Sống Lời Chúa tuần 34 Chúa Nhật thường niên năm A 26.11.2023 Mừng Kính Lễ Chúa Kitô vua vũ trụ

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-34-thuong-nien-nam-a-le-chua-kito-vua-vu-tru-2076
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm A - Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ

(Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46)

ĐỨC GIÊSU KITÔ – MỤC TỬ VÀ THẨM PHÁN

“Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,32)

Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta cử hành trọng thể Lễ Chúa Kitô – Vua Vũ Trụ. Tất cả đều quy hướng về Người và tìm thấy nơi Người sự viên mãn. Các bài đọc hôm nay trình bày Thiên Chúa như là vị mục tử chăm lo cho đàn chiên; mọi thế lực thù địch sẽ quy phục dưới chân Người, và Người còn là vị thẩm phán trong ngày quang lâm.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Ed 34,11-12.15-17)

Bài đọc I được trích từ một sấm ngôn của ngôn sứ Êdêkien chống lại các mục tử xấu nhà Israel, đúng hơn là với các vua hơn là các tư tế. Sấm ngôn này có thể vào cuối giai đoạn các vua, trong thời gian trước lúc Đền Thờ Giêrusalem bị tàn phá và dân bị lưu đày (x. Gr; 2V 23-25). Chính trong bối cảnh loạn lạc và bất công này, những lời sấm rất tuyệt vời của ngôn sứ Êdêkien đã vang lên và xem dân Israel như một đàn chiên lạc không người chăn dắt. Ngày đó, vị mục tử nhà Israel sẽ không phải là một vị vua nào, nhưng là chính tay Đức Chúa sẽ chăn dắt (c.11) và tập hợp dân Người (c.12), và Người sẽ đưa họ nghỉ ngơi trên đồng cỏ núi thánh Israel (c.15). Tiếp đến là lời hứa về sự can thiệp của Thiên Chúa trong ngày đó đối với đàn chiên của Người, nhất là với những người yếm thế, và Người cảnh báo những người trục lợi và giẫm đạp lên những người yếu hèn (c.16-17).

2. Bài đọc II (1Cr 15,20-26.28)

Các Rabbi Do Thái tin rằng Đấng Messia đến sẽ khai mở một triều đại Messia, và sau đó sẽ tiếp nối triều đại của Thiên Chúa. Vì thế thánh Phaolô cũng chia sẻ ý tưởng này của các Rabbi và cho rằng triều đại Messia sẽ kéo dài tương ứng với lịch sử nhân loại và sẽ kết thúc vào ngày sau hết. Trong viễn cảnh này chúng ta sẽ hiểu rõ hơn bài đọc II hôm nay. Thánh Phaolô tin rằng Đấng Messia, cách tiệm tiến, sẽ tiêu diệt mọi thù địch trong triều đại của Người, và chiến thắng của Người sẽ hoàn tất khi thù địch cuối cùng, là cái chết, bị tiêu diệt (c.25-26). Thế lực thù địch bị tiêu diệt ở đây không phải là con người, nhưng là sự dữ, nghĩa là tất cả những gì làm cản trở con người sống trong sự viên mãn của đời mình như: bệnh tật, nghèo đói, trần truồng, nô lệ, sợ hãi, ghen ghét, ích kỷ, tội lỗi. Một khi những thực tại tiêu cực này biến mất, thì triều đại Messia có thể nói là sẽ hoàn tất. Vì thế, bất cứ ai dấn thân chống lại những điều này là cộng tác vào kế hoạch và công trình của Đấng Messia. Một khi triều đại này được khai mở trong thế gian và những thế lực thù địch của Đức Kitô, kể cả sự chết, bị tiêu diệt, thì chính Đấng Messia sẽ trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha (c.24) và khai mở triều đại của Thiên Chúa và triều đại này sẽ vô cùng tận (c.28).

