Tin Giáo Hội Việt Nam 28.07.2023: Việt Nam và Tòa Thánh ký kết Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Thông cáo chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, được công bố chiều ngày 27/7/2023, cho biết hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”. Trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 27/7/2023, Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Thư viện Dinh Tông tòa. Sau cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 20 phút, Đức Thánh Cha đã tặng mỗi thành viên trong phái đoàn Việt Nam một huy chương của Giáo hoàng.

Ngài cũng tặng Chủ tịch nước Việt Nam một bức phù điêu bằng đồng khắc họa về chủ đề thương xót, đón nhận và tình huynh đệ, là lời kêu gọi không ngừng của ngài trong những năm qua. Quà tặng của Đức Thánh Cha còn có Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2023, Tài liệu về tình Huynh đệ Nhân loại, cuốn sách về buổi cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt vào tối ngày 27 tháng 3 năm 2020 và cuốn sách hình ảnh về Căn hộ Giáo hoàng.

Về phần mình, Chủ tịch nước Việt Nam đã tặng Đức Thánh Cha một bình gốm có hình đền thờ Thánh Phêrô, được làm tại Việt Nam.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp phái đoàn Chủ tịch nước Việt Nam]

Sau đó, Chủ tịch nước Việt Nam và phái đoàn đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Chủ tịch Võ Văn Thưởng

Phái đoàn Việt Nam gặp Đức Hồng y Pietro Parolin

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cho biết:

“Nhân chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, dựa trên những tiến bộ đạt được trong các Phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 tại Vatican, và với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”.

Thông cáo cho biết thêm, “Trong cuộc trò chuyện thân mật giữa Chủ tịch Võ Văn Thưởng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và sau đó, với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, các bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay.”

Cuối cùng, thông cáo cũng nói rằng “Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng Đại diện Tòa Thánh sẽ hoàn thành vai trò và nhiệm vụ được trao trong Thỏa thuận, đồng thời sẽ hỗ trợ cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của họ trong tinh thần tôn trọng luật pháp và luôn được Huấn quyền của Giáo hội hướng dẫn, để thực thi ơn gọi ‘đồng hành cùng dân tộc’ và là ‘người Công giáo tốt, người công dân tốt’, góp phần xây dựng đất nước. Đồng thời, Đại diện Tòa Thánh sẽ là cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh.

Phái đoàn Việt Nam gặp Đức Hồng y Pietro Parolin

Phái đoàn Việt Nam gặp Đức Hồng y Pietro Parolin

Tiến trình thảo luận giữa Việt Nam và Tòa Thánh về một vị Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam đã kéo dài từ nhiều năm. Cho đến nay, Đại diện không Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, 60 tuổi, người Ba Lan; ngài hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore. (CSR_2879_2023)

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-07/viet-nam-toa-thanh-quy-che-dai-dien-thuong-tru-vo-van-thuong.html

Bản tin Video:

https://www.facebook.com/watch/?ref=saved&v=661873868861107

Cha Giuse Maria Cao Gia An SJ (dòng tên) Linh mục thông dịch cho Đức Thánh Cha:

https://www.facebook.com/watch/?v=570456627784847

ĐHY Parolin: Thỏa thuận Tòa Thánh-Việt Nam không chỉ là mục tiêu nhưng là một khởi đầu mới

Thỏa thuận này là kết quả của tương quan tốt đẹp và tôn trọng nhau ở cấp độ thể chế, được xây dựng nhờ các cuộc gặp gỡ hiệu quả của Nhóm Làm việc chung Tòa Thánh-Việt Nam, cũng như ở cấp độ Giáo hội, thông qua sự sẵn sàng tạo dựng quan hệ tốt đẹp với cộng đồng địa phương và trình bày chứng tá Kitô giáo được hướng dẫn bởi mong muốn tiếp nhận các truyền thống địa phương và các giá trị chung.

Thưa Đức Hồng Y, trong các thông cáo báo chí khác nhau trước kết quả ngày hôm nay, người ta luôn đề cập đến một hành trình dài được đánh dấu bằng sự tôn trọng và thảo luận chân thành. Ngài mô tả hành trình này như thế nào?

Tôi nghĩ rằng các yếu tố cốt yếu của hành trình này có thể được diễn dịch bằng hai thành ngữ: một được Đức Gioan XXIII sử dụng: “hiểu biết nhau để có thể đánh giá cao nhau” và cách diễn đạt khác do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra cho chúng ta: “bắt đầu các tiến trình nhưng không nghĩ đến kết quả ngay lập tức”.

