Chuyên đề Bí Tích: Sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ ?

Philip Kosloski
Tội trọng và tội nhẹ là những kiểu phân loại khác nhau về những hành vi phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân.
Tội lỗi không phải là điều mà chúng ta thích nhấn mạnh vì chúng nhắc chúng ta nhớ về những lỗi lầm và thiếu sót của mình.
Tuy nhiên, Giáo hội thúc giục chúng ta biết nhận ra mức độ nghiêm trọng của tội lỗi và trở về với Chúa Cha bằng cách xưng tội. Khi làm như vậy, chúng ta được hợp nhất với Thiên Chúa và mối tương quan giữa chúng ta với Chúa được phục hồi.
Khi nói về tội lỗi, Giáo hội Công giáo ghi nhận sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ.
Tội trọng
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo định nghĩa, tội trọng là “phá hủy đức mến trong lòng con người do vi phạm nghiêm trọng luật Thiên Chúa. Khi phạm tội, con người quay lưng với Thiên Chúa là cùng đích và chân phúc của mình, bằng cách yêu chuộng một thụ tạo thấp kém hơn” (GLCG 1855).
Để được gọi là tội trọng, vốn cắt đứt mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, nó phải đáp ứng ba tiêu chuẩn cụ thể như Sách Giáo Lý đã nêu.
“Tội trọng đòi phải có nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả thiết người phạm tội phải biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa. Tội trọng bao hàm một sự ưng thuận có suy nghĩ cặn kẽ để trở thành một lựa chọn cá nhân. Việc thiếu hiểu biết do lỗi mình và lòng chai đá không làm giảm bớt, mà còn gia tăng tính cách cố tình của tội lỗi” (GLCG 1859).
Tóm tắt ba phẩm chất của tội trọng: một tội là trọng phải liên quan đến vấn đề nghiêm trọng, vi phạm với sự hiểu biết đầy đủ và có sự đồng ý hoàn toàn của người đó.
Tội nhẹ
Tội nhẹ là xúc phạm đến đức ái, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với người lân cận. Mặc dù chúng không cắt đứt mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa hoặc với đời sống ân sủng, nhưng tội nhẹ có thể gây ra những hậu quả sâu rộng. Thông thường khi phạm tội nhẹ nhiều lần, làm suy yếu quyết tâm của chúng ta và khiến chúng ta dễ phạm tội trọng hơn.
Giáo hội mời gọi chúng ta thú nhận những “tội nhẹ” này, vì chúng làm tổn hại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Hơn nữa, “việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, giúp ta chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Kitô chữa lành và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần” (GLCG 1458).
Sự khác biệt cơ bản giữa tội trọng và tội nhẹ là khi đi xưng tội chúng ta buộc phải xưng tất cả các tội trọng, và tuy không bắt buộc nhưng chúng ta được khuyến khích xưng tất cả tội nhẹ.
Tội nhẹ thường là những yếu đuối hàng ngày của chúng ta, trong khi tội trọng là những điều chia cắt chúng ta với Thiên Chúa và Giáo hội.
G. Võ Tá Hoàng
Nguồn https://aleteia.org

Tội cố tình làm sai lệch luật Phụng vụ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu là sai về luân lý chăng, khi cố tình làm sai lệch luật phụng vụ? Phạm tội như thế được đánh giá thế nào? – R. C., Bangalore, Ấn Độ.

Đáp: Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, và đòi hỏi nhiều cấp độ và một số phân biệt tinh tế.

Từ quan điểm khách quan, một sự sai lệch trong phụng vụ có thể bao gồm từ một lỗi nghi thức nhẹ, đến sự lạm dụng lớn làm cho buổi lễ không hợp lệ và thậm chí là phạm thánh nữa.

Câu hỏi về khả năng phạm tội luân lý cũng là một câu hỏi hóc búa, vì nó phụ thuộc cả vào thực thể khách quan của sự sai lệch, và thái độ chủ quan mà nó được thực hiện.

Lỗi chất thể tương tự trong phụng vụ có thể được gây ra bởi sự thiếu hiểu biết, do một sự huấn luyện không đầy đủ, hoặc do biết nhưng cố tình không tuân theo các quy định phụng vụ. Do đó, khả năng phạm tội luân lý chủ quan sẽ tương ứng theo một cách nào đó với nhận thức và sự chủ ý của hành động.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự thiếu hiểu biết có thể góp phần vào khả năng phạm tội. Chẳng hạn, ít nhất là trong các vấn đề phụng vụ quan trọng, một linh mục không nên biện hộ cho sự thiếu hiểu biết, vì nhiệm vụ của linh mục là phải biết cách thực hiện các nghi thức phụng vụ chính yếu một cách đúng đắn. Linh mục có lẽ không nhận thức được một số quy định tóm tắt được giấu trong sách chuyên môn, nhưng ngài sẽ có lỗi nếu thiếu kiến thức về các nhiệm vụ thừa tác cơ bản của mình.

Sự phán đoán về khả năng phạm tội chủ quan do sự lệch lạc phụng vụ là chủ yếu một câu hỏi về lương tâm, vì chỉ có con người phạm sai lầm, đôi khi nhờ sự hướng dẫn của vị linh hướng hoặc cha giải tội, mới có thể biết thái độ nội tâm của mình tại thời điểm hành động được thực hiện. Khả năng phạm tội luân lý này có thể xếp từ không có tội cho một sai lầm nhỏ, đến tội nặng cho một sự lạm dụng cố ý.

Trong một số tình huống, người thực hiện hành vi lạm dụng sẽ công khai biểu lộ các lý do nằm bên dưới hành động, và điều này có thể làm giảm bớt hoặc làm trầm trọng thêm lỗi phạm. Thí dụ, tôi biết một linh mục được gửi đến một cộng đồng miền núi biệt lập, nơi đó Thánh lễ hiếm khi được cử hành do việc di chuyển phải mất nhiều giờ. Cha đến một nhà thờ đầy giào dân đang chờ, nhưng không có chén thánh trong phòng thánh. Cha sử dụng một chén tốt nhất mà cha có thể tìm thấy, nhưng nói với mọi người rằng cha đang làm điều đó như một ngoại lệ, và đó không phải là điều đúng để làm. Trong một bối cảnh hoàn toàn khác, cách nay vài năm, một linh mục châu Âu đã vi phạm nghiêm trọng luật phụng vụ, trong khi tuyên bố trước các người quay phim rằng cha biết những gì cha đang làm là vi phạm, nhưng cha đang hành động vì lý do ý thức hệ, vốn là trái với giáo lý Công Giáo.

Liên quan đến sự phán đoán khách quan các hành vi lạm dụng phụng vụ, có lẽ tài liệu xử lý triệt để nhất đối với chủ đề này là Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) năm 2004. Cuối tài liệu này, trong Chương VIII, Huấn thị đưa ra một số gợi ý để xác định mức nghiêm trọng, và đâu là “các sửa chữa” như Huấn thị gọi tên. Xin mời đọc:

“169. Khi có một lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, thì phải nhìn nhận đó là một sự làm sai đi thật sự phụng vụ Công Giáo. Thánh Tôma đã viết: “Ai thay mặt Giáo Hội hiến dâng cho Thiên Chúa một sự thờ phượng đi ngược với những hình thức mà Giáo Hội tự quyền Thiên Chúa đã thiết lập và chính Giáo Hội này thực hành, thì mắc lỗi giả mạo”.

“170. Để sửa chữa các lạm dụng đó, “công việc khẩn cấp nhất là đào tạo dân Thiên Chúa, mục tử và tín hữu, về mặt kinh thánh và phụng vụ”, để đức tin và kỷ luật của Giáo Hội liên quan đến Phụng Vụ thánh, được trình bày và lĩnh hội một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nơi nào mà các lạm dụng vẫn tồn tại, thì phải hành động theo các quy tắc của giáo luật, để bảo toàn di sản thiêng liêng và những quyền của Giáo Hội, nhờ vào tất cả phương tiện chính đáng.

“171. Trong những điều lạm dụng khác nhau, xét về mặt khách quan, có phần là những graviora delicta (những tội phạm nặng hơn), có phần là những chất thể nặng và những lạm dụng khác nữa phải được quan tâm xa tránh và sửa chữa cẩn thận. Ngoài tất cả những gì được đề cập chính yếu trong Chương I của Huấn Thị này, phải ân cần quan tâm đến những điều quy định sau đây.

 1. Những Graviora Delicta (Tội phạm nặng hơn)

172. Các graviora delicta nghịch cùng Hy Tế rất đáng kính và bí tích Thánh Thể phải được giải quyết theo theo “Quy tắc liên quan đến những graviora delicta dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”, là:

  1. a) lấy hay giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh, hoặc ném Mình Máu Chúa xuống đất ;
  2. b) không phải là linh mục mà dám cử hành phụng vụ Hy Tế Thánh Thể, hay giả bộ cử hành;
  3. c) đồng tế hy tế thánh thể, dù đã có lệnh cấm, với các thừa tác viên của các Cộng Đoàn giáo hội không có kế thừa các tông đồ và không nhìn nhận phẩm cách bí tích của việc truyền chức linh mục ;
  4. d) truyền phép với mục đích phạm thánh một chất thể này mà không có chất thể kia trong cử hành Thánh Thể, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài cử hành Thánh Thể.

2. Những chất thể nặng

173. Tính trầm trọng của một chất thể được lượng giá trên căn bản giáo lý chung của Giáo Hội và tùy theo những quy tắc mà Giáo Hội đã thiết lập. Trong những chất thể nặng, người ta luôn luôn kể đến cách khách quan những chất thể làm cho tính thành sự và phẩm cách của Phép Thánh Thể Chí Thánh lâm nguy, nghĩa là những chất thể nghịch lại với các quy tắc được trình bày trên đây trong các số 48-52, 56, 76-77, 79, 91-92, 94, 96, 101-102, 104, 106, 109, 111, 115, 117, 126, 131-133, 138, 153 và 168. Vả lại, phải quan tâm đến các quy định khác của Bộ Giáo Luật, và đặc biệt, đến những quy định có trong các điều 1364, 1369, 1373, 1376, 1380, 1384, 1385, 1386 và 1398.

3. Những lạm dụng khác 

174. Hơn nữa, các hành vi phạm đến những gì được nêu ở những đoạn khác của Huấn Thị này và trong những quy tắc được giáo luật thiết lập, không được xem là không đáng kể hơn, nhưng chúng phải được kể trong số những lạm dụng khác phải xa tránh và phải ân cần sửa chữa.

175. Rõ ràng là tất cả những gì đã được trình bày trong Huấn Thị này, không có liên quan đến tất cả những vi phạm đến Giáo Hội và đến kỷ luật của Giáo Hội, đã được xác định trong các điều của giáo luật, trong các luật phụng vụ và trong các quy tắc khác của Giáo Hội, theo giáo lý của Huấn Quyền hay theo truyền thống lành mạnh. Nơi nào có mắc bất cứ điều sai nào, thì điều sai đó phải được sửa chữa theo các quy tắc của giáo luật.

4. Giám mục Giáo phận

176. Giám Mục giáo phận, “vì là người phân phát chính yếu mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã được giao phó cho ngài săn sóc, được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các bí tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm vượt qua”. Vậy, ngài có quyền, “trong giới hạn thẩm quyền của ngài, ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ”.

“177. “Xét vì ngài có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành mọi luật lệ của Giáo Hội. Ngài phải đề phòng đừng để du nhập các lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội, nhất là về thừa tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các bí tích và á bí tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các thánh”.

178. Vì thế, mỗi khi Đấng Bản Quyền sở tại hay của một Hội Dòng tu sĩ hoặc của một Tu Hội tông đồ biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, thì chính ngài hoặc nhờ một giáo sĩ khác xứng hợp, phải thận trọng điều tra, về các sự kiện, hoàn cảnh, cũng như về khả năng quy trách nhiệm của hành vi.

179. Những tội phạm nghịch cùng đức tin, cũng như những graviora delicta phạm khi cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, phải được giao ngay cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “xét xử và, cùng lúc, tuyên bố hay bắt chịu những hình phạt của giáo luật theo các quy tắc của luật chung hay luật riêng”.

180. Mặt khác, Đấng Bản Quyền phải tiến hành theo các quy tắc của giáo luật, bằng cách áp dụng, nếu có, những hình phạt theo giáo luật, và, đặc biệt, nhớ lại những quy định của điều 1326 của Bộ giáo luật. Nếu là những hành vi nặng, ngài phải thông báo cáo cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

5. Tông tòa

181. Mỗi khi Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, Bộ thông báo cho Đấng Bản Quyền hay, để vị này làm điều tra về sự việc. Nếu hành vi đang nói đến được xác nhận là nặng, Đấng Bản Quyền, càng sớm càng tốt, phải gởi về Bộ này một bản về các hành vi liên quan đến cuộc điều tra đã làm, và, có thể, đến hình phạt đã bắt chịu.

182. Trong những trường hợp khó khăn nhất, vì lợi ích của Giáo Hội hoàn vũ, mà chính ngài cũng chia sẻ việc chăm sóc bằng việc ngài chịu chức thánh, Đấng Bản Quyền không được chểnh mảng giải quyết vấn đề, sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Về phần mình, chính Bộ này, căn cứ vào những quyền hạn mà Đức Giáo Hoàng Rôma đã ban cho mình, phải giúp đỡ Đấng Bản Quyền, tuỳ trường hợp, bằng cách nhường cho ngài những miễn chuẩn cần thiết, hay thông báo cho ngài những huấn thị và những quy định mà ngài phải áp dụng cách chu đáo.

6. Những khiếu nại liên quan đến các lạm dụng về Phụng vụ

183. Tuỳ theo khả năng của mỗi người, tất cả đều có bổn phận quan tâm đặc biệt để Phép Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh được bảo vệ khỏi mọi bất kính và mọi biến dạng, và để mọi lạm dụng được hoàn toàn sửa chữa. Bổn phận này, bổn phận quan trọng nhất, được ủy thác cho mọi người và mỗi thành viên của Giáo Hội, phải được thực hiện mà không thiên vị ai.

184. Mọi người Công Giáo, dù là linh mục, phó tế hay giáo dân, được nhìn nhận có quyền tố cáo một lạm dụng nào đó về phụng vụ, nơi Giám Mục giáo phận hay Đấng Bản Quyền có thẩm quyền được giáo luật nhìn nhận, hay nữa nơi Tông Toà vì tối thượng quyền của Đức Giáo Hoàng Rôma. Tuy nhiên, nên có hết sức trình bày trước cho Giám Mục giáo phận việc khiếu nại hay tố cáo ấy. Điều đó phải luôn luôn được thực hiện trong tinh thần chân lý và bác ái” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). (Zenit.org 20-8-2019)

Tội cố tình làm sai lệch luật Phụng vụ

komunia dwa razy dziennie

LỊCH SỬ CỦA BÁNH LỄ:

TỪ Ổ BÁNH MÌ ĐẾN BÁNH LỄ HIỆN NAY

Các Tin Mừng đã nói rõ ràng: trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu “cầm lấy bánh”. Hẳn nhiên, ta biết rõ rằng bánh mà Đức Giêsu sử dụng phải là bánh không men, biểu tượng của Lễ Vượt Qua (thông tin ít oi này cũng không ngăn được nhiều họa sĩ vẽ Bữa Tiệc Ly mô tả Đức Giêsu cầm một ổ bánh mì có men bình thường). Tuy nhiên, bánh không men và bánh lễ không cùng một sự việc và trông cũng không giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, khi nào (và tại sao) có phong tục sử dụng những mẫu bánh lễ xốp nhỏ, màu trắng, trong các cử hành phụng vụ?

Tập tục chắc là có từ lâu, nhưng không phải từ thời đầu của Kitô giáo: các linh mục trong những thế kỷ đầu đã thánh hiến những chiếc bánh mì có men thông thường rồi phân phát các miếng nhỏ cho các tín hữu. Nhưng bánh lễ hiện đại bắt nguồn từ khi nào?

Để trả lời câu hỏi này, ta có thể nại đến một truyền thuyết hay vài nguồn tài liệu lịch sử. Và vì truyền thuyết thì luôn có tính hấp dẫn, nên chúng ta sẽ bắt đầu bằng lựa chọn này trước khi chuyển sang lựa chọn thứ hai để có câu trả lời chặt chẽ hơn.

Bánh lễ hiện đại:
Do một tu sĩ phát minh khi đưa ra quyết tâm cho Mùa Vọng (theo truyền thuyết)

Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta là Thánh Wandregisel, người thành lập tu viện Fontanelle ở Pháp. Vào thời ấy (tiền bán thế kỷ VII), gia đình quý tộc của ngài được coi là quan trọng: thật thú vị khi biết rằng bác của Wandregisel là ông tổ của vương triều Caroling. Nhưng, bất cần đến những vinh dự của gia đình (và nói thẳng ra là không quan tâm đến những thứ mà ngài có thể kiếm chác được từ đó), Wandregisel đã chọn cuộc sống sám hối và hãm mình, mặc áo tu sĩ.

