Sống Lời Chúa tuần 4 Chúa Nhật Mùa Vọng năm B 24.12.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm B

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-4-mua-vong-nam-b-2383
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm B

(2Sm 7,1-5.8-12.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38)

NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ, THIÊN CHÚA KIỆN TOÀN LỜI HỨA CỦA NGƯỜI

“Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa,
tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít”

(Lc 1,26-27)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (2Sm 7,1-5.8-12.16)

Sau khi đánh chiếm Giêrusalem và rước hòm bia Đức Chúa về thành (2Sm 5-6), vua Đavít nghĩ tới việc xây dựng một ngôi nhà xứng hợp cho Đức Chúa (c.1-2), nhưng Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Nathan, đã cho vua Đavít một lời hứa lạ lùng rằng: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (c.12-13). Thuật ngữ “nhà” trong Kinh Thánh được hiểu không chỉ là một ngôi nhà xây, mà còn là một dòng dõi, một thế hệ, và chính nghĩa thứ hai này mà lời ngôn sứ muốn nói.

Rồi có một ngày năm 587 tCGS, khi quân Babilonia phá hủy thành thánh Giêrusalem, đánh dấu chấm hết cho vương triều Đavít và các con ông. Những ai đã nghe qua lời sấm của ngôn sứ Nathan năm xưa ắt hẳn sẽ phải bị thử thách bởi lòng tin khi cho rằng Thiên Chúa có lẽ đã quên đi lời hứa của Người năm xưa khi tuyên sấm về một vương triều Đavít vững bền và vô cùng tận.

Tuy vậy, chính trong những năm tháng lưu đày loạn lạc, Israel đã nhận ra rằng lời hứa Thiên Chúa không thể sai lạc, và một viễn cảnh tương lai không xa, từ dòng dõi Đavít, chắc chắn sẽ xuất hiện một Đấng giải thoát và như thế niềm tin và mong đợi về một Đấng Messia đã bắt đầu.

2. Bài đọc II (Rm 16,25-27)

Bài đọc II là một vinh tụng ca kết thúc,tóm lược nội dung chính yếu của thư Rôma. Ở đây, “Tin Mừng” mà thánh Phaolô rao giảng được đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô, trong đó chứa đựng mạc khải “mầu nhiệm” kế hoạch của Thiên Chúa cho con người.

Kế hoạch này có tính liên tục với mạc khải trước đây của Thiên Chúa qua các ngôn sứ và Thánh Kinh, và giờ đây đã được tỏ tường, đó là: mục đích ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được thông báo cho muôn dân biết và cần phải được đón nhận trong đức tin và sự tuân phục của loài thụ tạo trước Đấng Tạo hóa. Chính Người là Đức Chúa Duy Nhất, là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, được tỏ bày qua Đức Giêsu Kitô. Giờ đây, nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa đã vun trồng nơi con người một kế hoạch tốt đẹp từ ngàn đời.

3. Bài Tin Mừng (Lc 1,26-38)

Bài Tin Mừng thuật lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria. Kinh Thánh không thiếu những loại trình thuật này, và hầu hết đều muốn diễn tả khía cạnh kỳ diệu và lạ thường của các cuộc sinh hạ, và xem đó như là một ân huệ từ trời, và sứ mạng mang ơn giải thoát mà các nhân vật này mang đến có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

Thông thường chúng ta có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh Đức Maria và bối cảnh truyền tải sứ điệp qua sứ thần, nhưng ý định của trình thuật lại muốn làm nổi bật người con của Maria: Đấng Messia sẽ xuất thân từ đâu ?

Trong khi mọi ánh mắt đổ dồn về Giêrusalem để trông chờ sự can thiệp của Thiên Chúa như lời hứa năm xưa, thì Thiên Chúa lại hướng về một vùng quê hẻo lánh mà tên của nó chưa được nhắc đến lần nào trong Cựu ước, và sau này ông Nathanaen phải thốt lên: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được ?” (Ga 1,46).

Và nơi đó, Thiên Chúa đã không chọn vị anh hùng như Samson, Đavít hay Salômon, nhưng lại là một thiếu nữ Do Thái đồng trinh bình dị.

