Mừng Kính Thánh Nữ Cêcilia Trinh Nữ Tử Đạo 22.11 Bổn mạng Hội Ca Vịnh

HỘI CA VỊNH CÊCILIA HÌNH THÀNH và PHÁT TRIỂN

Cộng đoàn phụng vụ mà thiếu ca đoàn, bầu khí sẽ tẻ nhạt thiếu sốt sắng, nên Giáo xứ nào cũng phải hình thành một hay nhiều ca đoàn để phục vụ Thánh Lễ. Vì thế ngay từ lúc phôi thai, Cha cố Giuse Maria Phạm Quang Thiều và những người có trách nhiệm đã chuẩn bị trước trong thời gian dân còn tạm trú tại Trung tâm Savio (Thủ Đức), để khi đặt chân đến Ngọc Lâm là sẵn sàng phục vụ ngay. Như ánh sao xưa báo hiệu và dẫn đường cho Ba Vua tìm gặp Đấng Cứu Thế.

1/Ca đoàn Sao Linh với bổn mạng lễ Hiển Linh đã được hình thành sớm nhất với ý nghĩa ấy, do ông Đaminh Vũ Mạnh Cường trực tiếp điều hành. Hiện nay vẫn sinh hoạt đều đặn, có các anh biết nhạc lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn, hiện nay Chị Maria Ngô Thị Kim Hương –Trưởng nhóm

Với đà tăng dân số và phụng vụ ngày càng tăng của Giáo xứ, một ca đoàn không thể đáp ứng được hết mọi nhu cầu và thế là nhiều ca đoàn khác lần lượt ra đời:

2/Ca đoàn Fatima thành lập năm 1974, Bổn mạng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Tiền thân là nhóm các chị em Gia Đình Mẹ Vô Nhiễm, do ông Giuse Phạm Đức Hậu phụ trách, đến năm 1976 chính thức đổi tên là ca đoàn Fatima, do quý Dì Mến Thánh Giá Gò Vấp và hiện nay anh Phêrô Đặng Quý Vượng trưởng nhóm đảm nhận hướng dẫn tập luyện số ca viên có 26 anh chị

3/Ca đoàn Têrêsa thành lập năm 1975 bổn Mạng Thánh Têrêsa Hài Đồng gồm các thiếu nhi nữ, do sự hỗ trợ của Cha phó Giuse Đỗ Văn Nguyên, dì Maria Madalena Nguyễn Thị Mến OP, quý dì Dòng Đaminh Tam Hiệp hướng dẫn với sự trợ giúp của các anh tông đồ. Đến năm 1984, để phục vụ nhu cầu cho các lớp Giáo lý, ca đoàn Thánh Giá Gỗ ra đời gồm toàn các thiếu nhi nam.  Sau một thời gian ngắn hoạt động, ca đoàn này được sát nhập vào ca đoàn Têrêsa. Đặc biệt ca đoàn còn được ông cố Anphongso Nguyễn Chí Phúc (ông cố Đức Cha Anphongso Nguyễn Hữu Long) hướng dẫn tập đàn Violon, Mandolin cho một số em. Đến nay ca nhóm được quý dì Mến Thánh Giá tập luyện hướng dẫn.

4/Ca đoàn Đaminh thành lập năm 1978 trực thuộc Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh Ngọc Lâm do quý Dì Đaminh Lạng Sơn phụ trách, sau khi sáp nhập vào hội ca vịnh mới đổi tên thành Catarina, hiện nay quý anh chị lớp lớn có kinh nghiệm nhạc lý đảm nhận tập luyện cho ca đoàn gồm có 20 ca viên. Nhận Thánh Catarina Siena tiến sỹ hội thánh làm bổn mạng được kính hằng năm vào ngày 29/04, hiện nay anh Giuse Đặng Thành Công—Trưởng nhóm

