Tin Giáo Hội Hoàn Vũ 18.05.2023 Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 109 năm 2023

Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 109 năm 2023 – Tự do chọn lựa di cư hay ở lại

Hôm 11.05.2023, Toà thánh đã cho công bố Sứ điệp nhân ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2023 với chủ đề “Tự do chọn lựa di cư hay ở lại”. Năm nay, ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 109 sẽ được cử hành vào Chúa nhật ngày 24.09.

Dưới đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN

LẦN THỨ 109 NĂM 2023
(Chúa nhật, 24.09.2023)

“Tự do chọn lựa di cư hay ở lại”

Anh chị em thân mến!

Các làn sóng di cư của thời đại chúng ta là biểu hiện của một hiện tượng phức tạp và đa dạng, để hiểu được hiện tượng này, đòi phải phân tích cẩn thận tất cả các khía cạnh đặc trưng của những giai đoạn khác nhau của trải nghiệm di cư, từ khi khởi hành cho đến khi tới nơi, kể cả khả năng quay trở về. Nhằm góp phần vào nỗ lực diễn giải thực tại này, tôi quyết định dành Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn Thế giới lần thứ 109 để nói về quyền tự do, vốn luôn là đặc điểm của sự lựa chọn rời bỏ quê hương của bất cứ ai.

Tự do ra đi, tự do ở lại” là tiêu đề của một sáng kiến liên đới được Hội đồng Giám mục Ý đề xướng cách đây vài năm như một phản ứng cụ thể đối với những thách thức do các phong trào di cư đương thời đặt ra. Từ việc chăm chú lắng nghe các Giáo hội địa phương, tôi nhận thấy rằng việc đảm bảo quyền tự do này trở thành một mối quan tâm mục vụ phổ biến được chia sẻ rộng rãi.

Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13). Cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai Cập không phải là kết quả của một chọn lựa tự do, cũng không giống như nhiều cuộc di cư đã đánh dấu lịch sử của dân tộc Israel. Quyết định di cư phải luôn là một lựa chọn tự do, nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, ngay cả trong thời đại của chúng ta, không phải như vậy. Xung đột, thiên tai, hoặc đơn giản hơn là không thể sống một cuộc sống đàng hoàng và thịnh vượng trên chính quê hương đang buộc hàng triệu người phải rời đi. Ngay từ năm 2003, Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng “đối với những người di cư và tị nạn, việc tạo ra các điều kiện hòa bình cụ thể có nghĩa là cam kết một cách nghiêm túc bảo vệ trước hết quyền không di cư, nghĩa là quyền được sống trong hòa bình và nhân phẩm ngay tại quê hương mình” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di cư và Tị nạn lần thứ 90, 3).

Họ đem theo các đàn vật của họ và các tài sản họ đã gây được ở đất Canaan, và họ đến Ai Cập, ông Giacóp và tất cả dòng dõi ông cùng với ông” (St 46, 6). Chính vì nạn đói nghiêm trọng mà Gia-cóp và cả gia đình buộc phải lánh nạn ở Ai Cập, nơi con trai ông là Giuse đảm bảo sự sống còn của họ. Các cuộc đàn áp, chiến tranh, hiện tượng khí quyển và nghèo đói cùng cực là những nguyên nhân rõ ràng nhất dẫn đến tình trạng di cư bắt buộc hiện nay. Những người di cư chạy trốn vì đói nghèo, sợ hãi, hoặc tuyệt vọng. Để loại bỏ những nguyên nhân này và chấm dứt tình trạng di cư bắt buộc, cần phải có sự dấn thân chung của tất cả mọi người, tùy theo trách nhiệm của mình. Sự dấn thân này bắt đầu bằng việc tự vấn liệu chúng ta có thể làm gì, cũng như chúng ta cần ngừng làm những gì. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang, chủ nghĩa thực dân kinh tế, chiếm đoạt tài nguyên của người khác, và sự tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta.

