Sống Lời Chúa Chúa Nhật 20 Thường Niên năm A 20.08.2023

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN. A


(Mt. 15:21-28)

ÂN SỦNG

Chúa ban ân sủng ngập tràn,

Cho người tứ xứ, yên hàn an vui.

Đàn bà xứ lạ tới lui,

Con yêu lâm bệnh, chôn vùi nỗi đau.

Xin trừ quỉ ám qua mau,

Dủ lòng thương xót, trước sau tin Thầy.

Không rằng, chẳng nói, chẳng rầy,

Đức tin thử thách, đong đầy khiêm nhu.

Chúa rằng những bánh dự trù,

Dành nuôi con cái, trong khu chốn này.

Không nên lấy bánh trong tay,

Vứt cho con chó, không hay gọi mời.

Bà ta đáp lại đôi lời,

Chó con xứng được, bánh rơi từ bàn.

Động lòng thương xót trao ban,

Đức tin kiên vững, phá tan bóng mờ.

Chữa lành con gái mong chờ,

Quỷ ma trục xuất, nương nhờ xác thân.

Mạnh tin Chúa chữa ân cần,

Một lòng tin tưởng, tinh thần lạc an.

Khi Chúa Giêsu trên đường ra khỏi thành Tyrô và Siđon, một người phụ nữ ngọai giáo đến gặp Chúa và xin chữa bệnh cho con gái bị quỷ ám. Có lẽ bà này cũng đã chạy đi tứ phương cầu khẩn cho con gái mình, nhưng đều vô hiệu. Nghe về danh của Chúa Giêsu, bà không ngại ngùng chạy đến nài van Chúa chữa con gái mình. Bà xin và bà đã nhận được ơn của Chúa.

Con người có biết bao thứ bệnh tật khác nhau. Có bệnh về thể xác, có bệnh về tinh thần, có bệnh từ trong và có bệnh đến từ bên ngòai. Bệnh là một sự khiếm khuyết trong cơ thể con người. Với khả năng được phú ban, con người có thể giúp nhau trị liệu nhiều thứ bệnh, nhưng con người vẫn không đủ khả năng để chữa lành mọi bệnh tật.

Bệnh của người con gái là thứ bệnh rất hiểm nghèo. Bệnh bị qủy ám. Bệnh thuộc loại tinh thần, nhưng lại dày vò thể xác. Một quyền lực sự dữ ám quấy con người. Em gái không còn làm chủ được mình, hoàn toàn sống lệ thuộc vào quyền kẻ dữ bên ngoài ám.

Người đàn bà ngoại giáo đã nghe về Chúa Giêsu. Bà tin vào quyền năng của Chúa. Bà nài xin lòng thương xót của Chúa. Chúa thách thức niềm tin của bà. Bà chấp nhận thân phận ngoại lai và hèn yếu. Bà nghĩ dù sao bà cũng đáng được hưởng những phần dư còn lại của ân sủng. Chúa đã khen lòng tin của bà và bà được toại nguyện.

Cũng như người đàn bà Canaan này, chúng ta là chi mà đáng hưởng ân huệ của Chúa. Nếu chỉ cậy dựa vào công sức, việc lành và việc sống đạo của chúng ta, chúng ta không đáng được thừa hưởng ơn lành của Chúa đâu. Chúng ta hãy đặt lòng tin nơi Chúa và nài xin: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

(Mt 19, 16-22).

TRỌN LÀNH

Làm sao được sống đời đời?

Vào nơi hằng sống, gọi mời dấn thân.

Giới răn tuân giữ ân cần,

Mười Điều luật dậy, thế nhân giữ mình.

Giết người, trộm cắp, ngoại tình,

Gian tham chứng dối, tội tình tránh xa.

Vâng lời thảo kính mẹ cha,

Yêu thương kẻ khác, thứ tha lỗi lầm.

Thanh niên phấn khởi tự tâm,

Chu toàn tất cả, công tâm thật thà.

Chúa thương nhắn bảo về nhà,

Con về bán hết, cửa nhà gia sang.

Rồi đem bố thí dân làng,

Kho tàng châu báu, thiên đàng không xa.

Mong rằng con hãy theo Ta,

Giầu sang sản nghiệp, anh ta buồn sầu.

THỨ BA, TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

(Mt 19, 23-30).

THEO THẦY

Người giầu khó chiếm Nước Trời,

Lạc đà chui lỗ, dễ hời thông qua.

Hơn là giầu có điêu ngoa,

Khó nghèo quảng đại, thiên tòa thi ân.

Tông đồ bỡ ngỡ phân trần,

Khó lòng cứu độ, tinh thần thế gian.

Loài người không thể trao ban,

Tình yêu Thiên Chúa, ban tràn ân thiêng.

Chúng con từ bỏ của riêng,

Được gì kiếp sống, linh thiêng vào đời.

Theo Thầy ân nghĩa cao vời,

Ngày sau vinh hiển, rạng ngời phúc vinh.

Từ cha, bỏ mẹ, hy sinh,

Ruộng nương, nhà cửa, hiến mình chuyên chăm.

Thầy ban phần thưởng gấp trăm,

Đời này kiếp tới, muôn năm sống đời.

THỨ TƯ, TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

(Mt 20, 1-16a).

NHÂN HẬU

Chủ nhà sáng sớm ra đồng,

Thuê người làm mướn, một đồng trả công.

Ba giờ nhóm thợ ở không,

Trả tiền công nhật, ngóng trông từng giờ.

Khoảng giờ thứ sáu đợi chờ,

Chủ ông khẽ gọi, muốn nhờ việc đây.

Vào giờ thứ chín buồn lây,

Không ai thuê mướn, đứng đây suốt ngày.

Giờ chiều mười một hôm nay,

Buồn sầu đói khát, cả ngày uổng không.

Chủ thương nhắn gọi làm công,

Trả tiền sòng phẳng, một đồng thưởng cho.

Mỗi người lãnh được một đô,

Người sau kẻ trước, đừng so làm gì.

Mọi người thỏa thuận thực thi,

Chủ nhà nhân hậu, từ bi vô ngần.

THỨ NĂM, TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

(Mt 22, 1-14).