Sau một thời gian, bốn ca đoàn này được tập hợp chung vào một Hội Ca Vịnh, do ông Giuse Phạm Xuân Thiện và ông Phanxico.X Phạm Văn Hùng phụ trách phân công điều hành. Lúc này các ca đoàn thi đua dày công luyện tập, dù phải tập hát trong các mái nhà tranh vách liếp, dưới ánh đèn dầu leo lét, nhưng vẫn đông đủ đúng giờ, nên phục vụ Thánh Lễ với chất lượng chuyên môn cao, thu hút nhiều người đến dự lễ. Tuy được Cha xứ và quý ân nhân hỗ trợ các phương tiện phục vụ, nhưng để có quỹ sinh hoạt, các ca đoàn phải tổ chức làm cỏ mướn gặt lúa thuê. Tuy vất vả là thế, nhưng những công việc ấy lại tạo nên sự gắn bó đoàn kết, trở thành những kỷ niệm đẹp khó phai trong tâm hồn từng người.  Ngoài ra Hội Ca Vịnh có những lần đem “Màu cờ sắc áo” tham gia những buổi Thánh ca tại Giáo Hạt, sau này là Giáo Phận gặt hái được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Từ năm 1989 Cha phó Giuse Trần Phú Sơn về Giáo xứ, nhận nhiệm vụ đặc trách ca đoàn.  Để có sự thống nhất chung trong Giáo Phận, các ca đoàn được gọi là Ca Nhóm, Hội Ca Vịnh gọi là Ca Đoàn Giáo Xứ với bổn mạng Thánh Nữ Cêcilia trinh nữ tử đạo được kính vào ngày 22/11 hằng năm. Thời gian này các phòng tập hát được xây dựng và trang bị đầy đủ, mua sắm mới đàn âm thanh nhạc cụ loại tốt. Về chuyên môn, ba Ca nhóm lớn do các anh phục vụ lâu năm giàu kinh nghiệm phụ trách, còn riêng ca nhóm Têrêsa được quý Dì Mến Thánh Giá hướng dẫn

Năm 2004 Cha Giuse Đinh Văn Huấn về coi sóc Giáo xứ, Ngài đã lập thêm hai Ca nhóm nữa:

5/ Ca nhóm Gia trưởng gồm toàn quý ông, quý anh trong giới Gia trưởng tự tập hát với nhau, phụ trách hát lễ theo sự phân công của Hội Ca Vịnh và các giờ phụng vụ riêng của giới mình, có khoảng 24 ca viên. Bổn mạng mừng kính vào Lễ Thánh Gia hằng năm, Đến năm 2022 ca nhóm đổi Thánh Phanxicô Assisi làm quan thầy, hiện nay anh Phêrô Trần Bá Hoàng—Trưởng nhóm.

6/ Ca nhóm Hiền Mẫu gồm toàn quý bà quý chị trong giới Hiền Mẫu, nhiệt tình hát hay phục vụ chính trong giới của mình và hát vào những Thánh lễ đã được Hội Ca Vịnh phân công, có khoảng hơn 30 ca viên. Nhận Thánh Monica mừng kính ngày 27/08 làm bổn mạng, hiện nay Chị Maria Nguyễn Thị Bích Thảo –Trưởng nhóm

Đến nay Hội Ca Vịnh có 6 ca nhóm, năm 2013 Cha xứ Gioan.B Nguyễn Văn Hưng và cộng đoàn Giáo xứ đã xây dựng xong dãy nhà sinh hoạt mục vụ khang trang thoáng mát, có đầy đủ mọi trang thiết bị cho ca viên luyện tập. Từ đó các ca nhóm tích cực tập luyện và thay phiên nhau phục vụ trong các Thánh Lễ theo lịch phân công của Hội Ca Vịnh, nhưng cũng gặp cảnh “Tre gìa măng chưa mọc “như các đoàn thể khác. Đây là nỗi ưu tư trăn trở của quý Cha, quý Dì và các anh chị phụ trách.

Nhìn lại những tháng năm qua, xin ghi tạc sự quan tâm của quý Cha, quý Thầy, quý Dì, các nhạc trưởng đã dìu dắt hướng dẫn, cộng thêm sự hỗ trợ của Ban Hành Giáo các Đoàn Thể, ân nhân xa gần cùng cộng đoàn Giáo xứ đã quảng đại giúp đỡ và các cựu ca viên vẫn thường nâng đỡ đàn em, đặc biệt là sự hy sinh của các anh chị phục vụ, dù phải lo toan cho gia đình riêng nhưng vẫn phải gồng gánh trách nhiệm suốt thời gian dài cả 15—20 năm và hơn nữa. Tất cả những ưu ái và hy sinh này chỉ mong được gửi gắm nơi các anh chị ca viên hiện tại và sau này lời nhắn nhủ: “cố lên,cố lên nữa!” để làm sáng danh Chúa và phục vụ cộng đoàn bằng lời ca tiếng hát, kế thừa xứng đáng truyền thống hy sinh phục vụ của các bậc đàn anh, đàn chị.

HỘI TRƯỞNG CA VỊNH QUA CÁC THỜI KỲ:

1/Vinhsơn Đặng Quốc Việt (1995—2005)

2/Giuse Vũ Thiên Hoàng (2005–2009)

3/Phêrô Trịnh Thanh Lâm (2009—2013)

4/Phêrô Đặng Quý Vượng (2013—2017)

5/Maria Mai Thị Hương Thu (2017–2021)

NHIỆM KỲ HỘI CA VỊNH 2021—2025

1/Phêrô Trần Bá Hoàng—Hội trưởng

2/Phêrô Đặng Quý Vượng –Fatima

3/Maria Ngô Thị Kim Hương—Sao Linh

4/Giuse Đặng Thành Công—Catarina

Hiện nay Hội ca Vịnh có tổng số 252 hội viện

 Thơ:  CON VÀO CA ĐOÀN

Cảm tạ Chúa đã dẫn con đi

Vào Ca Đoàn con tìm đến Chúa

Chúa đưa tay xóa sạch áng mây mù

Để rọi soi cho con đường chân lý

Những năm qua, con vâng theo Thánh Ý

Từng ấy ngày, Chúa đã đỡ nâng con

Sống yêu thương, bác ái thật vuông tròn

Con cảm nhận tình yêu người nồng ấm

Ở bên Chúa, con chẳng biết buồn đâu!

Hồng ân Chúa đã cho con nhiều ân sủng

Vào Ca Đoàn, con đường con chọn đúng

Hát ca vang là lý tưởng đời con

Yêu thương nhau trong tình Chúa vẹn toàn

Hồng ân Chúa, xuống tràn trề phúc ân

  Mừng lễ Thánh Cêcilia 22/11

Mời xem hình ảnh Thánh Lễ kính Thánh Cecilia trinh nữ tử đạo– Bổn mạng hội ca vịnh:

https://www.facebook.com/GXngoclam/posts/pfbid0gES8dmQBkY5HDk3hCHMjUgzY2C3grLHPTXLfFbsrNQd2Akud3TvaiNhZrn8KEH4kl

22 Tháng Mười Một Thánh Cecilia (Thế kỷ III)

https://hddmvn.net/22-thang-muoi-mot-thanh-cecilia-the-ky-iii/

Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư, có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.
Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với đức lang quân, “Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai”. Và khi ông hứa, ngài nói: “Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến”. Ông nói, “Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy”, và ngài trả lời, “Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội”.

Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.

Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.

Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.

Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.

Lời Bàn

Như bất cứ Kitô hữu tốt lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.

Lời Trích
“Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn… Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ… Bình ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu… Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát” (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).

Tại sao Thánh Cêcilia được chọn làm bổn mạng các ca đoàn?

https://giaophanvinhlong.net/tai-sao-thanh-cecilia-duoc-chon-lam-bon-mang-cac-ca-doan.html

image-41

Thánh Cêcilia thuộc gia đình quý phái sống tại Roma dưới thời vua Alexander Sêvêrô. Trong khi giới trẻ ngoại giáo mê say âm nhạc trần tục, thì lòng Cêcilia hướng về Chúa và chỉ ca hát chúc tụng một mình Chúa thôi. Đáp lại lòng đạo đức của thánh nữ, Thiên Chúa cho thánh nữ đặc ân: được nhìn thấy thiên thần hộ thủ hiện diện bên cạnh mình.

Cha mẹ Cêcilia gả thánh nữ cho một nhà quý phái tên là Valêriô. Trong ngày cưới, Cêcilia mặc chiếc áo nhặm dưới lớp áo ngoài sang trọng, và khẩn cầu Chúa giữ cho mình được ơn khiết tịnh. Giữa tiếng ca hát tưng bừng của ngày lễ cưới, Cêcilia vẫn giữ thói quen cùng với các thiên thần ca hát những khúc: thánh ca và thánh vịnh. Do đó, các nhạc sĩ và các ca đoàn thường hay nhận ngài làm Thánh Bổn Mạng.

Cảm kích trước sự thánh thiện và thanh khiết của thánh nữ, Valêriô đã chấp nhận để cho thánh nữ giữ đức đồng trinh và ông ước ao được nhìn thấy thiên thần hằng ở bên cạnh thánh nữ. Sau khi được giám mục Urbanô dạy đạo và rửa tội, khi trở về nhà, Valêriô bắt gặp thánh nữ đang cầu nguyện, có thiên thần bên cạnh, khuôn mặt thiên thần rực sáng, tay cầm hai chiếc triều thiên được kết bằng: hoa huệ và hoa hồng. Thiên thần đặt một chiếc trên đầu Cêcilia, và một chiếc trên đầu Valêriô như dấu chỉ hồng ân: khiết tịnh và tử đạo, mà Thiên Chúa ban cho hai vị.

Thánh Cêcilia đã sống kết hợp với Chúa bằng một đời sống hát ca chúc tụng ngợi khen Chúa, như vịnh gia đã kêu gọi: Hãy tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm; kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một bài ca mới. Nhờ ân sủng, thánh nữ đã được đổi mới từ tình trạng cũ kỹ, để trở nên con người mới: để hát bài ca mới kính Đức Chúa. Thánh nữ không hát bằng lời, nhưng hát bằng tiếng lòng, tiếng lòng reo vui không thể diễn tả bằng lời.

Tiếng lòng reo vui là một tiếng phát ra từ một tâm hồn đang trào dâng một điều gì đó không thể diễn tả được. Tiếng lòng reo vui không thể diễn tả đó rất thích hợp với Thiên Chúa, là Đấng chúng ta không thể diễn tả, mà chỉ cảm nhận được phần nào mà thôi. Đấng mà thánh nữ không thể diễn tả bằng lời, nhưng, cũng không được phép giữ thinh lặng, thì thánh nữ đã để cho tâm hồn rộn tiếng hò reo: Miệng con chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh. Theo nhịp đàn mừng Chúa, miệng con sẽ reo hò. Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa, đàn hát kính danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao.

Ước gì khi mừng lễ thánh Cêcilia, các tín hữu nói chung, đặc biệt là các cá nhân và các hội đoàn nhận ngài làm Bổn Mạng, biết noi gương thánh nữ: hằng chúc tụng ngợi khen Chúa bằng một bài ca mới. Con người cũ không thể hát được bài ca mới, nhờ lời thánh nữ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta biết từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa, để chính chúng ta sẽ trở thành bài ca mới, bài ngợi khen tán tụng, mà bất cứ ai khi gần gũi, tiếp xúc với chúng ta, họ cũng đều có thể cất tiếng lòng vui sướng: mà tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa chúng ta. Ước gì được như thế!

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB