Sống Lời Chúa Chúa Nhật 21 Thường Niên năm A 27.08.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 21 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 21 Thường niên năm A

Is 22,19-23 ; Rm 11,33-36 ; Mt 16,13-20

CHỦ ĐỀ: ĐỊA VỊ VÀ QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ

“Phêrô, nghĩa là Tảng Đá,
trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”
(Mt 16,18)

Đại diện cho các môn đệ, ông Phêrô đã tuyên tín “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và nhờ đó, ông đã được đặt làm nền tảng của Hội Thánh và được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Tuy nhiên, đây không phải là lời tuyên xưng suông, hay có địa vị và quyền bính không phải là một đặc quyền đặc lợi, mà kèm theo việc phải có thái độ đáp trả đúng đắn: người môn đệ phải theo gương Đức Giêsu là đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Vì thế, trên hành trình theo Đức Giêsu, người môn đệ phải có nhiều hy sinh để phục vụ Chúa và mọi người.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I: Is 22,19-23

Trong đời sống của Dân Thiên Chúa, địa vị và quyền bính được thiết lập là để phục vụ Chúa và Dân. Thế nhưng có những người lại sử dụng quyền bính được Chúa trao để mưu lợi ích riêng mình, với thái độ tự cao tự mãn. Bài đọc I nhắc lại lời sấm của Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia, nhằm chống lại thái độ kiêu căng tự mãn của Sobna, viên quan cai đền thờ Giêrusalem. Đức Chúa quyết định sẽ truất phế Sobna và tuyển chọn Êliaqim để thay vào vị trí đó. Việc thay thế này được diễn tả qua ngôn ngữ với các hành động mang tính biểu tượng: “Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó,…” Đức Chúa còn thực hiện một hành vi đầy tính biểu trưng cho việc trao ban quyền lực: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó” và chỉ rõ hiệu năng của quyền được trao ban khi Đức Chúa khẳng định liền sau đó: “nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được.”

“Trao chìa khóa” biểu trưng cho việc trao ban quyền bính. Chính trong biến cố tuyên tín của Phêrô tại Xêdarê Philipphê, Đức Giêsu dùng biểu tượng trao ban chìa khóa này để diễn tả việc trao ban quyền tối thượng cho ông Phêrô, trong tư cách là tảng đá góc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh của Người.

2. Bài đọc II: Rm 11,33-36

Bài đọc II ca ngợi Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Trong đoạn trước đó ở Rm 11,22-25, với cái nhìn đức tin, Phaolô nhận thấy dù lúc này, Israel đã không vâng phục nên dân ngoại được thương xót nhờ tin, nhưng sẽ đến lượt vì nhận thấy dân ngoại đã được thương xót, nên Israel cũng sẽ tự vấn mình để thay đổi hầu được xót thương. Phaolô lý luận rằng dân ngoại mà còn được thương xót, huống hồ Israel là Dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Dựa vào lời các ngôn sứ (Is 59,20; Gr 31,33-34), Phaolô khẳng định rằng Dân mà Thiên Chúa đã chọn sẽ không bị ruồng bỏ vĩnh viễn nhưng sẽ được cứu độ, vì họ là con cháu các Tổ phụ.

Cách thức mà Thiên Chúa dùng để cứu độ vẫn là một mầu nhiệm: “quyết định của Người ai dò cho thấu, đường lối của Người ai theo dõi được”, nhưng Thánh Phaolô vẫn xác tín rằng “Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người”, vì “muôn vật đều do Người mà có , nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người”. Suy niệm về điều này, vị Tông đồ dân ngoại phải thốt lên: Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen”.

3. Bài Tin Mừng: Mt 16,13-20

Mt 16,13-20 thuật lại sự kiện ông Phêrô tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu tại Xêdarê Philípphê, và sau đó ông được Đức Giêsu trao quyền cai quản Hội Thánh. Từ đầu Tin Mừng đến biến cố này, những gì thánh Matthêu trình thuật về Đức Giêsu qua lời nói và hành động của Người, cũng như qua các sự kiện liên quan đến Người là nhằm giúp dân chúng và độc giả nhận ra căn tính của Đức Giêsu: “Người là ai?”.

