Đức Cha Cần Thơ Và Việc Xây Nhà Thờ

Đức Cha Cần Thơ Và Việc Xây Nhà Thờ
Đức cha Cần Thơ, Tê-pha-nô Tri Bửu Thiên, có một quan điểm rất khác biệt về việc xây nhà thờ. Tôi biết được điều này từ một linh mục thân quen của giáo phận Cần Thơ.
Khi bạn bè hỏi tại sao xây xong nhà thờ mà không mời “tụi tao” xuống dự lễ khánh thành, vị linh mục này trả lời rằng đức cha chỉ cho phép khánh thành gọn nhẹ chứ không được làm lớn (để kiếm tiền).
Đức cha Tê-pha-nô Tri Bửu Thiên và cha tổng đại diện Ca-rô-lô Hồ Bạc Xái quản lý việc xây nhà thờ tại giáo phận Cần Thơ rất chặt chẽ. Hai vị này chỉ cho phép xây nhà thờ mới khi nhà thờ cũ đã quá xuống cấp hay quá chật chội. Nhà thờ chỉ là nơi giáo dân tụ họp để thờ phượng Thiên Chúa.
Bản thân ngôi nhà thờ không làm vinh danh Thiên Chúa mà việc tôn thờ Ngài, và đời sống chứng nhân của các Ki-tô hữu mới làm vinh danh Ngài, như chúng ta thấy Đức cha Giu-se Nguyễn Quang Khang giải thích. Tại giáo phận Cần Thơ, Đức cha Thiên cho rằng nhà thờ mới chỉ cần đủ chỗ cho giáo dân và tồn tại được 20 năm, cho nên không cần xa hoa hay tốn kém. Sau 20 năm thì thế hệ kế tiếp sẽ quyết định.
Quy mô và kinh phí xây nhà thờ mới phải được phê duyệt theo các tiêu chí nói trên, chứ các cha xứ không được vẽ vời gì hết. Đức cha Tri Bửu Thiên thường không cho các cha đi quyên góp bên ngoải giáo phận. Nếu xây những ngôi nhà thờ nguy nga, hoành tráng như giáo hội Tây phương vào thời Trung cổ, thì chỉ là gánh nặng cho người giáo dân, và ngày nay nhưng ngôi nhà thờ ấy chẳng còn ai đến để tôn thờ Thiên Chúa.
Người ta cứ tưởng nhưng ngôi nhà thờ to lớn ấy là biểu tượng đức tin, nhưng thực ra lại cho thấy người tín hữu bị các giáo sĩ bóc lột cách tinh vi nhân danh Thiên Chúa, và bây giờ chỉ là nỗi hổ thẹn của chính Thiên Chúa khi đức tin đã tắt ở những nơi đó.
Quan niệm nhà thờ là biểu tượng đức tin, cho nên cần to đẹp và nguy nga để vinh danh Thiên Chúa là quan niệm lạc hậu của thời Trung cổ, dưới ảnh hưởng của giáo sĩ trị. Thực ra chi phí xây nhà thờ cuối cùng đều bổ vào người tín hữu, và các giáo sĩ chỉ hô hào mọi người đóng góp.
Giáo phận Cần Thơ không giàu có nhưng các ngài sử dụng những tài nguyên ít ỏi của giáo phận cho chiều sâu đức tin của người tín hữu hơn là cho cái vẻ hào nhoáng bên ngoài, mà chúng ta vì ảo tưởng cứ cho rằng vinh danh Thiên Chúa, chứ thực ra chỉ vinh danh con người (giáo sĩ) mà thôi.
Tôi hết lòng ủng hộ quan điểm này của Đức cha Tê-pha-nô Tri Bửu Thiên, và mong các giáo phận khác cũng noi theo gương đó, bởi vì đó mới là thứ đức tin chân chính và thuần khiết của đạo Công giáo, thứ đức tin hoàn toàn gột rửa được những tàn tích của hơn hai ngàn năm giáo sĩ trị xoay quanh việc xây nhà thờ.