LỊCH SỬ NGÀY LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN !

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các Dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.
Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng Dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện Dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.
Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.
Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, các con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.
Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.
Có nên cầu nguyện cho người chết hay không, là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết.
Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.
“Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa, cận kề với hỏa ngục – hoặc ngay cả ‘một thời gian ngắn của hỏa ngục’.” Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác…
Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng ‘lửa’ luyện tội là tình yêu Thiên Chúa ‘nung nấu’ trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì sự mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn.”
(Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).
Lm Nguyễn Phước, OFM

𝐓𝐇𝐀́𝐍𝐆 𝟏𝟏 – 𝐓𝐇𝐀́𝐍𝐆 𝐃𝐀̀𝐍𝐇 𝐑𝐈𝐄̂𝐍𝐆 𝐂𝐇𝐎 𝐂𝐀́𝐂 𝐋𝐈𝐍𝐇 𝐇𝐎̂̀𝐍 𝐍𝐎̛𝐈 𝐋𝐔𝐘𝐄̣̂𝐍 𝐍𝐆𝐔̣𝐂

Giáo Hội dành tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục và nhắc nhở chúng ta hãy làm việc đền tội và ra sức cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.
𝐋𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐧𝐠𝐮̣𝐜 𝐥𝐚̀ 𝐠𝐢̀?
Luyên ngục hay Luyện tội là nơi mà các linh hồn đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa được hoàn hảo đủ để vào ngay Thiên đàng. Các linh hồn này phải “tạm trú” trong nơi gọi là Luyện tội để được thanh tẩy một thời gian dài ngắn tùy theo mức hoàn hảo đòi hỏi trước khi được vào Thiên Đàng
𝐓𝐢́𝐧 đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐥𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐧𝐠𝐮̣𝐜 ?
• Kinh thánh không dùng chữ luyện ngục nhưng cho ta thấy thực tại của luyện ngục như Chúa Giêsu đã dạy có những tội được tha ở đời này, và có những tội được tha ở đời sau (Mt 12,32)
• Thánh Phaolo cũng đã nói: có kẻ được cứu rỗi nhưng phải qua ngọn lửa (1 Col 3, 15) ý nói đến lửa luyện ngục
𝐓𝐚̣𝐢 𝐬𝐚𝐨 𝐜𝐚̂̀𝐧 𝐜𝐚̂̀𝐮 𝐧𝐠𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐜𝐡𝐨 𝐜𝐚́𝐜 𝐥𝐢𝐧𝐡 𝐡𝐨̂̀𝐧?
• Vì họ mất khả năng lập công cho chính họ nhưng chỉ nhờ vào chúng ta để cầu thay nguyện giúp cho các ngài.
• Việc cầu nguyện cho các linh hồn cũng là bổn phận của mỗi người chúng ta – những người đang sống. Vì chúng ta cùng sống trong mầu nhiệm các thánh thông công. Chúng ta là các chi thể của nhau trong cùng nột “thân thể duy nhất”, nên chúng ta không thể nào bỏ qua khi có một chi thể bị đau đớn.
𝐏𝐡𝐚̉𝐢 𝐥𝐚̀𝐦 𝐠𝐢̀ đ𝐞̂̉ 𝐜𝐚̂̀𝐮 𝐧𝐠𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐜𝐡𝐨 𝐜𝐚́𝐜 𝐥𝐢𝐧𝐡 𝐡𝐨̂̀𝐧 𝐧𝐨̛𝐢 𝐥𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐧𝐠𝐮̣𝐜 ?
Dù chưa được vào Thiên Đàng, nhưng các linh hồn thánh ở Luyện tội có thể cầu xin đắc lực cho các tín hữu còn sống.
Và ngược lại, các tín hữu có thể cứu giúp các linh hồn nơi Luyện Tội bằng các việc lành như : cầu nguyện, lần chuỗi , làm việc bác ái, như cứu giúp người nghèo khó, bệnh hoạn, nhất là xin lễ cầu cho các linh hồn đặc biệt làm trong tháng cầu cho các linh hồn.
Trong Kinh Tin Kính người Kitô hữu tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là niềm hy vọng của người Kitô hữu vì tin vào lời Đức Giêsu: “Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống, ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga. 11,25-26).
Như vậy, sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi; và sự sống đời sau mới là trường tồn.
Và các Linh Hồn luôn mong chờ những lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé của chúng ta, đặc biệt trong tháng 11 – tháng dành cho các linh hồn.

