Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

Chủ đề: KHỞI ĐẦU MỚI VỚI THÁNH THẦN

“Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác,
tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”
(Cv 2,4)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần đến để trợ lực và hướng dẫn cho các môn đệ. Quả thật, Chúa Thánh Thần đến đã làm thay đổi cuộc sống của các môn đệ. Từ những con người sợ sệt nhút nhát, các môn đã trở nên mạnh mẽ, can trường. Từ những con người “đóng kín” trong chính mình, các môn đệ trở nên những người “ra đi” loan báo Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh.

1. Bài đọc 1 (Cv 2,1-11)

Chúa Giêsu biết trước rằng sau khi Người được phục sinh và lên trời, Người sẽ để lại một khoảng trống trong đời sống của các Tông Đồ, nên đã hứa ban Thánh Thần để hướng dẫn họ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đoạn sách Công Vụ hôm nay là sự hiện thực hóa lời hứa của Chúa Giêsu.

Trước hết, đó là việc các Tông Đồ nhận được Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần như “cơn gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà” (Cv 2,2). Thánh Thần là sức mạnh “từ trời”, từ nơi Thiên Chúa, đến lấp đầy tâm hồn trống trải, hoang mang của các Tông Đồ, làm cho các ông nhớ lại và hiểu mọi điều Chúa Giêsu đã dạy (x. Ga 14,26). Thánh Thần trở nên cầu nối kịp thời và hiệu quả giúp các Tông Đồ không cảm thấy mồ côi (x. Ga 14,18) vì một khi đến, Thánh Thần sẽ là Đấng Bảo trợ và ở với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16).

Sau nữa, các Tông Đồ trở nên chứng nhân cho Đức Giêsu Phục Sinh. Dấu hiệu nhận biết Thánh Thần là lưỡi lửa đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Lưỡi là bộ phận quan trọng dùng để nói, để thông truyền; “lưỡi” (dùng để nói và rao giảng) và “lửa” (là Thánh Thần) mà Thánh Thần ban không chỉ giúp các Tông Đồ mạnh dạn và có khả năng nói các thứ tiếng để giúp người ta hiểu, mà còn loan truyền sứ điệp chân lý của Thiên Chúa, vừa khơi dậy niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Nếu xưa biến cố Tháp Baben thời Cựu Ước làm cho loài người phân tán chia lìa với những ngôn ngữ chống lại nhau (x. St 11,1-9), thì nay Thánh Thần làm cho muôn người hiểu được nhau để hợp nhất lại làm một trong dân mới là Dân Thiên Chúa.

2. Bài đọc 2 (1Cr 12,3b-7.12-13)

Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côrintô về những ân huệ của Thánh Thần. Trong hoàn cảnh cộng đoàn đang có những chia rẽ (1Cr 11,18) và việc lạm dụng những ân huệ Thánh Thần theo kiểu những lễ hội ngoại giáo, gây ra những xáo trộn trong cộng đoàn (1Cr 12,2-3), thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần.

Trước hết, Thánh Thần (hay Thần Khí) là tác động liên kết Ba Ngôi. Thánh Phaolô khẳng định rằng dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần; dù có nhiều công việc phục vụ nhưng chỉ có một Đức Kitô; dù có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa (1Cr 12,4-6). Và chỉ những ai ở trong Thánh Thần mới có thể nhận ra rằng Đức Giêsu là Chúa (1Cr 12,3b). Như thế, Thánh Thần chính là tác động liên kết và hiệp nhất Ba Ngôi.

Sau nữa, Thánh Thần là tác động liên kết trong cộng đoàn. Thánh Thần được ban nơi mỗi người khác nhau, và mỗi người đều nhận được ân huệ và đặc sủng riêng, nhưng đều có một gốc chung là Thánh Thần (1Cr 12,7). Tuy Thánh Thần tỏ ra nơi mỗi người dưới những hình thức khác nhau, bằng những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất. Như thế, dấu chỉ để nhận biết những ân huệ của Thánh Thần là sự hiệp nhất mà những ân huệ đó mang lại cho cộng đoàn.

Cuối cùng, thánh Phaolô dùng hình ảnh của thân thể để cho thấy sự hiệp nhất mà Thánh Thần mang lại (1Cr 12,12-13). Dù người ta có khác nhau về chủng tộc, địa vị xã hội hay giai cấp, một khi chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần, thì đều được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Các bộ phận trong thân thể dù khác nhau về hình dáng, chức năng, nhưng được liên kết và hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể. Đức Kitô cũng vậy: bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho các Kitô hữu được hợp nhất nên một (1Cr 12,12).