Việc mở quan hệ với chính quyền Việt Nam bắt đầu từ năm 1989, khi Đức Hồng y Roger Etchegaray, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, có chuyến thăm Việt Nam chính thức. Trên thực tế, ý tưởng của Đức Gioan Phaolô II là mở ra những con đường đối thoại thông qua các chủ đề về công lý và hòa bình, những điểm đặc trưng của giáo huấn và chứng tá hàng ngày của Giáo hội. Thông lệ viếng thăm hàng năm của một phái đoàn từ Tòa Thánh, một đàng để tiếp xúc với Chính phủ và đàng khác để gặp gỡ các cộng đồng giáo phận, đã bắt đầu như thế. Vào năm 1996, các cuộc đàm phán được bắt đầu để xác định thể thức hoạt động cho việc bổ nhiệm các Giám mục. Tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời về những chuyến thăm đó, khi tôi đảm nhận vai trò Thứ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh. Tháng 12 năm 2009, Chủ tịch nước Việt Nam – ông Nguyễn Minh Triết – đã đến Vatican gặp Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI. Do đó, một Nhóm Làm việc chung Việt Nam-Tòa Thánh đã được thành lập, mở đường cho việc bổ nhiệm một Đại diện Tòa Thánh không thường trú có trụ sở tại Singapore, đó là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, vào ngày 13 tháng 1 năm 2011.

Đâu là những yếu tố định hướng cho quá trình soạn thảo Thỏa thuận và các cuộc họp của Nhóm Làm việc chung?

Tôi tin rằng điều căn bản là phải nhấn mạnh rằng trên cơ sở của các cuộc gặp gỡ tìm hiểu và làm việc này, luôn có sự tôn trọng lẫn nhau và ý chí tiến bước, không che giấu lập trường của mình, nhưng chân thành thảo luận về chúng và động cơ của chúng. Cần lưu ý rằng Hội đồng Giám mục luôn tham gia vào quá trình này và đã đưa ra những suy tư và đánh giá của riêng mình. Rồi chúng tôi tiến hành dần dần, không tìm kiếm kết quả cuối cùng ngay lập tức, mà nhắm hài hòa dần dần nguyên tắc tự do tôn giáo với luật pháp và phong tục địa phương; điều này, theo thời gian, đã tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn và sự đồng nhất trong các lựa chọn về văn bản được thực hiện theo thời gian và nhằm đảm bảo cho vị Đại diện Tòa Thánh Thường trú có các điều kiện để thi hành sứ vụ của ngài tại Giáo hội địa phương và Chính quyền Việt Nam, cũng như duy trì quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao có mặt tại Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi không bao giờ quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống Tin Mừng để trở thành những công dân tốt và người Công giáo tốt: đó là nguyên tắc hướng dẫn Học thuyết xã hội của Giáo hội ngay cả trước khi nó được hình thành vào thế kỷ thứ 19 và điều mà từ thế kỷ thứ 2 sau Chúa Kitô, xác định cách các Kitô hữu, trong cách sống của họ, thể hiện rằng họ đồng thời là công dân của Nước Trời và trên trái đất. Cuối cùng, đời sống của Giáo hội địa phương và sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo luôn có trong cuộc đối thoại, qua đó nỗ lực thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các hoạt động và sự phát triển của cộng đồng Công giáo. Thái độ này, về phía Việt Nam, đã được ghi nhận trong quá trình bổ nhiệm các Giám mục, do đó trong những năm này, không có khó khăn đặc biệt nào phát sinh.

Thưa Đức Hồng y, ngài có thể cho chúng con biết điều gì về nội dung của Thỏa thuận? Đại diện Tòa Thánh Thường trú có nghĩa là gì, xét vì chức vụ này dường như không thuộc các chức năng ngoại giao thông thường.

Cảm ơn bạn về câu hỏi này, vì nó cho phép tôi nhấn mạnh cách thể mà thời gian dành cho việc nghiên cứu và thảo luận đã giúp tìm ra giải pháp chung, mà chúng ta có thể định nghĩa là “res nova in iure” (một thực tại mới trong luật pháp). Trên thực tế, vị Đại diện Tòa Thánh Thường trú được mời gọi để thúc đẩy sự hiệp thông giữa Tòa Thánh và Giáo hội địa phương, đồng thời hỗ trợ và nâng đỡ Giáo hội địa phương trong tất cả các vấn đề, bằng cách tham gia vào các cử hành và sáng kiến ​​của Giáo hội. Liên quan đến các khía cạnh mà chúng ta có thể định nghĩa là dân sự, Đại diện Thường trú của Tòa Thánh, cũng như đối với các Sứ thần, có nhiệm vụ củng cố quan hệ hữu nghị giữa Tòa Thánh và Chính phủ Việt Nam và sẽ có thể tham gia các cuộc họp thông thường của Ngoại giao đoàn và trong các cuộc tiếp đón cũng như các cuộc gặp gỡ cá nhân với các nhà ngoại giao, luôn trong sự tôn trọng pháp luật của nước sở tại và trên tinh thần tin cậy lẫn nhau và quan hệ song phương tốt đẹp từ trước đến nay. Tất cả những điều này, như đã nêu trong Thông cáo báo chí chung, nhằm mục đích để Đại diện Thường trú của Tòa Thánh có thể là “cầu nối” để cải thiện hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh.

Ngài thấy tương lai quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh như thế nào?

Có một khía cạnh mà tôi luôn có ấn tượng tích cực ở dân tộc Việt Nam, có lẽ vì đó là điều mà tôi đã hít thở từ khi còn là một đứa trẻ trên quê hương mình: sự cần cù khiêm tốn. Trong các liên hệ của mình, tôi đã có thể cảm nghiệm năng khiếu chăm chỉ làm việc, không chỉ về phương diện tay chân mà còn được hiểu là sự dấn thân trong mọi việc họ làm. Đặc tính này có thể khiến người ta tự phụ; ngược lại, người Việt Nam luôn giữ một thái độ khiêm tốn và tôn trọng, ngay cả khi tự hào, có khả năng thích ứng với mọi tình huống, giống như cây tre, uốn cong mà không bị gãy. Tại sao tôi nói những điều trên? Bởi vì tôi tin rằng tương lai mời gọi chúng ta đi trên một hành trình để tiếp tục đồng hành cùng nhau, không cần phải đòi hỏi hay vội vàng để đạt được mục tiêu khác, nhưng với thái độ sẵn sàng của những người muốn đối chiếu để tìm ra điều tốt nhất. Hiệp định không chỉ là một mục tiêu, đúng ra là một khởi đầu mới, trong tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/dhy-parolin-thoa-thuan-toa-thanh-viet-nam-khong-chi-la-muc-tieu-nhung-la-mot-khoi-dau-moi-69456

Nguồn: Vatican News

Ngày 28 tháng 7 năm 2023

THÔNG BÁO VỀ
THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ
CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM”

Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Chavà mọi thành phần trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam,

Tối ngày 27 tháng 7 năm 2023, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố:

Nhân chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, dựa trên những tiến bộ đạt được trong các phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 tại Vatican, và với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”.

Đây là kết quả từ quá trình trao đổi của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican suốt 14 năm qua, từ năm 2009 đến nay, dựa trên những tiến triển trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Chúng ta tạ ơn Chúa về thành quả tốt đẹp này. Sự hiện diện thường xuyên của Vị Đại diện Tòa Thánh sẽ giúp Dân Chúa tại Việt Nam cảm nhận sự hiệp thông với Đức Thánh Cha cách cụ thể hơn, để sống và làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc cách tích cực hơn.

Thành quả này là tiền đề cho mối quan hệ Việt Nam – Vatican để tiến lên cấp độ cao hơn trong tương lai, và một ngày gần đây chúng ta có thể đón Đức Giáo hoàng đến thăm quê hương và dân tộc Việt Nam yêu dấu.

(đã ấn ký)

+ Giuse Nguyễn Năng
T
ổng Giám mục TGP Tp. Hồ Chí Minh
C
hủ tịch HĐGM VN

Tải về file PDF tại đây!

WHĐ (28.07.2023

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-bao-ve-thoa-thuan-ve-quy-che-cua-dai-dien-thuong-tru-cua-toa-thanh-tai-viet-nam–52284

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm Tòa Thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hai bên trong tương lai.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ mở ra triển vọng mới Việt Nam-Vatican - 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (Ảnh: An Đăng/TTXVN).

Theo đặc phái viên TTXVN, trong ngày 27/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có chuyến thăm Tòa Thánh Vatican. Đây là hoạt động tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên trong vòng 7 năm qua, là một sự kiện rất quan trọng để hai bên trao đổi về thúc đẩy quan hệ cũng như hoạt động của công giáo Việt Nam.

Đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước đối với quan hệ Việt Nam-Vatican nói riêng và với cộng đồng công giáo tại Việt Nam nói chung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Vatican đã có những tiến bộ tích cực.

Hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao, cũng như triển khai hiệu quả cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp. Từ năm 2011, đại diện thường trú Tòa thánh đã vào hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng, phù hợp với Công giáo Việt Nam.

Về phía Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI đã ban hành các huấn từ, sứ điệp chỉ đạo chức sắc, tín đồ Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc,” “người công giáo tốt cũng là người công dân tốt,” khuyến khích cộng đồng công giáo Việt Nam đóng góp cho đất nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam-Tòa thánh phát triển tích cực cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sự kết nối giữa Tòathánh với Công giáo Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hai bên trong tương lai.

Theo www.vietnamplus.vn

Bước phát triển mới tích cực trong quan hệ Việt Nam-Vatican

Buoc phat trien moi tich cuc trong quan he Viet Nam-Vatican hinh anh 1Đại sứ Dương Hải Hưng trả lời phỏng vấn của TTXVN. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Vatican ngày 27/7 tới, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Rome về tình hình quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican và tiềm năng hợp tác song phương trong thời gian tới.

Theo Đại sứ Dương Hải Hưng, trong các cuộc gặp, tiếp xúc của Giáo hoàng, Thủ tướng, Ngoại trưởng Vatican với Việt Nam, Tòa thánh đều đánh giá quan hệ hai bên đang phát triển tích cực, đồng thời thể hiện thái độ ủng hộ và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong thời gian tới.

[Những dấu mốc trong quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican]

Dịp Lễ Giáng sinh và Năm mới 2023, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã lần đầu tiên đã gửi thông điệp chúc mừng đến Giáo hoàng và nhân dịp này, Giáo hoàng Francis cũng đã thông qua Đại sứ Việt Nam tại Italy chuyển lời chúc mừng Giáng sinh an lành và năm mới tốt đẹp đến lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Đại sứ Dương Hải Hưng khẳng định: “Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican thời gian qua đã có những bước phát triển mới rất tích cực. Vừa qua, tại cuộc họp Vòng X Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam-Vatican, hai bên đã thảo luận và cơ bản nhất trí nội dung ‘Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.’ Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng sau khi hai bên đã đàm phán 14 năm kể từ năm 2009.”

“Hiện nay, Việt Nam và Vatican đang tiến hành các bước cuối cùng để có thể thông qua quy chế này, qua đó chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đại diện thường trú trong thời gian sắp tới,” Đại sứ thông báo.

Phía Tòa thánh Vatican luôn thiện chí, sẵn sàng thu xếp các chương trình trao đổi, làm việc giữa các đoàn công tác của Việt Nam với các cơ quan chức năng của Tòa thánh.

Gần đây nhất là cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh với đại diện của Tòa thánh Vatican vào tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, Tòa thánh cũng thường xuyên cử đại diện tham dự các hoạt động như Quốc khánh, Tết cộng đồng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật… do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tổ chức, góp phần vào việc củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai bên.

Trong chuyến thăm Vatican, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự kiến gặp Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Vatican Hồng y Pietro Parolin.

Đại sứ Dương Hải Hưng đánh giá: “Việc quan hệ Việt Nam-Vatican có những bước phát triển mới rất tích cực thời gian qua là phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của cả hai bên. Tại Việt Nam, Giáo hội Công giáo và cộng đồng giáo dân Công giáo tại Việt Nam (hiện khoảng hơn 7 triệu người) sẽ có điều kiện tốt hơn nữa trong việc thực hiện đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mình phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, người Công giáo tốt là công dân tốt. Đây cũng là tiền đề quan trọng để hai bên tiếp tục trao đổi, làm việc với nhau thúc đẩy hơn nữa quan hệ trong thời gian tới.”

Về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Vatican trong thời gian tới, Đại sứ cho biết hai bên đang tích cực chuẩn bị để có thể chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.

Đây được đánh giá sẽ là một trong những bước tiến mới mang tính lịch sử trong quan hệ song phương, đồng thời là tiền đề quan trọng để mở ra một giai đoạn mới nhằm khai thác, thúc đẩy các tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican./.

Dương Hoa-Trường Dụy-Thanh Hải (TTXVN/Vietnam

Thành quốc Vatican và Tòa thánh khác nhau thế nào?

https://tuoitre.vn/thanh-quoc-vatican-va-toa-thanh-khac-nhau-the-nao-20230727121341726.htm