Tài Liệu: HÀNG GIÁO SĨ VÀ VIỆC KINH DOANH
A. Truyền thống Giáo Luật
B. Truyền thống Giáo Phận Sài Gòn
C. Giáo Luật hiện hành
Kết luận
Truyền thống của Giáo Hội Kitô, ngay từ ban đầu, vẫn ngăn cấm hàng giáo sĩ tham gia vào hoạt động kinh doanh và thương mại; dựa theo lời căn dặn của thánh Phaolô: người chiến sĩ của Chúa Kitô, “không ai vướng mắc vào những việc thuộc đời sống dân sự” (2 Tm 2, 4) và “người quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, … không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn” (Tt 1, 7).
A. Truyền thống Giáo Luật
+ Lời khuyên của tông đồ Phaolô, sau này, được Giáo Hội triển khai thành những qui định cụ thể qua các điều khoản của các Công Đồng chung hay địa phương. Giáo Hội Latinh đã từng nghiêm cấm hàng giáo sĩ thi hành nhiều công việc hay nghề nghiệp. Nói chung, Bộ Giáo Luật 1917 đã tổng quát hóa rất nhiều và nêu ra các nguyên tắc, chứ không liệt kê toàn bộ các công việc, nghề nghiệp bị cấm nữa.
Canon 137 cấm giáo sĩ đứng bảo lãnh vay mượn (fideiussio), kể cả bằng tài sản riêng của mình, nếu không tham khảo trước ý kiến của vị Thường Quyền sở tại.
Canon 138 nêu ra nguyên tắc chung: các giáo sĩ phải tránh những công việc bất xứng với bậc giáo sĩ; sau đó, nêu ra một danh sách các nghề hay công việc bị cấm.
Canon 139 nêu ra nguyên tắc chung: các giáo sĩ phải tránh những công việc “xa lạ” (alienae) với bậc giáo sĩ; trong số đó có việc quản lý tài sản của người giáo dân, dính dấp tới những tranh chấp tài chính hay dễ bị nghi ngờ là tham lam (c.139, 3).
Canon 142 cấm giáo sĩ thực hiện các công việc kinh doanh và thương mại kiếm lời (negotiatio aut mercatura in sensu proprio), đích thân hay nhờ người khác, cho mình hay cho công việc chung; kể cả việc kiếm lời qua việc ký các phiếu thanh toán (cambium actuale: manuale, locale, temporaneum). Giáo Luật không cấm việc mua bán do nhu cầu bản thân: mua thực phẩm hàng ngày, bán lúa ruộng nhà xứ…. Không cấm hoạt động kinh doanh phi lợi nhuận và có liên hệ với bậc giáo sĩ: mua bán sách học giáo lý, ảnh tượng tôn giáo…. Ngoài ra, theo ý kiến chung của các nhà thần học và giáo luật, khi có nhu cầu nuôi sống cho chính mình hay cho những người của mình, vị giáo sĩ có thể xin phép vị Thường quyền để kinh doanh kiếm lời. Canon 2380 qui định: những người vi phạm canon 142, sẽ bị hình phạt thích đáng hậu kết do vị Thường Quyền ấn định.
+ Ngày 22/03/1950, theo chỉ thị của Đức Pio XII, Congregatio Concilii ra sắc lệnh qui định: những người vi phạm canon 142 sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết “ipso facto” dành riêng cách đặc biệt cho Tòa Thánh (excommunicationem latae sententiae specialiter reservatam S. Sedi). Nếu cần thiết, có thể bị hình phạt “degradatio” hậu kết, nghĩa là loại khỏi hàng giáo sĩ hay tu sĩ. Những vị bề trên nào, theo chức vụ và quyền hạn của mình, không ngăn cản tội phạm này, có thể bị hình phạt hậu kết cách chức và bị công bố là không có khả năng đảm nhận chức vụ lãnh đạo hay quản trị trong Giáo Hội.
B. Truyền thống Giáo Phận Sài Gòn
Giáo Hội Việt Nam có truyền thống nghiêm cấm hàng giáo sĩ hoạt động kinh doanh và thương mại. Lý do chính là vì, ngay từ đầu, các Đức Giáo Hoàng đã liên tục ra sắc lệnh nghiêm cấm các vị thừa sai hoạt động kinh doanh và thương mại, kèm theo các hình phạt nặng. Hơn nữa, theo văn hóa Việt, ông thầy hay vị tu sĩ đều không nên dính dấp đến tiền bạc.
+ Do số thừa sai quá ít và các họ đạo, theo mẫu gia tộc Việt, đã quen giao việc quản trị tài sản cho các vị trùm họ, Công đồng Dinh Hiến 1670 và Faifo 1672 qui định là các linh mục không trực tiếp giữ tiền của, dù vẫn có trách nhiệm giám sát việc quản trị tài sản Giáo Hội. Linh mục không được trực tiếp lo việc mua bán vì nhu cầu chung; việc nhận tiền dâng cúng, giữ tiền quỹ hay trực tiếp mua bán sẽ qua hai người giáo dân “receveurs” phụ giúp Ngài (art. 13). Việc trực tiếp quản trị tài sản Giáo Hội được giao cho các thầy giảng và trùm họ.
+ Đầu thời kỳ Pháp Thuộc, vì chưa tìm thấy văn bản Công Đồng Sài Gòn 1880, nên không rõ qui định cụ thể của các giáo phận Đàng Trong. Có thể các Đức Giám Mục Đàng Trong không bàn đến, vì Nam Kỳ được coi là thuộc địa Pháp nên phải theo luật dân sự về Conseil de Fabbrique của giáo sở và về kế toán sổ sách khá chi tiết. Trong khi đó, đối với Đàng Ngoài, Công Đồng Kẻ Sở 1900 qui định: không một linh mục hay thầy giảng nào được hoán chuyển hay mua bán một bất động sản nào, dù bằng tiền riêng, mà không có giấy phép của vị Đại Diện Tông Tòa. Công Đồng 1912 qui định: cấm các linh mục và giáo sĩ kinh doanh: mua, bán, vay hoặc cho vay… vì, thứ nhất, Thánh Tông Đồ đã dạy rằng những người lính của Chúa Kitô không để mình chiều theo của cải thế gian; thứ hai, không được để mất thời giờ quý báu và ngăn trở cho những công việc chính của các chủ chăn; ngoài ra, còn để tránh không làm cớ cho dân chúng hồ nghi và nói xấu.
+ Năm 1934, Công Đồng Đông Dương qui định mỗi giáo phận sẽ có Directorio để xác định việc quản trị kinh tế (n. 406). Các vị thừa sai và linh mục bản xứ không được phép mua ruộng, nhà hay bất động sản, dù bằng tiền riêng, mà không có phép của vị Thường Quyền và không theo sát những điều Ngài qui định (407). Lệnh cấm giáo sĩ kinh doanh và thương mại của Giáo Luật càng phải áp dụng nghiêm ngặt hơn vì gây trở ngại cho việc truyền giáo (408). Nếu một linh mục nhận nợ tiền của người khác, dù là cho giáo sở, mà không có phép bằng văn bản của vị Thường Quyền; khi đó, giáo sở không có bổn phận phải trả lại số tiền này (409). Cấm ngặt các linh mục, không có phép rõ ràng của vị Thường Quyền: 1. nhận giữ tài sản của người khác; 2. vay mượn hay cho vay tiền, vàng hay thứ khác, cho mình hay cho những người khác (410). Không được phép xây mới nhà thờ, nhà ở, sửa chữa lớn hay di chuyển các nhà cũ, mở rộng vườn ruộng, dù bằng tiền của giáo xứ hay tiền riêng, mà không xin phép vị Thường Quyền…(419).
+ Theo bản Năng Quyền Thập Niên 1971 – 1980 do giáo phận Sài Gòn phổ biến, “c. Không được tậu ruộng, mua nhà hay những bất động sản khác mà không có phép Đấng Bản Quyền sở tại.
d. Không được giữ của ký thác, hay vay nợ hoặc cho vay mà không có phép Đấng Bản Quyền sở tại. Của vay mượn dù dùng về việc chung, mà không có phép Đấng Bản Quyền sở tại, thì giáo xứ, giáo sở, cũng như Nhà Chung (Tòa Giám Mục) không chịu trách nhiệm. Vì thế, người cho vay phải đòi giấy phép cẩn thận trước khi cho vay.
e. Xây cất nhà thờ, nhà xứ, trường học, hội quán… hoặc tu bổ phần lớn, phải xin phép Đấng Bản Quyền sở tại và kèm theo bản đồ.
Với thời giá, các Đức Giám Mục đã chỉ định là khi xây cất hay vay mượn từ 100.000 đồng trở lên, phải xin phép.” (tr. 82).
C. Giáo Luật hiện hành
+ Bộ Giáo Luật 1983 qui định:
“Điều 285: #1. Các giáo sĩ phải hoàn toàn tránh tất cả những gì bất xứng với bậc mình, theo những qui định của luật đặc lập.
# 2. Họ phải tránh những gì mặc dầu không bất xứng, nhưng xa lạ với bậc giáo sĩ.
#4. Nếu không có phép của vị Thường Quyền của mình, họ đừng quản trị tài sản của giáo dân hoặc những công việc đời có kèm theo nhiệm vụ phải trình sổ sách; cấm không được đứng ra bảo đảm, mặc dầu bằng của cải riêng mình, khi không hỏi ý kiến vị Thường Quyền của mình, cũng vậy, họ phải tránh đừng ký những thương phiếu, nghĩa là những giấy tờ buộc họ phải trả tiền mà không có lý do nào xác định.
Điều 286: Cấm các giáo sĩ đích thân hay nhờ người khác kinh doanh hay buôn bán làm lợi cho mình hay cho người khác, nếu không có phép của giáo quyền hợp pháp.
Điều 1042: Kể là bị ngăn trở đơn thuần để lãnh nhận chức thánh: … 2. Người giữ chức vụ hay việc quản trị có kèm theo nhiệm vụ phải trình sổ sách mà các điều 285 và 286 cấm các giáo sĩ, cho đến lúc đương sự được tự do, sau khi đã thôi giữ chức vụ và việc quản trị và trình sổ sách xong.
Điều 1392: Giáo sĩ hay tu sĩ hành nghề thương mại hay kinh doanh nghịch với các điều của Giáo Luật, phải bị phạt tùy theo mức độ nặng của tội phạm.”
+ Năm 1989, Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc chỉ thị cho các xứ truyền giáo: “Nếu không được phép của chính Bản Quyền, giáo sĩ không được đảm nhận quản lý tài sản thuộc giáo dân, hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách. Cũng không được làm bảo chứng, dù là dựa vào tài sản của riêng mình. Cũng phải tránh không nên cam kết những khế ước buôn bán qua đó phải chi tiền mà không định rõ lý do. Cấm giáo sĩ không được đích thân hoặc nhờ người khác thi hành mậu dịch, doanh thương nhằm kiếm lợi cho chính mình hoặc cho người khác”.
Kết luận
Trong Giáo Hội Công Giáo từ trước đến nay, một vị linh mục giáo phận phạm tội (delictum), nếu đứng bảo lãnh nợ, vay mượn hay cho vay, hoặc kinh doanh kiếm lời, mà không có phép rõ ràng bằng văn bản của vị Thường Quyền. Giáo Luật hiện hành đã bỏ vạ tuyệt thông tiền kết, nhưng vẫn yêu cầu Đức Giám Mục ra hình phạt thích đáng đối với người vi phạm.