Tin Giáo Hội Việt Nam 30.05.2023–THÁNH LỄ TẠ ƠN KHỞI ĐẦU SỨ VỤ CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG

Thánh lễ tạ ơn khởi đầu sứ vụ của Đức cha Phêrô Kiều Công Tùng

WGPPD (28.05.2023) – “Cầu chúc chúng ta trong ngày hôm nay được đón nhận đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần để mỗi người, mỗi cương vị, mỗi bổn phận đều nhận ra sự hiện diện soi sáng của Chúa Thánh Thần để ‘Cùng đi trong Thần Khí’  xây dựng giáo phận thành một giáo hội hiệp hành và loan báo Tin Mừng.”

Đó chính là tâm tình mà Đức Cha Phêrô Kiều Công Tùng ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa giáo phận Phát Diệm khi Ngài chủ sự Thánh lễ tạ ơn khởi đầu sứ vụ mục tử nơi đây vào lúc 10h sáng nay 28/5 – nhằm Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Hiệp dâng Thánh lễ, có sự hiện diện của cha Tổng Đại diện Antôn Phan Văn Tự, quý cha trong hạt Phát Diệm, quý tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa giáo hạt Phát Diệm.

Trong tâm tình tạ ơn Chúa, mở đầu Thánh lễ Đức Cha mời gọi cộng đoàn tưởng nhớ và cầu nguyện cho các bậc tiền nhân, các giám mục, linh mục, tu sĩ đã góp công góp sức xây dựng phục vụ cho giáo phận.

Được gợi hứng từ những lời của Thánh vịnh 103: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần tới để canh tân đổi mới mặt đất này.”, Đức Cha Phêrô đã diễn giải trong bài giảng về sự thao thức khát khao đổi mới của nhân loại, cách riêng đối với giáo phận Phát Diệm khi vừa đón nhận vị mục tử mới.

Ngài nhấn mạnh sự đổi mới đó không đến từ phía con người mà ơn đổi mới là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Mỗi người trong cộng đoàn cần mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, đổi mới trong ngoài bản thân rồi từ đó đổi mới đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn giáo xứ.

Cộng đoàn được mời gọi suy tư về câu hỏi: Làm sao để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần? Khởi đi từ các bài đọc Lời Chúa, Đức Cha chia sẻ ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần được diễn tả qua các hình ảnh biểu tượng như: gió, lưỡi lửa, nói ngôn ngữ tình yêu… Ngài nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần – quà tặng của Đấng Phục Sinh chính là tác nhân nguồn cội của sự đổi mới.

Cuối cùng, một lần nữa Ngài mời gọi cộng đoàn mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần để được tái sinh với một quả tim mới, một cuộc đời mới. Mỗi người được mời gọi trở nên ‘làn gió mới’ của Chúa Thánh Thần, có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Từ đó, vị chủ chăn mới khơi lên cho mỗi người ý thức về sự hiện diện và hồng ân của Chúa Thánh Thần, thôi thúc mỗi người sử dụng ngôn ngữ tình yêu mà dấn thân phục vụ trong bổn phận Chúa trao.

Thánh lễ được tiếp diễn với phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi ban phép lành, cha quản hạt Phát Diệm Phêrô Trần Văn Hoà đã đại diện cộng đoàn, mượn lời trong kinh cầu cho Đức Giám mục, mà bày tỏ tâm tình với Đức Cha mới.

Đáp từ, Đức Cha Phêrô cũng ngỏ lời cám ơn đến mọi thành phần dân Chúa và cầu chúc cho mỗi người được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để cộng tác với Ngài xây dựng đời sống Giáo hội ngày càng thăng tiến hơn.

Ước mong như lời Đức Cha Phêrô, mỗi người trong cộng đoàn luôn biết mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần để được đổi mới tâm hồn và “Cùng bước đi trong Thần Khí” với vị chủ chăn của mình.

Xem thêm hình tại đây!

