Sống Lời Chúa: Tuần lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 28.05.2023

Hình ảnh Thánh Lễ Chúa Nhật Hiện Xuống tại Giáo xứ Ngọc Lâm:

Hôm nay ngày Lễ Thánh Linh

Thánh Thần ngự xuống nghĩa tình chứa chan

BẢY ƠN Ngài đổ tuôn tràn

Đoàn con lãnh nhận vô vàn thiết tha

Lòng con trổi khúc hoan ca

Yêu thương hiệp nhất mặn mà chứa chan

Bẩy ơn Ngài đến trao ban

Dành cho nhân thế tỏa lan phúc lành

Khôn ngoan lựa chọn đạt thành

Minh Mẫn sáng suốt thực hành chăm chuyên

Lo liệu sắp xếp làm nên

Sức mạnh tiếp nhận vững bền mãi luôn

Thông minh thấu hiểu ngọn nguồn

Đạo đức thánh thiện mãi luôn trọn đời

Kính sợ Thiên Chúa không ngơi

Bảy ơn kết hợp cao vời biết bao

Thánh ân, hồng phúc dạt dàoĐoàn con lãnh nhận dâng trào niềm tin

Thánh Thần soi sáng giữ gìn

Đức ái thực hiện, đức tin vẹn toàn

Lòng đầy phấn khởi hân hoan

Thánh Thần bảo trợ đầy tràn yêu thương

https://hddmvn.net/trang-tho-mung-le-chua-thanh-than-hien-xuong/

Bài giảng Chúa nhật lễ Hiện Xuống năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật lễ Hiện Xuống năm A

LỄ HIỆN XUỐNG

Các bản văn Phụng Vụ hôm nay ít nhiều đều nói về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng trong công trình sáng tạo, cứu độ và thánh hoá loài người của Thiên Chúa. Hoạt động của Chúa Thánh Thần rất phong phú và đa dạng. Nhân lễ Chúa Thánh Thần hôm nay chúng ta sẽ nói về một số những hoạt động của Người.

A. Trước hết Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử ơn Cứu độ.

Câu đầu tiên của Sách Thánh ghi như thế này: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”(St 1,1-2).

Như vậy ngay từ giây phút đầu tiên khi trời đất muôn vật vừa được tạo thành thì Thần Khí Thiên Chúa đã có mặt để thực hiện việc sáng tạo nên muôn loài muôn vật và cả con người.

Rồi trong Tân ước, cũng chính Thần Khí đó luôn có mặt từ lúc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cho đến ngày Giáo Hội được sinh ra.

Thánh Luca ghi lại những giây phút đầu tiên thật cảm động :”Bà Êlizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (Lc 1,42)

Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội sơ khởi và thực hiện bao nhiêu việc lạ lùng qua các tông đồ như lời của Chúa Giêsu: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Jêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.”(Cv 1,8)

Và Chúa Thánh Thần luôn hiện diện, hoạt động trong Hội thánh và trong mỗi người chúng ta cho đến ngày tận cùng thế giới. (Theo “Con đường hạnh phúc”).

B. Bây giờ chúng ta hãy dừng lại trước biến cố trước mà sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật lại một cách đặc biệt hôm nay. Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đồ của Chúa.

1. Đầu tiên là đổi mới trí khôn.

Chúng ta biết các Tông đồ xưa là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều nhưng các ngài vẫn không hiểu. Vậy mà sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.

2. Thứ đến là đổi mới ý chí.

Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Tông đồ Phêrô đã chối Chúa. Các ngài ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bị đe dọa, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.

3. Sau cùng là đổi mới trái tim.

Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao, mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa, tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài không còn tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp, ngồi bên tả hay bên hữu. Nhưng các ngài biết sống nhường nhịn yêu thương. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành những trái tim yêu thương.

Chính vì thế mà khi bàn về vai trò của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội, Thượng phụ Athénagoras không ngần ngại quả quyết: “Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ ở xa, Đức Kitô bị khép lại ở trong quá khứ, Tin Mừng sẽ chỉ là những dòng chữ chết. Hội Thánh sẽ chỉ là một tổ chức bình thường, quyền bính sẽ trở thành một thứ áp bức, và công việc truyền giáo sẽ trở thành một việc tuyên truyền không hơn không kém. Rồi việc tế tự, một trong những sinh hoạt quan trọng nhất trong đạo của chúng ta sẽ chỉ còn là một thứ tưởng niệm và hoạt động Kitô giáo sẽ chỉ là một thứ đạo đức nô lệ.”

Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta.

Đổi mới Trí khôn u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa thành trí khôn biết bén nhạy với Lời Chúa.

Đổi mới Ý chí bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa thành ý chí biết phục thiện và can đảm làm chứng cho chân lý.

Đổi mới Trái tim nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục thành trái tim quảng đại, biết tha thứ và yêu thương.

Xin được kết thúc bắng một chứng từ rất cảm động đã xảy ra tại một giáo xứ nọ.

Trong giáo xứ tôi có cụ già tên là Thomas ngoài trăm tuổi. Cụ thường sống cô đơn vì các bạn cùng tuổi với cụ đã ra đi. Một hôm cụ lâm bệnh và qua đời. Tôi tự nhủ:

– Chắc không có ai đến dự đám tang của cụ. Vì thế tôi nhất định đến tiễn cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Hôm ấy lại là ngày xấu trời, mưa tầm tã. Theo sau xe tang không có một bóng người, đường xá vắng tanh. Khi xe chạy tới cổng nghĩa trang, tôi thấy có một người đàn ông trong y phục quân đội đứng đợi. Ông đi theo xe tang đến huyệt và có mặt trong suốt thời gian an táng. Trước khi hạ huyệt ông đưa tay ngang trán, nghiêm chỉnh chào cụ Thomas như một vị vua.

Chôn cất xong, tôi đi theo ông ra cổng nghĩa trang. Một cơn gió mạnh bay tốc áo mưa, để hộ ra mấy cái huy chương trên áo ông. Thì ra ông không chỉ là một binh lính thường mà còn là một sĩ quan cao cấp. Như đọc được sự tò mò của tôi, ông nói:

– Có lẽ ông ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi hôm nay trước linh cửu của cụ Thomas. Trước đây cụ là thầy dạy của tôi. Lúc đó tôi là một đứa trẻ tinh nghịch làm khổ cụ rất nhiều. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ ơn của cụ. Vì thế hôm nay tôi đến tạ ơn và chào vĩnh biệt cụ, với tất cả tấm lòng trìu mến tri ân của tôi đối với cụ

Thử hỏi: Ai đã làm cho lời giáo hóa và gương sáng của cụ Thomas sinh hoa trái? Đâu là sức mạnh đổi mới tâm hồn đứa trẻ tinh nghịch nên một con người có thế giá?

Thưa chính là Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã âm thầm tác động làm cho những lời dạy và tấm lòng tốt của cụ Thomas đem đến những kết quả lạ lùng như thế.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-le-hien-xuong-nam-a-60349

Chú giải Lời Chúa Lễ Hiện Xuống

Sau triều đại của Chúa Cha trên dân Thiên Chúa mà Mùa Vọng nhắc nhớ, sau việc Chúa Con đến trên trần gian mà chúng ta tưởng niệm từ Mầu Nhiệm Nhập Thể đến Thăng Thiên, Phụng Vụ hôm nay cử hành Chúa Thánh Thần, Đấng tỏ mình ra vào lễ Ngũ Tuần, làm Giáo Hội tăng trưởng và Ơn Cứu Độ được sinh hoa kết trái.
Cv 2: 1-11
Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca tường thuật Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đức Trinh Nữ, vài người phụ nữ và vài anh em của Đức Giêsu, khi họ cùng nhau tề tựu trong phòng Tiệc Ly. Biến cố này rất gần với biến cố Xi-nai mà lễ Ngũ Tuần Do Thái tưởng niệm vào đúng ngày này.
1Cr 12: 3b-7, 12-13
Trong thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng những đặc sủng khác nhau làm chứng tác động của Chúa Thánh Thần. Những ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy đón nhận những ân ban Thánh Thần. Vì chỉ có một Thánh Thần để hình thành nên một thân thể.
Ga 20: 19-23
Tin Mừng Gio-an tường thuật việc Đức Giê-su trao ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay từ khi Ngài sống lại. Vào buổi chiều Phục Sinh, Đức Giê-su hiện ra ở giữa các môn đệ của Ngài, thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Chắc chắn những ân ban Thánh Thần chỉ bày tỏ sau này. Tuy nhiên, thánh Gio-an nhấn mạnh rằng biến cố Vượt Qua là biến cố từ đó Giáo Hội khai sinh. Thánh Thần ở với Giáo Hội ngay từ ngày đầu tiên Phục Sinh.BÀI ĐỌC I (Cv 2: 1-11):
Sau khi đã chứng kiến Chúa Giê-su về trời, các Tông Đồ quay trở về Giê-ru-sa-lem tuân theo lời dặn của Đức Giê-su trước khi Ngài chia tay với các ông: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24: 49).
Nơi họ tụ họp là “lầu trên” (Cv 1: 13). Có lẽ là phòng Tiệc Ly, nơi Đức Giê-su đã đồng bàn lần cuối cùng với các ông và Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể: đó cũng là căn phòng cửa đóng then cài mà Đức Giê-su đã hiện ra vào buổi chiều Phục Sinh, đó cũng là căn phòng mà Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên các ông.
1. Mọi người đang tề tựu một nơi:
Không nên hiểu “mọi người đang tề tựu” như “buổi họp mặt của một trăm hai mươi người” vài ngày trước đây để chọn ông Mát-thi-a làm Tông Đồ thay thế ông Giu-đa (Cv 1:15). Đúng hơn là một nhóm người hạn định hơn mà thánh Lu-ca mô tả ở 1: 13-14: các Tông Đồ, vài người phụ nữ, Đức Ma-ri-a thân mẫu của Đức Giê-su và anh em của Đức Giê-su.
Họ tề tựu một nơi, trầm tư và cầu nguyện trong khi chờ đợi biến cố mà Đức Giê-su đã hứa: Chúa Thánh Thần ngự xuống. Ấy vậy, một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Để tỏ mình ra, Chúa Thánh Thần chọn ngày Đại Lễ Do Thái được gọi là “Lễ Ngũ Tuần”, ngày lễ dân Do Thái tưởng niệm Giao Ước được ký kết trên núi Xi-nai giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong tiếng sấm chớp và dưới dấu chỉ của lửa.
Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được bày tỏ kín đáo hơn, nhưng tương tự: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”.
2. Lễ Ngũ Tuần:
