Sống Lời Chúa Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm A 17.09.2023

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN. A
  (Mt. 18:21-35)

THA THỨ

Anh em xúc phạm đến con,

Bao lần tha thứ, vẹn tròn chữ yêu.

Bảy lần chưa gọi là nhiều,

Bảy mươi lần bảy, đốt thiêu cõi lòng.

Tha rồi quên hết cầu mong,

Tâm hồn thanh thản, thong dong cuộc đời.

Chúa tha tội lỗi mọi người,

Bạo hành giết chết, một lời xin tha.

Người đời mắc nợ thẩm tra,

Van lơn khất hẹn, chủ tha hạn kỳ.

Vui mừng thoát nợ ra đi,

Bạn bè thiếu nợ, anh ghi làm lòng.

Ngục tù giam hãm trả xong,

Hăm he hiếp đáp, trông mong trả dần.

Chủ nhà xét hỏi nợ nần,

Gọi tên độc ác, tới gần hỏi han.

Ta tha số nợ muôn vàn,

Lòng ngươi ích kỷ, lạm càn đắng cay.

Lý hình xử phạt thẳng ngay,

Công bằng đáp trả, khốn thay gian tà.

Tha thứ là món qùa đẹp. Tha thứ là một trong những tương quan rất quan trọng trong đời sống con người. Qua sự tha thứ, chúng ta sẽ tìm được sự cảm thông và an bình trong tâm hồn.

Chúa Giêsu đã yêu thương tha thứ cho chúng ta, ngay cả trước khi chúng ta chạy đến với Ngài trong Bí Tích Hòa Giải. Chúa là mẫu gương cao vời nhất của sự tha thứ. Trên thập giá, sau những trận đòn đánh, khạc nhổ, phỉ báng, lột trần và đóng đinh vào thập giá. Chúa Giêsu không những xin Cha tha thứ cho họ mà còn biện hộ cho họ rằng họ đã không biết việc họ làm.

  Ai trong chúng ta cũng có những kinh nghiệm của sự hiểu lầm, ghen ghét, bội phản, gây chia rẽ, bôi nhọ và khinh bỉ. Chúng ta cảm thấy đau đớn và buồn giận. Chúng ta phải ứng xử thế nào với những hành động xúc phạm tiêu cực này.

Đã có nhiều người cứ tích trữ những ghen ghét và hờn giận ngày này qua ngày khác. Chính họ đã giới hạn và cầm tù mình trong hận thù. Họ bị ảnh hưởng của những phim truyện dài, luôn luôn thúc đẩy phải trả thù. John Powel kể câu truyện: Người đàn bà trẻ không thể tha thứ cho những lỗi lầm của chồng. Cô tìm cách tự tử kết thúc cuộc đời trong lòng biển. Trước đó, cô bước đi dọc theo bờ biển trong đau buồn và tuyệt vọng. Bỗng nhiên, như có giọng nói phía sau, cô nhìn lại và kìa sóng đã vỗ trôi dạt xóa đi tất cả dấu vết chân cuộc đời. Xóa đi quá khứ của giân hờn. Cô thức tỉnh và quyết định trở về và làm lại từ đầu.

  Hãy tha thứ và sẽ được thứ tha. Kinh nghiệm hằng ngày cho chúng ta biết, nếu chúng ta còn chất chứa những thù hằn và bất đồng, chúng ta sẽ không có bình an. Muốn có được sự an bình thanh thản, chúng ta hãy bỏ qua và tha thứ. Tha như Chúa đã tha cho chúng ta. Chúng ta đọc kinh hằng ngày: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

 Ai trong chúng ta cũng có lỗi lầm và xúc phạm. Chúng ta cũng muốn tha và được tha. Như Chúa Giêsu đã dậy: Không phải tha chỉ bảy lần, mà tha đến bảy mươi lần bảy. Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con biết tha thứ cho nhau và tha thứ cho chính chúng con nữa.

THỨ HAI, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

(Lc 7, 1-10).

CỨU CHỮA

Vài người kỳ lão van xin,

Thầy ơi cứu chữa, đoái nhìn bệnh nhân.

Sĩ quan cầu cứu người thân,

Nguy cơ sắp chết, rất cần Thầy thương.

Chúa đi theo bước lên đường,

Báo người thân cận, đón đường nài van.

Chúng tôi không dám phiền than,

Nhà tôi không xứng, chuyển van lời mời,

Lạy Thầy, xin phán một lời,

Bệnh tình đầy tớ, sẽ rời mau thôi.

Có nhiều quân lính của tôi,

Sẵn sàng tuân lệnh, lên đồi xuống non.

Niềm tin mạnh mẽ vuông tròn,

Chúa khen viên chức, sắt son tấm lòng.

Xin ơn lành mạnh cầu mong,

Về nhà đầy tớ, cận vong phục hồi.

THỨ BA, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

(Lc 7, 11-17).

CHỖI DẬY

Con trai quí nhất qua đời,

Cảm thương mẹ góa, một thời đơn côi.

Đám đông chia xẻ khúc nhôi,

Mẹ con xa cách, hỡi ôi thảm sầu.

Cuộc đời muôn nỗi bể dâu

Động lòng thương xót, cầu bầu thi ân.

Người khiêng đứng lại dừng chân,

Quan tài, Chúa chạm, người thân sống còn.

Thương đau khóc lóc mỏi mòn

Chúa truyền chỗi dậy, trao con mẹ hiền.

Bà con lối xóm mọi miền,

Ngợi khen Con Chúa, ngạc nhiên vô cùng.

Tiên tri xuất hiện trong vùng,

Viếng thăm dân tộc, bao dung tấm lòng.

Loài người chờ đợi khát mong,

Chứng nhân phép lạ, dõi dòng loan tin.

THỨ TƯ, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

(Lc 7, 31-35).

SO SÁNH

Người đời lắm chuyện ai ơi,

Ở sao cho khéo, thói đời dèm pha.

Ngồi xem so sánh gần xa,

Đua đòi bắt bẻ, gây ra lỗi lầm.

Trẻ em đường phố thành tâm,

Đùa vui thối sáo, âm thầm chẳng theo.

Bi ai ngâm giọng phường chèo,

Chẳng ai than khóc, sầu gieo trong lòng.

Gio-an Tẩy Giả tinh trong,

Không ăn không uống, theo dòng tà ma.

Con Người ăn uống vui ca,

Mê ăn tham uống, xấu xa tội đời.

Bạn bè tội lỗi đầy vơi,

Ghen tương xét đoán, gây lời dối gian.

Thành tâm suy gẫm nài van,

Nhận ra dấu chỉ, ơn ban bởi trời.

THỨ NĂM, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

(Lc 7, 36-50).

YÊU MẾN

Ngỏ lời mời Chúa vào nhà,

Một người Biệt Phái, mặn mà đón đưa.

Lạ thay phụ nữ vô bừa,

Mang bình bạch ngọc, đổ thừa xức chân.

Bà ta nức nở tới gần,

Quì bên cạnh Chúa, hôn chân khóc ròng.

Gia đình Biệt Phái bên trong,

Vấn vương tự hỏi, trong lòng nghĩ sao.

Tiên tri thấu tỏ trên cao,

Người này phạm tội, biết bao lỗi lầm.

Đôi lời gợi ý thâm tâm,

Nợ nhiều, nợ ít, tha cầm sạch trơn.

Ai thương ông chủ nhiều hơn,

Tha nhiều món nợ, mang ơn bội phần.

Chúa thương tha tội gian trần,

Yêu nhiều tha hết, hồng ân diệu vời.

THỨ SÁU, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

(Lc 8, 1-3).

NHÂN CHỨNG

Ra đi rao giảng Tin mừng,

Cùng đoàn môn đệ, vào từng làng quê.

Chúa thương giảng dậy chẳng nề,

Đơn sơ nghèo khó, cận kề yêu thương.

Nhiều người theo Chúa trên đường,

Tin Mừng Nước Chúa, muôn phương đón chào.

Người giầu, kẻ khó, khát khao,

Tông đồ môn đệ, truyền rao chí tình.

Đàn ông, phụ nữ, hết mình,

Đi làm nhân chứng, tâm linh rạng ngời.