Thời điểm này, sau một thời gian dài các môn đệ được đồng hành với Thầy Giêsu: được nghe những bài giảng, chứng kiến những phép lạ, thấy Chúa trừ quỷ, nhận ra cách rõ nét những tương quan khác nhau giữa Đức Giêsu với đám đông, với vua Hêrôđê, với nhóm Biệt phái hay nhóm Xađốc, và nhất là khi chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất trong sứ vụ của mình, đó là cuộc khổ nạn và chết, Đức Giêsu mới đặt ra câu hỏi “Người ta nói Thầy là ai?”. Đây không phải là một câu hỏi liên quan đến tri thức hiểu biết về Đức Giêsu, nhưng là một câu hỏi phản tỉnh khiến người ta xác định rõ mối tương quan cá vị với Người: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô đã tuyên tín: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Lúc này, lời tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô” rất cần thiết, nhằm chuẩn bị cho các ông đón nhận các biến cố trung tâm trong sứ vụ của Đức Giêsu sẽ xảy ra sau đó: khổ nạn và chịu chết. Đồng thời, qua lời tuyên xưng này, các ông bước vào một giai đoạn mới, với một tương quan cá vị để kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Ơn gọi làm môn đệ và sự đáp trả bằng đời sống của các ông đối với Đức Giêsu từ nay về sau hệ tại vào lời tuyên xưng này.

Nhờ lời tuyên xưng này, ông đã được Đức Giêsu tuyển chọn như tảng đá mà trên đó Đức Giêsu sẽ xây Hội thánh của Người. Đồng thời, Người trao cho ông “chìa khóa Nước Trời” như là một biểu tượng trao ban quyền bính cai quản Hội Thánh ở trần gian. Quyền bính này không phải để làm lợi bản thân mình, nhưng để dấn thân phục vụ đến mức đi trên con đường khổ nạn và chịu chết như Thầy là Đức Giêsu đã đi. Như vậy, các môn đệ khi đã hiểu được bản chất và sứ vụ của Thầy Giêsu để đưa ra một lời tuyên xưng xác tín, thì cũng sẽ hiểu được bản chất và sứ vụ môn đệ của mình, rồi thi hành sứ vụ đó cách đúng đắn.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Hình ảnh “trao chìa khóa” trong bài đọc thứ nhất cũng như bài Tin Mừng là biểu tượng của địa vị và quyền bính kèm theo địa vị ấy. Theo cách của người đời, địa vị và quyền bính là để thống trị. Theo cách của Thiên Chúa, địa vị là một sự tuyển chọn và quyền bính là một ân huệ kèm theo. Hai thứ này trở nên phương thế hỗ trợ để giúp chu toàn sứ vụ của mình. Vì là phương thế để thi hành sứ vụ, nên địa vị và quyền bính chỉ nhằm để phục vụ mà thôi. Tôi đang hành xử địa vị và quyền bính của mình theo cách nào?

2. “Phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được”. Cách thức mà Thiên Chúa dùng để cứu độ vẫn là một mầu nhiệm. Tôi có biết cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa vì ân huệ được làm con Chúa và được ban các phương thế để đón nhận ơn cứu độ của Chúa? Tôi có ý thức mọi sự tôi có được là hồng ân Chúa vì “mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”?

3. “Phần các con, các con bảo Thầy là ai??” Là Kitô hữu, chúng ta không thể theo Đức Giêsu cách hời hợt nửa vời. Chúng ta cần “biết” Đức Giêsu là ai. “Biết” không phải chỉ trên phương diện tri thức, thuộc các bài giáo lý, nắm các tư tưởng thần học, nhưng là một sự kết hợp để bước vào trong tương quan cá vị với Người. Đối với tôi, giờ này “Đức Giêsu là ai?” vẫn là câu hỏi mở ra cho mỗi người chúng ta. Một câu trả lời đúng đắn sẽ dẫn tới một tương quan liên vị đích thực, và câu trả lời đó sẽ quyết định lối sống thích hợp của từng người. Nếu tôi tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì tôi có sẵn sàng tín thác đời mình cho Người, đi theo con đường Người đã đi, có lối sống đáp trả phù hợp qua việc tiếp tục sứ vụ của Người, và dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã qui tụ những người tin vào Con của Người là Đức Giêsu Kitô trong một Hội Thánh, và đặt dưới quyền dẫn dắt của Thánh Phêrô cùng các đấng kế vị. Ý thức ơn gọi và sứ mạng của mình trong Hội Thánh, chúng ta cùng thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:

1. “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh được dồi dào ơn thiêng, luôn mạnh khỏe xác hồn để tích cực góp sức xây dựng và phát triển Hội Thánh của Chúa trên nền tảng đức tin tông truyền.

2. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai thành tâm thiện chí luôn khao khát tìm kiếm chân lý, biết nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà tin nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu thế.

3. Thánh Phêrô thưa với Chúa: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu giữa thế giới hôm nay, luôn mạnh dạn tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin của mình qua lời nói, việc làm và bằng đời sống yêu thương phục vụ.

4. Chúa Giêsu đã trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho Phêrô và Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tôn trọng quyền bính của Hội Thánh, hết lòng yêu mến và tích cực cộng tác với các chủ chăn để phát triển cộng đoàn.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã qui tụ tất cả chúng con thành một đàn chiên duy nhất để đón nhận hồng ân cứu độ. Xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện và đổ xuống muôn ơn lành, giúp chúng con luôn trung thành và sống xứng đáng với ơn gọi cao quý của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-21-thuong-nien-nam-a-2880

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 21 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 21 Thường niên năm A

Mt 16,13-20

“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá” (Mt 16,18)

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay đã được chúng ta nghe rất nhiều lần. Có nhiều nội dung chúng ta có thể khai thác nhưng hôm nay tôi chỉ xin được dừng lại ở lời chất vấn của Chúa.

1. Câu hỏi xưa kia Chúa Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?thì hôm nay Chúa cũng muốn đặt ra cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng hai cách.

+ Hoặc trả như Phêrô: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”.

Trả lời như vậy là rất đúng. Nhưng sợ rằng đó là một câu trả lời lý thuyết, hiển nhiên, có sẵn, theo sách vở. Chúng ta học trong sách thế nào thì thưa lại như vậy, giống như cách dậy và cách học nhồi sọ hôm nay, chứ chưa chắc gì đã là xác tín của bản thân.

+ Cách thứ hai là trả lời theo kinh nghiệm bản thân. Sau khi suy nghĩ, cân nhắc, mình nghĩ thế nào, cảm nghiệm điều gì thì nói lên trung thực như vậy. Theo cách này thì trả lời không dễ và mỗi người có câu trả lời riêng của mình.

Các bạn sẽ trả lời như thế nào ? Riêng tôi, tôi sẽ thành thật thưa cùng Chúa như thế này: “Thầy là người gây rất nhiều phiền toái cho người khác, là một gương mẫu không thế theo nổi nên dễ làm nản lòng… nhưng đồng thời Thầy lại là người mà con cần đến nhất, không thế thiếu trong đời con.”

Chúa Giêsu gây rất nhiều phiền toái cho mọi người, nhất là cho những ai muốn theo Ngài. Ngài đòi hỏi quá nhiều. Và những điều Ngài đòi hỏi thường đại ngược lại với bản năng của con người. Ngài mời gọi theo con đường hẹp, và qua cửa hẹp, vác thập giá mỗi ngày. Ngài còn đòi hỏi phải từ bỏ tất cả, kể cả chính bản thân.

Nhiều lúc Ngài đặt người môn đệ trước những lựa chọn rất nghiêm trọng và gay cấn. Muốn trung tín với Ngài nhiều khi phải chịu những thiệt thòi rất lớn, chẳng hạn phải hy sinh tiền của, tình yêu, gia đình, sự nghiệp, tương lai…. Và trong thực tế nhiều người đã không có đủ nghị lực để chấp nhận những hy sinh đó.