TIỆC CƯỚI

Dụ ngôn tiệc cưới Nước Trời,

Vua kia gởi thiệp, xin mời tham gia.

Tiệc mừng sắp sẵn tại nhà,

Khách mời từ chối, bôn ba việc đời.

Có người thăm trại nhiều nơi,

Người đi buôn bán, thuận thời kiếm ăn.

Có kẻ nhục mạ khó khăn,

Chối từ đánh đuổi, can ngăn gây phiền.

Vua quan thịnh nộ tự nhiên,

Sai người thiêu hủy, cả miền sát nhân.

Vua truyền mời gọi cận lân,

Mời vào tiệc cưới, thần dân tứ bề.

Đầy phòng chật ních chẳng chê,

Vua đi quan sát, chẳng nề khó khăn.

Không may có kẻ gian manh,

Nhà vua bắt gặp, lỡ đành chịu giam.

THỨ SÁU, TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

(Mt 22, 34-40).

GIỚI RĂN

Giới răn trọng nhất trên đời,

Hãy yêu mến Chúa, gọi mời kính tin.

Yêu thương Thiên Chúa hết mình,

Hết lòng hết sức, đáp tình Chúa yêu.

Giới răn thứ nhất cao siêu,

Thứ hai trọng nhất, mến yêu mọi người.

Yêu thương kẻ khác trong đời,

Lề luật tóm tắt, đôi lời trao ban.

Thực hành đức ái sẻ san,

Chu toàn thiên ý, tuôn tràn hồng ân.

Tình yêu cao trọng bội phần,

Yêu người yêu Chúa, tình thần hăng say.

Lo toan phục vụ hằng ngày,

Cô đơn bệnh hoạn, cơ may góp phần.

Chia cơm xẻ áo tha nhân,

Thi hành luật Chúa, thần dân Nước trời.

THỨ BẢY, TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

(Mt 23, 1-12).

THỰC HÀNH

Trên tòa giảng dậy truyền rao,

Khuyên răn dậy bảo, thao thao nhiều lời.

Các Thầy Luật Sĩ dậy đời,

Nhóm người Biệt Phái, gọi mời thực thi.

Những gì họ nói đậm ghi,

Đừng theo cách thế, hành vi họ làm.

Trần đời lòng dạ tham lam,

Vì rằng họ nói, không làm ý Cha.

Chất vai gánh nặng người ta,

Họ không lay thử, chiếc đà nặng vai.

Thẻ kinh nới rộng cho dài,

May dài tay áo, bệ đài oai phong.

Ghế đầu đám tiệc trong phòng,

Bái chào đường phố, trong lòng hoan ca.

Chúng con chỉ có một Cha,

Tôn thờ kính mến, ngợi ca muôn đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16930

Chú giải Lời Chúa Chúa nhật XX Thường niên – Năm A

Ba bài đọc của Chúa nhật này dâng hiến một chủ đề chung: đón tiếp muôn dân muôn nước, bất kỳ những ai bày tỏ niềm tin vào Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en.
Is 56:1,6-7
Bài đọc thứ nhất loan báo sứ điệp cứu độ phổ quát: mời gọi cộng đồng Giê-ru-sa-lem đón nhận những ngoại kiều kính sợ Thiên Chúa Ít-ra-en vào cộng đoàn của mình.
Rm 11:13-15,29-32
Trong thư gởi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc lại rằng ngài là Tông Đồ dân ngoại: vì dân Do Thái từ chối nên lời loan báo cứu độ được gởi đến cho muôn dân.
Mt 15:21-28
Tin Mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an. Đức Giê-su nhận lời khẩn cầu của bà và ca ngợi đức tin của bà.
CN 20 TN A 4
BÀI ĐỌC I (Is 56:1,6-7)
Đoạn trích này là đoạn mở đầu của phần thứ ba sách I-sai-a. Toàn bộ phần thứ ba này gồm các chương 56-66 được gán cho vị ngôn sứ với biệt danh là I-sai-a đệ tam, vì người ta không biết tên ông. Cũng như vị tiền nhiệm của ông, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55), ông kín đáo ẩn mình dưới vị ngôn sứ I-sai-a lừng danh (ch. 1-39). Ngôn sứ I-sai-a đệ tam thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem, trong những thập niên sau cuộc lưu đày Ba-by-lon trở về, và nhất là vào thời kỳ tái thiết Đền Thờ (521-515 trước Công Nguyên).
Sứ điệp mở đầu tác phẩm của ông công bố khai mạc thời kỳ cứu độ phổ quát.
1. Những ngoại kiều:
Chắc chắn vào lúc này có một số lượng khá lớn ngoại kiều ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Chúng ta nghĩ đến những người nước ngoài đã đến định cư ở đây trong khi một phần dân bản xứ bị đưa đi lưu đày.
Đối với những ngoại kiều định cư lâu dài được gọi “gérim” (kiều cư), luật dự kiến một quy chế thuận lợi; họ được hưởng một số lượng quyền lợi. Sách Lê-vi đồng hoá họ với “những người thân cận” và đòi hỏi phải “yêu thương họ như chính mình” (Lv 19:33-34). Trái lại, đối với những ngoại kiều tá túc trong một thời gian hạn định nào đó được gọi “nokrin” (khách vãng lai), họ không hưởng được bất kỳ quyền hạn nào khác ngoài tập quán của lòng hiếu khách. Đơn giản họ được cư xử với lòng bao dung; đôi khi họ bị đồng hóa với những kẻ thù của dân Ít-ra-en; họ bị loại ra khỏi việc phụng tự và bị tước đoạt nhiều quyền lợi.
Vì thế, ở đây “nhân danh đức công chính và điều chính trực”, vị ngôn sứ tố cáo những kỳ thị như thế. Thiên Chúa phán: “Vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới”, diễn ngữ này muốn nói rằng Đức Chúa sẵn sàng can thiệp bởi vì Ngài là Đấng bảo vệ những người đơn côi yếu thế.
2. Yêu mến Danh Người:
Ngôn sứ liệt kê những điều kiện khái quát về việc đón nhận những kiều cư vào cộng đoàn Ít-ra-en: “Những người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự và yêu mến Danh Người, để nên tôi tớ của Người ”. Theo văn hóa Do Thái, tên chính là người, vì thế, “Yêu mến Danh Người” không gì khác “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en”. Cách nói: “Yêu mến Danh Người” không gặp thấy nơi nào khác ngoài đoạn văn Cựu Ước này. Nhưng thật có ‎ý nghĩa khi vị ngôn sứ đòi hỏi trước tiên lòng yêu mến đối với Đức Chúa. Từ ngữ “phụng tự” trong diễn ngữ “để phụng sự” không gợi lên bất kỳ phụng tự tôn giáo nào; thành ngữ “tôi tớ” là danh từ chung để chỉ hết mọi tín hữu, nghĩa là tất cả những ai có niềm tin vào Thiên Chúa.
“Những ai giữ, không vi phạm ngày sa-bát”: Điểm nhấn được đặt trên “ngày sa-bát” rất có ý nghĩa. Trong thời lưu đày, việc tuân giữ ngày sa-bát đã mang lấy tầm mức quan trọng lớn lao. Ngày sa-bát đã trở nên dấu chỉ biệt phân, nhờ đó, người Do Thái bị tản mác ở giữa dân ngoại khẳng định căn tính của mình.
“Cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta”: Câu này tóm gọn những đòi hỏi ở trên. Trong số những đòi hỏi này, phép cắt bì không được kể ra. Vả lại, phép cắt bì chỉ đòi hỏi những tân tòng, tức là những ai muốn trở thành dân Chúa chọn, chứ không “những người kính sợ Thiên Chúa”, tức là những người có thiện cảm với Do Thái giáo. Sau này, thánh Phê-rô công bố chiều kích phổ quát tại nhà viên quan chức Rô-ma, ông Co-nê-li-ô: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10: 34-35).
3. Chiều kích phổ quát của sứ điệp:
Vị ngôn sứ công bố nhân danh Đức Chúa. Việc phục hồi quyền lợi của những kiều cư và sáp nhập họ vào dân Chúa chọn là sáng kiến của Thiên Chúa: “Ta sẽ dẫn họ lên Núi Thánh của Ta, và cho họ hân hoan bước vào nhà cầu nguyện của Ta”.
Trong Kinh Thánh, chúng ta thường gặp thấy niềm vui được phụng thờ Thiên Chúa. Các “Thánh Vịnh lên đền” ca ngợi tâm tình hân hoan tôn giáo này, ví dụ như Thánh Vịnh 43: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con”.
“Ta sẽ ưng nhận lễ toàn thiêu và tế phẩm họ dâng trên bàn thờ của Ta. Vì nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân nước”. Biểu thức này có cung giọng đặc biệt, một trong những cung giọng mang chiều kích phổ quát nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Đức Giê-su sẽ lập lại biểu thức này khi Ngài đuổi những người buôn bán và những người đổi tiền ra khỏi khuôn viên Đền Thờ, chính xác là nơi dành cho lương dân mong ước cầu nguyện với Thiên Chúa Ít-ra-en. Cử chỉ của Đức Giê-su không chỉ muốn nói rằng nền phụng tự này rồi sẽ sớm mất đi lý do hiện hữu của chúng, nhưng còn nơi này phải được dành cho muôn dân muôn nước.

BÀI ĐỌC II (Rm 11:13-15,29-33)
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô hôm nay hòa hợp với hai bài đọc khác: cả ba bài đọc đều nói về việc mở rộng vòng tay đón nhận muôn dân.
Việc mở rộng vòng tay đón nhận muôn dân này càng cần thiết hơn khi mà dân Do Thái, nói chung, cố chấp đến mù quáng của mình. Đó là nguyên do thánh Phao-lô phiền muộn. Ngài ngỏ lời với các tín hữu Rô-ma, những người xuất thân từ ngoại giáo: “Tôi xin nói với anh em là những người gốc dân ngoại”.
Thánh Phao-lô tự đặt mình vào trong hai viễn cảnh nối tiếp nhau: viễn cảnh của chính ngài, vị tông đồ dân ngoại, và viễn cảnh của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương.
1. Viễn cảnh của vị tông đồ dân ngoại:
Lần đầu tiên đọc đoạn văn này, chúng ta có thể tin rằng thánh Phao-lô dâng trọn cuộc đời mình cho sứ vụ tông đồ dân ngoại với một hậu ý: sinh lòng ghen tức ở nơi đồng bào của mình trước sự kiện dân ngoại vào thế chỗ dân Ít-ra-en mỗi ngày mỗi thêm đông trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chắc chắn đây không là mục đích hàng đầu trong công việc truyền giáo của thánh nhân, nhưng là ý định được đi kèm theo: ở đây thánh nhân bày tỏ nỗi lòng của mình: ơn cứu độ của dân Ít-ra-en ám ảnh thánh nhân. “Một ích người” mà thánh nhân mong muốn cảm hóa đức tin của họ, được xem ra như mầm mống và bảo chứng cho việc muôn dân hoán cải.
Nếu việc dân Do Thái bị gạt ra bên ngoài đã là cơ hội cho thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, tức là cuộc hoán cải của dân ngoại, giai đoạn đầu tiên của ơn cứu độ phổ quát, thì giai đoạn thứ hai sẽ là tuyệt vời biết mấy, khi toàn thể dân Ít-ra-en tái sáp nhập vào cộng đồng tin: đó chẳng khác gì việc các vong nhân sống lại từ cõi chết.
2. Viễn cảnh của Thiên Chúa đầy lòng xót thương:
Đối với vị tông đồ dân ngoại, Thiên Chúa không thể bỏ rơi dân riêng của Ngài: ân ban và ơn gọi bất khả đổi thay. Cả dân ngoại lẫn dân Do Thái đều đã “không vâng phục Thiên Chúa”. Ở đầu bức thư của mình, thánh nhân đã cho thấy rằng dân ngoại đã đón nhận đủ ánh sáng ngõ hầu cư xử với nhau một cách chính trực và từ tâm, nhưng họ đã lún sâu vào sự bất chính và thờ ngẫu tượng: theo nghĩa này, họ đã không vâng phục Thiên Chúa. Dân Do Thái, đến thời Mê-si-a, đã không mở rộng lòng mình mà đón nhận Đấng Thiên Chúa sai đến, họ cũng thế đã không vâng phục Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa việc dân Ít-ra-en bất phục tùng và việc dân ngoại hoán cải. Chắc chắn đây là quan hệ nhân quả lịch sử. Trước việc người Do Thái chống đối có hệ thống, thánh Phao-lô, thánh Ba-na-ba và các tông đồ khác đã cương quyết quay về phía dân ngoại. Nhưng còn sâu xa hơn, thánh nhân cho thấy mối quan hệ nhân quả thuộc trật tự tâm lý nằm trong ‎ý định Thiên Chúa. Lúc đó, theo thể loại song đối đặc thù Sê-mít, thánh nhân mô tả chuyển động kép của lòng Thiên Chúa xót thương: lòng xót thương mà dân ngoại đã có được khi trở về cùng Thiên Chúa, lòng xót thương theo đó dân Ít-ra-en sẽ trở lại. Sau cùng, thánh nhân tóm lại chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trong một biểu thức thấm thía: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.

TIN MỪNG (Mt 15:21-28)
Câu chuyện niềm tin của một người đàn bà xứ Ca-na-an được định vị trong bối cảnh đặc thù: kể từ phép lạ bánh hóa nhiều và việc đám đông dân chúng không hiểu được sứ điệp của Ngài, Đức Giê-su đã quyết định tập trung vào việc đào tạo các môn đệ của mình. Vì thế, “Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn”. Đó là lý do Ngài có mặt tại vùng đất dân ngoại. Ngài đã vượt qua biên giới phân chia giữa miền Ga-li-lê và xứ Phê-ni-xi, xa khỏi đám đông và những kinh sư, những người đã đặt ra nhiều câu hỏi để nhằm gài bẫy Ngài. Trong bầu khí yên tĩnh, Ngài dành hết tâm trí và thời giờ cho các môn đệ. Ngài muốn chuẩn bị sứ mạng tương lai của họ.
1. Người đàn bà xứ Ca-na-an:
“Thì này có một người đàn bà xứ Ca-na-an…”. Ca-na-an là tên cổ xưa của Phê-ni-xi. Khi dùng cách nói “người đàn bà xứ Ca-na-an”, thánh Mát-thêu không quan tâm đến tên gọi cổ xưa, nhưng vì cách nói này gợi lên quá khứ thù địch giữa dân Ca-na-an và dân Ít-ra-en, cũng như thánh Gio-an nói “người đàn bà xứ Sa-ma-ri” để chất chứa ở nơi tên gọi này những kỷ niệm thù nghịch không đội trời chung giữa hai dân tộc này. Thêm nữa, khi nói “người đàn bà xứ Ca-na-an”, thánh Mát-thêu muốn khẳng định rằng bà là dân ngoại.
Người đàn bà xứ Ca-na-an đã nghe danh Đức Giê-su. Bà nghe biết Ngài hiện đang có mặt ở trong miền, vì thế bà đến với Ngài và khẩn khoản van xin Ngài, không phải cho bà nhưng cho đứa con gái bệnh hoạn của bà. Bengel đã nói về bà: “Bà đã xem nỗi bất hạnh của con bà như của chính bà”, còn William Barclay đã xoáy vào trọng tâm của tình mẫu tử ở nơi người đàn bà ngoại giáo này: “Chính bởi tình yêu khiến bà đến gần người ngoại quốc này, chính tình yêu khiến bà cam chịu sự nín lặng, lạnh nhạt của Ngài mà vẫn tiếp tục kêu xin, chính tình yêu mà bà cam chịu đau khổ vì lời từ chối tàn nhẫn, chính tình yêu mà đã khiến bà có thể thấy được niềm thương cảm phía sau những lời nói của Chúa Giê-su.” (The Gospel of Matthew, bản dịch tiếng Việt, nhà xuất bản Đức Bà Hòa Bình, tập II, tr. 100).
“Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Bà khẩn cầu Đức Giê-su với tước hiệu Mê-si-a: “con vua Đa-vít”. Phải chăng thánh Mát-thêu đã muốn nhấn mạnh sự bạo dạn của người đàn bà xứ Ca-na-an này khi dùng tước hiệu đặc trưng dân Do Thái dành riêng cho Đấng Mê-si-a? Hay đúng hơn thánh nhân muốn ghi nhận ở nơi người đàn bà này một tấm lòng tin tưởng không hề lay chuyển ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu? Lời van xin này vang lên như cung giọng phụng vụ: “Xin Chúa thương xót chúng con” (“Kyrie Eleison”). Dù thế nào, lời khẩn cầu của người phụ nữ ngoại giáo này cũng vẫn là lời trách cứ gởi đến dân Do Thái vì họ không biết nhận ra Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Thánh Mát-thêu chuẩn bị cho chúng ta tham dự vào chiều kích vĩ đại của ơn cứu độ phổ quát.
2. Thái độ của Đức Giê-su:
Để khơi dậy đức tin ở nơi người đàn bà xứ Ca-na-an, Đức Giê-su sử dụng khoa sư phạm có thể được gọi phương pháp thử thách. Phương pháp này bao gồm hai giai đoạn: trước hết, thinh lặng: “Người không đáp một lời nào”; đoạn, thẳng thừng từ chối. Ngài thử thách bà chỉ cốt làm sáng tỏ đức tin kiên vững của bà trong mọi thử thách.
3. Một đức tin bị thử thách:
Người đàn bà vẫn bám riết theo sau Ngài mà kêu xin đến mức các môn đệ phải nao lòng chột dạ nên thưa với Thầy: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”. Đức Giê-su đáp lại các ông: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Ít-ra-en mà thôi”. Cũng một cách như vậy, vào lúc sai nhóm Mười Hai đi truyền giáo, Đức Giê-su đã chỉ thị: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10:5-6). Đây là chương trình của Thiên Chúa, quy tụ dân Ít-ra-en trước, rồi mới đến muôn dân tụ họp chung quanh Thiên Chúa chân thật.
Quả thật, Đức Giê-su đã đặt ưu tiên sứ mạng của mình cho “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Tuy nhiên, Ngài đã động lòng thương trước lời khẩn cầu của viên bách quản Ca-pha-na-um xin Ngài cứu chữa người đầy tớ của mình. Có nhiều điểm tương tự giữa câu chuyện của viên bách quản ngoại giáo và câu chuyện của người đàn bà xứ Ca-na-an. Tấm lòng của Chúa Giê-su vẫn hằng rộng mở trước lời cầu khẩn của dân ngoại. Họ là hoa trái đầu mùa sứ điệp của Ngài. Tuy nhiên, đó là thời gian mà các môn đệ Ngài sẽ tiếp nối công việc của Ngài, họ sẽ mở rộng cửa tiếp đón muôn dân muôn nước.
Dù Chúa Giê-su thẳng thừng từ chối, người đàn bà xứ Ca-na-an này cũng không hề nao núng; bà đến sụp lạy van xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Đức Giê-su trả lời thẳng với bà để bà hiểu ra rằng bà không thuộc dân của Ngài: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Dân Do Thái thường khinh bỉ dân ngoại là “Đồ lũ chó dân ngoại”. Tuy nhiên, trong lời nói của Đức Giê-su “lũ chó con” trong ngôn từ Hy Lạp gợi lên chó nuôi trong nhà, là con vật cưng đối lập với chó hoang lang thang ngoài đường. Vì thế, thánh Mác-cô, trong câu chuyện song song của mình, định vị hoạt cảnh này ở trong nhà: “một nhà nọ” (Mc 7: 24). Câu trả lời của Đức Giê-su và câu đáp trả của người đàn bà rất đối xứng với nhau theo từng từ: bánh, chó con, bàn ăn, những mảnh vụn.
4. Đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an:
Người đàn bà xứ Ca-na-an trả lời với trọn tấm lòng khiêm tốn của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con lại được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bà đã nhận ra rằng sứ điệp của Đức Giê-su gởi đến trước tiên cho dân Do Thái và tất cả phép lạ mà Ngài đã thực hiện, trước hết ở nơi quê hương của Ngài: “Thưa Ngài, đúng thế”. Nhưng với một ‎trực giác tuyệt vời, bà tin rằng lòng xót thương của Thiên Chúa chắc hẳn vượt ra bên ngoài khung cảnh xứ Palestine, vì thế, bà cũng có thể đón nhận những mảnh vụn lòng xót thương của Thiên Chúa.
Đức Giê-su thán phục đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an như Ngài đã thán phục đức tin của viên bách quản ngoại giáo. Ngài nhận lời khẩn cầu của bà. Cũng như viên bách quản, người phụ nữ xứ Ca-na-an là mẫu gương đức tin phi thường.
5. Dấu chỉ của bánh:
Chính dưới dấu chỉ của bánh mà Đức Giê-su ngỏ lời với người đàn bà xứ Ca-na-an. Thật khó mà nghĩ rằng đây chỉ là một sự ngẫu nhiên. Theo lời Đức Giê-su, bánh trước hết được dành riêng cho “con cái”, nghĩa là cho dân Do Thái, dân Chúa chọn, đám đông này mà Đức Giê-su đã nuôi bánh vật chất no nê đến mức còn dư đến mười hai thúng đầy mảnh vụn. Nhưng bánh này chỉ là tiên báo về bánh siêu nhiên, như bánh man-na trong sa mạc loan báo những thiện hảo của thời Mê-si-a.
Từ bánh này mà người đàn bà xứ Ca-na-an đã đón nhận những mảnh vụn. Bà đã nhận được bảo chứng của những phúc lộc Nước Thiên Chúa mà các môn đệ sau biến cố Phục Sinh được chỉ thị phân phát cho muôn dân. Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Is 56,1.6-7
Rm 11,13-15.29-32
Mt 15,21-28