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2, 44-45). Lý tưởng về cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi dường như quá xa vời với thực tế ngày nay! Để việc di cư trở thành một lựa chọn thực sự tự do, cần phải cố gắng đảm bảo cho mọi người được chia sẻ sự bình đẳng về công ích, tôn trọng các quyền cơ bản, và tiếp cận với sự phát triển con người toàn diện. Chỉ bằng cách này mới có thể mang lại cho mỗi người cơ hội được sống xứng nhân phẩm và viên mãn, dù là cá nhân hoặc như một gia đình. Rõ ràng là trách nhiệm chính thuộc về các quốc gia nguyên quán và các nhà lãnh đạo của họ, được kêu gọi thực hiện một chính sách tốt –minh bạch, trung thực, có tầm nhìn xa, và phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Đồng thời, họ phải được trao quyền để làm việc này mà không bị tước đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực, cũng như không có sự can thiệp từ bên ngoài nhằm phục vụ lợi ích của một số ít người. Trong trường hợp hoàn cảnh cho phép lựa chọn di cư hay ở lại, thì cũng phải đảm bảo rằng lựa chọn đó được cung cấp đầy đủ thông tin và được cân nhắc cẩn thận, để ngăn chặn việc rất nhiều người nam, nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của những ảo tưởng nguy hiểm hoặc của những kẻ buôn người vô đạo đức.

Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình” (Lv 25, 13). Đối với người dân Israel, việc cử hành Năm Thánh tiêu biểu cho một hành động công lý tập thể: “Mọi người được phép trở lại tình trạng ban đầu của họ, với việc xóa bỏ mọi khoản nợ, phục hồi đất đai và khả năng một lần nữa được hưởng sự tự do vốn dành cho các thành phần của Dân Chúa” (Bài Giáo Lý, 10. 02. 2016). Khi bước đến gần Năm Thánh 2025, chúng ta cần ghi nhớ khía cạnh này của việc cử hành Năm Thánh. Mỗi quốc gia riêng lẻ và cộng đồng quốc tế cần có những nỗ lực chung để đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng quyền không buộc phải di cư, có nghĩa là, mỗi người có cơ hội được sống trong hòa bình và với nhân phẩm trên chính đất nước của mình. Quyền này vẫn chưa được hệ thống hóa, nhưng nó có tầm quan trọng cơ bản, và việc bảo vệ quyền này phải được coi là trách nhiệm chung của mọi quốc gia đối với công ích vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Thật vậy, vì tài nguyên thế giới không phải là vô tận, nên sự phát triển của các nước nghèo hơn về kinh tế phụ thuộc vào khả năng chia sẻ được tạo ra giữa tất cả các quốc gia. Cho đến khi quyền này được đảm bảo – và đây là một tiến trình lâu dài – vẫn sẽ có nhiều người phải di cư để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25, 35-36). Những lời này được vang lên như không ngừng nhắc nhở chúng ta nhận ra nơi người di cư không chỉ đơn thuần là người anh chị em đang gặp khó khăn, mà là chính Đức Kitô, Đấng đang gõ cửa nhà chúng ta. Đây là lý do tại sao, khi làm việc để đảm bảo rằng trong mọi trường hợp, việc di cư là kết quả của một lựa chọn tự do, chúng ta được mời gọi thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với phẩm giá của mỗi người di cư; điều này đòi hỏi chúng ta phải đồng hành và quản lý các làn sóng di cư theo cách tốt nhất có thể, xây dựng những cây cầu chứ không phải những bức tường, mở rộng các kênh để di cư thường xuyên và an toàn. Tại bất cứ nơi nào chúng ta quyết định xây dựng tương lai của mình, nơi đất nước chúng ta sinh ra hoặc ở một nơi nào khác, điều quan trọng là ở đó luôn có một cộng đồng sẵn sàng chào đón, bảo vệ, ủng hộ, và hòa nhập tất cả mọi người, không phân biệt và không loại trừ bất kỳ ai.

Lộ trình Hiệp hành mà chúng ta thực hiện với tư cách là một Giáo hội dẫn chúng ta đến việc xem những người dễ bị tổn thương nhất – bao gồm nhiều người di cư và tị nạn – như những người bạn đồng hành đặc biệt trên lộ trình, những người mà chúng ta yêu thương và chăm sóc như anh chị em. Chỉ bằng cách cùng nhau bước đi, chúng ta mới có thể đi xa và đạt được mục tiêu chung trong hành trình của mình.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 5 năm 2023

PHANXICÔ

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha Toàn Năng,
xin ban cho chúng con ân sủng để làm việc không mệt mỏi
cho công lý, liên đới, và hòa bình,
để tất cả con cái Chúa có thể được hưởng
quyền tự do lựa chọn di cư hay ở lại. 

Xin ban cho chúng con sự can đảm để tố cáo
tất cả những nỗi kinh hoàng của thế giới,
và đấu tranh chống lại mọi bất công
làm biến dạng vẻ đẹp của con cái Chúa
và sự hòa hợp của ngôi nhà chung của chúng con. 

Xin phù trợ chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí Chúa,
để chúng con có thể phản ánh tình yêu dịu dàng của Chúa
cho mọi người di cư mà Chúa đặt trên lộ trình của chúng con,
và lan tỏa trong tâm hồn và trong mọi môi trường
văn hóa của sự gặp gỡ và chăm sóc.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (12. 5. 2023)

https://hddmvn.net/su-diep-ngay-the-gioi-di-dan-va-ti-nan-lan-thu-109-nam-2023-tu-do-chon-lua-di-cu-hay-o-lai/

ĐTC tiếp kiến chung 17/05/202: Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy Thánh Phanxicô Xaviê rao giảng về Chúa

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 17 tháng 5 năm 2023, Đức Thánh Cha đã trình bày mẫu gương nhiệt thành loan báo Tin Mừng của Thánh Phanxicô Xaviê. Ca ngợi “nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại”, Thánh Phanxicô Xaviê, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng tình yêu của Chúa Kitô đã thúc đẩy thánh nhân đến những nơi xa xôi nhất trên thế giới để truyền bá Tin Mừng.

Đức Thánh Cha nhận định rằng lòng nhiệt thành anh hùng của Thánh Phanxicô Xaviê đối với việc loan báo Tin Mừng là hoa trái của một đời sống cầu nguyện sâu xa và kết hợp chiêm niệm với Chúa. Ngài mong ước rằng gương sáng của thánh nhân truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để thăng tiến sứ mạng của Giáo hội, như những chứng nhân hân hoan của Tin Mừng cứu độ.

Như thường lệ, sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và sau lời chào phụng vụ, một đoạn Kinh Thánh, trích từ thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (2Cr 5,14-15.20), đã được đọc bằng một số ngôn ngữ: Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình… Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.

Một nhà truyền giáo vĩ đại khi ra đi truyền giáo

Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục hành trình các bài giáo lý của chúng ta với một số gương mẫu về lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta nhớ rằng chúng ta đang nói về việc loan báo Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ, rao giảng Danh Chúa Giêsu, và có nhiều câu chuyện về những người nam nữ đã là tấm gương của việc loan báo Tin Mừng. Ví dụ, hôm nay chúng ta chọn Thánh Phanxicô Xaviê, người được coi là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại. Nhưng chúng ta không thể nói ai là nhà truyền giáo vĩ đại nhất hay là nhà truyền giáo kém nhất… Có rất nhiều nhà truyền giáo âm thầm, ngay cả ngày nay, hoạt động nhiều hơn cả Thánh Phanxicô Xaviê. Và Xaviê là Bổn mạng của hoạt động truyền giáo, như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Nhưng một nhà truyền giáo vĩ đại khi ra đi truyền giáo. Và có rất nhiều linh mục, giáo dân, nữ tu đi truyền giáo… Ngay cả ở Ý. Ví dụ khi tôi gặp một linh mục ứng viên Giám mục đã truyền giáo 10 năm, ngài đã đi khỏi quê hương để rao giảng Tin Mừng. Đó là lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta hãy chiêm ngắm những nhà truyền giáo này và học theo gương của họ.

Được thúc đẩy bởi ước muốn mạnh mẽ là làm cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người được biết đến

Phanxicô sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng nghèo khó ở Navarre, miền bắc Tây Ban Nha, vào năm 1506. Ngài là một người trẻ thông minh, can đảm nhưng với tinh thần đời, đã theo học tại Đại học Paris. Ở đó ngài đã gặp Thánh Inhaxiô thành Loyola và thánh Inhaxiô đã giúp ngài linh thao và ngài đã thay đổi cuộc sống. Ngài đã từ bỏ danh vọng thế gian để trở thành nhà truyền giáo. Ngài gia nhập dòng tên và khấn dòng. Sau đó trở thành linh mục và đi rao giảng Tin Mừng, được sai đến phương Đông, đến một thế giới chưa được biết đến. Và ngài đã ra đi vì lòng tràn đầy nhiệt huyết tông đồ.

Như thế, người đầu tiên trong một nhóm đông đảo những nhà truyền giáo, những nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết của thời hiện đại, đã lên đường, sẵn sàng chịu đựng những khó khăn và nguy hiểm to lớn, để đến những vùng đất và gặp gỡ những người có nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, được thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất nhưng rất mạnh mẽ là làm cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người được biết đến.

Chỉ trong vòng hơn mười một năm, ngài sẽ thực hiện một công việc phi thường. Các chuyến hành trình thời đó rất vất vả và nguy hiểm. Nhiều người đã chết trên đường đi do đắm tàu ​​hoặc bệnh tật. Ngày nay, thật không may, chúng ta để họ chết ở Địa Trung hải. Xaviê đã ở trên tàu hơn ba năm rưỡi, một phần ba của toàn bộ thời gian ngài thực hiện sứ vụ. Ngài đã ở trên tàu 3,5 năm để đến Ấn Độ, rồi từ Ấn Độ đên Nhật Bản. Ngài di chuyển rất nhiều.

Chấp nhận những khó khăn thử thách

Đức Thánh Cha nói tiếp: Khi đến Goa, thuộc Ấn Độ, thủ phủ của Bồ Đào Nha Phương Đông, thủ đô văn hoá và thương mại, Thánh Xaviê đặt cơ sở ở đó, nhưng không dừng lại ở đó. Ngài đi truyền giáo cho những ngư dân nghèo ở bờ biển phía nam Ấn Độ, dạy giáo lý cho trẻ em và dạy cầu nguyện, rửa tội và chữa lành bệnh tật. Sau đó, trong một buổi cầu nguyện vào ban đêm cạnh mộ của Thánh Tông đồ Báctôlômêô, ngài cảm thấy mình phải đi xa hơn Ấn Độ. Ngài giao phó công việc đã được bắt đầu cho những người tốt lành và can đảm lên đường đến Molucca, những hòn đảo xa xôi nhất của quần đảo Indonesia. Đối với các nhà truyền giáo, không có chân trời, họ đi nữa và đi nữa… Các nhà truyền giáo này can đảm biết bao! Cả những nhà truyền giáo ngày nay cũng thế. Họ không đi trên tàu hàng tháng trời, họ đi bằng máy bay 24 tiếng và chính họ cũng phải đi hàng ngàn cây số, trong các khu rừng rậm. Và khi ở Molucca, ngài viết giáo lý bằng ngôn ngữ địa phương và dạy hát và bằng bài hát ngài đến với họ. Chúng ta hiểu được những tình cảm của ngài qua những lá thư của ngài. Ngài viết: “Những nguy hiểm và đau khổ, được đón nhận một cách tự nguyện và hoàn toàn vì tình yêu và phục vụ Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là những kho tàng phong phú chứa những sự an ủi tinh thần lớn lao. Ở đây trong vài năm nữa, chúng ta có thể bị mù mắt do khóc nhiều vì sung sướng!”(20/1/1548). Họ khóc vì hân hoan khi nhìn thấy hoạt động của Thiên Chúa.

Một ngày nọ, ở Ấn Độ, ngài gặp một người Nhật Bản, người này nói với ngài về đất nước xa xôi của ông ta, nơi chưa có nhà truyền giáo châu Âu nào đặt chân tới. Thánh Phanxicô Xaviê đã có sự thao thức tông đồ, đi xa hơn nữa và đã quyết định lên đường sớm bao nhiêu có thể. Ngài đã đến đó sau một hành trình phiêu lưu trên một chiếc thuyền nan của Trung Quốc. Ba năm ở Nhật Bản rất khó khăn do khí hậu, sự chống đối và thiếu hiểu biết về ngôn ngữ, nhưng ngay cả ở đây những hạt giống được gieo trồng cũng sẽ đơm hoa kết trái.

Mong muốn đến Trung Quốc

Tại Nhật Bản, Thánh Xaviê hiểu rằng quốc gia quyết định cho việc truyền giáo ở châu Á là một quốc gia khác: đó là Trung Quốc. Trên thực tế, với nền văn hóa, lịch sử, sức mạnh của mình, Trung Quốc đã thực hiện sự thống trị đối với khu vực đó của thế giới. Ngay cả ngày nay, Trung Quốc là một cực văn hóa, có một bề dày lịch sử, một trang sử xinh đẹp. Vì vậy, ngài quay trở lại Goa và ngay sau đó lại lên đường với hy vọng có thể vào Trung Quốc. Nhưng kế hoạch của ngài thất bại: ngài qua đời trên hòn đảo nhỏ ở Thượng Xuyên, ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, trong khi chờ đợi trong vô vọng để có thể cập bến vào đất liền gần Quảng Tây. Ngày 3 tháng 12 năm 1552, ngài qua đời trong sự cô đơn hoàn toàn, chỉ có một người Trung Quốc ở bên cạnh để trông chừng ngài. Cuộc hành trình trần thế của Thánh Phanxicô Xaviê đã kết thúc như thế. Ngài qua đời khi mới chỉ 46 tuổi, đã cống hiến cuộc đời cho việc truyền giáo, với lòng nhiệt thành. Ngài bắt đầu từ Tây Ban Nha, từ tất cả các nền văn hóa của nó, và đến quốc gia văn hóa nhất thế giới lúc bấy giờ, Trung Quốc, và qua đời trước khi vào Trung Quốc, bên cạnh là một người Trung Quốc. Tất cả là một biểu tượng.

Kết hiệp với Chúa và gần gũi người đau khổ

Và Đức Thánh Cha nhận định: Hoạt động hăng hái nhiệt thành của Thánh Phanxicô Xaviê luôn kết hợp với cầu nguyện, kết hợp với Chúa, thần bí và chiêm niệm. Ngài không bao giờ bỏ cầu nguyện bởi vì ngài biết từ đó ngài kín múc được sức mạnh. Dù ở đâu, ngài cũng tận tình chăm sóc người bệnh, người nghèo và trẻ em. Ngài không phải là một nhà truyền giáo “quý tộc”: ngài luôn đi với những người nghèo khó, những trẻ em cần được giáo dục nhất, cần được học giáo lý. Những người nghèo, người bệnh… Tình yêu của Chúa Kitô là sức mạnh đưa ngài đến những nơi xa nhất, với những gian nan và nguy hiểm liên tục, vượt qua những thất bại, thất vọng và ngã lòng, nhưng đã đem lại cho ngài niềm an ủi và niềm vui khi theo Chúa và phục vụ Người cho đến cùng.

Can đảm lên đường truyền giáo

Nhưng chính Thánh Phanxicô Xaviê đã làm điều vĩ đại này, trong sự nghèo khó và hết sức can đảm. Xin ngài ban cho chúng ta một chút lòng nhiệt thành này, lòng nhiệt thành để sống và loan báo Tin Mừng. Nhiều người trẻ, nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy điều gì đó… bất an… và không biết phải làm gì với sự bất an đó… Hãy chiêm ngắm Thánh Phanxicô Xaviê, hãy ngắm nhìn chân trời thế giới, hãy nhìn các dân tộc đang đau khổ, hãy nhìn những người đang đau khổ, nhiều người cần đến Chúa Giêsu. Và hãy ra đi, hãy can đảm. Ngay cả ngày nay cũng có những người trẻ dũng cảm. Tôi nghĩ đến nhiều nhà truyền giáo, ví dụ như ở Papua New Guinea, tôi đang nghĩ đến những người bạn của tôi, những người trẻ sống trong giáo phận Vanimo, và tất cả những người đã lên đường… những người trẻ, để truyền giáo trong hàng ngũ của Thánh Phanxicô Xaviê. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui loan báo Tin Mừng, niềm vui loan báo sứ điệp tốt lành, một sứ điệp làm cho chúng ta và mọi người hạnh phúc. Cảm ơn anh chị em!

