Thánh Lễ trực tuyến Chúa Nhật 4 Phục Sinh dành cho bệnh nhân và những người già yếu không thể đến nhà thờ, Bài giảng, Chú giải Lời Chúa

Theo chu trình ba năm Phụng Vụ, Chúa nhật IV Phục Sinh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Chúa nhật cầu cho Ơn Thiên Triệu.

Cv 2: 14, 36-41
Chúng ta tiếp tục đọc bài diễn từ thánh Phê-rô công bố cho đám đông đến Giê-ru-sa-lem mừng lễ Ngũ Tuần. Thánh nhân khuyên họ hoán cải và lãnh nhận phép Thánh Tẩy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Đó không phải là con đường đi vào ràn chiên của Đức Giê-su Ki-tô sao?
1Pr 2:20-25
Chúng ta tiếp tục đọc phần kết thư thánh Phê-rô: thánh nhân an ủi các tín hữu đang phải chịu đau khổ và cho họ biết rằng Đức Ki-tô là vị Mục Tử của họ.
Ga 10: 1-10
Dụ ngôn Đấng Chăn Chiên nhân lành được trích từ Tin Mừng Gio-an và được chia thành ba phần theo chu trình ba năm Phụng Vụ. Đoạn Tin Mừng được trích dẫn hôm nay là phần đầu của dụ ngôn về Người Mục Tử nhân lành.

CN 4 PS A 4

BÀI ĐỌC I ( Cv 2: 14a, 36-41)
Bản văn này là phần kết diễn từ mà thánh Phê-rô công bố ở Giê-ru-sa-lem, vào đúng ngày lễ Ngũ Tuần, và gởi cho đám đông dân chúng đến mừng lễ.
Thánh nhân vừa mới công bố ý nghĩa cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su và ân ban dồi dào của Chúa Thánh Thần, Đấng nội tâm hóa sứ điệp của Đức Ki-tô và thúc đẩy các tín hữu dấn bước theo Ngài.
1. Đức Giê-su là Đức Chúa và là Đấng Ki-tô:
Trong phần kết này, khởi đi từ nhân tính của Đức Giê-su, thánh nhân công bố tước vị Đức Chúa và Đấng Ki-tô của Đức Giê-su: “Thưa toàn thể nhà Ít-ra-en, xin biết chắc cho điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”
Tước hiệu Đức Chúa (“kupios”) là tước hiệu mà bản Bảy Mươi dịch danh xưng của chính Thiên Chúa. Thánh Phê-rô ban cho Đức Giê-su tước hiệu này, như vậy thánh nhân không ngần ngại định vị Đức Giê-su vào trong lãnh vực thần tính. Vả lại, sách Công Vụ ban tước hiệu Đức Chúa lúc thì cho Thiên Chúa (Đức Chúa Cha), lúc thì cho Đức Ki-tô, để nhấn mạnh tính duy nhất của Cha và Con.
Lời công bố này đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn những người đang hiện diện khiến họ đi đến một quyết định cụ thể: “Thưa quý ông, vậy chúng tôi phải làm gì?”. Thế nên, thánh Phê-rô trả lời với một đòi hỏi kép: hoán cải tận căn: “Anh em hãy đoạn tuyệt với thế hệ gian tà này” và lãnh nhận phép Thánh Tẩy “nhân danh Đức Giê-su Ki-tô”. Đây là phương thức đầu tiên để trở thành người Ki-tô hữu.
2. Hoán cải và lãnh nhận phép Thánh Tẩy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô:
Như thường trong Kinh Thánh, tên gọi của một người chính là con người mang tên ấy. Ai lãnh nhận phép Thánh Tẩy “nhân danh Đức Giê-su Ki-tô”, tức là tuyên xưng Đức Tin của mình vào Chúa Giê-su Ki-tô, người ấy được sáp nhập với con người của Đấng Phục Sinh, thuộc vào Đức Ki-tô, trở nên một với Ngài. Thánh Phê-rô nghĩ đến ý nghĩa phép Thánh Tẩy chứ không còn đến chính nghi thức. Chúng ta ghi nhận rằng thánh Lu-ca không bao giờ dùng danh từ “phép rửa” để chỉ phép Thánh Tẩy Ki-tô giáo, bởi vì từ này luôn luôn quy chiếu đến phép rửa của Gio-an Tẩy Giả. Thánh Lu-ca dành riêng cho phép Thánh Tẩy Ki-tô giáo động từ “rửa”, thường nhất ở thể thụ động.
Có lẽ công thức Ba Ngôi “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” đã chưa được sử dụng khái quát ngay. Công thức Ba Ngôi được thánh Mát-thêu trích dẫn (x. Mt 28:19), rõ ràng được thánh Phao-lô nêu lên ở 1Cr 6: 11: “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta”. Cuối thế kỷ thứ nhất, sách Didaché hay “Giáo Huấn của nhóm Mười Hai” (sưu tập giáo lý và phụng vụ) chỉ biết công thức Ba Ngôi. Tuy nhiên, ở đây thánh Phê-rô kể ra liền ngay ân sủng Thánh Thần như thực hiện lời Thiên Chúa hứa. Thế nên, Ba Ngôi hiện diện rồi.
3. Ơn cứu độ phổ quát:
Ngoài đám đông Ít-ra-en, thánh Phê-rô còn ngỏ lời với lương dân.
Với dân Do Thái, thánh nhân ngỏ lời trước tiên: “Vì đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em” (nghĩa là ân sủng Thánh Thần như lời hứa ban cho dân Ngài vào thời Mê-si-a), nhưng ngay liền sau đó, thánh nhân ngỏ lời với lương dân: “và tất cả những người ở chốn xa xăm”. Quả thật, cách nói này thường được dùng để chỉ lương dân đối lập với dân Chúa chọn, dân ở “gần” Thiên Chúa. Is 57:19: “Bình an cho những ai ở xa (lương dân) như cho những ai ở gần (dân Chúa chọn)”. Đang khi xuất thần ở trong Đền Thờ, thánh Phao-lô nghe tiếng Chúa bảo ông: “Hãy đi, vì Thầy đã sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa (Cv 22: 21).
Thánh Lu-ca kết thúc bài bài trình thuật này khi nhấn mạnh rằng Ki-tô giáo lớn mạnh nhanh chóng như thánh ký thường làm: “Và hôm ấy đã có thêm được ba ngàn người theo đạo”.

