Sống lời Chúa, Chúa Nhật 4 thường niên năm B 28.01.2024
Chúa nhật 4 Thường niên năm B – Trừ quỷ (Mc 1,21-28)
Bài đọc Chúa nhật IV Mùa Thường niên – Năm B
https://gphaiphong.org/loi-chua-chua-nhat/bai-doc-chua-nhat-iv-mua-thuong-nien-nam-b-12460.html
Bài trích sách Đệ nhị luật.
15 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy. 16 Đó chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội ; anh em đã nói : ‘Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.’ 17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi : ‘Chúng nói phải. 18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. 19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. 20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’”Đáp ca: Tv 94,1-2.6-7a.7b-9 (Đ. c.7b và 8a)
Đ. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
1 Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
Đ. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.
7a Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Đ. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
7b Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
8 Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Đ. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.Bài đọc 2: 1 Cr 7,32-35
Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
32 Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người. 33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, 34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. 35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.
Tung hô Tin Mừng: Mt 4,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mc 1,21-28
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Các bài suy niệm Chúa Nhật 4 Thường Niên B (Nhiều tác giả)
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B
Mc 1,21-28
“Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền,
chứ không như các kinh sư.”(Mc 1,22)
Trong cuộc sống có một số người được Thiên Chúa ban cho một sự hấp dẫn làm cho những người khác muốn đi theo mình.
Vua Napoléon xưa là một thí dụ. Có lần ông đã tự hào nói về mình như thế này: “Người ta chỉ cần nhìn ánh sáng nơi con mắt của tôi, nghe âm giọng của tôi và chỉ cần nghe một lời từ miệng tôi nói ra thì lập tức ngọn lửa linh thiêng sẽ bùng cháy lên trong lòng họ. Thực sự tôi đã nắm được bí quyết của một năng lực ma thuật có thể lay chuyển được tâm hồn những người khác”
Quả đúng là Napoléon đã chiếm hữu được quyền năng ấy.
Những rồi cũng chính ông ta đã thích thú thêm vào những lời lẽ đầy tự hào trên câu này: “Đức Kitô cũng đã có được quyền năng ấy nhưng ở một cấp độ vô cùng to lớn hơn”
Chúng ta không có được cái diễm phúc sống vào thời đại của Chúa Giêsu
– để được thấy cái nhìn của Chúa
– để được nghe những âm kỳ diệu từ miệng Chúa nói ra
– để được nghe thấy những lời rất ngọt ngào nhưng đôi khi cũng rất đanh thép của Chúa Giêsu.
– để được thấy cách Chúa cư xử
– để được cảm nghiệm thấy một sức lôi cuốn đến lạ lùng của Chúa…một sự lôi cuốn mà những người khác không ai có được.
Chúng ta không có phúc nhưng có những người khác đã có phúc. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: Sau khi được nghe Chúa giảng họ đã có cảm nghĩ như thế này: “Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như những luật sĩ”(Mc 1,27)
Tại sao thế ?
Vậy lời dạy dỗ của Chúa Giêsu khác với lời dạy dỗ của các luật sĩ.
Khác ở chỗ nào ? Vì Ngài giảng dạy cách có uy quyền.
Các luật sĩ không ai có được uy quyền như Chúa.
Họ không có quyền để tự quyết định một điều gì cả. Những điều họ dạy, họ nói đều phải “căn cứ theo những lời dạy có sẵn trong luật” .
Gặp một điều gì không có trong luật hay có nhưng chưa được rõ ràng thì họ phải cậy dựa vào những bậc thầy về luật pháp mà thiên đã coi trọng trong quá khứ tức là những tập tục của tiền nhân để giải quyết.
Việc cuối cùng mà họ chẳng bao giờ làm được là đưa ra một phán đoán có tính cách cá nhân, độc lập.
Rõ ràng là họ khác xa với Chúa Giêsu.