Hân hoan sánh bước vào đời,

Chia phần của cải, cho người khó khăn.

Dù bao gian khó cản ngăn,

Hăng say nhiệt huyết, xả lăn rao truyền.

Nguồn thiêng ân phúc tinh tuyền,

Yêu thương liên kết, thề nguyền tin yêu.

THỨ BẢY, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

(Lc 8, 4-15).

GIEO GIỐNG

Dụ ngôn gieo giống đức tin,

Người gieo hạt giống, mắt nhìn khắp nơi.

Tay vung gieo hạt vào đời,

Vệ đường rơi rớt, chim trời mổ nhanh.

Hạt rơi đá sỏi bộ hành,

Héo đi nhanh chóng, không thành chồi non.

Bụi gai rơi hạt bé con,

Um tùm bóp nghẹt, héo hon nắng ngày.

Hạt rơi đất tốt mọc ngay,

Sinh hoa kết trái, mong thay ơn trời.

Đức tin hạt giống mọi thời,

Gieo lòng nhân thế, mỗi người lắng nghe.

Nghe rồi quên lãng hội hè,

Vui lòng đón nhận, nào dè tháo lui.

Tâm hồn thiện hảo mài dùi,

Lắng nghe Lời Chúa, an vui tâm hồn.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17017

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 24 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-24-thuong-nien-nam-a-47893
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 24 Thường niên năm A

Hc 27,30-28,7 – Rm 14,7-9 – Mt 18,21-35

CHÍNH KHI THỨ THA LÀ KHI ĐƯỢC THA THỨ

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn
như chính ta đã thương xót ngươi sao ?”
(Mt 18,33)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – Hc 27,30-28,7

Đây là một đoạn của sách Huấn ca, được trích trong phần ‘tuyển tập các châm ngôn’ (Hc 1,1-42,14) với nội dung chính bàn về sự thù hận dưới ánh sáng của Đức Khôn Ngoan. Qua đoạn trích sách này, tác giả muốn làm nổi bật ba ý chính:

Ba nguyên tắc nền tảng: 1/ Oán hờn và giận dữ luôn là điều ghê tởm trước nhan Chúa; 2/ Ai báo thù sẽ phải chuốc lấy báo thù của Thiên Chúa; 3/ Kẻ biết tha thứ lầm lỡ cho người khác sẽ được thứ tha khi cầu khẩn cùng Thiên Chúa.

Ba nghịch lý: 1/ Kẻ trong lòng cứ nuôi cơn giận, lại cả dám xin Chúa chữa lành; 2/ Người không biết thương đồng loại, lại dám xin Chúa tha cho mình; 3/ Đứa luôn để tâm thù hận, ai dám xin tha tội cho nó.

Bốn điều tâm niệm: 1/ Hãy nhớ đến ngày tận số, để biết chấm dứt hận thù; 2/ Hãy nhớ mình phải hao mòn và phải chết, để biết tuân giữ điều răn; 3/ Hãy nhớ các điều răn, để đừng oán hờn kẻ khác; 4/ Hãy nhớ đến giao ước của Thiên Chúa, để không còn chấp nhất lỗi lầm.

2. Bài đọc II – Rm 14,7-9

Đây là đoạn trích trong phần ‘bổn phận đối với những người yếu tin’ của Thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma. Khởi đi từ sự khác biệt trong suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày như: người ăn kẻ lại không ăn, người này đứng vững người khác ngã quỵ, người thì cho ngày này trọng kẻ khác lại ngày khác mới trọng… Các Kitô hữu thành Roma đã bị cám dỗ lấy mình làm chuẩn để đưa ra những nhận định rất chủ quan có nguy cơ làm tổn thương tương quan với anh chị em khác.

Chính vì thế, trong đoạn trích bài đọc II, thánh Phaolô khuyên mọi người hãy lấy Chúa làm chuẩn để lượng định mọi suy nghĩ, lời nói và nhất là hành động của mình: ‘Không ai trong anh em được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa.’ Rồi ngài đi đến kết luận: ‘Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.’

