Thiếu Nhi Sống Lời Chúa tuần Chúa Nhật Phục Sinh năm C 20/04/2025

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm C

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng:  Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô Phục Sinh để trở nên nguồn sống mới. Nhờ Người mà chúng ta được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong tâm tình cảm tạ, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

1. “Ông đã thấy và đã tin”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, có được kinh nghiệm gặp gỡ thân tình với Đấng Phục Sinh, để đời sống thánh thiện và vui tươi của các ngài, là lời chứng sống động cho nhiều người tin nhận Chúa.

2. “Ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi dân tộc và mọi quốc gia trên thế giới, biết mở lòng đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, và tin nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ gian trần.

3. “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã đi đến mộ”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu, biết siêng năng đến với Chúa qua các bí tích, để cảm nhận được niềm vui và sự bình an vì có Chúa ở cùng.

4. “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn, nhận ra sự hiện diện của Chúa, để luôn hân hoan sống niềm tin vào Đấng Phục Sinh.

Chủ tế: Lạy Chúa, Con Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin biến đổi chúng con trở nên những nhân chứng hăng say loan báo Tin Mừng Phục Sinh giữa lòng thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Chia sẻ Lời Chúa – Thánh lễ Vọng Phục Sinh

Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết

“Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ”

Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay, cộng đoàn chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Phục Sinh. Đó là niềm vui mừng và hoan lạc không chỉ cho chúng ta là những người có niềm tin, mà còn cho toàn thể nhân loại. Quả vậy, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì niềm tin của chúng ta trở nên vô ích. Và chúng ta là người dại dột hơn ai hết vì chúng ta tin vào một chuyện hão huyền”. Thế nhưng, sự thật là Đức Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết.

Đức Kitô sống lại, trước tiên là một tin vui cho toàn thể địa cầu.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhìn sự kiện Chúa Giêsu phục sinh như một cuộc tạo thành mới. Bài trích sách Sáng Thế kể về trình thuật Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật, trong đó có con người chúng ta. Với công trình tạo dựng ấy, Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Thế nhưng, chúng ta biết rằng, tình trạng tốt đẹp đó đã bị phá hỏng bởi ông bà Nguyên Tổ đã nghe theo lời ma quỷ mà phạm tội bất tuân, chống lại Thiên Chúa. Tội lỗi ban đầu đó đã khiến cho đau khổ và sự chết tràn vào thế gian. Ảnh hưởng của nó, không chỉ trên sự sống của con người, mà còn trên muôn loài, muôn vật. Như lời Thánh Phaolô: “Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22). Nhưng nhờ sự chết và sống lại của Đức Kitô, mà muôn loài được giải thoát khỏi vòng tội lỗi và sự chết. Không chỉ có thế, mà sự Phục sinh của Đức Kitô, còn mang đến cho nhân loại sự sống mới sung mãn hơn, tràn đầy hơn sự sống mà nhân loại đã có thuở ban đầu. Vậy nên, chúng ta mới hiểu được lý do tại sao trong đêm Vọng Phục Sinh này Giáo Hội lại ca lên: “Ôi ! tội A-dong thật là cần thiết, tội đã được tẩy xóa nhờ cái chết của Chúa Kitô. Ôi! tội hồng phúc, vì đã cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao sang”.

Đức Kitô sống lại mang đến cho đau khổ một ý nghĩa mới.

Đau khổ, thập giá, vốn là một sự xỉ nhục, nên không ai trong chúng ta thích đau khổ, và đặc biệt, không ai trong chúng ta muốn nói đến sự chết. Đau khổ vẫn mãi là một màu nhiệm, mãi mãi là một câu hỏi lớn của con người ở mọi thời đại, nếu những đau khổ đó không được giải đáp bằng sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Nhưng, Chúa Kitô đã sống lại thật rồi. Ngài đã đem theo những đau khổ của loài người qua bên kia bờ tuyệt vọng. Ngài đã làm cho những quằn quại đau thương của con người có một ý nghĩa mới. Nỗi đau đó, không trở nên vô ích, nhưng là nỗi đau của người mẹ đang sinh con, nỗi đau sẽ phát sinh sự sống mới, một niềm vui mới. Ngài đã làm cho cuộc sống trần gian không còn là một ảo tưởng, nhưng là một phản ảnh và là con đường đưa tới cuộc sống vĩnh cửu.

