Lời Ngài giảng dạy có quyền Tức là có sức linh thiêng từ trời Phần ta muốn cải thiện người Phải đầy lửa mến từ nơi lòng mình.
Các bạn thiếu nhi thân mến, hôm nay, Chúa nhật thứ tư Thường niên: Chúa Giêsu quyền năng trong giảng dạy và chữa bệnh (Mc 1,21-28).
Dân chúng thành Ca-phac-na-um đã kinh ngạc về giáo lý của Chúa Giêsu. Họ nhận ra Chúa khác các bậc thầy trong Is-ra-el. Ngài có uy quyền trong lời nói và trên cả thần ô uế: “Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,25).
Dâng Thánh lễ hôm nay, mời các bạn thiếu nhi cùng chiêm ngưỡng chân dung Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa. Ngài đang hiện diện giữa chúng ta và ở cùng chúng ta nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Xin cho chúng ta hằng kết hợp mật thiết với Ngài. Mời cộng đoàn đứng.
Bài đọc 1(Đnl 18,15-20)
Sách Đệ nhị luật tường thuật lại lời Thiên Chúa đã phán với dân chúng qua miệng ông Môsê rằng: Đức Chúa sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ ở giữa họ; ngài sẽ lĩnh hội ý của Đức Chúa và truyền lại cho dân chúng.
Bài đọc 2(1Cr 7,32-35)
Thánh Phaolô đề cao đời sống độc thân. Vì người độc thân không bị việc gia đình chi phối, mà chỉ chuyên tâm lo việc thờ phượng Chúa và phục vụ Giáo hội trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại.
Lời nguyện chung Chủ tế: Thiếu nhi chúng con thân mến, Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Lời quyền năng của Ngài có sức biến đổi con người, chữa lành các bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Tin tưởng vào Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1. Dân chúng kinh ngạc bàn tán: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”. Xin cho các mục tử trong Hội thánh/ biết thu phục người khác nhờ sức mạnh của việc rao giảng Lời Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
2. “Người ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”. Xin cho quyền năng của Đức Kitô/ biến đổi những hận thù và tranh chấp giữa các dân tộc, trở thành lòng yêu thương và sự hợp tác. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
3. “Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy”. Xin cho các bậc cha mẹ Công giáo/ biết nói lời của Chúa để khuyên dạy con cái mình. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
4. Sức mạnh của Lời Chúa được tỏ bày trong mỗi Thánh lễ và mỗi giờ giáo lý. Xin cho các thầy cô giáo lý viên, các anh chị trưởng và các bạn thiếu nhi/ biết chú tâm lắng nghe Lời Chúa, để có thể hiểu và đem ra thực hành. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Lời Ngài là sức mạnh, là chân lý và là sự sống. Xin cho chúng con được sức mạnh của Lời Chúa biến đổi, chân lý của lời Chúa soi sáng và sức sống của Lời Chúa nuôi dưỡng. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
(Ðến thành Ca-phác-na-um) ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.
Trò chơi ô chữ – Chúa nhật IV Thường niên 2023 – Năm B
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,22).
I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Giới thiệu ảnh:
Các bạn biết đây là bức ảnh gì không? Đây là bức tranh mô tả cảnh Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường Capharnaum. Lời của Người có uy quyền như thế nào, mời các bạn đứng để nghe bài Tin Mừng hôm nay.
2. PHÚC ÂM: (Mc 1,21-28)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Đó là Lời Chúa. – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.
II. TRÌNH BÀY BỨC ẢNH
1. Phân tích hình ảnh: Các bạn thấy gì trong bức ảnh ?
· Hình ảnh gồm có những gì ?
+ Hình ảnh gồm nhiều người: một người đang đứng giữa quay xuống, những người còn lại ngồi hướng lên.
+ Hình cho thấy đây là cảnh ban ngày, trong một hội đường.
· Nhân vật đang làm gì ?