Có không ít những lời bộc lộ tâm tình thành thực rất đáng được thông cảm. Một nhà kinh doanh nói: “Nếu làm đúng theo lương tâm Kitô giáo thì chúng tôi bị thiệt thòi quá lớn, biết lấy gì mà bù lại được!” Một bà mẹ gia đình nói lên tình trạng bối rối: “Nếu giữ đúng luật Chúa thì đời sống chúng tôi sẽ vô cùng chật vật, bấp bênh.” Một đôi trẻ tâm sự: “Nếu không phải là người có đạo thì chuyện tình duyên của chúng tôi gỡ rối cũng chẳng có gì khó. Nhưng khổ là mình có đạo nên mới thành bế tắc.”

Còn có nhiều lời khác tương tự, nhiều hoàn cảnh bi thảm khác. Quả thật Chúa Giêsu gây không ít phiền toái, rắc rối. . . làm nhiều người đau khổ.

Một gương mẫu dễ làm nản lòng

Người tín hữu phải theo gương Chúa Giêsu. Nhưng gương tuyệt hảo, cao siêu của Ngài dễ làm người ta choáng váng. Chúa Giêsu không chấp nhận một lối sống tầm thường. Ngài không muốn chúng ta thánh thiện nửa vời. Ngài chỉ cho thấy một lý tưởng cao vút: hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời. Ngài vạch ra một con đường khó đi: hãy sống như Ngài, theo gương Ngài.

Theo Chúa Giêsu còn khó hơn leo núi. Mà chiều cao của ngọn núi này không thể đo được bằng thước trần gian. Càng leo càng thấy cao và càng thấy dốc. Làm sao đôi lúc tránh được cơn cám dỗ ác hại nhất là bỏ cuộc vì nản lòng.

2. Nhưng xét cho cùng, Chúa Giêsu vẫn là người mà ta cần đến nhất. Thiếu Ngài là ta sẽ chới với, ngả nghiêng. Cuộc đời sẽ chao đảo, lạc hướng, mất hết ý nghĩa.

Trường học không có Thiên Chúa và tội ác.

Xưa kia, các trường học ở Pháp là trường “có đạo”, sau đó trở thành trường không có nói đến tôn giáo, từ đó thành vô tín ngưỡng. Cạnh các trường đó. Các giám mục phải sử dụng trí hoặc tạo nên những trường học tự do (trường tư) để nơi đó, các em có thể được giáo dục trong đức tin. Thống kê tội phạm hình sự năm 1892 cho thấy trên 100 trường hợp phạm pháp thì 89 được giáo dục trong các trường công, còn 11 trong các trường “có đạo”. Thống kê này không thay đổi mấy những năm sau đó, và điều đó tự nó cho thấy kết luận.

Theo bản thống kê thì trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Đức Quốc Xã đã thiết lập 200 trại tập trung để giam giữ tù binh và chính trị phạm, trong đó đa số là người Do thái. Đặc biệt, người ta nhắc đến trại hãi hùng khủng khiếp nhất như Dachau ở Đức và Auschwitz ở Ba lan. Có khoảng 09 triệu người thuộc 23 quốc tịch khác nhau đã bị tiêu diệt trong trại tập trung này. Riêng nạn nhân người Do thái lên đến 06 triệu.

Khi quân đồng minh đến giải phóng một trong các trại tập trung họ thấy ngoài cổng có một tấm bảng ghi các dòng chữ sau: “Ở đây không có Thiên Chúa”. Thấy cảnh tượng ghê tởm ấy, người ta không biết phải làm gì hơn là lấy cỏ che phủ lại làm nên một quả núi nhân tạo và trên đó dựng lên một cây Thánh Giá lớn để nói cho con người của thời đại biết rằng: Khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì cũng đối xử với nhau tàn bạo hơn súc vật.

Bất cứ một sự chối bỏ Thiên Chúa nào cũng hàm chứa sự chối bỏ con người; và ngược lại, bất cứ sự chối bỏ và chà đạp nào đối với con người cũng là một sự chối bỏ chính Thiên Chúa.

Cuộc sống cũng như tâm hồn chúng ta có nhiều tầng lớp nông sâu khác nhau. Nhận định và ý nghĩa về mỗi sự việc tùy thuộc vào vị trí chúng ta đứng mà nhìn.

Nếu ngừng lại ở tầng lớp nông cạn bên trên thì chỉ gặp nơi con người toàn những khát vọng, ưu tư, toan tính về cuộc sống thường ngày, cuộc sống thể xác, vật chất trước mắt. Những khát vọng, ưu tư này dầu có thiết thân đến đâu thì cũng vẫn chỉ có tính giai đoạn, ngắn hạn, nghĩa là tương đối. Về mặt này thì có lẽ Chúa Giêsu cũng chẳng có ích gì nhiều cho chúng ta.

          Nhưng càng đi xuống tầng lớp sâu hơn thì càng dễ khám phá ra những ước mơ thầm kín, thâm sâu của con người. Chúng luôn âm ỉ dưới chiều sâu, ẩn giấu. . . nhiều khi chính mình cũng không thế ý thức được hết. Những ước mơ này liên quan đến vận mệnh và ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta nhận ra mình vẫn mơ ước, ít ra một cách mơ hồ, cái gì chân thật hoàn hảo, vĩnh cửu. . nghĩa là mơ ước chân lý, sự toàn thiện,

Vấn để là ai có thể thỏa mãn được những ước mơ thâm sâu và thầm kín đó ?

Chắc chắn chỉ có mình Đấng đã tự giới thiệu mình là Chân lý và là Sự sống: “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Chúa Giêsu là Chân lý bất biến và tối hậu. Ngài là Sự sống tràn đầy và vô tận. .. trong khi sự sống thân xác chỉ là một tia lửa lóe lên chốc lát rồi lại tắt ngúm trong đêm dài bất tận. Ngài còn là Đường an toàn, chắc chắn, đưa hết thảy chúng ta tới Chân lý và Sự sống trọn vẹn.

Chính vì thế mà Ngài là người mà chúng ta cần đến nhất, một người không thể thiếu.. . mặc dầu sự hiện diện của Ngài có gây phiền toái, và sự thánh thiện của Ngài đôi khi có làm cho chúng ta nản lòng.

Cho nên lời tuyên xưng xưa của Phêrô còn phải trở thành kinh nghiệm riêng của mỗi người chúng ta hôm nay :”Lạy thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai vì Thầy mới có sự sống đời đời”. Amen.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-21-thuong-nien-nam-a-60971

Nghe giảng lễ Chúa nhật XXI thường niên năm A (2011-2023)

Trang Thơ: Chìa Khóa Nước Trời

Chúa trao cho Thánh Phê-rô

Quyền năng mở khóa cho vô nước trời

Những ai tuân giữ sống Lời

Sống Lời Chúa dạy ở đời hôm nay

Không mê thế sự cõi này

Sân si xảo trá tẩy chay xa lìa

Dấn thân giúp đỡ ai kia

Nghèo nàn cơ cực sẻ chia gạo tiền

Giơ tay trao tặng mau liền

Tấm lòng quảng đại ở hiền sống ngay

Bình an hạnh phúc vui thay

Khiêm nhường – bác ái – tịnh chay – nguyện cầu

Chẳng lo tìm kiếm nơi đâu

Ngay đây chìa khóa cúi đầu, Chúa ban

Phê-rô Thánh trưởng thiên đàng

Mở liền ổ khóa ân ban nước Trời

Thông công các Thánh dâng lời

Ngợi ca danh Chúa ngàn đời yêu thương.

Thi ca suy niệm CN XXI Thường Niên A

https://giaophannhatrang.org/vi/news/trang-tho-van/thi-ca-suy-niem-cn-xxi-thuong-nien-a-20196.html