3. Bài Tin Mừng (Mt 25,31-46)

Bài Tin Mừng hôm nay là một quang cảnh phúng dụ về cuộc phán xét sau cùng. Trong Tin mừng Mátthêu, đoạn này tiếp theo sau dụ ngôn những nén bạc và kết thúc diễn từ cánh chung, loan báo việc Con Người đến trong vinh quang. Toàn bộ diễn từ này, đặc biệt cảnh phán xét sau cùng có nét tương đồng với bối cảnh phán xét trong Đanien 7,13-14, trong đó, xuất hiện hình ảnh Con Người được trao quyền trên mọi dân nước.

Có thể nói đây là một sấm ngôn về sự trở lại của Đức Kitô. Vì thế, việc xem bản văn đơn thuần như là một dụ ngôn dạy về một bài học luân lý là chưa đủ. Ta còn thấy tiếp sau diễn từ cánh chung và phán xét sau cùng này là trình thuật về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Việc này giúp chúng ta hiểu được cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu như là con đường dẫn tới cuộc quang lâm của Đức Kitô. Cuộc quang lâm này là một cuộc phán xét, và chỉ ra ai là những người thuộc về hay không thuộc về Đức Kitô. Thánh Mátthêu trước đó cũng đã cho chúng ta những tiêu chí thuộc về không phải là những yếu tố bề ngoài (x. Mt 7,21-23).

Mạc khải về sự trở lại của Đức Kitô bao hàm cả về sự hiện diện hoàn vũ của Người. Sự hiện diện này đã có, nhưng bất khả thị. Vì thế, nơi những người nghèo, những người bé mọn là một bí tích về sự hiện diện của Người. Từ đây thúc bách chúng ta để ý nhiều hơn trong các tương quan với tha nhân, và như thế Nước Chúa sẽ tiến triển theo cách thế này.

Khi mạc khải cho chúng ta về ngày phán xét sau cùng, có vẻ như Đức Giêsu vượt qua cách mô tả thị kiến theo văn chương khải huyền, và đưa chúng ta đến đời sống thật và những việc làm cụ thể. Vì thế, để chuẩn bị cho ngày đó, chúng ta được mời gọi xem lại cách hành xử của chúng ta hôm nay. Đức Giêsu đã chiếu trước cho chúng ta một nguồn sáng trên những gì chúng ta đang sống. Ngài hiện diện và đồng hóa mình nơi những con người bé mọn. Đây là một mạc khải tuyệt vời, và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người đã đến mức cùng tận như thế này. Vì thế, “nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mình mà họ trông thấy, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy ?” (1Ga 4,20).

Đoạn Tin Mừng hôm nay chính yếu không nhằm cung cấp những thông tin chi tiết chính xác về cuộc phán xét sau cùng xảy ra như thế nào, nhưng là lời dạy chúng ta phải sống hôm nay ra sao trong tương quan với ngày mai. Mỗi người chúng ta sẽ được chất vấn dựa trên tình yêu trong đời sống hiện tại, bởi lẽ Vương quốc của Chúa là một vương quốc của tình yêu.

Hình ảnh chiên và dê được dùng ở đây rất ý nghĩa: chiên thì luôn quy tụ với nhau thành đàn và để cho mục tử chăn dắt đến những đồng cỏ xanh rì; còn dê là loài hay nhảy, phá phách, ăn uống ồn ào và không trật tự. Và như vậy, vấn đề ai là chiên ai là dê trong ngày sau hết có ý nghĩa ngay từ hôm nay. Chúng ta đã là chiên mỗi khi chúng ta biết yêu mến và quan tâm chia sẻ; chúng ta đã là dê mỗi khi chúng ta sao nhãng những việc này với những người chung quanh mình.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”. Lời hứa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Êdêkien đã hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành. Nhìn lại đời mình trong từng biến cố, tôi có cảm nghiệm được những nẻo đường hồng ân mà Thiên Chúa đã chăm sóc và dẫn lối tôi đi trong cánh tay yêu thương của Người ?

