SƯU TẦM: Kinh Sáng Danh Lời kinh ngắn nhất nhưng mạnh mẽ nhất

kinhsangdanh
 Paroisse du Saint-Esprit, Paris

Chúng ta hãy hân hoan thốt lên kinh nghiệm của mình về sự tốt lành của Thiên Chúa, một sự tốt lành được chia sẻ cách quảng đại cho chúng ta.

Một trong những kinh nguyện ngắn nhất nhưng mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể cầu nguyện là “Kinh Sáng Danh:

Sáng Danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

Chúng ta đang làm gì khi đọc lời kinh này? Sách Giáo Lý cho chúng ta biết rằng vinh quang của Thiên Chúa hệ tại ở việc nhận biết về sự biểu lộ và thông truyền sự tốt lành của Thiên Chúa (x. GLHTCG 294). Khi chúng ta đọc kinh Sáng Danh, chúng ta đang hân hoan thốt lên kinh nghiệm của chúng ta về sự tốt lành của Thiên Chúa, một sự tốt lành vốn được chia sẻ cách quảng đại cho chúng ta. Đức Hồng y Raneiro Cantalamessa chỉ ra rằng vinh quang của Thiên Chúa không gì khác hơn là vinh quang của việc yêu thương con người một cách nhưng không. Đồng thời, ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng “tội lỗi về cơ bản là sự chối bỏ việc ca tụng vinh quang Thiên Chúa. Khi từ chối tôn vinh Thiên Chúa, con người bị tước đi mất vinh quang của Thiên Chúa.” Vì vậy, chúng ta cần phải đọc kinh Sáng Danh một cách nhiệt thành và thường xuyên.

Khi cầu nguyện cho Sáng Danh Đức Chúa Cha, chúng ta đang tôn vinh Thiên Chúa vì đã thật sự yêu thương chúng ta. Chúng ta tôn vinh Chúa Cha khi thừa nhận rằng Chúa Cha biết điều gì là yếu kém nhất về phía chúng ta, nhưng Người dùng sự hiểu biết đó để càng yêu thương chúng ta nhiều hơn, bởi vì chúng ta cần Người yêu thương chúng ta nhiều hơn trong tư cách là con cái của Người. Tôn vinh Chúa Cha là ca ngợi việc Chúa Cha từ chối trở thành nỗi bất hạnh đối với những đổ vỡ của chúng ta. Tôn vinh Chúa Cha là tuyên bố rằng chúng ta được yêu thương chỉ vì chúng ta thuộc về Người. Cha Francis Martin đã viết rằng “vinh quang là tình yêu vốn được thể hiện khi Chúa Giêsu hiến mình hoàn toàn để vâng theo thánh ý Chúa Cha”. Cầu nguyện cho Sáng Danh Đức Chúa Cha là xin được ban cho ơn biết trao ban chính mình, giống như Chúa Giêsu, cho Chúa Cha trong sự vâng phục hoàn toàn thánh ý của Người.

Qua lời cầu nguyện cho Sáng Danh Đức Chúa Con, chúng ta có ý, như phụng vụ Byzantine hát, rằng: “Vinh quang thay sự hiện diện quan phòng luôn luôn của Ngài trong cuộc đời chúng con, Ôi Chúa Kitô, Vua của chúng con: nhờ đó, Ngài đã mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người.” Đức Giám mục Massimo Camisasca còn lưu ý rằng “chúng ta tôn vinh Thiên Chúa bằng cách để cho mình được lôi cuốn vào hành động yêu thương đã được thực hiện trên thập giá”. Như Thánh Ambrôsiô đã từng tuyên bố: “Tôi sẽ không tự hào vì tôi đã được cứu chuộc. Tôi sẽ không hãnh diện vì tôi được sạch tội, nhưng vì tôi đã được tha tội. Tôi sẽ không khoe mẽ vì tôi có ích hay vì ai đó có ích cho tôi, nhưng vì Đức Kitô là Đấng biện hộ cho tôi trước mặt Chúa Cha, vì máu của Đức Kitô đã đổ ra vì tôi.” Chúng ta tôn vinh tình bạn của Con Thiên Chúa đối với chúng ta! Chúng ta tôn vinh sự hiện diện thực sự không bao giờ thiếu vắng của Chúa Con!

Và lời cầu nguyện cho Sáng Danh Đức Chúa Thánh Thần, chúng ta đang cầu xin Ngôi Thứ Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự vào lòng chúng ta và chiếm hữu chính con người chúng ta. Vì nhận thức được rằng chúng ta không thể được ý hướng thiêng liêng ra sao – thay vào đó, chúng ta thường sống theo tính xác thịt, thế gian, dễ dãi, vật chất chỉ quan tâm đến bản thân thay vì hướng đến người khác. Điều làm vinh danh Thiên Chúachạy đến với Người khi nhận ra sự bất lực, bất xứng, yếu đuối, tình trạng tội lỗi hiện có của chúng ta. Khi dâng mình cho Thiên Chúa trong những khoảnh khắc đó, chúng ta tôn vinh Người nhiều nhất vì đó là khi chúng ta phụ thuộc vào Người trong mọi sự mà không có chút ảo tưởng nào về “sự tốt lành” của chính mình. Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa qua việc chúng ta nhận thức được sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa trong mọi sự. Chúng ta cầu xin sự biến đổi liên tục.

Cùng với tu sĩ John xứ Dalyatha (“the Elder”) ở thế kỷ thứ VIII, chúng ta hãy cầu nguyện rằng: “Nguyện cho sự ngạc nhiên trước vinh quang của Ngài không ngừng quyến rũ con.”

https://giaophanvinhlong.net/kinh-sang-danh-loi-kinh-ngan-nhat-nhung-manh-me-nhat.html

Tác giả: Lm. Peter John Cameron, OP – Nguồn: Aleteia (04/6/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Nghỉ hè bên dòng sông ơn Thánh