Tư Liệu: Hội Đồng Mục Vụ là ai?

Không có mô tả ảnh.

Dạo gần đây có khá nhiều câu hỏi liên quan đến Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX). Thiết nghĩ Khi viết về ơn gọi mà chỉ nhắm đến Ơn gọi tu trì thánh hiến thì khá là thiên vị. Thật vậy, tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy thì trở nên Kitô hữu, là những người tin. trong số họ có kẻ là giáo sĩ, tu sĩ và có người là giáo dân. Sự phân biệt này không nhắm đến sự phân chia giai cấp, hay nhiều người nói vui giáo dân là tín hữu hạng nhì. Đức JP 2 đã viết: “Nhờ đã được chịu phép thánh tẩy và nhờ ơn gọi chuyên biệt của mình, các giáo dân, mỗi người theo mức độ của mình, tham dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Đức Kitô” (Người kitô hữu giáo dân, số 6). Như thế mỗi giáo dân vinh dự có quyền và trách nhiệm tham gia cộng tác với hàng giáo sĩ làm nhiệm thể Chúa Kitô Giêsu là Hội thánh vững mạnh và phát triển. Bài viết nào trong khuôn khổ Hashtag #Vocation_TMCG, viết về ơn gọi kitô hữu.
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ
Chắc hẳn trong mỗi giáo xứ, đoàn thể gắn bó mật thiết với linh mục quản xứ là HĐMVGX, hay Ban Hành Giáo, nhằm điều hành công việc, quản trị tài sản của giáo xứ. Ngược dòng thời gian, hình thức này đã được thiết lập từ rất sớm. Trong danh sách 117 thánh tử đạo nước nhà có thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, Matthêu Nguyễn Văn Đắc (Phượng), Giuse Nguyễn Văn Lựu, Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Emmanuel lê văn Phụng và Martino Thọ là những ông trùm họ. Bên cạnh các thánh giáo dân khác, các ngài đã vui lòng giúp đỡ các vị thừa sai đến truyền giáo; nâng đỡ, che chở các linh mục bản xứ. Nhờ các ông trùm mà hạt giống đức tin hàng giáo sĩ gieo vãi được duy trì bảo tồn và phát triển; những việc đạo đức bình dân được thực hành và trở nên như truyền thống và bản sắc rất riêng của giáo hội Việt Nam. Xa hơn từ thuở giáo hội sơ khai, các tông đồ đã lập ra nhóm 7 (phó tế) giúp việc bác ái và lo quản trị cộng đoàn. Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”. (CV 6, 1-7) Mặc nhiên, đoạn trích này thường dùng để giải thích nguồn gốc của chức phó tế, ta vẫn thấy đâu đó hình bóng của một ban điều hành cộng đoàn (giáo xứ).
Hiện nay, các giáo phận đã ban hành những quy chế HĐMVGX. Nhìn chung, các tiêu chuẩn để tuyển chọn được đề ra khá cao: Là tín hữu đã chịu phép Thêm Sức, đã ghi danh trong giáo xứ ít là một năm, có đời sống gương mẫu, phù hợp với giáo huấn và đường lối của Giáo Hội, không bị ngăn trở về Giáo luật; Có những đức tính nhân bản cần cho chức vụ, như tinh thần phục vụ, biết làm việc tập thể; Có năng lực cần cho chức vụ, như sức khỏe, trình độ văn hoá, những kỹ năng chuyên môn; Có thời giờ dành cho công việc chung (Quy chế HĐMVGX, Tgp. Sài gòn). Tuy rằng nhiều giáo xứ chẳng có đủ nhân lực đáp ứng được tiêu chí như thế nhưng vẫn có nhiêu anh chị em vui vẻ nhận lời tham gia và hăng say cộng tác với linh mục quản xứ. Dù biết thái độ hơn trình độ, Công đồng Vaticanô II vẫn luôn nhắc nhở: “Để tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng và thánh hóa mọi người, giáo dân phải được đào tạo đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, cả những người có đức tin cũng như những người không tin, để trình bày sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người” (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 31).
Như đã trình bày, tham gia hoạt động trong HĐMVGX là một ơn gọi rất riêng trong muôn vàn ơn gọi, nhưng tựu chung ơn gọi nào cũng dẫn người tín hữu đi trên con đường nên thánh.
Trước hết và hơn hết, khi đảm nhận vị trí trong HĐMV người tín hữu phải có và cố gắng rèn luyện cho có một đời sống đạo đức tốt lành. dẫu biết các việc đạo đức: Cầu nguyện thực hành đức tin cùng năng nhận lãnh các bí tích là những đòi hỏi cơ bản cho mỗi tín hữu, tham gia vào HĐMVGX, người đó không chỉ thực hành cho cá nhân bản thân nhưng còn là gương mẫu cho anh chị em trong giáo xứ. Nếu như người ta thường nói tương quan giữa linh mục và giáo dân: linh mục thánh thiện thì giáo dân đạo đức, linh mục đạo đức thì giáo dân bình thường, linh mục bình thường thì giáo dân tội lỗi thì người viết cũng muốn nói như thể giữa HĐMVGX với giáo dân khác bởi chính họ là cánh tay nối dài của linh mục. Ngoài ra, nếu chỉ chăm chăm làm việc tông đồ mà quên đi cốt lõi của công việc có khi thành viên Hội Đồng trở nên như một Marta bận rộn lo cho tươm tất mà quên đến Vị Khách đến nhà mình.
Đặc thù của HĐMV khá hành chính và ban bệ nhưng lại đoàn thể tôn giáo do vậy cần thiết có thái độ đúng đắn trong một tinh thần siêu nhiên. Nhờ đó, thành viên xác định được bản chất của Hội Đồng là lãnh đạo giáo xứ theo tinh thần Kitô, nghĩa là phục vụ hơn là được phục vụ. Có như thế, mỗi khi đứng ra hướng dẫn cộng đoàn họ không tìm danh tiếng, uy quyền nhưng phục vụ như tôi tớ của Đấng đã phục sinh; không tìm lợi lộc vật chất nhưng nhắm đến ơn cứu độ và thăng tiến đức tin cho cộng đoàn.
Ước mong, có ngày càng nhiều tín hữu có khả năng và nhiệt thành cộng tác với các linh mục trong việc quản trị giáo xứ qua vai trò thành viên HĐMVGX.
Bài viết có tham khảo:
1. NÊN THÁNH CHO CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ (TGM Giuse VŨ VĂN THIÊN)
2. Quy chế HDMGX TGP Sài Gòn
3. Ảnh: NHÀ THỜ KA ĐƠN