Tóm lại, Thánh Thần là tác động hợp nhất Ba Ngôi và hiệp nhất các Kitô hữu trong cộng đoàn. Dù các Kitô hữu khác biệt nhau như các bộ phận khác nhau trong thân thể, nhưng dưới tác động của Thánh Thần, tất cả đều được liên kết với nhau trong cùng một thân thể Đức Kitô.

3. Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23)

Sau khi Đức Giêsu bị bắt, và đóng đinh trên thập giá, các môn đệ hoang mang, sợ hãi. Các ông thu mình lại trong những căn phòng đóng kín. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, ban bình an và Thánh Thần cho các ông, và sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Trước hết, Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an cho các môn đệ. Khi còn sống với Thầy Giêsu, các môn đệ luôn được Thầy hướng dẫn và bảo vệ. Các ông sống trong bình an vì luôn có Thầy bên cạnh. Vậy nên khi Thầy bị bắt, đánh đòn và giết chết, các ông không còn chỗ nương tựa và luôn sống trong tâm trạng hoang mang, sợ hãi. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng, bất an của các ông, nên ngay khi sống lại, lời an ủi đầu tiên Người dành cho các môn đệ là “bình an cho anh em” (Ga 20,19.21). Sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn bình an, mang lại niềm vui cho các môn đệ (Ga 20,20). Đây là sự bình an đích thực, bình an cứu độ.

Sau nữa, Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi. Sứ mạng của các môn đệ phát xuất từ biến cố phục sinh (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18.20; Lc 24,46-48; Cv 1,7-8). Sứ mạng này là một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giêsu bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21; x. Ga 17,18). Tin Mừng Gioan nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian (x. Ga 5,23-24.30; 6,38-39; 7,29; 8,18.29.42; 11,42.44-45; …), nhưng đây là lần duy nhất Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, theo cùng một mô thức như Người đã được Chúa Cha sai đi. Như thế, theo cái nhìn của Tin Mừng thứ tư, biến cố phục sinh là mốc điểm quan trọng của sứ mạng các môn đệ.

Cuối cùng, Đức Kitô phục sinh ban Thánh Thần cho các môn đệ. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Mátthêu và Máccô không hề nhắc đến Thánh Thần Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, còn theo Luca thì Chúa Giêsu chỉ nhắc các môn đệ hãy chờ “quyền năng từ trời cao ban xuống” mà Người “sẽ gửi” (Lc 24,49). Luca chỉ muốn chuẩn bị để trình bày điều này rõ hơn trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trái lại, Tin Mừng Gioan nối kết vai trò của Thánh Thần với sứ mạng được sai đi của các môn đệ (Ga 20,21-22). Chính Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi và ban Thánh Thần cho các ông, cùng với những thẩm quyền kèm theo (Ga 20,23).

Như thế, chính Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an và niềm vui cho các môn đệ, sai các ông ra đi và ban Thánh Thần, cùng với những thẩm quyền kèm theo, để các ông thực thi sứ mạng. Sứ mạng này thật sự khởi nguồn từ biến cố phục sinh.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại việc các Tông Đồ nhận được Thánh Thần để trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh cho đến tận cùng trái đất. Giờ đây họ “mở tung” mọi cánh cửa đang khép kín để “ra đi” loan báo sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh đến mọi người và mọi nơi. Qua bí tích Rửa Tội và nhất là Thêm Sức, rồi trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, tôi cũng đã nhận được Thánh Thần, vậy tôi có sẵn sàng “ra đi” để loan báo cho người khác về kinh nghiệm đức tin? ĐGH Phanxicô nói trong sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông được công bố ngày 24-1-2020 rằng “Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, mọi câu chuyện, ngay cả những câu chuyện bị lãng quên nhiều nhất, thậm chí cả câu chuyện dường như được viết với những dòng quanh co nhất, đều có thể được truyền cảm hứng, có thể được tái sinh thành kiệt tác, và trở thành phụ lục của Tin Mừng”. Đời sống đức tin của tôi có tỏa hương thơm Tin Mừng? Và tôi có ý thức cùng với Chúa Thánh Thần kể lại câu chuyện cuộc đời mình như một bằng chứng tuyệt vời về cuộc gặp gỡ giữa tự do của Thiên Chúa và tự do của con người hay không?

2/ Thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần. Sự hiệp nhất và yêu thương là dấu chỉ của những người môn đệ đã nhận được Thánh Thần của Đức Kitô. CĐ Vatican II cũng dựa vào đó mà khẳng định: Chúa Thánh Thần thống nhất Hội Thánh bằng kết hiệp và phục vụ. Người xây dựng và dẫn dắt Hội Thánh bằng nhiều ân sủng khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 4). Tôi có nhận ra rằng đời sống và sứ vụ của mỗi Kitô hữu và Hội Thánh đều do một Thánh Thần Chúa duy nhất tác động? Tôi có ý thức rằng mỗi thành viên trong Hội Thánh/ Dòng tu/ giáo xứ/ hội đoàn, nhóm… như là một chi thể trong thân thể, tuy khác nhau nhưng cần sự đoàn kết, phối hợp và bổ túc cho nhau để xây dựng đời sống cộng đoàn mình?

