Tin Giáo Hội Hoàn Vũ 05.06,2023–Kinh Truyền Tin (4/6): Thiên Chúa Ba Ngôi cho chúng ta cảm nhận bầu khí gia đình
Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, Lễ Chúa Ba Ngôi, Tin Mừng được trích từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô (x. Ga 3,16-18). Nicôđêmô là thành viên của Thượng Hội Đồng, say mê mầu nhiệm Thiên Chúa: ông nhìn nhận Chúa Giêsu là một vị thầy thuộc về Thiên Chúa và ban đêm ông đã bí mật đến đàm đạo với Người. Chúa Giêsu lắng nghe ông, biết rằng ông là một người đang tìm kiếm và trước tiên Người ngạc nhiên, trả lời ông rằng để vào Nước Thiên Chúa thì người ta cần phải được sinh lại một lần nữa; sau đó Người mặc khải cho ông tâm điểm của mầu nhiệm khi nói rằng Thiên Chúa yêu con người đến nỗi đã sai Con của Người đến thế gian. Vì thế, Chúa Giêsu, Người Con, nói với chúng ta về Chúa Cha và về tình yêu bao la của Người.
Cha và Con. Đây là một hình ảnh quen thuộc mà, nếu chúng ta suy nghĩ, sẽ đánh đổ cách chúng ta hình dung về Thiên Chúa. Thật vậy, chính từ ngữ “Thiên Chúa” gợi cho chúng ta một thực tại đơn nhất, uy nghi và xa vời, trong khi việc nghe nói về Cha và Con đưa chúng ta trở về nhà. Đúng vậy, chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa như thế, ngang qua hình ảnh của một gia đình quây quần bên bàn ăn, nơi cuộc sống được sẻ chia. Thật sự, bàn ăn, đồng thời là bàn thờ, là một biểu tượng mà một số tranh thánh diễn tả Chúa Ba Ngôi. Đó là hình ảnh nói với chúng ta về một Thiên Chúa hiệp thông. Cha, Con và Thánh Thần: là sự hiệp thông.
Nhưng đó không chỉ là một hình ảnh, nhưng là thực tế, là thực tại bởi vì Chúa Thánh Thần, Thần Khí mà Chúa Cha đã đổ vào tâm hồn chúng ta qua Chúa Giêsu (x. Gl 4,6), làm cho chúng ta cảm nếm, làm cho chúng ta thưởng thức sự hiện diện của Thiên Chúa: một sự hiện diện gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Chúa Thánh Thần làm với chúng ta như Chúa Giêsu đã làm với Nicôđêmô: Người đưa chúng ta vào mầu nhiệm tái sinh, sự sinh ra của đức tin, đời sống Kitô hữu, Người mặc khải cho chúng ta trái tim của Chúa Cha và làm cho chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa.
Lời mời Người ngỏ với chúng ta, có thể nói, là lời mời ngồi đồng bàn với Thiên Chúa để chia sẻ tình yêu của Người. Đây là điều xảy ra trong mỗi Thánh Lễ, tại bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiến mình cho Chúa Cha và hiến mình cho chúng ta. Vâng, thưa anh chị em, Thiên Chúa của chúng ta là sự hiệp thông của tình yêu: Chúa Giêsu đã mặc khải Người cho chúng ta như thế, và anh chị em có biết chúng ta có thể nhớ được điều này thế nào không? Bằng cử chỉ đơn giản nhất mà chúng ta đã học khi còn nhỏ: dấu Thánh giá. Khi làm dấu Thánh giá trên mình, chúng ta nhớ lại Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta biết bao, đến độ hiến mạng sống vì chúng ta; và chúng ta lặp lại với chính mình rằng tình yêu của Người bao bọc toàn bộ chúng ta, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, như một vòng tay không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đồng thời chúng ta dấn thân làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, tạo nên sự hiệp thông nhân danh Người. Bây giờ, mỗi người chúng ta hãy làm dấu thánh giá trên mình…!
Vì thế hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có làm chứng cho Thiên Chúa – tình yêu không? Hay Thiên Chúa – tình yêu đã trở thành một khái niệm, một cái gì đó đã từng nghe nói đến mà không còn lay động hay mang lại sự sống nữa? Nếu Thiên Chúa là tình yêu, các cộng đoàn của chúng ta có làm chứng cho điều đó không? Các cộng đoàn có biết yêu thương nhau không? Gia đình chúng ta có yêu thương nhau không? Chúng ta có luôn mở rộng cửa, chúng ta có biết chào đón tất cả mọi người như anh chị em không? Chúng ta có cống hiến cho mọi người lương thực của sự tha thứ của Thiên Chúa và niềm vui Tin Mừng không? Chúng ta có hít thở bầu không khí như ở nhà hay nó trông giống như một văn phòng hoặc một nơi riêng tư mà chỉ những người được chọn mới bước vào? Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, và Người đã trao ban sự sống cho chúng ta.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống đời sống Giáo Hội như sống trong ngôi nhà mà chúng ta yêu mến một cách thân thuộc, để tôn vinh Thiên Chúa Cha và Con và Thánh Thần.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tai nạn tàu hoả vừa xảy gia ở Ấn Độ, xin Cha trên trời đón nhận những người đã qua đời. Đồng thời, ngài cũng bày tỏ sự gần gũi với những người bị thương và gia đình của họ.
Nguồn: Vatican News
Những ngộ nhận về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới
Những ngộ nhận về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới
Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Bối cảnh những ngộ nhận
Để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới, các cuộc tham khảo ý kiến sâu rộng đã được phát động và thực hiện tại các giáo phận và trong khuôn khổ các nước qua các Hội Đồng Giám mục liên hệ, trước khi được đúc kết và trao đổi tại các khóa họp Liên Hội Đồng Giám Mục, được phân chia thành 7 miền trên toàn cầu. Đúc kết các trao đổi này đã được gửi về Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tại đây một Ủy ban các chuyên gia đã nhóm họp để từ các ý kiến và đề nghị của các địa phương soạn dự thảo Tài Liệu làm việc vừa nói.
Trong các tiến trình nói trên, dư luận báo chí đặc biệt chú ý đến các vấn đề nóng bỏng như hôn nhân đồng phái, phá thai, độc thân linh mục và cả việc truyền chức thánh cho phụ nữ, hoặc nhiều đề tài khác. Ngoài ra có quyết định của Đức Thánh Cha cho một số thành phần không phải là Giám mục cũng được quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục, giống như các nghị phụ. Từ đó nhiều người nghĩ rằng với cơ cấu “dân chủ hóa” như thế, Thượng Hội đồng Giám mục có thể đi tới những quyết định về các vấn đề nóng bỏng.
Thanh minh của Đức Hồng Y Mario Grech
Trước những dư luận trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Truyền hình Lời Vĩnh Cửu (EWTN) ở Mỹ, truyền đi ngày 25/5 vừa qua, Đức Hồng Y Mario Grech, người Malta, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, cũng là trưởng ban tổ chức công nghị này, đã điều chính những quan niệm sai trái trong dư luận.
Ngài cũng cảnh giác rằng trong tiến trình Thượng Hội đồng đang diễn ra, Giáo hội có nguy cơ đánh mất một “thời điểm ân thánh” nếu chỉ tập trung vào các vấn đề tạo nên những thái cực được nêu lên trong các khóa họp lắng nghe, trong đó có vấn đề hôn nhân đồng phái, phá thai, truyền chức linh mục cho phụ nữ.
Nới rộng sự tham dự của dân Chúa
Đức Hồng Y Grech nhắc lại rằng trong quá khứ, Thượng Hội đồng Giám mục là một thời điểm trong đó chỉ có các Giám mục dấn thân vào. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo nên một chiều kích mới về kinh nghiệm này với sự tham dự của tất cả dân Chúa, trong tinh thần hiệp hành.
Nói một cách đơn sơ hơn, “một Giáo hội hiệp hành, là một Giáo hội thiêng liêng nhiều hơn. Có một cám dỗ thúc đẩy chúng ta biến Giáo hội thành một tổ chức từ thiện, một tổ chức phi chính phủ (ONG), như Đức Thánh Cha vẫn cảnh giác. Giáo hội là thân mình của Chúa Kitô và linh hồn của Giáo hội này chính là Chúa Thánh Thần. Một Giáo hội hiệp hành là một lời mời gọi dân Chúa hãy lãnh nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng giữ vai cính trong tiến trình Thượng hội đồng này.”
Đức Hồng Y Grech xác quyết rằng: “Đối với tôi, lời mời gọi trở thành một Giáo hội hiệp hành là một lời mời gọi hãy dành nhiều chỗ hơn cho Chúa Thánh Thần. Một sự kiện thực tế, một chìa khóa trong tiến trình đơn giản này là sự phân định: làm sao chúng ta phân định điều mà Chúa Thánh Thần đang thông truyền cho Giáo hội ngày nay?”
“Một trong các phương pháp thực sự hữu hiệu trong các khóa họp cấp đại lục là điều mà chúng tôi gọi là sự hoán cải thiêng liêng: sự hoán cải theo Thánh Thần hay hoán cải hiệp hành. Khi chúng tôi gặp nhau để thảo luận và lắng nghe trong các phiên họp, đó không chỉ là những phiên họp thuần túy con người. Chúng ta phải cầu khẩn Chúa Thánh Thần, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa. Chẳng vậy, Giáo hội sẽ là dự phóng của tôi, dự phóng của chúng ta, nhưng Giáo hội không phải là của chúng ta. Giáo hội thuộc về Chúa Kitô”.
Thành phần không Giám mục tại Thượng Hội Đồng
Về việc tham gia của những người không phải là Giám mục vào Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm nay ở Roma, Đức Hồng Y Grech giải thích rằng:
“Thượng Hội đồng là một khóa họp dành cho các Giám mục và sẽ tiếp tục là khóa họp của các Giám Mục. Bản chất của Thượng Hội đồng Giám mục vẫn không thay đổi. Nhưng, qua sự lắng nghe dân Chúa, Đức Thánh Cha quyết định mời cả những người không phải là Giám mục tham dự Thượng Hội đồng. Những người không phải là Giám Mục, không có nghĩa là chỉ có các giáo dân, nhưng gồm cả các linh mục, phó tế, những người thánh hiến nam nữ, và cả các phó tế vĩnh viễn. Tổng số những thành phần không Giám mục không vượt quá 25%.”
“Sở dĩ duy trì tỷ lệ như vậy là vì chúng tôi không muốn thay đổi bản chất của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Sự hiện diện của các thành phần khác của dân Chúa nói lên rằng đó là toàn thể dân Chúa…”.
“Dân Chúa đã tham gia ngay từ đầu tiến trình này và nay cũng đang tham gia giai đoạn chót của tiến trình. Sự hiện diện của họ ở đó. Các Giám mục ở đó vì các vị là mục tử, và không có đoàn chiên nếu không có một mục tử. Và không có mục tử nếu không có đoàn chiên.”
Những vấn đề nóng bỏng
Về những vấn đề nóng như hôn nhân đồng phái, phá thai và truyền chức cho phụ nữ, Thượng hội đồng về hiệp hành sẽ xử lý như thế nào?
Đức Hồng Y Grech minh định rằng: “Trong giai đoạn đầu tham khảo ý kiến tức là giai đoạn lắng nghe, nhiều vấn đề khác nhau đã được nêu lên như vừa nói. Đây là lần đầu tiên dân Chúa được cơ hội lên tiếng về các vấn đề ấy. Giáo hội lắng nghe các nhu cầu của họ. Và tôi không ngạc nhiên vì một số điểm nóng nay lại được nhắc đến. Nhưng đến lúc nào đó, tôi và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên cho khóa Thượng Hội đồng Giám mục này, đã gửi một thư cho tất cả các Giám Mục, nêu rõ sự kiện đề tài của Thượng Hội đồng này là Giáo hội hiệp hành. Các vấn đề khác sẽ không bị gạt bỏ, nhưng chúng tôi sẽ đặt chúng ở phía sau, vì chúng không phải là những vấn đề được giải quyết trong Thượng Hội đồng đặc biệt này. Nếu chúng ta đi vào những vấn đề đó trong thời điểm này, thì chúng ta sẽ mất cơ hội quý giá, một thời điểm ân phúc, một suy tư về cách thức làm sao chúng ta thực sự giúp Giáo hội hiệp hành hơn và kiến tạo những không gian trong đó mọi phần tử của dân Chúa, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của các mục tử, có thể thực sự góp phần vào việc loan báo Tin Mừng.”
Đặc tính tư vấn của Thượng Hội Đồng Giám Mục
Đức Hồng Y Grech cũng minh xác: “Bản chất của Thượng Hội đồng Giám mục chỉ là tư vấn, vì quyết định chung kết vẫn là của Đức Thánh Cha. Khi Đức Phaolô VI thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục ngài xác định mục đích là để giúp, tham vấn với Đức Thánh Cha”.
“Tôi nghĩ có việc nhận quyết định và đưa ra quyết định. Lắng nghe toàn dân Chúa, đặc biệt các Giám mục tụ họp trong thượng Hội Đồng Giám Mục, là thành phần của việc đưa ra các quyết định, giúp soi sáng cho Đức Thánh Cha để phân định.”
“Chúng ta có thừa tác vụ Giám Mục, đặc biệt trong các Giáo hội địa phương, có thể bảo đảm để dân khỏi đi trệch đường trong phân định của họ. Và đối với toàn thể Giáo hội, thì chúng ta có Đức Thánh Cha, có sứ vụ Phêrô thực sự giúp và bảo đảm cho toàn thể Giáo hội thi hành thánh ý Chúa.”
Đức Hồng Y Grech không quên cảnh giác những người đang đặt dân Chúa trong vị thế đối nghịch với hàng giáo phẩm vì trong tiến trình hiệp hành mỗi người được lên tiếng, một số người nghĩ chúng ta đang trên đường tiến tới một kiểu dân chủ. Nhưng Giáo hội không phải là dân chủ. Giáo hội tự bản chất là phẩm trật. Thừa tác vụ của các Giám Mục, sứ vụ Phêrô là một ơn của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội, và chúng ta cần quý chuộng gìn giữ”.
Nhắc nhở của Đức Thánh Cha
Những điều minh xác trên đây của Đức Hồng Y Mario Grech cũng là điều nằm trong chủ ý của Đức Thánh Cha, như ngài đã nhắc nhở trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa Nhật 28/5 vừa qua tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài nói:
“Thượng Hội đồng đang tiến hành là và phải là ‘một con đường theo Thánh Thần: đó không phải là một nghị viện để đòi hỏi các quyền và những nhu cầu theo chương trình hành động của thế gian, không phải là một dịp để đi theo chiều gió, nhưng là cơ hội để trở nên ngoan ngoãn đối với hơi thở của Thánh Thần”. Vì trong biển lịch sử, Giáo hội chỉ ra hải hành với Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội” (S. Phaolo VI, Diễn Văn trước Hồng Y đoàn đến chúc mừng lễ bổn mạng, 21/6/1976), Thánh Thần là trọng tâm của tính hiệp hành (sinodalità), là động cơ của việc loan báo Tin Mừng. Không có Thánh Thần thì Giáo hội sẽ bất động, đức tin chỉ là một giáo thuyết, luân lý chỉ là một nghĩa vụ, mục vụ chỉ là một công việc. Nhiều khi chúng ta nghe những người gọi là tư tưởng gia, thần học gia mang lại cho chúng ta những đạo lý lạnh lùng, như thể là toán học, vì thiếu Thần Khí bên trong. Trái lại với Thánh Thần, đức tin là sự sống, là tình thương của Chúa chinh phục chúng ta và đức cậy nảy sinh. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần ở trung tâm của Giáo hội, nếu không con tim chúng ta sẽ không nồng cháy tình yêu đối với Chúa Giêsu, nhưng chỉ yêu bản thân mình…”
Tính trần tục thiêng liêng, một sự tự say mê bản thân của người Kitô hữu
TÍNH TRẦN TỤC THIÊNG LIÊNG, MỘT SỰ TỰ SAY MÊ BẢN THÂN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Charles Wright
Được hiểu như là tìm kiếm chính mình, thái độ này, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, là mối nguy hiểm chính của Giáo hội.
“Nó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội”, ngài đã nói như thế vào năm 2007 trên một nhật báo tiếng Ý, lúc ngài đang là Hồng y[1]. Sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài đã biến tính trần tục thiêng liêng thành một trong những chủ đề chính của giáo huấn của mình. Từ những bài giảng cho đến những Tông huấn, ngài không ngừng cảnh giác chống lại điều mà ngài gọi là “bệnh ung thư”, “bệnh phong cùi”, một “con sâu gặm nhấm hủy hoại từ từ”, một “hiểm họa” to lớn cho Giáo hội, “một sự bại hoại” trong đời sống thiêng liêng, một “cám dỗ nguy hiểm”, một đe dọa “nguy hiểm hơn, vì tinh vi hơn là sự bội giáo”, “tồi tệ hơn thời các Giáo hoàng tư tình”…
Trọng tâm của khái niệm này càng đáng ngạc nhiên hơn vì nó không thuộc về từ vựng truyền thống của Giáo hội. Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô gán nguồn gốc của nó cho ĐHY Henri de Lubac, người mà, trong cuốn “Méditation sur l’Eglise” (1953), nói về nó như là “mối hiểm họa lớn nhất”, thì cha đẻ của kiểu nói này là Dom Anschaire Vonier, Viện phụ của một đan viện Biển Đức ở Anh[2]. Chính vị Viện phụ này nói rõ rằng ý nghĩa mà ngài đưa ra cho kiểu nói này không tương ứng với những gì “chúng ta thường hiểu”.
Coi mình là trung tâm thế giới
Những gì được nhắm đến không phải là sự kiện yêu thích những cái trần tục hay danh tiếng. Cha Dominique Salin, giáo sư thần học linh đạo ở Centre Sèvres[3], khẳng định: “Tính trần tục thiêng liêng chỉ rõ việc con người quay về chính mình. Vì thế, trước hết nó là một thái độ thần học: từ chối quay lưng lại với chính mình để hướng nhìn về Thiên Chúa”.
Régis Burnet, chuyên viên Thánh Kinh ở Đại học Công giáo Louvain-la-Neuve, giải thích: “Chính xung quanh tinh thần “thế gian” nơi thánh Gioan hay điều mà thánh Phaolô gọi là “sống theo xác thịt” mà chúng ta tìm thấy nền tảng của khái niệm này vốn không tồn tại trong Thánh Kinh, nhưng đúng hơn phát xuất từ một sự xây dựng văn hóa dần dần”. Cha Salin xác nhận: “Khái niệm bào trùm những gì mà các Giáo phụ sa mạc gọi là “hư danh”, thánh Augustinô gọi là “yêu mình”, và các nhà tu đức Pháp thế kỷ XVII gọi là tự ái, nghĩa là tìm kiếm chính mình hay “tinh thần chiếm hữu” đối với tu sĩ Dong Tên Lallemant”. Dưới những tên gọi khác nhau, đó luôn là cùng một tội lỗi: coi mình là trung tâm của thế giới, và do đó quên mất Thiên Chúa.
Làm cho Kitô giáo có nguy cơ trở thành một tôn giáo thế tục
Vì thế, tính trần tục rình rập Giáo hội khi Giáo hội khuất phục hai cám dỗ. Trước tiên, cám dỗ “tự quy ngã”, theo kiểu nói của Đức Thánh Cha: thay vì là mặt trăng phản chiếu mặt trời là Chúa Kitô, “Giáo hội nghĩ mình nắm giữ ánh sáng của riêng mình”. Lúc đó, Giáo hội không còn lắng nghe và loan báo Lời Chúa để “sống trong chính mình, bởi chính mình và cho chính mình”[4]. Tiếp đến, cám dỗ của chủ nghĩa nhân bản, quên mất Chúa Kitô. Điều mà Đức Thánh Cha gọi là “Kitô giáo không có thập giá”. Ngài nói: “Chúng ta có thể xây dựng nhiều, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thì chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ nhân đạo, chứ không phải là Giáo hội, Hiền Thê của Chúa”. Do đó, dưới một hình thức tinh tế, chủ nghĩa nhân bản này xuất phát từ cùng một tật xấu: đặt con người ở trung tâm, xếp Thiên Chúa vào hàng thứ hai. Và khiến Kitô giáo có nguy cở trở thành một tôn giáo thế tục.
Vì thế, tính trần tục thiêng liêng có phải là nét riêng của hàng giáo sĩ không ? Thành thật mà nói, những hành xử cụ thể mà nó thể hiện luôn rình rập mọi Kitô hữu, tu trì hay không. Đức Thánh Cha viết: “Đằng sau vẻ bề ngoài của lòng mộ đạo và ngay cả vẻ bề ngoài yêu mến Giáo hội”, điều đó cuối cùng là “tìm kiếm vinh quang nhân loại thay vì vinh quang của Chúa”[5].
Cơn sốt của duy hoạt động hay sở thích quyền lực
Điều đó có thể diễn ra dưới những hình thức rõ ràng: sự hư danh của một số mục tử, những người coi “những dấu hiệu danh dự trở thành mục tiêu đầu tiên”, hay sở thích quyền lực nơi những người sử dụng Giáo hội để thăng tiến sự nghiệp, với một ”tâm lý ông hoàng”. Nhưng sự tự say mê bản thân này cũng biến hóa thành những thái độ tinh vi hơn. Việc tìm kiếm chính mình lúc đó sẽ được ngụy trang dưới vẻ bề ngoài của lòng tốt và tâm linh cao cả. Dominique Salin phân tích: “Trong “Niềm vui Tin Mừng”[6] nơi ngài phân loại các loại trần tục khác nhau, Đức Thánh Cha lần theo những động cơ tiềm ẩn này với một tài năng chuyên viên luân lý xứng đáng với văn sĩ La Bruyère”.
Trước tiên, có “sự hấp dẫn của chủ thuyết ngộ đạo”, của một “đức tin khép kín trong bệnh chủ quan”. Cha Salin giải thích: xu hướng rất thời thượng là “tự điều chỉnh tôn giáo của mình, chủ thể trở thành thước đo của mọi sự”. Hay thậm chí “chủ nghĩa tân Pêlagiô tự quy ngã” nơi các Kitô hữu, những người khoe khoang “trung thành với một phong cách Công giáo đặc thù nào đó trong quá khứ”. Cha Salin giải thích: “Thể thức phức tạp này nhắm đến tất cả những ai đặt niềm tin vào các nghi thức, thực hành”. “Họ nói: Tôi rước lễ dưới các hình thức, tôi rước lễ vào dịp Lễ Phục Sinh, vì thế tôi được cứu độ”. Nhưng họ tìm kiếm Thiên Chúa hay sự an toàn của họ?”
Đức Thánh Cha cũng trích dẫn trường hợp các linh mục bị lôi cuốn bởi sơn sốt duy hoạt động, hoặc say sưa với thành công, hoặc trở thành những người quản lý, được trang bị bởi số liệu thống kê, ít bảo vệ “ Dân Thiên Chúa hơn là Giáo hội như một tổ chức”. Cha Salin kết luận: “Không thể liệt kê tất cả các biến thể của nó. Điều quan trọng là phải hiểu rằng tất cả chúng ta, ở những mức độ khác nhau, đều bị ảnh hưởng bởi tính trần tục này mà những hiện thân của nó là những hậu quả hữu hình về mặt xã hội của tội nguyên tổ trong đời sống của Giáo hội”.
Làm thế nào tránh được sự tàn phá của điều xấu xa này vốn “làm choáng váng còn hơn cả uống rượu trắng với trống rỗng” và dẫn đến “cuộc sống hai mặt”, tội của người Pharisêu tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng, những lòng lại xa Ngài ? Đức Thánh Cha đưa ra một số phương thuốc: tiếp xúc với người nghèo ; kết hiệp với Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện ; cuối cùng, ra khỏi chính mình và mở ra cho những vùng ngoại vi “vốn giải thoát chúng ta khỏi việc chỉ tập trung vào chính mình, ẩn mình đằng sau một vẻ bề ngoài đạo đức mà không có Thiên Chúa”.
“Một dạng trở thành ngôi sao có thể làm sẩy chân”
Cha Geoffroy de la Tousche, cha sở giáo xứ Dieppe
“Đối với một cha sở, tính trần tục thiêng liêng trước hết là cám dỗ ở-giữa-chính-mình. Chúng ta phải gánh nhiều trách nhiệm đến nỗi có nguy cơ tự nhủ: “Tôi có một ngàn giáo dân, thế cũng không đến nỗi tệ !” Như thế, chúng ta vẫn ở giữa chúng ta, ở yên giữa mọi người, chúng ta thấy mình tốt đẹp, và chúng ta nghĩ mình có phúc. Sự tự mãn này làm cho giáo xứ trở thành thước đo của chún gta, chứ không phải là thước đo của Tin Mừng. Cũng có nguy cơ bị say sưa bởi những lời khen ngợi, tâng bốc, quyền lực. “Cha thật tuyệt vời, thật may mắn thay cha ở đây!” Dạng “trở thành ngôi sao” này có thể làm sẩy chân. Cũng có nạn giấy tờ, hành chính. Thế nhưng, Chúa Giêsu không đến trần gian để chủ tọa các buổi hội họp! Chủ nghĩa hình thức quản lý này bóp nghẹt sự nhiệt thành, sứ mạng. Thực ra, trong đời sống của một linh mục, mọi thứ đều góp phần vào tính thế tục, đó là sự kiện cố định, đóng băng trong một vai trò, một thái độ, thay vì chuyển động, loán báo Tin Mừng, điều chỉnh thừa tác vụ của mình cho phù hợp với những gì chúng ta nghe được ở bên ngoài. Điều bảo vệ tôi khỏi sự xấu xa này, đó là quỳ gối mỗi sáng trước thánh giá, và đi ra hết sức có thể để gặp gỡ mọi người trong đời thường của họ”.
“Nguy cơ bám lấy tiêu chí hiệu quả của thế gian”
Florence de Leyritz, đồng sáng lập khóa đào tạo “Các mục tử như lòng Ta mong ước”
“Khi phát động khóa đào tạo về điều hành mục vụ, “Các mục tử như lòng Ta mong ước”, chúng tôi đã ghi nhớ lời cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những vị hữu trách này của Giáo hội đang áp dụng các mô hình quản lý và tổ chức xuất thân từ thế giới kinh doanh. Qua đó, Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở chúng ta rằng nguy cơ về tính trần tục mà Giáo hội gặp phải khi Giáo hội quá gắn bó với các tiêu chí hiệu quả của thế gian. Ơn gọi của Giáo hội không phải là trở thành một tổ chức đẹp đẽ, có cơ cấu tốt, với những mục tiệu số lượng tốt đẹp; tất cả những điều này chỉ là những phương tiện để phục vụ cho mục đích của mình: loan báo Nước Thiên Chúa cho mọi người. Vấn đề không phải là thần tượng hóa các tiến trình, công cụ, kỹ thuật, phương thức quản trị, nhưng là đặt chúng phục vụ các Kitô hữu để họ dấn thân cho điều mà Đức Thánh Cha đòi hỏi bằng cả trái tim: sự hoán cải sứ mạng và mục vụ của các giáo xứ mà ơn gọi của chúng không phải là lo việc kinh doanh của cửa hàng – hình thức nghiêm trọng nhất của tính trần tục thiêng liêng -, nhưng là loan báo Chúa Kitô cho toàn thế giới”.
Tý Linh
(theo Charles Wright, nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (03.06.2023)