Lời nguyện tín hữu lễ Các đẳng linh hồn

Chủ tế :                 

Anh chị em thân mến,
Cầu cho những người đã qua đời là một trong những truyền thống cổ kính nhất của Hội Thánh. Sau ngày mừng kính Các Thánh  trên thiên đàng, Hội Thánh hướng về “tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ”. Niềm hy vọng của chúng ta là Đức Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Vậy, chúng ta hãy tin tưởng dâng lời nguyện xin.

Hướng dẫn :

1. Trong suốt cuộc hành trình ở trần gian, Giáo Hội có sứ mạng làm chứng Đức Kitô đã sống lại giữa bao gian nan, thử thách và đau khổ. Xin cho Giáo Hội Chúa không ngừng làm chứng cho niềm hy vọng sống lại của loài người, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bằng đời sống tin – cậy – mến của mình.

2. Chúa đã Phục Sinh để đem lại sự sống cho những ai đã ly trần. Xin Chúa đoái thương, tha thứ những lỗi lầm cho ông bà tổ tiên, cha mẹ, anh chị em, thân nhân, ân nhân chúng ta đã qua đời được mau hưởng sự sống vinh quang trên trời.

3. “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta sẽ không chết bao giờ”. Xin Chúa thương đến những ai chưa nhận biết Chúa và không đặt niềm hy vọng nơi Ngài, để họ biết đặt niềm tin tưởng trông đợi ngày kẻ chết sống lại và cuộc sống đời sau.

4. “Tất cả những ai tin vào Người Con thì được sống muôn đời”. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta đã tin nhận Chúa, luôn trung thành tin theo Chúa đến trọn đời.
 
Chủ tế :               

Lạy Chúa,
Con Chúa đã phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống và bất cứ ai sống mà tin Ta thì sẽ không phải chết muôn đời”. Chớ gì Ánh Sáng Phục Sinh của Con Chúa chiếu giãi vào cuộc đời tăm tối chúng con, giúp chúng con vượt qua gian nan thử thách mà thẳng tiến về quê trời vĩnh cửu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đ: Amen.

Tác giả bài viết: Linh mục Phaolô Trương Đình Tu

https://gpquinhon.org/q/loi-nguyen-giao-dan/loi-nguyen-tin-huu-le-cac-dang-linh-hon-6210.html

 

ĐẤT THÁNH
Nơi chôn xác người chết được gọi là Nghĩa Trang hoặc Nghĩa Địa, thậm chí người ta còn gọi là Bãi Tha Ma. Thế nhưng người Công giáo gọi nơi đó là ĐẤT THÁNH (tức là Thánh Địa, nhưng tránh gọi là Thánh Địa để không trùng với Giêrusalem). Thế đấy, Đất Thánh chứ không phải là Đất Thường. Đất Thánh thì chỉ có những Người Thánh (Thánh Nhân) mới được chôn ở đó.
Những ai thuộc về Giáo hội của Đức Kitô đều là thánh nhân. Các thánh thực thụ là các thánh vinh hiển (các thánh khải hoàn, vinh thắng) đang ở trên Thiên Quốc, các thánh tương lai (các thánh đau khổ) là các linh hồn đang chịu thanh tẩy nơi Luyện Hình, còn các Kitô hữu là các thánh chiến đấu trên đường lữ hành trần gian. Đó là “tam giác thánh” của MỘT Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Thật tuyệt vời biết bao!
“Xin cho con các linh hồn, còn những thứ khác, xin Chúa cứ lấy đi!” (Thánh Don Bosco).
TRẦM THIÊN THU
 