Nguồn: phatdiem.org

TGP Hà Nội: Mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Biên bản Chương trình Thường huấn Ủy ban Giáo dân – Giáo tỉnh Sài Gòn năm 2023

Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức chương trình thường huấn cho các thành viên của Giáo tỉnh Sài Gòn từ ngày 22 đến ngày 23.05.2023 tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, Giáo phận Bà Rịa. Sau đây là biên bản chương trình thường huấn:

https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/bien-ban-chuong-trinh-thuong-huan-uy-ban-giao-dan-giao-tinh-sai-gon-nam-2023

“Sống Ơn Gọi Nên Thánh để Loan Báo Tin Mừng”

Vào lúc 16g00 ngày 22-05-2023, tại hội trường Nhà hành hương TGP. Sài Gòn tọa lạc tại Bãi Dâu, Giáo phận Bà Rịa, chương trình thường huấn của Ủy ban Giáo dân (UBGD) dành cho các thành viên của Giáo tỉnh Sài Gòn, bao gồm Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX) và các Hội đoàn Công Giáo tiến hành  khai mạc.

Thành phần tham dự viên gồm:

1/ Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Chủ tịch UBGD

2/ Quý cha trong Ban điều hành UBGD

3/ Quý cha đặc trách UBGD tại mười giáo phận trong Giáo tỉnh Sài Gòn

4/ Quý tham dự viên giáo dân cả nam và nữ từ HĐMVGX và các Hội đoàn Công Giáo tiến hành.

Cha Phaolô Phạm Minh Tân, đặc trách UBGD Giáo tỉnh Sài Gòn, Trưởng ban tổ chức phát biểu chào mừng Đức cha Giuse Trần văn Toản, Chủ tịch UBGD, quý cha trong Ban điều hành, quý cha đặc trách UBGD cùng hơn 130 tham dự viên từ mười Giáo phận (GP.): Bà Rịa, Cần Thơ, Đà Lạt, Long Xuyên, Mỹ Tho, Phan Thiết, Phú Cường, TGP. Sài Gòn, Vĩnh Long, Xuân Lộc đã đến với cuộc thường huấn thứ hai của UBGD tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, Giáo phận Bà Rịa; bên cạnh cuộc thường huấn đầu tiên vừa được thực hiện tại Giáo phận Lạng Sơn, Giáo tỉnh Hà Nội và tiếp theo là cuộc thường huấn thứ ba sắp diễn ra tại Giáo phận Đà Nẵng, Giáo tỉnh Huế.

Sau khi thánh hóa, Đức cha Giuse, Chủ tịch UBGD mời gọi toàn thể hội nghị chiêm ngắm hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus, khi đang thất vọng, buồn bã, trên đường trở về quê thì họ được chính Chúa Giêsu hiệp hành. Người hiện diện, lắng nghe, giải thích và tỏ mình ra cho hai môn đệ và họ nhận ra Người. Lòng phấn khởi, vui tươi, hai môn đệ đã quay lại cùng cộng đoàn tại Giêrusalem và tiếp tục sứ vụ của mình. Đức cha bày tỏ ước mong, Chúa Giêsu hiệp hành với chúng ta và cuộc thường huấn bắt đầu từ suy tư này. Bên Đức Mẹ Bãi Dâu, sự hiện diện cùng thiện chí của tất cả tham dự viên như những bông hoa tốt đẹp dâng Chúa, dâng Mẹ, vẽ nên hình ảnh Hội Thánh hiệp thông, tham gia, sứ vụ.

16g30 bắt đầu phần trình bày và thảo luận đề tài, Cha Thư Ký Antôn Hà Văn Minh khởi đầu cuộc thường huấn cùng bài trình bày “Sự bình đẳng về phẩm giá giữa giáo sĩ và giáo dân trong sự hiệp thông cùng nhau loan báo Tin mừng”. Qua một vài ví dụ cụ thể, cha chia sẻ, giải thích giúp minh định, phân định nhiệm vụ của giáo dân và nhiệm vụ của linh mục; trách nhiệm mang tính tập thể giữa linh mục và giáo dân (khi “cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình” LG s. 10). Và ngay sau bài trình bày là thời gian dành cho phần đặt câu hỏi dựa trên đề tài.

Trong bầu khí hiệp hành, tiếp theo bữa ăn là buổi tọa đàm do Đức cha Chủ tịch UBGD làm chủ tọa, Cha Giuse Ý Định, Phó Chủ tịch đặc trách các Hội đoàn điều phối. Các tham dự viên được dịp chia sẻ những suy tư, thắc mắc dựa trên những đề tài được trình bày trong cuốn tài liệu học tập và những câu hỏi được gợi ý chia sẻ trong tinh thần hiệp hành. Từ 19g00 đến 20g30, trong suốt 90 phút, 32 thành viên gồm giáo dân nam, giáo dân nữ và các linh mục, các thành viên chân thành chia sẻ những trăn trở, suy tư từ kinh nghiệm phục vụ của mình, khó khăn, kỉ niệm vui và cả kỉ niệm buồn. Tất cả ý kiến được Đức cha Chủ tịch và quý cha trong Ban điều hành UBGD cũng như quý cha đặc trách UBGD tại giáo phận lắng nghe, trả lời ngay những thắc mắc, các ngài hiện hiện cùng với anh chị em giáo dân trong bầu khí hiệp hành.

20g30 giờ chầu bên Thánh Thể Chúa, trong bầu khí cầu nguyện, sinh hoạt thường huấn của ngày đầu tiên kết thúc trong bình an.

Ngày 23-05-2023, khởi đầu ngày sinh hoạt thứ hai là giờ kinh sáng lúc 5g30. Sau bữa ăn sáng, 7g00 sinh hoạt Giáo tỉnh bắt đầu, mỗi giáo phận trình được dịp bày, chia sẻ về công cuộc truyền giáo tại giáo phận của mình.

Cha Phaolô Phạm Minh Tân, đặc trách UBGD Giáo tỉnh Sài Gòn điều phối buổi sinh hoạt và tóm tắt vài nét chính trong tài liệu (“Một Thoáng Nhìn Về Công Cuộc Truyền Giáo” Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo) giúp gợi ý chia sẻ. Tiếp theo là phần trình bày của mười vị đại diện, những việc làm bác ái thông qua bệnh xá, bếp ăn, những cuộc thăm viếng, những lớp giáo lý dự tòng, những khóa đào tạo thừa tác viên loan báo Tin Mừng (LBTM), an táng thai nhi, cưu mang thai phụ, mở thêm các giáo điểm… là những hoạt động LBTM cụ thể được tổ chức thực hiện tại các giáo xứ, giáo hạt, giáo phận được ghi nhận.

Sau khi lắng nghe tất cả mười phần phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm, Đức cha tổng kết. Ngài nhận thấy hầu hết các phần phát biểu chỉ kể các sinh hoạt mà thiếu lượng giá; trong tất cả những chia sẻ về LBTM, ngài chưa thấy được sự quan tâm đến nguồn tài liệu của Liên hội đồng Giám mục Á Châu (FABC). Tuy dân số châu Á chiếm một nửa dân số thế giới nhưng tỉ lệ người Công Giáo lại chỉ có khoảng 3%. Nhìn vào con số, chúng ta coi chừng ngộ nhận và bi quan, thất vọng, nhưng hướng LBTM chính là loan báo trải nghiệm Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an và chia sẻ bình an của Người cho mọi người, cho 97% người châu Á. Họ tuy không cần tín điều Kitô giáo, nhưng luôn cần bình an mà người Kitô giáo có thể chia sẻ cho. Tại Đài Loan, người Công Giáo chỉ chiếm 0.2% dân số nhưng có đến 70% cơ sở giáo dục Công Giáo tại đất nước này, vì vậy dân được thấm nhuần nền giáo dục Kitô giáo. Trong một cộng đoàn luôn cần có bầu khí nhấn mạnh sứ vụ LBTM, hít thở trong bầu khí LBTM, không bố thí hay xem thường (look down all) và không dùng tiền mua chuộc các linh hồn mà cần phải tôn trọng phẩm giá làm người, ngài góp ý.

Tiếp theo, cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Phó chủ tịch đặc trách HĐMVGX trình bày đề tài “Giáo Dân Sống Bí Tích Thanh Tẩy Trong Việc Xây Dựng Một Giáo Hội Hiệp Hành” với mong muốn cống hiến một cái nhìn đúng đắn về trách nhiệm và bổn phận của người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội hôm nay dựa trên nền tảng của ơn gọi Bí tích Thanh Tẩy. Ngài nhắc lại về tầm quan trọng của giáo dân trong Giáo Hội, nhấn mạnh sứ mạng dấn thân LBTM và giáo dân có trách nhiệm thánh hóa Thế Giới.

Vị thuyết trình viên cuối cùng của cuộc thường huấn là Đức cha Giuse Chủ tịch UBGD cùng đề tài “Linh Đạo Hiệp Hành Của Người Giáo Dân Tông Đồ”. Ba ngôi Thiên Chúa hiệp hành với con người từ trong Cựu Ước đến Tân Ước; một Giáo hội hiệp hành; sự hiệp hành trong cộng đoàn tín hữu: hiệp hành-hiệp thông, hiệp hành-tham gia, hiệp hành-sứ vụ, hiệp hành trong trách nhiệm khác nhau. Linh đạo: hiệp hành để chia sẻ, hiệp hành để phục vụ, hiệp hành để tự hiến, hiệp hành để quy tụ, hiệp hành tiến vào quê hương nước trời. Các Kitô hữu giáo dân hiệp hành với Thiên Chúa và với nhau trong giáo hội để xây dựng sự hòa điệu trong cộng đoàn, cộng đoàn “thành gia đình của Thiên Chúa”.

Cuối cùng, để kết thúc cho buổi tọa đàm khởi đầu từ ngày đầu thường huấn, Đức cha đúc kết mục tiêu huấn luyện và cách thức tổ chức qua việc gửi tài liệu gửi hằng tháng, thường huấn hằng năm, tổ chức đại hội 3 năm một lần. Nhiệm kỳ XV sẽ nhấn mạnh việc quy tụ các đoàn hội đạo đức, thường huấn cho các hội đoàn. Sau cuộc họp cùng Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha nêu ba tiêu chí xác định đoàn hội UBGD phục vụ gồm: những hội nào có chữ “gia đình”, các hội đoàn từ dòng tu, còn các hội đoàn trong giáo phận thì thuộc Giáo phận và do ĐGM GP. quyết định. Ba đề tài giúp huấn luyện trong hai ngày này chính là gợi ý trả lời cho ba câu hỏi: tôi là ai, tôi làm gì, tôi sống cách nào để giúp người giáo dân làm nổi bật căn tính của mình. Cuộc thường huấn tạo bầu khí của một cuộc gặp gỡ, lắng nghe, hiệp hành, có sinh hoạt đạo đức, tọa đàm, ăn uống, gặp gỡ thân tình như một gia đình, gia đình của Chúa. Đức cha mời Cha Thư kí giải thích thêm về cơ cấu phẩm trật trong Giáo hội để anh chị em cùng được dịp hiểu đoàn hội là một Hội Thánh, cơ cấu tổ chức xã hội thuộc về Thiên Chúa. Cơ cấu phẩm trật kết hợp với Chúa Thánh Thần. Xuất phát từ động lực là Chúa Thánh Thần, có phẩm trật chân lý, phẩm trật quản trị Hội Thánh, phẩm trật ân sủng. Trong đó, việc LBTM cùng với đoàn sủng, cùng với cảm thức đức tin, cần phải được đấng bản quyền xác nhận, cho phép, được sự hướng dẫn để phù hợp chân lý, tránh mê tín, sai lầm về đức tin. Áp dụng cho chúng ta, hội đoàn đạo đức là đặc sủng, để mình biết dấn thân xây dựng Hội Thánh, Thánh thiện, Công Giáo, Tông Truyền. Khoảng 30 phút cuối trong buổi sinh hoạt, xoay quanh những ý kiến ghi nhận được trong buổi tọa đàm, Đức cha giải thích, nêu ví dụ cụ thể, ban lời hướng dẫn, gợi ý giải pháp cho từng vấn đề để đi đến kết thúc và để tất cả những tham dự viên đã nêu câu hỏi, chia sẻ suy tư hay những vị lắng nghe và đồng cảm thì đều có thể đón nhận được ý kiến hướng dẫn của ngài.

11:00 Thánh lễ Bế mạc, kết thúc cuộc thường huấn tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu.

Ban Thư ký

Buổi Thường Huấn Dành Cho Giáo Dân Thuộc Giáo Tỉnh Huế Năm 2023

WHĐ (27.05.2023) – Sáng ngày 25.05.2023, Ủy ban Giáo dân (UBGD) sáu giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế: Ban Mê Thuột, Kontum, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn và Nha Trang tề tựu đông đủ tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng, để tham dự hai ngày thường huấn do UBGD trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Củng cố sự hiệp thông để loan báo Tin mừng”.

https://www.giaophandanang.org/buoi-thuong-huan-danh-cho-giao-dan-thuoc-giao-tinh-hue-nam-2023.html

Thành phần tham dự có 65 tham dự viên gồm: Các cha trưởng và phó đặc trách Ban Giáo dân các giáo phận và đại diện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và các Đoàn hội Tông đồ. Về tham dự buổi thường huấn có Đức Cha Giuse Trần Văn Toản – Chủ tịch UBGD, Giám mục Giáo phận Long xuyên. Cha Giuse Lê Quốc Thăng – Phó Chủ tịch UBGD, đặc trách Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Cha Antôn Hà Văn Minh, Tổng thư ký UBGD.

Vào lúc 11g15, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã đến Trung tâm Mục vụ để chào thăm và gửi lời khích lệ cho buổi thường huấn. Đức cha nhấn mạnh việc thường huấn cho anh chị em tín hữu giáo dân trong giai đoạn này thật là khẩn thiết, bởi hơn lúc nào hết Giáo hội ra sức kêu mời anh chị em tín hữu giáo dân hiểu rõ vai trò và chỗ đứng của mình trong Giáo hội để cùng cộng tác với hàng giáo sĩ, cụ thể là các chủ chăn trực tiếp của mình trong việc thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã giao phó cho Giáo hội. Cho nên, việc thường huấn này rất cần thiết và bổ ích.

Đúng 2 giờ chiều ngày 25.05.2023, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Chủ tịch UBGD khai mạc buổi thường huấn. Ngài hướng tham dự viên vào chủ đề của buổi thường huấn: “Củng cố sự hiệp thông để loan báo Tin mừng” với ba bài thuyết trình được trình bày xuyên suốt theo chủ đề:

– Sự liên đới linh mục thừa tác và linh mục cộng đồng trong Giáo hội

– Giáo dân sống Bí tích Thanh tẩy trong việc xây dựng một Giáo hội hiệp hành

– Linh đạo hiệp hành của người giáo dân tông đồ

Vì lý do công việc riêng, buổi thường huấn được bắt đầu với bài thuyết trình thứ II: “Giáo dân sống Bí tích Thanh tẩy trong việc xây dựng một Giáo hội hiệp hành” do cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng trình bày.

Cha Giuse nói về ân sủng của Bí tích Rửa tội, và từ Bí tích này mỗi người tín hữu giáo dân đều nhận được sứ vụ của Giáo hội là loan báo Tin mừng. Người tín hữu giáo dân thực thi sứ vụ này ngay chính trong môi trường sống và làm việc của mình. Công đồng Vatican II đặc biệt đề cao vai trò của giáo dân trong xã hội trần thế. Giáo dân phải dấn thân vào các sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế như gia đình. Cha Giuse nhấn mạnh đến chỗ đứng của người giáo dân trong thế giới như là “linh hồn của thế giới”, theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium số 38. Vì thế, người tín hữu giáo dân cần phải biểu tỏ tinh thần Tin mừng ngay trong cuộc sống trần thế của mình, được gọi là sống chứng nhân giữa đời.

