Thiếu Nhi Sống Lời Chúa tuần 33 Chúa Nhật thường niên năm A 19.11.2023 Mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Thơ Phúc Âm Lễ Các Thánh Tử Đạo VN
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm A – Kính trọng thể các Thánh tử vì đạo nước Việt Nam
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(Kn 3,1-9 – Gc 1,2-4.12 – Lc 9,23-26)
CHẾT VÌ CHÚA LÀ SỐNG TRONG BÌNH AN
“Ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống” (Lc 9,24)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 3,1-9
Sự dữ, đau khổ và cái chết luôn là những câu hỏi mang tính thời sự vì nó thường làm cho con người lo âu khắc khoải. Bằng ngôn ngữ và suy tư của văn hóa Hy lạp, tác giả sách khôn ngoan đã muốn trình bày cho thế giới Hy lạp thấy niềm tin của Do thái giáo về những vấn đề này:
1/ Đau khổ và sự chết không thể làm gì được những người công chính vì linh hồn họ luôn ở trong tay Chúa.
2/ Thân xác các ngài, trong con mắt người đời, dường như đã chết hay đi vào cõi tiêu diệt; nhưng thật sự các ngài đang sống trong bình an.
3/ Khổ nhục chỉ là những thử thách giúp các ngài lập công phúc để trở nên sáng chói và chiếu tỏa như ánh lửa chiếu qua bụi lau.
4/ Chính niềm tin vào Chúa đã dẫn các ngài đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Chúa trong tình yêu.
2. Bài đọc II – Gc 1,2-4.12
Đâu là ý nghĩa của những thử thách trong cuộc sống ? hay tại sao lại phải chịu thử thách ? Những câu hỏi hóc búa này đang được nhiều người trong cộng đoàn Kitô hữu, nơi tác giả thư Giacôbê đang sống, phải đối diện. Tác giả đã nêu ra hai ý tưởng chính để soi sáng cho vấn đề này:
1/ Kiên nhẫn chịu thử thách chính là phương thế làm cho đức tin được trở nên hoàn hảo, nhờ đó người tín hữu cũng được nên hoàn hảo, không còn đáng trách hay thiếu sót điều gì.
2/ Vì thế, theo tác giả, kẻ biết kiên trì chịu thử thách – ấy là phúc thật, vì nó sẽ giúp họ được Thiên Chúa yêu mến và đáng lãnh nhận triều thiên sự sống.
3. Bài Phúc âm – Lc 9,23-26
Sau khi tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho mọi người thấy ba điều kiện ắt có và đủ cho những ai muốn theo Đức Giêsu: 1/ Phải từ bỏ chính mình; 2/ Vác thập giá mình hằng ngày; 3/ Bước theo Ngài.
Chúa Giêsu còn chỉ ra cho mọi người thấy đâu là khôn ngoan đích thực khi suy tính để biết thế nào là ‘được – mất’ và ‘lời lãi – thua thiệt’ trong tư cách là người muốn theo Chúa: chỉ có một điều làm cho kẻ đã ‘mất mạng’ lại ‘được sống’ đó chính là họ đã dám ‘mất mạng vì Chúa’. Và nếu có kẻ nào vì muốn ‘lời lãi cả thế gian’ mà liều mình chấp nhận mất sự sống đời đời thì việc lời lãi thế gian của nó lại trở nên một sự thua thiệt của kẻ dại dột.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Làm sao để có thể hiểu biết các chân lý về Chúa ? Làm sao để có thể trung thành với Chúa trong tình yêu ? Theo gợi ý của tác giả sách khôn ngoan, chính đức tin vào Chúa sẽ dẫn con người đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Chúa trong tình yêu. Như thế, đức tin chính là cửa ngõ dẫn con người đi kiếm tìm và yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, việc lắng nghe tiếng Chúa nói trong mỗi ngày sống và việc nỗ lực thể hiện tình yêu đối với Chúa trong mỗi hành động bác ái cụ thể sẽ là cách thức rõ nét nhất để diễn tả đức tin.
2. Thử thách chỉ mang lại lo âu, khổ đau cho con người, nhưng khi vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, điều đó sẽ mang lại niềm vui cho người Kitô hữu. Thế nên, vấn đề không phải là chịu thử thách, nhưng chính là chịu thử thách vì Chúa. Nghĩa ban đầu của thuật ngữ ‘Martus’ (μάρτυς) không phải là ‘tử đạo’, mà là ‘chứng nhân’. Do vậy, mỗi Kitô hữu vẫn có thể sống ý nghĩa của việc tử đạo, đang khi nỗ lực trở nên chứng nhân cho Chúa ngay trong những thử thách của môi trường sống và làm việc của mình.
3. Rao giảng chân dung người môn đệ Chúa Kitô với những đòi hỏi có vẻ quá khắt khe: ‘từ bỏ chính mình’, ‘vác thập giá’ để ‘bước theo’ Đức Giêsu khổ nạn – trong một xã hội đang bị tục hóa và duy hưởng thụ dường như đang là một thách đố lớn cho người môn đệ hôm nay. Do vậy, lời rao giảng có sức thuyết phục hơn cả cho con người thời đại vẫn luôn là nỗ lực không mệt mỏi để rập khuôn đời mình theo những đòi hỏi này: ‘từ bỏ chính mình’, ‘vác thập giá’ để ‘bước theo’ Đức Giêsu khổ nạn.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Cùng họp nhau hôm nay để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống cho Chúa và gieo mầm đức tin cho con cháu, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng giáo sĩ. Xin cho các ngài luôn nhiệt thành và can đảm loan báo Tin Mừng, tận tình chăm sóc hướng dẫn đoàn chiên, cùng nỗ lực hoạt động cho sự hiệp nhất của Dân Chúa.
2. “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.” Xin cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, bất công, và kỳ thị; luôn xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện để che chở nâng đỡ cùng chia sẻ mọi niềm vui và nỗi đau của họ.
3. “Không có tình yêu nào cao qúy hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu.” Xin cho mọi kitô hữu, cách riêng là các bạn trẻ biết tránh xa lối sống vô cảm, luôn dấn thân phục vụ với tinh thần trách nhiệm, nêu cao tinh thần bác ái tốt đẹp của Kitô giáo.
4. Máu các Thánh Tử Đạo làm nảy sinh hạt giống đức tin. Xin cho tất cả chúng ta luôn ý thức trân trọng di sản đức tin được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, biết can đảm làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con ca ngợi tình thương và sức mạnh của Chúa đã thể hiện nơi sự yếu đuối mỏng giòn của các Thánh tử đạo Việt Nam. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn trung thành với đức tin và gương sáng tiền nhân để lại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XXXIII Thường niên 2023 – Năm A
Tin Mừng: Mt 25, 14-30
“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.
“Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.
“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Đáp án: Chúa nhật XXXII Thường niên 2023 – Năm A
1. Chú rể
2. Nước trời
3. Cánh cửa
4. Cửa hàng
5. Hãy tỉnh thức
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên năm A – Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Thiếu nhi chúng con yêu quí
Cha đố chúng con hôm nay là ngày lễ gì ?
– Thưa cha lễ kính các thánh Tử Đạo tại Việt nam.
– Rất chính xác! Chúng con giỏi.
– Thế tử đạo là làm sao chúng con.
– Thưa tử Đạo là chết vì Đạo.
– Thế Đạo đây là Đạo nào nhỉ ?
– Dạ thưa Đạo Chúa.
– Chúa nào ?
– Dạ thưa Chúa Giêsu.
A. Như vậy Tử Đạo là dám chết vì tin vào Chúa Giêsu và nhất định không từ bỏ niềm tin đó cho dù có phải chết, chết thật đau thương, chết thật anh hùng.
Cha nhớ trong ngày trong sắc phong 64 vị tử đạo Việt Nam lên hàng chân phước ngày 27.5.1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã nói:”Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa trong những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội “
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tôn phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: “Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vai giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đày tới”.
Thế chúng con có biết các thánh Tử Đạo Việt nam chịu chết vào thời gian nào trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta không ? Cha trả lời cho chúng con ngay.
+ Thời gian không xa chúng ta lắm. Các Ngài đã chịu chết ngay trên đất nước Việt nam này. Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888 có nghĩa là chỉ cách chúng ta hơn một thế kỷ và kéo dài gần 3 thế kỷ. 3 thế kỷ ba thế hệ của cuộc sống làm người.
Cha hỏi tiếp: Chúng con có biết có bao nhiêu người đã chịu chết như vậy không ? Con số những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại này không nhỏ: Lịch sử cho chúng ta thấy những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại rất lớn.
* Có khoảng 400.000 người bị lưu đày, phát lưu và phân sáp.
* 130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988 cách đây 12 năm.
Thế còn các hình khổ các thánh Tử Đạo Việt nam đã phải chịu là những hình khổ nào ?
Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được
Thì dụ như bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giày, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv.Đó là những hình phạt tương đối nhẹ.
Bên cạnh đó còn có những hình khổ thật quyết liệt như bị trảm quyết – tức là bị chặt đầu- bị xử giảo – tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống.hoặc Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì – phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao. Đây chúng con nghe câu chuyện về việc bị xử bá đao của Cha Cố Du:
Ngày 30-11-1835 họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử Ngài.
Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.
Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.
Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ.
Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết.
Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.
Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất – một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông – rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30-11-1835
Cha chết rồi bọn lính chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích”
II. Bài học.
Bàn về cái chết của Gandhi một con người mà người dân Ấn độ lúc nào cũng kính trọng và coi ông như một vị thánh nhà văn hào Tagore đã viết: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn phải nhớ tới thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”
1. Bài học thứ 1: Giá trị của niềm tin.
Đức tin là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không ý thức được giá trị của nó. Phải ở trong những hoàn cảnh Đức tin bị đe dọa con người mới thấy được Đức tin có một giá trị to lớn như thế nào.
Phaolô Mợi bị bắt bị đem ra xử.
Quan nói với Anh: “Anh đạp lên ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.
Phaolô Mợi không trả lời.
Quan nói tiếp: “ Vậy thì một nén vàng.”
+ Dạ bẩm quan chưa đủ.
– Vậy anh muốn bao nhiêu ?
+ Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khoá thì quan lớn phải cho tôi đủ vàng bạc để tôi mua được một Linh hồn khác! Vâng làm sao mà có đủ vàng bạc để mua được một linh hồn!
2. Bài học về lòng trung thành.
Trong một bài diễn văn Hitler đã tuyên bố một câu làm nức lòng các chiến sĩ của ông. Ông nói: “Thế giới này sẽ thuộc về những kẻ gan dạ”
Nietszche: “Lao công của các bạn là chiến đấu. Hòa bình của các bạn là chiến thắng”
Victor Hugo: “Đồi Calvaire ở đầu đường và hào quang cũng xuất hiện ở đó”
Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần tuyên bố: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy”
Còn Nguyên văn Lựu thì nói: “Đạo đã nhập vào xương vào tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được “
Để trung thành với Chúa, các ngài đã vứt bỏ nhà cửa ruộng đất, bồng bế con cái cháu chắt chạy trốn lên nơi rừng sâu nước độc, sống cô quạnh hiểm nguy.
Để trung thành với Chúa, các ngài đã sống bập bềnh trên những con thuyền tạm bợ, lẩn lút dọc bờ sông ven biển, nhịn đói nhịn khát, bơ vơ không biết nương tựa vào đâu.
Để trung thành với Chúa, các ngài đã đành lòng chịu tịch thu gia sản, chịu cảnh phân sáp dã man, cha mẹ phải lìa xa con cái, vợ chồng không được sum họp với nhau, gia đình phải tan nát đau thương.
Để trung thành với Chúa, các ngài đã vui lòng chịu những hình khổ bạo tàn độc ác như bị cạo trọc đầu, bị kẹp các ngón tay cho ra máu, bị chặt đứt các ngón tay rồi bị thả về tàn tật, bị vấn dẻ vào đầu các ngón tay để bị đốt cháy, bị đánh bách trượng, bị xẻo bá đao, bị cắt hai tay, bị chặt chân chặt tay, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị khắc chữ Tả Đạo vào má, bị voi chà, bị treo ngược vào cột để xé xác ra làm sáu mãnh, bị gươm đâm thâu hông, bị thả vào vạc dầu sôi, bị mang gông phơi nắng nhiều ngày, bị giam chết đói chết khát, v.v.
Sẽ không có vinh quang cho nhưng ai không chịu chiến đấu.
Sẽ chẳng có chiến thắng cho những ai không dám ra chiến trường.
Sẽ không có phần thưởng cho những ai không chịu hy sinh vì chính nghĩa Nước trời.
Tranh tô màu – Chúa nhật XXXIII Thường niên – Năm A
Bài Ðọc I: Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31
“Nàng cần mẫn dùng tay làm việc”.
Trích sách Châm Ngôn.
Ai tìm được một người vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.
Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng cho nàng hoa quả do tay mình làm ra, và sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại các cửa thành.
Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 1-6
“Ngày của Chúa bắt chợt anh em như kẻ trộm”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.
Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.
Phúc Âm: Mt 25, 14-30
“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.
“Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.
“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 33 Thường niên năm A
Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Phúc Âm Mt 25, 14-30
“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”
Dụ ngôn những nén bạc Tin Mừng trưng ra hôm nay, giúp ta suy nghĩ rất nhiều về ân sủng nhưng không Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Khả năng, tài trí và vật chất, Chúa trao ban cho con người để con người sinh lời cho Thiên Chúa.
Dụ ngôn làm sáng tỏ cuộc đời của mỗi người. Các nén bạc tức các ơn huệ không là của ta. Chúa trao cho Ta để ta sinh lời ra và làm cho nhiều người được hưởng ơn ích do hoa quả ta làm ra. Chúa đổ vào tâm hồn ta những khả năng, tài trí để ta sinh lời ra để ta làm ích lợi cho ta và cho nhiều người. Chúa vẫn muốn ta phải sinh hoa kết quả. Chúa vẫn muốn ta phải sinh lời khi ta lãnh nhận quá nhiều ơn huệ nhưng không của Chúa.
Như năm cô trinh nữ khôn ngoan, Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có thái độ tỉnh thức và cầu nguyện. Chúa muốn chúng ta phải luôn sẵn sàng phục vụ cho Nước Trời, cho Giáo Hội, cho con người. Như các thánh tử đạo Việt Nam mà Giáo Hội dành riêng cho Giáo Hội Việt Nam mừng kính hôm nay. Mỗi người Kitô hữu phải mau mắn, nhanh nhẹn và tỉnh thức để làm chứng cho Chúa Kitô dẫu có phải hy sinh tính mạng:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của kẻ hiến mạng sống vì người mình yêu “( Ga 15,13 )
Chúa Giêsu đã hiến mạng sống trên thập giá vì phần rỗi của con người. Chúa nói:” tốt lắm, hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi coi sóc những việc lớn, hãy đến hưởng sự vui mừng với chủ ngươi”.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh