Thiếu Nhi Sống Lời Chúa, Chúa Nhật tuần 5 thường niên năm B 04.02.2024

DẪN LỄ CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM B

Dẫn vào Thánh lễ

Khi trời tắt nắng chiều yên

Mọi người đau ốm được khiêng đến Ngài

Trừ tà, chữa bệnh miệt mài

Tinh sương Người lại đắm say nguyện cầu.

Các bạn thiếu nhi thân mến, hôm nay, Chúa nhật thứ năm Thường niên: Một ngày sống của Chúa Giêsu (Mc 1,29-39).

Thánh Máccô cho chúng ta cái nhìn tổng quát về một ngày sống của Chúa Giêsu. Sáng sớm, Ngài tìm nơi thanh vắng cầu nguyện. Phần công việc trong ngày của Chúa là giảng dạy cho dân chúng và chữa bệnh cho nhiều người.

Một ngày sống của Chúa thật đơn giản, nhưng rất phi thường; vì Chúa trung thành với bổn phận của mình hằng ngày, là cầu nguyện với Chúa Cha và rao giảng Nước Trời cho con người.

Dâng Thánh lễ hôm nay, xin cho thiếu nhi chúng ta biết chu toàn bổn phận với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Mời cộng đoàn đứng.

Bài đọc 1 (G 7,1-4.6-7)

Sách ông Gióp diễn tả một ngày sống thật ảm đạm và buồn sầu. Con người làm lụng vất vả, hết ngày này sang ngày khác, mà chẳng nhìn thấy tia hy vọng nào cả.

Bài đọc 2 (1Cr 9,16-19.22-23)

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô cho biết: việc ngài rao giảng Tin mừng là hoàn toàn tự nguyện vì Nước Trời. Thánh nhân đã nói: “Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”.

Lời nguyện chung

Chủ tế: Thiếu nhi chúng con thân mến, Chúa Giêsu là mẫu gương chu toàn bổn phận tuyệt vời cho tất cả chúng ta noi theo. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

  1. Chúa Giêsu đã trung thành với bổn phận hằng ngày: cầu nguyện với Chúa Cha và rao giảng Tin mừng cho con người. Xin cho các tín hữu trong Giáo hội/ ý thức bổn phận của mình với Chúa và với nhau. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  2. Nhiều người trên thế giới mắc phải những căn bệnh nan y, chưa có thuốc chữa trị. Xin cho các bệnh nhân ấy/ được Chúa Giêsu chữa lành những đau đớn/ nơi thể xác và trong tâm hồn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  3. Thánh Phaolô đã viết: “Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Xin cho các học sinh và sinh viên Công giáo/ luôn là những tấm gương hăng say rao giảng Tin mừng Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  4. Sống giữa một thế giới ồn ào náo nhiệt, chúng ta không còn khoảnh khắc thinh lặng nào dành cho Chúa. Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta/ chủ động dành những giây phút thinh lặng để ở lại bên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, một ngày sống của Chúa thật hoàn hảo trong tương quan với Chúa Cha và con người. Xin cho chúng con biết dành thời gian cho Chúa và cho nhau, để cùng xây dựng Nước Chúa ngay tại trần gian này. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chúa nhật 5 Thường niên năm B (Mc 1,29-39)

Trò chơi ô chữ Chúa nhật V Thường niên Năm B

Tin Mừng (Mc 1,29-39)

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Đáp án: Chúa nhật IV Thường niên 2023 – Năm B

1. Máccô
2. Hai
3. Chữa lành
4. Caphácnaum
5. Lời giảng
6. Bàn tán
7. Đấng Thánh
8. Tuân lệnh
Từ khóa: Chữa lành

TIN MỪNG Mc 1, 29-39

29Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. 30Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. 32Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33Cả thành xúm lại trước cửa. 34Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. 35Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” 38Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. 39Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

29On leaving the synagogue he entered the house of Simon and Andrew with James and John. 30Simon’s mother-in-law lay sick with a fever. They immediately told him about her. 31He approached, grasped her hand, and helped her up. Then the fever left her and she waited on them. 32When it was evening, after sunset, they brought to him all who were ill or possessed by demons. 33The whole town was gathered at the door. 34He cured many who were sick with various diseases, and he drove out many demons, not permitting them to speak because they knew him. 35Rising very early before dawn, he left and went off to a deserted place, where he prayed. 36Simon and those who were with him pursued him 37and on finding him said, “Everyone is looking for you”. 38He told them, “Let us go on to the nearby villages that I may preach there also. For this purpose have I come”. 39So he went into their synagogues, preaching and driving out demons throughout the whole of Galilee.

I. HÌNH TÔ MÀU


* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu Tin Mừng  Mc 1, 31
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

II. TRẮC NGHIỆM

01. Mẹ vợ của ông Simon bị bệnh gì? (Mc 1, 30)
a. Phong hủi.
b. Huyết trắng.
c. Câm.
d. Sốt.

02. Ai đã chữa cho bà nhạc mẫu ông Simon khỏi bệnh? (Mc 1, 29-31)
a. Ông Phêrô.
b. Ông Phaolô.
c. Đức Giêsu.
d. Ông Môsê.

03. Chiều đến, rất nhiều người ốm đau và những ai bị quỷ ám của thành này được cứu chữa. (Mc 1, 29-33)
a. Thành Giêrusalem.
b. Thành Nadarét.
c. Thành Caphácnaum.
d. Thành Bêlem.

04. Sáng sớm, Đức Giêsu đi ra nơi hoang vắng, ở đó người làm gì? (Mc 1, 35)
a. Nghỉ ngơi.
b. Dạy dỗ các môn đệ.
c. Xa lánh những ồn ào.
d. Cầu nguyện.

05. Đức Giêsu đi  khắp miền Galilê để làm gì? (Mc 1,39)
a. Rao giảng trong các Hội Đường.
b. Trừ quỷ.
c. Làm phép rửa cho mọi người.
d. Chỉ a và b đúng.

III. Ô CHỮ

Những gợi ý
01. Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các Hội Đường của họ và làm gì? (Mc 1, 39)
02. Một trong những môn đệ đi với Đức Giêsu đến nhà nhạc mẫu ông Simon? (Mc 1, 29)
03. Khi Đức Giêsu và các môn đệ đến, bà mẹ vợ ông Simon đang bị gì? (Mc 1, 30)
04. Ai đã chữa cho bà nhạc mẫu ông Simon khỏi bệnh? (Mc 1, 29-31)
05. Bà mẹ vợ của ai được Đức Giêsu chữa lành? (Mc 1, 30)
06. Chiều đến, rất nhiều người ốm đau và những ai bị quỷ ám của thành này được cứu chữa. (Mc 1, 29-33).
07. Đức Giêsu ra nơi đâu để cầu nguyện? (Mc 1, 35)
08. Sáng sớm, Đức Giêsu đi ra nơi hoang vắng, ở đó Người làm gì? (Mc 1, 35)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ.”

Tin Mừng thánh Máccô 1, 34a
Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 5 TN NĂM B
Mc 1, 29-39

I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề
Chúa Giêsu chữa bệnh
* Câu Tin Mừng  Mc 1, 31
“Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”.

II. TRẮC NGHIỆM
01. d. Sốt (Mc 1, 30)
02. c. Đức Giêsu (Mc 1, 29-31)
03. c. Thành Caphácnaum (Mc 1, 29-33)
04. d. Cầu nguyện (Mc 1, 35)
05. d. Chỉ a và b đúng (Mc 1, 39)

III. Ô CHỮ
01. Trừ quỷ (Mc 1, 39)
02. Giacôbê (Mc 1, 29)
03. Lên cơn sốt  (Mc 1, 30)
04. Đức Giêsu (Mc 1, 29-31)
05. Simon (Mc 1, 30)
06. Caphácnaum (Mc 1, 29-33)
07. Hoang vắng (Mc 1, 55)
08. Cầu nguyện (Mc 1, 35)
Hàng dọc: Rao Giảng

Nguyễn Thái Hùng

Tranh tô màu – Chúa nhật V Thường niên Năm B

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su ra khỏi hội đường, Người cùng với Gia-cô-bê và Gio-an đến nhà Si-mon và An-rê. Lúc ấy bà nhạc gia của Si-mon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Si-mon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Ga-li-lê-a và xua trừ ma quỷ.

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Thường niên năm B

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-cho-thieu-nhi-chua-nhat-5-thuong-nien-nam-b-46903
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Thường niên năm B

Mc 1, 29-39

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe thánh Marcô nói cho chúng ta biết về một ngày làm việc của Chúa Giêsu.

Thánh Marcô kể lại: Hôm đó Chúa Giêsu vừa giảng dạy trong hội đường và chữa lành một người bị quỉ ám xong, thì đi đến nhà ông Simon Phêrô. Tới nơi Chúa được tin bà nhạc mẫu của Phêrô đang bị sốt nặng. Chúa đi đến tận chỗ bà nằm, cầm tay bà, nâng bà dậy, và lập tức bà liền khỏi sốt. Và ngay sau đó có cả một đám đông nghe biết Chúa đang ở đó thì họ lập tức kéo đến tụ họp trước cửa nhà. Họ dẫn theo những người mắc đủ thứ bệnh tật và Chúa lại phải cứu chữa họ.

Rồi Tin mừng cho chúng ta biết tiếp: Sáng sớm hôm sau, lúc trời còn tối mịt, Người đã chỗi dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35).

Một ngày làm việc bận rộn vất vả nhưng rất tốt đẹp.

Chúng ta có thể học được những bài học nào bài Tin Mừng hôm nay không chúng con ? Có nhiều bài học nhưng cha chỉ muốn nói đến một vài bài học rất cần cho cuộc sống hôm nay.

1. Hãy Siêng Năng Làm Việc Theo Gương Chúa.

Đã có lần Chúa nói với mọi người: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5,17)

Sách Gương phúc dạy: “Bạn sinh ra để làm việc, sao bạn lại tìm an nghỉ ?”

Tại sao phải làm việc ?

Thiên Chúa đã không dựng nên một thế giới đã hoàn hảo. Người đã dựng nên một thế giới còn dang dở. Người muốn con người cộng tác để làm cho thế giới này mỗi ngày một tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Chính vì thế mà sự làm việc đã trở thành qui luật của Tình yêu

Sách Sáng thế nói: “Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt nó trong vườn địa đàng, không phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để canh tác giữ vườn”. Như thế làm việc là bổn phận cao cả Thiên Chúa đã giao cho con người ngay từ khi con người mới được tạo dựng và khi con người làm việc là lúc con người đáp lại tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

Nếu không làm việc thì quả họ đã không chu toàn bổn phận Chúa trao phó cho mình.

Thánh Phaolô dạy: “Ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do”(Ep 6,8). Ngài còn cho biết thêm: Đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em (Thes 2,8).

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Để thử xem ai là người chịu khó làm việc, một ông chủ kia giao cho bảy người thợ cưa, mỗi người phải cưa một khúc cây.

Người thứ nhất nói: khúc cây của tôi còn tươi quá, chắc lưỡi cưa sẽ mắc trong đó. Tôi chờ cho đến khi khúc cây đó khô rồi tôi sẽ cưa. Thế là anh ta nghỉ.

Người thứ hai: lưỡi cưa của tôi cùn quá, tôi chờ ông chủ đổi cho tôi lưỡi cưa khác bén hơn rồi tôi mới cưa. Rồi anh ta cũng nghỉ.

Người thứ ba: khúc cây này cong bên này cong bên kia. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc cây khác thẳng hơn. Anh cũng đi nghỉ.

Người thứ bốn: khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần khúc cây bình thường. Tôi chờ có khúc khác mềm hơn. Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ năm: hôm nay trời nóng quá, đợi ngày nào mát trời tôi sẽ cưa. Anh ta cũng nghỉ.

Người thứ sáu: hôm nay tôi nhức đầu đợi tới khi nào khỏi, tôi sẽ cưa. Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ bảy nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt nó cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và anh đang nhức đầu. Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắt tay vào việc. Nhờ lưỡi cưa đã được mài, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh ta đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu. Anh sung sướng vì hoàn thành công các được giao.

Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa. (A.R Wells)

Cha hỏi chúng con ai trong bảy người là người chịu khó làm việc theo gương Chúa nhất ?

– Thưa cha, người thứ bảy.

– Rất đúng! Cha chúc chúng con cũng biết làm như thế.

2. Tiếp Đến, Phải Tìm Thời Giờ Để Cầu Nguyện.

Cầu nguyện là tiếp xúc với cha trên trời.

Tất cả các tôn giáo đều chú trọng đến sự cầu nguyện. Tuy cách thức có khác nhau nhưng tất cả mọi người dù theo tôn giáo nào đi nữa thì họ cũng phải biết cầu nguyện. Không cầu nguyện con người sẽ con người sẽ không còn phải là người con ngoan của Chúa nữa.

Đức Cha Tihamer Toth kể:

Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư nhiều cho nên việc cầu nguyện càng ngày càng ít đi. Khi hỏi lý do thì người học trò đáp:

Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.

Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:

– Tại sao thầy buồn thế ?

– Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa .

– Bộ ông ta khùng ư ?.

– Không đâu. Ông còn khôn nữa là đằng khác. Ông nói: Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.

– Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa ?

– Thì con cũng thế thôi .