Sau khi nghỉ giải lao, Cha Antôn Hà Văn Minh trình bày đề tài về thần học giáo dân, qua việc khai sáng Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium). Ngài nhấn mạnh đến tư tưởng của Công đồng về Dân Chúa. Theo Công Đồng Vatican II, Dân Chúa bao gồm linh mục và giáo dân. Vì thế, vấn đề về sự liên đới giữa hai thành phần đó trong Giáo hội được đặt ra: Nhiệm vụ (officium) của mỗi một thành phần là gì? Hiến chế “Lumen Gentium” số 10 đã minh định: “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn cả về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình” (LG, số 10).

Cha Antôn nhấn mạnh: Giáo hội được Chúa Kitô thánh hoá, hướng dẫn và dạy dỗ, nên các thành phần trong Giáo hội liên kết với nhau thành một cộng đoàn hiệp thông và trở thành sứ giả của Chúa Kitô trong nhân loại. Cho nên, linh mục và giáo dân có yếu tính riêng tùy theo nhiệm vụ mà mỗi một thành phần có được. Sự phân biệt hai thành phần: linh mục và giáo dân là vì đặc tính cốt yếu của hai thành phần đó. Mỗi một thành phần hiện hữu là vì thành phần kia. Sự đa dạng phong phú của cương vị các nhiệm vụ trong Giáo hội thuộc về bản chất của Giáo hội. Vì thế, giữa giáo sĩ và giáo dân tuy có phân biệt, nhưng cả hai đều có chung một sứ vụ, đó là loan báo Tin mừng, cho nên cả hai luôn cần có nhau để hoàn tất sứ vụ. Việc loan báo Tin mừng sẽ không đạt tới mục đích nếu giáo sĩ và giáo dân không chung tay cùng tiến bước trên con đường hiệp hành.

Kết thúc ngày thường huấn đầu tiên là một cuộc hành trình hành hương về Đức Mẹ Trà Kiệu. Đến bên Mẹ Trà Kiệu để nhận ra tình mẫu tử của Mẹ dành cho dân Việt cách chung và cách riêng cho giáo dân vùng Trà Kiệu đang trong cơn nguy khốn vì tình hình bắt bớ đạo Chúa; để khám phá Mẹ hiện diện trên mảnh đất Trà Kiệu là một sự hiện diện không phân biệt đạo đời, Mẹ đến với mọi người, và nhất là nhận ra sự quan tâm của Mẹ về tình cảnh nghèo khó của dân Việt, Mẹ không yêu cầu xây một đền đài, mà chỉ biết giơ tay đỡ nâng con cái đang cơn túng cực.

Một ngày thường huấn khép lại sau cuộc hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu là lời khẩn cầu bên Đền thánh Anrê Phú Yên tại Giáo họ Phước Kiều, Quảng Nam.

Ngày thường huấn thứ hai 26.05.2023 được tiếp tục với bài chia sẻ của Đức cha Giuse, Chủ tịch UBGD, với chủ đề: “Linh đạo hiệp hành của người giáo dân tông đồ”. Trong bài thuyết trình, Đức cha Giuse nhấn mạnh tính hiệp hành trong Giáo hội và ngài mời gọi mỗi người khám phá sự hiệp hành này qua năm mầu nhiệm Mân Côi được rút ra từ các mầu nhiệm: Sự Vui, Sự Sáng, Sự Thương và Sự Mừng:

– Người tín hữu giáo dân tông đồ sẽ là hiện thân của Đức Giêsu Emmanuel – Hiệp hành để Chia sẻ kiếp sống làm người, từ trong cung lòng của Mẹ Maria, đến gia đình Nazareth, đến cộng đoàn Do Thái giáo, đến lịch sử nhân loại. Ngài hiện diện trong lòng của một người phụ nữ, Ngài được dìm mình vào hoàn cảnh xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo địa phương, để trở thành hiện thân của Chúa Kitô xây dựng sự hòa điệu.

– Khi chiêm ngắm Đức Giêsu nhập thể nơi anh chị em mình trong hoàn cảnh xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo địa phương đặc thù và người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân của Chúa Giêsu giữa gia đình nhân loại, Hiệp hành để Phục vụ, điển hình là Bữa Tiệc ly: Rửa chân và trao ban chính mình cho con người.

