Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A 04.06.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A

(Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18)

KHÔNG CHỈ LÀ MỘT

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời”
(Ga 3,16)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Mỗi khi chúng ta suy niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường hay nghĩ về khía cạnh mầu nhiệm nhiều hơn: một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Thế nhưng phụng vụ Lời Chúa hôm nay lại hướng chúng ta đặt trọng tâm vào khía cạnh tình yêu, được biểu lộ từ mầu nhiệm Ba Ngôi đó: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.

Vì thế, lễ mà hôm nay chúng ta cử hành có thể gọi là lễ Thiên Chúa – Tình yêu. Lễ này chắc chắn làm cho chúng ta – những con người tội lỗi – tràn đầy niềm vui và hy vọng, bởi đã trình bày cho chúng ta một viễn cảnh rất tích cực về Thiên Chúa. Người được xem không như một pho tượng nguyên khối cô độc, nhưng là sự hợp nhất của Ba Ngôi trong tình yêu. Ba Ngôi này thấm đẫm tình yêu thương đối với mọi loài thọ tạo, và nhất là với con người chúng ta.

1. Bài đọc 1 (Xh 34,4b-6.8-9)

Bài đọc 1, trích từ sách Xuất hành, có thể làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì mạc khải về tình yêu Thiên Chúa diễn ra ngay sau khi dân phạm một tội nặng nề: họ đã bất trung với Thiên Chúa mà đúc bò vàng để thờ lạy.

Vậy mà, nhờ sự chuyển cầu của Môsê, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ, và Người còn mạc khải bản tính nhân hậu và yêu thương của Người: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).

Định nghĩa mà Thiên Chúa đưa ra về mình diễn tả tình yêu nhân hậu của Người: một tình yêu vượt thắng tội lỗi. Không thể có được một mạc khải nào đẹp hơn mạc khải này. Chúng ta có một Thiên Chúa từ bỏ trừng phạt và hủy diệt kẻ tội lỗi, thay vào đó, Người muốn bày tỏ sự yêu thương của Người cho thế giới này ở cách thế thâm sâu hơn và đầy kinh ngạc trước dịp tội của con người.

2. Bài đọc 2 (2Cr 13,11-13)

Ở bài đọc 2, một cách cụ thể đối với các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô bày tỏ mong muốn về một cộng đoàn Kitô hữu với những giá trị Tin Mừng cơ bản như vui mừng, hoàn thiện, đồng tâm, nhất trí, ăn ở thuận hòa, và xem đó như là một sự biểu lộ sự hiện diện và ngự trị của Thiên Chúa nơi giữa họ, bởi chính Người là nguồn mạch tình yêu và mọi giá trị khác.

Thánh Tông đồ kết thúc lá thư gởi cho các tín hữu Côrintô với lời chào trong Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Lời chào này của thánh Phaolô được lấy lại trong phụng vụ thánh lễ ngay nghi thức mở đầu, trong đó, cụm từ “tình yêu của Chúa” được làm rõ hơn bởi “tình yêu của Chúa Cha” để làm nổi bật hơn chiều kích Ba Ngôi nơi công thức này.

Ba hạn từ được nối kết với Ba Ngôi đều diễn tả một tình yêu: Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu. Chúa Con – ân sủng – diễn tả tình yêu quảng đại. Việc trao ban một điều gì đó như là ân sủng nghĩa là trao ban cách nhưng không. Ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần diễn tả sự hiệp thông trong tình yêu. Chính Thánh Thần nối kết tất cả chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng (Ga 3,16-18)

Bài Tin Mừng hôm nay, được trích ra từ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô, đã cho chúng ta một mạc khải đầy đủ hơn về tình yêu của Thiên Chúa.

Thế gian vẫn luôn được xem là “thế gian” và con người là những tội nhân. Và Thiên Chúa có thể can thiệp bằng việc xét xử của Người, nghĩa là hủy diệt sự ác và đánh phạt kẻ có tội. Thế mà Người vẫn yêu thế gian dẫu với tội lỗi của con người, và Người đã trao ban cho chúng ta cái quý giá nhất của Người là chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Người.

Đáp lại tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con đã vâng lời đến trong thế gian và sống với chúng ta, để rồi cuối cùng Người hiến dâng mạng sống mình cho thế gian. Và như thế Người đã biểu lộ trọn vẹn bản tính Thiên Chúa là tình yêu, để rồi ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được giải thoát khỏi tội lỗi và hưởng một đời sống mới trong tình hiệp thông trọn vẹn với Người. Thực ra, cuộc sống đời đời chính là việc tham dự vào tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trên trời.

Ba Ngôi là tình yêu, và tình yêu ở đây không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng chính là tương quan. Chúa Cha là Cha trong tương quan với Con của Người, cũng như Chúa Con là Con trong tương quan với Cha; mối tương quan này được kết nối trong một Ngôi vị, đó là Chúa Thánh Thần. Mối tương quan này sung mãn đến độ mở rộng ra cho chúng ta, để rồi từ đây, nhờ Chúa Con, chúng ta cũng bước vào trong chính mối tương quan hiệp thông này, và mọi người có thể gọi Chúa là Abba – là Cha, là Bố, là Ba – và chúng ta là con cái Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Như dân Do Thái năm xưa, ngay chính lúc phạm tội, lại là lúc Thiên Chúa biểu lộ mạnh mẽ tình yêu và lòng thương xót của Người. Tôi có cảm nghiệm được điều đó trong chính cuộc đời của tôi? Tôi đã từng bỏ cuộc và xa lánh Chúa trong những vấp ngã của đời mình hay tôi sẵn sàng mở lòng chạy đến với Chúa là Cha để tìm kiếm nguồn tình yêu và trợ lực cho đời mình?

2. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ các tín hữu của cộng đoàn Côrintô luôn hiệp lực, hiệp nhất và hiệp thông. Là một thành viên trong một cộng đoàn dân Chúa, tôi có bị đánh động trước lời mời gọi này và thao thức về một cộng đoàn phản ánh những giá trị Tin Mừng và của Ba Ngôi Thiên Chúa?

3. Nhờ Đức Giêsu Kitô, con người được bước vào mối tương quan thân mật với Thiên Chúa, tương quan trong tình yêu. Vậy đâu là mối tương quan mà tôi có với Chúa trong thói quen sống đạo mỗi ngày: tương quan Chúa-tôi hay tương quan Cha-con?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm Thiên Chúa đã được mạc khải cách trọn vẹn cho con người, để những ai đón nhận thì sẽ được cứu độ. Với niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa tình yêu, cộng đoàn chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu nguyện:

1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng cho sự hiệp thông trong Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục, các linh mục và mọi thành phần dân Chúa luôn hợp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một sứ vụ làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

2. Ai tin vào Con Một của Thiên Chúa thì sẽ được sống muôn đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi sáng cho các nhà lãnh đạo trên thế giới và những người có khả năng sớm tìm ra phương thuốc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; cũng xin Chúa thương chữa lành các bệnh nhân và an ủi gia đình của họ.

3. Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương và bình an. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị kỳ thị và bách hại vì đức tin tại nhiều nơi trên thế giới được thêm sức mạnh và bình an giữa những gian nan đau khổ, nhờ luôn tin tưởng phó thác đời mình cho quyền năng của Thiên Chúa.

4. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở hòa thuận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, qua những cử chỉ yêu thương chân thành và bằng một đời sống dấn thân cho công bình bác ái.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương chúc lành cho những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con, và ban ơn giúp sức để chúng con luôn can đảm làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-chua-ba-ngoi-nam-a-3116

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-cho-bai-giang-le-chua-ba-ngoi-nam-a-50960

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-chua-ba-ngoi-nam-a-60411
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19)

Kính thưa anh chị em,

Suốt trong thời gian thật dài vừa qua, chúng ta đã có dịp nói với nhau nhiều về Chúa Giêsu.

Tuần vừa qua chúng ta đã suy niệm về Chúa Thánh Thần.

Hôm nay Giáo Hội dẫn chúng ta vào trọng tâm quan trọng nhất của niềm tin khi Giáo Hội, hướng chúng ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cột trụ của Đạo.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm rất khó trình bày. Khó không phải về phía Thiên Chúa mà khó về phía con người chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta không đủ sức để diễn tả về một mầu nhiệm cao cả như thế này.

Ở đây tôi cũng không dám có một tham vọng làm cho anh chị em hiểu thật rõ mầu nhiệm này. Tuy nhiên tôi cũng phải cố gắng nói một điều gì đó cho việc cử hành phụng vụ hôm nay.

Tôi xin dựa vào Thánh Kinh để nói với anh chị em. Vậy thử hỏi Thánh Kinh đã nói gì về mầu nhiệm này?

A. Trước hết là Cựu ước.

Có thể nói Cựu ước không có một chỉ dẫn nào rõ rệt về Mầu nhiệm này.

a- Hình ảnh đầu tiên mà người ta gặp ở trong Cựu Ước về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa đầy uy quyền và đáng sợ.

+ Ngay từ chương đầu của sách Sáng Thế Ký, chúng ta đã thấy điều đó. Chỉ cần một lời là Thiên Chúa đã làm nên mọi sự. Cả công trình sáng tạo: Chỉ cần Thiên Chúa phán một lời là có tất cả. Đối với con người thì cách diễn tả có hơi khác một chút nhưng tựu trung thì chúng ta thấy Thiên Chúa chẳng cần phải vất vả gì Người cũng làm được mọi sự Người muốn.

+ Nhưng bên cạnh đó ta cũng thấy một Thiên Chúa thật đáng sợ. Thiên Chúa tập trung mọi quyền hành trong tay của Người, sẵn sàng trừng phạt tất cả những ai dám chống đối, dám đi ngược lại với những cấm kỵ mà Người đã ban bố. Câu chuyện Adam-Evà và nhất là câu truyện lụt Đại Hồng Thủy cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa sẵn sàng dìm gần như cả loài người xuống nước khi loài người cố tình đi xa đường lối của Chúa. Cha Maurice Zundel gọi Thiên Chúa của thời kỳ này là “Thiên Chúa cảnh sát.”

b- Bước sang giai đoạn thứ hai của Cựu Ước.

Bên cạnh hình ảnh một Thiên Chúa đầy uy quyền, chúng ta còn thấy một Thiên Chúa độc tôn, duy nhất và xa cách với con người.

+ Bài sách thánh thứ I mà chúng ta vừa nghe khẳng định một chân lý thật quan trọng trong giai đoạn này: Thiên Chúa là Đấng thống trị, Chúa duy nhất.

+ Thiên Chúa duy nhất đó vẫn còn là một Thiên Chúa đáng kính sợ…loài người không xứng đáng được gần Người. Moise phải tụt giày ra mới được chạm tới nơi Người ngự xuống. Dân chúng thì phải cách xa hơn…kẻ nào dám vượt qua cái giới hạn đã được vạch sẵn thì lập tức sẽ phải chết.

+ Sau này khi hòm bia Giao Ước được trao cho con người gìn giữ thì cũng chỉ có những ai được chỉ định đặc biệt mới được vào mà dâng hương. Ngoài ra thì không ai được bén mảng tới. Kẻ nào mà dám liều lĩnh thì hình phạt sẽ không thể lường được.

Đó là hình ảnh về một Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong Cựu Ước.

B. Bước sang thời Tân Ước, chúng ta đã thấy có một bước nhảy vọt thật đáng mừng. Thiên Chúa không còn phải là Thiên Chúa đầy uy quyền và xa cách với con người nữa mà đã trở thành một Thiên Chúa gần gũi với con người.

+ Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện sứ thần truyền tin cho Đức Maria. Thật là một sự thể không ai có thể tưởng tượng trước được. Một Thiên Chúa làm người. Người trở thành EMMANUEL…nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thiên Chúa không còn xa cách con người nữa nhưng đã đi vào cuộc sống và sống như một con người, bằng xương bằng thịt. Thánh Gioan đã viết cho các tín hữu của Người như thế này: “Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống” Phêrô cũng viết tương tự như thế: “Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người”

+ Thời đại của một Thiên Chúa đáng sợ và xa cách đã chấm dứt để nhường chỗ cho một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường ở giữa loài người. Tuy nhiên đó chưa phải là hình ảnh mà Thiên Chúa muốn cho con người chúng ta có về Người.

+ Hình ảnh đúng mà con người phải có về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa Ngôi vị. Đây là mặc khải quan trọng nhất trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hình ảnh này phải đợi mãi tới những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu chúng ta mới được Người mặc khải cho chúng ta khi Người nói cho chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần…và nhất là lệnh truyền của Người khi Người sai các sứ giả phải nhân danh Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh thần mà rao giảng cho mọi người biết về một Thiên Chúa yêu thương loài người.

Vâng chính vì yêu thương mà Chúa đã dựng nên loài người. Cũng vì yêu thương mà Người đã cứu chuộc và cũng chính vì yêu thương mà Người vẫn tiếp tục thánh hóa loài người chúng ta. Người chính là Tình yêu.

Chúng ta hãy hết lòng thờ kính Người.

C. Abraham từ ngày được Chúa chọn ngày càng sống tâm tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.

Nhà Vua hỏi Abraham:

– Tại sao nhà ngươi lại không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?

+ Tâu hoàng thượng! – Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.

– Như vậy thì hãy tôn thờ lửa. Nhà vua nói.

Abraham thưa lại:

+ Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.

– Thế thì hãy tôn thờ nước.

+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.

– Thế thì hãy tôn thờ mây đi.

+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.

– Vậy thì hãy tôn thờ gió.

Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:

– Nếu gió là Thiên Chúa…thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.

Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:

– Vậy thì hãy tôn thờ con người

Abraham trả lời:

+ Tâu hoàng thượng không ! Vì con người phải chết.

Nhà vua giận dữ quát lên:

– Vậy hãy tôn thờ sự chết đi.

Abraham dõng dạc trả lời: “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.

Vâng chúng con cũng vậy. Chúng con xin tôn thờ Chúa là Chúa của chúng con. Chính Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng con để chúng con được sống dồi dào. Vận mệnh của mỗi người chúng con ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng con, giúp chúng con đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen.

THI CA SUY NIỆM TUẦN 9 TN A  LỄ CHÚA BA NGÔI. A
  (Ga 3:16-18)

MẦU NHIỆM.

Ba Ngôi một Chúa nhiệm mầu,

Ai mà thấu hiểu, cao sâu tầng trời.

Ngước nhìn vũ trụ tuyệt vời,

Muôn ngàn tinh tú, bầu trời bao la.

Tôn thờ Thiên Chúa, Ngôi Cha,

Tạo nên muôn vật, hải hà trùng dương.

Ngôi Hai Con Một mở đường,

Yêu thương mạc khải, tinh tường trí khôn.

Loài người có xác có hồn,

Muôn loài thụ tạo, kính tôn Chúa Trời.

Giê-su giáng thế làm người,

Ban ơn cứu độ, cho người Chúa yêu.

Ai tin nhận lãnh thiên triều,

Chối từ, luận phạt, tự kiêu phí đời.

Nhân Danh Con Một cao vời,

Trung gian giao kết, mọi người với Cha.

Tình yêu phát xuất Ngôi Ba,

Thánh Thần Phù Trợ, ngợi ca muôn đời.

Ba Ngôi mầu nhiệm cao vời,

Phụng thờ kính mến, đời đời hát khen.

 Khi chúng ta làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Dấu thánh giá là bảo chứng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là mầu nhiệm cao trọng nhất trong đạo. Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta hiểu biết về Chúa Cha nhân hậu và Chúa Thánh Thần là nguồn tình yêu.

Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm mà con người không thể hiểu thấu. Đây là mầu nhiệm tình yêu trong gia đình Thiên Chúa. Có nhiều người thắc mắc là tại sao ba ngôi mà là một Chúa hay một Chúa mà là ba ngôi. Vậy là ba Chúa hay một Chúa.

Lại có người mạnh miệng nói rằng tôi không thể chấp nhận, nếu tôi không được giải thích tường tận. Không có ai giải thích cho tôi hiểu, tôi sẽ không tin. Rồi có một linh mục gợi ý nói rằng vậy ông bạn có tin vào mặt trời không? Ông trả lời: Có chứ! Linh mục nói những tia nắng xuyên qua cửa kính đó đến từ mặt trời, ở cách xa chúng ta 90 triệu dặm. Chúng ta cảm nhận sức nóng từ cả tia nắng và mặt trời. Ba Ngôi giống như thế. Mặt trời là Thiên Chúa Cha, sai Con của Ngài là tia nắng. Từ mặt trời và tia nắng liên kết tạo ra sức nóng như Chúa Cha và Chúa Con liên kết với Chúa Thánh Thần. Ông bạn giải thích thế nào?

Giải thích thế nào cũng chỉ là một chút vén mở về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh Chúa Ba Ngôi đậm nét trong tất cả các sinh hoạt của vũ trụ. Từ những cảnh vật vô tri, đến các loài thảo mộc và các loại động vật khác nhau hiện hữu đều phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Mầu nhiệm cao trọng này không xa vời để chúng ta mà chiêm ngắm, nhưng là một mầu nhiệm chan hòa trong yêu thương của đời sống để cảm nghiệm. Thiên Chúa chia xẻ tình yêu của Ba Ngôi trong chính cuộc sống của mỗi người.

Mỗi người đều được chia xẻ tình yêu trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Phản ánh qua tình yêu của người cha, người mẹ và con cái trong gia đình. Càng kết hợp chặt chẽ trong tình yêu, chúng ta càng tìm thấy niềm an vui và hạnh phúc.

  Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha tác tạo muôn loài muôn vật, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Xin thánh hóa chúng con trong tình yêu và chân lý. Chúng con tôn thờ Chúa, chúng con chúc tụng Chúa và chúng con cảm tạ Chúa mãi muôn đời.

  THỨ HAI, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

(2Cor 1, 1-7; Mt 5, 1-12).

CHÚC PHÚC

Xuất hành lên núi loan tin,

Giảng bài Tám Mối, con xin nghe Ngài.

Tám điều phúc thật triển khai,

Tinh thần nghèo khó, bên ngai Nước Trời.

Hiền lành, công chính ở đời,

Thiên đàng no thỏa, cõi trời phúc vinh.

Đau buồn, thương xót hết mình,

Ủi an yêu mến, sinh linh rạng ngời.

Thuận hòa thương cảm giữ lời,

Làm con Thiên Chúa, cao vời cõi thiên.

Chứng nhân bách hại trung kiên,

Dù đời ghen ghét, phúc thiên mong chờ.

Ghét Thầy, vu khống nào ngờ,

Nhiều điều gian ác, xấu dơ ghép thành.

Vui mừng phần thưởng phúc lành,

Nước Trời cao trọng, ghi danh muôn đời.

THỨ BA, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

(2Cor 1, 18-22; Mt 5, 13-17).

MUỐI ĐẤT

Các con muối đất ướp đời,

Giữ gìn chất mặn, giúp người trần gian.

Nên gương nhân đức tỏa lan,

Rạng ngời ánh sáng, tràn lan mọi thời.

Sống đời gương mẫu cao vời,

Góp phần hành đạo, gọi mời tin yêu.

Yêu người yêu Chúa thật nhiều,

Bỏ qua tha thứ, mọi điều xấu xa.

Trần đời cám dỗ quỉ ma,

Nguyện cầu tỉnh thức, khỏi sa gian tà.

Giữ lời trung tín thật thà,

Thực hành sống đạo, xây đà đức tin.

Muối men ánh sáng cầu xin,

Hào quang dọi chiếu, ngắm nhìn trời cao.

Bao la tình Chúa dạt dào,

Suối nguồn ân phúc, tuôn trào thánh ân.

THỨ TƯ, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

(2Cor 3, 4-11; Mt 5, 17-19).

KIỆN TOÀN

Kiện toàn lề luật Nước Trời,

Giê-su hoàn tất, mọi lời tiên tri.

Chúa không hủy bỏ điều gì,

Tinh thần giữ luật, khắc ghi trong hồn.

Thực hành lẽ đạo ôn tồn,

Nội tâm sâu kín, nên khôn sống đời.

Hoàn thành khoản luật từng lời,

Dù rằng một chấm, gọi mời thực thi.

Ai mà dậy dỗ điều chi,

Dù là nhỏ mọn, tinh vi cao vời.

Người nào hủy bỏ luật Người,

Cho dù luật nhỏ, xa vời cõi thiên.

Yêu thương giới luật trước tiên,

Chu toàn Đức Ái, nối liền tin yêu.

Giới răn Luật Chúa cao siêu,

Dẫn đường đưa bước, thiên triều phúc ân.

THỨ NĂM, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

(2Cor 3, 15-4, 1.3-6; Mt 5, 20-26).

HÒA GIẢI

Sống đời công chính nội tâm,

Nước Trời rộng mở, giáng lâm tiến vào.

Luật điều chớ đổ máu đào,

Giết người phạm tội, khơi mào ác nhân.

Chúa rằng nên sống khoan nhân,

Đừng vì phẫn nộ, nợ nần yêu thương.

Con người cuộc sống vô thường,

Không chê khùng ngốc, mở đường khinh khi.

Bất bình gây gỗ làm chi,

Hãy mau hòa giải, từ bi dịu dàng.

Dung hòa tâm trí bình an,

Tránh xa ngục tối, dẫn đàng khổ đau.

Hơn thua thắng thiệt qua mau,

Tâm an hồn lặng, cùng nhau giãi bày.

Cảm thông tha thứ vui lây,

Yêu thương kết nối, dựng xây tình người.

THỨ SÁU, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

(2Cor 4, 7-15; Mt 5, 27-32).

TRONG SẠCH

Ngoại tình phạm lỗi thất trung,

Điêu ngoa gian dối, tín trung chẳng còn.

Vợ chồng chung thủy sắt son,

Gia đinh êm ấm, cháu con xum vầy.

Giê-su Chúa dậy điều này,

Ước ao phạm tội, sa lầy trí tâm.

Ai nhìn người nữ tà dâm,

Ngoài tình tâm trí, âm thầm sướng vui.

Mắt con vấp phạm, thà đui.

Chỉ còn một mắt, an vui Nước Trời.

Nếu tay phạm tội cắt rời,

Một phần chi thể, mất đời phúc vinh.

Toàn thân hỏa ngục cực hình,

Hy sinh cắt bỏ, thiên linh vọng chờ.

Tinh yêu Thiên Chúa vô bờ,

Ban nguồn sinh phúc, hưởng nhờ thánh ân.

 THỨ BẢY, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

(2Cor 5, 14-21; Mt 5, 33-37).

LỜI THỀ

Lời thề đoan hứa tin nhau,

Bội thề phá hết, thương đau mất tình.

Chúa thương chỉ dậy tâm linh,

Đừng thể chi cả, thanh minh sống đời.

Đất trời ngai bệ cao vời,

Trên ngai Thiên Chúa, cõi trời linh thiêng.

Đền thờ Chúa ngự thiêng liêng,

Ngai vàng đất thánh, cõi riêng tôn thờ.

Đầu con quí giá vô bờ,

Thiên tài phú bẩm, ban sơ tạo hình.

Nhớ rằng sự thật hữu tình,

Có thì nói có, ánh minh chan hòa.

Không rằng không có, bỏ qua,

Nói thêm nói bớt, điêu ngoa làm gì.

Nói lời sự thật kiên trì,

An bình cứu độ, khắc ghi lòng người.

 Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16711

https://hddmvn.net/nghe-giang-le-chua-nhat-chua-ba-ngoi-nam-a-2017/