Phụng Vụ: Video Bài huấn dụ của Đức cha giáo phận về Thánh nhạc

Hãy trân trọng bài giảng

Lm. Gioan Baotixita Huỳnh Hữu Khoái

Tôi quá thích chủ đề “Người Mục Tử Phải Có Hồn Tông Đồ” trong thánh lễ thuyên chuyển linh mục 04-08-2023. Giáo huấn Đức Tổng Giám Mục Sàigòn Giuse Nguyễn Năng gởi cho linh mục quá thực tế, đầy Thần Khí. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần phần ngài cảnh tỉnh bản thân và linh mục: “Có phải tại vì chúng ta giảng dở?” rồi gom lại hai điểm: thế nào là giảng dở và thế nào là giảng hay?

Lời ngài cảnh tỉnh xoáy vào tim, thúc bách tôi noi gương Đức Giáo Hoàng Phanxicô kiến tạo “Niềm Vui Tin Mừng” thành cuộc đời mình. “Niềm Vui Tin Mừng”tựa đề Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ban hành ngày 24 tháng 11, 2013, đã tạo cảm hứng rất mạnh cho linh mục Gregory Heille, OP. hoàn tất tác phẩm nhỏ “The Preaching of Pope Francis,” chỉ có 77 trang nhưng là thuốc thần chữa trị bệnh “giảng dở.” Ở trang 4, linh mục Gregory Heille viết: “Bằng lời và gương sáng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người thành tâm thực hành Niềm Vui Tin Mừng trong chiêm niệm. Trong nỗ lực hằng ngày hềt tình thi hành sứ vụ, ngài chân thực chuyển tải trái tim người chủ chăn… cơ bản sống sứ mệnh người tông đồ truyền giáo và loan báo Tin Mừng.”

Thánh Phaolô đã báo động“Thiên hạ không còn chịu nghe đạo lành!” (2Tim 4:3)

Có nên đặt lại vấn đề tại sao thiên hạ không muốn nghe đạo lành? Có phải tại vì chúng ta giảng dở???

1. Giảng không có sự thu hút của Chúa Thánh Thần

2. Giảng không xác tín

3. Giảng không đem lại của ăn thiêng liêng.

Ngày nay nhiều linh mục có lắm “chiêu” giảng để thu được nhiều tiền, để thăng hoa tiến chức, để thu hút mọi người đến với mình. Sau khi kiểm tiền cãu, ông cố khuyên con linh mục: “Bố thấy con liệu tìm “chiêu” nào khác mà giảng, chứ tiền cãu tuần này xuống thấp rồi đấy!” Chuyện có thật trăm phần trăm!

Đừng kể chuyện lan man – dài dòng, đi từ điều này đến điều khác, không đúng trọng tâm vấn đề, không mạch lạc, không hệ thống – không nói chuyện đời. Đức Ông McGarry, giáo sư dạy môn Nghệ Thuật Giảng Lễ tại Đại Học Maynooth, Ireland nhắc nhở: “Hãy nhớ kỹ nhiệm vụ của anh em là nuôi dưỡng đàn chiên, chứ không phải là đùa giỡn với bầy dê!” (trích sách 150 More Stories for Preachers and Teachers của linh mục Jack McArdle, The Columba Press Dublin 1992, tr. 5)

Thời nào cũng có nhiều người khao khát Lời Chúa. Họ tha thiết tìm của ăn thiêng liêng để nuôi dưỡng tâm hồn. Thánh Phaolô khuyên Timôtê hãy kiên trì, hãy sốt sắng rao giảng, chu toàn bổn phận của mình. (2Tim 4:5)

1. Hãy soạn bài giảng. Theo gương thánh Gioan Vianney, soạn bài giảng trước Nhà Tạm để dễ dàng kín múc khôn ngoan của Chúa từ nơi Thánh Thể Chúa và từ sự cầu nguyện.

2. Hãy giảng với xác tín vào sức mạnh của lợi thế bài giảng

3. Hãy trân trọng bài giảng. Hãy có trách nhiệm với trọng trách giảng huấn của mình.

“Hồn môn đệ” làm người giảng lễ luôn trung thực với bản thân, hăng say đem tình thương chân lý của Chúa vào tâm hồn tín hữu: chuyển tải sự sống và niềm vui từ trái tim người giảng lễ vào trái tim người nghe giảng. Trong bức tranh người mẹ cho con bú, họa sĩ người Mỹ Mary Cassatt tài tình vẽ ra hình ảnh mắt mẹ mắt con âu yếm nhìn nhau. Giống như người mẹ khi cho con bú, trò chuyện với con bằng ánh mắt, âu yếm để sự sống mình qua dòng sữa ngọt ngào tuôn chảy vào con, nuôi con lớn, cũng vậy người giảng lễ cống hiến niềm vui Đức Giêsu cho thế giới. ĐTGM Sàigòn Giuse Nguyễn Năng gọi đó là “Người Mục Tử Có Hồn Tông Đồ.” Toàn thân của người giảng lễ là nhạc cụ có dây. Khi lời giảng như sóng âm thanh phát ra từ dây đàn và từ phòng âm thanh trong cơ thể người giảng lễ thì nó tạo nên rung động rồi chuyển tải truyền thông đến với tế bào cảm nhận ở tai người nghe. Hoạt động truyền thông quả là phép mầu: trái tim nói với trái tim! Linh hồn chuyển tải niềm vui cho linh hồn. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi người giảng lễ trở thành môn đệ truyền giáo loan báo Tin Mừng.

Cuối tác phẩm “The Preaching of Pope Francis,” ở trang 77, linh mục Gregory Heille, OP. kết luận bất luận ở đâu – thành thị hay thôn quê – người giảng lễ luôn đứng trên “thánh địa” sống cuộc sống của mình. Ngay tại đó người giảng lễ được Đức Thánh Cha Phanxicô “mời gọi tiếp tay với ngài – trở thành và loan báo hy vọng vào sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa.” Bởi thế Đức Tổng Giám Sàigòn Giuse Nguyễn Năng mạnh dạn kêu gọi: “Hỡi linh mục, hãy trân trọng bài giảng!” Người giảng lễ được kêu gọi, được sai đi rao giảng, mang niềm vui đến cho người nghe và cảm hóa họ ngõ hầu “nhờ tin Mừng,” mọi người “cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẽ điều Thiên Chúa hứa.” (Eph 3:6)

Brisbane, 08-08-2023
Nguồn: gpquinhon.org (10.08.2023)

https://tgpsaigon.net/bai-viet/hay-tran-trong-bai-giang-70567

Trao tác vụ, phong chức hay truyền chức linh mục và phó tế?
Khi dạy phụng vụ, các cha giáo chủng viện nói cho các chủng sinh biết nên dùng từ “chức phó tế”, “chức linh mục”, nhưng những truyền thông của giới Công giáo thì thích dùng “trao tác vụ phó tế”, “trao tác vụ linh mục”. Vậy, “phó tế” và “linh mục” là tác vụ hay chức?
1. Nghĩa của những chữ chức, tác, vụ
1.1. Nghĩa của “chức”[1]. Chức có những chữ này 職 (职), 軄, 織 (织), 綕. Trong trường hợp này là chữ này職, vốn có nghĩa là ghi những điều đã xem xét kỹ, biết rõ phần huyền diệu bí hiển bên trong, vì thế chữ 職là do bộ 耳 (chỉ nghĩa) (nhĩ nghĩa là tai, là nghe) và chữ戠 (chỉ âm đọc) (thức, là chữ mới đầu của chữ 識 – thức, có nghĩa xem xét kỹ để biết; chia loại). Nghĩa của chữ diễn tiến thế này: (đt.) Quan chức nghe lấy ý dân và ghi chép → (đt.) Chủ quản: Chức năng → (dt.) Trách nhiệm, nhiệm vụ: Công chức → (dt.) Diễn nghĩa ra cương vị: Chức quyền. Hiện nay chữ này có nghĩa: (dt.) (1) Việc quan, công vụ, bổn phận: Xứng chức (xứng đáng với cái chức của mình), công vụ, bổn phận: Xứng chức (xứng đáng với cái chức của mình), tử chức (chức phận làm con), phụ chức (chức phận làm vợ). (2) Bổn phận: Thiên chức. (3) Phân loại chức quan: Văn chức (chức văn), vũ chức (chức võ). (4) Chư hầu vào chầu thiên tử, cấp dưới tự xưng đối với cấp trên: Thuật chức (bày kể công việc của mình làm), chức đẳng bái tạ (chúng tôi cám ơn). (5) Cống phẩm: Tứ di nạp chức (rợ mọi bốn phương nộp cống phẩm). (6) Thuế: Phân chức (phân chia loại thuế). (7) Gọi tắt của trường nghề: Thương chức (trường dạy thương nghiệp). (😎 Nhiệm sở: Tựu chức (đến sở làm, tới nhận nhiệm vụ) (9) Phạm vi quản lý: phân chức (chia phần quản lý). Họ Chức. (đt.) (10) Quản lý, nắm giữ: Chức chưởng đại quyền (quyền quản lý lớn). (pht.) (11) Bởi vì: Chức thị chi cố (bởi vì cớ ấy). (trợ từ) (12) Chỉ: Chức thử nhi dĩ (chỉ vì thế thôi).
Nghĩa Nôm: (dt.) Quyền tước, danh phận: Chức việc, lên chức.
1.2. Nghĩa của “tác”. Tác có 2 chữ: 作, 索 (còn đọc sách). Trong thuật từ tác vụ là chữ作, nghĩa là (dt.) (1) Tác phẩm văn học nghệ thuật: Giai tác (Tác phẩm nghệ thuật tốt). (2) Sự nghiệp: Đại tác (sự nghiệp lớn). (đt.) (3) Nhấc lên, bừng lên: Chấn tác tinh thần (nâng cao tinh thần lên). (4) Làm, làm nên: Tác báo cáo (làm bài tường trình). (5) Nổi lên: Thương thanh đại tác (tiếng súng nổi lên) (6) Sáng tác: Tác thi (sáng tác thơ). (7) Làm việc: Tác tức (làm việc và nghỉ ngơi) (😎 Tiến hành: Tác chiến (tiến hành chiến tranh). (9) Nhận xét sai: Nhận tặc tác phụ (tưởng lầm giặc là bố). (10) Biểu hiện ra: Tác nan (biểu hiện ra khó chịu). (11) Giả vờ: Cố tác nộ (vờ giận). (12) Kể như: Quá kỳ tác phế (quá hạn kể như bỏ đi). (13) Xẩy ra: Phát tác (phát ra). (14) Làm nghề nông: Canh tác. (15) Tiến hành một việc: Tác chứng (làm chứng). (16) Trở thành: Tác quan (làm quan). (17) Chế tạo: Thiên tác cao sơn (trời chế tạo núi cao). (18) Dậy ban sáng: Nhật xuất nhi tác. (19) Cảm giác: Tác lãnh (thấy lạnh). (20) Đóng vai: Tác ngôn phiên (làm thông ngôn).
Nghĩa Nôm: (1) Tiếng đệm: Tuổi tác, trong tác. (2) Vỡ vụn: Tan tác. (3) Tiếng gà mái: Con gà cục tác lá chanh. (4) Tượng thanh, tiếng con mang, hươu kêu.
1.3. Nghĩa của “vụ”. Vụ có những chữ: 務 (务), 霧 (雾), 霚, 雺, 騖 (骛), 鶩 (鹜), 婺. Ở đây là chữ務, nghĩa là (dt.) (1) Việc: Thứ vụ (các việc). (2) Sở thu thuế. (3) Họ Vụ. (đt.) (4) Chuyên, chăm: Tham đa vụ đắc (chỉ cốt tham lấy cho nhiều). (5) Làm theo nghề: Vụ nông (làm nghề nông nghiệp) (pht.) (6) Tất phải, cần: Vụ tất (cần thế).
Nghĩa Nôm: (dt.) (1) Mùa, thời kỳ của một công việc sản xuất hoặc gắn với sản xuất: Vụ gặt. (2) Cơ quan chuyên môn ngành dọc trong một bộ: Vụ kế hoạch, vụ phó, vụ trưởng. (3) Sở thu thuế cũng gọi là vụ. (4) Ty: Vụ lễ tân. (5) Án: Vụ giết người. (6) Sự kiện: Tháng trước xẩy ra ba vụ. (7) Dùng như mạo từ: Vụ đảo chánh. (tt.) (😎 Biếng nhác: Vụ vựa, vu vựa, vụ vự.
1.4. Nghĩa của tác vụ. Tác là làm, vụ là việc, tác vụ nghĩa là việc làm, nó chỉ một số công việc trong chức vụ.
2. Phó tế và linh mục
2.1. Phó tế. Phó tế là gì? Phó tế tiếng Latinh là diaconus, Hylạp là diakonos (Anh: deacon), nghĩa là người phục vụ của Hội Thánh. Thời các Thánh Tông đồ đã có chức phó tế, các Thánh Tông đồ đã chọn 7 người, trao trách nhiệm phục vụ việc ăn uống cho các tín hữu sơ khai. Chức vụ phó tế bắt nguồn từ thời các Thánh Tông đồ chọn 7 người “được tiếng tốt, đầy Thần Khí, và khôn ngoan” để các Tông đồ đặt tay cầu nguyện và trao cho nhiệm vụ phuc vụ việc ăn uống cho các tín hữu sơ khai, đặc biệt cho các “bà goá Do Thái theo văn hoá Hy Lạp”. Công việc này được giao cho họ để giúp các Tông đồ rảnh rang “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa” (x. Cv 6,1-2). Hiện nay, chức phó tế là 1 trong 3 chức thánh (Ordo), nên họ không còn làm những việc phục vụ thuần vật chất như xưa kia nữa, mà chủ yếu là phục vụ bàn thánh với linh mục và giám mục.
Phó tế là chức vụ đến từ hồng ân Thiên Chúa, là cấp bậc đầu tiên trong hàng giáo sĩ gồm 3 bậc: phó tế, linh mục và giám mục. Phó tế là để phục vụ cộng đoàn qua 3 bàn tiệc: bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc phục vụ trong tình bác ái (GLGHCG năm 1997, số 1596). Nên phó tế là một chức vụ.
2.2. Linh mục. Tiếng Latinh là presbyter (Anh: priest) nghĩa là trưởng lão. Linh mục là chứng tá cho chân lý và sự sống cho mọi người qua cách ứng xử và việc ân cần chăm sóc đầy tình hiền phụ (Hiến chế Giáo Hội, số 28). Linh mục chia sẽ 3 chức vụ của Chúa Giêsu: tư tế, tiên tri và vương đế, nhưng liên kết với giám mục trong phẩm chức tư tế và tuỳ thuộc các ngài trong công tác mục vụ.
3. Kết luận
Hội Thánh có 7 bí tích, bí tích dành riêng cho những người được tiến cử vào phó tế, linh mục hay giám mục, gọi là Bí tích Truyền Chức Thánh. Thuật từ “tác vụ” chỉ về công việc, nhiềm vụ, “chức là thân phận. Cho nên phải nói là chức phó tế, chức linh mục mới đúng. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong bài giảng phong chức phó tế ngày 26-5-2012 cho biết linh mục hay phó tế, trích dẫn Sách Giáo lý Công giáo, “là hồng ân của Chúa Thánh Thần cho phép một người được thực thị quyền thánh chức, và quyền này chỉ có thể phát xuất từ Chúa Kitô và Hội Thánh của Chúa mà thôi… Hiện hữu luôn luôn đi trước hành động, phải có chức linh mục thừa tác, sau đó mới nói đến thừa tác vụ linh mục.” Cho nên phải nói là truyền chức linh mục hay phó tế, chứ không thể nói là trao tác vụ linh mục hay phó tế.
_______________________
[1] x. “Bài Giảng Chúa Nhật” của TGP. TP. HCM, số 7, năm 2009.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả là linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, chính xứ họ đạo Phanxicô Xaviê (nhà thờ cha Tam) thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
————