Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 6 mùa Phục Sinh năm A dành cho bệnh nhân và những người già yếu không thể đến nhà thờ
Chú giải Lời Chúa Chúa nhật VI Phục Sinh – Năm A
- Vào Chúa nhật VI Phục Sinh, lễ Ngũ Tuần sắp đến gần, các bài đọc phụng vụ loan báo Chúa Thánh Thần, Thần Chân Lý.
Cv 8: 5-8; 14-17
Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật dân Sa-ma-ri trở lại Đạo và lần đầu tiên kể ra Bí tích Thêm Sức: thánh Phê-rô và thánh Gio-an đến đặt tay trên những người đã chịu phép Rửa để họ được đón nhận Chúa Thánh Thần.
1Pr 3:15-18
Bài đọc II tiếp tục trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô lại nêu lên của lễ hy tế của Đức Giê-su, chết cho tội lỗi chúng ta, nhưng Thánh Thần đã phục sinh Ngài.
Ga 14: 15-21
Tin Mừng là đoạn trích dẫn diễn từ từ biệt mà Đức Ki-tô ngỏ lời với các môn đệ Ngài, vào buổi chiều Tiệc Ly: Ngài hứa với họ sai Đấng Bảo Trợ, Thánh Thần chân lý đến ở với họ luôn mãi.
BÀI ĐỌC I (Cv 8: 5-8, 14-17):
Sau việc thiết lập bảy cộng tác viên, cuộc bách hại đã bất ngờ giáng xuống cộng đoàn Ki-tô hữu non trẻ Giê-ru-sa-lem. Khởi điểm là lời rao giảng của thánh Tê-pha-nô, một trong bảy cộng tác viên. Lời rao giảng táo bạo của ông khiến Thượng Hội Đồng phẫn nộ. Họ xúi dục dân chúng ném đá thánh Tê-pha-nô cho đến chết..
Nhiều môn đệ trốn chạy và nhất là những Ki-tô hữu thuộc khối Hy Lạp bị nhắm đến đặc biệt hơn. Đi đến đâu, họ đều làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh. Thế là Lời Chúa được loan truyền rộng rãi vượt ra bên ngoài thành đô Giê-ru-sa-lem. Chính trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, họ trở thành những nhà truyền bá Tin Mừng: “Vậy những người phải tản mác khắp nơi loan báo Lời Chúa.” (8: 4).
1. Công việc truyền giáo của Phi-líp-phê:
Sau khi sơ tán khỏi Giê-ru-sa-lem, Phi-líp-phê, một trong bảy cộng tác viên, “xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân chúng ở đó”. Tác giả không nói với chúng ta thành nào. Cuộc truyền giáo luôn luôn đạt được kết quả mỹ mãn. Dân chúng chú ý đến lời rao giảng của ông và bị lôi cuốn bởi những phép lạ ông thực hiện nên theo đạo rất đông. Như Đức Ki-tô và nhân danh Ngài, Phi-líp-phê thực hiện nhiều “phép lạ”. Chúng ta ghi nhận rằng thánh Lu-ca nói về việc chữa lành những người bị bại liệt, một thuật ngữ chuyên môn, chứ không là những người bại liệt, một từ ngữ bình dân – cũng vậy, trong Tin Mừng của mình, thánh ký luôn luôn dùng thuật ngữ chuyên môn này, bởi vì thánh Lu-ca là thầy thuốc. Đây là một tiểu tiết mang lấy chữ ký của ngài.
“Trong thành, người ta rất vui mừng”. Đây cũng là một ghi nhận rất tiêu biểu của thánh Lu-ca. Những kẻ bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, cả thành đều tràn ngập niềm vui thiên sai mà các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn xưa. Niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh không những đã làm cho họ phấn chấn, mà ngay cả thân xác của họ cũng được phục hồi sức khoẻ.
“Các Tông Đồ vẫn ở Giê-ru-sa-lem”. Sách Công Vụ nhấn mạnh đến hai lần rằng trong lúc bách hại, không một Tông Đồ nào rời bỏ Thành Thánh.
2. Dân Sa-ma-ri đón nhận phép Thêm Sức:
Nghe biết dân Sa-ma-ri trở lại Đạo, thánh Phê-rô và thánh Gio-an đến tận nơi. Chúng ta đã thấy rồi, hai vị Tông Đồ này thường hoạt động cùng nhau.
Những ai đã chịu phép Thánh Tẩy, hai Tông Đồ đặt tay trên họ để Thánh Thần ngự xuống trên họ. Đó là cử chỉ Bí tích mà sau này chúng ta gọi “Bí tích Thêm Sức”, Bí tích này hoàn thiện phép Thánh Tẩy bằng việc đặt tay ban Thánh Thần. Chỉ duy các Tông Đồ, những người kế vị Đức Giê-su, mới có đủ thẩm quyền ban Thánh Thần. Thế là biến cố ngày Ngũ Tuần một lần nữa được tái diễn ở một nơi khác ngoài Giê-ru-sa-lem, và cứ như thế ở bất cứ nơi nào mà Lời Chúa có dịp tràn đến.
BÀI ĐỌC II (1Pr 3 : 15-18)
Vào Chúa nhật này, chúng ta tiếp tục trích dẫn thư thứ nhất của thánh Phê-rô gởi cho những Ki-tô hữu miền Tiểu Á. Đoạn trích này dọi chiếu vài tia sáng trên những thử thách mà họ phải chịu. Thánh Tông Đồ an ủi khích lệ họ. Họ phải chịu phỉ báng, vu khống, bị điệu ra trước tòa, bị trách cứ vì cách sống mới của họ, …. Đây là những cuộc bách hại địa phương hoặc do những anh em đồng đạo Do Thái trước đây của họ hay do đồng bào ngoại giáo trước đây của họ.
1. Hãy tôn kính Đức Ki-tô làm Chúa trong lòng anh em:
Thánh Phê-rô khuyên nhủ họ. Lời mở đầu: “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn kính Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em” (1Pr 3 : 14-15) gợi hứng từ bản văn của Is 8 : 12-13 : “Các ngươi đừng sợ và đừng kinh hãi. Chính Đức Chúa các đạo binh là Đấng các ngươi phải nhìn nhận là Đấng Thánh. Chính Người là Đấng các ngươi phải kính sợ, chính Người là Đấng các ngươi phải kinh hãi”.
Vị ngôn sứ xưa kia ngỏ lời với Giê-ru-sa-lem bị đe dọa và với vua A-khát sợ hãi và xao xuyến. Hoàn cảnh bấy giờ xem ra tương tự. Những người bị bách hại đừng khiếp sợ kẻ thù của họ ! Đừng có mối bận lòng nào khác ngoài làm đẹp lòng Thiên Chúa !
2. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời :
Sau khi khuyên nhủ một cách khái quát, thánh Phê-rô khuyên nhủ sát với thực tế hơn : “Hãy trả lời cho bất cứ ai chất vấn anh em về niềm hy vọng của anh em”. Thánh nhân ám chỉ đến việc họ bị điều ra trước thế quyền cũng như giáo quyền và khuyên họ hãy bênh vực niềm tin của họ và hãy biện minh niềm hy vọng của họ đối diện với những kẻ không tin.
Đây là lần đầu tiên thánh Phê-rô ban một lời khuyên như vậy cho thấy những hoàn cảnh khó khăn mà các tín hữu phải trải qua. Sau này vào lúc những cuộc bách hại lớn lao như cuộc bách hại của hoàng đế Domitien (81-96) khắp Đế Quốc, lời khuyên nhủ như thế sẽ mặc lấy một tính chất bi thảm.
Tiếp đó, trở lại chủ đề chạy xuyên suốt bức thư: Phúc cho những ai bị bách hại vì công chính ! thánh nhân viết: “bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành còn hơn là vì làm điều ác”. Sau cùng, thánh Phê-rô một lần nữa viện dẫn Đức Giê-su như mẫu gương: Đức Giê-su, Đấng Công Chính đã chết cho những kẻ bất lương, nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết, đó là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta.
Niềm an ủi mà vị thủ lãnh Giáo Hội muốn đem đến cho các cộng đoàn Ki-tô hữu miền Tiểu Á bị cư xử bất công, cốt ở nơi lời giáo huấn căn bản này: Đức kiên nhẫn trong những trăm chiều thử thách dẫn họ đến cùng một vận mệnh vinh quang như vận mệnh của Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Ga 14 : 15-21)
Chúng ta tiếp tục Diễn Từ Từ Biệt của Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài. Thấy họ xao xuyến trước lời loan báo về cái chết sắp đến của Ngài, Đức Giê-su nói với họ những lời an ủi và hứa với họ Ngài sẽ trở lại tìm họ để họ nên một với Ngài luôn mãi trong mối thâm tình với Cha Ngài (Chúa nhật vừa qua). Chúa Giê-su lại còn hứa Ngài sẽ sai phái Chúa Thánh Thần đến ở với họ, đây là đối tượng của đoạn Tin Mừng Chúa nhật này.
1. Trung thành trong tình yêu:
Trước khi hứa sai Thánh Thần đến ở với họ, Đức Giê-su đòi hỏi họ hãy tuân giữ các điều răn của Ngài như bằng chứng tình yêu của họ đối với Ngài.
Chúng ta lưu ý rằng Đức Giê-su nói theo cùng một cách như Đức Chúa khi Người giảng dạy dân Do Thái và ban Lề Luật của Người cho họ. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi như vậy. Đây cũng còn cách thức Đức Giê-su bày tỏ Thiên Tính của Ngài. Nhưng Đức Giê-su nhấn mạnh việc tuân giữ trong tình yêu. Ngài đòi hỏi yêu mến hơn vâng phục: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Đức Giê-su đòi hỏi yêu mến con người của Ngài chứ không là Lề Luật. Tất cả điểm nhấn của Ki-tô giáo đều tập trung vào luật mới mà Đức Ki-tô ban cho: không áp đặt từ bên ngoài, nhưng là hành vi chan chứa tình yêu, vì thế kêu gọi đi vào trong mối tương giao với Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Gio-an, tình yêu sánh bước với sự hiểu biết và thực hành những điều răn (x. Ga 14: 15; 14: 21). Sự hiểu biết được nêu lên ở đây không đơn giản là kiến thức, nhưng trào dâng từ cuộc sống, được cưu mang, sinh ra từ kinh nghiệm cụ thể. Đây là một sự hiểu biết thực tiễn từ cõi lòng sâu thẳm nhất. Đó là lý do tại sao, trong Tin Mừng Gio-an, có mối liên kết bền chặc giữa tình yêu, sự hiểu biết và tuân giữ các điều răn.
Bản chất tình yêu là muốn được sống cùng nhau, nên một với người mình yêu, không muốn xa lìa nhau. Khi người ta yêu nhau, người ta “đồng cảm” với nhau, người ta “biết” điều gì làm vui lòng người mình yêu và không có bất kỳ ép buộc nào, người ta ra sức thực hiện bất cứ điều gì làm vui lòng người mình yêu, chu toàn ý muốn của người mình yêu. Tuân giữ là cách thức cụ thể thể hiện ra bên ngoài điều mình nghĩ, điều mình yêu. Đây là điều Đức Giê-su đã làm đối với Cha của Ngài (15: 10), người môn đệ cũng sẽ làm như vậy, bởi vì người ấy “đồ lại” cuộc sống của mình trên cuộc sống của Đức Ki-tô, sống cuộc sống của Đức Ki-tô, Đấng hiện diện ở cõi sâu thẳm của người môn đệ.
2. Đấng Bảo Trợ khác:
Đối với những người bạn chí thiết của Ngài, nghĩa là những người thực sự yêu mến Ngài và bày tỏ tấm lòng yêu mến Ngài bằng việc tuân giữ các giới răn của Ngài, Đức Giê-su sẽ xin Cha Ngài sai Thánh Thần đến ở với họ luôn mãi: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em luôn mãi”.
Qua từ ngữ đơn giản “Đấng Bảo Trợ khác” này, Đức Giê-su định nghĩa cả sứ mạng của Ngài lẫn sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Ngài đã đến để là Đấng Bảo Trợ của chúng ta, chứ không là quan tòa của chúng ta, như thánh Gio-an viết trong thư thứ nhất của mình: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1Ga 2:1-2). Chúa Thánh Thần được gọi là “Đấng Bảo Trợ khác” vì Ngài sẽ tiếp tục công việc này; Ngài sẽ phù trợ chúng ta và “ở với chúng ta luôn mãi”. “Đấng Bảo Trợ” là từ ngữ pháp lý, phải dịch là “trạng sư” mới đúng, vì trong Tin Mừng thứ tư diễn ra một phiên tòa giữa Đức Giê-su và thế gian. Trong Tin Mừng Gio-an, từ ngữ “thế gian” mặc ý nghĩa tiêu cực, tức thế giới gian tà nằm dưới quyền của Xa-tan, thế nên, thế gian không thể đón nhận Chúa Thánh Thần, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Đó là tất cả tấm thảm kịch của sự cứng tin.
3. Thần Khí sự thật:
Đấng Bảo Trợ này cũng được gọi Thần Khí sự thật (15: 26) đối lập với thế gian dối trá. Ngài ban phát sự thật và dẫn các môn đệ đến sự thật. Trong Tin Mừng Gio-an, sự thật không là một phẩm chất luân lý, nhưng là một định nghĩa ngay cả về bản tính Thiên Chúa: Thiên Chúa là sự thật. Sự thật này được phơi bày ở nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngài cũng là sự thật, và sứ mạng của Ngài chính là bày tỏ sự thật cho con người: nghĩa là ban cho họ ơn cứu độ. Có nhiều cách nói: sống trong sự thật hay sống trong Thiên Chúa, hay được cứu độ, nhưng chỉ là một.
Đấng Bảo Trợ khác này cũng là Thần Khí sự thật bởi vì Ngài là Đấng duy nhất mới có thể cho các môn đệ biết Đức Giê-su thật sự là ai, mới có thể giúp cho các ông thật sự sống trong mối hiệp thông đích thật với Con và Cha. Thánh Thần của Đức Giê-su Phục Sinh mà Đức Giê-su sẽ ban cho các môn đệ để dẫn dắt họ vào trong sự thật toàn diện (hay ơn cứu độ trọn vẹn). Như vậy, các môn đệ sẽ có thể hiểu cụ thể con người và sứ mạng của Đức Giê-su, và hiện tại hóa ơn cứu độ của Ngài vào trong cuộc sống thường ngày của họ.
4. “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”:
Từ “mồ côi” là lời nói trìu mến, được Đức Giê-su dùng rất nhiều lần, trong suốt Diễn Từ Từ Biệt của Ngài: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy”.
Đoạn, cung giọng ngôn sứ lại được vang lên: Đức Giê-su loan báo cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài: “Phần các con, các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống.” Hoa trái của sự Phục Sinh của Ngài sẽ là ân ban sự sống, sự sống Thiên Chúa mà Đức Giê-su sẽ ban phát một cách sung mãn.
“Vào ngày đó”: đây là cách nói của Cựu Ước. Chữ “ngày” chỉ một thời kỳ, thường nhất thời cánh chung. “Thời cánh chung” được kể ở đây khởi sự từ biến cố Phục Sinh. Lúc đó, các môn đệ sẽ kinh nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở nơi họ, sự hiện diện của một thế giới mới, sự hiện diện Thần Khí, trong một mối hiệp thông sâu thẳm tròn đầy tình yêu.
Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông
https://gphaiphong.org/hoc-hoi-loi-chua/chu-giai-loi-chua-chua-nhat-vi-phuc-sinh-nam-a-11059.html
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Cv 8,5-8.14-17; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21
Lm Trầm Phúc
Chúa Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã yêu chúng ta trước và Ngài là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Vì thế chúng ta phải yêu Ngài như Ngài đã yêu chúng ta. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã viết: “ Ơn gọi của em là yêu, yêu Chúa Giêsu hết lòng”.
Trước khi chịu khổ nạn, trong bữa tiệc Vượt qua cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã tâm sự với các môn đệ. Ngài nói đến nhiều vấn đề, nhưng tất cả gốm trong một tiếng yêu. Yêu Ngài và yêu Chúa Cha. Yêu nhau như anh em.
“Nếu ai yêu mến Thầy”. Tại sao lại nếu? Vì có nhiều người sẽ không bao giờ yêu mến Ngài. Trong số mười hai môn đệ thân thiết nhất, có một người phản Thầy, một người cũng yêu mến Thầy, nhưng cũng chối Thầy, và các môn đệ khác cũng bỏ Thầy. Nếu có nghĩa là Ngài không buộc ai, Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Tình yêu đòi buộc sự ưng thuận tự nguyện. Chúng ta yêu mến Thầy như thế nào?
“Nếu ai yêu mến Thầy, người ấy sẽ giữ lời Thầy”. Điều này không dễ và đòi hỏi nhiều cố gắng và tự sức chúng ta không thể làm được. Vì thế, nhiều người chỉ yêu mến Chúa nửa vời, giữ lời Chúa sơ sài, chiếu lệ. Hãy nhìn nhận một cách thành thực xem chúng ta có yêu mến Chúa không, có giữ lời Chúa không?
Chúa dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em”. Chúng ta có yêu thương nhau như Thầy không? Yêu mến Thầy là giữ lời Thầy. Chúng ta yêu thương nhau nhu thế nào? Chỉ cần một vài câu nói, chúng ta còn chưa nói được huống chi là giúp đỡ tận tình.
Nơi khác Chúa cũng bảo: “Ai muốn theo Ta phải bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Chúng ta bỏ mình như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng vác thập giá để theo Ngài không? Chỉ cần hai ví dụ thôi đủ để chúng ta thấy rằng, chúng ta thờ Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng chúng ta xa Ngài.
Vì thế, Chúa biết chúng ta cần những gì và Ngài đã dự trù cho chúng ta một Đấng Phù Trợ là Thánh Thần. Chỉ có Thánh Thần mới gíup chúng ta đủ sức giữ lời Chúa vì Ngài là Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu của Thánh Thần mới giúp chúng ta can đảm bước theo Chúa, thực hành lời Chúa.
Trước khi Thánh Thần đến, các môn đệ chỉ là những con người hèn yếu, sợ sệt. Tranh nhau ghế ngồi, gặp gian nan là bỏ chạy. Nhưng khi Thánh Thần đến, các ông hăng say rao giảng lời Chúa, dám liều, dám hy sinh tất cả. Vì thế, sau khi sống lại, Ngài thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…” Và Thánh Thần đã đổi mới tất cả, biến những con người hèn nhát thành những con người can đảm, liều mạng vì Chúa.
Chúng ta cũng cần đến Thánh Thần vì chúng ta chỉ là những con người yếu đuối, ngại khó, không dám hy sinh. Chúng ta cần Chúa Thánh Thần và Giáo Hội luôn nhắc chúng ta cần xin ơn Thánh Thần trước khi làm việc gì, nhưng gần như chúng ta đã quá quen với việc này khiến chúng ta không còn chú ý. Chúng ta chú ý đến Chúa Giêsu cũng là một điều tốt, nhưng tại sao chúng ta không cầu xin với Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta? Chúa Giêsu đã hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và Ngài thực hiện bằng cách gửi cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Ngài và Thánh Thần là một. Ngài vẫn sống trong chúng ta như Ngài đã nói. Nhờ Thánh Thần, chúng ta sẽ đủ sức để giữ lời Chúa và Chúa đã hứa, không những Thầy mà Chúa Cha cũng yêu quí chúng ta.
Chúa Giêsu đã hứa không để chúng ta mồ côi, Ngài sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Đó là lời hứa và Chúa thực hiện lời hứa ấy bằng cách biến chính mình thành của ăn cho chúng ta. Chúng ta được vinh dự tuyệt vời là ăn lấy Chúa của mình, và như thế, chúng ta sống cùng một xương thit với Ngài. Còn gì có thể sánh với hồng ân cao quí này không? Đừng bỏ rơi hồng ân Chúa. Xin Thánh Thần Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được phần nào tình yêu vô biên của Chúa và đáp trả với tất cả thiện chí của chúng ta.
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Có yêu thương, cuộc đời thêm tươi mới
Mở đầu đoạn Phúc âm Thánh Gioan ngày hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì hãy giữ các Điều răn của Thầy…” Rồi cuối đoạn Tin Mừng, Chúa lại đảo ngược câu nói trước, nhằm nhấn mạnh đến “một tình yêu” mà Ngài muốn các học trò cần phải có: “Ai giữ các Điều răn của Thầy, người ấy mới thực sự yêu mến Thầy…”
“Yêu mến Thầy” là điều kiện cần và đủ để làm môn đệ của Thầy. Chính vì thế mà cũng trong Phúc Âm Thánh Gioan ở chương 21 (chương cuối), Chúa Giêsu đã chất vấn Thánh Phêrô ba lần liên tiếp rằng: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?” Và cả ba lần, Phêrô đều trả lời: “Thưa có. Thầy biết là con rất mến Thầy.”
Cách trả lời của Phêrô, mỗi câu mỗi “lên giọng,” như muốn khẳng định rằng là con yêu Thầy lắm. “Lên giọng” như thể cam kết chắc chắn với Thầy rằng: từ nay con hứa, con sẽ dành trọn cuộc đời để đi theo và làm môn đệ của Thầy.
Sau khi Phêrô trả lời rằng “Yêu mến Thầy” thì có lẽ các Tông đồ khác cũng phải suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi của Thầy. Bởi vì, biết đâu, đến một lúc nào đó, Thầy cũng sẽ hỏi mình câu hỏi đó thì sao!
Thực tế, Chúa Giêsu không hỏi thêm ai nữa. Bởi vì Chúa quá biết rõ họ. Chúa biết Giuđa trong lòng không hề yêu mến Thầy, vì luôn tìm cơ hội để bán đứng Thầy; Chúa biết Giacôbê và Gioan, thích ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh dự, hơn là thích Thầy. Và Chúa cũng biết rõ Tôma là người rất thực tế, có chạm được dấu đinh nơi vết thương trên cơ thể Thầy, mới dám tin và yêu mến Thầy..v.v…
Mức độ yêu mến Thầy của các môn đệ khác nhau, nên Chúa Giêsu dạy cho các học trò, một bài học cơ bản về Tình Yêu và muốn các học trò biết sống một cuộc sống mang đậm chất yêu thương như Ngài mong muốn.
Giống như những suy nghĩ của nhà văn Mắcxim Goócki nổi tiếng của Nga, có nói rằng: Tình yêu thương là một thứ tình cảm, không thể cân đo, đong đếm, hay mua bán, đổi chác. Nó là một sự đồng cảm, sẻ chia, một sự quan tâm chăm sóc của người này dành cho người kia. Cho nên, trong cuộc sống, nếu thiếu tình thương, chia sẻ, con người sẽ trở nên nhỏ nhen ích kỉ, và thế giới sẽ trở nên lạnh lẽo, vô cảm. Để rồi cuối cùng, nhân loại sẽ tự hủy diệt lẫn nhau.
Cuối cùng, ông Mắcxim Goócki đưa ra một câu kết luận, khiến mọi người phải suy nghĩ. Ông nói rằng: “Nơi lạnh lẽo nhất của thế giới, của quả địa cầu, không phải là Vùng Bắc Cực, nơi quanh năm tuyết đóng băng, mà là ở chỗ con người sống thiếu tình yêu thương.”
Và cũng giống như câu chuyện “Cô bé bán diêm” trong đêm đông giá buốt. Khi phân tích nhân vật, tác giả Andersen muốn nói đến nguyên nhân khiến cho cô bé bán diêm qua đời trong nổi cô đơn tuyệt vọng là do sự lạnh lùng vô cảm của người cha và sự thờ ơ của những người qua đường không biết quan tâm yêu thương cô bé, hơn là do cái lạnh của mùa đông đêm ấy.
Vâng, nơi nào không có sự chia sẻ tình yêu thương, nơi đó sẽ lạnh lẻo cô đơn. Và ngược lại, nơi nào có sự quan tâm lẫn nhau đầy tình người, có thể nói nơi đó là Thiên Đàng tại trần gian.
Ngày 12/3/2017, Nhóm Công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức một chương trình ý nghĩa, mang tên “Ngày chủ nhật chia sẻ yêu thương.” Các tình nguyện viên đến bệnh viện, người thì cắt tóc, kẻ thì gội đầu cho các bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện. Nhóm thì tổ chức buổi văn nghệ giao lưu, cuối cùng là bữa ăn từ thiện cho những bệnh nhân.
Niềm vui lớn hơn, trong việc từ thiện lần này được dành đặc biệt cho hai cha con anh: Nguyễn Văn Đây và bé Khánh Ngọc (3 tuổi), quê Bến Tre, vì cả 2 đều bị bệnh tim.
Đã từ lâu, gia đình rất cố gắng làm lụng, dành dụm tiền chữa bệnh. Thế nhưng, chi phí của việc mổ tim quá cao so với kinh tế của gia đình anh. Rất may, nhờ nhóm Công Tác Xã Hội và đội ngũ Y, Bác sĩ của bệnh viện Chợ rẫy, mà hai cha con anh được phẩu thuật miễn phí.
Ngay ngày xuất viện, anh bày tỏ lòng cảm ơn đối với những mạnh thường quân trong nước mắt: “Tôi có nằm mơ cũng không nghĩ là con mình được mổ tim, chứ đừng nói đến chuyện hai cha con được cứu sống. Cho nên, gia đình chúng tôi rất biết ơn những đại ân nhân đã cứu sống cha con chúng tôi.”
Quả thật, nếu như mà “người người” biết làm điều tử tế và “nhà nhà” biết ra tay làm việc thiện, thì chắc chắn cuộc đời tạm này thật đáng sống, vì mọi sự được diễn ra tốt đẹp và lòng tốt con người được lan tỏa khắp nơi, vì “ai ai” cũng có lòng yêu thương nhau, theo kiểu “sống vì người khác và cho người khác.”
Đó chính là thiên đàng tại trần gian!
Ước gì, những lời dạy Yêu Thương của Chúa Giêsu, như một lời di chúc quý báu, luôn nhắc ta sống một đời yêu thương và phục vụ theo ý Chúa muốn, nghĩa là biết sống trọn vẹn hai chữ: “Kính Chúa và Yêu người” trong mọi ngày sống của ta. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
Chúng ta hãy nhớ trong giáo huấn của Chúa Giêsu luôn luôn có hai yếu tố đi kèm là mến Chúa và yêu người. Thế nhưng, Lời Chúa Giêsu hôm nay không nói trực tiếp đến yêu mến tha nhân, mà nói yêu mến Thiên Chúa, tại sao vậy?
Chẳng hạn như trong Tin mừng Luca trình bày có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10, 25-28).
Hay câu chuyện của một thủ lãnh hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su đáp: “Sao ông nói tôi nhân lành? Chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn ông biết các điều răn: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính mẹ.” Ông ta nói: “Tất cả những việc đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông: “Ông chỉ còn thiếu có một điều, là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe vậy, ông ta buồn lắm, vì ông rất giàu.
Thế tại sao hôm nay chỉ dạy các môn đệ một điều là nếu yêu mến Thầy, thì hãy giữ các giới răn của Thầy?
Chúng ta hãy nhớ, cũng trong tin mừng Gioan chương 15, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), Chúa Giêsu nói như vậy chứ Ngài không nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Vậy anh em hãy yêu thương nhau,” Chúa Giêsu không nói như vậy mà mời gọi các môn đệ hãy ở lại trong tình yêu của Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa để làm gì? Thưa chỉ khi nào ở lại trong tình yêu của Chúa các môn đệ mới có thể yêu thương nhau, cũng như yêu mến anh chị em của mình.
Và thật sự là như vậy, khi phục sinh hiện ra ở biển hồ Tibêria, Chúa Giêsu đã hỏi thánh Phêrô 3 lần: “Con có yêu mến Thầy không?” và cả ba lần thánh nhân đều trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” và sau đó là gì? Thưa sau đó Chúa Giêsu trao phó đoàn chiên của Chúa cho thánh Phêrô coi sóc.
Như thế chúng ta thấy, khi có lòng yêu mến Chúa mới có lòng yêu mến đoàn chiên của Chúa, đó là một quy tắc không thể thay đổi được, bởi nếu không có lòng yêu mến Chúa, thì sẽ chọn những con chiên nào mình thích để mình chăm sóc nuôi dưỡng, còn nếu có lòng yêu mến Chúa, thì sẽ chăm sóc tất cả các con chiên của Chúa không phân biệt một con chiên nào cả.
Nên lời Chúa hôm nay, tuy rằng Chúa Giêsu chỉ nói đến việc yêu mến Chúa mà không nói đến việc yêu mến tha nhân, nhưng chúng ta phải hiểu một khi yêu mến Chúa, chắc chắn sẽ yêu mến anh chị em của mình, và đó là điều mà Chúa muốn mỗi người chúng ta thực hiện trong cuộc đời của mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.
(Ga 14:15-21)
CẬY TRÔNG.
Trước khi từ giã ra đi,
Chúa thương nhủ bảo, thực thi đôi lời.
Các con yêu mến trong đời,
Giới răn bác ái, là lời Thầy khuyên.
Chúng con tuân giữ luật truyền,
Yêu Thầy kính Chúa, tinh tuyền trí khôn.
Thầy về cùng Chúa chí tôn,
Xin Cha chúc phúc, cho hồn ân thiêng.
Thánh Thần Phù Trợ thiêng liêng,
Người là Chân Lý, ơn riêng chữa lành.
Thế gian chẳng biết Thánh Danh,
Chúng con nhận biết, thực hành yêu thương.
Luật Thầy truyền giữ tỏ tường,
Mến yêu sự thật, mở đường ta đi.
Dù cho cuộc sống khó nguy,
Đồng hành bên Chúa, sợ gì thế gian.
Cuộc đời muôn nỗi gian nan,
Có Thầy yêu mến, chứa chan phúc lành.
Cậy trông phó thác chân thành,
Yêu người mến Chúa, rạng danh sáng ngời.
Chúa Giêsu trước khi từ giã các môn đệ, Ngài đã ưu ái nhắn nhủ và mời gọi các môn đệ hãy yêu thương nhau. Chúa ra đi, nhưng không để các ông mồ côi. Chúa biết khi Ngài rời xa, các tông đồ sẽ buồn phiền. Ngài hứa sẽ ban Thánh Thần đến để thêm sức và dậy dỗ các ông tất cả.
Không buồn sao được khi Chúa từ giã ra đi. Tuy rằng, Chúa chỉ vắng mặt nơi thân xác, nhưng tinh thần Chúa luôn hiện diện bên cạnh. Trước khi ra đi, Chúa đã dậy dỗ các môn đồ cách cặn kẽ. Chúa trao ban quyền năng để phục vụ và xây dựng Giáo Hội. Chúng ta biết các tông đồ là những người chài lưới sống ở vùng quê và ít học. Nhận lãnh trách nhiệm lớn lao trong việc truyền rao tin mừng cứu độ cho muôn dân.
Các tông đồ không thể cậy dựa vào sức mình. Với sự đơn sơ và lòng nhiệt thành, các ngài đã ra đi làm nhân chứng cho Chúa. Mười một trong số 12 tông đồ đã lấy chính máu đào của mình chứng minh niềm tin vào Chúa Kitô sống lại. Các ngài theo chân Chúa, thánh giá vác mỗi ngày. Biết bao chống đối, biết bao gian khổ và biết bao thăng trầm, các ngài đã từng bước vuợt qua và vươn tới. Không chùn bước khi gặp gian nan thử thách. Nhờ đâu các ngài có được sự can đảm như thế? Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa sai đến.
Vai trò Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong buổi sơ khai của Giáo Hội. Lửa yêu mến của Thánh Linh đã rực cháy trong tâm hồn của các tín hữu thời sơ khai. Dầu bị cấm cách, bị thiêu đốt, bị giam cầm, bị bách hại liên tục, các ngài luôn kiên cường làm chứng nhân cho Chúa sống lại. Các ngài đã xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang.
Triều thiên phải đổi bằng giá máu. Phải phấn đấu và tín trung cho đến cùng đường. Ai trong chúng ta cũng muốn được hạnh phúc và được đội triều thiên. Truyện kể: Trong giấc mơ, có một bà thấy mình bước vào cửa tiệm và ngạc nhiên thấy Chúa ngồi tại quầy hàng. Bà hỏi: Ở đây Chúa bán những món hàng nào? Chúa trả lời: Có tất cả các món hàng mà con mong muốn. Ngỡ ngàng quá sức! Bà định mua tất cả sự bình an, tình yêu và hạnh phúc. Bà muốn mua cho con cái và cho mọi người nữa. Chúa cười và nói rằng chắc bà hiểu lầm rồi, tiệm này không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống mà thôi.
Chúng ta đã lãnh nhận hạt giống đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng ta hãy làm nẩy sinh những hoa quả tốt đẹp trong cuộc sống. Hạt giống có trổ sinh nhân đức hay không, tùy thuộc cuộc sống nơi mỗi người chúng ta. Xin Chúa tràn đổ ơn lành giúp chúng ta sinh hoa kết trái tốt đẹp.
THỨ HAI, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 15, 26-16,4).
THẦN CHÂN LÝ
Thần Linh Chân Lý cao vời,
Cha Thầy sai đến, dậy khơi mọi điều.
Những lời mạc khải cao siêu,
Các con ghi nhớ, thiên triều gia ân.
Thánh Thần làm chứng canh tân,
Ban ơn sức mạnh, chứng nhân về Thầy.
Người ta bách hại lạm gây,
Hội đường xua đuổi, đong đầy gian nan.
Tưởng rằng phụng sự thánh nhan,
Chu toàn lề luật, liên can đạo đời.
Kẻ thù không biết Ngôi Lời,
Con Cha cực thánh, vào đời cứu nhân.
Mọi lời nhắc nhở ân cần,
Các con ghi nhớ, tinh thần vững tin.
Kiên trì phó thác cầu xin,
Thánh Linh Phù Trợ, ngước nhìn trời cao.
THỨ BA, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 5b-11).
RA ĐI
Phán cùng môn đệ lời này,
Thầy về thiên giới, đợi ngày ra đi.
Những điều dạy bảo thông tri,
Thầy đi lợi ích, chỉ vì các con.
Nói lời sự thật sắt son,
Thánh Thần Phù Trợ, mỏi mòn chờ mong.
Thông ban sức mạnh trong lòng,
Khôn ngoan thông suốt, tinh trong rạng ngời.
Ngôi Ba Thiên Chúa cao vời,
Tuôn tràn ân sủng, cho người tin yêu.
Những ai chê chối thiên triều,
Thế gian tội ác, ngả siêu thói đời.
Thánh Linh xét xử trần đời,
Không tin cứu độ, Ngôi Lời hạ thân.
Quyền năng phó thác Thánh Thần,
Công bằng chính trực, dự phần phúc vinh.
THỨ TƯ, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 12-15).
SỰ THẬT
Khi Thần Chân Lý viếng thăm,
Khai lòng mở trí, chuyên chăm sống đời.
Bảy ơn thánh đức cao vời,
Nói năng sự thật, qua lời truyền rao.
Ban ơn sức mạnh dồi dào,
Thêm ơn lo liệu, hiến trao thân mình.
Kiên trì trung tín quang minh,
Xin ơn soi sáng, tâm linh rạng ngời.
Hồn con kính sợ Chúa Trời,
Khôn ngoan hiểu biết, sống đời thánh ân.
Nguồn ơn phù trợ Thánh Thần,
Thông ban truyền dạy, canh tân lòng người.
Mọi điều hiện hữu trên đời,
Chúa Cha tác tạo, Ngôi Lời trung gian.
Những gì Cha đã trao ban,
Thần Linh lãnh nhận, sẻ san cho đời.
THỨ NĂM, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 16-20).
NIỀM VUI
Niềm vui trăn trối đôi lời,
Ra đi dọn chỗ, cho người mến yêu.
Tới ngày từ giã cô liêu,
Tông đồ môn đệ, vốn nhiều xót xa.
Vui buồn lẫn lộn phôi pha,
Thầy đi vắng mặt, thật là nhớ thương.
Cho dù lòng trí vấn vương,
Thêm phần lợi ích, tựa nương sống đời,
Thầy còn trở lại một thời,
Các con sẽ thấy, rạng ngời thiên nhan.
Bây giờ con cái thế gian,
Tẩy chay bách hại, gian nan cực hình.
Chúng con khóc lóc tự tình,
Than van sầu khổ, bất bình thế nhân.
Kiên tâm giữ vững tinh thần,
Mừng vui chan chứa, dự phần phúc vinh.
THỨ SÁU, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 20-23a).
VUI MỪNG
Tâm tư trầm lắng chiều nay,
Thầy trò tâm sự, đến ngày xa nhau.
Chia ly muôn nỗi sầu đau,
Tông đồ môn đệ, trước sau dự phần.
Giê-su từ giã gian trần,
Thăng thiên thượng giới, vô ngần cao siêu.
Các con than khóc thật nhiều,
Buồn sầu cay đắng, đốt thiêu tâm hồn.
Thế gian ghét bỏ vùi chôn,
Thù hằn ghen ghét, dại khôn cõi đời.
Các con tin vững ơn trời,
Niềm vui trở lại, cho người thiện tâm.
Hy sinh chịu đựng âm thầm,
Vinh quang rạng sáng, nẩy mầm xinh tươi.
Vui mừng rạng rỡ tươi cười,
Đoàn con xum họp, mọi người hân hoan.
THỨ BẢY, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 23b-28).
XIN ƠN
Phán cùng môn đệ lời này,
Hãy xin sẽ được, danh Thầy hứa ban.
Niềm vui trọn vẹn chứa chan,
Cha ban muôn phúc, tràn lan tâm hồn.
Trước ngày giảng dạy dụ ngôn,
Các con chưa hiểu, học khôn tháng ngày.
Đến nay Thầy nói thẳng ngay,
Loan truyền rành rẽ, điều hay lạ thường.
Chia ly sầu lắng vấn vương,
Thầy đi chuẩn bị, yêu thương vô ngần.
Cầu xin Thiên Chúa chí nhân,
Ủi an soi dẫn, bước lần thoát nguy.
Ban ơn giáng phúc từ bi,
Trung kiên vững bước, sá gì gian nan.
Chúa Cha yêu mến thế gian,
Trao ban Con Một, hứa ban Nước Trời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng