Tổng hợp thông tin chuyến tông du của ĐTC Phanxicô tại Hungary

5. Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp các giám mục, các linh mục và phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ

Đức Thánh Cha gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đón nhận thời đại với những thay đổi và thách đố bằng tinh thần ngôn sứ. Và về ơn gọi, ngài nói: “Mục tử và giáo dân phải cảm thấy đồng trách nhiệm về ơn gọi. Trước hết bằng cầu nguyện, bởi vì câu trả lời đến từ Chúa chứ không phải từ thế giới, từ nhà tạm chứ không phải từ máy tính”.
 ĐTC gặp các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh

 Anh em Giám mục, các linh mục và phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ thân mến,

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!

Tôi rất vui được trở lại đây sau khi chia sẻ Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 với anh chị em. Đó là một khoảnh khắc ân sủng lớn và tôi chắc chắn rằng hoa trái thiêng liêng của Đại hội đang đồng hành với anh chị em. Cám ơn Đức Tổng Giám Mục Veres vì lời chào mừng dành cho tôi và bày tỏ mong muốn của người Công giáo Hungary bằng những lời này: “Trong thế giới đang thay đổi này, chúng con muốn làm chứng rằng Chúa Kitô là tương lai của chúng ta”. Đối với chúng ta, một trong những đòi hỏi quan trọng nhất là: giải thích những thay đổi và biến đổi của thời đại chúng ta, tìm cách đáp ứng những thách đố mục vụ một cách tốt nhất có thể.

Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi nhìn lên Chúa Kitô là tương lai của chúng ta: Người là “Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1, 8), là khởi đầu và là cùng đích, nền tảng và đích đến cuối cùng của lịch sử nhân loại. Khi chiêm ngưỡng vinh quang của “Đấng là Đầu và Cuối” (Kh 1, 17) trong mùa Phục Sinh này, chúng ta có thể đối diện với những cơn bão ập đến thế giới chúng ta, tạo ra những thay đổi nhanh chóng và liên tục trong xã hội, cuộc khủng hoảng đức tin ảnh hưởng đến nền văn hoá Tây phương, bằng một cái nhìn không cam chịu và không đánh mất tâm điểm của Lễ Phục sinh: Chúa Kitô phục sinh, trung tâm lịch sử, là tương lai. Cuộc sống của chúng ta, mặc dù đánh dấu bằng sự mong manh, được đặt vững vàng trong tay Người. Nếu chúng ta quên điều này, chúng ta cũng vậy, các mục tử và giáo dân, sẽ tìm kiếm các phương tiện và công cụ con người để bảo vệ mình khỏi thế giới, khép mình trong các ốc đảo tôn giáo thoải mái và yên bình; hoặc ngược lại, chúng ta sẽ thích nghi với những chiều gió thay đổi của thế gian và khi đó, Kitô giáo sẽ mất sức sống và chúng ta sẽ không còn là muối đất.Trở về với Chúa Kitô là tương lai để không rơi vào những chiều gió thay đổi của thế gian, đó là điều tồi tệ có thể xảy ra cho Giáo hội: một Giáo hội trần tục.

Do đó, đây là hai cách tiếp cận – có thể nói là hai cám dỗ – mà chúng ta, là Giáo hội phải luôn cảnh giác. Đầu tiên là cách đọc ảm đạm về lịch sử hiện nay, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa thất bại của những người lặp đi lặp lại rằng tất cả đã mất, chúng ta đã đánh mất những giá trị xưa, không biết rồi sẽ đi về đâu. Cha Sándor bày tỏ lòng biết ơn Chúa vì đã “giải thoát ngài khỏi chủ nghĩa thất bại”! Và ngài đã làm gì trong cuộc đời, một Nhà thờ lớn ư? Không, một nhà thờ nhỏ ở vùng quê. Nhưng ngài đã làm được, và không để mình bị thất bại. Và một nguy cơ khác, đó là đọc thời đại một cách ngây thơ, dựa trên sự hài lòng của chủ nghĩa xu thời và làm chúng ta tin rằng cuối cùng mọi thứ đều ổn, thế giới đã thay đổi và chúng ta cần phải thích nghi. Ở đây, ngược với chủ nghĩa thất bại ảm đạm và chủ nghĩa xu thời thế gian, Tin Mừng cho chúng ta đôi mắt mới, cho chúng ta ơn phân định để bước vào thời đại chúng ta với sự cởi mở, nhưng cũng với tinh thần ngôn sứ. Do đó, với sự chào đón mang tính ngôn sứ.

