Nuôi dạy con cái theo cách thế Công giáo

NUÔI DẠY CON CÁI THEO CÁCH THẾ CÔNG GIÁO

Gregory Popcak

Liệu có một cách thế Công giáo để nuôi dạy con cái chăng?

Điều này thực sự tuỳ thuộc vào ý của chúng ta trong câu hỏi.

Nếu ý của chúng ta là: “Liệu có một danh sách được Giáo hội chấp thuận, ưu tiên, và yêu cầu chúng ta sử dụng để nuôi dạy con cái không?”. Câu trả lời sẽlà: “Chắc chắn là không!”

Nhưng nếu chúng ta muốn nói: “Liệu Đức tin Công giáo của chúng ta có yêu cầu các bậc cha mẹ phải có tư duy về việc nuôi dạy con cái phản ánh tầm nhìn độc đáo của Giáo hội về đời sống gia đình và đưa ra những lựa chọn lưu tâm đến tầm nhìn đó không?” Câu trả lời là: “Tất nhiên là có!”

Tầm nhìn, Phương pháp, và Tư duy

Đức tin của tín hữu Công giáo là một đức tin mang tính nhập thể, có nghĩa là, chúng ta không thể tuyên xưng đức tin và khẩn cầu danh Chúa Giêsu, và thế là xong. Chúng ta phải sống khác! Một cách cụ thể, dù các doanh nhân Công giáo không “được Giáo hội yêu cầu” sử dụng một nhãn hiệu phần mềm kế toán nhất định, nhưng họ được thách đố để có tư duy về công việc, quản lý và tiền bạc, vốn phản ánh quan điểm của Giáo hội về kinh tế và tư duy này hướng dẫnhành vi và lựa chọn của họ tại nơi làm việc; dù Giáo hội không yêu cầu cácbinh lính mặc đồng phục nào hoặc mang vũ khí gì, nhưng Giáo hội nhấn mạnh rằng những người lính phải có tư duy được hướng dẫn bởi các nguyên tắc Chiến tranh Chính nghĩa, và tư duy này sẽ chi phối hành vi và lựa chọn của họ trên chiến trường; cũng vậy, Giáo hội không bao giờ nói với bậc cha mẹ “Hãynuôi nấng con cái theo cách này“, hoặc “Hãy chỉ làm những gì phù hợp nhất đối với bạn!” Trái lại, Giáo hội nhắc nhở: “Là người Công giáo, chúng ta có một tầm nhìn độc đáo về đời sống gia đình, vì vậy các bậc cha mẹ Công giáo hãy ghi nhớ tầm nhìn này khi đưa ra quyết định về việc nuôi dạy con cái, để tầm nhìn này trở thành hiện thực, và bạn trở thành chứng nhân mà Giáo hội kêu gọi bạn trở thành”. Vậy, tầm nhìn đó là gì?

Tầm nhìn

Đức Tổng Giám mục Chaput từng nhận xét rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết khoảng 2/3 trong số tất cả những tài liệu của Giáo hội về hôn nhân và đời sống gia đình. Thần học Thân xác (Theology of the Body) của ngài có thể được xem là tuyên bố sứ mạng cho đời sống gia đình Công giáo. Nếu các bậc cha mẹ Công giáo đang tìm kiếm để hiểu xem điều gì làm cho tầm nhìn Công giáo khác với những quan điểm thế tục về đời sống gia đình, thì Thần học Thân xác là một quy chiếu tuyệt vời.

Mặc dù, Thần học Thân xác không nêu rõ là bậc cha mẹ nên sử dụng phương pháp nào, nhưng đưa ra một số nguyên tắc nhất định về đời sống và tình yêu gia đình mà người Công giáo được khuyến khích cân nhắc nghiêm túc khi lựa chọn phương pháp nuôi dạy con cái. Thực ra, những nguyên tắc này là một hình thức giáo lý, khi dạy chúng ta tương tác với con cái, dạy chúng cách suy nghĩ về mối tương quan, cuộc sống, đức tin, các ưu tiên và đạo đức.

Thần học Thân xác và việc nuôi dạy con cái

Thần học Thân xác là một tác phẩm lớn và phong phú. Ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào 2 Nguyên tắc thực hành có thể giúp bậc cha mẹ đưa ra những lựa chọn về việc nuôi dạy con cái theo tầm nhìn Công giáo về mối tương quan.

  1. Tình yêu là sự hiện thân

Thần học Thân xác dạy rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta thân xác để chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương với nhau. Có cảm giác ấm áp với ai đó thìchưa đủ. Để thực sự có ý nghĩa, tình yêu phải được thể hiện bằng cơ thể của chúng ta và được cơ thể khác trải nghiệm thông qua lời nói và hành động củasự phục vụ, hiện diện và cảm xúc. Biểu hiện của tình yêu càng cụ thể, càng sử dụng nhiều giác quan, thì biểu hiện của tình yêu càng thân mật.

Tầm nhìn của Công giáo về đời sống gia đình là một trong những hiện thân của sự tự hiến. Thiên Chúa ban cho người cha và người mẹ thân xác để họ có thể ôm ấp, ẵm bồng, vỗ về con cái để chúng cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa một cách thực tế và hữu hình. Như Thần học Thân xác nói, “Thân xác, và chỉ thân xác mới có khả năng làm cho sự vô hình, tâm linh, và thần linh trở nên hữu hình“. Con cái của chúng ta lần đầu tiên gặp được thực tại của tình yêu Thiên Chúa qua sự đụng chạm yêu thương của chúng ta. Chúng ta càng gần gũi với con cái bao nhiêu thì chúng càng phát triển khả năng cảm nhận tình yêu và được yêu thương bấy nhiêu. Thật thú vị khi điểm thần học này được sựhỗ trợ của khoa học thần kinh. Cảm xúc thể lý kích thích sự phát triển và myelinhóa thần kinh (sự phát triển của lớp phủ xung quanh các tế bào thần kinh khiến chúng hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn) nhất là ở những vùng não chịu trách nhiệm về sự đồng cảm, nhận biết các tín hiệu trên khuôn mặt và xã hội, lý luận đạo đức, lòng trắc ẩn và các đặc điểm xã hội khác. Thần học Thân xácdạy rằng sinh học là thần học bởi vì dấu ấn của Thiên Chúa ở trong mọi thụ tạo. Nếu muốn biết Thiên Chúa muốn chúng ta liên kết với nhau như thế nào, hãy nhìn vào những cách liên kết giúp cho cơ thể chúng ta hoạt động tốt nhất.

Khi lưu tâm đến giáo huấn về hiện thân của sự tự hiến như là dấu chỉ tối hậu của tình yêu, các bậc cha mẹ Công giáo sẽ biết nên chọn những phương pháp nào mà họ thành tâm tin tưởng là những cách thức thể hiện tình yêu thương cách thiết thực nhất mà họ có thể cho đi một cách quảng đại.

  1. Tình yêu là sự mật thiết

Thần học Thân xác cũng dạy rằng chúng ta được dựng nên không chỉ vì tình yêu mà còn vì sự thân mật. Toàn bộ vấn đề của Tin Mừng là sự kết hợp yêu thương, mật thiết, vĩnh cửu với Thiên Chúa và trong sự thông công với các thánh. Hãy nghĩ về sự mật thiết như một đơn vị đo lường tình yêu. Giống như ly, lít, thùng, cho chúng ta biết lượng nước, sự thân mật cho chúng ta biết tình yêu được thể hiện là một vũng nước hay một đại dương. Thần học Thân xácnói với chúng ta rằng, gia đình phải là “Trường học yêu thương” giúp chúng ta trải nghiệm đại dương tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nói cáchkhác, gia đình Công giáo được khuyến khích chọn những cách thức của sựtương quan, sắp xếp các ưu tiên, và kỷ luật con cái nhằm thúc đẩy mức độ thân mật sâu sắc nhất có thể.

Trong Thông điệp Evangelium Vitae, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết,

Bằng lời nói và gương mẫu, trong những mối tương quan và chọn lựa hàng ngày, cũng như bằng các hành động và dấu hiệu cụ thể, cha mẹ dẫn con cái đến sự tự do đích thực, được hiện thực hóa trong sự hiến thân chân thành, và họ vun trồng nơi con cái sự tôn trọng người khác, ý thức về công bằng, cởi mở thân ái, đối thoại, phục vụ quảng đại, liên đới và tất cả những giá trị khác giúp con người sống cuộc đời như một ân ban.

Ở điểm này, Thánh Giáo hoàng nêu rõ sứ mạng của gia đình Công giáo. Để tiếp cận việc nuôi dạy con cái với tư duy Công giáo đích thực, chúng ta phải đưa ra tất cả các lựa chọn của mình sao cho phù hợp với lời kêu gọi tôn trọng, công bằng, cởi mở, đối thoại, phục vụ và liên đới.

Liệu Giáo hội có cho cha mẹ biết chính xác có bao nhiêu hoạt động để con cái họ tham gia, phương pháp kỷ luật nào để lựa chọn, hoặc cha mẹ và con cái cần bao nhiêu thời gian bên nhau không? Dĩ nhiên là không.

Nhưng khi nuôi dạy con cái với tâm tư của Giáo hội, chúng ta tự vấn xem: có bao nhiêu hoạt động mà con cái có thể tham gia trong khi vẫn duy trì tầm quan trọng hàng đầu của sự thân mật trong gia đình. Tương tự như vậy, chúng ta có thể xác định phương pháp kỷ luật nào mang tính “Công giáo” hơn, theo nghĩa là phương pháp kỷ luật ấy dựa trên mối tương quan nhiều hơn, và có nhiều khả năng thúc đẩy đối thoại cởi mở và tình thân ái được thảo luận trong Thông điệpEvangelium Vitae.

Tại sao “làm những gì phù hợp với bạn” là CHƯA đủ?

Thần học Thân xác không cung cấp cho cha mẹ một kế hoạch chi tiết về phương pháp từng bước để nuôi dạy con cái như “Hãy thực hiện những phương pháp này thay vì những phương pháp kia” nhưng nói rằng, “Đây là tưduy mà Thiên Chúa muốn bạn có về cuộc sống gia đình. Hãy chọn một cách phù hợp“.

Là cha mẹ Công giáo, nếu chỉ nói: “Điều gì hiệu quả?” hoặc “Điều gì phù hợp nhất với bạn?” là chưa đủ. Doanh nhân Công giáo không thể làm như vậy. Những người lính Công giáo không thể làm như vậy. Và những gia đình Công giáo cũng không thể làm như vậy. Thay vào đó, từ góc độ của Thần học Thân xác, người Công giáo được thử thách đặt ra câu hỏi:

“Trong tất cả những cách thế khác nhau mà tôi có thể nuôi dạy con cái và tổ chức nếp sống gia đình của mình, lựa chọn nào giúp tôi làm tốt nhất hầu có thể trở thành chứng tá cho sự tự hiến, và kêu gọi sự mật thiết vốn nằm ở trung tâm của quan điểm Công giáo về tình yêu?”

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ:  catholiceducation.org

Nguồn: WHĐGMVN (29.05.2023)

Cảm nghiệm đời tu

lentenmessagechairdirector

Khi được sinh ra trên cõi đời này, có lẽ chẳng ai có thể biết trước mình sẽ sống trong bậc sống nào. Có người được mời gọi sống độc thân giữa đời dù rằng ngay từ bé họ rất thích sống đời dâng hiến. Có người nghĩ rằng mình sẽ sống đời sống hôn nhân gia đình, nhưng rồi khi lớn lên họ được mới gọi vào bậc sống tu trì. Trường hợp này thật đúng với con. Ngay từ khi còn cấp sách đến trường, con đã mơ ước mình sẽ xây dựng một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, sự đời thay đổi đẩy đưa, con cũng chẳng ngờ rằng mình bước vào đời dâng hiến tính đến nay đã được 25 năm khấn dòng. Được sống trong bậc sống này, đối với con thật là một mầu nhiệm.

Trước hết con tạ ơn Chúa có thời gian tĩnh lặng, để cầu nguyện, suy nghĩ những chuyển biến trong nội tâm của con, lắng nghe những thiếu thốn, những khát khao hiện tại trong tâm hồn, với thời gian ngắn ngũi trở về nhà mẹ để sống gần Chúa hơn. Giúp con có thời gian để kiểm điểm lại bản thân trên nhiều phương diện, cũng như củng cố niềm tin và cảm nghiệm sâu sắc hơn về một Người Cha luôn yêu thương, tha thứ, cảm nghiệm tất cả ân ban của Chúa đã dành cho con trong từng phút sống.

Với thời gian 25 năm khấn dòng, không gọi là quá dài nhưng cũng đủ cho con cảm nhận về đời tu. Những biến cố, những thăng trầm trong đời sống giúp cho con nhìn lại đời tu cách thực tế hơn. Trải qua những giai đoạn, con có cái nhìn mới mẽ hơn về cuộc sống, về bản thân và tha nhân. Đặc biệt, con cảm nhận rõ hơn về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

Giai đoạn khấn tạm, với những bước đi chập chững còn bỡ ngỡ, nhưng lòng con tràn đầy khát vọng yêu mến Chúa. Con quyết tâm làm mọi việc vì tình yêu, dù có nhiều điều chi phối như việc học, dạy trẻ, dạy giáo lý thiếu nhi, tân tòng…, dù có những va chạm với chị em nhưng con lại thấy điều đó thật đẹp. Con liên tục tận dụng nó như là ân huệ của chúa, là cơ hội để rèn luyện bản thân.

Càng đi sâu vào đời tu, con càng nhận ra mình thật nhỏ bé giữa chị em, giữa mọi người và giữa cái thế giới bao la rộng lớn này. Con thật sự nhận ra mình cần cộng đoàn nâng đỡ và cần phải nương tựa vào Chúa nhiều hơn. Đôi lúc, số lượng công việc và những va chạm hàng ngày làm con mệt mỏi, khô khan, nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng, hay có khi con lại muốn nuông chiều theo khuynh hướng của xác thịt… Những lúc như thế này, con lại cảm nhận được sự đụng chạm rõ rệt của Chúa trong đời mình. Yếu đuối là điểm hẹn để con gặp Chúa, vì vậy, con càng phải sống niềm tin, cần phó thác vào Chúa nhiều hơn. Chính vì thế mà đời sống tu con cần phải thay đổi, cần phải trở nên thánh thiện hơn từng ngày, vì nếu như con không chú ý “Tu” cho cẩn thận, không yêu thương phục vụ như Chúa, không để tâm tự huấn luyện bản thân thành nữ tu chân chính thì con sẽ dễ dàng hiểu sai về Đức Kitô, và con chẳng những không làm cho người ta trở lại với Chúa mà có khi trở nên phản chứng và trở thành vật cản khi người khác muốn hiểu đúng về Chúa. Vì người môn đệ bước theo Chúa là phải thật sự từ bỏ, đừng để sự cạnh tranh quyền lực, tiền tài quấn chặt đến nỗi không còn khả năng nghe được tiếng Chúa.

Có lẽ đôi dòng như vậy, không thể lột tả hết những cảm nghiệm con có được trong đời sống thánh hiến, nhưng có một điều con không thể phủ nhận, đó là nói yêu Chúa trên môi miệng thì dễ nhưng theo Chúa và bắt chước Chúa thì vẫn là thách đố cho con. Con có thể trở nên một tu sĩ, nữ tu Mến Thánh Giá ở cái vẻ bề ngoài nhưng liệu con có là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hay không? Từ bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo Chúa, đó vẫn luôn là lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với con.

Đời tu có không ít những khó khăn, những con vẫn cảm nhận được niềm vui và hành phúc, vì con được gần Chúa. Được yêu thương nâng đỡ từ chị em. Con có cơ hội để tập sống quảng đại, hy sinh, chia sẻ với mọi người. Nhờ thế, con thấy đời mình có ý nghĩa. Chắc hẳn con còn rất ít kinh nghiệm trong đời tu nhưng mỗi kinh nghiệm điều là điều vô giá. Con tin rằng Chúa sẻ có cách huấn luyện và biến đổi con nên mới.

Trong tâm tình của người con muốn yêu mến Chúa, muốn bước theo Chúa nhưng còn quá nhiều yếu đuối và giới hạn, con chỉ biết xin Chúa nâng đỡ giúp sức để con biết sống tin tưởng, phó thác vào Chúa, đồng thời sống tâm tình của người con thảo đối với Hội Dòng.

https://giaophanvinhlong.net/cam-nghiem-doi-tu.html

Người con MTG Cái Nhum
Elisabeth Nguyễn Hồng Phương
(Bài viết được CTV gởi về BBT web GPVL)