Tin Giáo Hội Việt Nam 17.02.2024: Cơ hội gắn bó mật thiết với Giáo hội hoàn vũ hơn

Cơ hội gắn bó mật thiết với Giáo hội hoàn vũ hơn

Sau một quá trình gặp gỡ và trao đổi lâu dài giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam, quan hệ hai bên trong thời gian qua đã đạt được nhiều bước tiến tích cực, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican năm 2008, với khóa họp đầu tiên từ ngày 16 đến ngày 17.2.2009. Kết quả là Tòa Thánh đã bổ nhiệm hai vị Đại diện không thường trú là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (2011-2017) và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski (2018-2023). Quá trình này được đẩy lên một bước tiến mới và được đánh dấu bằng sự kiện vào ngày 27.7 năm rồi, khi  Tòa Thánh Vatican và Việt Nam đã công bố thông qua thỏa thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm Vatican và hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Như vậy, sau 14 năm với 10 lần họp chung, nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Tổng Giám mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia), hiện đang là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Đây là tin vui cho cả Giáo hội và đất nước Việt Nam.

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (2011-2017) và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski (2018-2023)

Thật vậy, qua việc Tòa Thánh Vatican chính thức có vị Đại diện thường trú tại Việt Nam, Giáo hội Việt Nam có cơ hội gắn bó mật thiết và hòa mình vào nhịp sống của Giáo hội hoàn vũ hơn. Ngoài ra, vai trò của vị Đại Diện thường trú cũng mang lại nhiều thiện ích cho đất nước Việt Nam và cho thế giới. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này qua các mối quan hệ của vị Đại diện thường trú với Giáo hội địa phương, với Chính quyền dân sự và với cộng đồng nhân loại.

  1. Quan hệ của vị đại diện giáo hoàng với các giám mục địa phương

Vị đại diện thường trực của Đức Thánh Cha đóng một vai trò quan trọng liên quan đến các giám mục địa phương. Ngài giúp đỡ các giám mục bằng hành động hay bằng ý kiến, nhưng vẫn tôn trọng việc thi hành quyền bính hợp lệ của các giám mục địa phương (Can. 364, 2°). Sẽ thiết lập mối quan hệ hỗ tương, nhằm mục đích cộng tác và thông tin giữa Tòa Thánh với Giáo hội địa phương và ngược lại; trợ giúp hoạt động mục vụ cho các giám mục; khi cần thiết, giúp đỡ các giám mục trong mối tương quan với chính quyền dân sự; củng cố tương quan với Hội đồng Giám mục, chuẩn bị việc bổ nhiệm giám mục; hỗ trợ các bề trên dòng; cộng tác với các giám mục trong việc thúc đẩy những quan hệ đại kết. Bên cạnh đó, vị đại diện giáo hoàng trình bày với các giám mục địa phương về sự thống nhất và tăng cường sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng.

Tuy vị đại diện thường trực giáo hoàng không bao giờ hành động thay thế các giám mục địa phương, và cũng không ngăn cản thẩm quyền của họ, không có thường quyền trên các tín hữu cũng như không thể ra luật, không ban phát ân huệ hay hình phạt nào, cũng không đưa ra một phán quyết nào về luật, nhưng lại đóng vai trò trợ giúp, nâng đỡ mối dây liên lạc giữa các Hội Thánh địa phương ở vòng ngoài với Rôma là trung tâm của Hội Thánh. Ngoài ra, vì là đại diện của Đức Giáo Hoàng và thực thi quyền bính đã được trao cho ngài, nên vị đại diện có quyền về mặt thiêng liêng đối với các tín hữu trong xứ sở mà ngài làm việc.

  1. Quan hệ của vị đại diện giáo hoàng với Hội đồng Giám mục địa phương

Trong mối tương quan của vị đại diện Giáo Hoàng với Hội đồng Giám mục địa phương, vị đại diện giáo hoàng phải quan tâm đến ý kiến của Hội đồng Giám mục trong việc bổ nhiệm giám mục và những thay đổi trong đời sống Hội Thánh. Ngài phải trao đổi với Hội đồng Giám mục khi thương thảo về những hiệp ước và thỏa ước. Vị đại diện giáo hoàng không phải là thành viên của Hội đồng Giám mục, nhưng thông thường ngài sẽ tham dự buổi họp khai mạc của Hội nghị Giám mục, để là mối liên kết giữa Đức Giáo Hoàng với Hội đồng Giám mục, cũng để cho thấy những quyết định của Hội đồng Giám mục luôn phản ánh sự hiệp thông của Hội Thánh địa phương với Hội Thánh phổ quát. Điều quan trọng là vị đại diện phải được thông báo về những vấn đề mà hội nghị bàn thảo; ngài sẽ được thông báo về chương trình nghị sự cũng như những thông tin hữu ích cho việc hiểu biết về Hội Thánh địa phương.