Hồng Thủy – Vatican News

https://hddmvn.net/dtc-tiep-kien-chung-17-05-202-tinh-yeu-chua-kito-thuc-day-thanh-phanxico-xavie-rao-giang-ve-chua/

Kinh Truyền Tin với ĐTC14.05.2023: Thánh Thần – Đấng Bào Chữa

Kinh Truyền Tin với ĐTC14.05.2023: Thánh Thần – Đấng Bào Chữa

Trưa Chúa Nhật 14/5, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thành Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh về lời hứa của Chúa Giêsu khi sai Thánh Thần là Đấng Bào Chữa đến với các môn đệ.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Nhật VI Phục Sinh, nói với chúng ta về Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giêsu gọi là Đấng An Ủi (x. Ga 14,15-17). Paraclito là một từ gốc Hy Lạp, vừa có nghĩa là người an ủi và có nghĩa là người bào chữa. Nghĩa là, Chúa Thánh Thần không bỏ mặc chúng ta một mình, Người ở gần chúng ta, giống như một luật sư đứng bên cạnh giúp đỡ bị cáo. Và điều này cũng nói đến cách Người bảo vệ chúng ta khi đối diện với những kẻ cáo buộc. Hãy nhớ rằng kẻ cáo buộc lớn nhất là ma quỷ, kẻ làm cho anh phạm tội, kẻ muốn tội lỗi và điều xấu xa. Chúng ta hãy suy nghĩ về hai khía cạnh này: sự gần gũi của Người với chúng ta và sự giúp đỡ của Người chống lại những kẻ buộc tội chúng ta.

Sự gần gũi của Người: Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần “ở giữa anh em và ở trong anh em” (x. câu 17). Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúa Thánh Thần muốn ở với chúng ta: Người không phải là khách qua đường đến thăm xã giao chúng ta. Không. Người là một người bạn tâm giao, một sự hiện diện ổn định, Người là Thần Khí và mong muốn ngự trị trong thần khí của chúng ta. Người kiên nhẫn và ở bên chúng ta ngay cả khi chúng ta sa ngã. Người ở lại vì Người thực sự yêu chúng ta: Người không giả vờ yêu chúng ta và rồi bỏ mặc chúng ta trong khó khăn.

Thật vậy, nếu chúng ta gặp thử thách, thì Chúa Thánh Thần an ủi chúng ta, ban cho chúng ta ơn tha thứ và sức mạnh của Thiên Chúa. Và khi Người cho chúng ta thấy những lỗi lầm và sửa chữa chúng ta, Người làm điều đó một cách nhẹ nhàng: tiếng nói của Người ngỏ với trái tim luôn có dấu ấn của sự dịu dàng và hơi ấm của tình yêu. Dĩ nhiên, Thần Khí Bào Chữa cũng đòi hỏi, bởi vì Người là một người bạn đích thực, trung thành, không giấu giếm điều gì, Người gợi ý cho chúng ta những gì cần thay đổi và làm thế nào để phát triển. Nhưng khi Người sửa dạy chúng ta, Người không bao giờ làm cho chúng ta bẽ mặt và không bao giờ khiến chúng ta mất lòng tin; ngược lại, Người cho chúng ta sự chắc chắn rằng chúng ta luôn có thể làm được điều đó với Chúa. Đây là sự gần gũi của Người, là một sự bảo đảm thật đẹp.

Khía cạnh thứ hai, Thần Khí Bào Chữa là người biện hộ cho chúng ta: Đấng Bào Chữa bảo vệ chúng ta. Người bảo vệ chúng ta trước những kẻ buộc tội chúng ta: trước chính chúng ta, khi chúng ta không yêu mình và không tha thứ cho mình, thậm chí đến mức chúng ta tự nói mình là những kẻ thất bại và chẳng ích lợi gì; trước thế giới, kẻ loại bỏ những người không tương ứng với các kế hoạch và khuôn mẫu của nó; trước ma quỷ, là “kẻ tố cáo” và kẻ gây chia rẽ (xem Kh 12:10) và làm mọi cách để khiến chúng ta cảm thấy bất tài và bất hạnh.

Đối diện với tất cả những ý nghĩ buộc tội này, Chúa Thánh Thần gợi ý cách đáp lại. Bằng cách nào? Chúa Giêsu nói, Đấng An Ủi là Đấng làm cho chúng ta nhớ lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta (x. Ga 14:26). Do đó, Người nhắc chúng ta về những lời của Tin Mừng, và cho phép chúng ta đáp trả những lời buộc tội của ác thần không phải bằng lời của chúng ta, nhưng bằng chính lời của Chúa. Trên hết, Người nhắc chúng ta rằng Chúa Giêsu luôn nói về Cha trên trời, Người cho chúng ta biết Người và bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta, những người con của Người. Nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, chúng ta học cách chào đón và ghi nhớ thực tại quan trọng nhất của cuộc sống, thực tại bảo vệ chúng ta khỏi những cáo buộc của sự dữ: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Đây là một thực tế quan trọng hơn và Chúa Thánh Thần nhắc nhớ chúng ta về điều này.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có khẩn cầu Chúa Thánh Thần không, chúng ta có thường xuyên cầu xin Người không? Chúng ta đừng quên Đấng ở gần chúng ta, thực sự ở trong chúng ta! Và rồi, chúng ta có lắng nghe tiếng nói của Người không, cả khi Người khuyến khích lẫn sửa dạy chúng ta? Chúng ta có đáp lại bằng những lời của Chúa Giêsu trước những lời cáo buộc của thần dữ, trước những “toà án” của cuộc sống không? Chúng ta có nhớ mình là con cái được yêu của Thiên Chúa không? Xin Mẹ Maria làm cho chúng ta trở nên ngoan ngoãn với tiếng nói của Chúa Thánh Thần và nhạy bén với sự hiện diện của Người.

Vatican News

https://hddmvn.net/kinh-truyen-tin-voi-dtc14-05-2023-thanh-than-dang-bao-chua/

Hội đồng Giám mục (HĐGM) Pháp đã thông báo hôm 10/5/2023 về việc khai triển tại Pháp một thẻ căn cước và chứng thư hành lễ (celebret) cho tất cả các phó tế, linh mục và giám mục. Công cụ hiện đại hóa này, được các giám mục biểu quyết sau khi công bố báo cáo Ciase, sẽ cho phép xác định rõ hơn các thừa tác viên có thể cử hành các Bí tích hay không.

can
Được bỏ phiếu trong số các biện pháp nhằm đấu tranh chống bạo lực tình dục trong Giáo hội tại Hội nghị khoáng đại giám mục vào tháng 11/2021, thẻ celebret chính thức được thực hiện.« Sau khi nghiên cứu báo cáo này, dường như điều cần thiết đối với chúng tôi là xem xét những gì chúng tôi có thể thay đổi để làm cho Giáo hội an toàn hơn », Đức cha Alexandre Joly, Giám mục giáo phận Troyes, thành viên của Hội đồng thường trực của HĐGM Pháp (CEF) và là phát ngôn viên của CEF, giải thích.

Thẻ celebret là gì ?

Celebret là chứng thư do giáo quyền ban hành để xác nhận khả năng cử hành các Bí tích của một linh mục (giáo phận hay dòng tu), phó tế hay giám mục. Ambroise Laurent, phó tổng thư ký của CEF đặc trách các vấn đề kinh tế, xã hội và pháp lý, chỉ ra rằng nếu celebret đã được quy định trong giáo luật, thì « việc thực hành yêu cầu hay xuất trình nó đã bị bỏ không dùng nữa ».

Vì thế, vấn đề cập nhật và đơn giản hóa việc sử dụng nó. Đang khi cho đến nay nó được cấp ở định dạng giấy, có khả năng bị làm giả và khó cập nhật, giờ đây chứng thư này hiện có ở dạng thẻ nhựa, có định dạng giống với thẻ căn cước mới, trên đó có ảnh nhận dạng của người đó, tên gọi, ngày phong chức và một mã QR được quét bằng điện thoại thông minh.