2. “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người”. Mọi thế lực thù địch sẽ bị tiêu diệt trong triều đại của Đức Giêsu Kitô, kể cả cái chết, và tất cả sẽ quy phục một mình Người. Vậy trong đời sống mỗi ngày, tôi có cộng tác vào việc xây dựng Nước Chúa, biết gieo hòa bình và tình thương, góp phần xóa bỏ những điều không tương hợp với triều đại của Chúa, trước tiên là nơi chính bản thân tôi ?

3. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đồng hóa mình nơi những con người bé mọn. Vậy tôi đã làm gì trước dung mạo của Đức Kitô là những người chung quanh, nhất là khi Ta đói… Ta khát… Ta là khách lạ… Ta trần truồng… Ta đau yếu… Ta ngồi tù ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là vị mục tử nhân lành luôn chăm sóc tận tình và cũng xét xử thật công minh từng con chiên trong đàn chiên của Người. Trong ngày mừng kính Chúa Kitô Vua vũ trụ, chúng ta hãy ngợi khen chúc tụng Chúa và tin tưởng cầu xin.

1. Chúa Kitô là Vua nhân từ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn theo gương Chúa Kitô, lấy yêu thương tha thứ mà hướng dẫn và chăm sóc đoàn chiên, để mọi người được sống an vui hạnh phúc dưới vương quyền của Thiên Chúa.

2. Chúa Kitô là Vua hòa bình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết trân trọng và yêu chuộng hòa bình, luôn nỗ lực xóa bỏ mọi hận thù tranh chấp, cùng nhau cộng tác để xây dựng một xã hội văn minh cùng nền hòa bình viên mãn cho thế giới.

3. “Con nào bị mất, Ta sẽ tìm kiếm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đã từ chối Chúa và xa lìa Hội Thánh, biết nhận ra giới hạn và sai lầm của mình, quyết tâm trở về giao hòa với Chúa và sống hiệp thông trong cộng đoàn Giáo Hội.

4. “Hãy đến và hãy lãnh nhận phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các linh mục trong Tổng giáo phận dự tuần tĩnh tâm sắp tới thật sốt sắng, cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn chuyên cần thực hành yêu thương và nêu cao tinh thần phục vụ theo gương Đức Kitô.

Chủ tế: Lạy Chúa Kitô là vua công minh và mục tử nhân lành. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban tặng Thánh Thần giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng một đời sống thấm nhuần công bình bác ái, làm cho nhiều người nhận biết và qui phục vương quyền Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Nghe giảng Lễ Chúa Kitô Vua (2010 – 2023)

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Lễ Chúa Kitô Vua

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-34-thuong-nien-nam-a-le-chua-kito-vua-47274
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm A - Lễ Chúa Kitô Vua

CHÚA GIÊSU KITÔ VUA

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là một trong những câu truyện sống động nhất của Chúa Giêsu và bài học Chúa dạy cũng hết sức rõ ràng. Bài học đó là Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta theo những việc chúng ta làm cho nhau trong cuộc sống hằng ngày. Sự phán này không tùy thuộc vào kiến thức chúng ta có, sự may mắn hay tiếng tăm chúng ta đã đạt được, nhưng tùy vào sự giúp đỡ chúng ta làm cho nhau.

Như vậy rõ ràng qua câu truyện này Chúa muốn chúng ta phải giúp đỡ người nhau.

1. Ta phải giúp đỡ nhau từ những nhu cầu thật đơn giản trong cuộc sống của mọi người như kẻ đói cần được cho ăn, kể khát cần được cho uống, những người khách lạ cần được tiếp đón, những kẻ bị cầm tù cần phải được viếng thăm.

Ngày nay Mẹ Têrêsa còn cho biết thêm: có nhiều người đói thức ăn, nhưng cũng có nhiều người đói những thứ khác như đói được biết đến, đói được yêu thương, đói được tôn trọng …

Trần truồng không phải chỉ là không quần áo, mà còn là không nhân phẩm, không trong sạch, không tự trọng.

Vô gia cư không phải chỉ là không có nhà, mà còn là bị ruồng bỏ, bị coi là vô dụng.

