Khởi Đầu Tháng Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu

Francisco Vêneto

Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu bắt nguồn từ Thánh Kinh, và được chính Chúa Giêsu củng cố trong lần hiện ra với thánh nữ Margherita Maria Alacoque.

Theo truyền thống, tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu được liên kết với thời điểm khởi đầu của tháng Sáu trong Giáo hội Công giáo. Mục đích là để khích lệ các tín hữu tôn thờ cách có ý thức và mãnh liệt hơn tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô, được tỏ hiện qua Thánh Tâm của Ngài, qua đó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã nhập thể và đã đến ở giữa chúng ta.

Đối tượng của lòng sùng kính cao đẹp này là Trái Tim của Ngôi Lời Nhập Thể, xét về phương diện thể lý cũng như về biểu tượng của Tình yêu Thiên Chúa. Tưởng cũng nên nhớ rằng thuật ngữ cuối cùng của lòng sùng kính này là Con người của Chúa Giêsu Kitô với tư cách là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Khi hiện ra với thánh Margherita Maria Alacoque, vào năm 1673, Chúa chúng ta đã tỏ lộ Thánh Tâm của mình được bao bọc bởi ngọn lửa, xung quanh là mão gai và phía trên có thánh giá. Theo thánh Margherita, mục đích chính của lòng sùng kính này là hoán cải các linh hồn cho tình yêu của Chúa Giêsu.

Trong lần hiện ra đó, thánh nữ đã nghe Chúa nói những lời sau:

“Đây Trái tim quá yêu thương loài người cho đến tuyệt đỉnh của hy sinh không giới hạn, vô điều kiện mà không tiếc chi, để minh chứng cho tình yêu của mình. Thế nhưng, phần lớn loài người đã đáp lại Ta bằng sự vô ơn, thể hiện bằng sự bất kính, dửng dưng phạm thánh và thờ ơ khinh miệt Ta trong Bí tích Tình yêu này”.

Tuy vậy lòng tôn sùng Thánh Tâm có trước biến cố hiện ra trên đây. Có nguồn gốc từ Thánh Kinh, vì Trái tim là một trong những cách để nói về tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu đạt đến đỉnh điểm khi Chúa Giêsu đến hiến mình vì chúng ta.

Hai sự kiện “mạnh mẽ” của Tin Mừng là nguồn cảm hứng đặc biệt:

– Cử chỉ của thánh sử Gioan, người môn đệ được yêu, tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 13,23);

– Trên đồi Canvê, khoảnh khắc mà người lính dùng giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu (x. Ga 19,34).

Trong sự kiện đầu chúng ta thấy được sự an bình thư thái do Chúa Giêsu ban tặng, đoạn thứ hai là sự đau khổ mà chúng ta gây ra cho Ngài bằng chính tội lỗi của mình, để rồi từ đó Ngài đã muốn cứu chuộc chúng ta.

Đó là lý do tại sao trong tháng đặc biệt này chúng ta được mời gọi để trình bày Chúa Giêsu cho mọi người, qua việc làm chứng không chỉ bằng lời nói, rằng chúng ta yêu mến Ngài nhiều như thế nào và làm sao để phù hợp với Trái Tim vô biên của Ngài.

Về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng việc chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu, nơi tỏa sáng ý muốn cứu rỗi vô biên của Thiên Chúa, không thể coi như một “hình thức thờ phượng hay tôn thờ nhất thời: việc tôn thờ tình yêu của Thiên Chúa, được nhìn nhận nơi biểu tượng con tim bị đâm thâu, diễn tả qua lịch sử sùng kính, vẫn là điều thiết yếu trong mối tương quan sống động với Thiên Chúa.”

Khởi Đầu Tháng Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu

Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: it.aleteia.org (01.6.2021)

Nguồn: gpquinhon.org

Tháng Sáu – Tháng Thánh Tâm

Từ cạnh sườn bị đâm thâu, với trái tim rộng mở máu và nước chảy ra khai sinh Hội Thánh và 7 nguồn ơn Bí Tích. Do đó, Hội Thánh luôn kêu gọi con cái mau quay trở về nguồn cội của mình,để kín múc từ nơi đó: nguồn sức sống dồi dào và để nghe lại những tiếng lòng thổn thức từ những lời cuối cùng của Đức Giêsu trên Thánh Giá được phát ra từ Thánh Tâm rực cháy lửa yêu thương, tha thứ. Lời đầu tiên của Đức Giêsu là xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ bách hại, kết án, lăng nhục, đóng đinh mình. Giống như, hương thơm tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, tình yêu thương tha thứ cũng tuôn chảy từ Thánh Tâm cho cả những kẻ đóng đinh Đấng là Tình Yêu.

Để có thể mến yêu và sùng kính Thánh Tâm Chúa cách sốt sắng, nhất là, trong Tháng Thánh Tâm này, ước gì chúng ta hãy để cho Thánh Tâm Chúa uốn nắn lòng trí chúng ta, để từ nơi sâu thẳm cõi lòng mình, chúng ta cũng có thể làm vọng vang những lời yêu thương, tha thứ, những lời tóm kết hết những lời của Đức Giêsu trên Thánh Giá, như một bản tóm lược sáng ngời giá trị Kitô giáo.

Điểm hẹn cuối cùng của cuộc sống chúng ta phải là Thánh Giá, nơi có Đấng đã tự nguyện bị treo lên và thí mạng vì chúng ta. Quả vậy, nếu không có Thánh Giá, thì Đức Kitô đã không bị đóng đinh, máu cùng nước thanh tẩy thế giới cũng không vọt ra từ bên sườn Người, văn khế tội nợ cũng không bị xé. Thánh Giá vừa là đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là đau khổ, bởi vì, Người đã tự nguyện chết trên đó; là chiến tích, bởi vì, ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần chết cũng đã bị thua cùng với nó; then sắt hoả ngục bị đập tan và Thánh Giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Giá là vinh quang của Đức Kitô, Thánh Giá nâng Người lên cao. Thánh giá là chén đắng Người khát khao, là bảng thâu tóm mọi cực hình Người đã chịu vì chúng ta. Ước gì trong tháng Thánh Tâm này, chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa, học lấy sự khôn ngoan từ Thánh Giá, để tất cả những gì chúng ta làm trong cuộc sống, đều mang những thương tích tình yêu của Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta.

Để sống tháng Thánh Tâm cách tốt đẹp như lòng Chúa ước mong, chúng ta không thể quên lời di chúc của Đức Giêsu trên Thập Giá: “Thưa Bà, đây là con Bà”, “Đây là Mẹ của con”. Sự liên kết của Mẹ với Đức Kitô trong công cuộc cứu độ, được biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ thai Chúa, cho đến lúc, Người chịu chết trên Thập Giá.

Biến cố Truyền Tin đánh dấu một khởi đầu; biến cố Thánh Giá báo hiệu một kết thúc: Lời Truyền Tin thứ nhất do sứ thần đem đến: báo cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Thiên Chúa; lời Truyền Tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trăn trối cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại.

Vào những giây phút khởi đầu của biến cố Nhập Thể, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa; vào những giờ phút cuối cùng của biến cố Thập Giá, Mẹ đã trở thành Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể loài người.

Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ đã trao dâng cung lòng trinh trong cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ chúng sinh; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ước gì trong tháng Thánh Tâm này, chúng ta cũng bắt chước Mẹ: bước đi cùng với Đức Kitô từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc dưới chân Thập Giá.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Trong tháng Thánh Tâm này, xin cho chúng con ý thức rằng: Thập Giá là điểm hẹn cuối cùng của cuộc đời chúng con, bởi vì, ở nơi đó, từ cạnh sườn bị đâm thâu, với trái tim rộng mở, Chúa đã khai sinh Hội Thánh, bí tích cứu độ cho toàn thể nhân loại. Trong tháng Thánh Tâm này, xin cho Hội Thánh biết vâng nghe lời Chúa dạy: đón Mẹ về nhà mình với lòng hiếu thảo, tôn vinh, và sùng kính Mẫu Tâm của Mẹ Thiên Chúa cách đặc biệt: trong phụng vụ và qua các kinh nguyện dành riêng cho Mẹ. Amen.

Thầy Dòng Biển Đức

Tháng Sáu – Tháng Thánh Tâm

Công việc phục vụ bệnh nhân của Chị em cộng đoàn Đồng Tâm – Pleiku 2

Tối qua gần 8 giờ, Sơ Kim Thoa nhắn tin,

Chị ơi, công việc tuần qua của em nè, rồi liên tiếp chuyển cho tôi những tấm ảnh chị em trong cộng đoàn đi giúp bệnh nhân. Nào là bệnh nhân bị bỏng, bệnh nhân bị tai nạn gãy chân, bệnh nhân chết – chở về làng.

Xúc động trước công việc của các chị, tôi động viên: Công việc của chị em thật ý nghĩa, giá trị đời tu của mình ở đó!

Sơ Thoa nhắn tiếp,

Chuyện thế này nè,

Hôm 30.04 một cô y tá gọi cho em và nói rằng: Sơ ơi, sơ có cách nào giúp cho em này, nó tên Kpuih Ban, 16 tuổi bị tai nạn xe, nằm viện 5 ngày rồi mà không có người nhà, người thân nào. Bệnh viện muốn người nhà đóng tiền trước khi làm phẫu thuật mà không sao liên lạc được, điện thoại không, giấy tờ tùy thân cũng không, không có bảo hiểm. Nghe xót xa quá, em chạy qua Bệnh viện, đúng như lời của Cô y tá. Kpuih Ban nằm khóc, em nói em muốn sống, em sợ chết lắm! Thương thật. Làm sao có đủ tiền để mổ xương đùi cho Kpuih Ban đây, nếu không mổ nó phải đi nạn suốt đời sao!

Sau khi về lại cộng đoàn em cầu nguyện và liên lạc với một sơ bạn, sơ đã tìm ân nhân và họ sẵn sàng giúp để mổ cho cậu bé vào ngày hôm sau.
Hôm sau, Em đã ký vào giấy cam đoan mà bệnh viện yêu cầu để mổ chân cho Kpuih Ban. Tạ ơn Chúa Ngài yêu thương những người hèn mọn, và đã cho mọi việc tốt đẹp.

Chân của Kpuih Ban chưa khỏi hoàn toàn để được xuất viện thì,

Một bệnh nhân tên Vai, dân tộc Ba Na chết, con ông không có tiền thuê xe đưa xác bố về làng, anh đã cầu cứu các Sơ. Nhận lời đưa xác ông về nhưng chỉ có hai chị em Sang, Thoa đường xa vắng vẻ, giữa đêm khuya nên cũng hơi sợ. Chị em đã gọi Thầy Dương dòng Tên và nhờ thêm bác tài để đưa ông về làng. Con đường về làng hiu quạnh, tối om… dọc suốt đoạn đường dài Hai chị em và Thầy Dương liên lỉ cất lên lời Kinh Mân Côi, xin Mẹ đồng hành với mọi người trong chuyến đi và xin ơn cứu độ cho người quá cố. Hôm đó, đưa bệnh nhân ra khỏi bệnh viện lúc 20 giờ về đến làng lúc 24 giờ, quay đầu xe trở lại cộng đoàn lúc 3 giờ 40 phút của ngày hôm sau.

Và, hôm Chúa Nhật ngày 07.05 sau khi phát phần cơm chiều như thường lệ, có ân nhân muốn chia sẻ cho bệnh nhân chút ít để họ muốn mua gì mua. Chúng em tiếp nhận và chạy sang bệnh viện chia sẻ ngay cho họ kẻo mất cơ hội.

Việc phục vụ bệnh  nhân của chị em nơi đây khá vất vả nhưng tràn đầy ý nghĩa. Chị em có có cơ hội để phục vụ những người nghèo, những người không có gì để mất, không có gì để đền ơn đáp nghĩa.

Lắng nghe lời bộc bạch tâm sự, các chị em làm việc nơi đây đều có chung một cảm nhận, đó là tình yêu của mình dành cho Chúa và cho anh em đồng bào, họ dễ thương lắm! “ Không bao giờ tích trữ, hơn thua hay tranh dành cái gì, dù cái này, cái kia rất cần nhưng không hề tham”. Để cái tình đó được lớn lên, chị em phải trả giá bằng hy sinh, chịu thương chịu khó. Năng lượng chị em có được nhờ sống trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Công việc chị em đang làm đòi hỏi nhiều tài chánh nhưng chị em không làm được gì cho ra đồng tiền, chén gạo. Tuy vậy, nhờ sự tiếp tay của ân nhân xa gần, họ luôn sẵn sàng chung lòng, góp công góp của như dòng suối, mùa mưa nước chảy nhiều, mùa hè nước chảy rỉ rã, vậy mà công việc cứ chạy đều, bếp cơm yêu thương ngày ngày vẫn đỏ lửa để chia sẻ mỗi bữa ăn gần 350 phần cho bệnh nhân và người nhà của họ. Xin tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn quý ân nhân.

Chúng ta thường đi tìm chứng nhân của niềm hy vọng ở tận đâu đâu, trời Mỹ, trời Tây, trên mạng, trên báo chí… nhưng nó đang ở đây, ngay trong ngôi nhà mình. Hãy trân trọng mỗi người và việc làm của họ để xóa bỏ dịch bệnh thờ ơ. “Ngay cả trong đau khổ và thờ ơ, người ta tìm thấy can đảm tiến tới khi nhận được dầu thơm của tình yêu. Đức Phanxicô nói : “Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và truyền cho chúng ta sống như thế góp phần vào việc xóa bỏ những sự dữ của thói thờ ơ và ích kỷ khỏi xã hội, khỏi các thành phố và những nơi chúng ta sống, và làm sống lại hy vọng về một nhân loại mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi mỗi người có thể cảm thấy như ở nhà mình. Ngài cũng nhắc lại phép lạ nổi tiếng nhất của thánh Êlisabeth, khi Chúa biến tấm bánh mà thánh nữ cho người nghèo thành những hoa hồng. Và ngài kết luận :  Đối với anh chị em cũng vậy, khi anh chị em dấn thân mang bánh cho những người đói khát, Chúa làm nở hoa và làm thơm cuộc sống của anh chị em bằng tình yêu mà anh chị em trao ban. Tôi cầu chúc anh chị em luôn mang hương thơm bác ái cho Giáo hội và cho đất nước của anh chị em[1]

 

[1] x. Đức Phanxicô: “ Chúng ta cần một Giáo Hội nói thông thạo ngôn ngữ bác ái”

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê (MTGQN)

Công việc phục vụ bệnh nhân của Chị em cộng đoàn Đồng Tâm – Pleiku 2