Nếu đối với Kitô giáo, đồng trinh là một lý tưởng tôn giáo, thì truyền thống ngôn sứ lại diễn tả một ý nghĩa khác, ý nghĩa của giao ước, và nhiều lần Giêrusalem được gọi là “trinh nữ, cô gái Sion” (Is 37,22, Gr 18,13; 31,4.21.22) để diễn tả sự trung tín của Israel với Thiên Chúa trước thế lực ngoại bang, trong đó, chính Người là Đức Lang quân, luôn ao ước được kết duyên với hiền thê của Người là Israel (Hs 2,18-22).

Nhưng trong những giai đoạn bi kịch của lịch sử, Giêrusalem hoang tàn, thiếu vắng ơn thánh, thì thiếu nữ Sion lại bị ví như một thiếu nữ không chồng, “bị ruồng bỏ”, là “phận bạc duyên đơn” (Is 62,4). Tuy vậy, lời hứa về một tương lai không xa vẫn vang vọng, khi đó, Giêrusalem sẽ được Thiên Chúa “đem lòng sủng ái”, và sẽ được gọi là “ái khanh”, là “đất được kết duyên” (Is 62,4).

Có thể nói, lời hứa của Thiên Chúa năm xưa qua miệng các ngôn sứ năm xưa như Nathan, Hôsê, Isaia, Giêrêmia, hôm nay, đã được đặt để trên môi miệng sứ thần, và được thánh Luca diễn tả như là một sự kiện toàn, và qua Đức Maria, trinh nữ Sion, được chào với tên gọi mới “Đấng đầy ân sủng”, Thiên Chúa đã kết ước với nhân loại bằng chính Người Con yêu của mình, và đổ đầy ân sủng và ơn cứu độ cho chúng ta: đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng Messia được đoan hứa và trông đợi, là Con Thiên Chúa: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33).

Lời thưa Fiat của Đức Maria (fiat mihi secundum verbum tuum) trong biến cố truyền tin không chỉ đơn giản là một lời xin vâng, nhưng còn là tiếng thưa Amen, một lời nguyện cầu diễn tả niềm cậy trông, phó thác, tin tưởng, với lòng ao ước rằng lời Chúa và kế hoạch yêu thương của Người sớm được thực hiện và kiện toàn.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Kinh nghiệm đức tin của dân Israel luôn bị thử thách trong dòng lịch sử. Thế nhưng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn luôn một mực tín trung trong lời hứa ban ơn cứu độ của Người. Như dân Do Thái năm xưa, đức tin của chúng ta hôm nay cũng luôn bị thử thách bởi những nghịch cảnh khó khăn. Liệu rằng trong những hoàn cảnh đó, chúng ta vẫn luôn tín thác vào tình thương và lòng thương xót của Chúa ?

2. Thư Rôma khẳng định Đức Giêsu Kitô là mạc khải tỏ tường về mầu nhiệm của Thiên Chúa cho con người, và mầu nhiệm đó được loan báo cho muôn dân qua biến cố Con Thiên Chúa làm người. Là người tín hữu, tôi có sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm đó bằng đức tin và sự vâng phục thánh ý như lời kêu mời của thánh Phaolô không ?

3. Lặng nhìn Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ, tôi nhận ra: có một kế hoạch đầy yêu thương từ ngàn đời mà Thiên Chúa dành cho chính tôi, cho cả người anh chị em tôi, và cho cả và nhân loại. Tôi có như Đức Maria, sẵn sàng đáp trả bằng hai tiếng Fiat-Amen ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay, Hội Thánh làm nổi bật hình ảnh Đức Maria như là gương mẫu cho tất cả những ai đang khao khát đón chào Đấng Cứu Thế. Trong tâm tình cảm tạ và với quyết tâm sống theo gương Mẹ, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời ý cầu nguyện:

1. Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến truyền tin cho Đức Maria. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn ý thức và tích cực dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người thời đại hôm nay.

2. Triều đại của Đấng Thánh sắp đến sẽ bền vững trường tồn. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới biết qui phục vương quyền của Thiên Chúa cùng nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình và chứa chan tình yêu thương huynh đệ.

3. Thiên thần nói với Đức Maria: “không có việc gì mà Chúa không làm được.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang gặp thử thách trong đức tin được thêm niềm hy vọng để luôn tín thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

4. Đức Maria thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết khiêm tốn và sẵn sàng thưa tiếng “xin vâng” theo gương Đức Mẹ trước mọi ý định của Thiên Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương nhậm lời chúng cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria sẵn sàng đón nhận và cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Có thể là đồ họa về chân nến và văn bản cho biết 'Ý LỰC Tin mỪnG CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG "Ndy Trinh Nữsé thụ NĂMB Chúa làm chẳng giống ai "Trinh Nữ sẽ thụ thai" Ngài. Bỏ ý riêng đã định Mẹ vàng Thánh Đời con, Chúa an bài Sao lại chẳng giáng ai? Noi gương Mẹ. con sẽ "Xin văng mài yang hoài. Dương Long Cát Linh'

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm B

Lc 1, 26-38

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bài Tin mừng đẹp nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Thánh Luca đã tế nhị giới thiệu cho chúng ta một nhân vật hết sức quan trọng trong việc Chúa Cứu Thế sinh ra làm con người: Nhân vật ấy chính là Đức Maria, mẹ của chúng ta.

A. 1. Dưới con mắt của Luca thì Đức Maria là “Thiếu nữ Sion” (Câu “mừng vui lên” chính là âm hưởng lời nói với thiếu nữ Sion từ ngàn xưa)

Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ!

Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:

Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,

khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,

một con lừa con vẫn còn theo mẹ. (Dcr 9,9)

Như vậy ngày xưa qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa hứa sẽ đến ở nhà “thiếu nữ Sion” (tức là dân Chúa) thì hôm nay Lời hứa này được thực hiện nơi Đức Mẹ.

2. Đức Mẹ đã đón nhận Lời hứa ấy như thế nào ?

Chúng ta hãy dừng lại một chút để so sánh việc Đức Maria và ông Dacaria khi đứng trước một một tin vui xem hai người đã phản ứng như thế nào.

* Khi được báo tin sẽ có con, cả Dacaria và Đức Maria đều thắc mắc hỏi lại. Nhưng câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự hoài nghi. Việc hoài nghi không tin này này đã được chính thiên sứ xác nhận “Bởi vì ông không tin” (câu 20)

Còn câu hỏi của Đức Maria là câu hỏi để xin soi sáng thêm (“việc ấy xảy đến thế nào được bời vì tôi không biết đến người nam ?”),

* Kết quả, ông Dacaria vì không tin nên bị phạt. Còn Đức Maria đã tin và mau mắn vâng lời cho nên kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện ngay.

B. 1.Chúng ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại phải hạ mình đến như vậy ? Chẳng lẽ Người phải đợi sự ưng thuận của một tạo vật rồi mới thực hiện chương trình của mình ?

Câu trả lời không khó lắm. Đọc lại toàn bộ Kinh thánh chúng ta thấy mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự cộng tác của con người. Để thành lập một dân, Chúa đã gọi Abraham để ông cộng tác với Người. Để cứu dân mình khỏi ách thống trị Ai Cập, Chúa đã gọi Moise và chúng ta thấy Moise đã làm cho Chúa những gì, và để Đấng Cứu Thế được nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria cộng tác. Và Đức Maria đã cộng tác bằng cách ngoan ngoãn để cho Chúa hành động trong mình và qua mình:

2. “Xin cứ làm cho tôi…”.

Phải nói đây là một sự thuận phục trọn vẹn.

Đức Maria đã trả lời bằng hai tiếng thật vắn gọn “xin vâng”: Trả lời như thế có nghĩa là: Chúa bảo gì tôi cũng làm theo cả. Chúng ta tự hỏi việc trả lời như thế có liều lĩnh lắm không. Ai trong chúng ta cũng biết việc tuân hành thánh ý Thiên Chúa không phải là việc dễ dàng. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của Đức Maria chúng ta sẽ thấy điều đó.

Chúng ta xưng tụng Đức Maria là người có phúc. Điều đó đúng.