Chứng bệnh nặng nhất của thế giới hôm nay là cảm giác bị bỏ rơi không ai để ý đến, không ai quan tâm chăm sóc….

Sự ác lớn nhất của thế giới hôm nay là thiếu tình yêu là dửng dưng với người bên cạnh.

Đó là những việc này chúng ta có thể gặp hàng ngày. Tất cả cần phải được quan tâm.

2. Phải giúp đỡ nhưng giúp đỡ với tinh thần nào ? Thưa là tinh thần không tính toán.

Tất cả những người đã giúp đỡ người khác trong câu truyện hôm nay đều không ai nghĩ rằng họ đã giúp đỡ Chúa Giêsu và tích trữ công đức đời đời cho mình. Họ giúp vì không thể không giúp, đó là bản chất tự nhiên không tính toán, phát xuất từ lòng yêu thương thật.

Oscar Wilde đã viết một câu chuyện rất đẹp, tựa đề là The Happy Prince, như sau:

Một ông Hoàng kia sống một cuộc đời rất hạnh phúc .

Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.

Một buổi nhiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của ông Hoàng. Ông đang khóc.

– Tại sao ông khóc ? Ông là ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!.

– Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không ?

– Không được, tôi phải bay đi Ai Cập.

– Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.

– Thôi được! Bây giờ ông muốn tôi làm gì ?

– Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.

Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.

Hôm sau ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Và lúc đó mùa đông đã tới, trời đổ lạnh rất nhiều. Sáng hôm đó, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.

Vâng có ai ngờ những việc tốt chúng ta làm cho nhau lại là làm cho chính Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40).

Ngược lại như Lời Chúa quả quyết những gì chúng ta từ chối không giúp đỡ người khác cũng có nghĩa là chúng ta không giúp Chúa.

Khi đã không muốn giúp đỡ những người khác thì người ta có thể nại ra đủ mọi thứ lý do để từ chối.

Năm 1880, ở thành phố Paris, có một Linh mục ăn mặc nghèo hèn đến gõ cửa nhà một Cha Sở xin được trọ qua đêm. Cha Sở tiếp rất thờ ơ rồi chỉ cho Linh mục ấy lên chiếc gác xép nhà xứ. Linh mục ấy tên là Gioan Bosco, từ Turin nước Ý sang Paris để quyên tiền về xây trường giáo dục các thiếu niên.

Nhiều năm sau, Giáo Hội đã tôn phong Gioan Bosco lên bậc hiển thánh. Khi nghe tin đó, Cha Sở nọ nói:

“Phải chi lúc đó tôi biết ông ấy là Don Bosco thì tôi đâu có để Ngài ở trên cái gác xép ấy, trại lại tôi đã dành phòng khách sang trọng nhất cho Ngài rồi.

Quả thật chúng ta không bao giờ biết rõ những kẻ chúng ta gặp là những người như thế nào. Nhưng điều này không quan trọng. Điều quan trọng đối với những kẻ có đức tin là chính Chúa hiện thân trong những người ấy.

Giúp đỡ để được người ta khen ngợi, cám ơn và công bố ra cho nhiều người biết, thì không phải là giúp đỡ nữa mà là kiêu ngạo, ích kỷ trá hình. Sự giúp đỡ đẹp lòng Chúa là sự giúp đỡ không vì mục đích nào ngoài sự giúp đỡ cả.

3. Và cuối cùng Chúa cổ võ tình yêu thương qua việc chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau để làm gì ? Câu trả lời cũng không khó lắm. Thưa để thiết lập Nước Trời của Chúa ngay trên trần gian này và mai sau được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Ngày xưa người Do Thái hiểu Nước Thiên Chúa chính là Nước Do Thái, một nước Do Thái hùng cường phồn vinh làm bá chủ nhiều nước khác. Hiểu như vậy là sai.

Ngày nay nhiều người hiểu Nước Thiên Chúa là Giáo Hội, một Giáo Hội có rất đông tín đồ, một Giáo Hội có tổ chức quy mô, khiến cho người ngoài nể phục. Hiểu như vậy có đúng không ? Thưa chỉ đúng một phần thôi, là phần bề ngoài, phần hình thức, phần tổ chức.

Một câu chuyện vui:

Một buổi sáng tưng bừng, một bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa Thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi thấy Thánh Cả chỉ cho bác tài xế của mình một tòa nhà đồ sộ, bà ta sung sướng nghĩ bụng:

– Bác tài mà còn được ở một tòa nhà nguy nga tốt đẹp như thế! Tôi sẽ phải được một tòa nhà nguy nga lộng lẫy đến chừng nào!

Và bà ta xoa tay sung sướng.

Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, Thánh Phêrô quay lại chỉ vào một túp lều lụp xụp nhỏ ở bên góc, nói:

– Đó là nhà của bà!

Bà ta hốt hoảng, cả đầu óc choáng váng lên:

– Nhà của tôi đó thật sao ? Không tôi không thể nào sống trong một căn lều xấu xí như thế được!

Thánh Phêrô đem tay vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt:

Thưa bà, tôi rất tiếc không thể làm hơn thế được. Với vật liệu bà gởi tới cho tôi xưa nay, tôi chỉ có thể làm được ngần ấy thôi ?.

Một nhà giàu hỏi xem thiên đàng ở đâu ?

Ngày lễ Mông Triệu, cha xứ giảng về thiên đàng. Sau lễ, cha gặp người giàu có nhất làng. Ong này mới nói: “Thưa cha, cha vừa giảng một bài rất hay về thiên đàng, nhưng cha đã không nói thiên đàng ở đâu ?” Cha xứ trả lời: “Này ông, tôi sẽ nói cho ông biết thiên đàng ở đâu. Bên kia đường, trong một căn nhà nghèo nàn, có một bà góa sống với 2 đứa con nhỏ. Cả 3 đều lâm bệnh, đói khát và cùng khổ. Ông hãy chu cấp cho bà những gì bà cần và hãy trả tiền bác sĩ cho bà. Sau đó hãy đọc đoạn 25 Phúc âm thánh Matthêo, đoạn này nói đến phán xét cuối cùng và tôi chắc chắn là ông sẽ biết thiên đàng ở đâu. Nếu ông không biết nữa, thì hãy đến đây và tôi sẽ nói cho ông biết”. Người giàu kia làm những gì cha sở bảo và giúp đỡ tận tình bà góa. Sau này, khi gặp cha xứ, ông nói: “Thưa cha, con như ở thiên đàng trong ngày đó. Cha không thể tưởng tượng được con vui sướng hạnh phúc trong tâm hồn biết dường nào, và niềm vui ấy kéo dài cho đến ngày hôm nay”. Chính vì Thiên đàng là một trạng thái tâm hồn, là “sự bình an và niềm vui của một lương tâm ngay chính”.

Suy niệm Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Lm Ga Phan Tiến Dũng

VỊ VUA ĐỜI TÔI

Nếu ai đó hỏi tôi rằng:
“Vị vua đời bạn quyền năng thế nào?”
Chẳng hề do dự đáp lời:
“Giê-su Cứu Chúa trọn đời vì yêu”.
Vốn là Thiên Chúa huyền siêu
Từ trời cao xuống, đơn nghèo hạ sinh,
Vì con tự hiến thân mình
Làm giá chuộc tội, nhân hình chịu treo.
Thập giá tử nạn vút cao
Sinh ơn cứu độ biết bao nhiệm mầu.
Phục sinh đánh bại tử sầu
Cho con sự sống dồi dào chứa chan.
Giê-su Ki-tô bình an
Ghé trông ngự trị tâm can con hèn,
Xin thương làm chủ nguyệt niên
Đừng để ‘vua chúa trần gian’ định đoạt,
Giam hãm, chế ngự sinh hoạt
Trở nên ngẫu tượng huỷ hoại nhân gian.
Lạy Vua Giê-su bình an
Cho con xứng đáng thần dân Nước Trời.

TÌNH YÊU ĐÁP LẠI HẬN THÙ

Tình yêu NGÀI là ánh sáng
Xua tan tăm tối, xé toang hận thù.
Soi tỏ ‘chiều buồn âm u’
Bình minh toả chiếu, hoàng hôn lặng thầm.

Tình yêu NGÀI ngào ngạt thơm
Quyện vào Thập giá ngất cao giữa trời.
Toả hương ‘tha thứ’ khắp nơi,
Đền thay tội chết muôn người nhân gian.

Tình yêu NGÀI tựa đoá sen
Bùn lầy ‘dậy sóng’, chẳng hoen tinh tuyền.
Vươn cao hơn cả sắc huyền
Đơn sơ, thanh khiết, trinh nguyên vẹn toàn.

Tình yêu NGÀI mãi chứa chan
Không hề vẩn đục oán hờn ghét ghen.
Bao dung, tha thứ (mọi) nhỏ nhen
Bất trung, thất tín, nhát hèn, hổ ngươi.

Tình yêu NGÀI không loại trừ
Lắng nghe đón lấy vạn lần nỉ non.
Muôn đời trọn vẹn sắt son
Phục sinh toả chiếu, khải hoàn vinh quang.

YÊU THƯƠNG LÀ THẾ NÀY!

Luật cũ dạy con rằng:
Yêu người cùng quê hương;
Nhưng Chúa dạy con rằng:
Yêu cả kẻ thù con.

Đành rằng con biết vậy,
Nhưng thật khó thực hành
Nếu không nhờ ơn Chúa
Chắc con chịu bó tay!

Ôi yêu thương quý thay
Trở nên người nhân hậu
Như Cha ở trên trời
Đấng dịu hiền thứ tha.

Xin cho con tha thứ
Cảm thông với anh em
Vì bao lần sa ngã
Vẫn được Cha đỡ nâng.

Chớ nên khép cõi lòng
Khắt khe rồi lên án,
Mà rộng mở tâm can
Đón nhận hết mọi người.

Lm. Xuân Hy Vọng

https://giaophannhatrang.org/vi/news/trang-tho-van/tho-vi-vua-doi-toi-va-ve-tinh-yeu-chua-26214.html

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN. A
 

 Lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua

(Mt. 25:31-46)

Con Người ngự đến vinh quang,

Thiên Thần hầu cận, cao sang tầng trời.

Muôn dân tập họp bên Người,

Phân chia phán xét, cuộc đời trần gian.

Chiên dê tách biệt trước nhan,

Chiên nằm bên hữu, Chúa ban phúc lành.

Cha Ta chúc phúc lòng thành,

Nước Trời gia nghiệp, thưởng dành các ngươi.

Vì xưa đói khát ở đời,

Cho ăn đãi uống, một thời vị tha.

Ta là khách lạ phương xa,

Rộng lòng tiếp đón, vào nhà trú chân.

Yếu đau bệnh họan cơ bần,

Viếng thăm chăm sóc, ân cần lo toan.

Tình thương đức ái khôn ngoan,

Chính Ta bé mọn, hân hoan đón chào.

Dê nằm bên trái tự cao,

Không thương, chẳng giúp, tự hào chủ quan.

Không thăm, thiếu viếng đa đoan,

Sống đời ích kỷ, bất toàn trí tâm.

Chúa Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ, Vua các Vua. Ngài ngự cao siêu trên mọi tầng trời, nhưng lại rất gần gũi với con người trần thế. Ngài là Chúa muôn loài trên tầng cao thẳm, nhưng lại hạ thế làm người. Một Thiên Chúa vừa cao cả vừa gần gũi. Chúa uy quyền để chúng ta kính bái tôn thờ và gần gũi để chúng ta gặp gỡ, tâm sự và hiệp thông.

   Chúa Kitô là Vua không phải như các vị vua trần thế. Chúa không cần có giang sơn tổ quốc, quân quyền và không ngai vàng cùng kẻ hầu người hạ. Chúa là Vua của tâm hồn, Vua tình yêu. Ai biết yêu là thuộc về con dân của Nước Chúa. Nước của Chúa không có biên cương lãnh thổ, nhưng là nước trong tâm hồn con người.

   Chúa ở gần chúng ta đến nỗi chúng ta không nhận ra Ngài. Ngài hiện diên không đâu xa, mà nơi chính anh chị em chung quanh chúng ta. Ngài ẩn thân qua những người nghèo khổ, kẻ mồ côi góa bụa, người đói khát, kẻ tù đầy, người bệnh họan, kẻ tật nguyền, cô đơn và nơi những người không có nơi nương tựa. Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài?

   Thật dễ và cũng thật khó để nhận diện ra Chúa Kitô. Ngài hiện diện trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhưng chúng ta đã rất nhiều lần ngoảnh mặt làm ngơ. Một câu chào hỏi cũng không. Một bát nước lạnh cũng từ chối. Một miếng bánh vụn không muốn chia xẻ. Một chiếc áo hay chiếc quần cũ cũng không muốn cho đi. Đôi khi chúng ta còn nhìn anh em bất hạnh với con mắt khinh thị, nghi ngờ và chối từ. Chúng ta sợ dơ dáy bẩn thỉu, sợ bị quấy rầy và còn sợ nhiều thứ khác… Chúng ta không muốn chia xẻ tình yêu với họ.

   Chính Vua Vũ Trụ lại ở bên những người bị ruồng rẫy bỏ rơi đó. Chúa mang thân phận nghèo đói của kẻ ăn xin. Chúa muốn chúng ta đón tiếp các anh em cùng khốn như là đón tiếp chính Chúa. Phần thưởng Chúa dành cho những ai biết chia sẻ tình yêu với họ. Chúng ta không phải đi đâu xa để tìm gặp Chúa. Chúa là Vua ngay trong lòng và ngay bên cạnh chúng ta. Hãy mở mắt tâm hồn để nhận diện ra Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là Vua của lòng con. Xin cho chúng con biết chia sẻ tình nhân ái với những người cùng khốn đang hiện diện chung quanh chúng con. Chúng con biết rằng khi chúng con đón tiếp họ, là chúng con đang đón tiếp chính Chúa.

THỨ HAI, TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

(Lc 21, 1-4).

DÂNG CÚNG

Bỏ tiền dâng cúng vào hòm,

Một bà nghèo khó, bỏ bòn vài xu.

Chúa ngồi quan sát trưng thu,

Khá khen bà góa, mặc dù nghèo sơ.

Nhiều người cho của dư hờ,

Dâng lên Thiên Chúa, tôn thờ dửng dưng.

Bà nầy túng thiếu qúa chừng,

Đã dâng tất cả, thắt lưng quẫn cùng.

Đơn sơ phó thác tín trung,

An bài cuộc sống, bao dung tâm hồn.

Lắng lo thờ phượng kính tôn,

Lòng thành bác ái, túi khôn đong đầy.

Không ưa của lễ trưng bày,

Tấm lòng quảng đại, dựng xây Nước Trời.

Quan phòng Tạo Hóa cao vời,

Mỗi người cuộc sống, vào đời phát huy.

THỨ BA, TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

(Lc 21, 5-11).

TIÊN BÁO

Trầm trồ khen ngợi đền thờ,

Trang hoàng đá quí, bàn thờ đẹp thay.

Những gì nhìn ngắm hôm nay,

Đến ngày tàn phá, qua tay kẻ thù.

Không còn hòn đá trùng tu,

Dấu nào mà biết, dự trù xảy ra?

Các con ý tứ người ta,

Mạo danh Chúa Cả, chính là ta đây.

Chớ đi theo chúng sa lầy,

Chiến tranh loạn lạc, náo gây mọi miền.

Các con đừng sợ, ưu phiền,

Dân này nổi dậy, nát nghiền dân kia.

Cõi bờ các nước phân chia,

Nhiều nơi động đất, chia lìa xa nhau.

Hoành hành ôn dịch đớn đau,

Bầu trời điềm lạ, theo sau tỏ bày.

THỨ TƯ, TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

(Lc 21, 12-19).

BÁCH HẠI

Người ta bắt bớ các con,

Hội đường giao nộp, mỏi mòn tháng năm.

Ngục tù giam hãm hờn căm,

Quan quyền vua Chúa, chỉ nhằm oán ghen.

Giữa đời ánh sáng muối men,

Danh Thầy nhân chứng, ca khen Chúa Trời.

Các con ghi nhớ đôi lời,

Chớ lo đáp lại, người đời hỏi han.

Thầy ban miệng lưỡi khôn ngoan,

Đám người thù địch, làm càn dối gian.

Gia đình bạn hữu than van,

Thân bằng quyến thuộc, gian nan vì Thầy.

Người ta bắt bớ bao vây,

Mọi người ghét bỏ, khổ lây cuộc đời.

Các con bền đỗ mọi thời,

Linh hồn được cứu, Nước Trời mở ra.

THỨ NĂM, TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

(Lc 21, 20-28).

TIÊN BÁO

Chúa khuyên môn đệ sẵn sàng,

Giê-ru-sa-lém, ngỡ ngàng bao vây,

Đến ngày tàn phá nơi đây,

Quân thù đắp lũy, loạn gây mọi nhà.

Những ai trong đất, rời xa,

Vùng quê chớ bỏ, lân la vào thành.

Những ngày báo oán thi hành,

Mọi lời ứng nghiệm, hoàn thành đã ghi.

Khốn cho phụ nữ, thai nhi,

Nhiều người khốn cực, ai bì ai than.

Đổ cơn thịnh nộ tràn lan,

Đông người ngã ngục, cả ngàn làm tôi,

Kinh hồn sợ hãi dầu xôi,

Tầng trời rung chuyển, núi đồi thấu chăng.

Con Người xuất hiện quyền năng,

Ngẩng đầu đứng dậy, trời trăng sáng dần.

THỨ SÁU, TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

(Lc 21, 29-33).

NHÂN QỦA

Nhìn xem cây vả ngoài đồng,

Đâm chồi nầy lộc, mùa Đông qua rồi,

Xuân sang cây cối đâm chồi,

Mùa Hè gần đến, sườn đồi nở hoa.

Nhìn xem vũ trụ bao la,

Vạn vần dấu chỉ, biết là thời gian.

Hiểu rằng Thiên Chúa thương ban,

Nước Trời gần đến, thiên nhan rạng ngời.

Mọi điều tiên báo trong đời,

Dù rằng trời đất, một thời qua đi.

Lời Thầy vẫn cứ duy trì,

Ngàn muôn thế hệ, thực thi thành toàn.

Các con tỉnh thức sẵn sàng,

Con Người sẽ đến, mở đàng thiên cung.

Ân ban phúc lộc muôn trùng,

Chung phần hưởng phước, vô cùng đời sau.

THỨ BẢY, TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

(Lc 21, 34-36).

TỈNH THỨC

Các con tỉnh thức nguyện cầu,

Mong rằng thoát khỏi, ngõ hầu chấn hưng.

Thế gian lôi cuốn không ngừng,

Ăn chơi thỏa thích, tưng bừng sáng đêm.

Tâm hồn nặng trĩu như nêm,

Rã rời thân xác, nếm thêm mùi đời.

Say xưa lo lắng việc đời,

Thình lình ụp xuống, một thời rã tan.

Các con đừng cố vãn than,

Sẵn sàng tỉnh thức, miên man đợi chờ.

Nguyện cầu sùng kính tôn thờ,

Mong rằng thoát khỏi, hưởng nhờ thánh ân.

Kiên tâm giữ vững tinh thần,

Lạc an hiện diện, tới gần Chúa Con.

Trung kiên yêu mến sắt son,

Vinh quang tỏa chiếu, vẹn tròn tín trung.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17299