– Đức Kitô mà người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân là Người Tôi tớ đau khổ, Hiệp hành để Tự hiến cuộc sống này cho anh chị em chung quanh “được sống và được sống dồi dào”. Con đường thánh giá, từ phòng tiệc ly đến đồi Calvario là điển hình cho sự hiện diện để tự hủy và tự hiến cho anh chị em mình.

– Người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân của Chúa Giêsu sống tinh thần ngày Lễ Ngũ Tuần, ở đó mọi ngôn ngữ đều có thể lắng nghe, hiểu và công bố Thiên Chúa tình yêu. Kết quả là một cộng đoàn được hình thành và phát triển như mầm giống của Hội thánh và của Nước Thiên Chúa. Người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân của Chúa Giêsu, Hiệp hành để quy tụ được Chúa Thánh Thần với hình lưỡi lửa trên đầu, ra đi để xây dựng Nước Thiên Chúa, trở nên mọi sự cho mọi người.

– Người tín hữu tông đồ giáo dân là hiện thân của Chúa Giêsu sống gắn bó với Đức Mẹ, trong biến cố truyền tin, tại tiệc cưới Cana, trong cuộc khổ nạn, trong cộng đoàn Giáo hội, và trên đường tiến về Nhà Cha, để sẽ được lên trời như Mẹ Maria. Tầm nhìn về 4 sự sau: chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục, sẽ là định hướng cho sinh hoạt hiệp hành của người tín hữu tông đồ giáo dân. Đây là Hiệp hành tiến vào quê hương Nước Trời.

Những lời trên cho thấy các kitô hữu giáo dân tông đồ hiệp hành với Thiên Chúa và với nhau trong Giáo hội (là giáo sĩ, là tu sĩ, là giáo dân) để xây dựng sự HÒA ĐIỆU trong cộng đoàn.

Người kitô hữu giáo dân tông đồ, hiệp hành với Chúa, với nhau để cùng hiệp hành với con người thời đại, với những người đang thực hành đức tin, với những người có nguy cơ mất cảm thức đức tin, và với những anh chị em chưa được nghe Tin mừng Chúa Kitô, để xây dựng cộng đoàn “thành gia đình của Thiên Chúa”.

Sau bài thuyết trình là buổi hội thảo với các ý kiến của tham dự viên. Buổi hội thảo thật sôi nổi vào hào hứng, nhưng vì thời gian có hạn, nên ban tổ chức đành phải cho ngưng buổi thảo luận, làm mọi người thấy thật tiếc!

Hai ngày thường huấn khép lại qua Thánh lễ tạ ơn được cử hành tại Nguyện đường Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng. Đức Cha Giuse, Chủ tịch UBGD đã nhắn nhủ mỗi người tín hữu phải nhận ra căn tính của mình: tôi là ai? Là tín hữu giáo sĩ, là tín hữu tu sĩ, là tín hữu giáo dân, phải nhận ra rõ căn tính của mình để khám phá ra vai trò và nhiệm vụ của mình trong Giáo hội, mới có thể cùng nhau tiến bước trên con đường hiệp hành.

Kế đến, từng người tín hữu khi khám phá căn tính của mình, thì cũng phải nhận ra ân huệ của từng người nhận lãnh trong Bí tích Rửa tội, nhận ra sự bình đẳng về phẩm giá của mỗi người trong cộng đoàn Dân Chúa, để từng người nỗ lực sống thánh thiện theo đúng bản chất mà ân sủng Bí tích Rửa tội trao ban.

Khi sống ân sủng này, cũng có nghĩa là mỗi người được mời gọi trở thành người tông đồ, và trong công việc tông đồ không ai đơn độc một mình, nhưng tất cả cùng hiệp thông với nhau, cùng làm việc với nhau trong vườn nho của Chúa tùy theo ơn gọi và bậc sống của từng người, nhưng tất cả chung chia một sứ vụ duy nhất là làm mọi người trở thành môn đệ của Chúa theo lệnh truyền mà Người đã trao ban trước khi Người về trời.