Hiện đại hóa thẻ celebret

Việc quét mã QR này sẽ cho phép truy cập vào một mã màu cho biết khả năng của linh mục có được cử hành các Bí tích hay không. Nếu nó có màu xanh lục, thì linh mục đó được phép cử hành tất cả các Bí tích. Nếu màu cam, thì có những hạn chế. Nếu là màu đỏ, thì linh mục đó đã bị huyền chức khỏi bậc giáo sĩ hay không thể cử hành bất cứ điều gì. Để hiển thị thông tin chi tiết về các quyền và giấy phép cụ thể cho linh mục đó, chủ sở hữu celebret sẽ phải nhập mã bí mật của mình.

Do đó, hệ thống báo hiệu này phải cho phép chỉ ra bất kỳ hạn chế nào đối với việc thi hành thừa tác vụ, đồng thời vẫn tôn trọng tính bảo mật của các dữ liệu cá nhân. Như thế, nó sẽ được cho biết liệu linh mục đó có thể cử hành Thánh lễ công khai hay không, giảng thuyết, rửa tội, giải tội, có những cuộc trò chuyện mục vụ riêng tư, chuẩn bị và cử hành hôn phối, an táng, xức dầu bệnh nhân, một mình giám sát các nhóm giới trẻ hay không, ở một mình với trẻ vị thành niên ngay cả trong không gian có thể nhìn thấy, tham gia các chương trình phát trên đài truyền thanh, truyền hình hay trên Internet.

Trong trường hợp bị chế tài dân sự hay giáo luật, thẻ celebret lập tức sẽ được cập nhật để chỉ các linh mục có thể cử hành hay trước sự hiện diện của các tín hữu mới có thể thực hiện như thế. Trên thực tế, mỗi giáo phận hiện chịu trách nhiệm cập nhật cơ sở dữ liệu của mình hằng năm, hoặc theo thời gian thực trong trường hợp bị chế tài, để thẻ celebret  có giá trị. Trong trường hợp quên sót từ phía các giáo phận, mã QR sẽ cho biết điều đó và giáo sĩ sẽ tạm thời không được cử hành  nếu họ đến một địa điểm mới. Đức cha Joly cho biết : « Ở Pháp, đã xảy ra chuyện có những người tự xưng là linh mục trong khi họ không phải như thế. Vì thế, điều quan trọng là có thể chứng nhận điều đó ».
« Đơn giản như sử dụng thẻ tín dụng »
Các thông tin sẽ có sẵn bằng ba ngôn ngữ Pháp, Latinh và Anh, để cho phép các linh mục cư trú ở nước ngoài trong khuôn khổ các cuộc hành hương hay quy tụ như Ngày Quốc tế Giới Trẻ để xuất trình thẻ celebret cho thẩm quyền địa phương. Ambroise Laurent cho biết : « Sử dụng thẻ celebret sẽ đơn giản như sử dụng thẻ tín dụng ».
Việc sử dụng thẻ celebret cũng được phổ biến ở nước ngoài hơn nhiều so với ở Pháp. Đức cha Joly khẳng định : « Đối với tôi một linh mục ngoại quốc đến tự động xuất trình thẻ celebret của mình, đó là một cách tôn trọng giáo luật và Bí tích ».
Nếu các thẻ celebret đã được phân phát cho các giám mục trong cuộc họp vào cuối tháng Ba vừa qua, thì CEF  cho rằng từ đây cho đến cuối mùa hè, tất cả các thẻ sẽ được cấp cho các linh mục và phó tế. Việc còn lại là thay đổi thói quen và văn hóa xung quanh việc sử dụng thẻ celebret.
Trước đây được trình bày dưới dạng một lá thư sứ mạng dành cho các giáo sĩ du hành vào thời Trung Cổ, thẻ celebret đã được chính thức hóa sau công đồng Trentô (1542). Bây giờ nó có dạng thẻ nhựa như các thẻ căn cước mới để ít bị làm giả hơn.
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix)

Nguồn: xuanbichvietnam.net (11.5.2023)