Cùng Hội đồng Giám mục, vị đại diện giáo hoàng có thể hỗ trợ trong việc phối hợp thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội và trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể mà vị đại diện giáo hoàng có thể đóng góp giải pháp của mình, quan điểm riêng cũng như quan điểm của giáo hoàng và giáo triều Roma cho Hội đồng Giám mục. Ngài cũng sẽ cung cấp những thông tin có giá trị, trong việc giúp duy trì sự hiệp nhất và gắn kết nội tại cho Hội đồng Giám mục.

Đức TGM Marek Zalewski gặp gỡ các Giám mục Việt Nam trong một Hội nghị thường niên

  1. Quan hệ của vị đại diện giáo hoàng với chính quyền dân sự

Mối quan hệ với chính quyền dân sự hàm chứa sự tôn trọng đối với quyền bính đã được thiết lập cách hợp pháp. Điều đó không có nghĩa là vị đại diện không thể trực tiếp đối thoại với dân chúng. Trong mối quan hệ này, nhiệm vụ đầu tiên của vị đại diện là thông báo và giải thích cho chính quyền biết về lập trường của Tòa Thánh cũng như của Hội Thánh địa phương về những vấn đề lớn của xã hội. Đồng thời, bày tỏ mối quan tâm của Hội Thánh về tất cả những gì liên quan đến hòa bình, phát triển và hợp tác giữa các dân tộc, nhưng không đề nghị những giải pháp cụ thể (kỹ thuật). Vị đại diện phải thường xuyên quan tâm đến sự tự do của Hội Thánh và bảo vệ sự tự do đó khi cần thiết.

  1. Vị đại diện giáo hoàng trong sứ mạng của Hội Thánh giữa cộng đồng nhân loại

Trong những thập niên gần đây, Tòa Thánh đã thực hiện nhiều vai trò tích cực hơn trong lĩnh vực con người, các khía cạnh đạo đức cho nền kinh tế, và các vấn đề xã hội mà con người đang phải đối diện, đặc biệt là giải quyết hòa bình các xung đột, và những quan hệ quốc tế nói chung. Do đó, vị đại diện giáo hoàng đưa ra tầm nhìn ngày càng rõ ràng vai trò trong việc thúc đẩy việc giảng dạy quan điểm và lập trường của Giáo hội trên các vấn đề về con người và xã hội (Can. n. 364, trật 5). Tương tự như vậy, Giáo hội đang ngày càng thúc đẩy, suy tư và đưa ra nhiều sáng kiến về tinh thần đại kết và các mối tương quan giữa Công giáo đối với người ngoài Kitô giáo, các cộng đồng tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau. Vị đại diện giáo hoàng có vai trò thúc đẩy sự hiệp nhất giữa Giáo hội địa phương với các tôn giáo và với mọi thành phần xã hội. Các ví dụ cụ thể bao gồm: sự tham gia của cá nhân trong việc đối thoại đại kết và trong các các dịp cử hành phụng vụ, cũng như các cuộc tiếp xúc mang tính chất riêng tư và qua đó ngài có khả năng thường xuyên trình bày các giáo huấn của Giáo hội cho cộng đồng nhân loại.

Như vậy, nhiệm vụ chính của vị đại diện giáo hoàng là giúp cho mối dây hiệp nhất giữa Tòa Thánh và các Giáo hội địa phương được vững vàng và hiệu quả hơn. Bày tỏ mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng đối với thiện ích của xứ sở nơi ngài đang thi hành sứ vụ. Cách riêng, chính ngài phải nhiệt tình quan tâm đến vấn đề hòa bình, phát triển và sự hợp tác giữa các dân tộc, nhằm phục vụ lợi ích thiêng liêng, đạo đức và vật chất của gia đình nhân loại (Sollicitudo Omnium Ecclesiarum, số 4). Bổn phận chính và đặc thù của ngài là củng cố mối dây hiệp nhất trong Hội Thánh, đặc biệt dẫn tới sự hợp tác nhằm phục vụ lợi ích của dân tộc mà Ngài được sai đến làm việc.

Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường – GP Thanh Hóa

Học Viện Don Bosco Đà Lạt: Chào Đón Bề Trên Tổng Quyền – Hồng Y Angel Artime Fernandez

Các Linh Mục Hưu Thăm Chúc Tết Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh

Các Linh Mục Hưu Thăm Chúc Tết Đức Cha Micae

Thánh Lễ Minh Niên Mừng Xuân 2024 Tại Giáo Xứ Chánh Toà Phú Cường

Thánh Lễ Minh Niên Mừng Xuân 2024 Tại Giáo Xứ Chánh Toà Phú Cường

Thánh Lễ Tro – Hành Hương Núi Sọ (14/02/2024 – Mồng 5 Tết)

Liên Tu sĩ giáo phận Phát Diệm gặp mặt đầu năm