Đức Kitô sống lại, mang đến cho chúng ta niềm hy vọng thân xác chúng ta, một ngày kia sẽ được sống lại với Chúa.

Quả vậy, Đức Kitô chính là Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc là toàn thể nhân loại chúng ta. Ngài đã sống lại và đi vào cõi vinh quang bất diệt. Ngài đã mở đường cho chúng ta từ cõi chết dẫn vào trong cõi sống muôn đời. Từ nay, thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là dấu hiệu của vinh quang. Chúa Kitô đã sống lại, cái chết của con người không còn là đường cùng, là ngõ cụt, vì ánh sáng của Chúa Kitô đã bừng lên trong đêm tối, đã chiếu sáng ở cuối con đường hầm. Chúa Kitô đã sống lại, niềm hy vọng Phục Sinh của thân xác chúng ta không phải là hão huyền, vì Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài đang điều khiển dòng lịch sử và khi Ngài xuất hiện trong vinh quang, thì chúng ta cũng được xuất hiện trong vinh quang cùng với Ngài.

Người tín hữu sống niềm tin vào Chúa phục sinh như thế nào?

Chúa Kitô đã Phục Sinh, Ngài đang sống trong vinh quang của Chúa Cha. Niềm tin đó, giúp chúng ta đón nhận cuộc đời, kể cả đau khổ và cái chết, một cách tích cực, chủ động và vui tươi. Đau khổ, đối với chúng ta, không còn là điều phi lý nữa, bởi vì thập giá đã được đưa vào vinh quang Phục Sinh. Cuộc sống này, không còn gì là tuyệt đối bi đát, tuyệt đối hư hỏng, vì từ cái chết, Thiên Chúa đã làm phát sinh sự sống trong Chúa Kitô. Nếu chúng ta đã tin vào sự Phục Sinh, vào chiến thắng chung quyết của Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ không còn lo âu buồn phiền, không còn sống ích kỷ hẹp hòi, mà dám từ bỏ, hy sinh, xả thân, liều mạng vì sự sống và hạnh phúc của mọi người. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ hướng tới ngày mai, hướng tới sự sống bên kia thế giới, hay hướng tới thiên đàng đã được hứa ban, nhưng còn hướng chúng ta tới cuộc sống hiện tại, tức là hôm nay và ngay lúc này.

Đã có bao nhiêu lễ Phục Sinh đến rồi đi qua, nhưng thử hỏi, điều đó có giúp ích gì cho cuộc sống của tôi hôm nay? Nhiều người tự nhủ, Chúa sống lại ư! điều đó có can hệ gì đến tôi? Mừng lễ thì mừng vậy, chứ thay đổi đời sống của tôi thì còn phải xem xem đã!!! Xin Chúa đừng quấy rầy tôi, xin đừng đụng chạm đến cuộc sống riêng tư của tôi!!! Với những quan niệm và cách nhìn như vậy, đã khiến không ít người trong chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội hoán cải trong cuộc đời. Vâng, việc mừng lễ Đức Kitô sống lại sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu chúng ta không biết thay đổi đời sống mình cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội mời gọi chúng ta cũng biết chết đi cho con người cũ là những tính mê nết xấu; là sự ghen ghét, đố kị; là sự gian tham, lọc lừa… để sống lại cho con người mới trong Chúa Kitô là sự yêu thương, bao dung; là sự trung thực, ngay thẳng… Chỉ có như vậy, việc chúng ta mừng lễ Phục Sinh mới thực sự có ý nghĩa và mang lại cho chúng ta niềm hy vọng được Phục Sinh với Chúa.

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Phục sinh

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? 6 Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi.

Chúng con thân mến!

Hôm nay chúng ta mừng lễ gì chúng con?

– Lễ Phục sinh!

– Phục sinh là thế nào nhỉ?

– Phục sinh là chết rồi sống lại.

– Chúng con đã thấy người nào chết rồi sống lại chưa?

– Chưa thấy bao giờ.

– Cha cũng chưa thấy nhưng đọc trong Tin Mừng cha có thấy. Đố chúng con biết câu chuyện của ai đó?

-……của con gái ông Giarô, của con trai bà góa thành Naim và đặc biệt là của Lazaro.

– Giỏi! Chúng con giỏi.

– Bạn nào kể sơ cho cha biết về ba câu chuyện này xem nào.

Một là chuyện của người con gái ông Giarô. Ông Giarô là ông trưởng hội đường của người Do thái. Con gái ông mới chết. Ông Giarô không biết làm sao cho con ông sống lại. Ông nghĩ đến Chúa. Ông tin là chỉ có Chúa mới có thể giúp ông. Ông tìm đến với Chúa và quả thực ông đã được Chúa giúp. Con gái ông được sống lại. Thật là không còn gì vui hơn!

Chuyện thứ hai là chuyện người thanh niên con trai của một bà góa thành Naim. Cậu ta đã chết được mấy ngày rồi. Hôm đó người ta đem cậu đi chôn. Trên đường đi, họ may mắn gặp Chúa Giêsu. Nhìn cảnh đau thương của người mẹ mất con, Chúa thương quá. Chúa cho dừng đoàn người đang tiễn đưa người thanh niên đi chôn lại. Tự ý Chúa làm điều này chứ chẳng có ai xin Chúa. Khi đoàn người đã dừng lại, Chúa đến bên nói với người thanh niên đã chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (Lc 7,15). Lạ thật chỉ bằng một Lời của Chúa vậy mà người đã chết đang được người ta đem đi chôn được sống lại. Chẳng cần nói nhiều chúng ta cũng biết người mẹ của người thanh niên đó vui mừng đến thế nào.

Và cuối cùng mới là chuyện đáng nói. Lazaro là người em của hai bà chị Matta và Maria. Ba chị em chưa ai lập gia đình. Chúa Giêsu rất thân với gia đình này. Mỗi khi có dịp lên Giêrusalem, Chúa Giêsu thường nghe thăm gia đình này. Giữa Chúa Giêsu và gia đình này có một sự thân tình hiếm có.

Anh Lazarô còn trẻ nhưng không biết lý do tại sao anh chết. Lúc anh chết thì Chúa ở xa. Lạ thật chẳng ai báo tin mà Chúa biết. Chúa nói với các tông đồ: “Lazarô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy dậy”(Ga 11,12), và Tin Mừng thánh Gioan ghi: “Đức Giêsu nói về cái chết của anh Ladarô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường”. Bấy giờ Người mới nói rõ: “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy” (Ga 11,13-14).

Khi tới nơi Chúa hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Và Tin Mừng ghi: “Đức Giê-su liền khóc”. Chúa Giêsu khóc chúng con ạ! Chứng kiến việc Chúa khóc người Do thái đã phải thốt lên: “Kìa xem! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!” Chúa thương Lazarô thật, thương đến nỗi xúc động mà khóc lên được.

Rồi sau Tin Mừng bảo Chúa đi tới mộ. Ngôi của người Do thái không giống mộ bên chúng ta. Ngôi  mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đứng trước ngôi mộ của Lazarô Chúa ra lệnh: “Đem phiến đá này đi”. Lệnh truyền của Chúa khiến chính cô Matta cũng phải sợ. Cô nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Một người đã chết, đã chôn trong mộ 4 ngày. Nói một cách dễ hiểu: đã bắt đầu “thối rồi”. Một người như thế làm sao có thể làm được gì nữa. Vậy mà Chúa đứng trước mộ ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con nói để họ tin là Cha đã sai con”. Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.

Có lạ không chúng con? Chúa đã cho một người chết đã được bốn ngày sống lại. Chỉ có Chúa mới làm được như thế.

Bây giờ cha hỏi chúng con, các phép lạ trên Chúa làm để làm gì? Theo cha thì Chúa làm là để chuẩn bị cho mọi người đón nhận việc Chúa Phục sinh dễ dàng hơn. Việc Chúa cho con người được phục sinh và việc chính Chúa tự mình phục sinh cả hai đều có chung một kết quả. Chỉ khác có một điều một đàng là do Chúa làm và một đàng là chính Chúa tự làm cho mình. Điều đó chẳng có gì khó hiểu nếu chúng ta tin vào quyền năng của Chúa.

Nói tới đây cha nhớ tới một câu chuyện rất cảm động đã xảy ra hồi thế chiến thứ hai tại Liên Xô.

Một người đàn bà bị bắt làm tù nhân trong một trại giam tại Liên Xô cũ. Chính bà kể lại câu chuyện mà bà đã mắt thấy tai nghe, để mọi người tin vào sức mạnh của mầu nhiệm phục sinh của Chúa.

Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi đã kề miệng vào tai tôi hỏi khẽ:

– Chị biết hôm nay là ngày gì không?

Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp:

– Hôm nay là ngày lễ Phục sinh.

Nghe thế tôi tự hỏi:

– Lễ Phục sinh đã đến rồi sao? Lễ của niềm vui và của hy vọng, nhưng trong tù niềm vui của chúng tôi đã héo úa, khô cằn, còn niềm hy vọng thì ta để lại trong lòng và không dám suy nghĩ tiếp.

Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề:

– Đức Kitô đã sống lại!

Tôi quay lại nhìn mặt cô gái vừa cất tiếng tuyên xưng đức tin và bắt gặp đôi mắt cô ánh lên sự lung linh huyền diệu. Cùng lúc ấy, từ mọi phía của các phòng giam khác vang lên câu trả lời:

– Ngài đã sống lại thật.

Quá sửng sốt, các nhân viên trại giam đứng bất động như tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí họ đang giận dữ lên án một việc chưa bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến phòng giam của chúng tôi, rồi phòng bị mở tung cửa, hai nhân viên hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan đó, và hùng hổ túm lấy cô gái lôi sền sệt ra khỏi phòng.

Qua tuần lễ Phục sinh, họ giam riêng cô vào phòng không có lò sưởi để qua cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ một con người mà họ cho là cuồng tín sẽ phải gục ngã.

Một tuần sau, cô gái được trả lại phòng giam chung với chúng tôi. Mặt cô xanh xao, người cô gầy đi thấy rõ. Sau khi nằm yên tại một góc phòng, cô gái khều bọn tôi lại, và thều thào:

– Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục sinh trong trại giam, những cái khác không quan trọng gì cho lắm.

Nói xong, cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn ánh lên như dạo nào.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho chúng con được can đảm sống cuộc đời tràn đầy ánh sáng Phục sinh của Chúa. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Phục sinh

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Phục sinh

Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi, ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để đó.

1.  Đọc Luca 8,1-3; 23,49.55; 24,1-11.22-24. Bạn nghĩ gì về các phụ nữ vùng Galilê đã đi theo Đức Giêsu?

2.  Tại sao các bà đợi sáng ngày thứ nhất mới ra viếng mộ ? Họ ra viếng mộ để làm gì? Đọc Lc 23,56; 24,1.

3.  Điều gì đã xảy ra khiến họ hoang mang? Đọc Lc 23, 55; 24,3-4; 24,23.

4.  Hai người đàn ông họ thấy trong mộ là ai ? Đọc Lc 24,23. Tại sao hai người này không có cánh? Đọc Isaia 6,2; Sáng thế 18,2; 19,1-3. Y phục của họ giống y phục của ai? Đọc Lc 9,29. Nhiệm vụ của họ là gì?

5.  Trong Tin Mừng Luca, bạn thấy các thiên sứ hay thiên thần đã xuất hiện vào những lúc nào trong đời Đức Giêsu?

6.  Đọc Lc 9,18-22.44-45; 18,31-33. Đây là ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Theo bạn, các bà có được nghe những lời tiên báo này không?

7.  Đọc Lc 24,6-8. Theo bạn, các bà có được nghe những lời tiên báo này không? Tại sao họ nghe được?

8.  Đọc Lc 24,9-10. Các bà loan báo những sự việc gì cho Nhóm Mười Một tông đồ?

9.  Đọc Luca 24,11.23. Tại sao các ông không tin? Đọc Luca 24,12. Phêrô ra tận mộ để kiểm chứng. Ông đã thấy và kinh ngạc (thaumazôn) trở về. Phêrô có tin Chúa đã phục sinh không? Đọc Lc 1,21.63; 2,18.33; 4,22; 8,25; 11,14; 20,26.

CÂU HỎI SUY NIỆM: Biến cố Chúa Giêsu phục sinh đã ảnh hưởng lớn lao trên cuộc đời của các môn đệ theo Chúa, cả nam lẫn nữ. Bạn đã mừng lễ Phục sinh nhiều lần, nhưng niềm tin vào Chúa phục sinh có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của bạn?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Luca 8,1-3 cho thấy cùng đi loan báo Tin Mừng với Đức Giêsu và các môn đệ, có “các phụ nữ đến từ vùng Galilê.” Các phụ nữ ở Lc 8,2-3 cũng là những phụ nữ ở Lc 24,10. Họ đã chứng kiến Đức Giêsu chịu đóng đinh và được chôn táng (Lc 23,49.55). Họ cũng là những người đầu tiên ra thăm mộ Đức Giêsu (Lc 24,1-11.22-24). Họ được các môn đệ nhìn nhận như “những phụ nữ trong nhóm chúng tôi” (Lc 24,22). Nói chung đây là những phụ nữ có lòng yêu mến Đức Giêsu đặc biệt, đã đi theo và trợ giúp Ngài trong việc rao giảng.
  2. Sau khi nhìn kỹ xem cách đặt thi hài Đức Giêsu trong mộ, các phụ nữ đã trở về nhà để chuẩn bị hương liệu và dầu thơm nhằm xức xác Chúa (Lc 23,55-56). Điều đó cho thấy xác Chúa được chôn hơi vội vàng. Nhưng hôm sau lại nhằm ngày sa-bát, không được phép đi bộ quá khoảng một cây số, nên các bà phải đợi thêm một ngày nữa. Đến tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần họ mới ra thăm mộ cùng với hương liệu (Lc 24,1).
  3. Các phụ nữ đã chứng kiến thi hài Đức Giêsu được chôn táng trong mộ vào chiều ngày thứ sáu (Lc 23,55). Khi ra thăm mộ vào sáng ngày thứ nhất (Chúa nhật), họ hết sức hoang mang vì thi hài Thầy không còn đó (Lc 24,3-4; 24,23).
  4. Các bà thấy hai người đàn ông với y phục sáng chói đứng bên họ (Lc 24,4). Họ coi hai vị này là các thiên thần hay thiên sứ (Lc 24,23), dù không có cánh như ta quen nghĩ. Thật ra chỉ có các thiên thần Seraphim mới có 6 cánh (Is 6,2). Các thiên thần thường có dáng vẻ giống con người (Sáng thế 18,2; 19,1-3). Y phục của hai vị thiên thần “sáng chói” trong bóng tối của ngôi mộ. Y phục này cũng giống y phục của Đức Giêsu lúc được hiển dung (Lc 9,29). Cả hai vị thiên thần này có nhiệm vụ giải thích cho các bà về việc tại sao xác Đức Giêsu không còn nằm trong mộ. Cả hai vị cùng làm chứng, nên lời chứng của họ đủ điều kiện để được coi là xác thực.
  5. Trong Tin Mừng Luca, các vị thiên sứ hay thiên thần xuất hiện nhiều lần. Thiên sứ Gabrien truyền tin cho ông Giacaria và cho Đức Maria (Lc 1,19.26). Một thiên sứ của Chúa (Lc 2,9) và một đạo binh thiên sứ (Lc 2,15) lúc Đức Giêsu sinh ra. Một thiên sứ từ trời trên núi Ô-liu (Lc 22,43). Hai thiên sứ đứng trong mộ trống (Lc 24,23).
  6. Đức Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn của mình ba lần (Lc 9,18-22.44-45; 18,31-33). Ngài tiên báo cho các môn đệ (Lc 9,18.43), cho “các ông” (ở giống đực số nhiều). Đặc biệt ở lần thứ ba (Lc 18,31), Đức Giêsu chỉ nói riêng với Nhóm Mười Hai về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình. Bởi đó hầu chắc các phụ nữ đi theo Đức Giêsu đã không được trực tiếp nghe các lời tiên báo này từ miệng Ngài.
  7. Tuy nhiên khi đọc Lc 24,6, ta lại thấy các thiên sứ nói : “Các bà hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê” về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Vậy có thể hiểu là sau khi nghe Đức Giêsu tiên báo về số phận tương lai của mình, các môn đệ đã chia sẻ lại cho các phụ nữ mà họ coi như “những người trong nhóm.” Bởi đó, các phụ nữ này cũng được coi như đã nghe về cuộc Khổ nạn từ chính Đức Giêsu. Sau khi nghe lời hai vị thiên sứ nói thì các bà nhớ lại (Lc 24,8).Sau này Đức Giêsu cũng giúp cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ khác nhớ lại điều Ngài đã nói (Lc 24,44-45).
  8. Sau khi nhớ lại lời tiên báo của Đức Giêsu, các bà đã đi báo cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả chuyện đã xảy ra với họ ngoài mộ lúc sáng sớm (Lc 24,9-10), trong đó có những chuyện quan trọng như sau: thi hài Đức Giêsu không còn ở đó nữa, có hai vị thiên sứ báo tin mừng về việc Đức Giêsu đã được trỗi dậy rồi, Ngài đã sống lại và đang sống (Lc 24,3-7). Các bà đã tin vào lời các vị thiên sứ, khác với các ông (Lc 24,11.24).
  9. Các Tông đồ không tin câu chuyện do các bà kể (Lc 24,11.23) vì họ đánh giá thấp lời làm chứng của các phụ nữ. Họ coi đó là chuyện vớ vẩn. Sau đó Phêrô đã chạy ra mộ để kiểm chứng. Khi không thấy xác Thầy mà chỉ thấy những băng vải liệm còn để lại, ông kinh ngạc trước những điều lạ lùng đó. Kinh ngạc đôi khi có nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng Luca (Lc 11,38; x. Cv 13,41), nhưng đa phần mang nghĩa tích cực (Đọc Lc 1,21.63; 2,18.33; 4,22; 8,25; 11,14; 20,26). Tuy nhiên, Phêrô chỉ kinh ngạc chứ không đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho các anh em khác.

Có thể nói ông vẫn chưa tin lắm và cần được chính Đấng phục sinh hiện ra nâng đỡ đức tin (x. Lc 24,34.36-48).

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật Phục sinh

http://www.gioitre-tnttgptb.org/thanh-kinh-bang-hinh-chua-nhat-phuc-sinh

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật Phục sinh

Phúc Âm Ga 20, 1-9
“Ông đã thấy và đã tin”

Khi hai môn đệ Chúa là ông Phê-rô và Gio-an nghe bà Ma-ri-a kể lại và chạy đến mộ, hai ông đã nhận ra những dấu vết cho thấy đã xảy ra chuyện gì bất thường.  Các băng vải quấn xác người chết được vứt lại ở đó, còn tấm khăn che mặt người chết thì được cuốn lại và để riêng ra một chỗ.  Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là những gì các ông thấy trước mắt, mà là một thực tại siêu nhiên các ông sẽ khám phá được ở đằng sau những dấu vết ấy.  Thánh sử Gio-an đã mô tả việc khám phá thực tại này bằng một câu thật ngắn gọn, nhưng cũng vô cùng sâu sắc và phong phú.  Ngài viết:  “Ông đã thấy và đã tin.”

Ông Gio-an đã di chuyển từ chỗ ông không biết và nghi ngờ đến chỗ ông hiểu biết và tin.  Vậy thì bước nhảy vọt của đức tin ấy nảy sinh từ đâu?  Chính là do lòng mến của ông đối với Chúa Giê-su.  Lòng mến đã giúp cho ông Gio-an chấp nhận những gì Chúa Giê-su nói trước kia và bây giờ ông nhớ lại.  Chúa đã giảng cho ông và các bạn nghe về hình ảnh hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi mới nảy mầm và sinh được nhiều hạt khác.  Chúa đã nói với ông và các bạn:  “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.”  Rồi sau biến cố cho La-da-rô sống lại, Chúa đã tuyên bố:  “Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy thì sẽ được sống muôn đời.”   Vậy động lực của lòng yêu mến đã giúp cho bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na không sợ hãi đi đến mộ từ sáng sớm, đã giúp cho ông Phê-rô bước thẳng vào trong mộ mà không ngần ngại, và nhất là đã giúp cho ông Gio-an nhớ lại cũng như chấp nhận tất cả những lời giảng của Chúa Giê-su để nhờ đó ông khám phá ra thực tại Phục Sinh.

Tin vào sự Sống lại của Chúa không chỉ là điều trân trọng giữ cho riêng mình mà thôi, nhưng phải được đem đi chia sẻ cho người khác, phải biến người môn đệ Chúa thành những người làm chứng cho sự Sống lại ấy.  Ông Phê-rô và các tông đồ đã rao giảng Chúa sống lại.  Ông Phao-lô đã vượt hằng ngàn dặm để công bố Tin Mừng Phục Sinh cho dân ngoại.

Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh

Trò chơi ô chữ – Chúa nhật Phục sinh – Năm C

MẪU 1 – NĂM 2025

TẢI VỀ FILE TRÌNH CHIẾU

MẪU 2 – NĂM 2025

TẢI VỀ FILE PDF

MẪU 3 – NĂM 2022

TẢI VỀ FILE PDF

MẪU 4 – NĂM 2022

TẢI VỀ FILE PDF

MẪU 5 – NĂM 2022

TẢI VỀ FILE PDF