Tin Giáo Hội Hoàn Vũ 30.05.2023–Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng – Chúa Nhật 28/5

Sau khi dâng Thánh Lễ Chúa Thánh Thần, lúc 12 giờ trưa, Chúa Nhật 28/5, ĐTC Phanxicô đã cùng đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC Phanxicô nói đến hoa trái của Thánh Thần là làm cho các môn đệ mạnh dạn, mở toang cánh cửa.

Bài huấn dụ trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Tin Mừng đưa chúng ta đến Phòng Tiệc Ly, nơi các tông đồ đã trú ẩn sau khi Chúa Giêsu chịu chết (Ga 20:19-23). Vào chiều Phục Sinh, Đấng Phục Sinh hiện diện trong chính hoàn cảnh sợ hãi và đau khổ đó, và thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (c. 22). Như vậy, với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu muốn giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi giam hãm họ trong nhà, để họ có thể ra đi trở thành chứng nhân và loan báo Tin Mừng. Vì thế, chúng ta hãy dừng lại suy tư đôi chút về điều này: Thần Khí giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi.

Các môn đệ đã đóng cửa lại, Tin Mừng nói, “vì sợ hãi” (c. 19). Cái chết của Chúa Giêsu đã làm họ tan nát, những giấc mơ của họ đã vỡ vụn, những hy vọng của họ đã tan biến. Và họ nhốt mình trong nhà. Không chỉ là trong căn phòng, mà còn bên trong trái tim. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: bị nhốt mình bên trong. Đã bao nhiêu lần chúng ta tự nhốt mình bên trong chính mình? Đã bao nhiêu lần, vì một hoàn cảnh khó khăn nào đó, một vấn đề cá nhân hay gia đình nào đó, nỗi đau khổ đang ghi dấu chúng ta hay sự dữ mà chúng ta hít thở quanh mình, chúng ta có nguy cơ dần dần rơi vào tình trạng mất hy vọng và thiếu can đảm để tiến tới? Điều này xảy ra nhiều lần. Và rồi, giống như các tông đồ, chúng ta tự nhốt mình, nhốt mình trong mê cung của những lo toan.

Anh chị em thân mến, việc “tự nhốt mình” này xảy ra khi, trong những tình huống khó khăn nhất, chúng ta để cho nỗi sợ hãi lấn át và tạo nên “tiếng vang dội” bên trong chúng ta. Do đó, nguyên nhân là sự sợ hãi: sợ không làm được, sợ đơn độc đối mặt với những trận chiến hàng ngày, sợ mạo hiểm và sau đó thất vọng, lựa chọn sai lầm. Nỗi sợ hãi làm tê liệt, bất động. Và nó làm cô lập: chúng ta hãy nghĩ đến nỗi sợ hãi của người khác, của những người ngoại quốc, của những người khác biệt, của những người suy nghĩ khác. Và thậm chí có thể có sự sợ hãi Chúa: rằng Người sẽ trừng phạt tôi, rằng Người nổi giận với tôi… Nếu chúng ta nhường chỗ cho những nỗi sợ hãi sai lầm này, những cánh cửa sẽ đóng lại: những cánh cửa của trái tim, của xã hội, và cả những cánh cửa của Giáo hội! Ở đâu có sự sợ hãi, ở đó cửa đóng lại. Và điều đó không tốt.

Tuy nhiên, Tin Mừng đưa ra cho chúng ta phương thuốc của Đấng Phục Sinh: Chúa Thánh Thần. Người giải phóng khỏi nhà tù của sự sợ hãi. Khi lãnh nhận Thần Khí, các tông đồ – chúng ta mừng lễ hôm nay – rời phòng tiệc ly và đi vào thế giới để tha tội và loan báo tin mừng. Nhờ Người, nỗi sợ hãi được khắc phục và các cánh cửa mở ra. Bởi vì đây là điều mà Thần Khí làm: Người làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa và vì thế tình yêu của Người xua tan sợ hãi, soi sáng con đường, an ủi và nâng đỡ trong nghịch cảnh. Vì thế, trước những nỗi sợ hãi và đóng cửa, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta, cho Giáo hội và cho toàn thế giới: để một Lễ Hiện Xuống mới có thể xua đuổi những nỗi sợ hãi đang tấn công chúng ta và thắp lại ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Đức Maria Rất Thánh, Đấng đầu tiên được đầy tràn Thánh Thần, chuyển cầu cho chúng ta.

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người dân sống ở biên giới giữa Myanmar và Bangladesh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cơn bão: ảnh hưởng đến hơn tám trăm nghìn người, ngoài ra còn có nhiều người Rohingya đang sống trong những điều kiện bấp bênh. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với những người bị ảnh hưởng và ngài cũng kêu gọi những người có trách nhiệm tạo điều kiện để những người bị ảnh hưởng có thể tiếp cận được viện trợ nhân đạo, đồng thời ngài cũng kêu gọi tinh thần liên đới của con người và giáo hội để giúp đỡ những anh chị em này.ĐTC Phanxicô cũng nhắc lại và mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng sắp tới về hiệp hành vào Thứ Tư tới, 31/5, tại các đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới. “Chúng ta xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với giai đoạn quan trọng này của Thượng hội đồng với sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ.”

Cuối cùng, ngài chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Nguồn: Đài Vatican News

https://tonggiaophanhue.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-hoan-vu/kinh-lay-nu-vuong-thien-dang-chua-nhat-28-5/

Ngành ngoại giao Tòa Thánh

Thực vậy, không có tôn giáo nào dấn thân về mặt nhân đạo và hòa bình qua các hoạt động ngoại giao như trường hợp Giáo Hội Công Giáo.

Vài dòng lịch sử lịch sử

Nhìn lại lịch sử, sau những thế kỷ đầu tiên bị bách hại, các vị Giáo Hoàng vẫn thường gửi các sứ giả của các ngài đến gặp các chính quyền cũng như các cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Tuy nhiên thói quen gửi các vị Sứ Thần Tòa Thánh ổn định cạnh các chính phủ chỉ bắt đầu với Đức Giám Mục Angelo Leonini tại Venezia từ ngày 30/04/1500. Thói quen này dần dần được thực hiện tại các nước khác.

Cách đây 153 năm, tức là vào năm 1870, khi nước Tòa thánh bị Ý chiếm và sáp nhập, Đức Giáo Hoàng Piô IX quyết định không ra khỏi nội thành Vatican nữa. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng 4 cường quốc bấy giờ là đế quốc Áo Hung, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sẽ rút đại sứ khỏi Roma, như vẫn thường xảy ra khi một quốc gia không hiện hữu nữa, bởi lẽ duy trì một đại sứ cạnh vị giáo hoàng tự coi mình là “tù nhân” ở Vatican thì có ý nghĩa gì đâu? Thế nhưng các cường quốc ấy đã không làm như vậy và các chính phủ liên hệ mau lẹ xác nhận rằng các đại sứ của họ không được ủy nhiệm nơi Quốc gia của Giáo Hội, nhưng là nơi Tòa Thánh. Đây là nguyên tắc vẫn được duy trì từ đó đến nay.

Thực vậy, hiện nay không có nước nào lập quan hệ ngoại giao với Quốc gia Thành Vatican, một khu đất nhỏ 44 hecta. Nhưng các nước lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, như một cơ quan đầu não của Giáo Hội Công Giáo với hơn 1 tỷ 300 triệu tín hữu trên thế giới.

Từ 4 nước có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với Tòa Thánh hồi năm 1870, đến đầu năm nay có 183 quốc gia có quan hệ này, trong đó có 92 vị đại sứ thường trú ở Roma. Điều này chứng tỏ uy tín tinh thần của Đức Thánh Cha và Tòa thánh đã gia tăng đáng kể qua dòng thời gian, với nỗ lực phục vụ công ích của các dân tộc, phục vụ hòa bình thế giới và bênh vực các quyền con người.

Ảnh hưởng tinh thần của Tòa Thánh

Một câu hỏi thường được nói đến khi nói về đoàn ngoại giao các nước cạnh Tòa thánh, đó là các nước này được lợi gì khi thiết lập hoặc duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, bởi vì vị đại sứ của họ tại Vatican không nói chuyện với Tòa thánh về vấn đề tài chánh, kinh tế, mậu dịch, hoặc các hiệp định liên minh quân sự hay phòng thủ.

Câu trả lời là: các nước giàu mạnh, khi lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, thường muốn chứng tỏ cho thế giới thấy họ cùng theo đuổi những lý tưởng cao thượng mà Tòa thánh cổ võ. Tiếp đến, ai cũng phải nhận rằng Vatican là một nguồn tin tức phong phú từ các nơi trên thế giới gửi về, hay nói theo ông Thomas Melady, một trong những đại sứ đầu tiên của Mỹ cạnh Tòa thánh, thì “Vatican là một đài quan sát” quan trọng mà không cường quốc nào có thể bỏ qua.

Đối với những nước nhỏ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, càng làm cho họ thấy thế đứng của mình trong cộng đồng quốc tế được bảo đảm và được biết tới hơn. Nhiều chính phủ còn nuôi ý tưởng thầm kín và nghĩ rằng với quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, họ có thể nói chuyện thẳng với Tòa thánh và tạo sức ép trên những giám mục ở trong nước đang gây khó khăn cho họ.

Trong nội bộ Giáo Hội

Trong công đồng chung Vatican II, Đức Hồng Y Suenens, bấy giờ là Tổng Giám Mục giáo phận Bruxelles bên Bỉ, đã lên tiếng đề nghị bãi bỏ ngành ngoại giao Tòa Thánh vì cho rằng các vị sứ thần và khâm sứ chẳng qua chỉ là những người do Tòa Thánh gửi đến để canh chừng, kiểm soát Giáo Hội địa phương và làm cho các giám mục mất tự do. Ngoài ra, trong một khóa họp của THĐGM thế giới, Đức Hồng Y Basil Hume, Tổng Giám Mục Westminster kiêm chủ tịch HĐGM Anh quốc, dưới ảnh hưởng của trào lưu nữ quyền, đã đề nghị Tòa Thánh chọn các phụ nữ làm sứ thần Tòa Thánh, thay vì chỉ chọn các Tổng Giám Mục.

Những đề nghị của các vị này đi ngược quy định của Đức Giáo Hoàng Piô XII và được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tái khẳng định hồi năm 1962, rằng các vị sứ thần Tòa Thánh, hay khâm sứ, cả khi mới bắt đầu sứ vụ, chứ không phải vài năm sau đó, được ban phẩm vị Giám Mục, không phải đây là một vinh dự, nhưng đúng hơn để nhấn mạnh chức năng liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương.

Giáo Luật

Giáo luật hiện hành dành 6 điều khoản, từ số 362 đến 367, để nói về các vị sứ thần và các phái viên của Đức Thánh Cha. Theo đó, Đức Thánh Cha có quyền bổ nhiệm các phái viên làm đại diện cho ngài và gửi họ tới các Giáo Hội địa phương ở các nước, hoặc tới các chính phủ hoặc quốc gia. Nhiệm vụ chính yếu của các vị sứ thần hay khâm sứ là lo liệu để mối dây hiệp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và hiệu quả hơn. Công tác của các vị là thông tri cho Tòa Thánh về tình hình Giáo Hội địa phương và về tất cả những gì liên hệ tới chính đời sống của Giáo Hội và thiện ích của các linh hồn. Tiếp đến là giúp đỡ các giám mục địa phương, tuy phải tôn trọng việc hành sử hợp lệ quyền bính của các ngài. Thứ ba là đề nghị danh sách các ứng viên cho Tòa Thánh để bổ nhiệm làm giám mục. Thứ tư là cùng với các giám mục bênh vực tất cả những gì liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội và của Tòa Thánh trước mặt chính phủ, vân vân.

Đức Thánh Cha Phanxicô và các Sứ thần Tòa Thánh

Trong kế hoạch cải tổ Giáo triều và Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm các đại diện của ngài tại các quốc gia và Giáo Hội địa phương.

Trong bối cảnh đó và trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, sáng ngày 17/9/2016, Đức Thánh Cha đã đồng tế thánh lễ với 106 vị Đại diện Tòa Thánh và sau đó đã gặp gỡ các vị để nhắn nhủ về việc chu toàn sứ mạng được ủy thác.

Trong bài huấn dụ dài tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha nhiệt liệt cám ơn các vị Đại diện Tòa Thánh vì lòng quảng đại, tận tụy và hy sinh trong việc chu toàn sứ mạng liên kết giữa Người Kế Vị Thánh Phêrô và các Giáo Hội địa phương, kiến tạo và thăng tiến tình hiệp thông là “nhựa sống cho đời sống Giáo Hội và cho việc loan báo sứ điệp của Giáo Hội”.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc nhở các vị Đại diện Tòa Thánh hãy “phục vụ trong tinh thần hy sinh như những sứ giả khiêm tốn, như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: ‘Hoạt động của vị Đại diện Tòa Thánh trước tiên là một việc phục vụ quý giá cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ và mọi tín hữu Công Giáo ở địa phương, họ tìm được nơi vị Đại diện Tòa Thánh một sự nâng đỡ và bảo vệ, trong tư cách ngài đại diện một quyền bính cao hơn, để mưu ích cho tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Nếu không có lòng khiêm tốn thì không dịch vụ nào có thể thực hiện được hoặc có đặc tính phong phú. Sự khiêm tốn của một Sứ Thần Tòa Thánh được biểu lộ qua lòng yêu mến đối với đất nước và Giáo Hội nơi ngài được kêu gọi phục vụ”.

Đức Thánh Cha khuyến khích các vị Đại diện Tòa Thánh không những chỉ “quan sát, phân tích và tường trình”, nhưng còn cần “gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, đề nghị và cộng tác, để làm nổi bật lòng yêu mến chân thành, thiện cảm và cảm thông đối với dân chúng và Giáo Hội địa phương”.

Ngài cũng nhận xét: “Ngày nay, những đe dọa từ bên ngoài của sói, bắt cóc và tấn công đoàn chiên, làm cho đoàn chiên hoang mang, phân tán và bị phá hủy vẫn còn là điều thời sự. Sói ngày nay vẫn có những điểm giống như trước, đó là sự thiếu thông cảm, đố kỵ, gian ác, bách hại, xóa bỏ sự thật, chống lại sự tốt lành, khép kín đối với tình yêu, đố kỵ về văn hóa, và nghi kỵ…”

Đức Thánh Cha không quên nhắc các vị Đại diện Tòa Thánh hãy dành thời giờ cho các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, các giáo xứ, các tổ chức văn hóa và xã hội… Hãy tháp tùng Giáo Hội địa phương với tâm hồn của một vị mục tử. “Cần di động. Những thư từ và bá cáo lạnh lùng không đủ. Những điều nghe nói mà thôi không đủ. Còn cần phải nhìn tận mắt hạt giống tốt của Tin Mừng đang triển nở thế nào. Đừng đợi người ta đến gặp anh em để trình bày một vấn đề hoặc muốn giải quyết một việc. Anh em hãy đi tới các giáo dân, các dòng tu, các giáo xứ, các chủng viện, để hiểu Dân Chúa đang sống, suy nghĩ và thắc mắc thế nào. Nghĩa là anh em hãy thực sự biểu lộ một Giáo Hội ‘đi ra ngoài’, ‘một bệnh viện dã chiến’, có khả năng sống chiều kích của Giáo Hội địa phương, của đất nước và của tổ chức mà anh em được sai tới”.

Đức Thánh Cha cho biết một quan tâm sâu xa của ngài là việc tuyển chọn các Giám Mục tương lai và ngài đã nói với Bộ Giám Mục đề ra danh sách những đức tính và khả năng mà các vị Chủ Chăn của Giáo Hội ngày nay phải có: các Giám Mục phải là chứng nhân của Đấng Phục Sinh chứ không phải là những người theo lý lịch; các Giám Mục phải là người cầu nguyện, quen thuộc với những điều từ trên cao và không bị đè bẹp vì gánh nặng từ bên dưới; các Giám Mục phải có khả năng đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa ‘trong kiên nhẫn’; các Giám Mục phải là mục tử, chứ không phải là những ông hoàng hoặc công chức”.

Đức Hồng Y Mario Grech Nói Về Thượng Hội Đồng: Chúng Tôi Không Có Chương Trình Nghị Sự

Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng hội đồng trong buổi nói chuyện với Andreas Thonhauser, Giám đốc Văn phòng EWTN Roma, được phát sóng trên EWTN vào ngày 22. 5. 2023.  (Hình: EWTN Vatican)

Andreas Thonhauser

Hôm 22.05.2023, Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám mục đã dành cho đài EWTN cuộc phỏng vấn độc quyền, xoay quanh những vấn đề về tiến trình Hiệp hành đang diễn ra trong Giáo hội. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Đức Hồng y:

Thưa Đức Hồng y, ngài chịu trách nhiệm trong việc tổ chức cuộc họp Thượng hội đồng vào tháng 10 tới đây. Thượng hội đồng không phải là điều gì xa lạ nhưng lần này là Thượng hội đồng về Hiệp hành. Theo quan điểm của Đức Hồng y, tại sao Giáo hội cần một Thượng hội đồng về tính Hiệp hành?

Đây là hai từ khác nhau, synod (Thượng hội đồngvà synodality (Hiệp hành tính). Có thể có Hiệp hành mà không có Thượng hội đồng. Nhưng không có Thượng hội đồng mà không có Hiệp hành.

Tôi không có ý chơi chữ. Điều có thể xảy ra là chúng ta có một Đại hội của Thượng hội đồng mà không có tinh thần Hiệp hành. Chúng ta có thể và cần phải trở thành một Giáo hội Hiệp hành hơn, ngay cả khi không có một Thượng hội đồng.

Thượng hội đồng là một thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo hội. Trước đây, Thượng hội đồng là sự kiện chỉ có các giám mục tham gia. Đức Thánh Cha Phanxicô đã giới thiệu một chiều kích mới của trải nghiệm này liên quan đến tất cả dân Chúa.

Mọi người đều được mời để suy tư, cầu nguyện và góp phần nhằm giúp chúng ta trở thành một Giáo hội hơn. Suy cho cùng, khi chúng ta nói về tính Hiệp hành là chúng ta đang nói về chính Giáo hội.

Đức Hồng y có thể diễn tả một cách ngắn gọn làm sao để Giáo hội để trở nên Hiệp hành hơn?

Nói một cách đơn giản, một Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội tâm linh hơn. Như Đức Thánh Cha nhấn mạnh, có một cám dỗ là chúng ta biến Giáo hội thành một tổ chức phi chính phủ (NGO). Giáo hội là nhiệm thể của Chúa Kitô và linh hồn (anima) của Giáo hội là Chúa Thánh Thần.

Một Giáo hội Hiệp hành là một lời mời gọi dân Chúa đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng là nhân vật chính trong tiến trình Hiệp hành này. Chúa Thánh Thần là vị giữ vai trò chủ đạo của tiến trình này.

Đối với tôi, lời mời gọi tiến tới một Giáo hội Hiệp hành là một lời mời dành nhiều không gian hơn cho Chúa Thánh Thần. Thực ra, từ khóa trong tiến trình đơn giản này là sự phân định: Chúng ta có thể phân định điều mà Chúa Thánh Thần đang truyền đạt cho Giáo hội ngày nay như thế nào?

Một trong những phương pháp thực sự hiệu quả trong các Đại hội Châu lục là điều mà chúng ta gọi là cuộc đối thoại trong Thần Khí: Cuộc đối thoại tâm linh hay cuộc đối thoại hiệp hành.

Khi gặp gỡ để thảo luận và lắng nghe trong các phiên họp, vốn không thuần tuý là những phiên họp của con người. Chúng ta phải khẩn cầu Chúa Thánh Thần, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, Giáo hội sẽ là dự án của tôi, dự án của chúng ta, nhưng Giáo hội không phải là của chúng ta. Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô.

Đức Hồng y có thể giải thích lý do tại sao những người không phải là giám mục hiện đang được mời tham gia vào Đại hội của Thượng hội đồng Giám mục sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Rôma không ạ?

Thượng hội đồng là một Hội đồng dành cho các giám mục và nó vẫn sẽ là một Hội đồng thuộc giám mục. Bản chất của Hội đồng sẽ không thay đổi. Nhưng qua việc lắng nghe dân Chúa, Đức Thánh Cha đã quyết định mời cả những người không phải là giám mục tham dự Thượng hội đồng.

Khi nói đến những người không phải là giám mục, chúng ta không chỉ muốn nói đến giáo dân mà còn cả linh mục, phó tế, những người tận hiến, tu sĩ và phó tế vĩnh viễn. Tổng số những người không phải giám mục là dưới 25%.

Tại sao là tỷ lệ phần trăm này? Chúng ta không muốn thay đổi bản chất của Hội đồng. Thượng hội đồng là một hội đồng của các giám mục. Sự hiện diện của những thành viên khác của dân Chúa diễn tả toàn thể dân Chúa, nhưng sự hiện diện của họ cũng là sự hiện diện để bảo đảm rằng tiến trình này được các giám mục tham gia Thượng hội đồng thừa nhận.

Dân Chúa đã tham gia tiến trình này ngay từ đầu thì giờ đây cũng tham gia vào giai đoạn cuối của tiến trình. Sự hiện diện của họ là ở đó. Các giám mục ở đó vì các ngài là những mục tử, và không có đàn chiên nào mà không có mục tử. Và không có mục tử nào mà không có đàn chiên.

Suy tư về Giáo hội Hiệp hành đã đưa ra những vấn đề nóng chẳng hạn như hôn nhân đồng tính, phá thai và phong chức cho phụ nữ. Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành cần giúp giải quyết những vấn đề này như thế nào?

Trong giai đoạn đầu của tiến trình tham vấn hoặc lắng nghe, nhiều vấn đề đã được nêu ra, như bạn vừa đề cập. Đây là lần đầu tiên mọi người có cơ hội để lên tiếng về những vấn đề này. Giáo hội đã lắng nghe nhu cầu của họ. Và tôi không ngạc nhiên khi một số vấn đề nóng giờ đây đã trở nên nổi bật. Nhưng có lần, tôi và Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng này, đã gửi một lá thư cho tất cả các giám mục, nhấn mạnh thực tế rằng chủ đề cụ thể của Thượng hội đồng lần này là về Giáo hội Hiệp hành.

Những vấn đề khác sẽ không bị loại bỏ nhưng chúng tôi tạm gác những vấn đề ấy lại vì chúng không phải là những vấn đề cần được giải quyết tại Đại hội của Thượng hội đồng này. Nếu đi sâu vào những vấn đề đó vào thời điểm đặc biệt này, chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội vàng, một khoảnh khắc ân sủng, một suy tư về làm sao chúng ta có thể thực sự giúp Giáo hội trở nên Hiệp hành hơn và tạo ra những không gian, nơi tất cả các thành phần dân Chúa, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của các mục tử, có thể góp phần vào việc loan báo Tin Mừng.

Vì vậy, điều này cần được minh bạch và chúng tôi đã cố gắng để nói một cách rõ ràng. Một lần nữa, không phải là chúng ta đang bỏ qua một số vấn đề do dân Chúa nêu ra. Những vấn đề này cần được quan tâm. Nhưng tôi tin, và đây là niềm tin cá nhân của tôi, rằng một khi chúng ta trở nên Hiệp hành hơn, các nhà thần học trở nên Hiệp hành hơn, thì chúng ta sẽ ở vị thế tốt hơn để giải thích Tin Mừng cho dân Chúa, và cũng giải quyết một số vấn đề cụ nào đó.

Trong một cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Đức Hồng y có lo rằng một số chương trình nghị sự sẽ thống lĩnh Thượng hội đồng không, Đức Hồng y đã nói rằng Đấng duy nhất có thể chiếm quyền điều khiển Thượng hội đồng là Chúa Thánh Thần.

Tôi thực sự tin rằng thời khắc ân sủng này sẽ giúp chúng ta trở nên tâm linh hơn, bởi vì những cơn gió của thế tục cũng có thể thổi vào Giáo hội và chúng ta phải lưu tâm tới. Chúng tôi không có chương trình nghị sự. Chương trình nghị sự đã được thiết lập sẵn, được thiết lập trong Tin Mừng, và được thiết lập do chính Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải suy tư và lắng nghe Lời Chúa, dưới ánh sáng của Truyền thống, và của Huấn quyền.

Ngày nay chúng ta không bắt đầu một trang mới, như thể chưa có gì xảy ra trong quá khứ mà là luôn có một sự liên tục. Nhưng để tham gia vào cuộc đối thoại tâm linh này, vào cuộc hoán cải tâm linh này, bởi vì đòi phải có một cuộc hoán cải, chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, để có thể quỳ gối trước sự hiện diện của Chúa.

Tự bản chất Thượng hội đồng có tính tham vấn. Sau khi đã tham khảo ý kiến của rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các giám mục và cả những người không phải là giám mục, Đức Hồng y có nghĩ rằng Thượng hội đồng cần trở thành một cơ quan hợp pháp hơn nữa của Giáo hội bằng việc đưa ra các lá phiếu mang tính bắt buộc không?

Tôi không thể tự mình đưa ra tuyên bố về vấn đề này. Và rất thực lòng, tôi muốn Đại hội của Thượng hội đồng nói điều gì đó về vấn đề này. Nhưng, như bạn vừa nói, bản chất của Đại hội của Thượng hội đồng là tham khảo ý kiến, bởi vì cuối cùng đó là quyết định của Đức Thánh Cha. Khi Đức Phaolô VI thiết lập Thượng hội đồng, mục đích là để giúp Đức Thánh Cha, để tham vấn với Đức Thánh Cha.

Tôi nghĩ rằng có việc nhận quyết định và ra quyết định. Việc lắng nghe tất cả dân Chúa, nhất là các giám mục được triệu tập tại Đại hội của Thượng hội đồng, là một phần của tiến trình ra quyết định này, vốn sẽ soi sáng cho Đức Thánh Cha để thực hiện sự phân định của riêng ngài.

Có sự phân định mang tính giáo hội đang diễn ra. Tôi cũng nói rằng, luôn dựa trên điều này, chúng ta có hồng ân thừa tác vụ giám mục trong các Giáo hội địa phương là điều có thể bảo đảm rằng mọi người sẽ không lạc hướng trong sự phân định của mình. Và đối với toàn thể Giáo hội, chúng ta có Đức Thánh Cha, thừa tác vụ Phêrô, thực sự nâng đỡ và bảo đảm cho toàn thể Giáo hội rằng chúng ta đang làm theo ý Chúa.

Đã có sự phê bình liên quan đến tiến trình Thượng hội đồng về Hiệp hành. Vậy thì có sự chỉ trích nào khiến Đức Hồng y lo lắng mà Đức Hồng y muốn đề cập đến không?

Trước hết, tôi hiểu những người còn nghi ngờ, sợ hãi hoặc có quan điểm khác biệt.

Đối với tôi, sự phê bình rất có giá trị và nó sẽ giúp ích cho tất cả chúng ta trong tiến trình phân định. Không ai phải bị loại trừ, ngay cả người chỉ trích hoặc phản đối, mọi người cần được đón nhận. Đừng quên rằng chúng ta là một gia đình. Và phải mất thời gian cho đến khi các ý tưởng chín muồi, cho đến khi người ta thực sự hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Tôi cũng có những nỗi sợ hãi của mình. Ví dụ, những người đang chống lại dân Chúa và hàng giáo phẩm hiện nay, bởi vì trong tiến trình Hiệp hành này, mọi người đều được phép lên tiếng, một số người có thể nghĩ rằng chúng ta đang trên đường dẫn đến một loại dân chủ. Giáo hội không phải là một chế độ dân chủ.

Giáo hội là phẩm trật, phẩm trật cấu thành. Thừa tác vụ của các giám mục, thừa tác vụ Phêrô, là hồng ân của Chúa Thánh Thần dành cho Giáo Hội. Và chúng ta cần trân trọng điều đó.

Vì vậy, nếu những người đang chống đối, chẳng hạn như đám đông, dân Chúa với hàng giáo phẩm, điều đó thực sự làm tôi đau lòng, bởi vì chúng ta phải cùng nhau bước đi, tôn trọng tất cả các đặc sủng và thừa tác vụ.

Các thừa tác vụ là một hồng ân đối với Giáo hội. Và thừa tác vụ có thể đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta đang đi đúng lộ trình.

Nhiệm vụ truyền đạt và giải thích tiến trình Hiệp hành của Đức Hồng y không tất nhiên trở nên dễ dàng hơn với một tiến trình song song ở châu Âu đã thu hút nhiều sự chú ý – Con đường công nghị tại Đức. Đức Hồng y nghĩ gì về điều này và Con đường công nghị được nhìn nhận như thế nào trong bối cảnh của Thượng Hội đồng phổ quát về Hiệp hành?

Thật không may, Con đường Công nghị tại Đức đã phát ra những sung năng tiêu cực đến toàn thể Giáo hội. Tôi đã ở Châu Phi, tôi đã ở Bangkok, và tôi lắng nghe những người có chút do dự và lo lắng về những gì đang diễn ra ở Đức.

Nhưng tôi luôn nói rằng, liệu chúng ta có thực sự biết điều gì đang xảy ra trong Giáo hội, trong Giáo hội chị em của chúng ta ở Đức không? Có hai trải nghiệm Hiệp hành khác nhau.

Tại Đức, không phải là một Thượng hội đồng. Đó là một hành trình Công nghị. Người ta gọi đó là một Con đường Công nghị. Về mặt giáo luật, theo như tôi biết, đó không phải là một công nghị giáo phận hay một công nghị quốc gia,

Đó là hai trải nghiệm mang tính giáo hội khác nhau. Trải nghiệm ở Đức đang cố gắng giải quyết các vấn đề vốn là thách thức thường xuyên đối với Giáo hội tại Đức. Và trải nghiệm còn lại là dành cho toàn thể Giáo hội. Và các chủ đề khác nhau hoàn toàn.

Có lẽ Thượng hội đồng toàn cầu sẽ giúp chúng ta, sẽ hướng dẫn chúng ta tránh những khó khăn khác trong tương lai trong trải nghiệm về tính Hiệp hành.

Đúng là các Giáo hội địa phương cụ thể rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống giáo hội học. Giáo hội được cấu thành từ các Giáo hội địa phương, và đây là Công đồng Vatican II, nhưng không có Giáo hội địa phương tự trị, không có Giáo hội địa phương độc lập với các Giáo hội khác.

Và nếu Hiệp hành tính là một yếu tố quan trọng trong Giáo hội, thì sự hiệp thông giữa các giám mục cũng là một giá trị.

Tôi đang nói về tính Hiệp đoàn. Ví dụ, các giám mục tại Úc, bởi vì các ngài hiện cũng có một công đồng toàn thể, các giám mục ở Ireland, các giám mục ở Đức cũng có trách nhiệm và thách đố riêng. Và chúng tôi phải giúp đỡ anh em của mình giải quyết những khó khăn.

Nhưng các giám mục không tự trị, các giám mục là một phần của giám mục đoàn, và có những vấn đề thuộc về toàn thể Giáo hội cần được tất cả các giám mục cùng nhau giải quyết, cùng với Đức giáo hoàng.

Điều này có thể cho chúng ta hy vọng về trải nghiệm ở Đức. Tôi thực sự tin tưởng vào các anh em giám mục của tôi ở Đức rằng các ngài có thiện chí. Và tôi hy vọng các Giám mục tại đây sẽ tìm ra câu trả lời xứng hợp cho những vấn đề được nêu ra trong trải nghiệm công nghị, và cho những vấn đề mà dân Chúa ở Đức đang đặt ra.

Liệu có những yêu cầu rằng các đề xuất ở Đức đã được bỏ phiếu cũng như thông qua phải được thêm vào trong chương trình nghị sự của Thượng hội đồng Giám mục hoàn vũ chăng?

Không. Chúng là 2 trải nghiệm khác nhau. Thượng hội đồng cho toàn thể Giáo hội là về tính Hiệp hành. Giờ đây, nếu có những yếu tố trong trải nghiệm công nghị của Đức liên quan đến tính Hiệp hành, thì tại sao lại không? Nhưng không phải tất cả mọi thứ đã diễn ra theo Con đường công nghị ở Đức đều phù hợp với trải nghiệm Hiệp hành của toàn thể Giáo hội, nên tôi xin nhắc lại, đó là 2 trải nghiệm khác nhau.

Liệu có những yếu tố Hiệp hành dành cho Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới ở Lisbon không?

Một kết quả từ tất cả các Hội đồng Châu lục đó là chúng tôi nhận ra rằng chúng ta cần tạo ra nhiều không gian hơn cho thế hệ trẻ. Chúng ta cần tìm một ngôn ngữ mới để có thể giao tiếp với họ. Đây là một thách đố. Và rõ ràng, Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ là một cơ hội.

Ban thư ký của chúng tôi đang nghiên cứu một dự án làm thế nào để hiện diện trong dân chúng để chúng tôi cũng có thể lắng nghe thế hệ trẻ. Bởi vì người trẻ không chỉ là tương lai, mà còn là hiện tại. Và khi đưa ra lời mời gọi những người không phải là giám mục tham dự Đại hội của Thượng hội đồng giám mục, chúng tôi đã yêu cầu các Hội đồng giám mục vui lòng cử cả những người trẻ. Chúng tôi muốn những người trẻ đại diện để tham gia vào tiến trình này.

Đức Hồng y đã kêu gọi mọi người từ khắp nơi trên thế giới đóng góp và tham gia vào tiến trình này. Có bất kỳ ý tưởng loan báo Tin Mừng đầy cảm hứng nào, mà Đức Hồng y có được, đáng để theo đuổi không?

Ý tưởng về Sứ mạng và Hiệp hành được bắt nguồn từ Thượng hội đồng về Giới trẻ. Thực ra, trong tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng đó, giới trẻ và các thành viên Thượng hội đồng đã nói về sứ mạng và Giáo hội mang tính Hiệp hành. Sứ mạng và Hiệp hành tính là 2 mặt của cùng một đồng tiền. Chúng ta cần một Giáo hội Hiệp hành để có thể trở nên hữu hiệu hơn trong sứ mạng của chúng ta.

Ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể thực sự trở nên hữu hiệu hơn? Nếu mọi thành phần dân Chúa ý thức rằng tất cả chúng ta đều là chủ thể của việc loan báo Tin Mừng, thì việc loan báo Tin Mừng đó không chỉ giới hạn cho một tầng lớp cụ thể, một nhóm cụ thể. Nhưng tất cả những ai đã chịu Phép Rửa đều là chủ thể và được Chúa Thánh Thần trao quyền để loan báo Tin Mừng.

Mọi người đều được mời gọi và phải cảm thấy bổn phận ràng buộc để loan báo Chúa Giêsu cho nhân loại ngày nay. Đây là mục tiêu chính trong suy tư của chúng ta về một Giáo hội Hiệp hành.

Đối với tôi, một Giáo hội Hiệp hành chủ yếu là một Giáo hội tâm linh. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn để tránh nguy cơ Giáo hội chỉ trở thành một thể chế, một tổ chức của con người.

Đây là lý do tại sao cách đây vài tháng, chúng tôi đã gửi lời mời đến tất cả các giám mục, để trong tháng Năm này, chúng ta tổ chức một buổi cầu nguyện dưới chân Đức Maria, với sự hiện diện của Mẹ.

Bởi vì Đức Maria, mẹ của Giáo hội, mẹ của chúng ta, Mẹ sẽ hướng dẫn chúng ta, nâng đỡ chúng ta, và đồng hành với chúng ta trong thời khắc đặc biệt này của Giáo hội. Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy tham gia bằng lời cầu nguyện trong thời điểm ân sủng này.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicnewsagency.com (25. 5. 2023)

Nguồn: WHĐ (26.05.2023)

Đức Thánh Cha Tham Dự Buổi Bế Mạc Đại Hội “Các Thành Phố Giáo Dục Sinh Thái”

Đức Thánh Cha tham dự buổi bế mạc Đại hội “Các Thành phố Giáo dục Sinh thái”  (ANSA)

Chiều thứ Năm 25/5, Đức Thánh Cha đã tham dự buổi bế mạc Đại hội “Các Thành phố Giáo dục Sinh thái”, do tổ chức Scholas Occurrentes và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh tổ chức, dành cho 50 thị trưởng đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cách đây một năm, các thị trưởng đã được đào tạo để có thể áp dụng kiến thức trong các lãnh thổ của họ, với sự tiếp nối kinh nghiệm của Thông điệp Laudato si’, được tổ chức Scholas Occurrentes thúc đẩy. Đại hội “Các Thành phố Giáo dục Sinh thái” lần thứ nhất diễn ra từ ngày 23 đến 25/5, với sự tham dự của 50 thị trưởng đến từ các thành phố khác nhau trên thế giới, nhằm “khôi phục cam kết của tất cả các thị trưởng trên thế giới để trở thành các thành phố giáo dục và bền vững”. Ngoài ra, sự kiện còn là một phần kỷ niệm 10 năm Scholas Occurrentes vươn ra tầm thế giới.

Trong buổi bế mạc, Đức Thánh Cha ngạc nhiên trước sự kết nối trực tiếp của tổ chức với nhà hưu dưỡng ở Granada, là một trong những địa điểm Scholas Occurrentes thực hiện chương trình toàn cầu “Ở bên nhau”, bắt đầu trong thời đại dịch, đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha vì một sự hiệp nhất liên thế hệ.

Ngoài ra, chương trình còn có sự tương tác với cộng đoàn Argentina, để nhắc lại nguồn gốc của Scholas Occurrentes như một đáp ứng giáo dục đối với cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế năm 2001. Đây là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của thanh niên và thanh thiếu niên như một thuốc giải độc cho các rạn nứt và phản chính trị.

Tại sự kiện, Đức Thánh Cha đã chúc lành cho buổi khánh thành trụ sở mới của Đại học Buenos Aires, nằm trong toà nhà của Scholas Occurrentes.

Cuối cùng, các thị trưởng đã trình cho Đức Thánh Cha kết quả làm việc trong ba ngày về “hệ sinh thái toàn diện” được nêu trong Thông điệp Laudato si’.

Scholas Occurrentes là một tổ chức được Đức Thánh Cha thành lập tại Argentina lúc ngài còn là Hồng y ở Buenos Aires, Argentina. Khi trở thành Giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã phát triển Scholas Occurrentes thành một tổ chức của Tòa Thánh. Tổ chức kết hợp khoảng 500.000 trường học và mạng lưới giáo dục Công giáo ở 190 quốc, nhằm tài trợ thúc đẩy sự gắn kết của tất cả các trường học trên thế giới, tìm cách chia sẻ các dự án mà các trung tâm giáo dục có, cố gắng phát triển và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là các trường có ít nguồn lực.

Ngọc Yến – Vatican News

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

WGPKT(27/05/2023) KONTUM