MỌI NGƯỜI TIN ĐỀU ĐƯỢC THIÊN CHÚA ĐÓN NHẬN

“Nhà của Ta sẽ được gọi là
nhà cầu nguyện của muôn dân.”
(Is 56,7)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Tác giả Isaia đệ tam (Is 56-66), vốn phản ánh khung cảnh của dân Chúa tại Giêrusalem thời hậu lưu đày, mở đầu bằng lời mời gọi quen thuộc dành cho dân Chúa, đồng thời cho thấy những tư tưởng tiến bộ về những người ngoại bang.

Trước hết, Isaia đệ tam mời gọi dân Chúa hãy “tuân giữ điều chính thực, thực hành điều công minh” (Is 56,1). Công minh chính trực là chuẩn mực mà Thiên Chúa đã truyền lại cho Ápraham và cho con cháu ông phải tuân giữ, như là điều kiện để Ngài thực hiện lời hứa của Ngài (St 18,19). Chính Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực (Tv 7,18; Đn 9,14), là Đấng yêu thích điều công minh chính trực (Tv 33,5), là Đấng ngự trên bệ ngai rồng là công minh chính trực (Tv 97,2), và là Đấng cai trị theo lẽ công minh chính trực (Dcr 8,8). Vì thế, ai sống công minh chính trực sẽ được thấy mặt Chúa (Tv 17,15) và “thực thi điều công minh chính trực thì đẹp lòng Đức Chúa hơn là dâng hy lễ” (Cn 21,3).

Có thể nói công minh chính trực là tiêu chuẩn mà dân Chúa phải ghi nhớ và thực hành. Có lẽ sau thời lưu đày, dân Chúa đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của lối sống ngoại bang mà đi xa đường lối của Thiên Chúa. Vì thế, điều đầu tiên mà Isaia đệ tam kêu gọi dân Chúa sau thời lưu đày là trở về với điều cơ bản nhất, là sống công minh chính trực.

Sau nữa, Isaia đệ tam còn quan tâm đến những người ngoại bang vốn giờ đây sống gần bên dân Chúa. Họ không phải là những người bị ghét bỏ, hay bị loại trừ. Nếu họ biết gắn bó với Chúa để phụng sự Ngài và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Ngài, giữ ngày sabát cùng tuân thủ giao ước của Thiên Chúa, thì đều được Thiên Chúa dẫn lên núi thánh của Ngài (Is 56,6). Thiên Chúa sẽ cho họ được hoan hỷ, sẽ ưng nhận lễ tế của họ trên bàn thờ, “vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7). Đây thật sự là tư tưởng rất tiến bộ của Isaia đệ tam nếu so với những đoạn nói về người nước ngoài một cách tiêu cực (Đnl 14,21; 15,3; 22,21; Ed 44,7-9).

Có hai điểm đáng lưu tâm ở đây. Thứ nhất, Thiên Chúa hai lần nhấn mạnh rằng nhà của Ngài, đền thờ Giêrusalem, là nhà cầu nguyện (Is 56,7). Đối với dân Israen, đền thờ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của họ, cách riêng là nơi họ đến để dâng lễ tế. Nhưng ở đây, sấm ngôn của Thiên Chúa nhắm đề cao một chiều kích quan trọng khác: đền thờ, nhà Thiên Chúa, là nơi được đặc biệt dành riêng cho việc cầu nguyện. Thứ hai, đền thờ, nhà Thiên Chúa, không chỉ là nơi cầu nguyện dành riêng cho dân Do Thái nữa, mà được mở rộng ra cho “muôn dân”, nghĩa là tất cả mọi dân tộc đều được mời gọi vào việc thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện với Ngài tại nhà Thiên Chúa là đền thờ Giêrusalem.

2. Bài đọc 2

Thánh Phaolô ngỏ lời với những người gốc dân ngoại trong cộng đoàn tín hữu Rôma. Là vị tông đồ dân ngoại, thánh Phaolô nhiệt thành với sứ mạng được trao phó và ngài tự hào vì được trao trọng trách loan báo Tin Mừng cho những người dân ngoại. Thế nhưng sứ mạng đến với dân ngoại của thánh Phaolô cũng gặp không ít khó khăn, trắc trở, chống đối, mà phần nhiều trong số đó lại do chính đồng bào của ngài, những người Do Thái gây nên (Cv 18,6; 28,19).

Tuy nhiên, không vì thế mà thánh Phaolô tỏ ra căm ghét, thù hận những người đồng bào của mình. Trái lại, dù là tông đồ dân ngoại, thánh nhân vẫn mong mỏi “cứu được một số anh em đó”, những người Do Thái đồng bào của ngài (Rm 11,14). Thánh nhân coi việc các anh em đồng bào của mình được thâu nhận lại như là “từ cõi chết bước vào cõi sống” (Rm 11,15). Đối với thánh Phaolô, bất cứ ai, dù là Do Thái hay dân ngoại, ủng hộ hay chống đối ngài, đều nhận được sự quan tâm của ngài, với mong mỏi tất cả đều được cứu độ nhờ tin vào Đức Giêsu (Gl 2,16).

Thánh Phaolô dùng cấu trúc song đối để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho cả dân ngoại lẫn dân Israen. Trước kia dân ngoại đã từng không vâng phục, nhưng nay đã được lòng xót thương của Thiên Chúa; cũng vậy ngày nay dân Israen có không vâng phục, thì trong tương lai cũng sẽ nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa (Rm 11,30-31). Quả vậy, kinh nghiệm của các Kitô hữu gốc dân ngoại cho thấy rằng trước kia họ đã không tin (không vâng phục) vào Thiên Chúa, nhưng nay đã được Thiên Chúa thương xót mà ban ơn đức tin. Cũng vậy, nếu như ngày nay dân Israen chưa tin (không vâng phục), thì sau này họ cũng vẫn xứng đáng nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa là ân huệ đức tin. Vậy nên cả dân ngoại lẫn dân Israen, dù đã từng “ở trong tội không vâng phục” vì đã không tin vào Đức Kitô, thì đó lại cơ may để Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót của Ngài là ơn đức tin, ơn ban không phải chỉ cho dân ngoại hay dân Israen mà thôi, mà là cho “mọi người” (Rm 11,32).

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng mô tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ dân ngoại. Có vẻ như theo cái nhìn của Tin Mừng Mátthêu, đây là cuộc gặp gỡ không mong đợi của Chúa Giêsu và dường như Chúa Giêsu không hề được chuẩn bị, không hề có một đáp án sẵn cho người phụ nữ này. Tuy nhiên, khi bị thuyết phục bởi lòng tin mạnh mẽ của người phụ nữ dân ngoại, Chúa Giêsu đã thay đổi và ban cho người phụ nữ dân ngoại điều bà cầu xin.

Đứng trước lời cầu khẩn tha thiết của người phụ nữ dân ngoại, dù Chúa Giêsu “không đáp lại một lời” (Mt 15,23), nhưng việc người phụ nữ này biết tuyên xưng Chúa Giêsu là Con vua Đavít có thể là ngụ ý của thánh Mátthêu rằng người phụ nữ dân ngoại này không hẳn là người hoàn toàn ở ngoài. Sự im lặng của Chúa Giêsu ở đây không hẳn là một sự khước từ hoàn toàn, dứt khoát, khi mà người phụ nữ dân ngoại ít nhiều hiểu biết và nhìn nhận Đức Giêsu. Sự im lặng của Chúa Giêsu còn có thể là cơ hội để người phụ nữ tiến xa hơn, tuyên xưng mạnh mẽ hơn niềm tin của mình.

Phản ứng của các môn đệ xin Chúa Giêsu xua đuổi người phụ nữ khi bà “cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”, cho thấy sự khó chịu của các ông khi bị người phụ nữ quấy rầy; không chỉ quấy rầy mà còn là quấy rầy dai dẳng. Và câu trả lời của Chúa Giêsu phản ánh quan niệm đương thời, ít ra là theo nhãn quan của Tin Mừng Mátthêu về sứ mạng của Đức Giêsu rằng Người chỉ được sai đến để rao giảng cho người Do Thái. Ngoài ra, thái độ xem ra đóng kín của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ ngoại giáo lại là cơ hội cho bà thể hiện niềm tin vững mạnh của mình.

Dù như bị chối từ, người phụ nữ ngoại giáo tiếp tục tỏ ra kiên nhẫn và thành khẩn trong lời cầu xin của mình. Cử chỉ “bái lạy” và tiếp tục “xin cứu giúp” (Mt 15,25) cách nào đó cho thấy niềm tin sâu sắc của bà nơi quyền năng của Chúa Giêsu và tha thiết chờ mong sự thi ân giáng phúc của Người. Chính sự chân thành, tha thiết, và tin tưởng mạnh mẽ của người phụ nữ đã giúp bà kiên vững trước thử thách cuối cùng: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26). Câu nói xem ra có vẻ xúc phạm của Chúa Giêsu là cách nói quen thuộc của người đương thời nhằm phân biệt con cái với người ngoài. Người phụ nữ không những không tức giận hay cảm thấy bị xúc phạm mà đáp lại cách đầy tin tưởng và khiêm tốn: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27).

Đứng trước niềm tin kiên vững, chân thành và hết sức khiêm tốn của người phụ nữ, Chúa Giêsu không thể từ chối bà. Bà không xin bánh của con cái Israen, không xin một vị thế ngang bằng với con cái được Thiên Chúa tuyển chọn, bà chỉ xin “những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Nếu đọc đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều ở chương trước, với số bánh còn dư là mười hai thúng đầy (Mt 14,13-21) và một phép lạ hóa bánh khác ngay sau đoạn Tin Mừng này, với số bánh dư là bảy thúng đầy (Mt 15,29-39), thì lòng tin mạnh mẽ thể hiện qua lời cầu xin tha thiết được “ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống” của người phụ nữ ngoại giáo ý nghĩa hơn biết chừng nào. Bà hoàn toàn xứng đáng nhận được lòng thương xót của Chúa Giêsu: “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy” (Mt 15,28).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Sách ngôn sứ Isaia cho thấy rằng một đàng dân Thiên Chúa được mời gọi sống công minh chính trực, đàng khác cả người ngoại cũng được đón nhận vào nhà Chúa, nếu họ tin tưởng, phụng thờ và giữ các giới răn của Ngài. Tôi có thể hiện mình là dân Thiên Chúa qua cách sống công minh chính trực ? Hay tôi là dân Thiên Chúa mà lại sống không bằng những người, dù bị coi là dân ngoại nhưng lại biết tin, thờ phượng và giữ giới răn của Thiên Chúa ?

2/ Thánh Phaolô gặp không ít khó khăn với những người Do Thái đồng bào của ngài, nhưng thánh nhân không những không ghét bỏ mà con kiên nhẫn chờ đợi lòng thương xót của Chúa dành cho họ. Đối với thánh nhân, bất kỳ ai, dù là Do Thái hay dân ngoại, nếu biết bày tỏ niềm tin vào Đức Giêsu Kitô đều được cứu độ. Tôi có biết khoan dung, độ lượng với những người chưa tin ? Tôi có sẵn sàng giới thiệu đức tin của mình cho người khác thông qua đời sống của tôi ? Tôi cần phải làm gì để Tin Mừng Đức Giêsu được giới thiệu cho những người sống quanh tôi chưa nghe biết về Người ?

3/ Đức tin chân thành, kiên vững và khiêm tốn của người phụ nữ ngoại giáo trong bài Tin Mừng thật đáng khâm phục. Tôi học được gì khi chiêm ngắm đức tin mạnh mẽ của người phụ nữ ngoại giáo ? Phải chăng đức tin của tôi còn nông cạn, hời hợt, bấp bênh trước bao nhiêu thử thách của cuộc sống thường nhật ? Tôi cần phải làm gì để củng cố đức tin của tôi để có thể trợ giúp cho những người khác xung quanh tôi ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là cha rất nhân từ và hay thương xót, Người sẽ ban muôn ơn lành cho tất cả những ai khiêm tốn kêu xin Người với lòng tin tưởng chân thành. Theo gương người phụ nữ xứ Canaan trong Tin mừng, cộng đoàn chúng ta hãy chạy đến với Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:

1. Sứ mạng của Hội thánh là trở nên dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội thánh, cách riêng các vị chủ chăn, luôn nhạy bén trước nhu cầu của anh chị em chung quanh và sẵn sàng trở nên khí cụ phân phát ân huệ của Chúa cho mọi người.

2. Bạo lực và chiến tranh tại nhiều nơi trên thế giới là dấu chỉ sự leo thang của sự dữ. Hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đáp lại lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta cùng cầu nguyện cho đất nước Iraq mau chóng tìm ra những giải pháp tích cực và hữu hiệu nhằm tái lập hòa bình.

3. Chăm sóc và giáo dục con cái là trách nhiệm hàng đầu của các phụ huynh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bậc làm cha mẹ Công giáo biết tin tưởng và phó thác con cái mình cho Thiên Chúa; đồng thời, luôn ý thức hướng dẫn các em đến gần Chúa bằng việc nêu gương sáng trong đời sống đức tin và thực thi bác ái.

4. Lòng tin mạnh mẽ chân thành của người phụ nữ Canaan đã được Chúa đoái thương. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn vững tin vào quyền năng và lòng thương xót Chúa, biết siêng năng chạy đến với Người qua các cử hành phụng vụ của cộng đoàn và giờ kinh tối trong gia đình.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng và hay thương xót, xin lắng nghe những ước nguyện chân thành của chúng con và rộng tay chúc phúc, để chúng con thêm vững tin và luôn can đảm làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô giữa thế giới hôm nay. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-20-thuong-nien-nam-a-2110

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Mt 15,21-28

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,28)

Đọc câu chuyện hôm nay, tự nhiên tôi cảm thấy bị “cám dỗ” nhớ lại câu chuyện trong Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần vừa qua. Anh chị em còn nhớ: Trong câu chuyện bài Tin Mừng tuần vừa qua, Phêrô bị Chúa quở là “Kẻ yếu lòng tin”. Thật là lạ. Một người theo Chúa suốt mấy năm trời và sau này lại được Chúa đặt làm rường cột Giáo Hội vậy mà bị Chúa chê là yếu lòng tin, còn người đàn bà xứ Canaan, là một người ngoại, một người không có đạo, Chúa lại khen là có một đức tin mạnh. Vậy thì qua câu chuyện chúng ta vừa nghe, chúng ta thử xem xem đâu là những yếu tố làm cho Đức tin mạnh.

A. Khi nói tới Đức tin thì thường người ta không thể bỏ qua được khía cạnh phiêu lưu hay liều lĩnh của nó. Trong Đức tin thường bao giờ cũng có một chút phiêu lưu liều lĩnh nào đó.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolo I trong lá thư viết cho thi sĩ Trilussa có trích lại một câu chuyện của chính tác giả để cắt nghĩa cho ông này biết thế nào là Đức tin của người công giáo. Như chính ông kể thì một hôm ông bị lạc giữa một khu rừng ban đêm. Giữa lúc ông đang cố tìm đường để đi ra thì ông gặp một bà cụ già. Bà bị mù từ lâu. Bà sinh sống gần khu rừng này. Sau khi nghe người đàn ông kể về truyện đi lạc của ông, thì bà cụ già nói với ông:

– Nếu ông không biết đường, tôi sẽ đưa ông đi vì tôi thuộc đường.

Ông ngạc nhiên đáp:

– Tôi lấy làm lạ, bà không thấy gì cả thì làm sao bà có thể dẫn đường cho tôi ?

Bà lão ngắt lời, nắm lấy tay ông và ra lệnh:

– Tiến bước!.

Và Ngài kết luận: Đó là đức tin. Ngài cắt nghĩa thêm: “Cuộc hành trình Đức tin là một cuộc hành trình đôi khi rất gian nan, nếu không nói là bi đát và bao giờ cũng mầu nhiệm”

Trong câu chuyện mà Tin Mừng kể cho chúng ta, ta thấy người đàn bà xứ Canaan quả thật là một người đàn bà liều lĩnh.

* Trước hết, bà không phải là người Do thái mà lại dám đến với những người Do thái. Chúng ta biết là người Do thái rất khinh bỉ những người ngoại giáo. Họ coi những người ngoại giáo như những con chó. Chính Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lúc đầu cũng muốn đứng trên cương vị của một người Do Thái để nói truyện với Bà. “Không nên lấy bánh của con cái mà cho con chó”(Mt 15,26)

* Tiếp theo là bà không phải chỉ gặp một mình Chúa Giêsu mà bên cạnh Chúa Giêsu còn cả một đoàn các tông đồ mà các tông đồ này thì bà dư biết là không có một chút cảm tình gì với bà.

* Thứ ba là bà dám đặt một hy vọng thật lớn vào Chúa Giêsu. Vấn đề bà xin với Chúa không phải là vấn đề nằm trong phạm vi của con người. Nó đã chuyển sang một lãnh vực khác: lãnh vực của ma quỉ. Qua cung cách bà đối thoại với Chúa ta thấy bà không có một chút nghi ngờ gì về quyền năng của Chúa và quả thực Chúa đã không để cho bà phải thất vọng.

B. Thêm vào đó theo câu chuyện, chúng ta cũng còn thấy được một khía cạnh khác của một niềm tin mạnh. Đó là một đức tin có kinh qua thử thách. Châm ngôn Việt nam của chúng ta có một câu rất hay: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”.

* Người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay quả thực đã bị thử thách thật nặng nề. Nếu bà đã không kiên trì trong thử thách và can đảm chấp nhận cả những điều xem ra có vẻ xúc phạm tới phẩm giá cá nhân cũng như danh dự của cả dân tộc mình thì chắc là đã không có phép lạ.

* Bình thường mà nói thì thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay thật là khó hiểu. Một Chúa Giêsu rất hiền lành và nhân từ mà lại quá lạnh nhạt với một người đàn bà đang ở trong một tình trạng thật đau thương như thế, xét theo cách cư xử thông thường của một con người thì quả là một việc thiếu tế nhị nếu không phải là một việc làm bất nhân.

* Ở đây chúng ta phải đặt vào địa vị của Chúa. Chúa muốn dùng biến cố này để dạy cho các tông đồ của Chúa một bài học để sau này khi Chúa về trời lúc các Ngài phải tiếp tục công việc Phúc âm hóa các dân tộc thì các Ngài cũng phải có một cái nhìn giống như Chúa đối với anh em lương dân. Bài học đó là: Cả những người mà người Do thái coi là lương dân và khinh thường họ như những loài “chó má” cũng được Chúa thi ân giáng phúc miễn là họ có lòng tin vào Chúa. Chính vì lý do đó mà Chúa đã thử thách người đàn bà này thật nặng để qua đó các ông thấy được Đức tin của Bà.

Lúc dầu khi mới đến với Chúa bà đã hết sức khiêm nhường. Phải nói là bà còn hết sức tế nhị nữa. Bằng chứng là bà đã phải học cách cư xử của người Do thái để khi đến gặp Chúa thì biết cách ăn nói với Chúa như một người Do thái. Vừa giáp mặt với Chúa, bà đã cúi đầu xin thưa: “Lạy Ngài là con Vua Đavit, xin thương xót tôi”(Mt 15,22)

Và rồi sau đó thì chúng ta thấy… bà càng tha thiết bao nhiêu thì xem ra Chúa lại càng lạnh nhạt hững hờ bấy nhiêu. Thậm chí Chúa đã sử dụng cả đến những từ ngữ dường như muốn chọc tức lòng tự ái của Bà. Thế nhưng xem ra Chúa càng như cố ý chọc giận bà bao nhiêu thì bà lại càng khiêm nhường hơn bấy nhiêu. Và chính ở điểm này mà bà đã “thắng” Chúa. Chúa đã khen bà có một đức tin mạnh.

C – Chúa khen bà cũng phải bởi chính chúng ta khi đọc lại câu chuyện này chúng ta cũng cảm thấy bà xứng đáng được khen như thế. Ngoài ra chúng ta còn cảm thấy phải vui với bà vì bà đã thành công trên con đường đi tìm sự giải phóng cho người con gái của bà. Chính đức tin của Bà đã cứu chữa người con đó. Chúa đã xác nhận thật rõ điều đó, để rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải làm một điều gì đó cho anh em của chúng ta.

Vâng! Chúng ta cũng có thể làm nên những phép lạ bằng đời sống Đức tin của chúng ta.

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Mẹ Têrêsa

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng cả trong tinh thần,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Điều các con làm cho

người bé mọn nhất trong anh em

là các con làm cho chính Ta”.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-20-thuong-nien-nam-a-48064

Nghe giảng Chúa nhật XX thường niên năm A (2011-2023)