Truyền thuyết kể rằng ngài được giao nhiệm vụ chuẩn bị những ổ bánh mì sẽ được thánh hiến trong Thánh lễ Giáng Sinh. Lúc đó là giữa mùa đông, và đó là tháng 12 lạnh nhất. Vài tuần trước, ngay đầu Mùa Vọng, Wandregisel đã quyết tâm chịu lạnh mà không làm bất cứ điều gì để sưởi ấm mình, dâng hiến việc hãm mình đó để đền tội mình và vì lợi ích của Giáo hội.

Vì thế, khi được chỉ định ngồi lò để chuẩn bị bánh cho phần Rước lễ, ngài ta thấy mình trong một tình thế khó xử: làm sao có thể nướng bánh mà không hưởng lấy hơi ấm của lò mà ngài đã hứa là phải nhịn? Chắc chắn ngài không thể từ chối nhiệm vụ đã nhận (vì việc hãm mình có ảnh hưởng đến những người lựa chọn chúng mà không được ảnh hưởng đến những người khác, tạo ra một phản ứng dây chuyền về các vấn đề liên quan); tuy nhiên, Wandregisel tìm cách để không vi phạm quyết tâm của mình trong Mùa Vọng đó, điều mang lại cho ngài rất nhiều lợi ích.

Sau khi xoay trở vấn đề, vị tu sĩ này ra ý tưởng dùng chiếc kẹp sắt dài, giống như những chiếc kẹp mà người thợ rèn dùng để cầm những vật nóng chảy trong lò rèn. Ngài gắn vào lưỡi kẹp hai dĩa kim loại thích hợp để giữ hỗn hợp bột và nước; và rồi cầm cán dài của dụng cụ đó, đứng ở một khoảng cách an toàn với lò sưởi, vị ẩn tu đã xoay sở để nướng hàng trăm ổ bánh mì mà không hề “bị” ấm một chút nào!

Vấn đề phức tạp đã xảy ra: những chiếc bánh quy giòn ra khỏi lò nướng thay vì những ổ bánh mì. Khi bị ép bằng kẹp, bánh mì có hình tròn và dẹt, thành một chiếc bánh xốp giòn. Nhưng kết quả đã không làm phật lòng các tu sĩ trong tu viện chút nào, họ thực sự đánh giá cao loại bánh mì mới này vì giữ được lâu và dễ bảo quản. Trong vòng vài năm, khám phá của Wandregisel đã được chấp nhận đến mức nó trở thành quy chuẩn cho toàn thể Giáo hội Công giáo: tất cả là nhờ một tu sĩ không muốn phá vỡ quyết tâm Mùa Vọng của mình!

Bánh lễ phổ biến tại Âu châu thời Caroling

Câu chuyện về Wandregisel chỉ là một truyền thuyết – tuy nhiên, một truyền thuyết có cơ sở xác thực, ít nhất là từ quan điểm niên đại. Vị tu sĩ người Pháp này qua đời năm 665, và chính xác là vào cuối thế kỷ đó, ý tưởng cho rằng bánh được truyền phép trong Thánh lễ tốt nhất nên là bánh dẹt và không men dần bắt đầu được áp dụng trong các giáo phận ở Pháp. Cũng có thể không phải Wandregisel là người đầu tiên đã phát minh ra những tấm bánh thánh Rước lễ, mà là một số “đồng sự” của ngài đã nghĩ ra chúng, những người sống cùng thời và cùng địa hạt với ngài.

Trong thế kỷ thứ VIII, tục lệ truyền phép bánh lễ bắt đầu lan rộng dần. Năm 798, Alcuin thành York đã lên tiếng ủng hộ, nhấn mạnh sự giống nhau của bánh lễ với bánh không men mà Đức Giêsu đã ăn trong Bữa Tiệc Ly. Vài năm sau, Thánh Rabanus Maurus chỉ ra rằng Cựu Ước nghiêm cấm việc sử dụng bánh mì có men làm của lễ hy tế. Hẳn nhiên, Giao ước mới đã cho phép Kitô hữu bỏ đi nhiều luật cấm trong Cựu ước, nhưng vị thánh ở Mainz này vẫn giữ quan điểm cho rằng bánh lễ không men nên được ưu tiên hơn trong bối cảnh đó.

Đến thế kỷ thứ IX, tập tục này coi như đã xác định: nhiều nhà phụng vụ dường như xem đó là điều hiển nhiên, và các văn khố của giáo hội bắt đầu ghi lại nhiều thương vụ về các khuôn đúc bánh lễ, thường được trang trí để in các hình ảnh có chủ đề thánh thiêng trên tấm bánh lễ xốp. Đáng kể hơn nữa, các bản văn của thế kỷ X và XI ghi lại những phản đối của một số “người theo chủ nghĩa truyền thống” (hăng hái nhất trong số họ là Tu viện trưởng Eccard IV và Thánh Gallen), những người không đánh giá cao cách tân này và muốn tiếp tục thánh hiến những ổ bánh mì có men thông thường; và chính những lời chỉ trích lẻ tẻ này cho phép chúng ta đoán được mức độ phổ biến của thực hành mới đã hiện diện vào thời điểm đó.

Dù Eccard có nói gì thì nói, các tấm bánh lễ đã tự khẳng định mình cách dễ dàng trên khắp Giáo hội Tây phương. Chúng được giới giáo sĩ độc quyền chuẩn bị, theo một nghi thức long trọng mà một số người thậm chí mô tả là có “mùi thánh”: các hạt ngũ cốc được chọn ra từng hạt, trút vào những chiếc bao được làm đặc biệt cho mục đích này rồi được các tu sĩ đem đi xay trong thinh lặng thánh, họ dùng những khoảnh khắc này để cầu nguyện. Ngược lại, công việc nướng bánh đi kèm với hát kinh và các bài thánh ca: sau đó những chiếc bánh lễ sẵn sàng được mang đến các tu viện và phân phát cho các nhà thờ có nhu cầu.

Như những đồng xu nhỏ làm phong phú tâm hồn

Đây chưa phải là những tấm bánh lễ xốp mà chúng ta biết ngày nay: thẩm định từ những gì mà các nguồn tài liệu của thời đại ấy đã viết, mọi thứ đều khiến chúng ta tưởng tượng được rằng những tấm bánh lễ đầu tiên dùng trong nghi lễ vẫn giữ nguyên kích thước đường kính của những chiếc bánh được mang lên bàn ăn. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng người ta thường lấy chúng để đậy lên trên chén lễ (cho thấy rõ ràng là các tấm bánh phải lớn hơn miệng chén lễ); một vài nguồn tài liệu còn cho chúng ta biết về những chiếc bánh Thánh Thể thậm chí còn đủ lớn để bẻ ra thành những miếng bánh nhỏ đủ cho cả tuần.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người ta nhận ra rằng hình thức của những chiếc bánh thánh lớn như vậy khiến chúng trở nên cực kỳ dễ vỡ: để tránh khả năng khi bẻ bánh nhiều lần, những mảnh nhỏ có thể vô tình bị rơi vãi, các tu sĩ thấy cần phải chuyển sang dạng một phần nhỏ, có thể nói như vậy. Do đó, những chiếc bánh lễ xốp tròn nhỏ mà ngày nay chúng ta vẫn nhận được khi Rước lễ đã ra đời như thế đó; và ngay cả trong trường hợp này, một số nhà luân lý vẫn nhíu mày: nhìn từ xa, những tấm bánh lễ đó trông giống như những đồng xu, phù hợp với quầy đổi tiền hơn là nơi cầu nguyện!

Nhưng lời chỉ trích đó đã sớm được giải thích lại theo hướng tích cực. Vào thế kỷ XII, thần học gia Honorius thành Autun đã chỉ ra rằng sự so sánh đó là hoàn toàn thích hợp; và quả thực, nó có tính tượng trưng khi tên của Thiên Chúa được in trên bánh lễ, giống như tên của vị vua trị vì được in trên các đồng xu ở trần gian. Theo đánh giá của nhà thần học này, phép loại suy này thật hoàn hảo và đầy tính biểu tượng: ngay cả khi bánh thánh là những đồng xu, theo cách riêng của chúng, thì chúng cũng được Vua trên trời phân phát cách hào phóng. Chúng thực sự là những đồng xu, và nằm trong số những đồng tiền quý giá nhất: những đồng quý kim duy nhất mà nhờ đó ta có thể nếm hưởng đặc ân đối diện với Chúa, mặt đối mặt.