Cầu Nguyện Tháng tám: Cầu cho đại hội giới trẻ thế giới
Suy niệm: Tháng 8 – Mỗi ngày một Lời nguyện
Đức Maria Có Thể Giúp Bạn Chịu Đựng Và Vượt Qua Mọi Đau Khổ
NHỮNG CĂN BỆNH UNG THƯ HIỂM ÁC ĐANG HUỶ HOẠI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM
(Dưới đây là những căn bệnh ung thư hiểm ác đang gặm nhấm người Công Giáo Việt Nam. Ung thư thì coi như căn bệnh báo tử sớm và biết tương đối được giờ chết của mình, mà nếu có sống thì cũng hết sức rệu rã, uể oải, èo ẹt, yếu ớt, mong manh.)
Khi nghe tin một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tên là Ste.-Anne-de-Beaupre ở Canada phải đóng cửa, nơi các tu sỹ đã sống từ thế kỷ 19, lý do đóng cửa là vì hiện nay chỉ còn 21 tu sĩ và trước tháng Mười này, sẽ chỉ còn 10 người trong số họ ở lại đây và khi nghe tin hai Giáo hội Công giáo và Tin lành của Đức bị mất đến 430.000 tín hữu trong năm 2018 và con số thành viên thuộc hai Giáo hội của Đức có thể sẽ bị giảm một nửa từ khoảng 45 triệu người hiện nay xuống còn 22,7 triệu vào năm 2060, rồi rất nhiều nhà thờ bên Châu Âu và châu Mỹ bị bán đi, Giuse nhìn lại Giáo hội Việt Nam hiện nay, thì quả thật rất đáng báo động.
Hi vọng rằng chúng ta hãy tự biết mình là ai, đang đi về đâu, đang mắc căn bệnh gì và cùng dắt tay nhau quyết tâm không đi vào vết xe đổ của các Giáo hội bạn.
Một Đức Giám mục thánh thiện nọ đã cảnh báo vừa mừng vừa lo là: XÃ HỘI TIẾN, THÌ GIÁO HỘI LÙI. XÃ HỘI DỄ, THÌ GIÁO HỘI YẾU.
Câu này nghĩa là gì?
Dạ thưa: Có nghĩa là, xã hội dễ dãi thoải mái với người Công giáo, thì người Công giáo lại nhởn nhơ, hững hờ không vững lòng cậy trông vào Chúa và ăn chơi sa đọa. Bằng chứng là, chỉ khi Giáo hội bị áp bức bách hại, thì mới có những lời cầu nguyện thiết tha da diết được dâng lên Thiên Chúa. Nhờ đó, Đức Tin của chúng ta mới được triển nở và thêm vững mạnh.
Vậy đâu là những căn bệnh ung thư hiểm ác đang hoành hành Giáo hội Việt Nam?
CĂN BỆNH SỐ 1: THÁNH LỄ BIẾN THÀNH LỄ HỘI NGOÀI ĐỜI
Thánh Lễ là trung tâm điểm và cao điểm nhất của đời sống Đạo. Thánh Lễ là nơi kín múc Ân Sủng của Thiên Chúa. Nhà thờ là nơi linh thiêng. Tuy nhiên, Thánh Lễ và Nhà Thờ nhiều nơi ngày nay lại biến thành nơi mua vui giải trí, nơi ăn chơi nhảy múa, nơi hò hát nhộn nhịp. Chúng ta biến Thánh Lễ thành nơi trình diễn nghệ thuật, thể hiện bài trống bài kèn để tung hô nhau, tâng bốc nhau, thể hiện đẳng cấp hão của nhau. Thay vì vinh danh Chúa, thì thực tế lại vinh danh nhau. Thay vì mọi vinh quang và danh dự đều quy về Chúa, thì thực tế lại quy về nhau. Thêm vào đó, là những màn, những thứ trang trí lộng lẫy, lòe loẹt, rườm rà. Ơn Chúa không thể đến với những hời hợt, hào nhoáng bên ngoài, mà chỉ đến với những tâm hồn tĩnh lặng, suy ngẫm, chiêm niệm và nhắm mắt mà thôi. Ơn Chúa không ở những nơi ồn ào náo nhiệt, mà chỉ ở những vùng sa mạc hoang vu mà thôi. Đức Tổng GM Hà Nội đáng kính Giuse Vũ Văn Thiên đã từng huấn đức các chủng sinh: “Nếu không đón nhận được Ơn Chúa, thì tất cả chỉ là những việc làm hết sức hời hợt hào nhoáng bên ngoài và không đem lại ích lợi gì. Nó giống như một sự kiện văn hoá ngoài đời, người ta chú ý đến việc lôi kéo người khác đến thật đông, thật vui để kinh doanh lợi nhuận.”
CĂN BỆNH SỐ 2: KHOE KHOANG THÀNH TÍCH
Điều Chúa muốn ở con cái Ngài là luôn nỗ lực thi đua nhau sống sám hối, hiệp nhất, chân thành, khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Là con cái, đáng lẽ ra chúng ta phải vâng nghe lời Ngài và hăng say thi đua nhau làm những việc đó, những việc đó phải ngấm vào sợi gân thớ thịt của ta, phải như hơi thở của ta, nhưng chúng ta lại làm ngược lại bằng cách thi đua phô trương khoe khoang cái tôi phù vân đẳng cấp bề ngoài xáo rỗng của bản thân mình, xứ đạo mình, Giáo phận mình. Khoe khoang sĩ diện là cái tôi kiêu căng kiêu ngạo ẩn mình. Mà kiêu căng kiêu ngạo là 1 trọng tội trước mặt Chúa và đã bị Chúa ném vào Hỏa ngục. KHOE KHOANG THÀNH TÍCH còn được gọi là ĐẠO TRẺ CON.
CĂN BỆNH SỐ 3: THI ĐUA NHAU PHẪU THUẬT THẨM MỸ
Chiếc áo không làm nên thầy tu. Tuy nhiên, chúng ta lại đang quá chú trọng đến hình thức bên ngoài bằng cách tô son trát phấn cho nó. Từ Linh mục đến Giáo dân, nhiều người chúng ta đang đi Lễ với nay bộ nọ, mai mốt kia. Nay hoa nọ, mai hoa kia. Nay khẩu hiệu này, mai băng rôn nọ. Tâm hồn càng nghèo nàn trống rỗng bao nhiêu, thì càng chuộng hình thức cầu kỳ màu mè bấy nhiêu. Chiếc áo trắng tinh tuyền Chúa cần duy nhất và sẽ bị Chúa phán xét là SÁM HỐI & TÌNH YÊU THƯƠNG thì rất ít người mặc. Có lần Chúa Giê-su đã cảnh cáo rằng: “Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ rất tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp” (Mt 23,27). Phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những căn bệnh đạo đức giả.
CĂN BỆNH SỐ 4: LẠM DỤNG CHÚA
Cài gì cũng Chúa Chúa, Mẹ Mẹ. Rất nhiều nơi lạm dụng Chúa để xây cất, lạm dụng Chúa để kêu gọi quyên góp, thậm chí người ta khố rách áo ôm, kiếm ăn từng bữa nhưng vẫn đè đầu bắt đóng góp. Thật đau lòng là nhiều nơi nhà thờ còn đang rất to, rất đẹp, rất cổ kính, nhưng lại đập bỏ đi để xây lại. Đến nhà thờ để tìm sự bình an thanh thản thì nhiều khi lại nhận được những cái ách gánh nặng trách nhiệm đóng góp phi lý. Chúa đã từng quả quyết: “Trời là ngai Ta, đất là bệ dưới chân Ta. Ðâu cần các ngươi phải xây cho Ta một ngôi nhà, hay dọn cho Ta một chốn nghỉ ngơi! Chính tay Ta đã dựng nên mọi sự, và tất cả đều thuộc về Ta. Người được Ta thương đến là kẻ nghèo hèn, thống khổ và biết kính sợ Ta”. (Isaia 66,1-2). Thời Chúa Giê-su rao giảng, có mấy người cứ trầm trồ về đền thờ Giêrusalem xây trong 40 năm được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, thì Chúa Giêsu lại phán rằng: “Những gì các ngươi nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”.( Lc 21, 5-6). Quả đúng như vậy, lời tiên báo này của Chúa Giêsu đã trở thành sự thực vào năm 70, khi quân Roma đến chiếm và phá hủy tan tành thành Giêrusalem. Rồi lạm dụng Chúa để tuyển chọn ứng viên lên chức Thánh mà không dựa vào tiêu chuẩn khách quan, lạm dụng Chúa để tổ chức ban bệ, lạm dụng Chúa để chia rẽ bè phái, lạm dụng Chúa để chống đối, nói hành nói xấu và kết án lẫn nhau. Giáo quyền trở thành chính quyền, thần quyền trở thành thế quyền. Xưa, Chúa Giêsu đã cảnh giác về việc lạm dụng Chúa với những lời nghiêm khắc sau đây:“Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao. Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,22-23).
CĂN BỆNH SỐ 5: CHỈ XIN MÀ KHÔNG TẠ
Đa số con người đến với Chúa để xin. Xin không được thì trách Chúa rồi bỏ Chúa. Lỗi này là của những người lãnh đạo, vì họ đã không rao giảng một Thiên Chúa luôn giàu lòng xót thương. Chỉ cần ngay việc chúng ta có mặt trên cõi đời này và là con của Chúa đã là 1 Hồng Ân của Chúa và là lý do duy nhất để tạ ơn Ngài. Chúng ta chỉ cần 1 lý do đó để Tạ ơn Chúa mọi lúc mọi nơi, còn những thứ khác, nếu có ích cho linh hồn, thì Chúa sẽ tự ban cho ta. Chỉ 1 điều duy nhất chúng ta cần khao khát xin là hãy học nơi Đức Mẹ luôn xin vâng theo Thánh ý Chúa. Xin Chúa cho ý Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
CĂN BỆNH SỐ 6: QUÁ CHUỘNG NGHI THỨC
Thay vì chỉ thẳng cho người ta thấy Chúa ở ngay trong nhà Tạm và Kinh Thánh, thì chúng ta lại tạo ra quá nhiều rào cản là những nghi thức rườm rà để cho dân chúng mất thời gian, mệt mỏi rã rời, khó có thể nhìn thấy Chúa và được gặp trực tiếp Ngài, hoặc nếu có nhìn thấy, thì cũng rất tơ lơ mơ, tờ lờ mờ như ở giữa đường đầy sương mù mà thôi. Rồi chúng ta rước Mình Thánh Chúa chỉ như 1 thói quen, 1 phản xạ mà chẳng cảm nhận được tình yêu thương và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn một chút nào. Có một thực tế ngược đời là, nhiều người trong chúng ta luôn ngông nghênh ngạo nghễ trước Chúa Giêsu Thánh Thể nhưng lại khúm núm quỵ lụy trước người đồng loại bùn đất.
CĂN BỆNH SỐ 7: RẬP THEO THÓI ĐỜI
Có nghĩa là Đời sao, Đạo vậy. Cái gì cũng dựa theo thói đời. Cái gì cũng quá chú trọng hình thức bề ngoài, kinh tế, vật chất, khẩu hiệu, băng rôn. Rồi nói lời Chúa quá nhiều, thực hành lời Chúa quá ít. Rồi Học hỏi Kinh Thánh và Giáo lý quá hời hợt, trong khi đó lại dành quá nhiều thời gian để học múa, học nhảy, học chạy, học chơi… Thánh Phao-lô từng nhắn nhủ: “Anh em đừng rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em, bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa. Cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2). Cái gì tốt lành đẹp lòng Chúa thì hết sức làm, cái gì đi ngược lại tinh thần Phúc Âm, thì hết sức tránh.
Bệnh nếu phát hiện sớm, thì rất dễ chữa.
Bệnh nếu phát hiện muộn, thì rất khó chữa.
Nếu chỉ xây dựng đời sống Đạo như trên, thì như Chúa Giê-su đã nói chẳng khác gì người ngu dại xây nhà trên cát, rồi có ngày sụp đổ tan tành.( Mt 7,26)
Con người khao khát đến với Đạo vì họ không tìm thấy sự công bằng, nhân ái, dịu ngọt, bình đẳng, dân chủ, niềm tin, sự thật, tha thứ, bình an, thanh thản, thánh thiện, linh thiêng ngoài xã hội. Mà nếu không chỉ cho họ thấy những điều đó, thì sớm muộn Đạo sẽ trở thành công cụ của những người lạm dụng nó và sẽ bị tàn lụi sớm muộn mà thôi.
Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con.
Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chính mình, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm hội, cộng đoàn và gia đình trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.
Xin cho chúng ta biết đi khám định kỳ để nhận ra sớm căn bệnh ung thư nguy hiểm của mình và chúng ta khẩn nài xin Chúa tha thứ và chữa lành những căn bệnh đó, để chúng ta ngày càng được sống trong ơn nghĩa Chúa đời đời chẳng cùng. Amen.