Đức Maria được báo cho biết rằng nàng sẽ sinh một con trai do hành động siêu phàm của Chúa Thánh Thần. Việc đó chỉ có một mình Maria biết. Bà con lối xóm, bạn bè quen thuộc chẳng ai biết được sự việc đó. Cắt nghĩa làm sao ? Mà dù có cắt nghĩa đi nữa thì chưa chắc đã có ai tin. Xưa nay đã có bao giờ như vậy đâu ? Maria cũng chỉ là một người bình thường như những người khác, thậm chí còn nghèo khổ hơn những người khác…đâu có đặc biệt gì mà Thiên Chúa lại quá ưu ái như vậy! Vâng làm sao cắt nghĩa được đây ? Vì thế, đối với những người bà con quen biết chắc chắn họ sẽ cho rằng Maria đã phạm tội. Đó là một vết nhơ ô nhục trên suốt cuộc đời của một người con gái chưa về nhà chồng mà đã có con.

Rồi còn một khó khăn nữa cũng không kém phần nhức nhối đó là làm sao cắt nghĩa cho Giuse hiểu đây! Giuse, hôn phu của nàng, làm sao chịu đựng nổi sự hổ nhục này ?

Giuse đã tính bó trốn. Đó là con đường dễ chịu nhất. Rất may là Thiên Chúa đã can thiệp.

Giả như Đức Maria là một thiếu nữ chỉ muốn an phận thì khi được sứ thần ngỏ ý có lẽ Mẹ đã thưa: “Tôi không muốn làm mẹ Đấng Cứu Thế, tôi chỉ muốn được sống cuộc đời bình thường với sự tôn trọng của người xung quanh và tình thương yêu mà người tôi định gá nghĩa. Tôi chỉ muốn sống như các phụ nữ khác. Xin Chúa hãy đem vinh hạnh ấy cho một thiếu nữ Ísrael khác.” Nhưng thay vì câu nói ấy, chúng ta lại được đọc thấy trong Tin mừng một lời hết sức cảm động đầy tinh thần vâng phục và hy sinh: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Vâng đó là những gì đẹp nhất mà chúng ta được nghe.

Nói tới đây tôi chợt nhớ tới câu chuyện của Trương Lương trong Tam Quốc Chí. Ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Làm sao mà Trương Lương được mến mộ như vậy. Thưa vì ngay từ thuở nhỏ Trương Lương đã có những đức tính rất dễ thương. Hôm đó, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông chợt thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say quá nên làm rơi một chiếc dép xuống sông. Tỉnh dậy thấy cậu bé Trương Lương ở đó, ông sai bảo: “Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta”.

Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép rồi kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ già cầm lấy, không một lời cám ơn. Rồi cụ loay hoay xỏ mãi mà không vào. Chiếc dép lại một lần nữa rớt xuống bờ sông. Cụ lại quát bảo Trương Lương: “Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta”. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: “Thằng bé này dạy được đây”. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Hoàn cảnh thời Đức Mẹ sống cũng tương tự như thế. Thời đó, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.

Kính thưa anh chị em. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng.

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Làm sao ơn Chúa có thể đến với chúng ta. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vận mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.

Lạy Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Nghe giảng Chúa nhật IV Mùa Vọng năm B (2011-2023)

 

z4984587710803 b196ba9ba0e8d7ddf8d21957cf51da2c

Ta đâu thể đổ thừa cho con rắn
Khi ta không canh nổi mảnh vườn đời
Cũng đâu thể đổ thừa cho cây cấm
Khi ta mặc tình thả lỏng buông lơi.

Khi mở mắt đã thấy ta trần trụi
Và vườn xưa đổ vỡ tàn hoang
Tự ta chuốc vào ta bao nhuốc tủi
Bởi lòng không canh thức sẵn sàng.

Ta đâu thể đổ thừa em cám dỗ!
Khi lòng mình vốn đầy rẫy tạp nham
Ta là rơm, và cũng ta là lửa
Âm ỉ cháy hoài bao cuồng vọng bất kham.

Vườn đời vẫn lung linh vườn trái cấm
Và trong ta bao vẫy gọi thậm thì
Như một chiếc thuyền nan dễ đắm
Trên biển đời nhiều giông gió, ta đi…

Ta đi mãi, vẫn trăm năm nỗi khát
Trên phận người nhiều yếu nhược mong manh
Ta mong mãi, vẫn đời tản lạc
Vời vợi xa mộng ước viên thành.

Nên mùa mãi trong ta mùa vọng ngóng
Mỗi nhịp đời một nhịp đợi. Khôn ngơi…
Mong Người đến giữa cuộc trần cháy bỏng
Thánh hóa ta bằng dịu ngọt sương trời.

Ta về với mùa về thao thức
Đốt đời lên trong thơm ngát hương trầm
Trong lặng lẽ lời kinh và ánh nến
Dọn đời như máng cỏ âm thầm.

Đêm canh thức ta cầm đèn đón đợi
Mời Người vào giữa loạn lạc đời ta
Đêm sẽ sáng bừng lên mùa nắng mới
Có Người, sa mạc cũng nở hoa.

Tác giả bài viết: Cao Gia An, SJ

https://gphaiphong.org/van-tho-cong-giao/canh-thuc-tac-gia-cao-gia-an-sj-12272.html

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM B

(Luca 1, 26-38)

XIN VÂNG

Cao siêu huyền nhiệm Nước Trời,

Ngàn năm dọn lối, Ngôi Lời hạ thân.

Ga-briel loan báo nhân trần,

Kính chào Trinh Nữ, tinh vân rạng ngời.

Thánh Thần Thiên Chúa cao vời,

Quyền năng phủ bóng, gọi mời hiến dâng.

Ma-ry phủ phục xin vâng,

Phận hèn tôi tớ, hồn nâng phụng thờ.

Khiêm nhu cung kính vô bờ,

Thành tâm dâng hiến, nương nhờ thánh ân.

Giê-su thánh tử chí nhân,

Thụ thai lòng mẹ, xác thân mọn hèn.

Cung lòng trinh khiết ngợi khen,

Con Vua Chí Ái, muối men giữa đời.

Dọn đường đón Chúa xuống đời,

Cải tâm tu thiện, nghe lời Phúc Âm.

Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể là mầu nhiệm Tình Yêu. Tình yêu giao kết giữa Thiên Chúa và loài người. Khi thời gian đã mãn, Thiên thần của Chúa được sai đến báo tin mừng về Đấng Cứu Thế. Thiên thần thân hành đến nhà Maria và chào rằng: Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ. Trinh nữ có phúc hơn mọi người nữ. Hạnh phúc và cao qúy thay người phụ nữ được Thiên Chúa ghé mắt đoái nhìn.

 Thoạt đầu, Maria rất sửng sốt khi nghe lời thiên thần chào bái và truyền tin. Maria vừa ngỡ ngàng vừa bối rối nhưng rất mau mắn thưa lời xin vâng. Lời xin vâng của Maria là một ân huệ cho loài người. Lời xin vâng khởi đầu một khúc quanh lịch sử của ơn cứu độ. Những lời loan báo cả ngàn năm về trước nay đã thành hiện thực. Một dân tộc được tuyển chọn, nay đã mở lòng đón nhận Đấng Cứu Thế. Chương trình cứu độ đã thực sự khởi đầu nơi cung lòng Đức trinh nữ Maria.

 Trinh Nữ Maria đã cưu mang Con Thiên Chúa, Đấng là trung gian cả vạn vật. Ơn nghĩa của Thiên Chúa ở cùng Maria. Maria thật diễm phúc đã thốt lên rằng: ‘Này tôi là tôi tớ Chúa’. Được chọn làm mẹ của Con Thiên Chúa nhưng mẹ luôn nhận thân phận là tôi tớ. Maria đã sống những ngày tràn đầy ơn sủng.

Maria không quản ngại đường xá xa xôi vất vả và không ngại sự nghi kỵ của người thân. Maria đã sớm mang Chúa đến cho moi người trên đường đi thăm viếng và phục vụ. Maria lên đường trong niềm vui hoan lạc. Vì Maria có Chúa ở cùng. Từ lời Xin Vâng cao cả ấy, niềm vui và thánh giá của ơn cứu độ đã từng bước đi vào cuộc đời của Maria.

 Đức Maria đã khiêm nhường chấp nhận thánh ý của Chúa. Mẹ sống niềm vui ơn cứu độ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Maria đã trở nên nguồn ủi an và cậy trông cho những ai cần niềm hy vọng. Trong khi mong chờ Chúa đến, mỗi người hãy phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Có Chúa chúng ta sẽ tìm thấy nguồn an vui và sự bình an trong cuộc đời.

Lạy Chúa, ngày mừng lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới, xin cho chúng con biết dọn tâm hồn thanh sạch và ấm êm để xứng đáng đón Chúa viếng thăm. Xin tình yêu của Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng con.

NGÀY 25 THÁNG 12

(Is 62, 11-12; Tit 3, 1-7; Lc 2, 15-20)

GIÁNG SINH

Bê-lem nhỏ bé một làng,

Đêm đen phủ bóng, muộn màng lạnh se.

Mục đồng ẩn núp sau hè,

Chăn đoàn súc vật, lắng nghe lạ thường.

Ngước nhìn tinh tú bốn phương,

Xa xa vẳng tiếng, tỏa hương ngạt ngào.

Thiên thần cất tiếng cao rao,

Vinh danh Thiên Chúa, vọng cao khắp trời.

Bình an dưới thế cho người.

Thành tâm tín thác, rạng ngời tin yêu.

Kính tin mầu nhiệm huyền siêu,

Cùng nhau tôn kính, thiên triều giáng ân.

Hang lừa máng cỏ bình dân,

Ma-ry chiêm ngắm, triều thần tụng ca.

Hài Nhi bé nhỏ ngọc ngà,

Giu-se chính trực, nghĩa cha tròn đầy.

Nguồn ánh sáng

Thiên Chúa đã hóa thân làm người và ở giữa chúng ta. Đây là niềm vui của đêm hồng ân. Chúa đã giáng sinh làm người như chúng ta. Chúa Giêsu mang thân phận nghèo khó. Ngài được sinh ra nơi máng cỏ hôi tanh. Ngài được sưởi ấm bằng sự thăm viếng của các mục đồng đơn sơ và chân thành.

 Chúa chính là ánh sáng của trần gian. Chúa đến để đem ánh sáng soi dọi vào đêm tối. Mùa Giáng Sinh là mùa của ánh sáng. Ngày xưa, người Ái Nhĩ Lan có một dấu chỉ trong mùa Lễ. Trong thời gian bị bách hại, người ta thường đốt nến để trên bệ cửa sổ. Các linh mục trốn lánh trong khu vực nhìn thấy ánh nến đã đến dâng lễ và cầu nguyện. Quân lính hỏi tại sao phải đốt nến? Họ giải thích rằng: Đốt nến và mở cửa để Đức Mẹ và Thánh Giuse có thể ghé vào trú ngụ. Nhà cầm quyền cho là mê tín dị đoan đã không làm phiền hà và quấy rầy. Ngày nay theo tập tục, các ánh điện nơi cửa sổ nhắc nhở người tín hữu sẵn sàng đón nhận Chúa đến viếng thăm.

 Chúa đến mang sự bình an cho những người có lòng thiện tâm. Chúa không đến theo kiểu cách của các nhà thương mại. Qua năm tháng, việc đón chờ Chúa đến đã bị tục hóa theo trào lưu xã hội, nhiều nơi biến đổi ý nghĩa của Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh thành lễ hội qua tiệc tùng, vui chơi, mua sắm và tặng qùa cho nhau. Các thiệp Noel đã thay đổi từ cảnh Chúa sinh nơi hang lừa trở thành cảnh hình ông già Noel, hình cây thông, cảnh trời tuyết lạnh hay ngôi sao. Thay vì Merry Christmas người ta dùng Happy Holidays.

 Chúng ta hãy nhìn vào hang đá nơi Chúa đã giáng sinh. Chúng ta hãy suy niệm Mầu Nhiệm Tình Yêu. Thiên Chúa hạ thân làm người vì yêu. Ngài đã nối kết và hòa giải trời và đất. Thiên Chúa đem ơn cứu độ cho chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa viếng thăm. Chúa sẽ mang bình an cho những ai đón nhận Ngài với thiện tâm.

NGÀY 26 THÁNG 12

(Act 6, 3-10. 7, 54-59, Mt 10, 17-22)

THÁNH TÊPHANÔ

Ste-ven thầy Sáu đầu tiên,

Tràn đầy ân sủng, cõi thiên tìm về.

Chứng nhân kỳ diệu mọi bề,

Thực hành sứ vụ, chẳng nề gian nan.

Thù hành chống đối không than,

Nêu gương can đảm, ngập tràn yêu thương.

Khôn ngoan ân phúc mở đường,

Kiên tâm chịu đựng, bên phường bội nhân.

Hằn thù chối bỏ cận thân,

Hùa nhau ném đá, chết dần đớn đau.