Về điều này, tôi muốn dừng lại một cách ngắn gọn về một hình ảnh đẹp được Chúa Giêsu sử dụng: đó là hình ảnh cây vả (Mc 13, 28-29). Câu chuyện được kể với chúng ta trong bối cảnh Đền thờ Giêrusalem. Đối với những người đang chiêm ngắm vẻ tráng lệ của Đền thờ và sống theo thế gian, đặt sự an toàn trong không gian thánh thiêng và sự hùng vĩ trang trọng của Đền thờ, Chúa Giêsu nói rằng không có gì tuyệt đối trên mặt đất này, bởi vì mọi thứ đều tạm thời và sẽ có ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào. Nhưng đồng thời, không muốn chúng ta nản lòng hay lo sợ, Người nói thêm: khi mọi sự qua đi, khi các đền thờ của con người sụp đổ, những điều khủng khiếp xảy ra và sẽ có những cuộc bách hại dữ dội, thì “thiên hạ sẽ thấy Con Người  đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (c. 26). Và chính ở đây, Người mời chúng ta nhìn vào cây vả: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.  Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (c. 28-29). Do đó, chúng ta được mời gọi đón nhận thời đại chúng ta đang sống như một cây sai trái, với những thay đổi và thách đố, bởi vì chính nhờ tất cả những điều này – Tin Mừng nói – Chúa đang đến gần. Và trong khi chờ đợi, chúng ta được mời gọi vun trồng, đọc và gieo Tin Mừng trong thời này, cắt tỉa những cành khô sự dữ, để sinh hoa trái. Chúng ta được mời gọi đón nhận với tinh thần ngôn sứ.

Đón nhận với tinh thần ngôn sứ nghĩa là học cách nhận ra những dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa trong thực tế, ngay cả khi những dấu hiệu này không xuất hiện rõ ràng theo tinh thần Kitô nhưng thách đố và tra vấn chúng ta. Đó không phải là việc giải thích mọi sự theo thế gian, nhưng dưới ánh sáng Tin Mừng, những người loan báo và chứng nhân cho lời ngôn sứ Kitô. Chúng ta thấy rằng ngay cả ở đất nước này, nơi truyền thống đức tin vẫn còn bám rễ sâu xa, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của tinh thần thế gian và những tác động của nó, thường đe dọa sự toàn vẹn và vẻ đẹp gia đình, đẩy người trẻ vào lối sống mang dấu ấn của chủ nghĩa duy vật và khoái lạc, dẫn đến sự tranh luận về các vấn đề và thách đố mới. Chúng ta có thể bị cám dỗ phản ứng bằng sự cố chấp, rút lui, và có thái độ chống đối. Nhưng những thực tế này có thể là cơ hội cho chúng ta, vì chúng củng cố đức tin và đào sâu một số chủ đề, mời gọi chúng ta tự hỏi làm thế nào những thách đố này có thể đi vào cuộc đối thoại với Tin Mừng, để tìm kiếm những cách thế, công cụ và ngôn ngữ mới. Theo nghĩa này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định rằng các thời đại tục hóa đã trợ giúp Giáo hội vì “chúng đã đóng góp đáng kể vào việc thanh luyện và canh tân Giáo hội từ bên trong. Thực tế, các xu hướng tục hóa […] luôn có nghĩa là giải thoát Giáo hội khỏi các hình thức thế gian”. Trước bất kỳ hình thức tục hoá nào, đều có một thách đố và một lời mời gọi thanh luyện Giáo hội khỏi mọi hình thức thế tục. Chúng ta hãy trở lại điều này: rơi vào tinh thần thế tục là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta.

Dấn thân bước vào cuộc đối thoại với những hoàn cảnh ngày nay đòi hỏi cộng đoàn Kitô hữu phải hiện diện và làm chứng, biết cách lắng nghe những câu hỏi và thách đố mà không lo sợ hay cứng nhắc. Điều này không hề dễ dàng trong thế giới ngày nay, nhưng đòi hỏi một nỗ lực lớn. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh tình trạng làm việc quá sức đối với các linh mục. Thực tế, một mặt, nhu cầu của đời sống giáo xứ và mục vụ rất nhiều, nhưng mặt khác, ơn gọi đang giảm sút và các linh mục thì ít, thường đã cao tuổi và có một số dấu hiệu mệt mỏi. Đây là một tình trạng chung đối với nhiều thực tế Âu châu, trong đó điều quan trọng là tất cả mọi người – mục tử và giáo dân – cảm thấy đồng trách nhiệm: trước hết là trong cầu nguyện, bởi vì câu trả lời đến từ Chúa chứ không phải từ thế giới, từ nhà tạm chứ không phải từ máy tính. Và rồi trong niềm say mê mục vụ ơn gọi, với sự nhiệt thành, tìm cách trao ban cho người trẻ niềm say mê bước theo Chúa Giêsu ngay cả trong sự thánh hiến đặc biệt.

Sơ Krisztina nói với chúng ta về việc “tranh luận với Chúa Giêsu” về lý do tại sao Người kêu gọi chị, đó là điều tốt đẹp, bởi vì chúng ta cần những người có thể lắng nghe và giúp đỡ chúng ta “tranh luận” tốt với Chúa! Và nói chung, chúng ta cần phải bắt đầu một cuộc suy tư Giáo hội – hiệp hành, phải được thực hiện cùng nhau – để cập nhật đời sống mục vụ, không hài lòng với việc lặp lại quá khứ và không sợ tái định hình giáo xứ, nhưng đặt việc rao giảng Tin Mừng như một ưu tiên và khởi xướng sự hợp tác tích cực giữa các linh mục, giáo lý viên, nhân viên mục vụ, giáo viên. Anh chị em đã đi trên con đường này: đừng dừng lại. Hãy tìm những cách khả thi để cộng tác một cách vui vẻ vào công cuộc Tin Mừng và cùng nhau tiến bước, mỗi người có đặc sủng riêng của mình, mục vụ như một lời loan báo. Theo nghĩa này, những gì Dorina nói với chúng ta về sự cần thiết phải tiếp cận với người khác qua kể chuyện, giao tiếp, chạm vào cuộc sống hàng ngày. Và ở đây, tôi dừng lại một chút để nhấn mạnh đến công việc tốt đẹp của các giáo lý viên. Có những nơi trên thế giới – như châu Phi – nơi mà việc rao giảng Tin Mừng được thực hiện bởi các giáo lý viên. Nhưng, giáo lý viên là trụ cột của Giáo hội. Cám ơn các phó tế và giáo lý viên, những người ở đây có vai trò quyết định trong việc thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ, và tất cả những giáo viên và nhà đào tạo đang quảng đại dấn thân trong lĩnh vực giáo dục: xin cám ơn!

Cho phép tôi nói với anh chị em rằng việc chăm sóc mục vụ tốt là điều có thể thực hiện được nếu chúng ta có khả năng sống tình yêu mà Chúa đã truyền cho chúng ta và đó là ân ban của Thánh Thần. Nếu chúng ta xa cách hoặc chia rẽ, nếu chúng ta trở nên cứng nhắc trong các lập trường và nhóm, thì chúng ta không sinh hoa trái. Thật đáng buồn khi chúng ta chia rẽ bởi vì, thay vì sống như một đội, chúng ta lại rơi vào cạm bẫy của kẻ thù: các Giám mục không liên lạc với nhau, các linh mục căng thẳng với Giám mục, những người lớn tuổi xung đột với những người trẻ, giáo phận với tu sĩ, linh mục với giáo dân, các tín hữu Latinh với tín hữu Hy Lạp; có sự phân cực về các vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội, cũng như về các khía cạnh chính trị và xã hội, ẩn trong các lập trường ý thức hệ. Vui lòng đừng làm như vậy: công việc mục vụ đầu tiên là làm chứng cho sự hiệp thông, bởi vì Thiên Chúa là sự hiệp thông và Người hiện diện nơi nào có tình bác ái huynh đệ. Chúng ta hãy vượt qua những chia rẽ con người để cùng nhau làm việc trong vườn nho của Chúa! Chúng ta hãy đắm mình trong tinh thần Tin Mừng, đặt nền tảng trong cầu nguyện, nhất là trong việc tôn thờ và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta hãy vun trồng việc huấn luyện liên tục, tình huynh đệ, sự gần gũi và quan tâm đến người khác. Một kho tàng lớn đã được trao vào tay chúng ta, chúng ta đừng lãng phí nó để theo đuổi những thực tại thứ yếu so với Tin Mừng! Và ở đây cho phép tôi nói với anh chị em điều này: hãy cẩn thận đối với việc nói xấu người khác, vì đó là con đường dẫn tới sự phá huỷ. Nếu một tu sĩ hay một giáo dân không bao giờ nói xấu ai đó là một vị thánh. Có một phương thuốc chữa tật nói xấu người khác đó là cầu nguyện.

Và với các linh mục, tôi muốn nói thêm một điều nữa: hãy mang đến cho Dân thánh của Chúa khuôn mặt Chúa Cha và tạo một tinh thần gia đình. Cố gắng đừng cứng nhắc, nhưng hãy có những cái nhìn và lối tiếp cận nhân từ và trắc ẩn. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: phong cách của Chúa là thái độ gần gũi, lòng trắc ẩn và dịu dàng. Chúng ta hãy theo phong cách này của Chúa và tự hỏi tôi có gần gũi với dân chúng, giúp đỡ họ, động lòng trắc ẩn hay lên án mọi người? Về vấn đề này, tôi đã được đánh động bởi những lời của cha József, đã nhắc đến sự trao ban và thừa tác vụ của người anh, Chân phước János Brenner, bị giết một cách dã man khi mới 26 tuổi. Dân tộc này có nhiều chứng nhân và linh mục giải tội của đức tin trong các chế độ độc tài của thế kỷ trước! Chân phước János đã trải qua nhiều đau khổ và điều này đối với ngài dễ dàng oán hận, rút lui, cứng nhắc. Trái lại, là một mục tử tốt lành. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta, đặc biệt là các linh mục: một cái nhìn thương xót, một trái tim nhân ái, luôn tha thứ, luôn giúp đỡ để bắt đầu lại, đón nhận và không phán xét, khuyến khích và không chỉ trích, phục vụ và không đàm tiếu.

Điều này rèn luyện chúng ta đón nhận theo tinh thần ngôn sứ: thông truyền niềm an ủi Chúa trong những hoàn cảnh đau khổ và nghèo khó trên thế giới, gần gũi với các Kitô hữu bị bách hại, người di cư tìm kiếm lòng hiếu khách, những người thuộc các nhóm sắc tộc, và bất cứ ai đang cần giúp đỡ. Theo nghĩa này, anh chị em có những mẫu gương thánh thiện tuyệt vời, như thánh Martino. Cử chỉ của ngài chia sẻ tấm áo choàng cho người nghèo không chỉ là một hành động bác ái: đó là hình ảnh Giáo hội hướng tới, đó là điều mà Giáo hội Hungary có thể mang lại như một lời ngôn sứ cho trung tâm châu Âu: lòng thương xót và sự gần gũi. Nhưng tôi cũng muốn nhắc đến thánh Stêphanô, thánh tích của ngài đang ở đây bên cạnh tôi: ngài là người đầu tiên phó dâng quốc gia cho Mẹ Thiên Chúa, ngài là một nhà truyền giáo dũng cảm và là người sáng lập các tu viện, ngài cũng biết lắng nghe và đối thoại với mọi người và quan tâm đến người nghèo: giảm thuế cho dân chúng và cải trang trong khi đi thực hành bác ái để không bị nhận ra. Đây là Giáo hội mà chúng ta phải mơ ước: có khả năng lắng nghe nhau, đối thoại, quan tâm đến những người yếu đuối; chào đón tất cả mọi người và can đảm mang lời ngôn sứ Tin Mừng đến cho mỗi người.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô là tương lai của chúng ta, vì chính Người hướng dẫn lịch sử. Các linh mục giải tội của đức tin của anh chị em đã xác tín chắc chắn về điều này: nhiều Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ đã tử đạo trong cuộc bách hại vô thần; họ làm chứng cho đức tin kiên vững của người Hungary. Tôi muốn nhắc đến Đức Hồng Y Mindszenty, người đã tin vào sức mạnh của cầu nguyện, đến mức ngày nay, gần giống như một câu nói phổ biến, vẫn được lặp lại ở đây: “Nếu có một triệu người Hungary cầu nguyện, tôi sẽ không sợ tương lai”. Anh chị em hãy chào đón, là chứng nhân cho lời ngôn sứ Tin Mừng, nhưng trên hết hãy là những người nam nữ cầu nguyện, bởi vì lịch sử và tương lai tùy thuộc vào điều này. Cám ơn anh chị em vì đức tin và lòng trung thành của anh chị em, vì tất cả những điều tốt đẹp anh chị em đang thực hiện. Tôi không thể quên chứng tá can đảm và kiên nhẫn của các Nữ tu người Hungary thuộc Hội Chúa Giêsu mà tôi đã gặp ở Argentina sau khi họ rời Hungary trong thời kỳ bách hại tôn giáo. Họ đã làm rất nhiều điều tốt cho tôi. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, để theo gương các chứng nhân đức tin vĩ đại, anh chị em không bao giờ bị sự mệt mỏi nội tâm xâm chiếm và có thể tiến bước với niềm vui. Và tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Köszönöm! [Xin cám ơn!]

4. ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn ở Hungary

2023.04.28 Viaggio Apostolico in Ungheria

Trong bài phát biểu đầu tiên của tại Budapest, trong cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự Hungary, Đức Thánh Cha cảnh báo về “con đường bất chính của thực dân ý thức hệ” và về tiếng gầm của chủ nghĩa dân tộc quên đi cuộc sống của các dân tộc. Ngài cũng cảnh báo chống lại “ý thức hệ về giới tính” và “quyền phá thai” và mời gọi chào đón những người chạy trốn chiến tranh và biến đổi khí hậu.
  Lúc 12 giờ 45 phút trưa ngày 28/4/2023, sau khi thăm xã giao Tổng thống và Thủ tướng của Hungary, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở của lãnh đạo chính quyền Hungary, ở nơi trước đây là Đan viện của dòng Cát Minh. Đan viện này được xây dựng vào năm 1736 và được thánh hiến vào năm 1763. Nhưng vào năm 1784, hoàng đế Joseph II đã giải tán dòng và biến đan viện thành nhà hát để các quan chức chính phủ giải trí. Sau thế chiến thứ hai, đan viện bị hư hại nặng nề. Năm 1978, sau khi được trùng tu, đan viện mở cửa lại cho dân chúng thăm quan. Sau đó, vào năm 2001, đan viện trở thành tài sản của Nhà hát vũ kịch quốc gia, và ngày nay, sau khi được cải tạo thêm, từ năm 2019, có văn phòng của Thủ tướng.

Tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha tại Sảnh của đan viện cũ có khoảng 200 người thuộc giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, đại diện xã hội dân sự và văn hoá.

ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn ở Hungary

ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn ở Hungary

Sau lời chào mừng của bà Tổng thống Hungary, trong bài diễn văn, Đức Thánh chia sẻ một số ý tưởng, được gợi ý từ hình ảnh thủ đô Budapest, thành phố lịch sử, của những cây cầu và của các vị thánh.

 Đức Thánh Cha gặp gỡ Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn

Budapest, thành phố của lịch sử

Trước hết, Budapest, thành phố của lịch sử. Đức Thánh Cha nhắc lại những giai đoạn lịch sử của Budapest, sinh ra trong thời bình, nhưng cũng đã trải nghiệm những xung đột tàn khốc, đặc biệt là các hành động bạo lực và áp bức do chế độ độc tài Quốc xã và Cộng sản gây ra.

Hoà bình đến từ các chính sách quan tâm đến sự phát triển của mọi người

Nhắc đến kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Budapest, thông qua sự hợp nhất của ba thành phố Buda và Óbuda ở phía tây sông Danube và Pest ở bờ đối diện, Đức Thánh Cha mời gọi suy nghĩ về tiến trình thống nhất do Châu Âu thực hiện, trong đó Hungary đóng một vai trò quan trọng. “Trong thời kỳ hậu chiến, Châu Âu, cùng với Liên Hiệp Quốc, thể hiện niềm hy vọng cao quý rằng, bằng cách cùng nhau hợp tác vì sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, có thể tránh được những xung đột hơn nữa. Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, việc theo đuổi hết mình một chính trị cộng đồng và củng cố các mối quan hệ đa phương dường như là một ký ức đáng tiếc từ một quá khứ xa xôi. Chúng ta dường như đang chứng kiến buổi hoàng hôn đáng tiếc của giấc mơ hòa bình chung đó, khi những kẻ đơn độc trong chiến tranh giờ đây nắm quyền. Càng ngày, lòng nhiệt tình xây dựng một cộng đồng hòa bình và ổn định của các quốc gia dường như càng nguội lạnh, khi các vùng ảnh hưởng được vạch ra, sự khác biệt ngày càng rõ rệt, chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và các phán quyết và ngôn ngữ ngày càng khắc nghiệt hơn được sử dụng để đối đầu với các quốc gia khác.” Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Hòa bình sẽ không bao giờ đến được từ việc theo đuổi các lợi ích chiến lược cá nhân, nhưng chỉ đến từ các chính sách có khả năng nhìn ra bức tranh rộng lớn hơn, đến sự phát triển của mọi người: các chính sách quan tâm đến cá nhân, người nghèo và tương lai, chứ không phải chỉ đơn thuần là quyền lực, lợi nhuận và triển vọng hiện tại.”

Khám phá lại “tinh thần của châu Âu”

Theo Đức Thánh Cha, vào thời điểm lịch sử này, châu Âu được kêu gọi đảm nhận vai trò thích hợp của mình, “đó là hiệp nhất những người xa cách nhau, chào đón các dân tộc khác và từ chối coi bất kỳ ai là kẻ thù vĩnh viễn.” Do đó, “điều quan trọng là phải phục hồi tinh thần châu Âu: sự phấn khích và tầm nhìn của những người sáng lập, những người là các chính khách có thể nhìn xa hơn thời đại của họ, vượt ra ngoài biên giới quốc gia và nhu cầu trước mắt, và tạo ra các hình thức ngoại giao có khả năng theo đuổi sự thống nhất, chứ không phải làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.” Nghĩ đến Ucraina đang bị chiến tranh tàn phá, Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: những nỗ lực sáng tạo vì hòa bình đang ở đâu?

ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn

Budapest, thành phố của những cây cầu

Thống nhất nhưng không đồng nhất

Suy tư thứ hai của Đức Thánh Cha: Budapest là thành phố của những cây cầu. Những cây cầu của Budapest nối liền nhiều khu vực của thành phố. Từ những nhịp cầu nối kết những thực tại đa dạng đó, Đức Thánh Cha nghĩ đến tầm quan trọng của một sự thống nhất không phải là đồng nhất. “Ở Budapest, điều này được thể hiện qua sự đa dạng đáng chú ý của hơn 20 quận tạo nên thành phố. Cũng vậy, Châu Âu của 27 nước được xây dựng để tạo cầu nối giữa các quốc gia, đòi hỏi sự đóng góp của tất cả, đồng thời không làm giảm đi tính độc đáo của mỗi quốc gia.”

“Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”

Đức Thánh Cha nhắc lại lời của một trong những người sáng lập Châu Âu: “Châu Âu sẽ tồn tại, nhưng sẽ không có gì trong những điều đã tạo nên vinh quang và hạnh phúc của mỗi quốc gia bị mất đi. Vì trong một xã hội lớn hơn, và một sự hòa hợp lớn hơn, các cá nhân sẽ có thể phát triển” (Tham luận, đã trích dẫn). Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Đó chính là sự thống nhất mà chúng ta cần: sự hài hòa của một tổng thể mà các bộ phận không bị đồng nhất một cách nhạt nhẽo nhưng được tích hợp hoàn toàn.” Như Hiến pháp Hungary đã tuyên bố một cách đúng đắn: “Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”, và thêm nữa, “Chúng ta tin rằng văn hóa quốc gia của chúng ta là một đóng góp phong phú cho sự đa dạng của sự thống nhất châu Âu.”

Đó là một châu Âu, mà Đức Thánh Cha mong muốn, không trở thành con mồi của các hình thức chủ nghĩa dân túy tự quy chiếu cũng như không viện đến một thứ “chủ nghĩa siêu quốc gia” lỏng lẻo, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo, đang đánh mất tầm nhìn về cuộc sống của các dân tộc. Ngài nói rằng đây là con đường tai hại của những hình thức “thực dân hóa ý thức hệ” vốn sẽ hủy bỏ sự khác biệt, như trong trường hợp của cái gọi là ý thức hệ về giới tính, hoặc sẽ đặt trước thực tế cuộc sống những khái niệm giản lược về tự do, chẳng hạn bằng cách khoe khoang là tiến bộ một “quyền phá thai” vô nghĩa, điều vốn luôn là một thất bại bi thảm.

Một Châu Âu lấy con người và các dân tộc làm trung tâm

Theo Đức Thánh Cha, “Sẽ tốt hơn biết bao nếu xây dựng một châu Âu lấy con người và các dân tộc làm trung tâm, với các chính sách hiệu quả đối với việc sinh sản và gia đình – những chính sách được quốc gia này theo đuổi một cách quan tâm –, một châu Âu mà các quốc gia khác nhau sẽ tạo thành một gia đình duy nhất bảo vệ sự phát triển và tính độc đáo của mỗi thành viên.” Ngài dùng hình ảnh cây cầu nổi tiếng nhất ở Budapest, cây cầu xích, để giúp hình dung ra kiểu châu Âu đó, vì nó bao gồm nhiều liên kết lớn và đa dạng tạo nên sự vững chắc và sức mạnh của chúng khi liên kết với nhau. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói tiếp, “đức tin Kitô giáo có thể là một nguồn lực, và Hungary có thể đóng vai trò là ‘người xây cầu’ bằng cách dựa trên đặc tính đại kết cụ thể của mình. Ở đây, các tôn giáo khác nhau chung sống với nhau mà không xích mích, hợp tác một cách tôn trọng và xây dựng.”

ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn

Budapest, thành phố của các vị thánh

Và khía cạnh cuối cùng Đức Thánh Cha đề cập đến là Budapest như một thành phố của các vị thánh. Bắt đầu từ Thánh Stêphanô, vị vua đầu tiên của Hungary. Đức Thánh Cha nhận xét rằng lịch sử Hungary được đánh dấu bằng sự thánh thiện ngay từ đầu, không chỉ là sự thánh thiện của Nhà vua mà còn của cả gia đình ngài.

Thực hành yêu thương

Những lời khuyên của Thánh Stêphanô với con trai là Thánh Emeric trở thành một loại di chúc tinh thần cho dân tộc Magyar: “Cha khuyên con không những tỏ lòng ưu ái với bà con họ hàng, người quyền thế và giàu có, láng giềng và đồng hương của mình, mà còn với người nước ngoài và tất cả những ai đến với con.” Thánh Stêphanô thể hiện tinh thần Kitô giáo đích thực khi tuyên bố rằng, “thực hành yêu thương dẫn đến hạnh phúc tột đỉnh”. Ngài nói thêm: “Hãy dịu dàng, để bạn không bao giờ chống lại công lý” (Những lời khuyên, X). Bằng cách này, ngài kết hợp sự thật và sự dịu dàng một cách không thể tách rời. Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là một giáo huấn đức tin tuyệt vời: Các giá trị Kitô giáo không thể được đề xuất bằng sự cứng nhắc và khép kín, bởi vì chân lý của Chúa Kitô đòi hỏi sự hiền lành và dịu dàng, theo tinh thần của các Mối phúc.”

Tinh thần cởi mở

Tinh thần cởi mở đối với người khác, như được Hiến pháp Hungary ghi nhận: “Chúng tôi tôn trọng tự do và văn hóa của các dân tộc khác, và sẽ cố gắng hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới,” theo Đức Thánh Cha, thực sự mang tính Phúc Âm, và tương phản với một số khuynh hướng, đôi khi được đề xuất nhân danh các truyền thống bản địa và thậm chí là đức tin, để co cụm vào chính mình.

Bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Hiến pháp Hungary cũng khẳng định: “Chúng ta có nghĩa vụ chung là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo.” Và Đức Thánh Cha nói đến chứng tá thánh thiện của Thánh Elizabeth, công chúa Hungary, “đã qua đời ở tuổi hai mươi bốn sau khi từ bỏ tất cả tài sản của mình và phân phát mọi thứ cho người nghèo. Cuối cùng, thánh nhân đã cống hiến hết mình và phục vụ những người bệnh trong nhà tế bần mà ngài đã xây dựng. Ngài vẫn là một chứng nhân nổi bật của Tin Mừng.”

ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn

Lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu

Tiếp tục bài diễn văn, Đức Thánh Cha cảm ơn các nhà chức trách đã thúc đẩy các công việc bác ái và giáo dục được truyền cảm hứng từ những giá trị Kitô giáo, và sự hỗ trợ cụ thể của họ đối với nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đang gặp khó khăn và nghịch cảnh. Ngài khen ngợi sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội, luôn tôn trọng sự phân biệt cẩn thận giữa các lĩnh vực riêng của nhau. Và ngài nhắc các Kitô hữu phải ghi nhớ điều này, “lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu, tự do đón nhận những giáo huấn giải phóng của Chúa Giêsu mà không nhượng bộ một loại “chủ nghĩa hợp tác’ với một nền chính trị quyền lực”. Ngài phân biệt giữa “tính thế tục” và “chủ nghĩa tục hoá”, là thứ phổ biến vốn dị ứng với bất kỳ khía cạnh nào của sự thánh thiêng, nhưng lại sẵn sàng hy sinh bản thân trước bàn thờ của lợi nhuận.

Con cái Chúa và anh chị em của nhau

Đức Thánh Cha nói: “Những người tự xưng là Kitô hữu, cùng với các chứng nhân đức tin, được kêu gọi làm chứng và hợp lực với mọi người để vun trồng một chủ nghĩa nhân văn được gợi hứng bởi Phúc Âm và đi theo hai con đường cơ bản: nhìn nhận mình là con cái yêu dấu của Thiên Chúa Cha và yêu thương nhau như anh chị em một nhà.” Và Thánh Stêphanô là mẫu gương của tình huynh đệ khi khuyên con hãy chào đón những người lạ với lòng nhân từ và tôn trọng họ, để họ thích ở với con hơn là ở nơi khác (Các lời khuyên, VI).

Tiếp nhận người di dân: thách đố đòi các Kitô hữu trả lời

Nhận định rằng vấn đề tiếp nhận và chào đón người di dân là một vấn đề nóng bỏng trong thời đại của chúng ta, và chắc chắn là phức tạp, tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, “đối với những người là Kitô hữu, thái độ cơ bản của chúng ta không thể khác với thái độ mà thánh Stêphanô đã khuyên con trai của ngài, sau khi học được điều đó từ Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa mình với khách lạ cần được tiếp đón (x. Mt 25,35). Khi chúng ta nghĩ về Chúa Kitô hiện diện trong rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người đang chạy trốn cách tuyệt vọng khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu, chúng ta cảm thấy buộc phải đương đầu với vấn đề mà không được bào chữa và trì hoãn.” Và ngài nhắc nhở Châu Âu, với tư cách là một cộng đồng, phải hành động để tạo ra các hành lang pháp lý và an toàn cũng như các quy trình đã được thiết lập để đáp ứng một thách thức mang tính thời đại, nhằm chuẩn bị cho một tương lai mà nếu không được chia sẻ thì sẽ không tồn tại. “Thách thức này đặc biệt đòi hỏi sự đáp lời từ phía những người là môn đệ của Chúa Giêsu và muốn noi gương các chứng nhân của Tin Mừng.”

Từ giã Tổng thống Hungary, Đức Thánh Cha lên xe về Toà Sứ Thần cách đó hơn 3 km để ăn trưa và nghỉ ngơi.

ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn

3. Đức Thánh Cha thăm hữu nghị Tổng thống Cộng hoà và Thủ tướng

2023.04.28 Viaggio Apostolico in Ungheria - Visita di Cortesia alla Presidente della Repubblica presso il Palazzo Sándor

Sau cuộc hội kiến riêng, vào lúc sau 11 giờ 30 phút ngày 28/4/2023, Đức Thánh Cha cùng Tổng thống ra Hội trường lớn. Tại đây, hai bên trao đổi quà tặng, chụp hình chung và ký sổ vàng lưu niệm. Tổng thống Cộng hoà cũng giới thiệu gia đình của bà với Đức Thánh Cha.
 Tổng thống Cộng hòa Hungary
Tống thống và Đức Thánh Cha hội kiến riêng

Tống thống và Đức Thánh Cha hội kiến riêng

Tổng thống Cộng hòa Hungary, bà Katalin Novák, sinh năm 1977 tại Szeged. Bà học Kinh tế và Hành chính công tại Đại học Budapest và tiếp tục học tại Đại học Szeged và Paris. Bà Novák bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 2001 tại Bộ Ngoại giao, sau đó giữ các chức vụ: cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh văn phòng Nội các Zoltán Balog tại Bộ Nhân sự, Bộ trưởng về Gia đình và Thanh niên, Phó Chủ tịch đảng Fidesz, đại biểu Quốc hội Hungary, Bộ trưởng Bộ Gia đình. Vào ngày 10 tháng 3 năm 2022, bà được Quốc hội bầu làm Tổng thống Cộng hòa. Bà Novák là nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Bà có ba người con.

Troa đổi quà tặng

Troa đổi quà tặng

Gặp Thủ tướng

Đức Thánh Cha gặp Thủ tướng Hungary

Đức Thánh Cha gặp Thủ tướng Hungary

Vào lúc 11 giờ 50 phút, Đức Thánh Cha được Tổng thống tháp tùng đến Sảnh Maria Têrêsa của Dinh để gặp Thủ tướng.

Thủ tướng Cộng hòa Hungary, ông Viktor Orbán, sinh năm 1963. Năm 1987, ông Orbán tốt nghiệp Khoa Luật tại một đại học ở Budapest. Năm 1988, ông thành lập phong trào sinh viên cải cách mang tên “Liên minh các Đảng viên Dân chủ Trẻ tuổi”, ngày nay là Fidesz – Liên minh Công dân Hungary, đảng bảo thủ quốc gia. Ông được bầu vào Quốc hội năm 1990 và năm 1998 lần đầu tiên ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Ông được tái cử làm người đứng đầu chính phủ vào các năm 2010, 2014 và 2018. Ông Orban đã kết hôn với bà Aniko Levai và có 5 người con.

Cuối buổi gặp gỡ, Thủ tướng giới thiệu gia đình với Đức Thánh Cha.

2. Nghi thức đón tiếp Đức Thánh Cha tại quảng trường của Dinh “Sándor”

Tổng hợp thông tin chuyến tông du của ĐTC Phanxicô tại Hungary

Vào lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha đến Dinh “Sándor” và được Tổng thống Cộng hoà chào đón tại quảng trường của Dinh “Sándor” để dự lễ nghi đón tiếp chính thức, với tất cả các nghi thức ngoại giao.
Dinh Sandor

Dinh Sandor

Dinh “Sándor”

Dinh “Sándor” là nơi ở chính thức của Tổng thống Cộng hoà từ ngày 22/01/2023. Lúc đầu, toà nhà sang trọng được xây dựng cho gia đình quý tộc Sándor, theo dòng lịch sử được sử dụng làm toà nhà chính phủ. Sau Thế chiến thứ hai, Dinh biến thành đống đổ nát, và được làm lại vào năm 1989. Nhưng Dinh chỉ thực sự được khôi phục hoàn toàn vào mùa xuân năm 2022.

Nội thất toà nhà được thiết kế theo phong cách Baroque, với nhiều sảnh lớn dùng cho các cuộc gặp gỡ lớn, các buổi chiêu đãi Ngoại giao đoàn. Dinh “Sandor” mở cửa cho công chúng mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, Ngày Di sản Văn hoá ở Hungary.

Đức Thánh Cha và Tống thống Hungary

Đức Thánh Cha và Tống thống Hungary

Đức Thánh Cha và Tổng thống tiến ra giữa sân trong tiếng kèn chào mừng của đoàn quân nhạc. Sau đó, đoàn quân nhạc lần lượt trỗi quốc thiều của Vatican và Hungary.

Hiện diện trong nghi thức tiếp đón này có các đại diện của chính phủ Hungary và phái đoàn của Tòa Thánh cũng như các lãnh đạo Giáo hội tại Hungary.

Sau nghi thức chào cờ, Đức Thánh Cha và Tổng thống Hungary đi qua hàng quân danh dự. Sau đó Tổng thống giới thiệu phái đoàn chính phủ Hungary. Tiếp đó là phái đoàn của Vatican.

Sau lễ nghi đón tiếp chính thức, Đức Thánh Cha và Tổng thống Hungary đi lên lầu một của phủ Tổng thống để hội kiến riêng.

Đức Thánh Cha và Tống thống Hungary

Đức Thánh Cha và Tống thống Hungary

1. Đức Thánh Cha đã đến Budapest thủ đô của Hungary

 Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thủ đô Budapest của Hungary lúc 9 giờ 53 phút sáng 28/4 và sẽ viếng thăm tại đây cho đến chiều ngày 30/4.

  Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du đến Hungary
Sau 1 giờ 30 phút bay, vượt 990 km từ Roma đến thủ đô Budapest của Hungary, máy bay A320 của hãng hàng không ITA Airways của Ý đã đáp xuống sân bay Budapest và dừng lại tại khu vực dành riêng cho nghi lễ tiếp đón.

Sứ thần Tòa Thánh tại Hungary, Đức Tổng Giám Mục Michael W. Banach, và trưởng ban nghi lễ ngoại giao của Hungary lên máy bay chào Đức Thánh Cha.

Tại thang máy bay, Đức Thánh Cha được Phó Thủ tướng Hungary đón tiếp. Vài trăm tín hữu đứng trong khu vực sân bay vẫy cờ Hungary và Tòa Thánh reo mừng chào Đức Thánh Cha. Hai em bé trong trang phục truyền thống đã tặng bánh mì, muối và hoa cho Đức Thánh Cha, như dấu chỉ của sự chào đón.

Tiếp đến các thành viên trong hai phái đoàn của Hungary và Tòa Thánh được giới thiệu với Đức Thánh Cha và Phó Thủ tướng Hungary. Đức Thánh Cha và Phó Thủ tướng cũng chào một số vị đại diện của Giáo hội Hungary. Sau đó Đức Thánh Cha và Phó Thủ tướng duyệt qua hàng quân danh dự và lên xe đến Sảnh VIP của sân bay và hội đàm với nhau trong ít phút.

Vào lúc 10 giờ 30 phút, Đức Thánh Cha rời phi trường, di chuyển đến Dinh “Sándor” cách đó 24,3 km.