Giáo Xứ Ngọc Lâm Thứ hai ngày 20/11 có Thánh lễ cầu nguyện cho những người làm công tác giáo dục vào lúc 04h30.
Giáo Xứ Ngọc Lâm Thứ hai ngày 20/11 có Thánh lễ cầu nguyện cho những người làm công tác giáo dục vào lúc 04h30. Kính mời những người làm công tác giáo dục tham dự thánh lễ trong tinh thần hiệp thông cầu nguyện cho người còn sống cũng như đã qua đời.
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2023
Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 vừa kết thúc giai đoạn I tại Rôma, với chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ”. Với chủ đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô ước mong và kêu gọi tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cùng nhau gặp gỡ, lắng nghe và phân định, để hoán cải và canh tân sứ mạng truyền giáo của mình trong thế giới hôm nay. Ngài còn khẳng định: không có hiệp hành là không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Thiếu vắng sự hiện diện nền tảng này, mọi hoạt động của Giáo hội đều không nằm trong ý muốn của Thiên Chúa. Ngày 20/4/2022, đáp lại lời chào mừng từ phái đoàn của “Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các nhà Nghiên cứu Toàn cầu”: giáo dục không chỉ truyền tải kiến thức, nhưng còn dành không gian cho lĩnh vực tâm linh và mục vụ, cũng như những gì người già có thể truyền cho thế hệ trẻ, Đức Thánh Cha nhắc lại tầm quan trọng của một nền giáo dục năng động, theo đó nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại. Cho nên, không có yếu tố Hiệp hành như Giáo hội đang cổ võ và dấn thân, công việc giáo dục của chúng ta sẽ thiếu đi nền tảng và mục tiêu mà Giáo hội mong muốn.
Nhân dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, cùng với lời chào chúc thân tình đến tất cả quý thầy cô giáo đã và đang dấn thân trong sứ mạng giáo dục, tôi muốn tiếp tục chia sẻ thêm về đề tài đã được giới thiệu ở bức thư của năm 2022.
- Lợi ích của giáo dục Kitô giáo
Nói đến giáo dục là nói đến một lộ trình trưởng thành và thăng tiến con người về mọi mặt, nhằm thích nghi với một cuộc sống luôn thay đổi và phát triển từng ngày. Thế nhưng giáo dục Kitô giáo còn muốn hướng con người đến một tầm vóc siêu nhiên hơn, nghĩa là để sống an vui hạnh phúc ở đời này và hướng về đời sau vĩnh cửu. Từ xa xưa trong Cựu Ước, việc giáo dục là việc cha mẹ truyền lại những kinh nghiệm cho con cái: “Người khôn tránh bạn xấu. Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ” (Cn 1, 8). Vượt qua ranh giới gia đình, việc giáo dục mở rộng đến những người mang trách nhiệm cộng đồng, giúp người khác ý thức và xây dựng đời sống phong phú hơn về mặt luân lý: “Bấy giờ Người mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm, giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm” (G 33, 16-18).
Cuối cùng, trong cái nhìn và mục tiêu hướng đến của đức tin Kitô giáo, việc giáo dục quy về một chiều kích trọn vẹn nhất, như lời xác tín của các vị mục tử Giáo hội Việt Nam: “Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa, để mai sau trở thành công dân Nước Trời. Sứ mạng đó được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần” (Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007, số 3). Những lời này phải luôn là một định hướng nền tảng cho tất cả chúng ta, những giáo chức công giáo đang thi hành sứ mạng giáo dục hôm nay. Quý thầy cô hãy là những người vừa thông truyền kiến thức chuyên môn nhưng cũng vừa chia sẻ kinh nghiệm sống đạo, vừa hun đúc tinh thần học tập nhưng cũng vừa lan tỏa niềm tin Kitô giáo. Vậy, làm thế nào để chúng ta thi hành sứ mệnh này đúng với tinh thần mà Giáo hội đã ước mong?