Ste-ven tử đạo thật mau,

Sao-lê chứng kiến, cùng nhau vào hùa.

Sống đời hai chữ ăn thua,

Nước Trời chiếm lấy, giá mua ngàn vàng.

Hy sinh chịu chết cao sang,

Triều thiên vinh hiển, an khang cõi trời.

NGÀY 27 THÁNG 12

(1Ga 1, 1-4;Ga 20, 2-8)

THÁNH GIOAN

Gio-an môn đệ Chúa yêu,

Đồng hành sát cánh, cao siêu bên Thầy.

Biến hình đỉnh núi ngất ngây,

Dưới chân thánh giá, đong đầy tin yêu.

Trao ban Mẹ Chúa bóng chiều,

Chăm nom phụng dưỡng, thiên triều thánh ân.

Gio-an gia lão gian trần,

Chu toàn sứ vụ, tinh thần yêu thương.

Tình yêu rao giảng đêm trường,

Yêu người yêu Chúa, con đường hiến thân.

Ra làm nhân chứng canh tân,

Xây nền đạo thánh, vọng ngân cõi đời.

Phúc âm loan báo rạng ngời.

Truyền rao chân lý, ngàn đời khắc ghi.

Lắng nghe lời dậy từ bi,

Thi hành sứ mệnh, thực thi giới điều.

NGÀY 28 THÁNG 12

(Mt 2, 13-18)

SƠ TÁN

Các nhà Đạo Sĩ ra đi,

Niềm vui hạnh phúc, lo chi tháng ngày.

Gia đình êm ấm đẹp thay,

Có cha có mẹ, đắng cay lo gì.

Đêm thâu báo mộng thực thi,

Nửa đêm thức dậy, Hài Nhi bế bồng.

Trốn sang Ai-cập đồng không,

Vua quan giết hại, lập công xóa đời.

Tiên tri loan báo trước thời,

Be-lem sát hại, tơi bời trẻ thơ.

Khắp làng khắp xóm bơ vơ,

Mẹ cha đau xót, hững hờ mất con.

Ấu thơ hai tuổi mầm non,

Giơ tay giết sạch, héo hon lòng người.

Anh Hài chiếm lấy Nước Trời,

Tụng ca danh Chúa, đời đời phúc vinh.

NGÀY 29 THÁNG 12

(Lc 2, 22-35)

CHÚC TỤNG

Đầu lòng dâng hiến con yêu,

Mẹ cha vui sướng, cao siêu tuyệt vời.

Toàn dân mong đợi bao đời,

Thiên Sai cứu thế, rạng ngời viếng thăm.

Tiên tri trông ngóng từng năm,

Đón chờ Ấu Chúa, bao năm đợi chờ.

Si-mê-on ẵm tôn thờ,

Ngợi ca danh Chúa, vô bờ hân hoan.

Vinh quang dân Chúa thành toàn,

Rạng soi ánh sáng, khắp đoàn lương dân.

Ơn ban cứu độ gian trần,

Tự do giải thoát, nợ nần xóa tan.

Tin mừng chiếu dãi tràn lan,

Kiêu căng tự phụ, người gian kẻ thù.

Ma-ry đón nhận đền bù,

Khổ đau tê tái, khiêm nhu phận người.

NGÀY 30 THÁNG 12

(Lc 2, 36-40)

NGỢI KHEN

An-na thủ tiết một đời,

Đền thờ cầu nguyện, dâng lời ngợi khen.

Ăn chay gương mẫu muối men,

Tôn thờ Thiên Chúa, chong đèn khấn van.

Ơn thiêng tràn đổ gian trần,

Nguồn ơn phúc lộc, cứu dân tội tình.

Tâm thần tràn ngập an bình,

Hài Nhi Cứu Thế, tỏ mình ngay bên.

Hân hoan chào đón ngước lên,

Dâng lời chúc tụng, trong đền nguy nga.

Hoàn thành lề luật nhà cha,

Ông bà lữ thứ, về nhà chốn xưa.

Trẻ thơ mạnh mẽ dư thừa,

Tràn lan ơn nghĩa, tuôn mưa phúc lành.

Kinh qua cuộc sống vô danh,

Chân tu ẩn khuất, Chúa đành lặng im.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17430

Để sống trọn vẹn ý nghĩa Ngày Chúa Nhật – Ngày của Chúa