Tin Giáo Hội Việt Nam: Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô
Gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận
Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh
và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam
Quý Giám mục, Linh mục, anh chị em Tu sĩ và cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam thân mến,
Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa ở cùng anh chị em. Chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa, vì tình yêu của Chúa vĩnh cửu và luôn mãi tín trung.[1]
Tôi ao ước gửi thư này đến anh chị em, nhân dịp công nhận Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Toà Thánh về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam. Đức tin của Hội Thánh Công giáo trên quê hương của anh chị em được sinh ra và lớn mạnh qua bao thế hệ, đã đặt nền tảng trên giới răn: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37-38). Quả vậy, đức ái là thước đo của đức tin, và đức tin là linh hồn của đức ái, và chớ quên rằng lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là hai mặt của cùng một đồng tiền.[2]
Theo chiều hướng của các tương quan tốt đẹp được ghi nhận trong những năm vừa qua, cùng với niềm hy vọng vị Đại diện Toà Thánh sẽ là cầu nối để phát triển quan hệ song phương, tôi đã vui mừng chào đón ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp chuyến thăm chính thức đến Vatican ngày 27 tháng 7 vừa qua. Cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình tăng cường mối quan hệ giữa Toà Thánh và Việt Nam. Về dân tộc Việt Nam, thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng ai cũng biết và đánh giá cao chứng từ về lòng can đảm trong công việc, về sự kiên trì trong hoàn cảnh khó khăn, về cảm thức gia đình cũng như các đức tính tự nhiên khác.[3]
Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua, và được củng cố bằng các chuyến thăm thường niên của phái đoàn Toà Thánh cũng như các cuộc họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Toà Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt. Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh.
Theo giáo huấn trong Thư gửi Diognetus, một bản văn từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, các Kitô hữu ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nên dấu ấn cuộc sống của họ là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế. Như vậy, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt. Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước.
Anh chị em là con cái của Hội Thánh và đồng thời là công dân Việt Nam, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI năm 2009 đã nhắc lại cho các Giám mục Việt Nam: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”.[4]
Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực thi bác ái một cách cụ thể, nghĩa là phải có một quyết định hành động cụ thể cho con người, như đã được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt qua và được Hội Thánh không ngừng thể hiện trong suốt dòng lịch sử, vì “trong mọi nơi và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các Kitô hữu … được mời gọi lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo khổ”.[5] Chính tinh thần này đã không ngừng thúc đẩy cộng đoàn Công giáo của anh chị em có những đóng góp tích cực và ý nghĩa để phục vụ dân tộc, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Quả vậy, nhờ sự khuyến khích của từng Giám mục và Hội đồng Giám mục, Hội Thánh tại Việt Nam đã chứng tỏ mình là men trong xã hội, bằng cách đồng hành với sự phát triển của xã hội và đóng góp vào sự phát triển ấy với tư cách là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin.
Trong Thư Mục vụ năm nay, các Giám mục của anh chị em đã nhắc nhở và thúc đẩy anh chị em tham gia vào đời sống cộng đoàn qua việc yêu thương nhau, chân thành lắng nghe và thực thi đức ái, ngay cả với những anh chị em không cùng niềm tin, bằng cách quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ nhất.
Anh chị em tại Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo vốn luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình; anh chị em được mời gọi thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu là trở thành “ánh sáng của thế gian và muối của đất” để “ánh sáng của các con chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ thấy những việc làm tốt lành của các con và tôn vinh Cha các con trên trời” (Mt 5, 16).
Sáu mươi năm trước, trong thông điệp gửi toàn thế giới để kêu gọi mọi người chung sức xây dựng hoà bình, thánh Gioan XXIII đã viết: “Chúng ta hi vọng rằng, khi gặp gỡ và đàm phán với nhau, người ta sẽ nhận thức rõ hơn mối dây liên kết họ với nhau phát xuất từ chỗ cùng mang chung một bản tính nhân loại, và họ cũng khám phá ra rằng một trong những đòi hỏi sâu xa nhất của bản tính nhân loại chung là giữa họ với nhau và giữa các dân tộc, chính tình yêu phải ngự trị, chứ không phải nỗi sợ hãi, và tình yêu ấy biểu lộ qua sự cộng tác chân thành, đa dạng, đem lại nhiều thiện ích”.[6]
Tôi nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hoá, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa.
Để kết thúc bức Thư thân tình này, tôi hi vọng rằng anh chị em, quý Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và toàn thể Dân Chúa, sẽ trở nên can đảm theo gương Chúa Giêsu. Xin Đức Mẹ La Vang đồng hành cùng anh chị em, và nhờ lời chuyển cầu đầy tình mẫu tử của Đức Mẹ, xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót chúc lành và ban muôn ân sủng cho toàn thể Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, cũng như cho đất nước và dân tộc Việt Nam yêu dấu.
Franciscus
Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2023
Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô
Hình ảnh kết thúc sứ vụ Giám Mục Đà Nẵng:
Kết thúc tuần tĩnh tâm linh mục đoàn năm 2023 GP Bắc Ninh
Thánh Lễ Tạ Ơn Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Đoàn Giáo Phận và Dâng Hoa Cộng Đồng Tôn Kính Đức Mẹ Mân Côi GP Thanh Hóa
Gp Lạng Sơn – Cao Bằng: Đại Hội Truyền Giáo lần thứ VII
Gp Lạng Sơn – Cao Bằng: kết thúc “Tĩnh Tâm Năm” cho hàng Giáo Sỹ
Thông Báo: Phiên Khai Mạc Cuộc Điều Tra Án Phong Chân Phước Và Phong Thánh Cho Đức Cha François Pallu Cấp Giáo Phận
Giáo Phận Thanh Hóa: Khai mạc Tuần Tĩnh tâm Linh Mục Đoàn Năm 2023 với chủ đề: “Linh Mục – Người Kiến Tạo và Bảo Vệ Sự Hiệp Nhất”
TGPSG – Ban Loan báo Tin Mừng TGPSG đã cử hành Ngày Truyền Giáo năm 2023 với chủ đề “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh”, vào sáng thứ Bảy ngày 21-10-2023, tại nhà thờ Thánh Phaolô (Bình Tân), địa chỉ: 280 Vành Đai Trong P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP HCM.
Từ lúc 7g30, linh mục (Lm) Giuse Nguyễn Quốc Thắng – chánh xứ Phaolô – Trưởng Ban Loan báo Tin Mừng (LBTM) TGPSG đã lập dàn chào, kèn trống, đón tiếp quý khách: Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng – TGM TGPSG, Lm Vinh Sơn Vũ Đức Toàn – chánh xứ An Thới Đông, Cần Giờ – Phó Ban LBTM, Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên – Nguyên Trưởng Ban LBTM – Thư ký Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, quý Lm Hạt trưởng, quý Lm, tu sĩ trong TGPSG, quý tu sĩ nam nữ thuộc tu hội, tu đoàn trong TGPSG, đại diện các giáo xứ, các đoàn hội của TGPSG; khoảng hơn 1000 người.
Lúc 8g, tại hội trường giáo xứ, bắt đầu cử hành ngày truyền giáo với phút cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần. Lm Giuse Nguyễn Quốc Thắng đã phát biểu khai mạc ngày truyền giáo năm 2023, với mục đích Đức TGM Giuse gặp gỡ mọi người để truyền lửa truyền giáo, đồng thời trao đổi với nhau về kế hoạch truyền giáo của giáo phận, để cùng hiệp hành trong sứ vụ LBTM, cùng nhau thực hiện kế hoạch LBTM.
Bài thuyết trình của Đức TGM Giuse
Đức TGM Giuse vui mừng gởi lời chào đến tất cả những người tham dự cử hành Ngày Truyền Giáo của Giáo hội toàn cầu tại GPSG; quy tụ nhau nơi đây trước nhất để cầu nguyện, lắng nghe Chúa và thực hành điều Chúa truyền dạy. Mục đích xin Chúa thắp lửa để chúng ta đi ra truyền giáo.
Đức TGM Giuse chia sẻ vài điều xuất phát từ Sứ điệp truyền giáo năm 2023 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, với tựa đề “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh”. Phúc âm hóa hay loan báo Tin Mừng, gồm 3 lãnh vực:
- Phúc âm hóa loan truyền cho những người có đạo hoặc đang sống đạo; tức những hoạt động mục vụ nơi giáo xứ.
- Phúc âm hóa cho những người đã được rửa tội, nhưng hiện nay không sống đạo nữa. Tân phúc âm hóa, tái truyền phúc âm, cho những người chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhắm truyền giáo cho lương dân, kể về Chúa Giêsu cho người khác. Cảm nhận niềm vui Đức Kitô Phục Sinh; lòng ấm lên khi được Chúa Giêsu bẻ bánh và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Đời sống thánh thiện sẽ sống tốt hơn, hấp dẫn người khác.
- Truyền giáo phải kết thân với người khác, kể chuyện Chúa Giêsu cho người khác; cảm nhận niềm vui sâu xa trong tâm hồn; đó là truyền giáo. Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng bằng nhiều cách, cộng tác với Chúa bằng nhiều cách: bằng cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần thánh hóa, ban cho sự hứng khởi thiêng liêng, đóng góp tiền bạc, sống Lời Chúa, kết thân với người không có đạo, tìm cơ hội nói về Chúa.
Kết thúc thuyết trình, Đức TGM Giuse chúc mọi người được Chúa Thánh Thần khơi dậy lòng nhiệt tình loan báo Tin Mừng.
Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên chia sẻ về sứ vụ rao giảng Phúc âm đã nhận lãnh cách đây 50 năm và hoạt động LBTM 20 năm qua của TGPSG, vẫn còn tiếp tục lòng bừng cháy tràn đầy niềm vui và chân bước nhanh, cho đến nay. Lm mã hóa lời giảng gần đây của Đức Thánh Cha qua 3 từ: Lắng nghe – Loan truyền – Lo lắng trao vào tay Chúa. Xin Đức Mẹ hiệp hành với chúng ta trên bước đường sứ vụ.
Lm Giuse Nguyễn Quốc Thắng cũng đã vâng lời Đức TGM Giuse đặc trách Ban LBTM. Ngài đề xuất kế hoạch LBTM của TGPSG trong 10 năm (2023-2033). Năm 2033 kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến trên quê hương Việt Nam; cũng là kỷ niệm 200 năm Chúa Giêsu về trời. Vì vậy cần có kế hoạch cho 2 sự kiện lớn này.
Trước khi trình bày, tham dự viên đã được xem video clip gây xúc động về sứ mạng LBTM, với lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16).
Lm Giuse đề nghị toàn TGPSG cùng nhau thực hiện quy trình đạt mục tiêu tỷ lệ người Công giáo từ 7% lên 10%, qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn I: Gieo hạt: (2023-2025)
- Giai đoạn II: Chăm sóc (2026-2029)
- Giai đoạn III: Thu gặt (2030-2033)
Những việc phải làm là cầu nguyện, lập giáo điểm, thánh hóa đời sống, gieo ý thức truyền giáo, trang bị kỹ năng truyền giáo cho toàn dân Chúa. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng của toàn dân Chúa, từ hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ đến giáo dân. Ước mong công cuộc truyền giáo của giáo phận đạt được kết quả, xây dựng một xã hội tốt đẹp ở đời này và chúng ta được hưởng hạnh phúc đời sau trên Nước Trời.
2. Thảo luận
Lúc 10g30, các tham dự viên thảo luân dựa trên 5 câu hỏi đóng góp ý kiến:
- Giáo xứ / cộng đoàn quý vị đã làm gì để LBTM?
- Giáo xứ / cộng đoàn quý vị sẽ làm gì để LBTM?
- Quý vị có đóng góp ý kiến gì về mục tiêu 10 năm của TGPSG? Việc nâng tỷ lệ người Công giáo từ 7% lên 10% trong vòng 10 năm có khả thi không?
- Quý vị có đồng ý với việc mỗi tháng, TGP chúng ta sẽ dành 90 phút để truyền lửa LBTM (Chầu Thánh Thể, phúc âm hóa đời sống, câu chuyện truyền lửa…) không?
- Quý vị có đồng ý việc Cha xứ sẽ mở các khóa đào tạo nhân sự truyền giáo, do Đức Tổng cấp bằng, dựa trên tài liệu Cầm Nang Trên Con Đường LBTM?
Những đóng góp ý kiến khác.
3. Thánh lễ
Lúc 11g15, Đức TGM Giuse đã chủ tế Thánh lễ. Đồng tế với ngài có Đức Giám mục phụ tá Giuse Bùi Công Trác, và khoảng 65 linh mục trong giáo phận SG.
Trong bài giảng, Đức TGM Giuse đã nhắc lại đoạn video clip chiếu tại hội trường – cảnh Chúa Giêsu phục sinh hẹn gặp các tông đồ tại Galilê. Chúa khẳng định Ngài là Đấng toàn quyền trên trời dưới đất, trao sứ mạng cho các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp thế gian làm chứng về Thầy, rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ muôn dân biết điều Thầy đã truyền dạy cho anh em.” Cảnh Thầy trò chia tay nhau rất xúc động, Chúa Giêsu được rước lên trời.
Tại sao chúng ta phải rao giảng Tin Mừng? Tại sao Chúa xuống trần gian dạy chúng ta phải LBTM? Thưa, vì Chúa tạo dựng con người, có kế hoạch tốt đẹp chia sẻ sự sống thần linh với loài người; nhưng loài người đã phạm tội, phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa, đánh mất phẩm giá cao cả mà Thiên Chúa ban. Chính vì thế Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian, mang thân phận tôi đòi, chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh, để cứu chuộc trần gian. Chúa muốn chúng ta tiếp nối công việc rao giảng Tin Mừng – Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu chúng ta. Tại sao chúng ta dậm chân tại chỗ, suốt 140 năm qua vẫn 7%, Để có thể lên đường LBTM, Đức TGM Giuse lưu ý chúng ta những điều Đức Thánh Cha Phanxicô nói sau đây:
- Đừng đánh mất niềm vui Tin Mừng, niềm vui gặp gỡ Chúa.
- Đừng đánh mất niềm hy vọng.
- Đừng đánh mất chính Tin Mừng. Thiên Chúa làm người để con người biết Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng mạc khải duy nhất, là Đấng cứu độ duy nhất. Chúng ta không dám nói về Chúa Giêsu.
- Đừng đánh mất sự thánh thiêng của Tin Mừng. Chúng ta đang bận tâm về chỗ đứng của mình, tranh chấp, loại trử. Thượng HĐGMTG mời gọi chúng ta bớt nói, lắng nghe và cầu nguyện để Thánh Thần làm mới, đổ tràn ơn của Ngài trên chúng ta, thực hiện một cuộc hiện xuống mới nơi GP chúng ta.
Thánh lễ được nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể.
Cuối lễ, Lm Giuse Nguyễn Quốc Thắng đại diện cộng đoàn cảm ơn Đức TGM Giuse, cảm ơn ĐGM phụ tá Giuse, quý Lm đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, giáo dân. Cảm ơn tất cả mọi người đã giúp buổi cử hành ngày truyền giao hôm nay được chu đáo tốt đẹp.
Đáp từ, Đức TGM Giuse cảm ơn Lm chánh xứ, phó xứ Phaolô, HĐMV/GX và cộng đoàn GX Phaolô đã tổ chức và tài trợ cho buổi cử hành này được tốt đẹp.
ĐGM phụ tá Giuse đã dựa theo bài giảng của Đức TGM Giuse, sáng tác bài thơ gởi đến cộng đoàn. Ngài cũng xin cầu nguyện cho Đức Hồng Y nhân kỷ niệm 20 năm lãnh nhận mũ và nhẫn Hồng Y. Thánh lễ kết thúc lúc 12g15, với bài hát xin Chúa Thánh Thần ban ơn để dấn thân LBTM.
Bài: Tiến Hương (TGPSG)
Ảnh: Đức Hoàng
https://tgpsaigon.net/bai-viet/tong-giao-phan-sai-gon-cu-hanh-ngay-truyen-giao-2023-71358