3. Bài Tin mừng – Mt 18,21-35

Đây là phần cuối cùng của bài giảng về đời sống cộng đoàn, hay bài giảng về Giáo hội. Đoạn Tin mừng khởi đi từ một vấn nạn được đặt ra bởi Phêrô: Phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần khi anh em xúc phạm đến mình ? Chúa Giêsu không hề phủ nhận điều mà Phêrô vừa gợi ý: ‘tha bảy lần’ nhưng Chúa muốn sự tha thứ của Phêrô phải được đẩy tới xa hơn nhiều, khi Ngài quảng diễn cho Phêrô: ‘…không phải là bảy lần mà là bảy mươi lần bảy.’

Qua câu chuyện dụ ngôn liền sau đó, Chúa Giêsu đã muốn chỉ ra thế nào là sự tha thứ mà Phêrô cần có khi bị xúc phạm, qua hình ảnh của một nhân vật nhưng đóng hai vai trái ngược nhau:

Vai con nợ với số nợ lên đến 10.000 yến vàng = 10.000 x 6.000 quan tiền = 60.000.000 quan tiền = 60.000.000 ngày công. Một món nợ mà người này có phải trả tới 200.000 năm vẫn chưa hết số nợ! Nhưng anh van xin lạy lục nên chủ chạnh lòng thương và tha tất cả cho anh ta.

Đến lượt anh, khi đóng vai ông chủ nợ với số nợ chỉ là 100 quan tiền, tương đương 100 ngày công (bằng 1/600.000 so với món anh đang nợ của chủ), nhưng anh ta đã không chịu tha thứ.

Cuối cùng, anh bị chủ kết án vì đã không biết thương xót NHƯ đã được xót thương. Xét về lượng: 100 không bao giờ có thể bằng 60.000.000. Nhưng dưới một khía cạnh khác, anh đã mắc nợ 60.000.000 và đã được tha 60.000.000, nghĩa là anh đã được tha tất cả. rồi đến lượt mình, anh bị mắc nợ 100, và nếu anh tha 100, nghĩa là anh cũng đã tha tất cả.

Điều Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô về sự tha thứ, đó là: Nếu Chúa đã tha cho ta tất cả thì Chúa cũng muốn ta phải biết tha tất cả giống như thế.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Khi khuyên nhủ: ‘Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa’, Thánh Phaolô muốn mời gọi mọi tín hữu quy chiếu trọn cuộc đời về Chúa và cho Chúa. Nói cách khác, biết lấy Chúa làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Cơn cám dỗ không hề nhẹ nhàng và luôn ở bên cạnh mỗi tín hữu, đó là cơn cám dỗ lấy mình làm chuẩn để quyết định mọi sự theo sự khôn ngoan của con người.

2.Ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ Thái độ tha thứ luôn luôn và tha thứ tất cả trong tương quan với mọi người chính là điều kiện công bằng đòi buộc cho việc trước đó chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ luôn luôn và tất cả. Tuy nhiên, một nghịch lý luôn chi phối mọi tín hữu khi sống trong cộng đoàn, đó là chỉ muốn được tha thứ nhưng lại không dễ dàng thứ tha.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho những ai thật lòng ăn năn, và Người chờ đợi chúng ta cũng hết lòng tha thứ cho nhau. Với quyết tâm sống bao dung nhân từ như Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu nguyện.

1. “Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các mục tử trong Hội Thánh luôn khiêm tốn thể hiện lòng nhân từ và hay tha thứ của Thiên Chúa khi thi hành phận vụ, trở nên chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa giữa thế giới hôm nay.

2. “Hãy kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, biết tin nhận và kính sợ một Thiên Chúa nhân từ, luôn chọn sự thật làm chuẩn mực khi giải quyết các bất đồng tranh chấp, và lấy yêu thương làm nguyên tắc định hướng cho mọi hành động.

3. “Dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết gắn bó đời mình với Tin mừng và sứ vụ của Đức Kitô, luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ những kẻ bé mọn trong xã hội, cách riêng những ai đang phải đau khổ vì nạn kỳ thị sắc tộc, tôn giáo hay phân biệt giai cấp.