BÀI ĐỌC II (1Pr 2:20-25)
Phụng vụ hôm nay chọn đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô, vì câu cuối của đoạn trích này vang dội Tin Mừng hôm nay về Người Mục Tử nhân lành: “Vì trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về cùng Vị Mục Tử chăm sóc linh hồn anh em”.
1. Ý hướng:
Trong đoạn trích này, thánh Phê-rô đưa ra những lời khuyên cho những người Ki-tô hữu thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Những lời khuyên này cốt yếu được gởi đến cho “những tôi tớ”, “những gia nhân”. Bản văn phụng vụ dịch khá khái quát: “anh em”, vì những lời khuyên bảo này có giá trị đối với tất cả nhưng ai đang chịu đau khổ.
Việc thánh Phê-rô chú ý đến những người bé mọn này chứng thực Ki-tô giáo được đón nhận rộng rãi ở giữa những thành phần xã hội bị ngược đãi nhất. Cũng như thánh Phao-lô trong thư gởi cho Giáo Đoàn Ê-phê-sô, thánh Phê-rô không nhằm đặt lại tận căn những cơ cấu xã hội vào thời đại của ngài: thánh nhân chỉ nhắm đến việc biến đổi bên trong. Sống những giá trị Ki-tô giáo trong điều kiện mà người ta đang sống đó là cách thức biến đổi những mối tương quan giữa con người. Một cách khái quát, thư nhắm đến ý nghĩa này: cách ăn nếp ở của những người Ki-tô hữu phải khiến cho lương dân suy nghĩ, soi sáng họ, khiến họ thay đổi cách hành xử của mình. Lúc đó, sức mạnh giải phóng của Đức Ki-tô thay đổi cơ cấu xã hội và biến toàn thể nhân loại thành một cộng đoàn huynh đệ và bình đẳng.
2. Người Công Chính phải chịu đau khổ:
Để an ủi những người bé mọn này phải chịu nhiều đau khổ bất công, thánh Phê-rô nhắc nhở họ, hãy theo gương Đức Giê-su, hãy lấy Ân báo Oán. Thánh nhân không ngần ngại nói về ơn gọi của người Ki-tô hữu đó là chấp nhận đau khổ: “Anh em được Chúa gọi để sống như thế”, ám chỉ đến lời mời gọi của Đức Giê-su: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy vác lấy thập giá mình…”.
Đức Ki-tô đã không giải quyết những đau khổ, nhưng Ngài đã đảm nhận, đón nhận chúng vào nơi chính bản thân mình và biến đổi chúng bằng cách cho chúng một ý nghĩa. Để giải thích cuộc tử nạn mà Đức Giê-su phải chịu dựa trên lời sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị về Người Tôi Trung Đau Khổ, thánh Phê-rô trích dẫn khá tự do bài ca thứ ba (Is 50:5-8) và bài ca thứ tư (Is 53:4-7), và áp dụng vào Đức Ki-tô, Đấng “mang trong thân xác mình tội lỗi của chúng ta mà đưa lên thập giá…”.
Vì thế, câu cuối của đoạn văn này minh họa một chủ đề quan trọng của bức thư: thành quả tinh thần của sự đau khổ mà người công chính phải chịu và mối phúc của những người bị bách hại. Những người Ki-tô hữu đang phải sống những gian nan thử thách, họ chắc chắn thuộc vào đàn chiên của Vị Mục Tử chân thật, Ngài đang “chăn dắt họ”.