Lễ Ngũ Tuần được xác định vào ngày thứ năm mươi, bảy tuần sau lễ Vượt Qua, bởi vì bảy tuần (7 x 7) là dấu chỉ của sự viên mãn. Lễ Ngũ Tuần Do Thái tự nguồn gốc đã không tưởng niệm Giao Ước Si-nai, nhưng là lễ Mùa, lễ kết thúc thời kỳ Vượt Qua được khai mạc bởi việc dâng tiến bó lúa đầu tiên (x. Đnl 16: 9-10). Tuy nhiên, các lễ hội của Ít-ra-en đều đã trải qua một tiến trình tinh thần hóa: từ bình diện tự nhiên đến bình diện Lịch Sử Thánh, bởi vì Lịch Sử đối với dân Chúa chọn cốt thiết là hành động của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua trở thành lễ tưởng niệm cuộc giải thoát khỏi Ai Cập, lễ Lều (lễ thu hoạch nho) ghi nhớ cuộc hành trình trong hoang địa. Sau cùng, lễ Ngũ Tuần, dù tương đối muộn thời, được nối kết vào những biến cố Xuất Hành. Khi Giao Ước được k‎ý kết trên núi Xi-nai, năm mươi ngày sau cuộc giải thoát khỏi Ai Cập, lễ Ngũ Tuần cử hành sinh nhật của cuộc giải thoát này. Vào thời kỳ tiếp cận với kỷ nguyên Ki-tô giáo, lễ Ngũ Tuần còn hơn ngày lễ tưởng niệm, nó là dấu chỉ hằng năm làm mới lại giao ước. Vào ngày lễ này, dân Chúa lập lại lời thề hứa trung thành.
3. Xi-nai và Tiệc Ly:
Trên núi Xi-nai, lời hứa Giao Ước và ân ban Lề Luật đã được cử hành đặc biệt long trọng, mà tác giả Kinh Thánh miêu tả theo bút pháp gần với ngoa dụ. Những biểu tượng được mượn phần lớn trong các tôn giáo như giông tố kèm theo những cuộc thần hiện. Trong Do Thái giáo, có một ghi nhận đặc thù: Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất và siêu việt từ chối tất cả mọi hình ảnh về Ngài, chấp nhận dấu chỉ lửa (hay ánh sáng, đám mây rực sáng) và gió (cuồng phong hay cơn gió thoảng) gần với hơi thở, đồng nghĩa với “thần khí”. Đây là những hình ảnh phi vật chất nhất.
Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được mô tả theo những cuộc thần hiện Cựu Ước. Hơn nữa, những hình ảnh truyền thống này trở nên phong phú nhờ những đóng góp của văn chương Khải Huyền. Trận cuồng phong loan báo cuộc tụ họp muôn dân vào ngày Chung Thẩm. Những lưỡi lửa thuộc vào cũng một hình tượng của thời chung cuộc này. Thánh Lu-ca nối kết chúng trực tiếp vào ân ban ngôn ngữ mà các Tông Đồ đón nhận. Rõ ràng kỷ nguyên Ki-tô giáo được loan báo bởi cùng những dấu chỉ với kỷ nguyên cánh chung.
Cuối cùng truyền thống Kinh Sư suy niệm biến cố Xi-nai đã khai triển những hàm chứa của biến cố này. Như là tiếng của ông Mô-sê được phân chia thành bảy mươi ngôn ngữ, ngõ hầu tất cả mọi dân tộc đều có thể nghe hiểu.
Ngoài ra, làm thế nào không gợi ra lời nguyện ước của ông Mô-sê: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11: 29).
Như vậy, có một sự liên tục từ Cựu Ước đến Tân Ước. Tân Ước đáp trả cho một sự mong chờ của Cựu Ước. Mười hai Tông Đồ có mặt ở phòng Tiệc Ly để tiếp tục sự nghiệp của Đức Ki-tô. Nhưng những khác biệt thì sâu xa.
4. Phép rửa trong Thánh Thần:
“Và ai nấy đều được đầy ơn Thánh Thần”. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã loan báo trước: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước… Còn Đấng đến sau tôi… Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11). Tất cả các Tông Đồ đã không đón nhận phép rửa bằng nước, nhưng đều lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Giáo Hội khởi đi từ ngày lễ Ngũ Tuần Ki-tô giáo.
Những biến cố Xi-nai thiết lập triều đại Lề Luật trong khi những biến cố Tiệc Ly khai mạc kỷ nguyên Thánh Thần. Xưa kia một dân duy nhất làm đối tượng của việc Thiên Chúa tuyển chọn. Từ nay, mọi người đều được mời gọi dự phần vào cùng một ơn cứu độ. Vì thế, ân ban Thánh Thần đầu tiên là ân ban ngôn ngữ, ân ban cho phép các Tông Đồ ngỏ lời với đám đông thính giả dù sinh trưởng ở đâu cũng đều nghe các Tông Đồ dùng tiếng nói của họ mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Khi kể ra một danh sách dài về nguồn gốc khác nhau của họ, thánh Lu-ca nhấn mạnh chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng.
Như vậy, lễ Ngũ Tuần đối lập với tình tiết của Tháp Ba-ben (x. St 11), theo đó việc ngôn ngữ khác nhau và việc muôn dân phân tán xem ra là một án phạt. Bấy giờ Giáo Hội của Đức Ki-tô dâng hiến cho nhân loại khả năng hiệp nhất.
Một ân ban Thánh Thần khác, có thể hiểu biết ngay tức khắc, đó là ân ban Sức Mạnh. Ngay khi được tràn đầy Thánh Thần, các Tông Đồ mở tung cửa căn phòng trước đây vẫn còn cửa đóng then cài. Họ cất cao giọng trên công trường; và chỉ sau vài tuần biến cố bi thảm của đồi Can-vê, họ dạn dĩ phục quyền Đấng chịu đóng đinh và làm chứng về sự Phục Sinh của Ngài.
5. Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a:
Như chúng ta đã ghi nhận trước đây, cách nói “mọi người đang tề tựu một nơi” bao gồm Đức Ma-ri-a và vài phụ nữ. Đức Ma-ri-a phải có mặt vào ngày Giáo Hội được khai sinh trong Thánh Thần: thân mẫu của Đức Giê-su đã được nối kết với Chúa Thánh Thần: Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ trong căn phòng Na-da-rét thầm lặng kín đáo. Thiên Chúa lặng lẽ đến ở giữa nhân loại. Bây giờ là tình mẫu tử khác, tình mẫu tử của thân thể mầu nhiệm của Con Mẹ mà Đức Ma-ri-a từ nay đảm nhận.
Vài phụ nữ khác, chắc hẳn có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, cũng đón nhận Thánh Thần. Những người phụ nữ này sẽ không phải dãi dầu sương gió rong ruổi dặm trường để làm chứng cho Đức Giê-su Phục Sinh. Họ sẽ không chịu cảnh bắt bớ tù đày như các Tông Đồ, nhưng họ làm chứng theo cách khác. Họ hoạt động nhiều đến nỗi truyền thống sẽ gọi bà Ma-ri-a Mác-đa-la là “Tông Đồ của các Tông Đồ.”BÀI ĐỌC II (1Cr 12: 3b-7, 12-13)
Thánh Phao-lô viết từ Ê-phê-sô, có lẽ vào mùa xuân 55, cho các tín hữu Cô-rin-tô, mà thánh nhân đã thiết lập vài năm trước đây, vào khoảng 50-52.
Đây là một cộng đoàn sống động và năng động nhưng cũng gặp phải nhiều bất đồng nội bộ đã khiến cho thánh nhân bận lòng không ít. Đó là đối tượng của thư thứ nhất này, cộng đoàn sống giữa thế giới ngoại giáo và trong một thành phố rộng mở cho những ảnh hưởng ngoại tại, nhất là những thần bí Đông Phương vào lúc đó đang sôi động. Những trào lưu này không phải không gây nên vài nguy hiểm đối với cách sống của các Ki-tô hữu.
Ngoài ra, và đây là nét chung không riêng gì cho cộng đoàn Cô-rin-tô, trong những năm khởi đầu của mình, những cộng đoàn tín hữu thiếu cơ cấu, chưa có cơ chế, khuôn mẫu thì yếu và chưa đủ. Ở Cô-rin-tô, ông A-pô-lô và ông Ti-mô-thê không thường xuyên hiện diện. Các tín hữu ngẫu hứng tùy tiện. Ân ban Thánh Thần được bổ sung vào những thiếu thốn ban đầu. Quả thật, ơn đặc sủng thì nhiều, sau đó càng lúc càng hiếm.
Các tín hữu Cô-rin-tô xem ra đã được ban cho những đặc sủng khác nhau, thường thường gây xôn xao dư luận hay phô trương. Vì thế, thánh nhân đòi hỏi họ trước tiên phải hiểu căn nguyên của những đặc sủng này.
1. Căn nguyên duy nhất của các đặc sủng: Thiên Chúa Ba Ngôi.
Phải lưu ‎ý rằng thánh Phao-lô đặt những đặc sủng và hoạt động Ki-tô hữu dưới dấu chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi, khởi đầu là Chúa Thánh Thần:
– Những đặc sủng thì đa dạng, nhưng luôn luôn chỉ có một Thánh Thần.
– Nhiều thừa tác khác nhau trong Giáo Hội, nhưng luôn luôn chỉ có một Đức Chúa (Đức Ki-tô).
– Nhiều hoạt động khác nhau, nhưng luôn luôn có một Thiên Chúa (Chúa Cha), Đấng hoạt động trong mọi người.
2. Mục đích duy nhất của các đặc sủng: vì lợi ích chung
Thánh nhân đưa ra “luật vàng”: tiêu chuẩn của các đặc sủng phải là vì lợi ích của cộng đoàn. Nghĩa là, nếu không vì ích lợi của cộng đoàn thì những đặc sủng chỉ là giả hiệu. Tiếp theo là sự so sánh nổi tiếng về một thân thể duy nhất với nhiều bộ phận: một Đức Ki-tô, một Giáo Hội, bất chấp nhiều bộ phận khác nhau.
Nguyên tắc của sự duy nhất chính là Thánh Thần, Đấng duy nhất và từ Ngài mà mọi đặc sủng được ban cho tất cả mọi tín hữu. Sự sống Thánh Thần trào dâng trong chúng ta như nguồn nước hằng sống: “Tất cả chúng ta đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”.TIN MỪNG (Ga 20: 19-23)
Chúng ta đã đọc đoạn Tin Mừng này vào Chúa nhật II Phục Sinh, được trích dẫn dài hơn và trong viễn cảnh biến cố Phục Sinh.
1. Lễ Ngũ Tuần của Tin Mừng Gio-an:
Hôm nay, Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta bản văn này trong viễn cảnh lễ Ngũ Tuần. Quả thật, đoạn văn này thường được gọi “lễ Ngũ Tuần theo Tin Mừng Gio-an”: “Đức Giê-su thổi hơi trên các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”. Chúng ta sẽ thấy đây không phải là mâu thuẫn với biến cố được tường thuật bởi sách Công Vụ nhưng là bổ túc thần học: “Giáo Hội được khai sinh kể từ biến cố Phục Sinh” ngay cả nếu những ân ban Thánh Thần sẽ được bày tỏ sau này.
Vài nét đặc trưng của đoạn Tin Mừng hôm nay đáng được nhấn mạnh hay nhắc nhớ.
2. Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi:
Vào ngày này, cộng đoàn nhỏ bé này hình thành Giáo Hội của Đức Giê-su. Ngài ủy thác cho họ sứ mạng là tiếp tục sự nghiệp của Ngài: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, và Ngài thổi hơi trên các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong những lời dạy cốt yếu của bản văn này.
3. Cuộc sáng tạo mới:
Đức Giê-su thổi hơi trên họ, lập lại cử chỉ của Đấng Sáng Tạo, Đấng làm sinh động con người bằng cách thổi hơi sự sống của chính mình vào con người. Động từ được thánh Gio-an sử dụng chúng ta không gặp thấy ở bất cứ nơi nào khác trong Tân Ước, nhưng đích thật động từ của sách Sáng Thế để chỉ cử chỉ của Đấng Sáng Tạo trong việc tạo dựng con người đầu tiên (St 2: 7).
Đây cũng là động từ mô tả những bộ xương khô được hồi sinh trong một thị kiến nổi tiếng của Ê-dê-ki-en: “Ngươi hãy nói với thần khí: Hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những vong nhân này cho chúng được hồi sinh.” (Ed 37: 9). Vì thế, động từ này cốt yếu là đánh dấu “một cuộc sáng tạo mới”, một thế giới mới được khai sinh. Đức Giê-su làm cho các môn đệ của Ngài trở thành nhân tố của nhân loại được tái sinh. Để làm như vậy, Ngài sáng tạo họ lại và tăng cường họ bằng cách thổi Thần Khí của Ngài trên họ, Ngài ban cho họ quyền tha thứ anh em của mình… Ngài đã hứa với họ: máu của Ngài đổ ra để tha thứ tội lỗi. Đó là sự phong nhiêu của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
4. Biến cố Ngũ Tuần và biến cố Phục Sinh:
Thánh Gio-an luôn luôn nhắm đến việc tuôn đổ Thánh Thần như được nối kết với biến cố Phục Sinh. Ông đã diễn tả tư tưởng này ở nơi lời công bố của Đức Giê-su khi nói về chính mình “dòng nước hằng sống” vào lễ Lều: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” (Ga 7: 39).
Lễ Ngũ Tuần kín đáo và thân tình này mà Tin Mừng Gio-an giữ lại, chỉ là khúc dạo đầu của Lễ Ngũ Tuần ngoạn mục, ở đó tác động Thần Khí sẽ biến đổi ngay tức khắc các môn đệ. Tuy nhiên, khi đặt biến cố Vượt Qua và biến cố Ngũ Tuần một cách nào đó bên cạnh nhau, thánh Gio-an nhấn mạnh sự duy nhất sâu xa của hai biến cố này. Hai ngày đại lễ được nối kết rồi trong Do Thái giáo. Đến phiên mình, thánh Gio-an khẳng định sự bền vững của chúng trong viễn cảnh mới.
https://gphaiphong.org/hoc-hoi-loi-chua/chu-giai-loi-chua-le-hien-xuong-11136.html

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông

CÓ BUỘC DỰ LỄ NGÀY CHÚA NHẬT VÀ KIÊNG VIỆC XÁC KHÔNG ?

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid034KUYiyqYqvcbWktZBgDeQxBWL8sgNvFv12z7Fd79YBkoozvniLX1jSCqKq4i7YVol&id=100053616670875

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'LỜI CHỨA TRONG THÁNH LỄ LỄ HIỆN XUỐNG & TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN'

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. A
  (Ga 20:19-23)

THẦN CHÂN LÝ.

Chiều ngày thứ nhất trong tuần,

Cửa nhà đóng kín, tìm nguồn ủi an.

Giê-su xuất hiện sẻ san,

Bình an chúc phúc, Chúa ban ơn lành.

Bàn tay thương tích vết hằn,

Cạnh sườn đâm thủng, dưới vành ngực yêu.

Vui mừng thị kiến mọi điều,

Chết đi sống lại, cao siêu diệu vời.

Thổi hơi nhận lấy lộc trời,

Thánh Thần chân lý, rạng khơi dạt dào.

Bảy ơn nguồn suối ngọt ngào,

Các con tha tội, cao rao tình Người.

Hy sinh chịu chết cứu đời,

Yêu thương tha thứ, cho người trần gian.

Công đầu phúc đức Chúa ban,

Khổ thân chuộc tội, xóa tan hận thù.

Các con cầm tội đền bù,

Tội kia cầm lại, tỉnh tu sửa mình.

Cầu xin ân sủng Thánh Linh,

Soi lòng mở trí, thanh minh tâm hồn.

Henry Maning, một mục sư Anh Giáo, rất nổi tiếng về việc giảng thuyết và viết sách. Một ngày nọ có người bạn thân đến thăm và bình luận về các tác phẩm của mục sư. Ông bạn khen rằng các tác phẩm rất hay, nhưng không có dòng nào nói về Chúa Thánh Thần. Người bạn nghĩ đây là một thiếu xót lớn. Henry để tâm suy nghĩ lời của bạn trong hai năm tiếp theo. Rồi Henry miệt mài học hỏi về Chúa Thánh Thần. Ông đã khám phá ra ánh sáng chân lý. Henry đã trở về với Giáo Hội Công Giáo, chịu chức linh mục và rồi sau trở thành Tổng Giám Mục Westminster, Anh Quốc. Tiếp sau ngài trở thành Hồng Y và tham dự Công Đồng Vatican II.

Chúa Thánh Thần được sai đến trên các Tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Được đầy tràn Thánh Thần, các Tông đồ bắt đầu ra rao giảng làm chứng nhân cho Chúa. Đây là sự khai mở của Giáo Hội đến với muôn dân. Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển Giáo Hội. Thánh Thần ban cho các tông đồ và môn đệ nhiều thứ ân sủng khác nhau. Mỗi ân sủng đều sinh lợi cho đời sống chung của Giáo Hội, người thì nhận ơn nói tiếng lạ, kẻ thì được ơn chữa bệnh, người được ơn làm phép lạ hoặc nói tiên tri. Cùng một Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội với nhiều ân huệ để giúp mang đến lợi ích chung qua mọi thời.

Chúa Thánh Thần tiếp tục thánh hóa và canh tân Giáo Hội. Ngài luôn soi trí mở lòng Giáo Hội để cùng đồng hành với sự phát triển văn minh của nhân loại. Thánh Thần giúp Giáo Hội đi trong sự thật. Chính Ngài là nguồn chân lý. Chúng ta biết rằng chân lý không đến từ quyết định của đám đông, đa số hay dư luận chung, nhưng là do chính Chúa Thánh Thần tác động.

Có nhiều khi chúng ta than van nói rằng sao mà Giáo Hội quá cổ hủ. Không thích ứng với những trào lưu và đòi hỏi của con người thời đại. Giáo Hội qúa ngặt nghèo và khó khăn giải quyết những nhu cầu trong cuộc sống của các tín hữu. Nhiều người đã từ bỏ và chọn con đường dễ dãi hơn.

Hãy tin tưởng rằng Chúa không bỏ chúng ta mồ côi. Thần Chân Lý sẽ hoạt động nơi chúng ta và hướng dẫn chúng con trong sự thật. Chúng ta không sợ lầm lạc trong bóng tối của thế gian. Cầu Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta sẽ tìm được sự bình an và chân lý đích thực.

THỨ HAI, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

(Mc 12, 1-29).

VƯỜN NHO

Vườn nho khổ chủ đã trồng,

Xây rào lập tháp, ra công đúc tường.

Phương xa dự tính lên đường,

Tá điền giao việc, tỏ tường kết giao.

Làm ra sinh lợi công lao,

Đến mùa đầy tớ, xin trao phần lời.

Tá điền đánh đập tơi bời,

Người thì xua đuổi, kẻ thời giết đi.

Con trai thừa tự cùng đi,

Hùa nhau giết chết, sinh nghi chủ nhà.

Tham lam chiếm hữu nghiệp gia,

Chủ vườn nghe biết, không tha người nào.

Thôi đành tiêu diệt chớ sao,

Giao vườn nhóm khác, khai mào dẵm chăm.

Lạ lùng sự việc tối tăm,

Chúa Con giáng thế, cũng nhằm triệt tiêu.

THỨ BA, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

(Mc 12, 13-17).

NỘP THUẾ

Lập mưu bắt lỗi gây thù,

Mấy người Biệt Phái, mặc dù khôn ngoan.

Khen lao nịnh bợ lo toan,

Gây điều đặt bẫy, đa đoan hại người.

Có nên nộp thuế ở đời,

Thuế nhà thuế chợ, thuế người thuế thân.

Chúa xem đồng bạc hình vân,

Cê-sar ký hiệu, hiện thân chính quyền.

Giê-su khôn khéo lời khuyên,

Người dân đóng thuế, trả quyền Cê-sar.

Cái gì của Chúa cho ta,

Trả về cho Chúa, thật là chí công.

Bầu trời biển cả núi sông,

Cuộc đời sự sống, mênh mông món qùa.

Hồng ân tuôn đổ hương hoa,

Chúa ban phúc lộc, an hòa sống vui.

  THỨ TƯ, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

(Mc 12, 18-27).

SỐNG LẠI

Không tin sống lại ngày sau,

Nhóm người Sa-đốc, thuộc làu Thánh Kinh.

Trích lời dạy bảo trong kinh,

Môi-sen cho phép, kết tình sinh con.

Người anh lấy vợ hiếm con,

Chẳng may anh chết, không con nối dòng,

Sáu em lấy chị ước mong,

Sinh xôi con cái, cùng trong gia đình.

Chẳng may chết hết tuyệt tình.

Đến ngày sống lại, kết tình với ai?

Bảy người cưới vợ bằng vai,

Đáp lời thắc mắc, một mai sống đời.

Không còn cưới gả trên trời,

Thiêng liêng thông sáng, Chúa Trời ban cho.

Thiên thần các thánh ai dò,

Sướng vui hạnh phúc, tự do thiên đàng.

  THỨ NĂM, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

(Mc 12, 28b-34).

YÊU THƯƠNG

Giới răn trọng nhất là chi?

Nhóm người Luật Sĩ, đôi khi hỏi dò.

Thử xem định liệu dở trò,

Giê-su hiểu thấu, thước đo lòng người.

Tinh tường Chúa đáp đôi lời,

Yêu thương Thiên Chúa, cao vời trước tiên.

Giới răn thứ nhất hướng thiên,

Thứ hai yêu mến, tới phiên người phàm.

Hai điều kết hợp phải làm,

Yêu người yêu Chúa, bao hàm tha nhân.

Đôi điều tóm gọn cho cân,

Thực hành đức ái, tinh thần mến yêu.

Yêu thương chia xẻ thật nhiều,

Khả năng tài trí, những điều dễ thương.

Con người cần chỗ tựa nương,

Phụng thờ Thiên Chúa, dẫn đường tha nhân.

 THỨ SÁU, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

(Mc 12, 35-37).

ĐỨC KITÔ

Chúa vào giảng dạy tại đền,

Nhiều người thắc mắc, đến bên hỏi Ngài.

Các người Luật Sĩ so tài,

Tại sao Chúa Cả, thiên sai giáng trần.

Con vua Đavít thần dân,

Thánh Thần soi sáng, thế nhân tội tình.

Lời Thiên Chúa phán hiển linh,

Chúa tôi bên hữu, ngôi đình Chúa Cha.

Tại sao Kinh Thánh nói ra,

Là con Đa-vít, Chúa ta phụng thờ.

Theo dòng Đa-vít nương nhờ,

Giê-su chí thánh, vô bờ cao siêu.

Ngôi Hai Con Chúa huyền siêu,

Giáng sinh dòng dõi, thiên triều hứa ban.

Là con là Chúa bình an,

Hạ thân giáng thế, thiên nhan sáng ngời.

  THỨ BẢY, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

(Mc 12, 38-44).

HÌNH THỨC

Coi chừng mắc bẫy người ta,

Mấy nhà Luật Sĩ, vẽ ra bề ngoài.

Đai lưng áo thụng ra oai,

Công trường chào hỏi, đứng hoài đó đây.

Kinh dài giả bộ tua giây,

Thu gom tài sản, vốn xây làm giầu.

Chúa ngồi quan sát thật lâu,

Có bà góa nọ, lấy đâu mà bù.

Lần mò chỉ có vài xu,

Bỏ vào hòm khấn, thuế thu đền thờ.

Chúa rằng bà lão đơn sơ,

Thật lòng dâng hết, không ngờ rộng tay.

Bà đang túng thiếu hằng ngày,

Hy sinh dâng hiến, tiền này cần chi.

Chúa khen bà góa từ bi,

Chân thành quảng đại, nhất nhì đám đông.

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16690

 Lm. Giuse Trần Việt Hùng