4. “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa, luôn có thái độ bao dung trước những lầm lỗi của nhau, và thắp sáng môi trường sống của mình bằng tấm lòng từ bi nhân hậu.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện của chúng con hôm nay, và ban ơn trợ giúp để chúng con thêm hăng hái xây dựng nước trời khi quyết tâm thực thi lời dạy của Đức Giêsu, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 24 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-24-thuong-nien-nam-a-61143
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 24 Thường niên năm A

Mt 18, 21-35

“Thầy không bảo là đến bảy lần,
nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.(Mt 18,21)

Chúng ta đang nói với nhau về đời sống cộng đoàn trong gia đình của Thiên Chúa. Tuần trước chúng ta nói với nhau về việc phải sửa lỗi cho nhau. Hôm nay Chúa nói với chúng ta về một vấn đề khác “gay” hơn một chút, nhưng lại rất thú vị vì nó làm nên một cái gì đó có tính cách độc đáo trong đạo của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Đó là sự tha thứ

I. Bài học hôm nay bắt nguồn từ câu hỏi của Phêrô.

Hôm đó Chúa dạy các môn đệ về cách phải đối xử với người có lỗi với mình. Đại ý Chúa bảo phải tha thứ cho những người lầm lỗi khi họ thực lòng thống hối ăn năn.

Cảm thông trước lời dạy của Chúa, Phêrô lên tiếng hỏi: “Lạy Thầy nếu người anh có lỗi với con, con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có phải đến 7 lần không ?”

Hỏi nhưng đã có sẵn câu trả lời.

Tại sao Phêrô dừng lại ở con số 7 như một định mức mà có lẽ ông cho là thế nào Chúa cũng sẽ bằng lòng ? Tha như thế đối với ông kể ra cũng là quá lý tưởng rồi.

Có lẽ để hiểu được Phêrô chúng ta hãy trở lại một chút về phía trước một chút.

– Trong Sách Khải Nguyên cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước đoạn 4,20 Lamek tuyên bố luật “rừng” thời bấy giờ như thế này: “Phải báo thù đến 7 lần”

– Bước sang thời của Moise thì chúng ta thấy đã có tiến bộ hơn một chút nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở hai tiếng sự công bình: Mắt thế mắt, răng đền răng.

– Tiến sang thời lập quốc và thời các ngôn sứ, chúng ta thấy một số các Rabbi Do thái đã có những lập trường thoáng hơn. Họ đã bắt đầu nói đến tinh thần bác ái mà sau này Chúa đã đẩy lên đến tột đỉnh và coi đó là con đường của Ngài.

Rabbi Hanina nói: “Ai xin người lân cận mình tha thứ, không được xin quá ba lần”. Rabbi Jehuna dạy: “Nếu một người phạm tội một lần, họ phải tha thứ cho người ấy. Hai lần, họ phải tha thứ cho người ấy. Ba lần họ cũng phải tha thứ cho người ấy. Nhưng lần thứ tư thì không được tha nữa.”

Các Rabbi lại dừng lại ở con số ba vì Tiên tri Amos khi nói về việc Thiên Chúa tha thứ cho những ai lỗi phạm đến Người, thì tiên tri đã nói Thiên Chúa chỉ tha thứ đến ba lần. Đến lần thứ bốn thì Ngài sẽ không tha thứ nữa mà sẽ trừng phạt.

Nếu Thiên Chúa đã làm thế thì con người không được phép “qua mặt” Người. Chính vì thế mà các Rabbi chỉ chấp nhận sự tha thứ đến lần thứ ba.

Chúng ta thường nói với nhau: “Quá tam ba bận”.

Như vậy khi Phêrô đề nghị tha đến bảy lần tức là gấp hai lần cộng một cái lằn mức của các Rabbi thì ông nghĩ là ông đã làm một cuộc cách mạng và chắc là Chúa phải bằng lòng và khen ngợi ông.

Chúng ta phải cám ơn Ông Phêrô. Bởi chính từ câu chuyện này mà chúng ta được Chúa dạy cho chúng ta một bài học thật tuyệt vời. Chúa không bảo phải tha đến bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy. Phải tha thứ luôn luôn và mãi mãi.

Tiến sĩ Morgan một trong những nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng nhất của thời đại nói: “Có lẽ chúng ta phải sống lâu lắm mới có dịp để tha thứ cho một người đến 490 lần”

II. Để cắt nghĩa bài học mà Chúa vừa đưa ta, Chúa đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn rất đẹp về ý nghĩa nhưng không được đẹp mấy về hình ảnh.

a/ Người đầy tớ của Vua trong dụ ngôn hôm nay vừa là con nợ vừa là chủ nợ.

– Anh ta là con nợ của Vua và là chủ nợ của bạn anh

– Với tư cách là con nợ anh chỉ là một người đầy tớ. Tương quan giữa anh và Vua là tương quan chủ nô.

– Với tư cách là chủ nợ anh là một người bạn. Tương quan giữa anh và bạn anh là tương quan huynh đệ. Một tương quan đẹp và cao hơn nhiều.

b/ Với tư cách là con nợ, món tiền anh mắc nợ rất lớn: 10.000 nén vàng.

Sử gia Joseph Flavius nói rằng: Món nợ này tương đương với 100.000.000Đ của người Do thái lúc đó. Và nếu cứ tính theo giá tiền công lao động lúc đó là 1đ/ngày thì số tiền đó tương đương với 100.000.000 ngày công. Đó là một món nợ lớn không thể tưởng tượng được. Đây là món nợ lớn hơn tiền chuộc một vị vua.

Người bày tôi trong câu truyện được Vua cho nợ một món tiền lớn như thế thật là truyện lạ lùng.

c/ Và với tư cách một chủ nợ, anh ta cho bạn của anh ta nợ 100 đồng….Một số tiền tương đương với 100 ngày công. Tỉ lệ 100/100.000.000. Một sự cách biệt khổng lồ.

d/ Bây giờ chúng ta coi cách nhà vua đối xử với anh và cách anh ta đối xử với bạn của anh ta như thế nào.

– Với tư cách là con nợ, khi anh bị đòi, anh không có gì trả, anh đã xin khất. Nói là khất cho đẹp chứ thực ra khả năng chi trả của anh có cả đời cũng không trả được.

Nhà vua quảng đại không những không bắt anh trả một đồng nào mà ngược lại còn tha hết nợ cho anh.

– Bây giờ đến lượt anh ta. Bạn anh mắc nợ anh 100 quan tiền

Anh đòi nợ. Bạn anh chưa có tiền để trả. Bạn anh van xin anh được khất lại một kỳ. Anh đối xử như thế nào thì tất cả chúng ta đã rõ.

Khi chú giải về đoạn Tin Mừng này, Cha Gutziller…:”Trước mặt Thiên Chúa con người phải điều chỉnh lại mối tương quan của mình đối với người khác. Thái độ của họ đối với anh em sẽ xác định thái độ của họ đối với Thiên Chúa. Người tín hữu khi biết Thiên Chúa đối xử tốt lành đối với mình mà còn tới gần anh em mình với tinh thần khắc nghiệt thì họ sẽ đáng sự trừng phạt của Thiên Chúa”

III. Hãy biết tha thứ kính thưa anh chị em. Hận thù chẳng để lại một ích lợi gì cho chúng ta, ngược lại nó còn làm cho cuộc đời của chúng ta mất đi những niềm vui mà đáng lý ra chúng ta luôn có.

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: có một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó nữa thì thay vì bố thí, người giàu có đã lấy một hòn đá ném vào người hành khất.

Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục, nỗi căm hờn trong lòng ông sôi lên sùng sục . Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.

Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ:

– Tại sao ta lại mang nặng hòn đá từ bao nhiêu năm qua ? Con người này, giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ còn hơn cả ta.

Loren Fischer ““Ghim giữ nỗi đau hay là phóng thích nó bằng sự tha thứ ? Hai điều ấy khác nhau như là ban đêm ta nằm ngủ trên chiếc gối chĩa đầy gai nhọn hay trên chiếc gối phủ đầy những cánh hồng”

Và đây là Lời của Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”(Mt 7,36-38)

Nghe giảng Chúa nhật XXIV thường niên năm A (2020, 2017, 2011)