TIN MỪNG (Ga 10: 1-10)
Trong cả ba chu trình Năm Phụng Vụ, Chúa nhật IV Phục Sinh là Chúa nhật “Chúa Chiên Lành.” Dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành” được chia thành ba phần theo chu trình ba năm Phụng Vụ: năm A: Ga 10: 1-10; năm B: Ga 10: 11-18, và năm C: Ga 10: 27-30.
1. Hình ảnh người mục tử:
Hình ảnh người mục tử chạy xuyên suốt Kinh Thánh, từ Cựu đến Tân Ước, từ A-ben làm nghề chăn chiên, đến những người chăn chiên làng Bết-lê-hem. Tự nguồn gốc, dân Ít-ra-en vốn dân du mục, và vào thời Đức Giê-su, một thành phần vẫn còn sống nghề chăn chiên, vì thế họ đã chủ ý phóng chiếu trên Thiên Chúa của mình những nét đặc trưng của vị mục tử lý tưởng: “Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên, đưa họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ…” (Tv 78: 52-53), hay: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40:11).
Tuy nhiên, tước hiệu mục tử không được gán cho Đức Chúa một cách dứt khoát. Người ta gặp thấy điều này chỉ trên môi miệng của tổ phụ Gia-cóp vào lúc ông qua đời (x. St 48: 15; 49: 24), ở Tv 23: “Đức Chúa là Đấng chăn dắt tôi” và Tv 80: “Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, xin hãy lắng tai nghe!”. Thái độ dè dặt này chắc hẳn được giải thích rằng ở miền Cận Đông xưa, tước hiệu này thường được ban cho vua chúa và các thần linh ngoại giáo; nhưng cũng, và có lẽ hơn, vì tước hiệu này xem ra được dành riêng cho “Đấng phải đến”.
Kể từ ngôn sứ Mi-kha (Mk 5:1-3: thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên), tiếp đó khởi đi từ ngôn sứ Giê-rê-mi-a và nhất là ngôn sứ Ê-dê-ki-en (cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên), Đấng Mê-si-a tương lai được phác họa theo những nét đặc trưng của vị mục tử mà Đức Chúa sẽ ban cho dân Ngài. Viễn cảnh mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả thật táo bạo. Vị ngôn sứ tố cáo các vị lãnh đạo thế quyền cũng như tôn giáo đã dẫn dân Ngài vào những tai ương hoạn nạn (lưu đày, Đền Thánh bị phá hủy). Trào lưu Mê-si-a vương đế chấm dứt ! Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít không còn gì khác ngoài việc dẫn dắt dân Ngài, với tư cách là một vị mục tử chứ không là vua. Đấng ấy sẽ là vị mục tử nhân lành, Ngài sẽ ân cần trìu mến chăm sóc đàn chiên của mình (x. Ed 34: 14-16).
Dụ ngôn của Đức Giê-su được đặt vào truyền thống của dụ ngôn Ê-dê-ki-en, vì thế, khi tuyên bố mình là Mục Tử Nhân Lành, Đức Giê-su đòi hỏi cho mình tước hiệu Mê-si-a.
2. Người mục tử đích thật:
Bài diễn từ của Đức Giê-su về người mục tử đích thật trong Tin Mừng Gio-an tiếp liền ngay sau câu chuyện người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt. Những diễn ngữ: “Thật, tôi bảo thật các ông” loan báo sự kết hợp hai câu chuyện này và chỉ cho thấy sự liên tục của tư tưởng và tuyến phát triển của lập luận. Mối liên kết này soi sáng lời của Đức Giê-su và nhất là khía cạnh bút chiến của Ngài. Qua dụ ngôn, Đức Giê-su đối lập thái độ của Ngài với thái độ của nhóm Pha-ri-sêu: họ đã loại bỏ một cách tàn nhẫn anh mù được sáng mắt, như thế họ đã hành xử như mục tử gian ác. Trái lại, Đức Giê-su không chỉ tiếp đón anh, nhưng sau khi đã cho con mắt xác thịt của anh được thấy, Ngài còn dẫn dắt anh đến niềm tin, đã khai lòng mở trí cho anh đón nhận ánh sáng, vì Ngài là mục tử đích thật.
Tuy nhiên, khía cạnh bút chiến không là yếu tố chủ yếu. Qua những hình ảnh biểu tượng, Đức Giê-su muốn mặc khải cho chúng ta khía cạnh mầu nhiệm của con người Ngài, để lộ cho chúng ta thoáng thấy những mối thâm giao mới giữa Thiên Chúa và con người mà Ngài đến thiết lập, và giúp chúng ta nắm bắt một cách sâu xa tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa.
3. Ràn chiên:
Dụ ngôn chứa đựng hai hình ảnh: “ràn chiên”“cửa chuồng chiên”. Ràn chiên ở ngoài trời, được rào dậu chung quanh, là nơi đàn chiên qua đêm. Chúng thuộc nhiều đàn khác nhau được người giữ cửa canh giữ. Đức Giê-su luôn luôn chọn những ví dụ trong cuộc sống cụ thể. Người chăn chiên đến tìm đàn chiên của mình, anh chỉ cần lên tiếng gọi: chiên nào thuộc người chăn chiên thì nhận ra tiếng của anh và chạy đến với anh; chúng không theo người lạ. Không phải Đức Giê-su đã công bố: “Ai lắng nghe lời tôi và tuân giữ lời tôi sẽ có sự sống trong người ấy” sao?. Nhưng còn hơn thế nữa, Ngài còn khẳng định mối liên hệ đầy tin tưởng và chan chứa tình yêu giữa người chăn chiên và đàn chiên: “Anh gọi tên từng con một”. Đối Thiên Chúa, không có đám đông vô danh; Ngài nhận biết và yêu mến từng người một. Đáp lại, đàn chiên gắn bó với người chăn chiên của mình: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng quen hơi bén tiếng của anh”.
Đức Giê-su nhấn mạnh những mối liên hệ hiểu biết hỗ tương giữa người chăn chiên và đàn chiên. Trong Tin Mừng Gio-an, sự hiểu biết luôn luôn hàm chứa tình yêu và tương giao, phù hợp với nét đặc thù của ngôn từ Do Thái. Một sự hiểu biết như vậy khai mở niềm tin. Những người Pha-ri-sêu lòng chai dạ đá đã tỏ ra cứng rắn đối với người mù bất hạnh, vì việc anh ta được sáng mắt quấy rầy họ, những người như thế không thể nào đạt đến niềm tin. “Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu Người có ý nói gì”.
Đức tin là một phương thức tiến hành theo đó tình yêu cũng như sự hiểu biết nhập cuộc. Khi Đức Giê-su thiết lập thánh Phê-rô làm vị mục tử đàn chiên của Ngài, Ngài chỉ hỏi ông ba lần một câu hỏi duy nhất: “Phê-rô, con có yêu mến Thầy không?”
4. Cửa:
“Cửa” là đề tài thường hằng Kinh Thánh để chỉ lối vào những thực tại Thiên Quốc: “Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa. Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua” (Tv 118: 19-20).
Đức Giê-su sử dụng nhiều lần ẩn dụ này khi Ngài sánh ví Thiên Quốc với phòng tiệc cưới. Cửa phòng tiệc đóng lại không cho những trinh nữ khờ dại hay người khách mời không mặc áo cưới vào dự tiệc. Hay khi Ngài nhấn mạnh hiệu quả của lời cầu nguyện: “Hãy gõ, cửa sẽ mở cho” hoặc khi Ngài trao cho thánh Phê-rô chìa khóa Nước Trời.
Đức Giê-su không nói: “Tôi là cửa chuồng chiên”, nhưng “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Đây là một nét biệt phân quan trọng: Đức Giê-su không là cửa của một nơi chốn, nhưng Ngài là lối đi cho chiên ra vào, như vậy, Ngài khẳng định mình là Đấng trung gian duy nhất. Qua Thập Giá và Phục Sinh, Ngài ban “sự sống dồi dào”.
“Ai qua tôi mà vào, thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ được ra vào và tìm được lương thực nuôi mình”. Như vậy, Đức Giê-su là cửa duy nhất, qua đó chiên có thể vào nơi trú ẩn vững chắc mỗi khi chiều xuống, để rồi khi bình minh đến, qua đó mà chiên đến đồng cỏ xanh tươi. Hai ẩn dụ: ràn chiên và cửa, trình bày một khía cạnh Giáo Hội thật rõ ràng: người Ki-tô hữu là đàn chiên của Đức Ki-tô; chỉ duy ở nơi Ngài, họ gặp thấy ơn cứu độ và sự sống siêu nhiên phong phú.
“Tôi là cửa”. Khi nào Đức Giê-su nói “Tôi là…”, Ngài cho lời khẳng định một giá trị tuyệt đối, như “Tôi là ánh sáng thế gian; Tôi là đường, sự thật và là sự sống, Tôi là vườn nho thật, nghĩa là, chỉ duy một mình Ngài, chứ không một ai khác, là ánh sáng thế gian, là đường, là sự thật và là sự sống… Những khẳng định “Tôi là” này luôn luôn giới thiệu một mặc khải liên quan đến con người của Ngài, theo cách thức Đức Chúa tỏ mình ra cho ông Mô-sê, như “Nếu các ông không tin tôi là, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8 : 24); hay “Khi nào Con Người được giương cao lên, bấy giờ các ngươi sẽ biết tôi là(Ga 8 : 28); hoặc “Quả thật, quả thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có Áp-ra-ham, thì tôi là (Ga 8 : 58).
Cuối cùng, khi phác họa chân dung người mục tử lý tưởng, Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai tiếp tục sự nghiệp dẫn dắt dân Ngài hãy bước theo mẫu gương này. Vì thế, Chúa nhật IV Phục Sinh này cũng là “Chúa nhật cầu cho Ơn Thiên Triệu”.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông

https://gphaiphong.org/hoc-hoi-loi-chua/chu-giai-loi-chua-chua-nhat-iv-phuc-sinh-nam-a-10991.html

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Phục sinh năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoc-hoi-phuc-am-chua-nhat-4-phuc-sinh-nam-a-60215
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Phục sinh năm A

Ga 10,1-10

  1. Đọc Ga 10,1-2. Làm sao phân biệt kẻ trộm với người mục tử ?
  2. Đọc Ga 10,3-5. Làm sao phân biệt người lạ với người mục tử ?
  3. Đọc Ga 10,3-5.8. Bạn nghĩ đàn chiên có khôn không ? Tương quan giữa chiên và mục tử thế nào ?
  4. Đọc Ga 10,1-5. Bạn thấy đoạn văn này có phải là một dụ ngôn không ? Đức Giêsu kể ẩn dụ này với mục đích gì ?
  5. Đọc Ga 10,7-10. Trong đoạn văn này, Đức Giêsu nói câu nào hai lần ? Câu này có quan trọng không ?
  6. Đọc Ga 10,8.10a. “Mọi kẻ đến trước tôi” là ai ? Họ làm gì cho đàn chiên ?
  7. So sánh Ga 10,9 và Ga 14,6. Có gì giống nhau không ?
  8. Đọc Ga 10,9. Đức Giêsu nhận mình là Cửa của chuồng chiên. Đàn chiên vàora qua cửa chuồng chiên thì được gì ?
  9. Đọc Ga 10,10b. Mục đích của cuộc đời Đức Giêsu là gì ? Bạn hãy tìm trong Tin Mừng Gioan một đoạn văn cho thấy Đức Giêsu là Đấng ban sự sống thân xác, và một đoạn văn cho thấy Đức Giêsu là Đấng ban sự sống vĩnh cửu.

 GỢI Ý SUY NIỆM: Chúa nhật 4 Phục sinh là Chúa Nhật để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Bạn mong ước gì cho tương quan giữa mục tử và con chiên ? Làm sao để mục tử nhớ tên và gọi tên chiên ? Làm sao để chiên nhận ra tiếng mục tử ?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. NgườI mục tử đường đường chính chính đi vào ràn (= chuồng) chiên bằng cửa của ràn này (Ga 10,2). Còn kẻ trộm không dám đi qua cửa mà vào vì sợ người giữ cửa (x. Ga 10,3). Kẻ ăn trộm hay ăn cướp chiên phải tìm lối khác mà vào. Nó phải trèo qua hàng rào bao quanh chuồng để vào (Ga 10,1). Thái độ của kẻ trộm, kẻ cướp rất dễ nhận ra. Đó là thái độ lén lút, sợ bị bắt quả tang, vì họ đang làm điều bất chính. Như thế chính cách vào chuồng chiên cho thấy đó là người mục tử chân chính hay là kẻ trộm cướp. Cửa chuồng chiên là một phương thế giúp phân biệt người ngay, kẻ gian.
  2. Người mục tử cũng khác với người lạ. Người giữ cửa hẳn không mở cửa chuồng chiên cho người lạ vào, nhưng lại mở cửa cho người mục tử (Ga 10,3). Người mục tử và người lạ có tương quan rất khác nhau với đàn chiên. Người mục tử đi qua cửa mà vào trong ràn, gọi tên từng con chiên của mình, rồi dẫn chúng ra. Sau đó anh đi trước chiên và chiên đi theo sau anh. Còn người lạ thì không biết cách gọi đàn chiên, nên anh không có khả năng lôi cuốn đàn chiên đi theo mình. Nói chung, người lạ là người không quen với đàn chiên, và cũng không quen với người giữ cửa.
  3. Người ta thường nghĩ đàn chiên là một đàn vật ngờ nghệch, nhưng trong thực tế, chúng có một khả năng đặc biệt, đó là “nghe tiếng của người mục tử” (Ga 10,3) và “biết tiếng của người ấy” (Ga 10,4). Nhưng chúng lại “không biết tiếng của người lạ” (Ga 10,5), nghĩa là nhận ra tiếng của người lạ không phải là tiếng chủ mình. Điều này khiến chúng sợ hãi và chạy trốn chứ không theo người lạ (Ga 10,5). Còn khi chiên nghe và biết tiếng của chủ, chúng sẽ để chủ dẫn ra, và đi theo chủ đến đồng cỏ (Ga 10,4). Như vậy, giữa người mục tử và người lạ có một điểm khác biệt, đó là tiếng nói, giọng nói, cách gọi tên chiên. Mỗi mục tử có lối gọi đàn chiên của mình khác nhau. Chiên tinh khôn nhận ra tiếng riêng của chủ mình, điều đó tạo ra mối dây thân thiết với chủ. 
  4. Trong Ga 10,7-10 Đức Giêsu nói hai lần: “Chính Tôi là Cửa”, qua Cửa ấy đàn chiên ra vào chuồng chiên. Khẳng định này quan trọng, cùng với những khẳng định khác như Chính Tôi là Bánh (Ga 6,35), là Ánh Sáng (Ga 8,12), là sự Sống Lại và là Sự Sống (Ga 11,25)… Đức Giêsu nhận mình là Cửa của ràn chiên. Muốn đến với chiên, người mục tử đích thật phải đi qua cửa. Ở Ga 10,1 ta đã thấy chỉ kẻ trộm kẻ cướp mới không qua cửa mà vào ràn chiên. Chiên cũng phải đi qua cửa để vào trong ràn, và đi qua cửa để ra đồng cỏ. Cửa là điều thiết yếu mà cả người mục tử và chiên đều coi trọng.
  5. Ở Ga 10,8 Đức Giêsu khẳng định mọi kẻ đến trước Ngài đều là kẻ trộm kẻ cướp, và dĩ nhiên chiên đã không nghe họ. Ai là kẻ đến trước Ngài ? Chắc chắn Đức Giêsu không có ý coi những vị như Abraham, Giacóp, Môsê hay Đavít là những kẻ trộm cướp, làm hại chiên. Abraham và Môsê được Tin Mừng thứ tư nhắc đến với nhiều thiện cảm (Ga 9,56; 5,39.45-47). Như vậy có lẽ Ngài muốn nói đến những nhà lãnh đạo như Hêrôđê, các vị thượng tế, hay những vị lãnh đạo tôn giáo vào thời trước Ngài ít lâu (x. Ga 9,40-41). Họ đã không chăm sóc cho đàn chiên, nhưng đã đến để “ăn trộm, giết hại và phá hủy” cộng đoàn dân Chúa (Ga 10,10).   
  6. Nguyên văn Ga 10,9ab và Ga 14,6 có nhiều nét giống nhau. Gioan 10,9ab: “Chính Tôi là Cửa; nếu ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu…” Gioan 14,6: “Chính Thầy là Đường, và là Sự Thật và là Sự Sống; không ai đến được với Chúa Cha nếu không qua Thầy”. Trong cả hai câu trên, Đức Giêsu khẳng định về mình bằng lối nói “Tôi là” hay “Thầy là” (egô eimi). Ngài dùng những hình ảnh cụ thể “Cửa” và “Đường”. Cả hai câu đều cho thấy tầm quan trọng của con người Ngài: phải qua Ngài mới được cứu, phải qua Ngài mới đến được với Chúa Cha. Ngài là trung gian thiết yếu của ơn cứu độ.
  7. Ràn chiên hay chuồng chiên là nơi an toàn cho đàn chiên lúc ban tối. Buổi tối chiên về chuồng, đi vào qua cửa. Buổi sáng chiên lại được dẫn ra qua cửa để đi tìm thức ăn nơi đồng cỏ. Qua cửa để vào và ra: đó là chuyện bình thường của chiên mỗi ngày, nhờ đó chiên được bảo vệ an toàn và được nuôi ăn. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh này để nói về người tín hữu trong Ga 10,9. Họ là đàn chiên đi vào và đi ra qua Cửa Giêsu.
  8. Mục đích cuộc đời Đức Giêsu được diễn tả ở Ga 10,10b: đem lại sự sống dồi dào cho chiên. Không phải sự sống thuần túy vật chất nhưng chủ yếu là sự sống vĩnh cửu trong tư cách con cái Thiên Chúa (Ga 1,12). Khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, Ngài ban bánh cho sự sống của thân xác (Ga 6,12), nhưng quan trọng hơn là việc Ngài sẽ ban bánh đem lại sự sống vĩnh cửu (Ga 6,50).

Cửa chuồng chiên – Chúa nhật IV Phục sinh – Năm A

https://www.tonggiaophanhanoi.org/cua-chuong-chien-chua-nhat-iv-phuc-sinh-nam-a/

CỬA CHUỒNG CHIÊN
SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM A

(Ga 10, 1-10)

Chúa Giê-su đã từng nói với Tô-ma : “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6). Với Tin Mừng chương 10 theo thánh Gio-an, Chúa Giê-su tự nhận mình là “Mục tử tốt lành” (x. Ga 10, 14).

Sau khi đã tự mô tả là một người mục tử tốt lành, Chúa Giê-su lại nhận mình là cửa chuồng chiên khi tuyên bố: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên … Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và được của nuôi thân” (Ga 10,7.9).

Chúa Giê-su có ngụ ý gì khi công bố “Ta là cái cửa”? Những ai vào cửa Giê-su thì sẽ nhận được điều gì? Ngược lại, đến với kẻ trộm thì sẽ nhận được điều gì? Mỗi người chúng ta làm gì để giúp nhiều người đến với Chúa mà được ơn cứu độ? 

Sau khi kể cho những người Pharisiêu nghe về ẩn dụ người chăn chiên thật và kẻ trộm chiên, nhưng họ không hiểu ý Người (x.Ga 10, 6). Vì thế, Chúa giải thích thêm, Người là cái cửa vào chuồng chiên, ai vào cửa này thì sẽ được cứu rỗi, tự do đi lại và tìm gặp đồng cỏ xanh tươi (x.Ga 10 7-9). Nhưng ai đi theo kẻ trộm thì sẽ bị cướp, bị giết.

Để hiểu rõ ý tưởng của Chúa Giê-su, chúng ta biết rằng, ở nước Do Thái, đối với những người du mục chăn chiên, bò, lừa. Khi đêm đến chiên được nhốt trong chuồng có rào và chỉ có một cánh cửa duy nhất được khóa lại để bảo vệ chiên. Nhưng những khi chiên ngủ đêm ngoài đồng thì ngay tại vị trí chiên có thể ra vào được, người chăn sẽ nằm chắn ngay trước cửa, và tất cả chiên nào muốn ra hay vào đều phải bước qua người chăn. Đó là ý nghĩa của lời công bố “Ta là cái cửa” của Chúa Giê-su.

Hình ảnh về cửa chuồng chiên này đối với chúng ta thì rất lạ, còn đối với người Do thái lại là hình ảnh rất quen thuộc. Chúa Giê-su tự ví mình như cửa chuồng chiên và như người mục tử tốt lành. Cả hai hình ảnh này đều nói lên tình thương yêu chăm sóc và sự bảo vệ mà Người dành cho chúng ta, là những con chiên trong đàn chiên do Người chăn dắt.

Cửa chuồng chiên là lối cho chiên ra vào chuồng để được bảo vệ an toàn và được sống, ngụ ý ám chỉ ai qua Cửa Giê-su mà vào thì người ấy mới là mục tử thực sự của Thiên Chúa và mới được hưởng ơn cứu độ Chúa ban cho (x. Ga 10,9). Thánh Gio-an Kim Khẩu nói: “Khi Đức Giê-su đưa chúng ta đến với Chúa Cha, Người nhận mình là Cửa. Khi Người săn sóc dưỡng nuôi ta, Người nhận mình là Mục Tử”.

Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 60 sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng 4, Chúa Nhật IV Phục Sinh, còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành với chủ đề “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ”. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh đến sự được chọn trước cả khi tạo thanh vũ trụ, mỗi người một phận vụ, nhưng được kêu gọi quy tụ cùng nhau. “Lời kêu gọi của Thiên Chúa bao gồm việc ‘sai đi’. Không có ơn gọi nếu không có sứ vụ. Không có hạnh phúc và sự tự nhận thức đầy đủ trừ khi chúng ta mang đến cho người khác sự sống mới mà chúng ta đã tìm thấy” (x. Sứ điệp cho ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2023. Thánh Phaolô VI Giáo hoàng đã bắt đầu sự kiện thường niên vào năm 1964.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Ngày này là một cơ hội quý báu để nhớ lại với sự kinh ngạc rằng lời mời gọi của Thiên Chúa là ân sủng, là hồng ân trọn vẹn, đồng thời là một cam kết mang Tin Mừng đến cho người khác”.

Trong Sứ điệp của mình, Các ơn gọi được “kết hợp với nhau trong việc ‘ra đi’ để chiếu tỏa khắp thế giới sự sống mới của vương quốc Thiên Chúa” nhấn mạnh rằng mọi ơn gọi trong Giáo hội – giáo dân, linh mục, tu sĩ, hay đời sống thánh hiến – phối hợp với nhau trong một bản giao hưởng hài hòa.

Mọi ơn gọi được “kết hợp với nhau trong việc ‘ra đi’ để chiếu tỏa khắp thế giới sự sống mới của Vương quốc của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Tất cả mọi người trong Giáo hội đều là những người phục vụ theo đặc sủng của mỗi người, trong khi ơn gọi chung của chúng ta là “yêu thương trao hiến chính mình… Những người trong Thừa tác vụ có chức thánh – Linh mục, Giám mục và Phó tế – được “đặt để phục vụ việc rao giảng, cầu nguyện và thúc đẩy tinh thần hiệp thông của Dân thánh của Thiên Chúa”.

Hiện nay nhiều nơi trên thế giới đang thiếu trầm trọng ơn gọi linh mục tu sĩ, nhất là Âu Châu, Mỹ Châu. Có nhà thờ không có linh mục nên đành phải đóng cửa hoặc bán đi để trả nợ. Cũng có nhiều dòng tu bị giải thể vì không còn lớp tu sĩ trẻ kế thừa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn Thiên triệu linh mục, tu sĩ. Hãy đóng góp phần mình vào việc mở mang Nước Chúa.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