Chuyên đề Cầu Nguyện, Nhân Bản, Lẽ Sống: Bình tâm – Thái độ cần có trong cuộc sống nhiều khổ đau

Phó thác trong tay Chúa là chú ý tới cái đến sau sự chết. Đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống…Bình tâm là một thái độ rất căn bản và nền tảng cho đời sống tâm linh, và thái độ này giúp ích rất nhiều cho những ai gặp khổ đau và thử thách. Thái độ bình tâm này cũng là cung cách hành xử đúng đắn của người có niềm tin đối với Thiên Chúa, và đối với tha nhân.[1]

Bình thường con người luôn có khuynh hướng cột chặt vào mình tất cả những gì quý báu. Thật vậy, “chúng ta luôn luôn yêu thích nhiều thứ, và tin tưởng vào chúng trong liên hệ đến cuộc sống thân xác, và chúng ta cũng đã nếm thử chúng với cả thích thú lẫn đắng cay. Những thứ đó đã được chôn kỹ trong tình yêu và trong sự sợ hãi của chúng ta đối với chúng. Chúng ta cần có can đảm cho một cuộc xuất hành nội tâm mới, để hoá giải sức mạnh lôi cuốn của nhiều thứ, và giải thoải chúng ta khỏi những nguy hiểm đến từ sự lệ thuộc hay tình trạng nô lệ”.[2]

Không chỉ cột chặt mình vào những gì quý báu, trong vô thức hay ý thức con người cũng có khuynh hướng giữ mãi những khổ đau, đặc biệt những hận thù trong lòng. Người ta vẫn nói đến thái độ nuôi hận thù. Nuôi hay giữ lại và cột chặt những điều tiêu cực ấy vào mình, thì con người tự mình đánh mất sự tự do nội tâm. Khi con người không có tự do thật sự trong lòng, thì khả năng đón nhận những gì cao quý sẽ bị giảm đi, và đôi khi khả năng đó bị tê liệt. Thay vào đó, con người sống trong lệ thuộc, trong thụ động, trong sợ hãi đến nỗi luôn luôn ôm chặt những gì mình đang có, và nói khác đi họ tự nhốt mình trong ốc đảo riêng với nhiều điều tiêu cực.

Chỉ khi nào con người gặp gỡ Thiên Chúa, và can đảm trao cho Ngài tất cả, thì con người mới gìn giữ được tự do nội tâm. Với một hình ảnh khác, chỉ khi nào con người thực sự muốn và được rơi vào bàn tay của Thiên Chúa, thì con người sẽ tìm lại được sự tự do nội tâm, và với sự tự do này họ có thể gặp gỡ Thiên Chúa và mọi người cách đích thật. Thái độ bình tâm cũng được đề cập trong Thánh Kinh, như trong lời Thánh Vịnh sau:

“Hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,

từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131,2-3).

Lời Thánh Vịnh này là lời cầu nguyện đơn sơ của tâm hồn có lòng trông cậy và có thái độ bình tâm sâu thẳm. Sự bình tâm trong sự thinh lặng và thanh bình của người có niềm tin đang khiêm tốn đứng trước tôn nhan Thiên Chúa. Thật vậy, trước sau như một, không có bất cứ thế lực và sự dữ nào có thể lấy mất sự thanh bình và thinh lặng của người bình tâm, của người khiêm tốn và tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Chúa.

Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh cũng diễn tả một thái độ khiêm tốn, một sự tinh ròng của niềm tin tưởng mạnh mẽ. Với sự khiêm tốn, người cầu nguyện ý thức mình không có thể hiểu thấu được Thiên Chúa và đường lối của Ngài, nên niềm tin và Lời của Chúa là đủ cho họ. Sự tin tưởng được diễn tả qua hình ảnh của đứa con thơ trong vòng tay của mẹ. Bỏ tất cả mọi sự, không màng đến những an ủi trần gian, tháo cởi tất cả mọi thứ thuộc về trần gian với vui buồn, yếu khoẻ, giàu nghèo, giỏi dốt, và chỉ cần được ấp ủ trong vòng tay Thiên Chúa, người có niềm tin tìm thấy sự thanh bình, yên tĩnh, hạnh phúc, và đặc biệt được kết hiệp với Thiên Chúa.Ngoài ra, Thánh Phao-lô nhắc nhớ: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-32).

Thánh Phao-lô nhắc nhớ các tín hữu ở Cô-tin-tô về ngày Quang Lâm của Chúa Giê-su đã rút ngắn thời gian, nói theo nghĩa bóng: chúng ta không còn có thể sống an nhàn trong thế giới hiện tại như trước kia, khi chúng ta không thấy xa hơn. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn hướng về cái đang đến. Tín hữu sống trong hiện tại với mọi thực tế của nó, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, cả giàu sang lẫn nghèo nàn, và cả mạnh khoẻ lẫn yếu đau. Tất cả mọi thứ đó không phải là đích đến, không được là những điều tín hữu tha thiết và cột chặt vào mình, mà điều tha thiết nhất đối với tín hữu là cái đến sau khi bộ mặt thế giới này qua đi. Một hình ảnh của bộ mặt thế giới này qua đi được nhận ra rõ ràng qua sự chết của con người. Khi đối diện với sự chết, tất cả mọi sự trên trần gian đều chẳng còn có giá trị gì, lúc đó tín hữu chỉ còn xin được phó thác mọi sự trong bàn tay Thiên Chúa. “Cuối cùng, trong cái chết mọi sự đều tan biến. Lúc đó, chúng ta không còn có gì cả. Chúng ta chỉ biết kiên nhẫn để đứng vững và nói với Chúa rằng: Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con”.[3]

Phó thác trong tay Chúa là chú ý tới cái đến sau sự chết. Đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, Đấng là khởi nguyên và là cùng đích. Vì thế, tín hữu không cột chặt đời mình vào những điều thuộc về thế gian, mà một lòng hướng về Thiên Chúa, hướng về Đức Kitô. Tín hữu cần là người tự do, không bị bất cứ điều gì của trần gian chiếm đoạt, mà họ cần được chiếm hữu bởi Chúa Kitô, như chính Thánh Phao-lô, ngài đã được Chúa Kitô chiếm hữu.