Có 1 số người đã hỏi tôi rằng: “Chúng mày theo Chúa, thờ mỗi Chúa, thế là khi Bố Mẹ Ông Bà người thân chết đi là khỏi phải thờ à ?”
Tôi cười và đáp: Dạ thưa các bạn trong 10 điều răn Chúa dạy chúng tôi, có 1 điều đó là “Thảo Kính Cha Mẹ”.Còn với Đức Giêsu, Ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính Cha Mẹ; kẻ nào nguyền rủa Cha Mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).
Và hằng ngày trong các Thánh lễ chúng tôi vẫn cầu cho các linh hồn đó chứ.
Người Công Giáo chúng tôi còn có dành riêng 1 tháng để kính nhớ đến ông bà tổ tiên cùng những người đã khuất, và chúng tôi vẫn ăn tết nguyên đán như bình thường ! trong những ngày vui của năm mới chúng tôi cũng không quên dành ngày mùng 2 tết âm lịch để nhớ về cội nguồn của mình.
Chúng tôi cũng có ngày lễ giỗ. Gia đình sẽ mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến không phải ngồi quanh mâm cỗ cúng, mà quây quần gần bên bàn thờ được thắp nến trưng hoa để đọc kinh dâng lời cầu nguyện, mong cho linh hồn đã chết sẽ được đến nơi vĩnh hằng là Thiên Đàng. Thay vì mâm cao cỗ đầy mời người đã khuất về cùng với gia đình theo quan niệm bên các bạn, chúng tôi cũng không quên ngồi lại bên nhau sau giờ đọc kinh mời chén trà, điếu thuốc, dùng cái kẹo, trái cây. quan niệm của chúng tôi là hãy đối xử tốt với những người thân bên cạnh bạn khi còn sống, còn khi đã khuất mâm cao cỗ đầy cũng để làm gì.
Điều các bạn tin và mong muốn là sống tốt và kiếp sau sẽ được luân hồi tiếp tục chở thành con người…
Khác với các bạn niềm tin của chúng tôi đó là Nước Trời, là Thiên Đàng nơi mà con người sẽ sống 1 cuộc sống hạnh phúc viên mãn mãi mãi.
Các bạn có tin điều các bạn mong muốn không?
Còn chúng tôi. Chúng tôi tin! chúng tôi sẽ làm những điều gì mình tin, mà tin điều gì thì điều ấy sẽ có!!!
“Cứ xin thì sẽ cho, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở.”
Nguồn : Copy Maiyeuemkophaimo nd

Cầu cho các tín hữu đã qua đời

z4814403318737a72f7db445dcdb5d98389bb1b45ffd0b

Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì tin rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc ngu xuẩn. Ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi (xem Macabê quyển 2, chương 12, từ câu 43 đến 46).

Khi dâng các việc hy sinh hãm mình, và cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta tuyên xưng niềm tin (1) vào sự sống lại và sự sống đời đời, (2) vào mầu nhiệm các thánh thông công, và (3) vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta cũng bày tỏ lòng hiếu thảo và lòng bác ái đối với những người đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta cũng ý thức hơn về thân phận chóng qua của mình, để biết ra công tìm kiếm Chúa, là hạnh phúc đích thực. Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời không chỉ là tháng của những người chết, mà còn là tháng của những người sống, đang trên đường: bước vào ánh sáng vinh quang.

Các linh hồn ở trong luyện ngục là ở trong niềm hy vọng. Hy vọng, vì họ biết mình vẫn còn ở trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, nhất là họ biết rằng: họ sẽ được đảm bảo sự sống thiên đàng bên Chúa. Đây là một giai đoạn chuẩn bị sau cùng để họ được vào cõi sống đời đời. Chính vì thế, dù có phải trải qua lửa luyện tội đau đớn, họ vẫn không hề bi quan, nhưng đầy tràn niềm vui và hy vọng. Ta hãy năng nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, và những hy sinh của mình, vì chắc chắn rằng: một khi được giải thoát, họ cũng sẽ nhớ đến chúng ta trên thiên đàng.

Để giải thoát ta khỏi quyền lực Thần chết, Đức Kitô đã đến để mang lấy thân phận phải chết của chúng ta. Người thực hiện thánh ý của Chúa Cha là muốn cứu độ tất cả mọi người. Người đã chết vì chúng ta, đã làm hy tế xá tội cho chúng ta. Nhờ cái chết của Người, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời. Người đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển, nên quyền lực của Thần chết đã bị vô hiệu hóa. Kể từ đó, tương quan của chúng ta với sự chết đã thay đổi, vì Đức Kitô chiến thắng: sẽ luôn chiếu soi cho những ai đang ngồi trong bóng tử thần.

Sự chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, mong manh của đời người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắt nghiệt này, chúng ta dễ sầu đau, đôi khi thất vọng chán chường. Tuy nhiên, sự khôn ngoan đích thực thì vượt xa hơn thế: khi ta nhận biết thân phận mình nằm trong bàn tay Thiên Chúa. Điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Cầu cho cha mẹ đã qua đời:

 1. Xin Chúa í a chúc lành, cho đời cha mẹ của con, công ơn, là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn, con sinh đến trong đời, an vui, nhờ có ơn Trời, và ơn cha mẹ, suốt đời, coi nhẹ khổ đau. Xin cho cha mẹ con, thoát khỏi sầu vương, lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.

 2. Kim ô bóng đã khuất rồi, để lại ánh chiều mờ sương, than ôi, mẹ cha mến thương, đã ra đi, vĩnh biệt cõi đời. Con nay đã nên người, an vui, hay phải u sầu, còn đâu tiếng cười, đâu lời: khuyên của mẹ cha. Xin cho cha mẹ con, thoát khỏi sầu vương, lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.

3. Canh khuya tiếng khóc thâm tình, vang vọng, với từng lời kinh, van xin cùng Đức Nữ Trinh, đưa mẹ cha, thoát khỏi luyện hình. Con đền đáp ân tình, hy sinh, như chuỗi hãm mình, cầu cho cha mẹ, sống tình Chúa Trời ngàn thu. Xin cho cha mẹ con, thoát khỏi sầu vương, lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.

 Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

https://giaophanvinhlong.net/cau-cho-cac-tin-huu-da-qua-doi.html

Lễ Các Đẳng Thuộc Bậc Lễ Nào?

Hỏi: Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (Lễ Các Đẳng) diễn ra ngày 2-11 hàng năm, được xếp vào danh sách các bậc lễ. Nhưng tôi thấy hình như là bất thường, vì tôi thấy lễ này không được xếp vào bậc lễ, như lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ… Vậy, thưa cha, trường hợp này là trường hợp riêng hay sao? Nếu như vậy, nó xuất hiện như là trường hợp độc nhất trong lịch phụng vụ rồi. – A. L., Campbell, California, Mỹ.

Đáp: Mặc dù lễ Các Đẳng của năm nay đã qua, nhưng nó đáng cho chúng ta nhớ lại bậc lễ của nó.

Đúng là lễ Các Đẳng có một bậc riêng. Lễ này không phải là lễ trọng, bởi vì nó cầu cho các tín hữu đã qua đời, chứ không mừng kính họ. Lễ này có ưu tiên phụng vụ hơn lễ Chúa Nhật. Nó giống với lễ Chúa Nhật, chỉ khác một điều là khi lễ được cử hành vào Chúa Nhật, Kinh Vinh Danh và Kinh Tin Kính không được đọc hoặc không được hát.

Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời có ba bài đọc, ngay cả khi nó rơi vào một ngày thường trong tuần. Một số Sách bài đọc cung cấp một loạt bài đọc, và cho biết thêm rằng các bài đọc của hai Thánh Lễ khác, mà một linh mục có thể cử hành trong ngày 2-11, được lấy từ Sách lễ an táng. Một số Sách bài đọc khác, chẳng hạn sách tại Ý, đưa ra ba nhóm sách bài đọc, và mỗi nhóm có ba bài.

Không giống như bậc lễ trọng, ưu tiên của Lễ Các Đẳng hơn lễ Chúa Nhật không mở rộng đến ưu tiên cho Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Phụng Vụ Các Giờ Kinh là Phụng vụ của Chúa Nhật hiện tại, mặc dù nó có thể được thay thế bằng Phụng vụ Cầu Hồn trong buổi đọc kinh chung.

Một lần nữa, không giống như lễ trọng rơi vào ngày Chúa Nhật, khi Lễ Các Đẳng rơi vào ngày Chúa Nhật, không có lễ Vọng cho Lễ này vào chiều thứ bảy, vì Lễ Các Thánh được cử hành trong suốt cả ngày thứ bảy ấy.

Ở các quốc gia mà Lễ Các Thánh không phải là một ngày lễ buộc, ai dự Lễ Các Thánh chiều thứ Bảy là chu toàn luật dự lễ ngày Chúa Nhật rồi.

Về mặt lịch sử, một ngày dành riêng để cầu cho các tín hữu qua đời đã diễn ra ở nhiều nơi và nhiều ngày trong năm. Các tu viện Biển Đức dâng lễ cầu cho các đan sĩ qua đời vào tuần lễ sau Lễ Hiện Xuống, và có bằng chứng rõ ràng cho tập tục này ở Tây Ban Nha trong thế kỷ VII, gần Lễ Hiện Xuống. Dường như tập tục dâng lễ cho người đã qua đời có liên quan đến một số lễ trọng như Lễ Hiện Xuống, Lễ Hiển Linh hoặc một vị thánh khá nổi tiếng trong Giáo Hội. Ví dụ, thánh Eigil (qua đời năm 822), Viện phụ ở Fulda, qui định lễ Các Đẳng vào ngày 17-12, ngày ly trần của thánh Sturmius, vị sáng lập tu viện.

Ở Đức, lễ Các Đẳng được ghi nhận là thiết lập vào ngày 1-10, khoảng năm 980. Dường như giáo phận đầu tiên tổ chức Lễ Các Đẳng là giáo phận Liège trước năm 1008. Lễ này được cử hành lần đầu ở giáo phận Milan giữa năm 1120 và năm 1125, và tổ chức vào ngày 16-10, ngày sau ngày lễ Cung Hiến Nhà thờ lớn. Cần nhắc lại rằng ngày này được duy trì cho đến thời Thánh Carôlô Borromeo (qua đời năm 1584 ), khi thánh nhân qui định lễ Các Đẳng vào ngày 2-11.

Tuy nhiên, người có ảnh hưởng nhất trong việc thiết lập và lan rộng ngày lễ này là Thánh Odo ở Cluny (qua đời năm 1048 ), người chọn tập tục này cho Dòng tu có rất nhiều tu viện. Ngài ấn định ngày 2-11, để cho nó liên quan đến Lễ Các Thánh được mừng ngày hôm trước.

Từ đó, Lễ lan rộng đến tất cả các tu viện Biển Đức khác, và việc này giúp mở rộng lễ Các Đẳng cho toàn thể Giáo Hội.

Từ những gì chúng tôi đã nói về sự kết hợp của lễ Các Đẳng với các lễ lớn, rõ ràng là có rất ít nền tảng cho giả thuyết rằng lễ Các Đẳng được thiết lập bởi Giáo Hội như một đối trọng, hoặc như một nỗ lực thánh hóa một lễ hội Celtic ngoại giáo nhằm tôn vinh người chết. Lễ hội ngoại giáo này có lẽ đã được tổ chức vào đầu tháng 11, và đã bằng cách nào đó tồn tại vào thời Trung Cổ, nhưng không có bằng chứng bằng văn bản của sự tồn tại của lễ hội này trong thời gian đó.

Nguyễn Trọng Đa
Trích nguồn: http://conggiao.info