Sống lời Chúa, Chúa Nhật tuần 5 thường niên năm B 04.02.2024

Chúa Nhật V Thường niên, năm B

BÀI ĐỌC I: G 7, 1-4. 6-7

“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.

Trích sách Gióp.

Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp: Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can (c. 3a).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. – Đáp.

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. – Đáp.

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1Cr 9, 16-19. 22-23

“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 1, 29-39

“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Đó là lời Chúa.

Chúa nhật 5 Thường niên năm B (Mc 1,29-39)

Nghe giảng Chúa Nhật V Thường niên năm B (2012-2024)

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-5-thuong-nien-nam-b-44983
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B

Mc 1, 29-39

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt,
Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.(Mc 1,25)

Bài Tin Mừng hôm nay vắn gọn nhưng chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều bài học thiết thực cho cuộc sống đức tin của chúng ta.

1. Trước hết là câu chuyện xảy ra tại nhà Ông Simon Phêrô.

Tin mừng ghi: Ra khỏi Hội đường Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa đâu cần phải làm thế. Chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng đủ chữa bệnh cho bà. Hơn nữa ở hoàn cảnh xã hội Do Thái lúc đó, một xã hội trọng nam khinh nữ, việc cầm tay phụ nữ có thể gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng Chúa đối với bà.

Sự kiện này cho chúng ta thấy điều gì ?

Chẳng cần phải dài lời, chúng ta cũng có thể thấy là Chúa đối xử một cách ưu ái quảng đại với gia đình ông Simon. Tại sao thế ? Thưa vì gia đình đã hy sinh dâng cho Chúa một người con là ông Simon, cột trụ của gia đình. Những ai hy sinh cho Chúa cũng đều được Chúa ưu ái như vậy. Việc Chúa đến tận nhà của Ông Simon hôm nay là một bằng chứng rất cụ thể cho chúng ta thấy điều đó.

Vâng! Xưa là như thế và sẽ mãi mãi là như vậy.

Người ta kể lại rằng, sau khi vẽ xong bản họa đồ kiến trúc cho ngôi thánh đường nổi tiếng tại Roma – Đại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Kiến trúc sư Bramante dắt đứa con nhỏ của ông cùng đi vào để yết kiến Đức Thánh Chúa và trình lên cho Ngài xem. Lúc đó là Đức Thánh Chúa Juilio II. Đức Thánh Cha xem xong Ngài rất vui. Bản họa đồ kiến trúc đã thể hiện được đúng ý muốn của Ngài. Để tưởng thưởng cho những công lao vất vả của Kiến trúc sư Bramante, Ngài tế nhị dẫn đứa con nhỏ của ông đến chỗ ngài để tiền rồi bảo cậu bé:

– Con bốc đi. Bốc đầy hai bàn tay của con. Phần thưởng cho con đó.

Cậu bé do dự mãi không bốc. Đức Thánh Chúa chờ mãi… Sau đó Ngài thò tay vào bốc và bảo cậu bé đưa vạt áo ra. Ngài bốc bỏ đầy vạt áo của cậu.

Lúc ra về ông bố hỏi cậu con

– Sao Đức Thánh Chúa bảo con đưa tay mà bốc mà con không bốc ?

– Ồ, bố không biết là tay con nhỏ còn tay Đức Thánh Cha lớn hơn sao ?

Chúa cũng đối xử với những ai biết hy sinh cho Chúa như thế.

2. Sau câu chuyện tại nhà mẹ vợ của ông Simon.

Tin Mừng ghi: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, Người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa” (Mc 1,32-34)

Còn cảnh nào cảm động hơn. Cả thành đến với Chúa. Cả thành xúm lại trước cửa để được gặp Chúa.

Họ không đến một mình. Họ còn mang đến với Chúa những con Người bất hạnh: ốm đau, bị quỉ ám vv.

Chúa đã làm gì ? – Ngài chữa lành các bệnh tật, xua trừ ma quỉ và trả lại cuộc sống bình thường cho tất cả mọi người cần đến Ngài. Chú giải về đoạn Tin Mừng này Charles Erdman đã nói: “Giữa những bóng đen và bí mật của cực khổ đớn đau Chúa vẫn đứng đó”

Vâng giữa những bóng đen và bí mật của cực khổ đớn đau Chúa vẫn đứng đó.

Các tông đồ bị bão tố giữa biển khơi – Chúa đứng đó ngay trên mặt nước.

Lêvi người thu thuế ngồi tại bàn thu thuế tưởng như cuộc đời của mình sẽ mãi mãi như vậy, bị khinh bỉ, bị mọi Người xa lánh. Chúa có mặt đứng ở đó ngay trước mắt ông.

Người mù nằm chờ bên bờ suối Siloe đã bao nhiêu năm mà không tìm thấy một hy vọng nào – Chúa đã đến và đứng ở đó cũng ngay trước mặt anh ta mặc dầu anh không thấy Ngài.

Vâng! Giữa những bóng đen và bí mật của cực khổ đớn đau Chúa vẫn đứng đó”

Tại một trung tâm chuyên trị về tim, một người đàn ông đang chuẩn bị lên bàn giải phẫu. Một ngày trước khi thực hiện cuộc giải phẫu, một nữ y tá đến bên cạnh ông, đưa tay ra về phía ông và nói:

“Ông hãy cầm lấy tay tôi”, rồi cô giải thích: “Ngày mai, trong suốt cuộc giải phẫu, trái tim của ông sẽ hoàn toàn bị cô lập khỏi ông. Ông tiếp tục sống là nhờ một số máy móc. Cuối cùng, trái tim của ông được bình phục, và cuộc giải phẫu chấm dứt. Có lẽ ông sẽ tỉnh lại trong một phòng hồi sức, nhưng trong 6 giờ đồng hồ liền, ông sẽ hoàn toàn bất động, ông sẽ không cử động được, không nói được mà có lẽ cũng không mở mắt nổi. Dù vậy ông sẽ tỉnh táo hoàn toàn để nghe được và biết được mọi sự đang xảy ra chung quanh mình. Trong 6 tiếng đồng hồ ấy, tôi sẽ thường xuyên ở bên cạnh ông. Tôi sẽ nắm tay ông như tôi đang làm đây. Tôi ở bên ông cho đến khi ông hoàn toàn bình phục. Cho dù ông cảm thấy hoàn toàn bất lực, nhưng ông vẫn cảm nhận được bàn tay của tôi, ông hãy tin rằng tôi sẽ không bao giờ bỏ ông”.

Mọi sự đã diễn ra như cô y tá tiên liệu. Người đàn ông đã tỉnh lại sau cuộc giải phẫu, nhưng ông không thể làm được gì. Dù vậy ông vẫn cảm nhận được bàn tay của cô y tá đang nắm chặt tay ông hằng giờ, và đó chính là sự khác biệt.

Chúa Giêsu Chúa của chúng ta còn hơn thế. Ngài đang nắm chặt cuộc đời của chúng ta cho dẫu nhiều khi chúng ta bất lực không nhận ra được sự hiện diện của Ngài. Hãy tin tưởng vào Ngài chúng ta sẽ được an vui.

3. Rồi sau đó Tin Mừng ghi tiếp:

“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”(Mc 1,35)

Chúa Charles de Foucauld đã có lần viết cho các môn sinh của Ngài như thế này: “Cầu nguyện là lẽ sống”

Chúa Giêsu cầu nguyện và Ngài coi việc cầu nguyện như một nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống.

Frédéric Ozanam, một nhà hoạt động Xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin rất trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi Thánh đường ở Paris. Đứng cuối nhà thờ nhìn lên anh thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở hàng ghế đầu. Tò mò đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không là ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc và theo dõi từng cử chỉ của nhà bác học. Rồi khi nhà bác học cầu nguyện xong, vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, anh cũng theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

– Anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không ?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

– Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con được hỏi một vấn đề có liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười một cách khiêm tốn:

– Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm!

Chúng sinh viên liền hỏi:

– Thưa giáo sư, có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại lại vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không ?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của Người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

– Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.

Vâng! Chỉ khi nào chúng ta biết cầu nguyện chúng ta mới trở thành vĩ đại, trở thành dũng mãnh….Vì chúng ta có Chúa phù trợ chúng ta. Amen.

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên B

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'Ý LỰC TIN MỪNG Chúa Nhật V Thường Niên "Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện". (Mc 1, 29-39) Năm B Chữa bệnh, trừ quỷ ma Chúa cho họ về nhà. Ngài tìm nơi vắng vẻ Thưa chuyện với Chúa Cha. Ngài làm gương cho ta Chốn ồn ào tránh xa. Thinh lặng ta gặp Chúa Ngài chữa lành cho ta. (Dương Long Cát Linh)'

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN. B

HÌNH MINH HỌA PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NĂM B.

(Mc. 1, 29-39)

CỨU ĐỘ

Gia đình tổ ấm yêu thương,

Có cha có mẹ, tựa nương tháng ngày.

Thầy trò thăm hỏi hôm nay,

Nhạc gia cảm sốt, xin Thầy chữa cho.

Si-mon cầu khấn lắng lo,

Mẹ già mắc bệnh, ai lo tiếp Thầy.

Cầm tay Chúa chữa ngay đây,

Bệnh tình biến mất, lòng đầy hân hoan.

Chiều về dân chúng lo toan,

Vội vàng kéo đến, một đoàn bệnh nhân.

Xin Thầy cứu chữa ban ân,

Xua trừ ma quỉ, xác thân khổ sầu.

Chúa thương ban phúc lời cầu,

Tinh sương rạng sáng, nơi đâu tìm Thầy,

Vào nơi thanh vắng nào đây,

Tin vui rao giảng, nơi này làng kia.

Chúa Giêsu đã ra công khai rao giảng Tin Mừng. Ngài chính thức vào nơi Hội Đường Do Thái để loan tin vui Cứu Độ. Nhiều người ngạc nhiên về sự hiểu biết và quyền năng của Chúa. Một số người đã tin và đi theo Chúa. Cũng nhiều kẻ còn hồ nghi, ghen tương và chối từ Ngài.

  Sau khi rời Hội Đường, Ngài và các môn đệ trở về nhà ông Simon. Ngạc nhiên là mẹ vợ của Simon bị bệnh sốt. Chúa đã ghé thăm và chữa bệnh cho bà. Chúng ta không thấy phúc âm nhắc đến vợ và con cái của ông Simon. Dĩ nhiên Simon vẫn quan tâm cho gia đình và có lẽ Chúa và các môn đệ ghé thường xuyên để ăn uống trong suốt thời gian rao giảng.

 Chúa gọi Simon, ông bỏ mọi sự và đi theo Chúa. Bỏ lại gia đình, chài lưới và công ăn việc làm hàng ngày. Đây là một sự đáp trả tiếng Chúa thật cao qúy. Simon âm thầm đi theo Chúa, một người Thầy không có nơi gối đầu.

 Theo Thầy lang thang phố này qua phố khác. Chúa tìm đến với những người cùng khổ và nghèo nàn. Từng bước Chúa đã tỏ uy quyền trong chương trình cứu độ. Chúa rao giảng tin mừng, chữa tất cả các loại bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ ma qủy. Chúa bắt đầu đối đầu với tất cả các tệ nạn của xã hội. Chúa muốn họ thay đổi tư duy và thay đổi cách sống. Mời gọi sống với trái tim chân tình và yêu thương.

 Một giáo lý mới lấy tâm làm nền. Mọi sự quy về đức yêu thương. Chúa đã chạnh lòng thương vì dân chúng bơ vơ không có người chăn dắt. Ngài đến để quy tụ họ về một mối. Ngài chính là Chúa Chiên Lành. Chúa Chiên dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Thao thức của Ngài là đến với từng con chiên lạc, ôm ấp, dắt dìu và vỗ về trong vòng tay yêu thương.

 Chúng ta hãy trao phó cuộc sống của chúng ta trong vòng tay lân ái của Chúa. Chúa sẽ chữa lành mọi vết thương lòng và khổ đau thân xác. Tình thương của Chúa thật hải hà. Có khi nào chúng ta chạy đến với Chúa khẩn cầu mà Chúa chẳng nhậm lời. Chúa đang giang tay trên thập giá chờ đón chúng ta kìa.

THỨ HAI, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

(Stk 1,1-19; Mc 6, 56-36).

CHỮA LÀNH

Bộ hành dong duổi đường trường,

Thôn quê thành thị, tha hương xứ người.

Thầy trò tiến bước không rời,

Ra đi rao giảng, gọi mời canh tân.

Uy quyền phép lạ cứu dân,

Mở lòng thương xót, Chúa cần lòng tin.

Mọi người đau yếu cầu xin,

Chúa thương cứu khỏi, hàng nghìn bệnh nhân.

Mong sờ gấu áo ngay chân,

Ai mà chạm tới, xác thân khỏi liền.

Quyền năng tỏa khắp mọi miền,

Thần dân phấn khởi, như tiên giáng trần,

Ơn trời tuôn đổ vô ngần,

Giê-su Chúa Cả, xuống trần viếng thăm.

Con dân lần bước tối tăm,

Hào quang ánh sáng, ngàn năm mong chờ.

THỨ BA, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

(Stk 1,20-2, 4a; Mc 7, 1-13).

TẨY RỬA

Rửa tay sạch sẽ vào ăn,

Môn đồ theo Chúa, can ngăn thi hành.

Giữ lòng tinh sạch thanh danh,

Hơn là hình thức, thực hành qua loa.

Có nhiều tập tục ông cha,

Truyền nhau tuân giữ, chỉ là thói quen.

Rửa bình, rửa chén, rửa đèn,

Bên ngoài bóng nhoáng, lời khen ở đời.

Lắng nghe Chúa dậy đôi lời,

Giữ tâm trong sạch, rạng ngời tấm thân.

Kính cha thảo mẹ ân cần,

Lập thân báo hiếu, đỡ đần mẹ cha.

Yêu thương nâng đỡ tuổi già,

Yêu cha mến mẹ, thật là con ngoan.

Điều răn Chúa dậy chu toàn,

Tâm hồn thanh thoát, hân hoan sống đời.

THỨ TƯ, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

(Stk 2, 4-9a. 15-17; Mc 7, 14-23).

TÂM

Mọi sự xuất hiện trung dung,

Gương mù gương xấu, ở cùng cái tâm.

Mỗi người tu luyện âm thầm,

Thế gian muôn mặt, dễ nhầm lắm thay.

Sự gì ô uế đắng cay,

Từ tâm xuất phát, mới hay lòng người.

Xấu xa giận dữ tội đời,

Tham lam xảo trá, xạo lời xuất ra.

Giết người trộm cắp sa đà,

Ngông cuồng ganh tị, cách xa tâm tình.

Kiêu căng độc ác hại mình,

Lăng hoàn dâm dật, cực hình tấm thân.

Xấu xa tư tưởng tham sân,

Luyện tâm thanh lọc, tinh vân rạng ngời.

Tâm tư tự phát mọi lời,

Chân thành nhỏ nhẹ, tuyệt vời biết bao.

THỨ NĂM, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

(Stk 2, 18-25; Mc 7, 24-30).

THẦN DỮ

Tiến vào địa hạt ngoại dân,

Ty-rô đất lạ, ẩn thân cứu đời.

Rao truyền chân lý ngàn đời,

Một bà nghe biết, xin Người cứu nguy.

Thành tâm cầu khẩn gối quỳ,

Con tôi quỷ ám, thân suy xác tàn.

Lạy Thầy cứu chữa xin van,

Trừ thần ô uế, ơn ban xác hồn.

Đôi lời thử thách ôn tồn,

Của ngon nuôi dưỡng, con khôn trong nhà.

Không nên lấy bánh ngọc ngà,

Vất cho con chó, nơi xa nó dùng.

Bà thưa đúng thế lạ lùng,

Chó con được hưởng, của chung dư thừa.

Chúa ban phúc lộc như mưa,

Quỉ ma xuất khỏi, con thưa tạ Ngài.

THỨ SÁU, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

(Stk 3, 1-8; Mc 7, 31-37).

MỞ RA

Chúa vào thập tỉnh bên kia,

Si-đon thành nhỏ, phân chia các vùng.

Môn đồ theo Chúa đi cùng,

Có người câm điếc, ngại ngùng tiến ra.

Xin Thầy cứu chữa anh ta,

Đám đông tách khỏi, ra xa chữa lành.

Chạm tai ngước mắt cầu sanh,

Tay bôi nước miếng, lưỡi anh sõi sàng.

Tin vui loan báo xóm làng,

Quyền năng cứu chữa, dễ dàng loan đi.

Chúa rằng đừng nói làm chi,

Thi hành sứ mệnh, tiên tri vào đời.

Lạ lùng phép tắc cao vời,

Mù câm què điếc, phán lời chữa ngay.

Âm thầm rao giảng chỗ này,

Ngày mai nơi khác, tỏ bày ý Cha.

THỨ BẢY, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

(Stk 3, 9-24; Mc 8, 1-10).

HÓA BÁNH

Sương rơi chiều tối đồng hoang,

Lắng nghe Lời Chúa, rạng quang tâm hồn.

Chúa thường kể chuyện dụ ngôn,

Kéo lôi cuốn hút, lời khôn giãi bầy.

Miệt mài khao khát đong đầy,

Ba ngày mệt mỏi, nơi nầy vắng tanh.

Ra về mệt lả sao đành,

Giữa nơi hoang địa, thực hành phép tiên.

Bánh mì bảy chiếc có liền,

Mấy con cá nhỏ, cả thiên người chầu.

Bốn ngàn nhân khẩu thấm đâu.

Làm sao phát đủ, mỗi đầu phần ăn.

Chúa làm phép lạ hóa nhanh,

Mọi người vui hưởng, bánh ăn còn thừa.

Của dư thiên hạ vất bừa,

Thu vào bảy thúng, ơn mưa dạt dào.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17601

Thánh ca Phụng vụ lễ Chúa nhật V Thường niên B

Đáp ca Tv 146:

Hiệp lễ 1 – Một mình với Chúa

Hiệp lễ 2 – Tỏa lan hương thơm Chúa: