triển qua nhiều thế kỷ khác nhau nhưng mục đích của nó thì vẫn không thay đổi. Khi xét mình, người tín hữu đi sâu vào tâm hồn mình và lượng giá theo tinh thần cầu nguyện – đó là việc xem xét lại những kinh nghiệm và tương tác trong ngày (trong tuần hoặc trong tháng) của mình. Việc xét mình phải được thực hiện đúng cách nếu không sẽ nhanh chóng rơi vào kiểu tự đánh giá (self-evaluation) hoặc tự tôn (self-worship).
Mục đích của việc xét mình là để xem lại ngày sống của chúng ta dựa trên mối tương quan của chúng ta với Chúa. Xét mình chính là một cuộc chuyện trò với Chúa. Đó là để cho Chúa Thánh Thần tự do ngự trị trong tâm hồn chúng ta, là để cho Người có thể chỉ ra những khía cạnh tốt đẹp và những khía cạnh vẫn cần đến ân sủng nhiều hơn trong đời sống chúng ta. Đó không phải là sự tự đánh giá mà là sự đánh giá của Chúa đối với đời sống của chúng ta. Xét mình có nghĩa là sống chậm lại để Chúa chữa lành và ban cho chúng ta một số chỉ dẫn cần thiết.
Việc xét mình cũng tương tự như việc kiểm điểm lương tâm nhưng kỹ lưỡng và có hệ thống hơn.
Xét mình đòi hỏi cần có một nơi yên bình và tĩnh lặng. Tâm trí của chúng ta cần phải tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Việc xét mình có thể được thực hiện ở bất kỳ tư thế nào, mặc dù theo truyền thống, người ta sẽ quỳ gối hoặc ngồi xuống (tùy thuộc vào độ dài của buổi xét mình). Một buổi xét mình có thể kéo dài năm phút, mười lăm phút, một giờ hoặc lâu hơn tùy thuộc vào khung thời gian được chọn, và tùy thuộc vào việc linh hồn chúng ta đang ở đâu trong mối tương quan với Chúa.
Ví dụ, nếu ai đó mới bắt đầu tích cực sống đức tin thì có thể cần thêm thời gian. Nếu ai đó hiện đang chiến đấu với một tội trọng thì cũng có thể cần thêm thời gian. Mặt khác, nếu ai đó đang sống trong tình trạng ân sủng cách tương đối và biết chú trọng đến đời sống thiêng liêng của mình thì có thể cần ít thời gian hơn.
Dù vậy, khi Chúa Thánh Thần được phép hành động, thì chúng ta đừng bao giờ ngạc nhiên về những gì Người thực hiện hoặc việc đó có thể kéo dài bao lâu đi chăng nữa.
Trong các hình thức gần đây hơn, việc xét mình đã thực hiện theo cách tiếp cận năm bước. Các bước này có thể linh hoạt và có thể được điều chỉnh tùy theo nhu cầu của một người.
Hành động xét mình phổ biến hơn bắt đầu bằng việc nhận ra sự hiện diện và quan phòng của Chúa trong cuộc đời của chúng ta, và nhận thấy lòng nhân lành của Người trong suốt ngày sống mà chúng ta sẽ xem xét. Việc nhấn mạnh vào sự hiện diện của Chúa giúp cho thời gian cầu nguyện có được trọng tâm đúng đắn, cũng như cho phép Chúa hành động và được ca ngợi trong đời sống chúng ta.
Bước thứ hai là lòng biết ơn và sự soi sáng. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những phúc lành và đau khổ trong cuộc đời chúng ta. Sau một khoảng thời gian tạ ơn, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ánh sáng cần thiết để nhìn thấy điểm mạnh và điểm yếu nơi chính mình. Chúng ta cũng cầu xin Người chỉ cho chúng ta thấy những điều mà chúng ta có thể đã bỏ lỡ, hoặc đang chối bỏ, hoặc những điều mà chúng ta đã đè nén, đã hành động theo lý trí, hoặc đã tự cho là đúng nơi tâm trí và con tim của mình. Chúng ta cầu xin Chúa để ánh sáng của Người chiếu soi vào mọi rào cản mà chúng ta dựng lên.
Trong bước thứ ba, chúng ta nhìn lại ngày sống của mình. Điều này có thể được thực hiện bằng cách lật lại từng giờ trong ngày sống, hoặc bằng cách quy chiếu về những nhân đức cụ thể mà chúng ta đang nỗ lực tập luyện, hoặc bằng cách xét đến mối tương quan với những người mà chúng ta đã gặp trong suốt cả ngày. Việc này có thể bao gồm một hoặc nhiều hình thức khác nhau. Nhiệm vụ chính yếu là mở lòng ra và cầu xin Chúa Thánh Thần chỉ dẫn, khích lệ, sửa dạy và gìn giữ chúng ta. Khi nhìn lại, chúng ta cũng đón nhận cả những gì là nhân đức lẫn thói xấu. Việc nhìn lại không chỉ nhằm tìm ra những lỗi phạm của chúng ta. Chúng ta cũng muốn ca ngợi Chúa vì những chiến thắng từ ân sủng của Người.
Ở bước thứ tư, chúng ta cầu xin Chúa thương xót và lượng định về những niềm an ủi cũng như nỗi buồn phiền trong ngày của chúng ta. Chúng ta tự hỏi điều gì khiến chúng ta hạnh phúc và điều gì khiến chúng ta đau khổ. Điều quan trọng là chúng ta phải theo dõi cảm xúc của mình để có thể nhận ra chúng, điều khiển chúng một cách đúng đắn và sắp xếp chúng theo chân lý và sự thiện.
Buổi xét mình kết thúc với bước thứ năm bao gồm những quyết tâm sửa đổi và cầu nguyện để được ơn canh tân.
Đây là năm bước cơ bản của việc xét mình. Vẫn còn đó nhiều điều chưa được đề cập đến vì đây là phần giới thiệu ban đầu.
Tác giả: Lm. Jeffrey F. Kirby – Nguồn: Crux (20/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
https://giaophanvinhlong.net/xet-minh-trong-tinh-than-cau-nguyen.html