+ Người nam đứng trên bục giảng, quay mặt xuống là Chúa Giêsu. Người đang đứng giảng dạy.
+ Những người còn lại ngồi phía dưới đang hướng lên lắng nghe.
2. Hình ảnh đánh động con người: Bạn thích gì trong bức ảnh?
· Khi xem bức ảnh này, các bạn cảm thấy thế nào ?
+ Vui, buồn, yêu hay ghét, sợ hay thích ?
· Các bạn thấy điều gì đang xảy ra ?
+ Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường tại Capharnaum. Người ta chăm chú lắng nghe và kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
· Hình ảnh đánh động bạn như thế nào ?
+ Chúa Giêsu luôn trung thành với sứ vụ của Người trong mọi lúc. Người giảng dạy, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, … Điều này nhắc nhở tôi về việc thi hành sứ vụ của Chúa trao cho tôi: Tôi có trung thành hay do dự với sứ vụ của mình ? Đâu là điều tôi cần làm để có thể chu toàn sứ vụ Chúa trao cho tôi ?
3. Hình ảnh cho Giáo lý: Hình muốn nói lên điều gì?
· Trò chơi: “Sứ mạng của Chúa”
· Chuẩn bị:
– Câu Lời Chúa: “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,22).
– Mỗi đội một quyển Phúc Âm.
· Cách chơi: Chia lớp thành nhiều đội, tùy số lượng. Trong thời gian quy định (3-5 phút), mỗi đội sẽ tìm và ghi lại những câu những đoạn Lời Chúa nói về việc Chúa Giêsu thi hành sứ mạng của Người. Đội nào ghi đúng nhiều sẽ thắng. Ví dụ: Chúa Giêsu rao giảng nước trời, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, Chúa Giêsu trừ quỷ, …
· Nhấn mạnh đến câu Lời Chúa nhằm làm các em nhớ và thuộc.
· Qua hình ảnh, bạn nhận thấy điều gì ?
+ Giống như Chúa Giêsu luôn trung thành với sứ mạng của Chúa Cha trao cho Người, tôi cũng phải trung thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho tôi. Sứ mạng đó là sứ mạng của tình yêu, sứ mạng sống tình yêu của Chúa, để tôi có thể đưa Chúa đến cho tha nhân và để tha nhân có thể nhận biết Chúa nơi chính hành động, lời nói và cách sống của tôi.
+ Giống như những người được lắng nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy, họ kinh ngạc vì lời của Người có uy quyền. Tôi cũng được nghe lời Chúa dạy, tôi phải để cho lời Chúa thay đổi tôi thành một con người mới trong Chúa và sống theo thánh ý Người. Lời Chúa và Thánh Thể là nguồn lương thực thiêng liêng mà Chúa ban cho tôi, tôi phải năng chạy đến cùng Người qua việc cầu nguyện với Lời Chúa, lần chuỗi, làm các việc đạo đức thiêng liêng, và nhất là năng tham dự thánh lễ và các bí tích.
4. Hình ảnh gợi lên bài học: Qua hình ảnh, Chúa muốn nói với ta điều gì?
· Qua hình ảnh, Chúa mời gọi tôi lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong chính cuộc sống của tôi, cũng như biết trung thành chu toàn sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho tôi, sứ mạng sống tình yêu của Chúa mỗi ngày.
· Việc thực hành: “Làm việc cùng Chúa”
Lời Chúa và Thánh Thể là nguồn lương thực thiêng liêng mà Chúa ban cho chúng ta. Vì vậy, mỗi ngày, chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa bằng việc tham dự thánh lễ, hay cầu nguyện với Lời Chúa, hoặc làm một việc đạo đức thiêng liêng để gia tăng sức mạnh và động lực từ Lời Chúa và Thánh Thể.
III. KẾT THÚC
· Câu chuyện:
CÂY THÁNH GIÁ
Trong khi thánh Bonaventura đang nổi tiếng với việc ngài dậy thần học ở Paris, và trong khi mọi người đang khâm phục, kính trọng ngày bỏ dở các tác phẩm của ngài, thánh Tôma Aquina đến thăm ngài và xin ngài chỉ cho xem các cuốn sách Ngài dùng để giảng dạy và học hỏi. Thánh Bonaventura mới dẫn Tôma vào trong căn phòng nhỏ bé của ngài và chỉ cho Tôma xem vài cuốn sách rất tầm thường ở trên bàn làm việc. Nhưng thánh Tôma bảo ngài ước ao xem những cuốn sách khác, những cuốn sách mà từ đó Bonaventura đã rút tỉa được những điều kỳ diệu. Lúc đó, vị thánh mới chỉ cho Tôma nhà nguyện nhỏ, ở đó chỉ có một cây thánh giá.
– “Thưa cha,” – Bonaventura nói – “đây là tất cả các cuốn sách của con. Cuốn này là cuốn chính, từ đó con rút tỉa ra được tất cả những gì con giảng dạy và tất cả những gì con viết. Vâng, chính khi con phủ phục dưới cây giá này, chính khi con cầu xin cây giá này làm sáng tỏ các nghi ngờ của con, chính khi tham dự thánh lễ, mà con đạt được những tiến bộ trong khoa học và đắc thủ được những ánh sáng đích thực mà con không thể nào có được khi đọc bất cứ cuốn sách nào khác.”
Sưu tầm
Chính nhờ cầu nguyện và thánh lễ, thánh Bonaventura được Chúa làm sáng tỏ mọi nghi ngờ của ngài và cho ngài đắc thủ được những tiến bộ khoa học. Tất cả những tài liệu và sách mà ngài có được là thánh giá và thánh lễ. Vì vậy, mỗi người hãy năng chạy đến với Chúa trong cầu nguyện, qua thánh lễ và các bí tích để được Chúa soi sáng và đồng hành trên bước đường ta đi.
· Cầu nguyện kết thúc và giải tán.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Xin cho chúng con ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của chúng con và xin cho chúng con luôn siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa, để Lời Ngài trở nên nguồn sức mạnh nâng đỡ và đồng hành với chúng con mỗi ngày. Amen.
Ban Giáo lý GPVL
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B
Cha đố chúng con Chúa Giêsu đã làm gì trong bài Tin Mừng hôm nay ?
– Thưa cha, Chúa giảng dạy và trừ quỉ.
– Xuất sắc! Đúng như thế.
Tin Mừng thánh Marco hôm nay cho mọi người thấy, Chúa xuất hiện như một đấng đầy uy quyền. Cha nhớ trước đây đã có lần ông Moise tiên báo về Chúa như thế này: “Từ giữa anh em, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ để giúp anh em”.
Ngôn sứ mà Moise tiên báo đó chính là Chúa Giêsu Đấng đầy uy quyền trong cả lời nói lẫn hành động.
1. Chúa Giêsu là Đấng rất uy quyền trong Lời nói.
Khi Chúa giảng cho dân chúng, họ đã thấy ngay: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc,1,21).
Quả đúng như thế. Lời Chúa giảng là những lời đầy uy quyền. Lý do vì Lời của Chúa có sức mạnh biến đổi và hoán cải người khác. Nhiều người đã nhờ Lời Chúa mà được biến đổi. Tại sao thế ? Vì Chúa giảng bằng sức mạnh và chính cuộc sống của Chúa.
Chúng con hãy nghe câu chuyện này: Tokichi Ishii, một tên giết người không gớm tay. Y đã đạt kỷ lục về việc giết nhiều người nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi. Y sát hại đàn ông, đàn bà phụ nữ, trẻ em với bàn tay khát máu. Y đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ y gặp và muốn giết. Nhưng rồi cuối cùng y đã bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở trong nhà tù chờ ngày bị hành quyết, có hai phụ nữ công tác tông đồ đã đến khuyên nhủ y. Nhưng tất cả những lời thăm hỏi, trò chuyện của họ đều không làm cho y mảy may xúc đổng. Trái lại y còn nhìn chằm chặp vào họ với một cặp mắt dữ tợn như muốn nuốt sống họ.
Cuối cùng, vì không còn đủ kiên nhẫn nữa, hai phụ ấy nữ ra về. Nhưng trước khi ra khỏi nơi gặp gỡ, họ để lại cho y một cuốn sách Tân Ước với hy vọng mỏng manh rằng y sẽ đọc và rồi Lời Chúa sẽ hoạt động… Và đúng như họ mong ước: Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishii đã đọc. Lời Chúa thu hút Ishii khiến anh tiếp tục đọc hết đoạn tường thuật về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu… Khi đọc đến câu: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”! (Lc 23, 34), anh ta dừng lại và suy nghĩ. Anh tâm sự: “Đọc đến câu này, trái tim tôi bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu, hay là lòng thương xót của Ngài không thì tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin vào Chúa”.
Khi các nhân viên nhà giam dẫn anh ta đi để hành quyết. Họ rất ngạc nhiên thấy tử tội Ishii hòa nhã, lễ độ, chứ không như một tên giết người hung bạo như trước nữa. Ishii, đã được lời Chúa hoán cải (Trích Lẽ Sống, Radio Veritas).
Đó chúng con thấy: Lời của Chúa đã có sức mạnh như vậy đó. Lời Chúa đã biến đổi một con người như vậy. Đọc trong Lịch sử của Giáo Hội cha còn thấy rất nhiều trường hợp như thế.
2. Tiếp đến, Chúa còn là Đấng đầy uy quyền trong hành động.
Tin Mừng hôm nay ghi lại: Lời giảng của Chúa làm cho “cả các thần ô uế phải vâng theo” (Mc 1,27). Chính thái độ vâng phục của ma quỷ trước uy quyền của Chúa, đã nói lên điều đó: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!”
Sau đó chỉ một Lời của Chúa là ma quí răm rắp tuân lệnh: Ðức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Lạ lùng chưa chúng con ?
Cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể tìm được bài học gì qua bài Tin Mừng hôm nay không ?
Nhất định là có. Khi đọc Tin Mừng của Chúa, cha thấy tất cả các những việc Chúa làm cũng như những lời giảng dạy của Chúa đều hướng mọi người về một bài học nào đó. Chúa giảng dạy, Chúa làm phép lạ tất cả đều là để giáo dục và dạy dỗ mọi người chúng ta.
Vậy thì bài học Chúa muốn dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay là gì ?
Thưa là hãy biết tin tưởng vào Chúa. Chúa là Đấng uy quyền nhưng Chúa cũng là Đấng đầy tình thương. Mọi việc Chúa làm đều vì lòng yêu thương của Chúa. Hãy biết luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa.
Truyện kể lại rằng: Có một tội nhân kia suốt đời được thiên thần hướng dẫn đi theo con đường hẹp nghĩa là đi theo đường lối Chúa đã dạy bảo, nhưng tất cả đều vô ích. Con người này cứ đắm chìm trong đường tội lỗi. Gần đến ngày ông ta phải về tính sổ trước mặt Chúa, thiên thần bản mệnh của ông chỉ còn biết khóc thầm, thương cho ông. Hơn nữa ma quỉ còn lợi dụng cơ hội này để thúc đẩy con người này tiến thẳng xuống hỏa ngục. Ma quỉ đã đến bên ông và gieo vào tâm hồn ông niềm thất vọng, chán nản. Ma quỷ nói với ông:
– Thôi, ông cứ tiến thẳng tới án phạt của ông đi vì đời sống của ông chỉ toàn là những điều gian ác.
Trong chốc lát, ông như tỉnh ngộ. Ông bước đi nhưng mắt vẫn ngước nhìn về ngai vàng nơi Thiên Chúa ngự trị và tấm lòng vẫn còn hy vọng được Thiên Chúa tha thứ vì lòng nhân từ khoan thứ vô biên của Ngài. Thấy vậy, ma quỉ nói với ông:
– Hỡi người tội lỗi cứng lòng, hãy bước đi chứ đừng hy vọng gì nữa.
Tội nhân vẫn cứ tiếp tục bước. Lòng vẫn cầu nguyện trong sự e thẹn:
– Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng công chính. Tội của con thật đáng với án phạt nhưng vì tình thương bao la của Chúa, xin tha tội cho con. Tuy dù con bất xứng trăm bề, nhưng Chúa biết rằng niềm hy vọng trong tâm hồn con chẳng bao giờ tắt, vì con luôn tin tưởng vào lòng khoan dung của Ngài. Lạy Chúa, nỡ nào Chúa lại lên án phạt con. Nỡ nào Chúa lại tuyên phạt con đời đời hay sao ?
Thiên Chúa đã cảm động trước lời cầu xin khiêm tốn của ông ta. Ngài truyền cho các thiên thần:
– Hãy dẫn người đàn ông khiêm tốn ấy đến trước mặt ta. Lửa yêu thương của Ta sẽ thiêu hủy hết tội lỗi của nó. Mặc dù nó phạm tội nhiều nhưng không bao giờ nó hết nghi ngờ lòng nhân từ vô biên của Ta, vì thế Ta muốn nó được sống trong nước vinh quang của Ta, sống bên cạnh ta để nó sẽ ca ngợi lòng nhân từ của Ta mãi mãi. Amen.
Vui học Kinh Thánh: Chúa Nhật IV Thường niên, năm B
21Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. 22Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. 23Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
21Then they came to Capernaum, and on the sabbath he entered the synagogue and taught. 22The people were astonished at his teaching, for he taught them as one having authority and not as the scribes. 23In their synagogue was a man with an unclean spirit;24 he cried out, “What have you to do with us, Jesus of Nazareth? Have you come to destroy us? I know who you are–the Holy One of God!” 25Jesus rebuked him and said, “Quiet! Come out of him!” 26The unclean spirit convulsed him and with a loud cry came out of him. 27All were amazed and asked one another, “What is this? A new teaching with authority. He commands even the unclean spirits and they obey him.” 28 His fame spread everywhere throughout the whole region of Galilee.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu Tin Mừng Mc 1, 25
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . II. TRẮC NGHIỆM
01. Tại thành này Đức Giêsu giảng dạy và chữa lành 1 người bị thần ô uế ám. (Mc 1, 21)
a. Thành Giêrusalem.
b. Thành Nadarét.
c. Thành Caphácnaum.
d. Thành Bêlem.
02. Thiên hạ có thái độ thế nào về lời giảng dạy của Đức Giêsu? (Mc 1,22)
a. Hoan hỉ.
b. Sợ hãi.
c. Sửng sốt.
d. Ngạc nhiên.
03. Thần ô uế tuyên xưng Đức Giêsu là ai? (Mc 1, 24)
a. Đấng cứu chuộc trần gian.
b. Con Đấng Tối Cao.
c. Đấng Thánh của Thiên Chúa.
d. Thiên Chúa quyền uy.
04. Dân thành Caphácnaum nghĩ gì về Đức Giêsu sau khi chứng kiến việc người trục xuất thần ô uế? (Mc 1, 27)
a. Giáo lý thì mới mẻ.
b. Người dạy lại có uy quyền.
c. Trục xuất được các thần ô uế.
d. Cả a, b và c đúng.
05. Danh tiếng của người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền nào? (Mc 1, 28)
a. Miền Galilê.
b. Miền Samaria.
c. Miền Giuđê.
d. Miền Thập Tỉnh. III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Danh tiếng của người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền nào? (Mc 1, 28)
02. Đức Giêsu đã trục xuất ai ra khỏi người thanh niên này? (Mc 1, 26)
03. Dân thành Caphácnaum nghĩ giáo lý của Đức Giêsu thì thế nào? (Mc 1, 27)
04. Tại thành này Đức Giêsu giảng dạy và chữa lành 1 người bị thần ô uế ám. (Mc 1, 21)
05. Thần ô uế tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thánh của ai? (Mc 1, 24)
06. Sau khi chứng kiến việc Đức Giêsu trục xuất thần ô uế, dân thành Caphácnaum nghĩ người dạy có gì? (Mc 1, 27)
07. Đức Giêsu trục xuất thần ô uế vào ngày này (Mc 1, 21).
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì? IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
Tin Mừng thánh Máccô 1, 24b
Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 4 TN NĂM B
Mc 1, 21-28 I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề
Chúa Giêsu trừ quỷ
* Câu Tin Mừng Mc 1, 25
“Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” II. TRẮC NGHIỆM
01. c. Thành Caphácnaum (Mc 1, 21)
02. c. Sửng sốt (Mc 1, 22)
03. c. Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1, 24)
04. d. Cả a, b và c đúng (Mc 1, 27)
05. a. Miền Galilê (Mc 1, 28) III. Ô CHỮ
01. Galilê (Mc 1, 28)
02. Thần ô uế (Mc 1, 26)
03. Mới mẻ (Mc 1, 27)
04. Caphácnaum (Mc 1, 21)
05. Thiên Chúa (Mc 1, 24)
06. Uy quyền (Mc 1, 27)
07. Sabát (Mc 1, 21)
Hàng dọc: Lời Chúa
Phúc Âm: Mc 1, 21-28 “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
Đọc Tin Mừng luôn luôn chúng ta nhận ra một Chúa Chúa Giêsu đầy tình thương, hay chạnh lòng thương xót, nhưng cũng là một Chúa luôn đầy quyền năng và có sức mạnh siêu phàm. Lời của Chúa luôn có sức mạnh giải thoát và cứu rỗi. Người bị quỷ ám, thân nhân của anh và những người Do Thái chứng kiến Chúa chữa lành cho anh ta, chắc chắn họ đều hạnh phúc và vui mừng. Bởi đây là dấu chứng Thiên Chúa yêu thương con người và dùng quyền năng để cứu giúp những kẻ khốn khó, những kẻ bất hạnh
Ngày nay xem ra khoa học càng ngày càng đẩy lùi được nhiều những nỗi bất hạnh, những ám ảnh của cuộc sống. Nhưng, dù con người có tài giỏi đến đâu, khoa học có lên cao mấy đi nữa thì vẫn còn những nỗi ám ảnh mà con người, với giới hạn của chính mình, không thể giải quyết được chẳng hạn như tội lỗi, sự dữ, những thói hư nết xấu.
Trước những vấn đề nan giải ấy, con người chỉ có một cách là chạy đến với Thiên Chúa. Đọan Tin Mừng hôm nay muốn nói đến uy quyền của Lời Chúa: ”Người giảng dạy như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ “ (Mc 1, 22). Chúa có uy quyền bởi vì Ngài dùng năng lực tình yêu của Ngài để giảng dạy chứ không dùng thế giá, hay dùng quyền của người khác.
Do đó, Lời của Chúa có tính cách cứu rỗi. Lời của Chúa không chỉ có uy quyền lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy nhưng Lời của Ngài đang có trong hiện tại của Giáo Hội.
Chính vì thế ai biết đón nhận, biết tin theo, biết thực thi Lời của Chúa thì chắc chắn sẽ thoát được các bất hạnh trong đời sống, nhất là đời sống tinh thần và thiêng liêng.
Lạy Chúa, xin củng cố lòng tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra uy quyền và sức mạnh của Lời Chúa. Amen.