Một thanh niên người Scotland làm mướn cho gia đình khá giả. Nhưng hai tuần sau, anh xin nghỉ. Một người bạn hỏi:

– Có phải công việc quá nặng không ?

– Không.

– Hay lương thấp ?

– Không, lương cao.

– Có lẽ thức ăn không hợp với anh ? .

– Thức ăn rất ngon.

– Thế sao anh nghỉ việc ?

– Tôi nói để anh biết. Nhà không có mái che.

Ở Scotland, thành ngữ này ám chỉ một gia đình không có sự cầu nguyện.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện cảm động này:

Cha Charles de Foucauld đã có lần viết cho các môn sinh của Ngài như thế này: “Cầu nguyện là lẽ sống”

Fédéric Ozanam, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin rất trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường ở Paris. Đứng cuối nhà thờ nhìn lên, anh thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở hàng ghế đầu. Tò mò đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không là ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc và theo dõi từng cử chỉ của nhà bác học. Rồi khi nhà bác học cầu nguyện xong, vừa đứng lên ra khỏi thánh đường, anh cũng theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

– Anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không ?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

– Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con được hỏi một vấn đề có liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười một cách khiêm tốn:

– Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh điều gì, tôi cũng cảm thấy rất hân hạnh!

Chúng sinh viên liền hỏi:

– Thưa giáo sư, có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại lại vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không ?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

– Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.

Vâng! Chỉ khi nào chúng ta biết cầu nguyện, chúng ta mới trở thành vĩ đại, trở thành dũng mãnh….Vì chúng ta có Chúa phù trợ chúng ta. Amen.

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật 5 Thường niên năm B

https://tgpsaigon.net/bai-viet/thanh-kinh-bang-hinh-chua-nhat-5-thuong-nien-nam-b-29984
Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật 5 Thường niên năm B

Phúc Âm Mc a, 29-39
“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói với ta về một ngày làm việc của Chúa Giê-su trên đường rao giảng Tin Mừng. Việc rao giảng Tin Mừng không chỉ đóng khung trong hội đường hay nhà thờ, mà còn phải được thực hiện ở ngay những môi trường sống hằng ngày của ta. Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng nói về một ngày hoạt động của Chúa Giê-su cho ta hình ảnh một Chúa Giê-su bận rộn không ngừng với việc chữa lành các bệnh tật. trừ quỷ.  Nhưng không phải vì bận rộn như thế mà đời sống của Người mất thăng bằng.  Trái lại ta gặp thấy ở đó sự nhịp nhàng hòa điệu giữa hoạt động và cầu nguyện.

Rao giảng trong hội đường là công việc ưu tiên của Chúa Giê-su (1:39), vì hội đường là nơi thuận tiện nhất. Tuy nhiên hội đường không chỉ là nơi độc nhất để rao giảng Tin Mừng.Chúa Giêsu đã đến nhà ông Phêrô và Anrê để chữa bệnh cho bà mẹ của hai ông.  Như vậy, Chúa muốn chúng ta ý thức việc rao giảng Tin Mừng phải bắt đầu từ ngay chính gia đình mình.  Những giá trị Tin Mừng phải được học hỏi và thực hành ngay tại gia đình trước khi được giới thiệu cho người ngoài.

Ngay cả việc cầu nguyện cũng thế. Không chỉ ở trong hội đường chúng ta mới có thể cầu nguyện, nhưng ở bất cứ nơi nào ta dễ hướng lòng lên với Chúa.  Chúa Giê-su đã mở ra một chân trời mới cho việc cầu nguyện, biến việc cầu nguyện trở thành một phần cốt yếu không thể thiếu vắng được của cuộc sống . Nay Chúa Giê-su đưa cầu nguyện vào thời biểu hằng ngày cuộc sống của ta.

Trong cầu nguyện, ta múc lấy sức mạnh và ý chí để hoạt động.  Đang khi hoạt động, ta cầu nguyện để luôn nhìn rõ được mục đích của hoạt động.

Sau khi hoạt động và trở về với cầu nguyện, ta nhận ra được ơn Chúa đã ẩn hiện và tác động qua những hoạt động của ta, nhờ đó ta biết cảm tạ Chúa.  Chúa Giê-su cũng đi qua tất cả những năng động ấy khi Người cầu nguyện, để cho cuộc sống Người càng trở nên sinh động hơn.  Rao giảng Tin Mừng là hoạt động, nhưng là hoạt động lấy cầu nguyện làm sức mạnh và nguyên lý cân bằng.  Có lẽ đây là điểm người Ki-tô hữu cần phải nghiêm túc suy nghĩ.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh