Lịch sử về bản kinh “Lạy Mẹ sầu bi” & Đối chiếu Kinh Cầu Đức Bà qua hai bản dịch

Đôi nét lịch sử về bản kinh “Lạy Mẹ sầu bi” của Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê

Trong thông cáo ra ngày 2/7/1959, Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê đã quyết định ngày 22/8/1959 các giáo xứ trong toàn địa phận sẽ dâng mình cho Trái tim Sầu thảm và Vẹn sạch Đức Mẹ.

Nguyên văn Thông cáo của Tòa Giám Mục ngày 02/7/1959

Để chuẩn bị cho ngày này, Đức Hồng Y đã soạn kinh “Lạy Mẹ sầu bi” và ước ao trong ngày này, các giáo hữu sẽ sốt sắng đọc kinh ấy để hợp ý cùng các đấng bậc mà dâng mình, họ mình, xứ mình, cho Trái tim Đức Mẹ. Ngài cũng ước ao, từ nay về sau, các giáo hữu hãy năng đọc kinh “Lạy Mẹ Sầu bi”, bày tỏ lòng sùng kính trái tim Đức Mẹ và ăn ở cho xứng người đã dâng mình cho Mẹ, cho đáng Đức Mẹ ban cho nhiều ơn.

Nguyên văn bản kinh soạn vào ngày 02/7/1959

Ngày 15/9/1959, Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a đã chính thức dâng Địa phận cho Trái tim sầu thẳm và vẹn sạch Đức Mẹ. Ngày 11/12/1968, Đức Hồng Y đã sửa lại đôi chút nội dung và thống nhất trong toàn giáo phận.

Tuy nhiên, vào ngày 21/11/1968, Đức Hồng Y đã dâng Giáo tỉnh Hà Nội cho Trái tim Đức Mẹ nên ngài tiếp tục chỉnh sửa lại bản kinh cho phù hợp.

Dưới đây là bản sao của kinh “Lạy Mẹ sầu bi”:

KINH LẠY MẸ SẦU BI

Lạy Mẹ Sầu bi, Mẹ không hề mắc phải vết nhơ tỗi lỗi, nhưng Mẹ đã phải đau khổ hơn người có tội. Lòng Mẹ đã chịu mọi khổ não, vì Mẹ thương chúng con, Mẹ đã muốn cùng với Chúa Giê-su, Con Mẹ, gánh tội nhân loại, cứu chuộc loài người chúng con.

Chúa Giêsu muốn cho chúng con biết lòng Mẹ, biết ơn Mẹ, sùng kính Trái Tim Mẹ đã phải đau xót và chẳng hề mắc tội tổ tông.

Ôi! Xứng đáng và công bằng biết bao, điều Chúa Giêsu muốn: Chúng con kính lậy Trái Tim Mẹ, Trái Tim Rất Thánh, rất trong sạch, tốt đẹp mọi đàng, chúng con yêu mến Trái Tim Mẹ, Trái Tim nhân lành hay thương đã chịu mọi khổ não vì chúng con.

Lạy Mẹ, chúng con vốn thuộc về Mẹ, nhưng chúng con muốn thuộc về Mẹ cho trọn hơn. Chúng con dâng mình, dâng gia đình, dâng họ, dâng xứ, dâng Địa phận, dâng Giáo tỉnh chúng con cho Trái Tim Mẹ, Trái Tim Bị Khổ Não và Vô Nhiễm nguyên tội. Chúng con ước mong mọi người, mọi  nơi sùng kính Trái Tim Mẹ.

Lạy Trái Tim Sầu Thảm và Vẹn sạch Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông truyền đã chịu mọi khổ não vì chúng con[1], xin thương chúng con, xin đổ ơn xuống đầy rẫy trong gia đình, trong họ, trong xứ, trong Địa phận, trong Giáo tỉnh chúng con, trong cả Hội Thánh. Xin ban cho kẻ lành nên lành thánh hơn, cho kẻ có tội trở về với Chúa, cho người chưa tin được chịu lấy ánh sáng đức tin, cho các gia đình được hòa thuận thương yêu nhau, chịu khó đi đàng ngay chính và ra sức theo gương Thánh gia, cho Hội Thánh được thêm nhiều linh mục, nhiều nam nữ tu sĩ, nhiều đấng thánh và được tự do hoàn toàn, cho thế giới được hòa bình, cho tổ quốc chúng con được hưng thịnh và trở nên nước toàn tòng Công giáo, cho chúng con được sống êm vui, hết lòng làm tôi Chúa, và đời sau được cai trị với Chúa trên nước trời, được hưởng phúc thanh nhàn vui vẻ đời đời, thỏa lòng Mẹ ước mong cho con cái. Amen.

Tiểu chú:

1. Từ nay đọc theo bản này, bản cũ bỏ đi.

2. Đọc kinh này, mỗi lần đọc được lĩnh ơn tiểu xá (nhiều ít, tùy lòng sốt sắng của mỗi người).

Trong Thành Phố Đức Mẹ

Ngày 11/12/1968

+ Giuse Maria
Tổng Giám Mục Hà Nội


[1] Câu này nên đọc liên tục một hơi.

Đối chiếu Kinh Cầu Đức Bà qua hai bản dịch ghi bằng chữ Hán và chữ Nôm trong sách(Bản Kinh Tụng Đọc Toàn Niên) 1865

Tham luận “Đối chiếu Kinh Cầu Đức Bà qua hai bản dịch ghi bằng chữ Hán và chữ Nôm trong sách本經誦讀全年 (Bản Kinh Tụng Đọc Toàn Niên) 1865” bước đầu giới thiệu hai bản văn chữ Hán và chữ Nôm dưới dạng hai bản dịch của Kinh Cầu Đức Bà. Bài viết góp phần nghiên cứu lĩnh vực Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam và đã được in trong Kỉ yếu Hội thảo nghiên cứu Hán Nôm toàn quốc có phản biện năm 2022 do Viện Hán Nôm tổ chức.

Tóm tắt

Kinh cầu Đức Bà trong Bản kinh tụng đọc toàn niên 本經誦讀全年 là một trường hợp đặc biệt trong hệ thống kinh nguyện Công giáo. Điểm đặc biệt thứ nhất, đây là một trong số rất ít kinh nguyện Công giáo có phiên bản Hán ngữ. Thông thường kinh nguyện Công giáo được sử dụng tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Điểm đặc biệt thứ hai, hai văn bản Kinh Cầu Đức Bà in bằng chữ Hán và chữ Nôm này được xuất bản từ năm 1865 nên có giá trị về mặt lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và có thể tìm thấy cả những đặc điểm văn chương, văn hóa… đáng quan tâm nữa. Bài viết bước đầu giới thiệu hai bản văn chữ Hán và chữ Nôm dưới dạng hai bản dịch của cùng một nội dung kinh nguyện; đồng thời đối chiếu hai bản dịch này để tìm ra các đặc điểm của thể loại kinh cầu (litaneia) cũng như đặc điểm của mỗi bản dịch. Tham luận góp phần nghiên cứu lĩnh vực Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam.

Từ chìa khóa: Kinh cầu; Kinh Cầu Đức Bà; Kinh nguyện Công giáo; Hán Nôm Công giáo; Từ ngữ Công giáo.

Tiểu Ban 2: “Tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm”.

DẪN NHẬP

Một điểm khác biệt giữa kinh sách Phật giáo và kinh sách Công giáo tại Việt Nam là việc sử dụng ngôn ngữ. Trong khi hầu hết kinh sách Phật giáo (tại Việt Nam) sử dụng ngôn ngữ Hán Việt, thì kinh sách Công giáo lại gần như toàn bộ sử dụng tiếng Việt thông dụng. Tuy nhiên, khi khảo sát cuốn Bản kinh tụng đọc toàn niên 本經誦讀全年 được in năm 1865 bằng chữ Nôm, bản kinh được coi là sớm nhất tại Việt Nam đến nay còn giữ lại được, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tồn tại một trường hợp đặc biệt được ghi bằng chữ Hán, đó là Kinh Cầu Chữ, song song với bản dịch in bằng chữ Nôm gọi là Kinh Cầu Nôm (trong các bản in bằng chữ Quốc ngữ hiện nay gọi là Kinh cầu Đức Bà). Mở rộng ra, chúng tôi thấy có thêm trường hợp tương tự với Kinh Phục Rĩ. Tiếc là trong cuốn sách kinh năm 1865 này không thấy có in bản Kinh Phục Rĩ. So sánh, đối chiếu hai bản Kinh Cầu Chữ và Kinh Cầu Nôm, chúng tôi thấy đây là một bản dịch tài tình về mặt sử dụng từ ngữ, cách gieo vần tạo nhịp… Trước những điểm đặc biệt và lý thú này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu cả hai bản văn Hán và Nôm của bản kinh để góp phần vào lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam.

KẾT LUẬN

Bản Kinh cầu Đức Bà mà bài viết đang đề cập là một trường hợp đặc biệt trong hệ thống kinh nguyện Công giáo. Điểm đặc biệt thứ nhất, đây là một trong số rất ít kinh nguyện Công giáo có phiên bản Hán ngữ. Thông thường kinh nguyện Công giáo được sử dụng tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Điểm đặc biệt thứ hai, hai văn bản Kinh Cầu Đức Bà in bằng chữ Hán và chữ Nôm này được xuất bản từ năm 1865 nên có giá trị về mặt lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và có thể tìm thấy cả những đặc điểm văn chương, văn hóa… đáng quan tâm nữa.

Qua so sánh đối chiếu, chúng tôi nhận ra có một số điểm khác biệt giữa hai bản kinh chữ Hán và chữ Nôm cả về mặt hình thức, nội dung, tuy không nhiều và không lớn. Chúng tôi cũng đánh giá và phân tích các điểm xuất sắc trong dịch thuật của cả hai bản Hán và Nôm so với bản La tinh (có thể được coi là bản gốc), nhất là trong bản chữ Nôm có trường hợp dịch mang âm hưởng thi ca và văn hóa Việt đặc sắc.

Trong khuôn khổ một bài tham luận, bài viết mới dừng lại như là một bước khởi đầu giới thiệu văn bản. Mong rằng chúng tôi có cơ hội trở lại sâu hơn với nghiên cứu này; hoặc có người quan tâm tìm được những phát hiện mới khi đọc bản văn dưới các góc độ chuyên môn khác nhau, để góp vào mảng nghiên cứu hữu quan: lĩnh vực Hán Nôm Công giáo tại Việt Nam.

Nội dung chi tiết:

Tác giả: Lm. Giuse Vũ Văn Khương

https://phatdiem.org/tac-gia-tac-pham/doi-chieu-kinh-cau-duc-ba-qua-hai-ban-dich-ghi-bang-chu-han-va-chu-nom-trong-sachban-kinh-tung-doc-toan-nien-1865-.html