Tôi có thể được rước lễ khi không đi lễ thường xuyên?

 Luisa Restrepo

Chúng ta cần trở về với ý nghĩa đích thực của Thánh lễ, để chúng ta có thể hiểu được điều tuyệt diệu vô biên mà việc rước lễ đem lại cho chúng ta.
Điều đó phụ thuộc vào việc bạn không tham dự thánh lễ nào … Dĩ nhiên, bạn có thể rước lễ nếu bạn không dự lễ ngày thường hoặc nếu bạn ở trong tình trạng ân sủng để rước lễ, nhưng điều quan trọng là bạn không bỏ thánh lễ Chúa nhật. Nếu bạn bỏ lễ Chúa nhật, trước khi lên Rước Lễ, bạn phải đi xưng tội.
Tại sao Thánh Lễ Chúa Nhật lại quan trọng như vậy?
Thánh lễ Chúa nhật rất quan trọng đối với chúng ta là những kẻ tin. Sách Giáo lý giải thích điều đó cho chúng ta :
“Thánh Lễ Chúa nhật là nền tảng và xác nhận mọi thực hành Kitô giáo. Vì vậy mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày lễ buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn ( x. CIC,1245 ). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng” (GLCG 2181).
“Khi cùng tham dự thánh lễ Chúa Nhật, người tín hữu minh chứng sự gắn bó và trung thành với Đức Kitô và Hội Thánh, bày tỏ sự hiệp thông trong đức tin và đức mến. Họ cùng nhau làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và cho niềm hy vọng của họ vào ơn cứu chuộc. Họ nâng đỡ nhau dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần” (GLCG 2182).
Nếu mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa thật quan trọng đối với chúng ta, thì chúng ta nên quan tâm đến việc đi lễ, rước Thánh Thể Người, bước vào trong sự hiệp thông với Người và với những người khác, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta yêu mến Người và Người là một phần cơ bản trong cuộc sống của chúng ta.
Hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa bằng cách lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, giúp nuôi dưỡng chúng ta với tư cách là những tín hữu và giúp chúng ta khỏi lạc đường.
Là Kitô hữu chúng ta không thể thiếu Thánh Lễ Chúa nhật, cố gắng rước lễ, bởi vì theo cách này, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, được nên một với Người.
Rước lễ
Đúng là có những lỗi khác khiến bạn không được rước lễ. Không đi lễ không phải là lỗi duy nhất làm cho bạn không được rước lễ.
Chúng ta có thể đánh mất ân sủng của Thiên Chúa nếu chúng ta để Ngài vuột khỏi tự do và lương tâm của mình. Nếu chúng ta không sống trọn vẹn tình yêu thương với tha nhân, với chính mình, với thụ tạo và với Đấng đã tạo nên mình.
Đó là phục hồi cho thánh lễ ý nghĩa thực sự của nó, phần nào bị che khuất theo thời gian.
Thánh lễ không chỉ là một hành động tôn thờ cá nhân, trong đó mọi người gặp gỡ Chúa Giêsu cách riêng tư, mà còn là một cộng đoàn quy tụ để nuôi dưỡng chính mình bằng thân thể Chúa Kitô và từ đó rút ra sức mạnh để dấn thân biến đổi thế giới.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói với chúng ta:
“Hiệp thông” là một tin mừng thực sự, là phương thuốc mà Chúa đã ban cho chúng ta để chống lại sự cô độc, vốn đang đe dọa mọi người hôm nay; đó là món quà quý giá làm cho chúng ta cảm thấy được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương, trong sự hiệp nhất của dân Người được quy tụ nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi; đó là ánh sáng làm cho Giáo hội tỏa sáng như ngọn cờ được giương cao giữa các dân tộc: “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau” (1 Ga 1, 6-7).
G. Võ Tá Hoàng

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Quan điểm của Giáo hội về hôn nhân đồng tính

Phêrô Dương Văn Hải, S.D.B
Hỏi: Giáo hội Công giáo có chấp nhận hôn nhân đồng tính giống như một số quốc gia đã hợp thức hóa hay không?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Trong những năm gần đây có nhiều người, đặc biệt là nhiều bạn trẻ đã công bố mình là người đồng tính. Không chỉ thế, họ còn công khai tình yêu cùng giới của mình và cũng đã tổ chức những lễ cưới như bao nhiêu lễ cưới của các đôi nam nữ với nhau. Tại một số quốc gia, chính phủ đã chấp nhận hôn nhân cho người đồng tình. Chắc có lẽ vì thế mà bạn đang thao thức: Nên chăng Giáo hội Công giáo cũng chấp nhận hôn nhân cho người đồng tính? Có lẽ để trả lời câu hỏi này, chúng ta nên đi vào tìm hiểu về bản chất và ý nghĩa đích thực của hôn nhân trong đời sống nhân loại.
Ý nghĩa và mục đích của hôn nhân
Theo Kinh Thánh, sau khi tạo dựng muôn loài muôn vật, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ và chúc phúc cho họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28). Đây không chỉ là lệnh truyền của Thiên Chúa, nhưng còn là sứ mệnh của con người, và là bản chất của sự kết hợp vợ chồng.
Bên cạnh đó, Kinh Thánh còn khẳng định người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng là để hỗ trợ cho nhau trong hành trình đời sống của họ: “Đàn ông ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Vì thế, khi Ađam nhìn thấy bà Evà thì liền thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,23-24). Như thế, hôn nhân ngay từ khởi đầu được nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Qua đó, người nam và người nữ kết hợp để hỗ tương cho nhau trong đời sống, cũng như để tiếp tục công trình sáng tạo và thánh hóa của Thiên Chúa trong việc truyền sinh.
Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng đã từng nói với những người Pharisêu rằng: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’” (Mt 19,4-5). Đồng thời, Ngài đã nâng đời sống hôn nhân lên hàng Bí Tích nhằm giúp đôi bạn sống cuộc đời nên thánh trong ơn gọi của mình (x. Mt 19,3-6). Như thế, Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định Thiên Chúa không dựng nên con người trong sự cô độc, hoặc chỉ là người nam, hoặc chỉ là người nữ. Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ và tác hợp họ thành vợ chồng, thành “một xương một thịt”, thành một gia đình của tình yêu thương tương trợ lẫn nhau.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái.” (GLHTCG, 1601). Với ý nghĩa này, giao ước hôn nhân chỉ được thực hiện trong tình yêu giữa một người nam và một người nữ, từ đó hướng đến việc truyền sinh và giáo dục con cái trong vai trò và trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, Công Đồng Vaticanô II diễn tả ý nghĩa nội dung hôn nhân là “sự hiệp thông thân mật của đời sống và tình yêu” (Gaudium et Spes, 48). Cũng như: “Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính, quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và đóng góp rất nhiều vào niềm hạnh phúc của cha mẹ.” (Gaudium et Spes, 50). Điều đó càng khẳng định cách rõ ràng hơn về đặc tính của đời sống hôn nhân. Nó không dừng lại ở việc người nam và người nữ sống cam kết trong tình yêu, nhưng còn hướng đến hoa trái của tình yêu là việc sinh sản và giáo dục con cái.
Trong Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng: “Hôn nhân là một dấu chỉ quí giá, vì khi một người nam và một người nữ cử hành Bí tích Hôn Phối, thì có thể nói, Thiên Chúa được ‘phản chiếu’ nơi họ, và Ngài ghi khắc trong họ những nét phác thảo đặc thù và dấu ấn tình yêu không thể xóa nhòa của Ngài.”[1]
Như vậy, hôn nhân là sự kết hợp trong giao ước tình yêu của một người nam và một người nữ dành cho nhau. Tình yêu này được vun đắp qua hành vi tự hiến trong đời sống vợ chồng, nhờ đó họ tiếp tục công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái.
Lập trường của Giáo Hội về hôn nhân đồng tính
Trước hết, Giáo Hội vẫn luôn xác tín và trung thành với ý nghĩa và mục đích hôn nhân mà chính Thiên Chúa đã đặt để trong chương trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Giáo hội dựa vào các bản văn Kinh Thánh (x. St 19,1-29); đặc biệt là trong các thư của thánh Phaolô, như một sự chỉ dẫn mục vụ đối với đời sống của người đồng tính. Thánh Phaolô đã nói đến lối sống đồng tính trong các thư của ngài, để cảnh báo cho các Kitô hữu về tình trạng sai đường lạc lối của một số người trong đời sống nhân loại. Ngài dạy rằng, những kẻ làm những hành động đồng tính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp (x. 1Cr 6,9-10; 1Tm 1,9-10). Cũng vậy, những người đàn bà và đàn ông làm điều trái tự nhiên “đàn ông bậy bạ với đàn ông” cũng bị ngài lên án là sẽ “chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình” (Rm 1,26-27). Điều này cho thấy những ai thực hành lối sống này đều đi ngược lại với mục đích và ý nghĩa của đời sống hôn nhân.
Trong “Tuyên ngôn về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục” của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ban hành ngày 29 tháng 12 năm 1975, số 8 có nói: “Những hành động đồng tính luyến ái là điều đã bị Kinh Thánh lên án như những sa đọa trầm trọng và bị coi là hậu quả đau thương của sự phủ nhận Thiên Chúa. Phán đoán này… chứng tỏ các hành động đồng tính luyến ái là điều xáo trộn và không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.” Còn trong Thư gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo về chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến, do Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành năm 1986, cũng xác định: một người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái là hành động không hợp luân lý… Chọn một ai đó cùng phái tính cho hoạt động tình dục của mình là phá hủy biểu trưng và ý nghĩa phong phú của tạo dựng tính dục của Tạo Hóa, đó là chưa nói đến mục tiêu của hành vi tình dục” (số 7). Và mới đây nhất, trong Thông cáo công bố ngày 15/3/2021, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng Giáo hội không có quyền làm phép chúc lành cho sự kết hiệp của những người đồng phái, và vì thế, việc làm phép chúc lành như vậy là điều bất hợp pháp.
“Giáo huấn của Giáo hội ngày nay là sự tiếp nối với quan điểm Kinh Thánh và với Truyền Thống hằng định của Giáo hội[2], nên Giáo Hội không thể chấp nhận hôn nhân đồng tính như một số quốc gia đã hợp thức hóa: “Dựa trên Thánh Kinh, vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự”. Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất kỳ trường hợp nào” (GLHTCG, 2357). Như thế, Giáo hội vẫn sẽ luôn khẳng định hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Bởi vì đây là một giao ước hôn nhân do chính Thiên Chúa thiết lập và đã được Đức Kitô nâng lên hàng Bí tích.
Tuy Giáo Hội không thể chấp nhận hôn nhân đồng tính như các quốc gia đã hợp thức hóa, nhưng Giáo Hội vẫn luôn yêu thương và đón nhận mọi người trong sự tôn trọng và cảm thông. Giáo hội xem họ là những đứa con cần được yêu thương hơn trong lòng Giáo hội: Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị” (GLHTCG, 2358).
Đồng thời, Giáo hội mời gọi con cái mình là những người đồng tính sống đúng ơn gọi của mình, vác thập giá đời mình trong niềm hy vọng, và tiến bước trên đường thánh thiện Kitô giáo: “Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm, và khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo (GLHTCG, 2358).
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)