Thái độ bình tâm này cũng được một số nhà thần bí người Đức đề cập tới, như Meister Eckhart, Johannes Tauler và Heinrich Seuse. Thánh Gioan Thánh Giá và Thánh I-nhã Thành Loyola cũng đề cập tới.

Thánh I-nhã viết trong sách Linh Thao số 23: “Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thọ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả”.

Bình tâm với mọi tạo vật và sống trong ý thức không ước muốn bất cứ điều gì cho bản thân mình. Đó là thái độ thoát ra khỏi con người mình, khỏi cái tôi ích kỷ của mình, để sống với tự do nội tâm đích thật. “Ai thật sự tự do trong ý nghĩa này, thì sẽ không đặt những dấu chân đi tìm mình, và không bị giam hãm vào trong ngục tù của cái tôi. Chỉ có ai tự do thật, mới có thể hỏi xem, điều gì trong những khả năng của tôi sẽ thực hiện điều tốt hơn. Chỉ có người tự do mới có nhiều khoảng cách với chính bản thân, đến nỗi người đó không quyết định theo cảm giác nhất thời hay những tư tưởng nhất thời, mà quyết định theo những giá trị và chuẩn mực quan trọng”.[4]

Ngoài ra, với thái độ bình tâm người ta không chỉ được tự do hoàn toàn, mà họ còn tin tưởng cậy trông vào Chúa, và một lòng một dạ tuân theo thánh ý của Ngài mà thôi. Chính Ngài là nền tảng và nguyên lý của đời sống chúng ta. Tin tưởng như vậy, thì sự sầu khổ sẽ được thánh hóa và có thể trở thành lời chúc phúc cho chúng ta, chứ không trở thành sức mạnh tiêu diệt chúng ta.

Ở đây, chúng ta đọc một chút tâm tình chia sẻ của Karl Rahner: Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta gặp phải đều có thể trở nên phúc lành hay là tai họa. Như vậy, điều lúc đầu tưởng như rất khó khăn, tối tăm và cay đắng, đều có thể trở thành phúc lành lớn cho chúng ta, nếu chúng ta vượt qua nó một cách tốt đẹp. Nghĩa là trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào Chúa và trong sự bình tâm cùng kiên nhẫn, chúng ta đón nhận điều đó. Cuối cùng, bóng đêm và mọi sự khó hiểu đều có thể trở nên phúc lành. Nếu như vậy, thì chúng ta có thể nói rằng, tất cả mọi điều chúng ta gặp phải đều là phúc lành, dù cho đó là sức khỏe hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo khổ, danh vọng hay nhục nhã, sống lâu hay chết yểu. Tất cả đều có thể trở thành phúc lành. Tuy nhiên, trong lời cầu xin của mình, chúng ta vẫn được phép cầu nguyện theo ý của mình: ‘Xin hãy làm cho con được mạnh khỏe và chúc lành cho con được như vậy…’Dù vậy, lời cầu nguyện sẽ chân thật, nếu chúng ta dù ở trong sự khác biệt của đời sống thực tế này, nhưng vẫn ý thức, vẫn tin tưởng và vẫn sẵn sàng đón nhận một tâm tình sống, là tất cả mọi sự, điều này hay điều nọ đều có thể trao ban cho chúng ta lời chúc phúc. Sự thanh thản cũng như nặng nề, tất cả đều có thể là lời chúc phúc hay đều có thể trở nên phúc lành. Và ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta cầu xin ơn chúc phúc của Thiên Chúa, ngay cả trong lời cầu xin về một điều nhất định nào đó, thì chúng ta đang kêu cầu Chúa ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh, để đón nhận tất cả mọi sự đến với chúng ta như là sự chúc phúc của Thiên Chúa, và để chúng ta có thể thánh hóa chúng trở thành phúc lành, dù điều đó có bất ngờ xảy đến, hay điều đó có nặng nề đến mấy”.[5]

Để kết, chúng ta cùng để lời Thánh Vịnh dưới đây vang vọng trong tâm hồn, như là lời cầu nguyện với Chúa, lời tự nhắc nhở bản thân đi tìm Chúa và luôn ý thức ở trong Chúa, Đấng là nguồn mạch của bình tâm, tự do và hạnh phúc.

 “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.

Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,

là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,6-7).

(Trích từ Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ. PHÚC THAY. Suy niệm Tám Mối Phúc Thật. Phần “Phúc thay ai sầu khổ, thì sẽ được Thiên Chúa ủi an”. NXB. Tôn Giáo 2015).

https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/binh-tam-thai-do-can-co-trong-cuoc-song-nhieu-kho-dau.html

Nguồn: dongten.net (12.05.2023)

ĐỜI MẸ NHƯ NGÀN ĐÓA HOA

Đời Mẹ như những bông hoa: không bao giờ nghĩ đến việc cạnh tranh với những bông hoa bên cạnh, mà chỉ quan tâm một điều: là khoe sắc, tỏa hương. Mẹ như loài hoa đẹp: rực rỡ, đong đưa theo làn gió Thánh Thần. Hoa nở ở đâu, thì nơi đó có niềm vui; nơi nào có Mẹ, ở đó niềm hy vọng dâng trào. Hương thơm của hoa chỉ lan theo hướng gió, nhưng, tình yêu thương của Mẹ lan tỏa theo mọi hướng đến với con cái mình. Ân phúc Mẹ ban tặng cho chúng nhân, như hương thơm không ngừng tỏa lan từ các loài hoa. Ước gì trong tháng Hoa này, chúng ta biết hướng về Mẹ với lòng con thảo: để dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng: thơm ngát lừng hương…

Đời Mẹ như những đóa hoa dại: tuy mỏng manh, yếu ớt, nhưng, mãnh liệt, kiêu sa. Ước gì đời ta cũng giống như đời Mẹ, như hoa dại: vươn lên, dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Những cánh hoa dại: tuy nho nhoi, dung dị, nhưng, ánh lên niềm vui, sức sống và cả niềm hy vọng căng đầy: hoa nở rất tươi không cầu ai biết đến, tự mình vẫn sống tốt, lặng thầm chống chọi vượt chông gai, vươn mình lên đón những điều tươi đẹp, dù có bị giẫm đạp thế nào vẫn không quên khoe sắc tỏa hương. Mẹ không như loài hoa được chào đón, chỉ nở theo mùa, nhưng, như hoa dại, Mẹ luôn có mặt khắp bốn mùa xoay chuyển cùng đoàn con thơ dại.

Đời Mẹ như đóa Bồ Công Anh: có hoa, nhưng không giữ lại cho riêng mình. Hoa luôn buông mình trong gió, mang tình yêu theo suốt những cuộc hành trình. Bồ Công Anh là loài hoa giản dị, có thể mọc ở bất cứ nơi đâu, vệ cỏ bên đường, hay một khu vườn bị bỏ hoang. Đời Mẹ như đóa Bồ Công Anh tự do tự tại, nhưng, không muốn theo ý mình, mà hoàn toàn quy phục thánh ý Chúa. Trái tim Mẹ là đóa hoa Bồ Công Anh mạnh mẽ, kiên cường, nhưng, lại mềm dẽo, nương mình theo làn gió Thánh Linh. Xin cho đời ta, giống như đời Mẹ, như đóa Bồ Công Anh thuộc về gió, chỉ có gió mới có thể đưa Bồ Công Anh đến nơi mà nó vốn phải đến.

Đời Mẹ như đóa Hướng Dương, luôn hướng về phía mặt trời, nên Mẹ không bao giờ đi trong bóng tối. Hướng Dương vàng rực, ấm áp, tỏa ngát hương, khát khao dâng tặng những gì tốt đẹp cho đời. Mẹ như đóa Hướng Dương mang sức sống mãnh liệt, luôn vươn lên mạnh mẽ, vững tin vào tương lai tươi sáng, cho dù bao nhiêu giông tố, Mẹ vẫn hiên ngang dưới Đấng Mặt Trời Công Chính. Xin cho đời ta, như đời Mẹ, như đóa Hướng Dương trở thành biểu tượng của lòng chung thủy vì vẻ đẹp nồng ấm, luôn quy hướng về Mặt Trời Công Chính, chẳng khi ngơi, cho dẫu, bản thân có bị thiêu đốt đến cháy bỏng: miệng vẫn luôn nở nụ cười tươi xinh.

Dâng! Xin dâng lên Mẹ: đời con tựa đóa hoa lòng, là ngàn hy sinh, hoa hồng sắc máu, lòng thành dâng lên, xin Mẹ nhận lấy muôn cánh hoa lòng, thơm ngát lừng hương. Ước gì trong Tháng Hoa này, chúng ta biết dâng lên ngai tòa Mẹ: những hy sinh hãm mình, như những đóa hoa thiêng với lòng hiếu thảo. Thay vì, phàn nàn: khóm hồng đầy gai, ta hãy bắt chước Mẹ vui sướng, kinh ngạc reo lên: khóm cây đầy gai, lại nở rộ những hoa hồng kiêu sa, lộng lẫy. Những nụ hồng tình yêu sẽ làm đẹp khu vườn cuộc đời, nhưng, hồng nào mà chẳng có gai, tình yêu nào mà không cần đổ máu. Ước gì trái tim rỉ máu vì yêu của Mẹ cũng thôi thúc tâm hồn chúng ta.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Làm việc với tình yêu

https://giaophanhatinh.com/lam-viec-voi-tinh-yeu.htdiocese
Mẹ Têrêsa — “Làm việc mà không có tình yêu, thì đó chính là việc làm của kẻ nô lệ.”

Có thể, trong một ngôi nhà hàng xóm của bạn, có một người mù cảm thấy vui thì bạn đã thăm viếng và đọc báo cho họ nghe. Có thể có một gia đình nào đó đang cần bạn quan tâm giúp họ một điều gì đó rất đơn giản – như trông giữ đứa con nhỏ dùm họ khoảng nửa tiếng đồng hồ. Những việc như thế quá bé nhỏ khiến cho nhiều người quên mất, không thực hiện.

Xin đừng coi việc làm bếp là chuyện chẳng ra gì. Xin đừng nghĩ rằng những động tác ngồi xuống, đứng lên, đi ra và đến nơi… là những chuyện chẳng có gì quan trọng trước mặt Thiên Chúa.

Thiên Chúa không đòi hỏi bạn phải đọc bao nhiêu cuốn sách, phải làm bao nhiêu phép lạ. Ngài chỉ đòi hỏi bạn phải làm việc hết sức mình với tình yêu dành cho Ngài. Bạn có thể thành thực nói rằng “tôi đã làm việc hết sức mình” như thế không? Cho dù đã làm hết sức mình như thế mà thất bại, thì việc đó vẫn là việc tốt nhất của chúng ta. Nếu bạn thực sự yêu Chúa thì cho dù công việc của bạn có nhỏ bé, bạn cũng hãy hoàn thành với tất cả trái tim. Công việc ấy của bạn sẽ chứng thực cho tình yêu của bạn.

Bạn có thể kiệt sức vì làm việc; bạn có thể chết vì làm việc. Nhưng nếu bạn không làm việc với tình yêu thì tất cả đều vô ích. Làm việc mà không có tình yêu, thì đó chính là việc làm của kẻ nô lệ.

Biên Toàn (TGPSG)
Chuyển ngữ từ Il n’y a pas de plus grand amour (p. 77-78)

Nguồn:tgpsaigon.net

Cách ăn giúp người Nhật sống lâu và giữ dáng thon gọn

Chế độ ăn giàu thực vật, tươi ngon và xen lẫn thực phẩm muối chua là chìa khóa giúp người Nhật có cơ thể thon gọn, tuổi thọ cao.

Người Nhật Bản từ lâu nổi tiếng với tuổi thọ cao, được coi là Vùng Xanh trường thọ của thế giới. Ngoài yếu tố môi trường và gene di truyền, các chuyên gia nhận định chế độ ăn truyền thống của nước này đóng vai trò quan trọng.

Thực đơn của các gia đình Nhật Bản chủ yếu sử dụng đồ tươi chưa qua chế biến, rất ít nguyên liệu tinh chế và đường. Chế độ này có phần tương đồng với Trung Quốc và hầu hết quốc gia châu Á. Món chính gồm cơm, rau nấu chín, cá, thịt và đồ muối. Tuy nhiên, với vị trí giáp biển, người dân nước này tiêu thụ nhiều cá hơn so với các nước trong khu vực. Họ cũng thường xuyên ăn cá sống trong món sushi và sashimi, cùng với một số loại thực phẩm ngâm chua, lên men và hun khói.

Người Nhật Bản đặc biệt ưa chuộng sử dụng đậu nành tươi hoặc đậu phụ. Các loại đậu khác như đậu đỏ, đậu bắp cũng là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống. Nhiều gia đình thích dùng đậu nành lên men như miso hoặc natto. Đây cũng là hai mặt hàng chủ lực của ngành công nghiệp thực phẩm nội địa. Theo truyền thống, natto được ăn vào bữa sáng, có lợi cho đường ruột và hỗ trợ quá trình đông máu.

Người Nhật cũng ăn nhiều loại thực vật, đặc biệt là rong biển. Chúng chứa nhiều khoáng chất, tăng cường sức khỏe và giúp giảm huyết áp. Vào bữa sáng, các gia đình thích dùng món tráng miệng là táo, quýt và hồng.

Chế độ ăn giàu thực vật và tươi ngon giúp nhiều người Nhật sống thọ. Ảnh: Well Doing

Chế độ ăn giàu thực vật và tươi ngon giúp nhiều người Nhật sống thọ. Ảnh: Well Doing

Bên cạnh chế độ ăn giàu thực phẩm hữu cơ, người Nhật thích uống trà xanh, đặc biệt là matcha. Đây là một trong những thức uống tạo nên văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Matcha là loại trà xanh dạng bột, nghiền bằng cối đá, được các nhà khoa học đánh giá cao vì chứa các hợp chất chống oxy hóa như catechin, có thể giảm thiểu ung thư, virus và bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Anh phát hiện những người tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn kiểu Nhật có thể giảm nguy cơ tử vong sớm vì đột quỵ và bệnh tim. Chế độ này giàu ngũ cốc, rau củ, một lượng vừa phải sản phẩm từ động vật và đậu nành, hạn chế sữa và trái cây. Trong đó, đậu và cá đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm tỷ lệ béo phì ở cả nam và nữ, từ đó tăng tuổi thọ.

Đảo Okinawa, ở cực nam Nhật Bản, có số người sống trên trăm tuổi cao nhất thế giới, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác như ung thư, tiểu đường, viêm khớp thấp nhất. Điều này một phần do chế độ ăn uống ít calo và chất béo bão hòa, giàu chất dinh dưỡng thực vật, gồm flavonoid, được tìm thấy trong các loại rau có màu khác nhau.

Thực đơn của người dân Okinawa cũng chứa phytoestrogen hoặc oestrogen từ thực vật, giúp hạn chế các bệnh ung thư liên quan đến hormone, chẳng hạn ung thư vú.

Nhìn chung, người Nhật có thái độ và hành vi lành mạnh đối với thực phẩm cũng như vấn đề ăn uống. Họ tuân thủ ý niệm “hara hachi bu”, có nghĩa là chỉ ăn no khoảng 80% và dạy trẻ em điều này từ nhỏ.

Cách người Nhật phục vụ đồ ăn cũng rất khác biệt. Thay vì một đĩa lớn, họ thường ăn trong bát nhỏ, thưởng thức nhiều món khác nhau như cơm, miso, cá hoặc thịt, sau đó ăn hai đĩa rau chung hoặc ăn luân phiên. Người Nhật cũng tin tưởng vào “sự kiềm chế linh hoạt” khi dùng đồ ăn nhẹ. Họ ăn rải rác các bữa phụ trong ngày với khẩu phần nhỏ hơn.

Thục Linh (Theo BBC Good Food)

Nguồn: https://vnexpress.net/

Những Phương Thuốc Bổ Dưỡng Cho Tâm Hồn

Quý vị và các bạn thân mến,

Nghỉ ngơi, cho đi và buông bỏ là ba phương thuốc bổ dưỡng có tác dụng chữa lành chúng ta khỏi những khổ đau, phiền não của cuộc sống. Hãy dành vài phút tĩnh lặng để tìm hiểu công dụng của ba bài thuốc mà vị thầy lương y nhân lành Giêsu đã truyền dạy chúng ta, với mong ước đem lại một cuộc sống an vui, hạnh phúc cho những ai tin nhận lời Ngài.

*Phương thuốc thứ nhấtNghỉ ngơi

“Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. . .” (Mc 6; 31) Sau những bận rộn của công việc rao loan Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ của người lánh riêng ra một nơi để nghỉ ngơi, lấy lại sức, nạp năng lượng cho hành trình sắp tới. Thực tế đã cho chúng ta câu trả lời rất rõ rằng: để theo đuổi một mục tiêu nào đó chúng ta sẵn sàng làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều tối mỗi ngày, liên tục bảy ngày mỗi tuần mà không lưu tâm đến sự nghỉ ngơi, dưỡng sức của cơ thể. Chúa mời gọi chúng ta, sau một ngày sống, chúng ta cần được ngồi xuống, hít thở nhẹ nhàng, cần có thời gian suy nghĩ các vấn đề của mình một cách mạch lạc, hữu lý nếu chúng ta thật sự mong muốn tìm kiếm những lợi ích thiết thực, lâu dài. Sự nghỉ ngơi có ý nghĩa thực sự khi chúng ta biết tìm đến bên Chúa, tức là giữa những bận rộn của cuộc sống mưu sinh hằng ngày, chúng ta biết gác lại những lo toan, chạy vạy để tìm sự tĩnh lặng cho tâm hồn. Luôn sống giây phút hiện tại trước sự hiện diện của Chúa để không bồn chồn, lo lắng, không giao động trước những bất trắc của cuộc đời, và biết hướng lòng lên cùng Chúa, thân thưa với Người về bản thân, gia đình, cuộc sống, những ý định, nhu cầu, nguyện ước của bản thân, của tha nhân, của Giáo hội, và xã hội hôm nay… “Hỡi những ai lao nhọc và gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng.”(Mt 11, 28)

Phương thuốc thứ hai: Cho đi

Tùy thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh và tính cách mà mỗi chúng ta sẽ có định nghĩa riêng về hạnh phúc. Hạnh phúc có thể đến với ta ngay trong những điều bình dị nhất của cuộc sống, và đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là lúc ta biết cho đi. Sự cho đi sẽ mang lại cho chúng ta nhiều điều quý giá và làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp và ý nghĩa hơn, điều đó đã được thánh Phaxico Atssidi viết lên trong kinh Hòa bình như một lời xác tín rằng: “Chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh”. Hiến thân là cho đi một cách nhưng không như chính Chúa đã nêu gương cho chúng ta. Sự cho đi của Chúa không được đón nhận cách dễ dàng, ngay lập tức nhưng theo dòng thời gian, tình yêu của Người đã chinh phục được biết bao tâm hồn lầm lạc trở về. Cũng thế, chúng ta đã sẵn sàng cho đi nhưng đôi khi những gì chúng ta nhận lại, lại không xảy ra trong phút chốc, cũng không hiển hiện ngay trước mắt chúng ta mà nó là cả một quá trình, những lúc như thế, chúng ta cần nhẫn nại và hãy quảng đại tiếp tục cho đi, chúng ta sẽ thấy chúng ta nhận lại được nhiều hơn so với những gì chúng ta đã cho đi. Ý thức chúng ta là những thụ tạo bất toàn,“Chúng ta có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10), thế thì tại sao chúng ta lại không thể chia sẻ với những anh chị em đang sống bên cạnh chúng ta những ơn lành chúng ta đã nhận lãnh cách nhưng không từ Thiên Chúa?

Phương thuốc thứ baBuông bỏ

Đã bao lần chúng ta đặt câu hỏi tại sao con người phải sống trong sự mệt mỏi và nặng nề như vậy. Phải chăng là bởi vì sâu thẳm trong nội tâm của chúng ta đang chất chứa quá nhiều tâm sự, những đổ vỡ trong tương quan, những thất bại, thua cuộc hay những điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy âu lo, hối hận… mà chúng ta không đủ can đảm buông bỏ để bắt đầu lại. Nói đến buông bỏ, nhiều người nghĩ ngay đến sự yếu đuối, hồ đồ, là bỏ cuộc, là thất bại nhưng thực tế, ý nghĩ này chỉ mang tính chủ quan, bởi lẽ trong cuộc sống ít nhiều chúng ta đã từng cảm thấy hạnh phúc hơn, tâm hồn được thông suốt, thoải mái hơn khi biết buông bỏ như Jean – Jacques đã từng nói: “Một người biết cách buông tay là người hạnh phúc nhất”.  Buông bỏ không chỉ mang lại cho chúng ta hạnh phúc, thêm vào đó buông bỏ còn là biểu hiện của người có trách nhiệm với chính mình, tôn trọng người khác và biết nhìn thấu sự việc.

Lạy Chúa, sống giữa một xã hội thực dụng chúng con luôn tìm kiếm hạnh phúc và bình an, thế nhưng cuộc sống hôm nay có quá nhiều xáo động, chúng con lại quá bận rộn và luôn chạy đi chạy lại toan tính cho đời sống vật chất mà quên đi “phương thuốc gia truyền” của sự nghỉ ngơi trong Chúa, quảng đại cho đi và can đảm buông bỏ, xin Chúa hướng dẫn chúng con biết cách tận dụng những phương thuốc Chúa truyền mà kiến tạo cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc trong tình yêu quan phòng của Chúa.

Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP 

Phần Hồn Của Một Lễ Hội Dâng Hoa

  1. Ở thời điểm này, đời sống cộng đoàn xứ đạo – nhà thờ mình vừa êm ả đi qua những tháng ngày sa mạc, chay tịnh, sám hối. Vẫn còn cái cảm xúc ngất ngây vồn vã, trào dâng lên đỉnh điểm của Phụng vụ Tuần thánh – Tam nhật Vượt qua và đại lễ Phục sinh. Màu trắng thuần khiết và sang trọng nơi lễ phục của chủ tế mang ý nghĩa trọn vẹn của một cuộc thanh tẩy, của một quá trình vượt thoát tội lỗi, của một trời mới đất mới. Trong khi Tuần Bát nhật như một trạm dừng, môt bản lề khai mở tiếp diễn Mùa Phục sinh thì tháng 5 đầu hè lại là một chuyển giao thời vụ giữa lúa mùa và lúa chiêm, giữa tiết trời nắng và mưa, giữa cái cảm giác bứt rứt khó chịu và chậm rãi, thư nhàn. Phụng vụ và nhịp đời như đã cộng sinh, đã chuyển hóa thật diệu kỳ, mênh mang.

Vâng, Tháng 5 dâng hoa Kính Đức Mẹ, từ lâu lắm rồi trong nề nếp sinh hoạt của hầu hết các nhà thờ – xứ đạo Việt Nam ta, đã là một trong những lễ và hội lớn, có bài bản, kinh văn. Nó vừa chuyên chở được một nội dung thiêng thánh, lại vừa thể hiện được khá nhiều màu sắc, nét vẻ, cung cách, khả dĩ thu hút đông đảo quần chúng. Đến để xem, để nghe và để sống chan hòa những khoảnh khắc đức tin – lòng đạo: Nguyện cầu bằng văn hóa nghệ thuật. Phải tài hoa, nho nhã và đạo hạnh lắm, cha ông ta mới cưu mang, sinh thành được cái nỗ lực sáng tạo vận dụng ấy từ nguồn mạch phụng vụ, đưa nó vào đời sống. Rõ ràng, Lễ hội Dâng hoa (LHDH) đã diễn ra trong một không gian – thời gian đậm đặc mùi đạo. Rõ ràng LHDH là cách cử hành nghi thức hiếu sinh thơm thảo nhất của những người con thuần thành dâng lên Mẹ hiền. Cả đến thiên nhiên đất trời mênh mang kia cũng cưng chiều lòng người nữa là. Này nhé, ở Bắc bộ thì bấc hết, nồm lên, lác đác vài cơn mưa giao mùa. Còn ở Trung và Nam bộ – do thôi thúc của nắng hạn – đã rợp vườn nhà những hoa trái chín mọng, đưa hương. Thì ra, ngay từ thuở xa xưa tít mù, khi truyền thuyết huyền thoại còn thịnh mãn và văn minh nông nghiệp mới chớm nở, loài người đã biết ngắt những chùm hoa đẹp, hái những trái cây ngon ở bìa rừng ven suối hoặc nơi đồng nội để dâng cúng cảm tạ thần linh. Thế rồi, phú quý sinh lễ nghĩa, hoa đi vào cuộc sống từ bao giờ có ai hay.

Hoa cúng kiếng lễ tết, hiếu hỉ, giỗ chạp. Hoa mừng sinh nhật, tuổi tôi. Hoa reo vui tình yêu cưới hỏi trăng mật. Hoa đáp đền ơn nghĩa tổ tiên ông bà, cha mẹ, tôn sư trọng đạo. Hèn chi, người Trung Hoa đã đưa vào danh mục cả một bảng phong thần, gọi là “Thập đại danh hoa”. Mỗi hoa một sắc hương, một biểu tượng hàm ý. Nào thủy tiên, sen, nguyệt quế, đỗ quyên. Nào mẫu đơn, mai, lan, cúc, lý, quỳ. Trong bài vãn Dâng hoa kính Đức Mẹ, có gần đủ ngần ấy thứ hoa thơm cỏ lạ. Mượn hoa để chỉ người. Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung. Tuyệt vời thay hồn vía cổ thi. Hái hoa dâng Mẹ. Múa hát cũng là một lời nguyện cầu, nguyện cầu bằng văn hóa nghệ thuật. Hình tựơng Đavít, Lao Lai Tử cùng thiếu nữ – trẻ em thiếu gì trong Nhã ca và kinh sách thánh hiền.

  1. Điều này tự nhiên thôi, bởi “có cầu có thiêng, có kiêng có lành”. Với lại, xét về mặt tự nhiên, Tháng 5 là dịp khánh hạ, dân con trong xứ họ thường có thói quen cầu mát cầu mưa. Ai đã từng sống trong khung cảnh đồng quê yên ả, trong quan hệ xóm làng chân chất, trong tâm tình sùng mộ thiêng liêng, ắt phải cảm nhận được thế nào là mang tình nhà làm nghĩa đạo, đem cuộc sống riêng tây pha quyện vào việc chung, hòa nhập việc phần xác vào việc phần hồn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đời sống giáo dân ta đã vận hành cùng con nước, tuần trăng, mùa màng ta đan xen với lễ lạy, quấn quýt mà nhịp nhàng. Xuất phát từ những khu cầu trên, phải chăng Lễ hội Dâng hoa đã mang một tầm vóc, đã có một lịch sử, đã đi vào đời sống. Chẳng phải ngẫu nhiên đâu. Nó bắt nguồn từ một chiều sâu của đức tin – lòng đạo, từ một chiều rộng của nhịp đời gió sương, mưa nắng. Nó tập hợp được những cốt cách tinh hoa từ tình hình đặc điểm cụ thể của nhiều địa phương, của nhiều truyền thống phong tục tập quán, đặc biệt từ dòng chảy văn hóa, tư tưởng và tình cảm tốt đẹp sâu sắc của người mình. Có thể bắt gặp mối đồng cảm ấy khi ta đọc lời dạy sau đây: “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ: cũng không hệ tại sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin ấy dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta[1].
  2. Vào những ngày này, nhà thờ xứ đạo nào mà chả rộn rã dâng hoa, ít là những buổi chiều Thứ bảy hàng tuần. Thế nhưng, không hiểu vì sao LHDH có vẻ như đang nhạt nhòa đi, đang rơi rớt dần, đang vơi vạn nguồn cảm thụ, hấp dẫn?

Là người trót mang chút máu lễ hội truyền đời, bản thân kẻ viết bài này nhiều năm sống mê mải trong hương khói hội hè vang rền nền nảy đạo đời ấy. Vậy mà có đôi lúc vẫn xót xa, chạnh buồn. Cứ loay hoay ngẩn ngơ, mãi mà chẳng tìm ra câu giải đáp thỏa đáng. Nói đâu xa, mùa Thương Khó vừa rồi, lang thang đến một số nhà thờ, tôi chăm chú xem xem người ta “Ngắm 15 Sự thương khó” và “Kiệu bắt, đóng đanh, tháo danh, Dâng hạt, táng xác, than mồ Chúa Giêsu” ra làm sao. Thấy cũng đủ cả lễ bộ, cũng đường bệ bốn cái uy nghi (đi-đứng-bái-quỳ), cũng i a trầm bổng ca vãn đàng hoàng. Thế mà nghe mà xem nó cứ dài dại, vật vờ, vô hồn vô cảm làm sao ấy! Nhìn xuống những hàng ghế, rặt những ông già bà cả, những cây đa cây đề muôn năm trước! Trai thanh gái lịch đi đâu hết rồi? Tại sao và tại sao? Lòng đạo đức dân gian là vốn quý kia mà![2]

Nghĩ cho cùng, có thể, vì những tinh hoa truyền thống của LHDH không được kế thừa và phát huy đúng mức? Chuyện sao chép nguyên mẫu, thiếu động não, thiếu sáng tạo và thiếu cải biên thường dễ rơi vào đơn điệu, lạc loài, nhàm chán. Có chăng, chỉ làm sống lại một hồi ức xửa xưa rất xa lạ, rất thụ động đối với cảm thụ nhanh gọn của người đương thời. “Hát lâu và chầu mỏi” không còn phù hợp với đời sống đô thị – công nghiệp nữa. Cũng có thể, vì nôn nóng muốn cách tân triệt để, muốn pha trộn đánh đồng, dung hợp tất cả cũ mới bằng một số sáng kiến thay thế không xứng tầm mà hậu quả chỉ là những màn trình diễn tạp kỹ, chắp vá, lai căng, xôi đỗ, không hài hòa. Ở đây, tôi muốn nói tới cái hiện tượng “các liên khúc Dâng hoa” – tập hợp một vài ca khúc làm nền để múa minh họa – một loại hình khá phổ biến, dễ chấp nhận. Đơn giản, vì dễ hát, dễ múa, dễ dàn dựng, vừa mắt vừa tai của một công chúng đã quen nghe – nhìn các shows sân khấu truyền hình. Bảo nó là “Dâng hoa”, bảo nó là “Diễn nguyện”, là “Nghi thức Phụng vụ” e có khiên cưỡng và cường điệu chăng? Xin dành để rộng đường, chờ dư luận phát xét, tiếp thu.

Đành rằng tranh thủ được tài hoa, kỹ xảo, điệu nghệ của những nhà vũ đạo, tập hợp được đầy đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại (máy móc, thiết bị) và được đầu tư bằng nhiều nguồn (dàn dựng, kịch bản, sân khấu, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, trang phục) là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu mới, thời đại mới, con người mới. Tuy nhiên, cả hai cách làm trên vẫn để lộ ra một số tồn tại hạn chế, từ cung giọng đến cử điệu, từ hình thức biểu đạt đến nội dung chuyển tải. Không đơn giản như cái thú được đọc một tờ báo, được nghe một bản nhạc, được xem một cuốn phim hay choáng ngợp trước những chùm video-clips trên màn ảnh truyền hình. Đến với LHDH, bên cạnh và bên trên những nhu cầu tự nhiên ấy, người ta còn muốn kiếm tìm và được thỏa mãn cái nhu cầu tâm linhnhu cầu thiêng liêng nữa. Một tâm tình đạo hạnhmột va chạm thăng hoa bay bổng thông qua cảm xúc của thẩm mỹ, của văn hóa nghệ thuật. Khi ấy, đức tin đã thấm đẫm vào cảm xúc lễ hội, trở thành hơi thở dạt dào trong máu thịt của cộng đoàn. Từ chuyển dịch văn hóa đến tiếp biến văn hóa và phát triển văn hóa để phục vụ đức tin phải là một dụng công diễn ra trong một quá trình lâu dài, bền bỉ, thánh thiện. Phải thổi được cái hồn là đức tin, là cầu nguyện vào trong kịch bản ấy. Bằng không, LHDH đơn thuần chỉ dừng lại ở sàn diễn mua vui cho khách hiếu kỳ.

Nghĩ và viết đến đây, tự nhiên tôi liên tưởng tới ca trù, quan họ, hát xẩm xoan, sử thi Tây nguyên và đặc biệt nhã nhạc cung đình Huế, một loại hình biểu diễn nghệ thuật vừa được (11-20030) UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu” của toàn thể nhân loại. Phục hồi và phát huy kịch bản LHDH cho xứng tầm vóc của nó – từ truyền thống đến hiện đại – biết đâu chẳng là việc đáng quan tâm để đầu tư và chăm chút, dưỡng nuôi?

Tháng Hoa Mẹ

[1] Hiến chế Cộng đồng về Giáo hội (GH 67).

[2] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích. Hướng Dẫn về Lòng đạo đức bình dân, Roma 2001.

Tác giả:  Francis Assisi Lê Đình Bảng

Vượt qua “Cái tôi” trong ta

“Con người là một tiểu vũ trụ vừa cao đẹp, vừa phức tạp, vừa sáng lại vừa tối, vừa mạnh lại vừa yếu…với biết bao mâu thuẫn nội tâm”1. Con người có thể chinh phục được nhiều điều kì bí của vũ trụ, nhưng lại khó biết và làm chủ được bản thân. Thật không dễ dàng để viết về chủ đề con người. Đặc biệt là phải viết về sự trưởng thành nhân bản của chính mình. Không chỉ vì có quá nhiều tiêu chuẩn để xác định một con người có nhân bản, mà sự trưởng thành này phải được kiểm chứng trong quá trình sống. Với khả năng còn nhiều giới hạn tác giả không thể diễn tả đầy đủ các khía cạnh nhân bản trong một con người. Bài viết dưới đây xin mượn một tiêu chí quan trọng và không thể thiếu đó là “biết vượt qua cái Tôi”, để khám phá mức độ trưởng thành nhân bản của mình.

Theo từ điển Thesaurus “Cái tôi là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình”2. Nó là bức tranh mà bạn nghĩ ra để phân biệt bản thân với những người còn lại trong thế giới này. Bức tranh đó là sự kết tinh của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như tên tuổi, địa vị, sự sáng tạo của bản thân, lòng tự tin, sự tự ti, ý chí, nghị lực, ý tưởng… “Cái tôi” được tích lũy từ quá trình sống, học tập và trải nghiệm của mỗi cá nhân. Có thể nói tài sản vô giá mà mỗi người cần phải có là“cái tôi”, vì chúng ta đều phải tự nhận biết mình là ai. Thế nhưng, tại sao con người phải vượt qua “Cái tôi” để đạt tới mức trưởng thành nhân bản?

Khi mở toang “cái tôi”, chúng ta sẽ khám phá bao điều tốt đẹp, bí ẩn và quý giá, nhưng cũng không thiếu những rác rưởi ẩn khuất trong đó. Ấy vậy mà, mấy ai tận dụng hết tiềm năng của nó, và cũng có mấy ai thoát khỏi sự chi phối của “cái Tôi”. Dường như cái khao khát muốn khẳng định bản thân, phải chứng tỏ khả năng và giá trị của mình giữa muôn ngàn “cái tôi” đã biến nhiều người trở thành: ngạo mạn, cứng đầu, dễ tự ái, coi thường giá trị của người khác… Thay vì tận dụng những động lực, tiềm năng để sống tốt và cống hiến cho đời, chúng ta lại thổi phồng “cái tôi” của bản thân lên hơn mức cần thiết, luôn cho mình là đúng. Việc đề cao bản thân và chỉ quan tâm đến ý kiến của mình là một trong những điều tối kỵ khiến một người không thể chạm tới mức trưởng thành nhân bản.

Vượt qua “Cái Tôi” là chúng ta dám đối diện và làm chủ được bản thân, luôn ý thức cùng nỗ lực giải phóng những vướng bận của cái tôi. Đây là phương thức duy nhất giúp con người dọn dẹp những tư tưởng, hành vi tiêu cực mang tính hủy diệt. Có thể nói đây là bước khởi đầu để con người học hỏi những bài học căn bản làm người và chạm đến những điều Chân, Thiện, Mỹ.

Trở về với “cái tôi” của chính mình. Thú thật với bạn, tôi có thể hiểu một cách khái quát “cái tôi là gì?” và “vượt qua cái tôi” là như thế nào? Nhưng tôi không dám khẳng định bản thân có thể biết rõ về “cái tôi” của chính mình. Tôi cảm thấy nó rất phức tạp, vừa dễ thương mà có khi cũng dễ ghét. Điều tôi có thể khẳng định là: Bản thân luôn khao khát có một “cái tôi” tích cực, dám sống là chính mình và làm đẹp cho đời.

Thật thế, tôi luôn ý thức sự hiện diện của mình trên cõi đời này là một ân ban của Đấng Tạo Hóa. Ngài ban cho tôi rất nhiều đặc ân cao quý mà muôn loài thụ tạo khác không có được. Tôi rất trân trọng những giá trị cao quý này. Tất cả như động lực giúp tôi tận dụng mọi khả năng, cùng những kinh nghiệm, kiến thức đã học để sống và rèn luyện, hầu có thể gìn giữ phẩm giá và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Thường ngày, tôi ý thức tập luyện các nhân đức, cố gắng chu tòan lề luật để không vướng vào đường tội lỗi. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng chiến thắng sự chi phối của ‘cái tôi” mà làm tốt những điều đó. Bao lần cái khao khát muốn khẳng định giá trị của bản thân trong tôi bị chệch hướng. Thay vì sử dụng những tiềm năng có sẵn để vươn lên khỏi những yếu đuối, tẩy xoá mọi góc khuất tiêu cực và vun đắp những điều tốt đẹp cho bản thân, thì tôi lại trở nên kiêu căng, ngạo mạn, hay xét đoán giới hạn của người khác. Vì đặt giá trị “cái tôi” của mình quá cao khiến tôi khó khăn đón nhận thất bại, dễ tự ái và buồn chán khi được góp ý hay bị ai đó xúc phạm. Dường như càng khám phá sâu vào bên trong, tôi càng thấy mình bị “cái tôi” kiểm soát, nó sẽ là dào cản dẫn đến con đường thiện hảo nếu tôi không thể vượt qua.

Thiết nghĩ, Giữa những ồn ào và náo động của cuộc sống, tôi cần có nhiều thời gian dừng lại để khám phá bản thân. Dừng lại để quan sát “cái tôi” đang dẫn mình đi đâu, một chân trời hạnh phúc hay một con đường không lối thoát. Dừng lại để lắng nghe những lời góp ý chân thành của mọi người xung quanh. Dừng lại để loại bỏ những so sánh tiêu cực hầu giúp nhận ra giá trị của mình cũng như người khác. Muốn làm chủ cảm xúc: vui, buồn, giận, ghét,… cũng cần dừng lại để gạt đi mọi xáo trộn bên ngoài và tập sống thinh lặng nội tâm. Thật không dễ dàng để làm được những điều này, nhưng “Nếu hạt lúa không chết đi thì không sinh được hoa trái”3 (Mt 13.18). Muốn “vượt qua cái tôi” chỉ còn cách phải can đảm từ bỏ, hi sinh tập luyện nó mỗi ngày.

Sau một chút suy tư, khám phá về bản thân, tôi cảm thấy yếu tố chi phối đời mình nhất là “cái tôi”. Nó vừa là nguyên nhân và cũng là lí do tồn tại của mỗi con người. Nếu không thể vượt qua được chính mình, không thể đứng vững trên đôi chân của mình thì cũng không thể hiện được hết giá trị cao quý của một con người. Do vậy, muốn trở thành một con người trưởng thành nhân bản, trước hết phải tập làm chủ “cái tôi”. Người có khả năng “vượt qua cái tôi” không như một nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, hết màn biểu diễn lại trở về bình thường. Từng giây phút trong đời chúng ta phải tạo thêm giá trị cho “thương hiệu” của bản thân bằng những tư tưởng tốt, hành động đẹp và thiết thực. Đồng thời, cần chiến đấu chống lại các đòi hỏi vô lí của “Cái tôi” để chúng ta có một đời an nhiên và ý nghĩa.

Hạt Cát