3/ Đức Giêsu Phục Sinh đã ban “bình an-là ơn cứu độ” cho các môn đệ để các ông vượt qua được nỗi thất vọng, lo âu, sợ hãi; đồng thời, ban Thánh Thần và sai các ông đi loan báo sự bình an cứu độ đó cho người khác. Mỗi Kitô hữu cũng được mời tiếp nối bước chân rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, nối dài bàn tay của Đức Giêsu để đem sự bình an cho mọi người. Tôi có để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng tâm hồn và mở rộng con tim cho Thiên Chúa mỗi ngày trong đời sống để có sự bình an đích thực của Chúa? Tôi có nỗ lực thi hành sứ vụ đem bình an, loan truyền ơn cứu rỗi của Đức Kitô Phục sinh cho những anh chị em đang sống trong mặc cảm, cô đơn, lo âu, tuyệt vọng, sợ sệt bằng sự viếng thăm chia sẻ rao giảng Tin Mừng với họ hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Thánh Thần là quà tặng mà Đấng Phục Sinh đã xin Chúa Cha ban cho Hội Thánh và từng người chúng ta. Trong Chúa Thánh Thần, cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân thành và cầu xin tha thiết.

1. Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, được đầy tràn Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, luôn can đảm và trung thành diễn tả khuôn mặt của Đấng Cứu Thế cho con người thời đại.

2. Bình an là quà tặng của Chúa Kitô Phục Sinh dành cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các anh chị em tại những nơi đang có chiến tranh mau thoát khỏi bạo lực, tại những vùng dịch bệnh được an ủi chữa lành, để tất cả mọi người luôn vui sống trong bình an đích thực.

3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng các nhà truyền giáo ở khắp nơi, biết ý thức sứ mạng cao quí do Thiên Chúa ủy thác, luôn nỗ lực loan báo Tin Mừng và chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người.

4. Thánh Phaolô khẳng định: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống xứng đáng với ân huệ Thánh Thần đã lãnh nhận, và làm trổ sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúa đã ban Thánh Thần thánh hóa và dạy dỗ chúng con trong đời sống đức tin. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện cùng giúp chúng con biết mở lòng đón nhận và luôn vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-le-chua-thanh-than-hien-xuong-3114

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Củng Cố Hiệp Thông Trong Ngoài Giáo Hội

 

Theo thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội Ngày 07 tháng 10 năm 2022 đã thống nhất chủ đề mục vụ cho năm 2023 là “Củng Cố Sự Hiệp Thông”. Theo tự điển Tiếng Việt: Củng Cố là làm cho trở nên bền vững, chắc chắn hơn; Hiệp là gộp chung lại, tập hợp lại; Thông nghĩa là không bị cản trở, nối liền một mạch, hiểu rõ. Vậy củng cố sự hiệp thông là làm cho sự hiệp thông vững bền, chắc chắn và thông suốt và không bị tắc nghẽn.

Qua dòng lịch sử cứu độ, con người nhiều lần đánh mất sự hiệp thông với Chúa và với nhau. Ngay từ những chương đầu của sách Sáng Thế, Adam và Eva đã làm mất sự hiệp thông vì lạm dụng sự tự do dẫn đến quyết định sai trái. (St chương 2) Từ đó, con người đánh mất sự hiệp thông với nhau ngay trong gia đình, dòng tộc, như Cain với Aben (St Chương 4), Giacob với Esau (St 27,41-45) cũng như các cuộc chiến thời Cựu ước, đặc biệt là biến cố tháp Babel năm xưa (St 11,1-9).

Để củng cố sự hiệp thông, nhiều lần nhiều cách, Chúa đã sai các Ngôn sứ đến cảnh tỉnh họ, có lúc họ lắng nghe nhưng đôi khi họ quay lại sự yếu đuối của con người. Đặc biệt, Chúa củng cố sự hiệp thông trọn vẹn qua gương của Chúa Giê-su và Mẹ Maria như là Adam mới và Eva mới. Tiếc thay, ngay từ thời các Tông đồ, các ông đã từng tranh cãi ai là người lớn nhất trong nước trời (Lc 22,24-30); Các ông cũng đi tìm địa vị danh vọng qua việc xin ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giê-su (Mt 20,20-28). Trải qua lịch sử của Giáo hội, có những lúc chúng ta đánh mất sự hiệp thông với nhau để rồi phải tách ra như là Chính Thống Giáo, Tin Lành và Anh Giáo.

Tuy có những thay đổi như trên nhưng Giáo hội vẫn tồn tại và phát triển. Sau khi Chúa Giê-su phục sinh và lên trời, Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần xuống để canh tân địa cầu. Chúa Thánh Thần hiện xuống làm thay đổi các Tông đồ từ những con người yếu đuối nay trở nên mạnh mẽ và can đảm làm chứng cho Chúa. Từ tiếng nói trở nên lộn xộn nơi tháp Babel năm xưa nay trở nên thông suốt qua bài giảng của Thánh Phê-rô nhờ ơn Chúa Thánh Thần họ thấu hiểu và có trên 3 ngàn người gia nhập đạo (Cv 2,37-41). Nhờ có Chúa Thánh Thần hoạt động giúp Giáo hội vượt qua muôn vàn khó khăn, đồng thời củng cố Giáo hội qua việc xây dựng tinh thần đại kết, đối thoại liên tôn… Nhờ thế, Giáo hội không chỉ tồn tại mà còn phát triển theo từng thời đại của chúng ta.

Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ước gì mỗi người Kitô hữu và từng gia đình, họ đạo cũng như Giáo hội địa phương và toàn cầu hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, canh tân, thánh hóa lòng trí cũng việc làm của chúng ta để trổ sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa mong ước (Gl 5,22-23). Từ đó, chúng ta sống tích cực hơn, gia đình đoàn kết yêu thương hơn, họ đạo hy sinh và dấn thân phục vụ hơn, Giáo hội hiệp nhất trong tình yêu của Đức Ki-tô như cành nho và thân nho (Ga 5,1-11); Qua đó, nhựa sống của Lời Chúa và Bí tích Thánh thể giúp chúng ta củng cố sự hiệp thông  được tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến
Tâm hồn con cảm mến chờ mong,
Xin ban sức
sống trong lòng
Cho con nhận biết cậy trông suốt đời.

Thánh Thần Chúa đổ tràn ơn phúc
Hoán đổi con mọi lúc mọi nơi
Nâng đỡ con
luôn cả mọi thời
Để sáng danh Chúa một đời yêu thương.

Lm. Biển Xanh.

CHÚA THÁNH THẦN TRONG TIN MỪNG THÁNH GIOAN

CHÚA THÁNH THẦN TRONG TIN MỪNG THÁNH GIOAN

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Có lẽ chủ đề Chúa Thánh Thần luôn gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu, và đương nhiên cho cả mỗi người chúng ta. Trong bốn Tin mừng, rất nhiều lần Đức Giêsu đề cập đến Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, mỗi thánh sử diễn tả Chúa Thánh Thần theo nhãn quan thần học rất riêng. Chẳng hạn bài viết dưới đây, chúng ta thử đi vào cái nhìn thần học của thánh sử Gioan về Chúa Thánh Thần.

Phải nói ngay rằng thánh Gioan rất giỏi về nền thần học Cựu ước (nhất là về các ngày lễ của Do Thái Giáo). Vì lý do này, ngài đã nối kết các thuật ngữ “thần khí” trong Cựu ước với khái niệm Chúa Thánh Thần trong Tân ước. Đây là một lợi thế để chúng ta nhớ lại những lần “Thần Khí” xuất hiện trong Cựu Ước để hiểu rõ hơn nội hàm Chúa Thánh Thần mà thánh Gioan đề cập ở đây.

  1. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa

Mở đầu Tin mừng của mình, thánh Gioan quay ống kính đến bối cảnh của tạo dựng. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”(Ga 1,1). Nếu lật lại những trang sách Sáng Thế, chúng ta thấy Thiên Chúa đã tồn tại trước cả khi tạo thiên lập địa. Ngài là nguyên thủy và là cùng đích (Ego sum Alpha et Omega, Principium et Finis, Primus et Ultimus). Lúc đó, “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1). Đây cũng là câu đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu ước, và chúng ta bắt gặp hai “nhân vật”: Thiên Chúa và Thần Khí. Thiên Chúa chúng ta đều biết. Còn thần khí của Thiên Chúa được hiểu như là: ruah-רוּחַ, pneuma (πνεῦμα), tiếng Latinh là: spiritus: gió[1], khí, hơi thở, thần khí.  Những điều này được đề cập rất nhiều trong Cựu ước (Xh 10,13; Ds 11,31; Job 1,19,…). Thực vậy, các học giả đều hiểu thần khí trong bối cảnh sáng tạo này là hơi thở của Thiên Chúa[2], phát xuất từ Thiên Chúa (Elohim).

Như vậy, mở đầu Tin mừng của mình, thánh Gioan cho người đọc cảm nhận không chỉ về Ngôi Lời là chính Chúa Giêsu, nhưng còn hướng chúng ta về Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa. Mẫu thức chúng ta thường tuyên xưng: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa (sanctificatio). Sự thật là Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong Chúa Giêsu và là sức mạnh để Chúa Giêsu thực thi sứ mạng của mình ở trần gian. Hiểu theo nghĩa này, thánh Gioan liền sau đó mô tả Ngôi Lời (Chúa Giêsu) như là ánh sáng thật, như là sự sống (sinh khí), là Đấng đầy ân sủng (x. Ga 1,3-18).

  1. Thần Khí của Thiên Chúa

Thật thú vị khi thánh Gioan không tường thuật hai biến cố liên quan đến Chúa Thánh Thần: 1. lần Chúa Giêsu chịu phép rửa; 2. Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Cả hai lần này, Tin mừng nhất lãm đều đề cập đến Thần Khí của Chúa tựa như chim bồ câu. Lúc đó còn có tiếng nói của Chúa Cha từ trời phán nữa (x. Lc 3,15-16).

Thực ra nếu đọc tinh ý, chúng ta cũng thấy thánh Gioan đề cập một cách gián tiếp lần Chúa Giêsu chịu phép rửa: (x. Ga 1,31-34). Lần này Gioan Tẩy Giả cũng làm chứng rằng mình đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu. Lúc này thánh sử Gioan đề cập đến một phép rửa khá quan trọng: phép rửa trong Thánh Thần. Thần học của Gioan nhận thức rất rõ sứ mạng của Đức Giêsu, đó là xóa bỏ tội lỗi (x. Ga 1,29). Bằng cách nào? Gioan trả lời: bằng cách tuôn đổ Chúa Thánh Thần là dòng nước hằng sống (x. Ga 7,38), xuống những ai tin và lãnh nhận phép rửa (x. Ga 3,5-8), để được tái sinh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta thấy Đức Giêsu mời gọi Nicôđêmô cần được sinh lại một lần nữa bởi ơn trên (x. Ga 3,1-21). Đây là điều kiện tiên quyết để trở nên con cái Thiên Chúa: sinh ra bởi nước và Thần Khí (x. Ga 3,5). Rõ ràng Gioan dùng hình ảnh nước luôn đi liền với Thần Khí. Vì lý do này nên một số nhà chú giải gọi là “nước của Thần khí”. Dù sao, chỗ khác Gioan trình thuật lời Đức Giêsu: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” Liền sau đó, Gioan chú giải: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,37-39). Trong đoạn “sinh bởi ơn trên”[3] này, thánh Gioan cũng không quên mô tả về gió như là đặc tính của Thần Khí, là sự tự do, vốn là đặc nét của Chúa Thánh Thần (x. Ga 3,8).

Để hiểu rõ hơn về Thần Khí ở trên, chúng ta chuyển nhanh đến lời di chúc của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu không quên hứa sẽ ban Đấng Bảo Trợ đến cho các môn đệ[4]. Chỉ có thánh Gioan dùng từ này để nói về Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,19-23). Khi Thần Khí đến, chúng ta sẽ được trợ giúp để hiểu hơn về lời của Đức Giêsu. Chưa hết, Thần Khí sự thật sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (Thần Chân Lý). Khi chú giải đoạn Tin mừng này, thánh Tôma Aquinô viết: “Nơi chúng ta, việc thụ nhận và suy tư chân lý làm cho lòng ta mến mộ chân lý; cũng tương tự như thế, trong Thiên Chúa, hành động thụ nhận (như thụ thai) chân lý tức là Con, dẫn đến sự việc Tình Yêu phát xuất; và bởi phát xuất từ chính Chân lý, nên Tình yêu ấy (=Thần Khí) dẫn đến việc hiểu biết chân lý… bởi vì chính tình yêu mới vén tỏ những gì bí ẩn[5]. Ngoài ra, chính Chúa Thánh Thần tình yêu sẽ tôn tôn vinh Đức Giêsu, bởi Ngài sẽ giúp các môn đệ hiểu mọi điều Đức Giêsu đã làm, và hơn hết, để yêu mến Đức Giêsu nhiều hơn. Vì ý nghĩa này, Chúa Thánh Thần được mang danh hiệu là Tình Yêu (Amor, Caritas). “Thiên Chúa là Tình Yêu” – thánh Gioan viết (1Ga 4,8).

Có lẽ Thần Khí tình yêu của Thiên Chúa diễn tả cao trào nhất trên cây thập giá. Chúa Giêsu đã yêu con người đến cùng, đến nỗi chết trên cây thập tự. Tin mừng nhất lãm dùng từ “Đức Giêsu tắt thở”; tuy nhiên, nhãn quan thần học của Gioan cho thấy Chúa Giêsu “trao Thần Khí”. Ở đây, Pneuma có hai nghĩa: hơi thở và Thần Khí. Hẳn nhiên độc giả đều hiểu Chúa Giêsu tắt thở hoặc chết. Dừng như thánh sử Gioan nhấn mạnh đến chiều kích thứ hai hơn, nghĩa là với cái chết của Đức Giêsu, đã khai mạc một thời đại mới: đó là thời đại của Thần Khí.

  1. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh

Cả bốn Tin mừng đều trình thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông đồ. Tuy nhiên, chỉ có thánh Gioan đề cập đến một yếu tố quan trọng để khai mạc thời đại mới của Giáo hội: Thần Khí. Sau khi trao bình an, và sai các Tông đồ ra đi loan báo Tin mừng, Chúa phục sinh liền: “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Vậy là lời hứa trong bữa tiệc ly được thực hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần[6], ở cùng một căn phòng Tiệc Ly. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã thổi hơi trao sinh khí cho con người. Ngài trao ban sự sống (St 2,7; Ed 37,5), như lời tuyên xưng trong kinh Tin kính: Thánh Thần là “Thiên Chúa và là Đấng ban Sự sống” (vivificans). Ở đây, Chúa phục sinh cũng thổi hơi và trao ban quyền năng để các Tông đồ tiếp tục trao ban sự sống của Chúa Thánh Thần cho những ai tin vào Thiên Chúa.

Từ sự kiện trên, chúng ta thấy các Tông đồ đã mạnh mẽ ra đi làm chứng cho Tin mừng phục sinh. Giáo hội mỗi ngày một lớn mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cả sách Tin mừng thứ năm (Công vụ Tông đồ) và các bức thư sau đó, đều trình thuật mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Chẳng hạn dịp Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã “xuất hiện giống như lưỡi lửa tản ra rồi đậu xuống từng người một; và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần…” (Cv 2,3-4). Đây là những tài liệu và bằng chứng minh nhiên để Giáo hội sau này hiểu hơn về Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn:

– Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể, “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con” (GLHTCG 685).

– Ngài cũng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn tất kế hoạch cứu độ chúng ta. Nhưng trong thời sau hết, nghĩa là thời Giáo hội, Chúa Thánh Thần mới được mạc khải và thông truyền, được nhận biết và đón nhận với tư cách là một Ngôi Vị (persona).” (GLHTCG 686). Có lẽ thánh sử Gioan đã nhìn nhận tính Ngôi Vị này của Thần Khí qua việc dùng đại từ ekeinos (anh ta, ông ấy) – một từ giống đực – để liền sau thuật ngữ pneuma (thần khí). (x. Ga 14,26; 15,26; 16,7).

– Sau cùng nhưng chưa hết, Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn con người và lôi kéo họ đến với Chúa Kitô; quy tụ họ trong Hội Thánh, ban sinh khí và thánh hóa Hội Thánh.” (GLHTCG 737, 747).

– Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở thành “đền thờ sống động của Thiên Chúa” (2Cr 6,16).

Chúng ta đang sống trong “thời đại của Thần Khí”. Dù Chúa Thánh Thần “hay bị chúng ta quên lãng”, nhưng phải nhìn nhận rằng Hội Thánh không thể thiếu Chúa Thánh Thần. Đây là lý do Giáo hội mời gọi mỗi người không chỉ đón nhận bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, nhưng còn nhận ra những hướng dẫn của Ngài. Khi đó, nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan: “Chúng ta đang tắm mình trong con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên…” (Kh 22,1).

Ước gì mỗi lần mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cùng với thánh Gioan, chúng ta hát nguyện những lời này:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến canh tân đổi mới, đời sống chúng con…

Nguồn: WHĐGMVN (23.05.2023)

https://giaophandalat.com/tai-lieu/kinh-thanh/tim-hieu-kinh-thanh/chua-thanh-than-trong-tin-mung-thanh-gioan/
[1] 1Sm 16,13; Gr 10,13; Am 4,13, Is 11,4; 40,7

[2] Job 26,12-24; Ds 27,18; Dnl 34,9

[3] Truyền thống Cựu ước gọi Thần Khí “ngự trên” ai đó. Xem. Ds 11,17; 2 V 2,9; Is 42,1). Có lần thánh Gioan dùng giới từ “ở trong” để chỉ Chúa Thánh Thần: “Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta biết tại sao lương tâm hoặc bên trong mỗi người là đền thờ Chúa Thánh Thần.

[4] Thánh Gioan thích dùng Đấng Bầu Chữa, Đấng An Ủi, Đấng Cố Vấn, để nói về Chúa Thánh Thần (x. Ga 14,16.26; 15,26; 16,7).

[5] In Joannem, XIV, 4

[6] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-sao-le-hien-xuong-duoc-cu-hanh-vao-chua-nhat–46081

Có thể là hình ảnh về 6 người và văn bản cho biết '7 ON CHÚA THÁNH THẦN ON KHÔN NGOAN ONHIỂUBIẾT ON BIẾT LO LIỆU tống ON SÚC MANH ON THÔNG MINH Chúa ON ĐẠO ĐÚC ON KÍNH sợ CHÚA'

SUY TƯ
7 ƠN CHÚA THÁNH THẦN
1. Ơn Khôn Ngoan: Ơn khôn ngoan (Wisdom, don de sagesse) là ơn thượng trí, ơn cao minh, ơn “biết” Chúa thật sự, biết theo nghĩa Thánh Kinh, như A-đam biết E-va, và sinh ra Ca-in. Ơn khôn ngoan cho ta biết Chúa thật sự bằng cách bay vút lên cao để sống thân mật, sống kết hợp, sống kề cận ở ngay bên Chúa, nếm được Chúa, và cảm được Người. Ơn khôn ngoan giúp trí năng dựa vào những nguyên lý tối thượng, lẽ thật cao vời, để nhận ra Thiên Chúa, nhận ra những mầu nhiệm cao cả trong trạng thái chiêm niệm hoan lạc. Chẳng hạn, khi chiêm niệm về cuộc đời Chúa Ki-tô, thánh Gio-an đã lấy “tình yêu” làm tâm điểm diễn tả mọi hoạt động của Chúa. Vô tri bất mộ, không hiểu thì không mến, ơn khôn ngoan giúp ta càng hiểu biết Chúa hơn, và càng yêu mến Chúa nhiều hơn.
2. Ơn Thông Hiểu: Ơn thông hiểu (Understanding, don d’intelligence) giúp ta hiểu biết các lẽ đạo, nhận biết các mầu nhiệm. Ơn này rất cần thiết cho mọi tín hữu vì nghĩa vụ phải sống đạo và truyền đạo. Có hiểu mới sống đúng tinh thần, mới nói cho kẻ khác hiểu được. Muốn tăng triển ơn này, ta phải yêu mến các chân lý mặc khải, năng học hỏi Giáo Lý và Thánh Kinh. Đây chính là ơn thấu hiểu, không phải là hiểu biết thông thường qua các thụ tạo, nhưng là sự hiểu biết thấu đến chính Đấng Tạo Hoá nhờ những mặc khải của Người. Nói rõ hơn, ơn này đòi hỏi ta phải tin. Tin Thiên Chúa là Lời, Lời nói với chúng ta, cụ thể là tin Thánh Kinh là Lời ngỏ, là bức thư tình của Chúa nói với nhân loại. Ơn này cũng còn có nghĩa là khả năng hiểu và giải thích Thánh Kinh.
3. Ơn Lo Liệu: ​ Ơn lo liệu (Counsel, don de conseil) dịch rõ hơn phải là ơn chỉ giáo, chỉ cho biết đi đúng đường. Trong Tam Quốc Chí, Khổng Minh Gia Cát Lượng trao cho Triệu Tử Long trên đường sang Đông Ngô 3 túi gấm, trong đó có sẵn những chỉ dẫn. Khi cần thì cứ mở túi gấm, mở cẩm nang, để biết phải làm gì. Vì thế, ơn lo liệu tức là ơn túi gấm, ơn cẩm nang, ơn chỉ giáo, ơn phân định, ơn hiểu biết ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể, để rồi nhờ ơn sức mạnh Chúa ban, mà ta có dũng khí để thi hành điều Chúa muốn. Ơn biết lo liệu giúp ta cân nhắc, tính toán để phân định điều nên, lẽ thiệt; điều tốt, việc xấu. Có khi Chúa Thánh Thần ban ơn này cho ta một cách đặc biệt khiến ta thấy ngay việc phải làm, trực giác ngay điều phải nói. Các Thánh Tử đạo luôn được ơn này khi đứng trước quan quyền. Ơn này sẽ giúp ta tìm ra những giải pháp hợp với đạo lý, lẽ trời. Các cha giải tội, cha linh hướng rất cần ơn này để hướng dẫn người khác phân định ý Chúa. Muốn phát triển ơn này, ta phải biết nhận mình hèn kém, cần ơn Chúa giúp, rồi ra sức học hỏi Thánh Kinh, Giáo Lý để có những nguyên tắc đúng đắn giúp phân định mọi việc theo đúng ý Chúa.
4. Ơn Sức Mạnh: Ơn sức mạnh (Fortitude, don de force) giúp ta thêm can đảm, khiến ta có đủ nghị lực để chịu đựng hoặc đối phó với mọi tình thế theo ý Chúa. Các vị tử đạo có thể có lòng gan dạ, can đảm tự nhiên, nhưng chưa đủ, phải có ơn sức mạnh trợ giúp mới vui vẻ, sung sướng bước ra pháp trường. Trong cuộc sống, ta gặp biết bao nguy nan thử thách, phải có ơn sức mạnh, ta mới giữ vững được đức tin. Thực vậy, ý Chúa nhiều khi chẳng dễ chút nào, phải dũng cảm lắm ta mới thực hiện được. Chúa Giê-su đã nói: Từ ngày Gio-an Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và chỉ những ai mạnh bạo mới được vào Nước Trời (x. Mt 11,12). Một chỗ khác, Chúa Giê-su nói: Không phải cứ kêu: “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà được vào Nước Trời, nhưng là thi hành ý của Chúa Cha (x. Mt 7,21). Kết nối 2 câu này lại, ta thấy phải dũng cảm lắm, ta mới thực thi được ý Chúa, để có thể chiếm được Nước Trời.
5. Ơn Suy Biết: Ơn suy biết (Knowledge, don de science) giúp ta nhận biết có Thiên Chúa. Nhìn bên trong chiếc đồng hồ với các bánh xe ăn khớp nhau, ta suy biết có người làm ra chiếc đồng hồ. Nhìn trời đất muôn vật với trật tự lạ lùng, ta suy biết có Đấng Tạo Hoá. Đây là cách nhận biết Thiên Chúa sơ đẳng nhất: biết Thiên Chúa qua thiên nhiên, biết Tạo Hoá qua thụ tạo. Ơn suy biết giúp trí năng thông minh, hiểu biết mối tương quan giữa Thiên Chúa và vạn vật, biết sử dụng của cải đời này cho hợp với thánh ý Chúa, biết tìm những phương thế giúp ích phần rỗi và tránh những cản trở quấy rối tâm hồn ta. Ơn này giúp ta giải thoát khỏi những ràng buộc vật chất, sử dụng của cải đời này để “mua” lấy nước Thiên Đàng. Để phát triển ơn này, ta nên suy ngẫm về giá trị hữu hạn của vật chất, sự chóng qua của đời này.
6. Ơn Đạo Đức: Ơn đạo đức (Piety, don de piété) nên dịch là ơn hiếu thảo, ơn sùng hiếu. Ơn này nâng đỡ tâm tình yêu mến Chúa, yêu mến việc đạo đức, phát triển đức thờ phượng, tôn trọng những người, những vật đã được thánh hiến như linh mục, nhà thờ, ảnh tượng… Lòng mộ mến, yêu mến Thiên Chúa cần thiết phải đi đôi với những việc tôn thờ bên ngoài. Ơn này giúp ta sống hiếu thảo như người con đối với Thiên Chúa và biết dùng miệng lưỡi cao rao danh Người. Ta nên dùng những đoạn Thánh Kinh nói về tình phụ tử của Thiên Chúa để suy niệm mà làm triển nở ơn này. Ơn đạo đức chính là Đạo làm con. Một người con năng đến với cha là người con có hiếu. Ơn thứ bảy cho ta kính sợ Chúa, nhưng không phải kính sợ Chúa như một ông chủ hà khắc. Ơn kính sợ Chúa cộng với ơn sùng hiếu này khiến ta kính sợ Chúa như người Cha của chúng ta. Đây phải là một ơn riêng của Chúa Thánh Thần khiến ta mới có thể dám gọi Thiên Chúa là Cha của mình (x. Ga 4,6; Rm 8,15). Một khi ta có lòng hiếu thảo đối với Cha, chúng ta cũng biết mở lòng ra đón nhận và yêu mến những người xung quanh vì họ là anh chị em của ta, con cùng một Cha.
7. Ơn Kính Sợ: Ơn thứ bảy là ơn kính sợ Chúa (Fear of the Lord, don de crainte). Đây là ơn mà đọc lên chúng ta hiểu ngay muốn nói gì. Kính sợ là úy kính, một tâm tình mà ta cần phải có để tránh sự hỗn loạn, và vô trật tự. Khi một người nào đó ngang tàng, coi trời bằng vung, không biết sợ là gì, thì người ấy bất chấp mọi sự để làm những gì mình muốn kể cả những việc phi pháp. Ơn kính sợ nâng đỡ tâm tình kính sợ và yêu mến Thiên Chúa. Kính sợ vì Thiên Chúa Chí Thánh, Chí Công; Yêu mến vì Người là Cha giàu lòng thương xót. Không phải vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, nên chúng ta được phép có những cử chỉ bất kính, không chuẩn bị tâm hồn, ăn mặc lôi thôi khi đến nhà thờ, hoặc cứ mặc tình phạm tội vì ỷ lại lòng thương xót của Chúa. Trái lại, ta phải kính sợ Người vì Người là Đấng thưởng phạt và phải yêu mến Người vì Người là Cha nhân lành.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.