Còn Chúa khi Chúa giảng dạy, Ngài nói như trên Ngài không có một quyền nào khác cao hơn nữa. “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”(Mt 28,18)
Ngài hoàn toàn độc lập khi phát biểu.
Ngài không trích dẫn, không dựa vào quyền uy của một chuyên viên nào cả, Ngài nói bằng giọng dứt khoát của chính Thiên Chúa.
Dân chúng khi nghe những lời giảng dạy như vậy thì chẳng khác nào họ được hưởng một làn gió dịu mát từ Thiên Đàng thổi tới. Những lời lẽ hết sức khẳng định và tích cực của Chúa Giêsu trái ngược hẳn lời trích dẫn của các luật sĩ của người Do thái
Giọng nói đầy uy quyền với sắc thái cá nhân cứ ngân vang, và chính giọng nói ấy đã bắt người nghe phải qui phục.
a/ Như vậy chúng ta thấy vì các luật sĩ chỉ là những con người cho nên họ chỉ có thể gây cho người khác sự phấn kích – chỉ có thể ảnh hưởng về tâm lý.
Còn Chúa thì khác. Ngài là Đấng thánh của Thiên Chúa. Chính ma quỉ cũng phải run sợ mà thốt lên: “Hỡi Ông Giêsu Nagiareth, giữa chúng tôi và Ông có chuyện gì – Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao ? Chúng tôi biết Ông là ai rồi – Là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24) cho nên lời dạy của Chúa đầy ắp uy quyền, điều đó cũng không lạ lùng gì.
b/ Các luật sĩ chỉ là những con người, cho nên họ chỉ có thể
– hâm nóng nhiệt tình
– kích động lòng hăng say
– khơi dậy niềm cảm xúc
– kích thích trí tưởng tượng
Họ không thể ban năng lực và sức mạnh riêng của họ cho người khác.
Nếu thực sự có một sự thay đổi nào nơi những người nghe họ thì sự thay đổi đó không phải là do họ mà là do năng lực và gắng sức của những người nghe.
+ Còn đối với Chúa thì sao ?
Thật hoàn toàn khác xa
Chúa có thể đặt tinh thần của Ngài vào trong mỗi người
Chúa có thể chia sẻ quyền năng của Ngài cho họ
Chúa có thể bước vào tâm trí người ta để giúp người ta làm được những điều mà tự sức họ họ không thể nào làm được.
Đây là câu chuyện của thánh Grêgôriô Tử Đạo năm 1314:
Nhà Vua cho xiềng xích và giam ngài vào ngục.
Ngài coi như không có chuyện gì xảy ra.
Nhà Vua cho cột ngài vào bánh xe có mũi nhọn và dao bén rồi cho xoay vòng.
Ngài vẫn hân hoan vui sướng.
Nhà vua truyền ném ngài vạc dầu sôi,
Chúa đã làm phép lạ để cứu ngài.
Thấy nhục hình đều vô hiệu, nhà vua thay đổi chiến thuật….dụ ngọt rồi khuyên nhủ.
Thánh nhân xin được đưa đến đền thờ.
Tưởng là thành công cho nên nhà vua cho triệu tập dân chúng lại, dọn sẵn lễ vật cho Grêgôriô dâng kính các ngẫu thần.
Grêgôriô đến trước tượng thần Appolo và nói:
– Ngươi có phải là Thiên Chúa để cho chúng tôi dâng lễ vật không ?
– Không! Tôi không phải là Thiên Chúa.
Grêgôriô làm dấu Thánh giá và tượng thần sụp đổ vỡ ra tan tành từng mảnh trước mặt mọi người.
Mọi người run sợ. Để khỏi mất mặt với thần dân, nhà vua cho chém đầu thánh nhân.
Vâng, đúng là như thế. Và đó là cái khác to lớn giữa Chúa và người con người …luật sĩ hay bất cứ một nhà lãnh đạo nào với Chúa Giêsu
C- Phần ta
Làm sao mà cuộc sống của tôi được trở nên tốt hơn ?.
Trong một thiên khảo luận, Ralp Waldo Emerson có ghi: “Điều cần thiết chính yếu trong cuộc sống của mỗi người chính là tìm được một ai đó có khả năng giúp ta làm được những gì ta muốn làm”
Và những lời sau đây nữa: có nhiều việc ta muốn làm nhưng 1/2 việc đó là ta muốn làm cho cuộc sống của ta có một ý nghĩa và được sống thực sự hạnh phúc hơn.
Nhưng thử hỏi: Ai ?
Không ai khác ngoài Chúa Giêsu
Nhưng làm sao để ta có thể có được Ngài ?
Điều duy nhất mà Chúa không thể làm được cho ta đó là Ngài không thể cởi mở tâm hoàn cho ta nếu ta không muốn.
Nhìn hình ảnh của Ngài ở giữa đám đông quần chúng vây quanh – dọc theo bờ biển – Edward Farrel đã phải thốt lên những lời như thế này: “Người là ai ? Trông sáng ngời đến kinh khiếp – đang nhìn chúng tôi bằng đôi mắt mỏi mòn, đôi mắt như tìm kiếm chính linh hồn chúng tôi. Người là ai mà thấy được tư tưởng, đọc được tâm hồn sâu kín của chúng tôi bằng ánh mắt yêu thương, thông suốt…như muốn nói rằng: “Ta chẳng muốn gì ngoài bản thân của con”
Vâng hãy để Chúa chiếm lĩnh tâm hồn bạn chiếm lĩnh một cách trọn vẹn, bạn sẽ thấy được được những điều kỳ diệu mà Ngài làm cho bạn, đẹp đến tuyệt vời. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nghe giảng Chúa nhật IV Mùa Thường Niên năm B (2012 -2024)
Giáo lý hình ảnh: Chúa nhật IV Thường niên – Năm B
Chủ đề: LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Click vào đây để nhận file trình chiếu >>>
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,22).
I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Giới thiệu ảnh:
Các bạn biết đây là bức ảnh gì không? Đây là bức tranh mô tả cảnh Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường Capharnaum. Lời của Người có uy quyền như thế nào, mời các bạn đứng để nghe bài Tin Mừng hôm nay.
2. PHÚC ÂM: (Mc 1,21-28)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Đó là Lời Chúa. – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.
II. TRÌNH BÀY BỨC ẢNH
1. Phân tích hình ảnh: Các bạn thấy gì trong bức ảnh ?
· Hình ảnh gồm có những gì ?
+ Hình ảnh gồm nhiều người: một người đang đứng giữa quay xuống, những người còn lại ngồi hướng lên.
+ Hình cho thấy đây là cảnh ban ngày, trong một hội đường.
· Nhân vật đang làm gì ?
+ Người nam đứng trên bục giảng, quay mặt xuống là Chúa Giêsu. Người đang đứng giảng dạy.
+ Những người còn lại ngồi phía dưới đang hướng lên lắng nghe.
2. Hình ảnh đánh động con người: Bạn thích gì trong bức ảnh?
· Khi xem bức ảnh này, các bạn cảm thấy thế nào ?
+ Vui, buồn, yêu hay ghét, sợ hay thích ?
· Các bạn thấy điều gì đang xảy ra ?
+ Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường tại Capharnaum. Người ta chăm chú lắng nghe và kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
· Hình ảnh đánh động bạn như thế nào ?
+ Chúa Giêsu luôn trung thành với sứ vụ của Người trong mọi lúc. Người giảng dạy, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, … Điều này nhắc nhở tôi về việc thi hành sứ vụ của Chúa trao cho tôi: Tôi có trung thành hay do dự với sứ vụ của mình ? Đâu là điều tôi cần làm để có thể chu toàn sứ vụ Chúa trao cho tôi ?
3. Hình ảnh cho Giáo lý: Hình muốn nói lên điều gì?
· Trò chơi: “Sứ mạng của Chúa”
· Chuẩn bị:
– Câu Lời Chúa: “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,22).
– Mỗi đội một quyển Phúc Âm.
· Cách chơi: Chia lớp thành nhiều đội, tùy số lượng. Trong thời gian quy định (3-5 phút), mỗi đội sẽ tìm và ghi lại những câu những đoạn Lời Chúa nói về việc Chúa Giêsu thi hành sứ mạng của Người. Đội nào ghi đúng nhiều sẽ thắng. Ví dụ: Chúa Giêsu rao giảng nước trời, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, Chúa Giêsu trừ quỷ, …
· Nhấn mạnh đến câu Lời Chúa nhằm làm các em nhớ và thuộc.
· Qua hình ảnh, bạn nhận thấy điều gì ?
+ Giống như Chúa Giêsu luôn trung thành với sứ mạng của Chúa Cha trao cho Người, tôi cũng phải trung thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho tôi. Sứ mạng đó là sứ mạng của tình yêu, sứ mạng sống tình yêu của Chúa, để tôi có thể đưa Chúa đến cho tha nhân và để tha nhân có thể nhận biết Chúa nơi chính hành động, lời nói và cách sống của tôi.
+ Giống như những người được lắng nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy, họ kinh ngạc vì lời của Người có uy quyền. Tôi cũng được nghe lời Chúa dạy, tôi phải để cho lời Chúa thay đổi tôi thành một con người mới trong Chúa và sống theo thánh ý Người. Lời Chúa và Thánh Thể là nguồn lương thực thiêng liêng mà Chúa ban cho tôi, tôi phải năng chạy đến cùng Người qua việc cầu nguyện với Lời Chúa, lần chuỗi, làm các việc đạo đức thiêng liêng, và nhất là năng tham dự thánh lễ và các bí tích.
4. Hình ảnh gợi lên bài học: Qua hình ảnh, Chúa muốn nói với ta điều gì?
· Qua hình ảnh, Chúa mời gọi tôi lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong chính cuộc sống của tôi, cũng như biết trung thành chu toàn sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho tôi, sứ mạng sống tình yêu của Chúa mỗi ngày.
· Việc thực hành: “Làm việc cùng Chúa”
Lời Chúa và Thánh Thể là nguồn lương thực thiêng liêng mà Chúa ban cho chúng ta. Vì vậy, mỗi ngày, chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa bằng việc tham dự thánh lễ, hay cầu nguyện với Lời Chúa, hoặc làm một việc đạo đức thiêng liêng để gia tăng sức mạnh và động lực từ Lời Chúa và Thánh Thể.
III. KẾT THÚC
· Câu chuyện:
CÂY THÁNH GIÁ
Trong khi thánh Bonaventura đang nổi tiếng với việc ngài dậy thần học ở Paris, và trong khi mọi người đang khâm phục, kính trọng ngày bỏ dở các tác phẩm của ngài, thánh Tôma Aquina đến thăm ngài và xin ngài chỉ cho xem các cuốn sách Ngài dùng để giảng dạy và học hỏi. Thánh Bonaventura mới dẫn Tôma vào trong căn phòng nhỏ bé của ngài và chỉ cho Tôma xem vài cuốn sách rất tầm thường ở trên bàn làm việc. Nhưng thánh Tôma bảo ngài ước ao xem những cuốn sách khác, những cuốn sách mà từ đó Bonaventura đã rút tỉa được những điều kỳ diệu. Lúc đó, vị thánh mới chỉ cho Tôma nhà nguyện nhỏ, ở đó chỉ có một cây thánh giá.
– “Thưa cha,” – Bonaventura nói – “đây là tất cả các cuốn sách của con. Cuốn này là cuốn chính, từ đó con rút tỉa ra được tất cả những gì con giảng dạy và tất cả những gì con viết. Vâng, chính khi con phủ phục dưới cây giá này, chính khi con cầu xin cây giá này làm sáng tỏ các nghi ngờ của con, chính khi tham dự thánh lễ, mà con đạt được những tiến bộ trong khoa học và đắc thủ được những ánh sáng đích thực mà con không thể nào có được khi đọc bất cứ cuốn sách nào khác.”
Sưu tầm
Chính nhờ cầu nguyện và thánh lễ, thánh Bonaventura được Chúa làm sáng tỏ mọi nghi ngờ của ngài và cho ngài đắc thủ được những tiến bộ khoa học. Tất cả những tài liệu và sách mà ngài có được là thánh giá và thánh lễ. Vì vậy, mỗi người hãy năng chạy đến với Chúa trong cầu nguyện, qua thánh lễ và các bí tích để được Chúa soi sáng và đồng hành trên bước đường ta đi.
· Cầu nguyện kết thúc và giải tán.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Xin cho chúng con ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của chúng con và xin cho chúng con luôn siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa, để Lời Ngài trở nên nguồn sức mạnh nâng đỡ và đồng hành với chúng con mỗi ngày. Amen.
Ban Giáo lý GPVL
Trang Thơ: Chiều cuối năm
https://hddmvn.net/trang-tho-chieu-cuoi-nam/
Mây bay về cuối chân trời
Tiếng chim ríu rít vọng lời phương xa
Hồn thơ ấp ủ tình Cha
Cuối năm cảm tạ ơn Cha trên trời
Ngài ban ngày tháng cuộc đời
Có vui sầu khổ đầy vơi kiếp người
Cả trong nước mắt, nụ cười
Tin Mừng vẫn sống giữa đời ai ơi
Lá rơi từng chiếc lá rơi
Đông qua xuân đến đổi rời thời gian
Thế nhân xoay chuyển lan man
Tìm về bên Chúa bình an tâm hồn
Cúi đầu kính cẩn suy tôn
Lặng thinh trước Đấng vĩnh tồn thiên thu
Gió sương dù có mịt mù
Cho con vững bước tâm tu giữa đời.
THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc. 1, 21-28)
LỜI CHÚA
Ngôi Lời giáng thế làm người,
Rao truyền chân lý, rạng ngời nhân gian.
Lời Ngài giảng dạy truyền ban,
Cứu nhân độ thế, tỏa lan cõi đời.
Quỉ ma lẩn tránh xa rời,
Tà thần ô uế, biết thời giáng lâm.
Chúa Con quyền phép tự tâm,
Xua trừ ma quỉ, lặng câm thói đời.
Quỉ thần vâng lệnh Chúa Trời,
Tha người trói buộc, cả đời khổ đau.
Uy quyền giải thoát hóa mau,
Một lời Chúa phán, trước sau hiện thành.
Tin mừng tuôn đổ ơn lành,
Hy sinh cứu rỗi, ca danh Chúa Trời.
Hồng ân phúc đức bởi trời,
Nguồn sinh ơn lộc, cho người trần gian.
Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta. Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa. Lời hằng sống có sức cải đổi tâm hồn và thể xác. Lời Ngài là chân lý và là sức sống cứu độ. Qua Ngôi Lời muôn vật được tạo thành. Mọi người đều kinh ngạc về Lời của Chúa giảng dạy.
Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ của con người để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Lời của Ngài thật đơn sơ và thâm thúy qua các ẩn dụ, dụ ngôn hay truyện kể. Nó mang sức thánh hóa và biến đổi tâm hồn. Ngài giảng dạy như Đấng có quyền. Ngài không cần lấy lời của người khác làm bằng chứng. Tự Ngài là nhân chứng của sự thật.
Còn chúng ta thường tìm vinh danh ảo lẫn nhau. Thí dụ: Trong một bài viết hay bài giảng, chúng ta nghĩ rằng chúng ta càng đưa ra được nhiều dẫn chứng từ người khác càng có giá trị. Có khi những dẫn chứng từ những nguồn không chính xác. Đôi khi chúng ta hãnh diện đã trích được lời này hay lời kia từ ngôn ngữ ngoại quốc. Thực vậy, càng có nhiều dẫn chứng, bài viết càng tốt. Nó có những giá trị riêng của nó. Nhưng Lời của Chúa là Lời chân lý và tuyệt đối. Các thứ văn chương đối chiếu, thơ phú, ca dao, ví dụ, kể truyện… chỉ là giúp làm sáng tỏ và áp dụng Lời của Chúa. Nó không thể thay thế.
Trong bài phúc âm, Chúa đã vào Hội Đường và giảng dạy như Đấng có quyền. Không phải chỉ như Đấng có quyền mà là Đấng có thực quyền. Chúa Giêsu thấu tỏ lòng con người. Ngài biết họ cần gì và muốn gì. Với đầy quyền năng, Ngài xua trừ ma qủy. Ngài phán với ma qủy: “Hãy im đi và xuất ra khỏi hắn”. Ma qủy dữ tợn nhưng phải vâng lời Ngài.
Chúng ta tôn kính và mến yêu Lời Chúa. Đừng dùng Lời Chúa áp dụng vào chỗ không đâu để làm trò cười cho thiên hạ. Cũng đừng trích dẫn Lời Chúa để biện minh cho những cách thế suy tư mơ hồ hoặc uốn theo sở thích riêng tư. Ma qủy cũng đã dùng cách trích dẫn Lời Chúa để cám dỗ Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chân Lý trong ý ngay lành để thắng ma qủy.
Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe, yêu mến suy gẫm và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Ước chi Lời Chúa là ánh soi cho con lần bước trong hỏa mù của thế gian.
THỨ HAI, TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
(Dt 11, 32-40; Mc 5, 1-20).
QỦI ÁM
Bên kia bờ biển đất liền,
Chúa sang vùng mới, trước tiên chữa lành.
Nhiều người bệnh hoạn nghe danh,
Gọi nhau kéo đến, bước nhanh tới Ngài.
Ngạc nhiên phép tắc thiên tài,
Quyền uy cao cả , mọi loài suy tôn.
Một người quỉ ám vô hồn,
Gông cùm xiềng xích, tiếng đồn xông ra.
Cúi xin Thiên Chúa bỏ qua,
Cơ binh đội ngũ, xin tha thưa Ngài.
Xua trừ quỉ ám thiên tai,
Đàn heo ám nhập, chạy dài xuống sông.
Kinh hoàng chạy trốn làm công,
Chúa thương chữa khỏi, đám đông hưởng nhờ.
Hồng ân cứu độ mong chờ,
Tuyên xưng Danh Thánh, tôn thờ Chúa Con,
THỨ BA, TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
(Dt 12, 1-4; Mc 5, 21-43).
ĐỨC TIN
Giai-rô khấn vái cầu xin,
Con tôi hấp hối, cậy tin vào Ngài.
Đến nhà cứu chữa khẩn nài,
Trên đường tiến bước, đường dài cứu nhân.
Đàn bà xuất huyết bao lần,
Đưa tay chạm áo, tinh thần thấy an.
Huyết cầm thân xác tỏa lan,
Quyền năng sức mạnh, xuất ban chữa lành.
Ai người đụng chạm biến nhanh,
Bệnh nhân thú nhận, con đành xưng tên.
Xin thương cứu chữa ân đền,
Đức tin mạnh mẽ, ơn trên hộ phù.
Gia đình ông Trưởng lu bu,
Con ông tắt thở, thiên thu giã đời.
Cầm tay bé gái khấn Trời,
Chúa cho sống lại, mọi người mừng vui.
THỨ TƯ, TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
(Dt 12, 4-7. 11-15; Mc 6, 1-6).
QUÊ NHÀ
Về quê giảng dạy Tin Mừng,
Hội Đường đông kín, tạm dừng hỏi han.
Khôn ngoan tài đức ai ban?
Cha là thợ mộc, yên hàn sống bên.
Ma-ry, Mẹ Chúa làng trên,
Anh em cô bác, kết nên xóm làng.
Cứng lòng thách thức bẽ bàng,
Thi hành phép lạ, cho hàng xóm coi.
Quê hương khinh bỉ đua đòi,
Dân làng xúc phạm, tìm tòi ngạc nhiên.
Lòng tin yếu kém gây phiền,
Chúa đành từ chối, ra miền chung quanh.
Cố công rao giảng tin lành,
Chữa lành bệnh hoạn, thực hành ái nhân.
Làng trên xóm dưới ân cần,
Lắng nghe đạo lý, tinh thần an vui.
THỨ NĂM, TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
(Dt 12, 18-19. 21-24; Mc 6, 7-13).
BÀI SAI
Hai người môn đệ đồng hành,
Ra đi rao giảng tin lành cho dân.
Quyền năng chữa trị tha nhân,
Đức tin phó thác, thanh bần đơn sơ.
Không tiền, không bị, không nhờ,
Hoàn toàn tin tưởng, thiên cơ quan phòng.
Nơi nào đón tiếp cầu mong,
Thành tâm lưu lại, thong dong đáp lời.
Ai mà chê chối không mời,
Phủi chân tố cáo, những nơi bất đồng.
Môn đồ sánh bước lập công,
Kêu mời thống hối, hiệp thông ơn lành.
Tin vui loan báo hoàn thành,
Xua trừ ma quỉ, chữa lành bệnh nhân.
Chu toàn sứ vụ canh tân,
Trở về bên Chúa, dự phần phúc vinh.
THỨ SÁU, TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
(Dt 13, 1-8; Mc 6, 14-29).
CHỨNG NHÂN
Gio-an nhân chứng Nước Trời,
Nói lời sự thật, bị người tống giam.
Nghe lời xiểm nịnh tham lam,
Hê-rô-đê vướng tục phàm thế gian.
Vui vầy tiệc rượu hứa ban,
Xin gì được nấy, lạm càn quyền uy.
Chiều lòng con gái phụ tùy,
Con về hỏi mẹ, xin gì vua ban.
Mẹ xin mạng sống Gio-an,
Vua sai quân lính, giã man giết người.
Cái đầu trên đĩa tách rời,
Trao cho cô gái, đầy vơi lòng người.
Gio-an hoàn tất cuộc đời,
Chứng nhân chân lý, cao vời biết bao.
Tiền hô kiên vững thanh cao,
Hy sinh chịu chết, bước vào thiên cung.
THỨ BẢY, TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
(Dt 13, 15-17. 20-21; Mc 6, 30-34).
NGHỈ NGƠI
Môn đồ nhận lãnh tin vui,
Ra đi rao giảng, bước lui trở về.
Vui mừng khống chế mọi bề,
Nghỉ ngơi lại sức, cận kề bên nhau.
Đoàn dân vất vưởng sầu đau,
Chúa thương cứu chữa, giúp lau giọt sầu.
Tông đồ mỏi mệt đêm thâu,
Xuống thuyền ghé bến, ngõ hầu tránh xa.
Tìm nơi hẻo lánh xa nhà,
Cánh đồng vắng vẻ, dần dà luyện tâm.
Nhiều người tìm đến âm thầm,
Như chiên lạc lõng, dẫn lầm lối đi.
Động lòng thương xót từ bi,
Chúa thương an ủi, mỗi khi đau buồn.
Ơn ban phúc lộc mưa tuôn,
Dưỡng hồn nuôi xác, ban nguồn ân thiêng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17572
Thánh ca Phụng vụ lễ Chúa nhật IV Thường niên B
Hiệp lễ – Lời ban sự sống:
Kết lễ – Cho một tình yêu: