Phụng Vụ Truyền Giáo: Thư Tháng 06.2023: Thắm đượm một trái tim

Người ta thường nói người Việt Nam vốn thông minh nhưng không thể làm việc chung được. Nguyên do là bởi người Việt Nam thường có tính đố kỵ. Đây là một tật xấu cố cựu trong máu người Việt mà những nghiên cứu về người Việt cũng luôn nhắc tới. Có giải pháp nào để diệt trừ tính đố kỵ ấy ?

Có lẽ nhiều người thường nghĩ rằng tính đố kỵ là do cái tôi quá lớn, nên giải pháp là cần phải dẹp bỏ cái tôi. Tuy nhiên, giải pháp này không phải là giải pháp đúng tinh thần Kitô giáo và thường mang mầu sắc của luân lý của con người chứ không phải tìm về cội nguồn nơi giải pháp cứu độ của Thiên Chúa.

Kitô giáo tin rằng mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp, trong đó có cả cái tôi nữa. Cái tôi tự nó là một phẩm giá cao quý, được chính Thiên Chúa tôn trọng :

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18.10)

Cái tôi chỉ bị hư hoại do tội lỗi, và vấn đề không phải là loại bỏ, đè bẹp, coi thường cái tôi nhưng là đón nhận, trân trọng, thanh lọc để trả lại cho mỗi cái tôi giá trị nguyên thuỷ. Thật sự con người không thể loại bỏ cái tôi, vì khi đó thật ra người ta sẽ chỉ làm cho cái tôi trở nên lẫn khuất tinh vi hơn, ngấm ngầm tỏ lộ trong những tình tiết ta không ngờ được. Ngược lại, cái tôi có một khát vọng chân chính, đó là cần được nhận biết, cần được tôn trọng, cần được yêu thương… thậm chí cái tôi cần được yêu thương nhất, chính vì đó mà người ta mới ghen…

Trong đức Tin Kitô giáo, sự kiện cái tôi bị hư hoại, trở thành thái độ vị kỷ chính là vì cái tôi ấy đã không tìm được ai đó chấp nhận và yêu thương mình một cách đích thực và trọn vẹn. Cái tôi trở nên hư hoại chính vì người ta khao khát được chấp nhận, người ta khẳng định mình để được chấp nhận, và khẳng định mình một cách bất chính. Việc khao khát được chấp nhận như thế là một nhu cầu tự nhiên và chính đáng, bởi vì con người được được Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa, vốn luôn khao khát tình yêu, khao khao khát yêu và được yêu.

Theo đức Tin Kitô giáo, nguyên do sâu xa của sự lệch lạc về cái tôi chính là do sự bấp bênh, giới hạn hoặc sự lệch lạc của tương quan con người với nhau. Người ta tìm cách được ai đó chấp nhận, nhưng không được chấp nhận trọn vẹn từ chính ngã vị, hoặc chỉ được chấp nhận trong một giai đoạn, trong một số tình huống giới hạn nào đó. Thật sự cũng có những mảnh tình nghĩa tuyệt diệu trong đời sống “tự nhiên” của con người, đặc biệt là tình phụ tử hoặc mẫu tử. Nhưng tình yêu tuyệt diệu ấy vẫn không đủ cho khát vọng vô biên của con người. Không ai có thể thoả lòng và trưởng thành phong phú nếu cả một đời chỉ mãi mãi là đứa con được cha mẹ yêu thương. Cha mẹ có lúc không còn, và mỗi người cần có bạn bè, cần có vợ chồng, cần có con cái, cần có cộng đoàn xã hội…. Do đó, nói chung, những ai đi tìm mình trong trong tương quan con người với nhau sẽ không bao giờ có thể vượt qua được sự bấp bênh, giới hạn và lệch lạc căn bản ấy.

Như thế, chúng ta hiểu được tâm tình của thánh Âu Tinh :  “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”; cũng như chúng ta hiểu được khẳng định của thánh Thomas Aquino rằng con người có khả năng nhận biết Chúa, và khát vọng cuối đời của ngài chính là : chỉ có mình Chúa là đủ cho con…

Tín lý Kitô giáo khẳng định con người chỉ được thờ phượng một mình Thiên Chúa, còn với mọi người khác, tổ tiên, cha mẹ, các danh nhân của dân tộc… thì ta chỉ tôn kính mà thôi; bởi vì thờ phượng là tin nhận chỉ có một mình Thiên Chúa mới làm chủ toàn thể vận mạng của mình. Điều đó không phải chỉ là một sự tranh chấp về thế giá, danh dự, chính yếu là vì đó là giải pháp căn bản để cứu độ con người. Con người cần được chấp nhận, và thật sự chỉ khi con người được chính Thiên Chúa chấp nhận cái tôi của mình, một sự “chấp nhận từ chân”, thì người ta mới có thể tìm thấy được một sự giải thoát khỏi những cái tôi khao khát khẳng định một cách lệch lạc…

Giải pháp cho căn bệnh đố kỵ, căn bệnh nặng nề trong tâm tính người Việt nhưng cũng thực sự cũng là căn bệnh muôn thuở, khi ít khi nhiều, của toàn thể thân phận con người, chỉ có thể tìm thấy nơi ơn cứu độ của đức Giêsu, nơi tình yêu của Đức Giêsu, thứ tình yêu của Đấng đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu, như thánh Phaolo nói :

“Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 1-5)

Chỉ trong ơn cứu độ, con người mới tìm lại được một trái tim thắm đượm tình yêu và có khả năng hoàn thành khát vọng của cái tôi bằng con đường tình nguyện dâng tặng bản thân, tìm được sự hiệp nhất chân thật và chung sức thi hành sứ vụ cách mạnh mẽ.

https://hddmvn.net/thu-thang-06-2023-tham-duom-mot-trai-tim/

Giới Trẻ Huynh Đoàn Đa Minh TGP. Sài Gòn: Thánh Lễ Luân Phiên Quý II/2023

Giới Trẻ Huynh Đoàn Đa Minh TGP. Sài Gòn: Thánh Lễ Luân Phiên Quý II/2023

XEM THÊM HÌNH ẢNH

https://hddmvn.net/gioi-tre-huynh-doan-da-minh-tgp-sai-gon-thanh-le-luan-phien-quy-ii-2023/

Liên Huynh Ninh Sơn, Gp. Nha Trang Mừng lễ Bổn mạng

https://hddmvn.net/lien-huynh-ninh-son-gp-nha-trang-mung-le-bon-mang/

Giáo lý và phụng vụ là hai phạm trù khác nhau với những đặc tính chuyên biệt. « Giáo lý là trình bày Lời Thiên Chúa một cách đơn giản, cụ thể, sống động, để giúp tín hữu hiểu và sống đức tin. »[1] Phụng vụ là nơi Lời Chúa được công bố, được lắng nghe, được nội tâm hóa và được giải thích[2]. Tuy nhiên, hai phạm trù này luôn liên kết với nhau và bổ sung cho nhau. Điểm chung của giáo lý và phụng vụ đều quy về một đức tin sống động, làm cho đối tượng tham gia được hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa và gặp gỡ cá vị với Ngài, nhờ vào nguồn mạch Lời Chúa. Ngoài ra, mối tương quan này còn được biểu lộ khi mà giáo lý là nơi đọc lại kinh nghiệm sống đức tin trong phụng vụ ; phụng vụ là nơi nuôi dưỡng và củng cố đức tin được truyền đạt trong giáo lý. Thánh bộ giáo sĩ trong Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý nhận định rằng : « Do tính cách sinh động nội tại, đức tin buộc phải được biết, được cử hành, được sống và được diễn tả bằng sự cầu nguyện. Việc dạy giáo lý phải cổ động tất cả những chiều kích đó.» (số 84) Nói cách khác, giáo lý phải nối kết với cử hành phụng vụ và các bí tích để giúp người tham dự có kinh nghiệm sống động về đức tin- kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và để Ngài lớn lên trong cuộc sống. Để hiểu rõ hơn mối tương quan này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những điểm sau đây.

  1. Giáo lý là nơi đọc lại kinh nghiệm sống đức tin trong phụng vụ

Việc dạy giáo lý không chỉ để chuẩn bị cho học viên lãnh nhận các bí tích, hay để giải thích các nghi thức, các biểu tượng hoặc những cử chỉ trong phụng vụ. Điều này cần thiết, nhưng vai trò của giáo lý còn quan trọng hơn nhiều. Một trong những điểm quan trọng, giáo lý là nơi đọc lại kinh nghiệm sống đức tin trong phụng vụ. Bởi vì, trong giờ gặp gỡ giáo lý:

  • Học viên được tham gia phụng vụ qua cử chỉ làm dấu thánh giá để tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi; qua cầu nguyện, ca hát, băng reo, trò chơi, đố vui… để thờ phượng, tôn vinh, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa; qua việc sám hối để lãnh nhận các Bí tích.

  • Học viên được thấy ý nghĩa của các nghi thức được cử hành trong phụng vụ qua việc lắng nghe, học hỏi, giải thích, cắt nghĩa Lời Chúa. Ví dụ, việc đổ nước trong Bí tích Rửa tội có thể tìm thấy trong trình thuật sáng tạo: Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước, khai sinh mầm sống (x.St 1,1-2) ; lụt hồng thủy làm chết đi một thế giới cũ đầy tội lỗi (x.St 7,21-23) và sinh ra một thế giới mới tràn ngập ân sủng (x.St 8,15-17) ; vượt qua biển đỏ- nước biển đỏ giết chết người Ai Cập, nhưng là nước tái sinh người Do Thái. « Cũng như người Do Thái vượt qua Biển Đỏ để đến bến bờ của tự do, người Kitô hữu, nhờ dòng nước tái sinh của bí tích này, trở nên con cái Thiên Chúa. Họ bước qua tăm tối để đến với ánh sáng. Dòng nước tái sinh đã gột rửa họ khỏi tội nguyên tổ và những tội lỗi đã phạm. »[3] Ngoài việc được thấu hiểu Lời Chúa, Lời Chúa còn đánh động tâm hồn, chất vấn con người và cuộc sống, để nhận biết mình hầu sửa đổi và tích cực làm chứng cho đức tin đã lãnh nhận.

  • Học viên được mời gọi nối dài việc cử hành phụng vụ trong đời sống thường ngày, bằng việc tích cực sống đức tin được tuyên xưng, dám để cho những gì mình cảm nhận và xác tín được thể hiện trong cuộc sống dưới cái nhìn và cách thức của Đức Kitô.

Như vậy, học viên giáo lý không thể hiểu rõ những gì được cử hành trong phụng vụ, cảm nghiệm sâu xa về Chúa và sống kinh nghiệm mầu nhiệm Kitô giáo cách cụ thể trong đời sống thường ngày ; nếu như việc dạy giáo lý không là nhịp cầu nối kết để giúp họ đọc lại kinh nghiệm sống đức tin trong cử hành phụng vụ và các bí tích. Đọc lại kinh nghiệm sống đức tin là phương thế đi vào mối tương quan hiệp thông cá vị với Đức Kitô, và yêu mến Đức Kitô hơn. Do đó, giáo lý không thể tách rời phụng vụ, nhưng phải dẫn đến cử hành phụng vụ, vì phụng vụ là nơi nuôi dưỡng và củng cố đức tin được truyền đạt trong giáo lý.

  1. Phụng vụ là nơi nuôi dưỡng và củng cố đức tin được truyền đạt trong giáo lý

Bốn nội dung nền tảng của giáo lý công giáo trình bày về mầu nhiệm Kitô giáo khởi đi từ đối tượng của đức tin: một đức tin phải được tuyên xưng, phải được cử hành trong phụng vụ và các bí tích, phải được thể hiện qua cuộc sống trong Đức Kitô, và phải được chuyển thành lời cầu nguyện. Do đó, một đức tin lãnh nhận không thể được củng cố nếu nó không diễn tả qua việc cử hành phụng vụ và các bí tích. Một người được rửa tội, lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, sau đó không tham dự thánh lễ, không sống đạo… thử hỏi theo năm tháng đức tin của người đó có được củng cố, nuôi dưỡng và trưởng thành không ? Và rồi, người đó có trung thành với đức tin đã lãnh nhận không ?

Ngoài ra, phụng vụ là nguồn mạch của giáo lý. Phụng vụ hiện tại hóa các mầu nhiệm Kitô giáo được truyền đạt trong giáo lý. Qua việc tham dự phụng vụ, học viên giáo lý được lắng nghe Lời Chúa, được lời của Chúa Kitô cảm hóa và biến đổi, được gặp gỡ cá vị và đón nhận các chân lý mạc khải của Thiên Chúa, được đi sâu vào mối tương quan hiệp thông thân mật với Ngài. Hiến chế về phụng vụ nêu rõ: « Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, những bài để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những ca vịnh để hát. Chính nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca, đồng thời còn làm cho những động tác và các biểu hiệu trở thành ý nghĩa. » (số 24) Quả thật, chính nhờ tham dự phụng vụ mà đức tin của học viên giáo lý được nuôi dưỡng. Một khi đức tin được lớn mạnh, chắc chắn họ tự nguyện tuyên xưng và can đảm sống lời Chúa dạy. Như vậy, đức tin được truyền đạt trong giáo lý được củng cố và được tuyên xưng cụ thể trong đời sống. Vì thế, học viên giáo lý cần tham dự phụng vụ cách tích cực, « một cách ý thức, thành kính và linh động: [Các Kitô hữu] được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người. »[4] Chính Đức Giêsu hiện diện trong các nghi thức phụng vụ và chính Ngài hướng dẫn đời sống mỗi người : « Người hiện diện thiết thực trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người […] Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh »[5]. Nếu học viên giáo lý tham dự phụng vụ cách tích cực như đã nêu trên, thì đức tin của họ thật sự sống động và có sức lan tỏa. Họ có kinh nghiệm sâu sắc về Chúa, sống đức tin cách chủ động hơn trong việc loan báo Tin Mừng, làm cho Tin Mừng vang vọng trong lòng mọi người. Thánh sử Luca cho chúng ta thấy rất rõ điều này, khi đọc tường thuật « Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau ». Sau khi được Chúa Giêsu đồng hành, chia sẻ, giải thích Thánh Kinh và nhất là qua cử chỉ « bẻ bánh », hai môn đệ tin nhận Ngài là Đấng phục sinh. Nhờ « tiệc » Thánh Thể này, đức tin của hai ông được củng cố- mắt họ mở ra, lòng họ bừng cháy và tim họ được thôi thúc lên đường làm chứng cho Chúa (x.Lc 24,13-35). Đức tin là quà tặng mà Thiên Chúa ban nhưng không cho mỗi người Kitô hữu. Nó không thể vững vàng nếu không được tuyên xưng, được cử hành, được sống và được gắn kết với Đức Kitô. Môi trường giáo lý và phụng vụ là nơi thuận tiện nhất để đào sâu sự hiểu biết về đức tin, nuôi dưỡng và phát triển đời sống đức tin. Sự liên kết chặt chẽ giữa giáo lý và phụng vụ dẫn đưa con người vào cuộc gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô. Đây cũng là mục đích tối hậu của giáo lý[6].

  1. Mối tương quan mật thiết giữa giáo lý và phụng vụ

« Việc dạy giáo lý tự bản chất được kết nối với toàn thể hoạt động phụng vụ và bí tích, vì chính trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể mà Đức Chúa Giêsu Kitô hoạt động một cách viên mãn cho việc biến đổi con người […] Đời sống nhiệm tích trở nên nghèo nàn và chẳng bao lâu biến thành chủ nghĩa nghi thức rỗng tếch nếu không đặt nền tảng trên sự hiểu biết nghiêm chỉnh về các ý nghĩa của các bí tích, và việc dạy giáo lý trở thành nặng về hình thức nếu nó không trở nên sống động nhờ thực thi các bí tích. »[7] Sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo lý và phụng vụ làm cho giờ gặp gỡ giáo lý thêm sinh động và làm cho người tham dự phụng vụ và các bí tích đi vào chiều sâu đức tin- hiệp thông với Thiên Chúa và thấy được chính mình. Nếu phụng vụ làm cho giáo lý thành cụ thể, sống động, biến sự hiểu biết bằng trí tuệ thành cảm nghiệm của tâm hồn ; thì giáo lý góp phần không nhỏ trong việc giúp học viên hiểu các nghi thức, cách thức cử hành, ý nghĩa các lời đọc, các cử chỉ và các vật dùng trong phụng vụ… Nhờ đó, họ tham dự phụng vụ cách sốt sắng và tích cực hơn; họ chìm sâu trong cuộc gặp gỡ- gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ chính mình và gặp gỡ tha nhân.

Một học viên giáo lý phổ thông, sau khi rước lễ lần đầu, không tha thiết học giáo lý và bỏ học giáo lý ; nhưng vẫn tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật. Việc em tham dự phụng vụ Thánh lễ có giúp em cảm nhận ơn ích của việc mình làm không, hay chỉ vì để chu toàn bổn phận- bỏ lễ sẽ mắc tội trọng ? Ngược lại, một em đi học giáo lý đều đặn, nhưng không bao giờ tham dự phụng vụ và bí tích, nhất là Thánh lễ. Có thể em biết về Chúa, biết trên lý thuyết (kiến thức đức tin), nhưng lại mới mẻ về việc cử hành đức tin (tham dự phụng vụ). Đức thánh cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến chung ngày 03/02/2021, nhận định : « Người Kitô hữu chúng ta cần phải tham dự vào các mầu nhiệm thánh. Một Kitô giáo không có phụng vụ là một Kitô giáo không có Chúa Kitô. »[8] Quả thật, nhờ phụng vụ mà ta liên kết với Đức Kitô, cảm nghiệm rất riêng về Ngài, đụng chạm đến Ngài, đức tin được vững vàng khi cọ sát với những thách đố và cám dỗ của thời đại. Cho nên, dạy giáo lý không dừng lại ở việc truyền tải đức tin, hiểu biết về đức tin, nhưng còn giúp học viên tuyên xưng đức tin trong cử hành phụng vụ, cầu nguyện và chiêm niệm mầu nhiệm Đức Kitô, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo[9]. Chính phụng vụ làm cho đức tin được thông truyền qua giáo lý trở nên rõ ràng và cụ thể hóa trong cuộc sống.

Mặc khác, toàn bộ nội dung giáo lý hầu như được xoay quanh các bài đọc Lời Chúa trong phụng vụ; và phụng vụ làm cho ta lặng sâu vào cuộc sống của Thiên Chúa thông qua các nghi thức cử hành. Nhờ lắng nghe, suy niệm các bài đọc trong Thánh lễ, ta biết được chính mình vì được Lời Chúa chất vấn. Quả thật, tiếp xúc với Lời Chúa là tiếp xúc với Đức Kitô. « Đức Kitô hằng hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Sự hiệp thông với Chúa Kitô đưa đến cử hành sự hiện diện cứu độ của Người trong các Bí Tích, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Hội Thánh ước ao hết sức cho tất cả giáo dân được tham dự đầy đủ vào Bí tích đó, cách ý thức và linh động »[10]. Thánh bộ giáo sĩ nhận định rằng : « việc dạy giáo lý phải liên kết mật thiết với toàn thể sinh hoạt phụng vụ và bí tích. Thế mà thường xuyên việc dạy giáo lý chỉ có mối tương quan rất ít và rời rạc với phụng vụ. Người ta chỉ chú tâm đến dấu chỉ và nghi thức phụng vụ mà không đánh giá cao cội nguồn phụng vụ. Rất ít hay không hề có những phần giáo lý nói đến năm phụng vụ và những cử hành phụng vụ chỉ được coi như chuyện bên lề. »[11] Là giáo lý viên, việc dạy giáo lý của tôi có hướng đến phụng vụ nhằm giúp học viên đi « vào mầu nhiệm Đức Kitô (mystagon), dẫn từ hữu hình đến vô hình, từ dấu chỉ đến thực tại, từ “các bí tích” tới “các mầu nhiệm” »[12] không ? Tôi có thao thức giúp học viên tiếp xúc với Lời Chúa và giải thích Lời Chúa cách đơn giản, cụ thể, sống động trong giờ giáo lý, để giúp họ cảm được Chúa đang nói, đang sống, đang hoạt động trong cuộc sống, và nhất là trong mọi cử hành phụng vụ và các bí tích không ? Đức thánh cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Mỗi khi chúng ta cử hành một Bí tích Rửa tội, hoặc thánh hiến bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể, hoặc xức dầu thánh cho thân thể một người bệnh, thì Chúa Kitô ở đây! Chúa hiện diện giống như Người đã hiện diện khi chữa lành chi thể đau yếu của một người bệnh, hoặc khi trao ban di chúc của Người trong Bữa Tiệc Ly để cứu độ thế gian.”[13]
Tạm kết
Bài viết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự liên kết giữa giáo lý và phụng vụ, đối với đời sống đức tin của người Kitô hữu. Cả hoạt động giáo lý và phụng vụ đều hướng họ đến đức tin sống động và trưởng thành- một đức tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua cuộc sống, được chuyển thành lời cầu nguyện. Để có thể đạt đến điều này, một mặt, giáo lý viên cần quan tâm hơn nữa đến việc nối kết giáo lý với phụng vụ trong giờ gặp gỡ giáo lý, hầu giúp học viên giáo lý yêu thích tham dự phụng vụ và nhờ phụng vụ, họ đón nhận ân sủng Chúa ban để nuôi dưỡng đời sống đức tin ; giúp họ gặp gỡ và yêu mến Giêsu hơn, yêu mến Giáo hội hơn . Mặt khác, thừa tác viên cử hành phụng vụ và các bí tích, nhất là Thánh lễ cần chuẩn bị bài giảng thật chu đáo, vì « có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô. » (Rm 10,17). Thông qua bài giảng, học viên và người tham dự thấy, hiểu, cảm Chúa đang nói với mình và mình trò chuyện với Chúa, gặp gỡ Chúa, chạm đến Chúa và được Chúa chạm đến. Gặp gỡ Chúa làm cho đức tin của họ được nuôi dưỡng, được củng cố, được đào sâu và được lớn lên. Nhờ thế, họ có thể làm chứng cho Đức Kitô ngay cả khi đối diện với mọi biến cố và thách đố của cuộc sống.

https://giaophankontum.com/muc-vu/phung-vu/moi-tuong-quan-giua-giao-ly-va-phung-vu

Nữ tu Lucie Nguyễn Thị Thanh Lan
( MTG QN)

Nguồn: hoidongmtgquinhon.org


[1] NGUYỄN VĂN TUYÊN, Sư phạm giáo lý, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999, x. tr. 9.
[2] THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý, Directoire Général Pour la Catéchèse, 1997, x. số 95.
[3] https://tgpsaigon.net/bai-viet/dong-nuoc-tai-sinh-49388, tham khảo ngày 13/04/2023.
[4] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về phụng vụ, Sacrosanctum Concilium, 1963, số 48.
[5] Ibid., số 7.
[6] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, Catechesi Tradendae, 1979, x. số 5.
[7] Ibid., số 23.
[8] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-phung-vu-cau-nguyen.html, tham khảo ngày 04/05/2023.
[9] THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý, Directoire Général Pour la Catéchèse, 1997, x. số 85-86.
[10] Ibid., số 85.
[11] Ibid., số 30.
[12] GIOAN PHAO LÔ II, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, Catéchisme de l’Église Catholique, 1992, số 1075.
[13] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-phung-vu-cau-nguyen.html, tham khảo ngày 04/05/2023.