LƯỢC SỬ GIÁO XỨ NGỌC LÂM

GIÁO XỨ NGỌC LÂM

KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP

1973 – 2023

 

Nhà thờ gỗ từ năm 1974 -1990

Nhà thờ được xây mới từ năm 1993 – 2012

Nhà thờ được trùng tu từ năm 2012-2022

Nhà thờ được trùng tu lại từ năm 2022

 

CÁC ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

 
ĐỨC CỐ GIÁM MỤC

GIUSE

LÊ VĂN ẤN

(1916 – 1974)

09/01/1966 – 17/06/1974

  ĐỨC CỐ GIÁM MỤC

ĐAMINH

NGUYỄN VĂN LÃNG  (1921 – 1988)

04/09/1974 – 22/02/1988

 
ĐỨC CỐ GIÁM MỤC

PHAOLÔ MARIA

NGUYỄN MINH NHẬT

(1926 – 2007)

16/07/1975 – 17/01/2007

  ĐỨC CHA ĐAMINH

NGUYỄN CHU TRINH

NGUYÊN GIÁM MỤC

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

11/11/2004 – 07/05/2016

ĐỨC CHA

GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO

NGUYÊN GIÁM MỤC

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

05/04/2013 – 03/03/2021

  ĐỨC CHA

GIOAN ĐỖ VĂN NGÂN

01/06/2017 đến nay

 
ĐỨC CHA

TÔMA NGUYỄN VĂN TRÂM

NGUYÊN GM PHỤ TÁ

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

07/05/1992 – 22/11/2005

  ĐỨC CHA

TÔMA VŨ ĐÌNH HIỆU

NGUYÊN GM PHỤ TÁ

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

10/10/2009 – 24/12/2012

TRI ÂN QUÝ ĐỨC CHA LIÊN HỆ

 
ĐỨC CỐ GIÁM MỤC

PHÊRÔ MARIA

PHẠM NGỌC CHI

GIÁM MỤC

GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG

  ĐỨC CỐ GIÁM MỤC

PHILÍPPHÊ

NGUYỄN KIM ĐIỀN

TỔNG GIÁM MỤC

GIÁO PHẬN HUẾ

 

 

 

 

                                                       

 

 

ĐÔI DÒNG TRI ÂN

Cộng đoàn Giáo xứ Ngọc Lâm xin chân thành tri ân:

 

Quý Đức Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc.

Cha Cố Giuse Maria Phạm Quang Thiều, Chánh xứ Tiên Khởi.

Quý Cha Quản Hạt và quý Cha Hạt Phương Lâm.

Quý Cha chánh xứ,

Quý Cha phó xứ, quý Thầy xứ,

Quý Hội Dòng, quý Tu sĩ nam nữ,

Quý chức Ban Hành Giáo,

Quý Cố, quý Ông Bà và anh chị em giáo dân trong giáo xứ còn sống hay đã qua đời,

Quý vị ân nhân trong và ngoài giáo xứ, quý thân hữu xa gần đã góp phần xây dựng và phát triển Giáo xứ Ngọc Lâm từ khi thành lập cho đến hôm nay.

Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, bổn mạng Giáo xứ, nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý vị.

 

LỜI MỞ ĐẦU

Giáo xứ Ngọc Lâm – Kỷ niệm 50 năm thành lập (1973-2023)”. Xin ghi lại đôi dòng lịch sử nhằm thực hiện ước nguyện của Cha Cố Giuse Maria Phạm Quang Thiều, người Cha khả kính đã sinh ra giáo xứ Ngọc Lâm và cũng là ước muốn của quý cha xứ, quý tu sĩ, quý cố, quý chức và các thành phần trong cộng đoàn giáo xứ.

Đây hoàn toàn mang tính nội bộ, nhằm lưu lại những biến cố, những kỷ niệm đáng ghi nhớ của Giáo xứ, tránh sự mai một, lãng quên về sau. Những tư liệu, hình ảnh đã có sẵn, được lưu lại từ quý chức qua các nhiệm kỳ, và được cập nhật thêm do quý chức đương nhiệm.

Chắc chắn rằng, còn có nhiều thiếu sót vì sự thu thập không chính xác và đầy đủ do thời gian; mặt khác, đây là công việc được làm của những người không chuyên nên còn vụng dại, thô thiển. Xin kính mong sự độ lượng, chỉ giáo của Quý vị để kịp thời chỉnh sửa, nhằm lưu lại những kỷ niệm chính xác và trung thực nhất cho thế hệ sau này.

 

Ban Hành Giáo – Giáo xứ Ngọc Lâm.

 

 

 

 

Khi nói về sức mạnh tiềm tàng của Nước Trời, Chúa Giêsu đã đưa ra hình ảnh hạt cải bé nhỏ gieo vào lòng đất, rồi mọc lên thành cây lớn (x. Mt 13, 31-32). Sức mạnh phát triển ấy là do quyền năng của Thiên Chúa.

Hình ảnh “Hạt cải phát triển thành cây lớn” ấy cũng rất thích hợp để nói về sự phát triển của Giáo xứ Ngọc Lâm sau thời gian 50 năm, tính từ ngày thành lập. Từ ngày đầu tiên khi Cha Cố Giuse Maria cùng với 1.160 người tiên phong đặt bước chân trên mảnh đất này, thì đến nay, năm 2023, đã có tới hơn 16.000 giáo dân đang sinh cơ lập nghiệp. Cái khô cằn của vùng đất đá ong, cái đói nghèo vất vả của đời sống kinh tế khó khăn lúc ban đầu dường như cũng không thể cản được sức phát triển ngày thêm lớn mạnh của xứ đạo. Các cơ sở vật chất lần lượt được xây dựng và nâng cấp, các hội dòng đoàn thể, các giới được hình thành và phát triển, các sinh hoạt mục vụ thêm đa dạng, phong phú và đi vào chiều sâu… Tất cả có được là nhờ mọi thành phần dân Chúa cùng một lòng một ý đặt niềm tin vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, sự trông cậy vào lòng từ ái của Mẹ Maria và đặc biệt sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse bổn mạng cũng như sự hiệp nhất yêu thương giữa mọi thành phần dân Chúa.

50 năm nhìn lại để nhận thấy rằng, đó là 50 năm ân phúc.

50 năm nhìn lại để xác tín rằng, chính Chúa là Đấng hằng yêu thương ấp ủ, dưỡng nuôi.

50 năm nhìn lại để quyết tâm rằng, lớp cháu con sau phải luôn lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của Giáo xứ đã gầy dựng được từ bao năm, đó là tinh thần kỷ luật, hiệp nhất và yêu thương trong Đức Kitô. Đây chính là mong ước của bao đấng bậc, của những thế hệ đi trước nhắn gửi lại lớp người sau…

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ NGỌC LÂM

Giáo xứ Ngọc Lâm hiện nay nằm trên địa bàn thuộc xã Phú Xuân và Phú Thanh huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Giáo xứ Ngọc Lâm có diện tích chiều dài 02 km dọc quốc lộ 20 từ cây số 128-130, chiều ngang khoảng 16 km từ Bàu Mây giáp sông La Ngà đến Bàu Chim giáp Núi Tượng. Tổng diện tích 32 km2. Có ranh giới như sau:

Đông giáp xứ Thọ Lâm và xứ Quang Lâm.

Tây giáp xứ Bích Lâm.

Nam giáp xứ Giang Lâm và Vinh Lâm

Bắc giáp  xứ Văn Lâm và Tịnh Lâm.

Có dân số: 21.250 người

Có 4.521 Gia đình Công giáo với 16.531 Giáo dân.

Hiện có 14 Giáo Họ: Rạng Đông, Tử Đạo, Truyền Tin, Mẫu Tâm, Mẹ Thiên Chúa, Thăm Viếng, Mân Côi, Vô Nhiễm, Trinh Vương, Giuse Thợ, Mông Triệu, La Vang, Bàu Chim và GHBL Bàu Mây.

 

 

 

 

CÁC VỊ CHỦ CHĂN GIÁO XỨ

Cha cố Giuse Maria

PHẠM QUANG THIỀU

Chánh xứ Tiên khởi

1973 – 1995

Qua đời 26/11/2004

Cha Giuse

TRẦN PHÚ SƠN

Chánh xứ

1995 – 2004

Cha Giuse

ĐINH VĂN HUẤN

Chánh xứ

2004 – 2006

Cha Gioan Baotixita

NGUYỄN VĂN HƯNG

Chánh xứ

2006 – 2013

Cha  Giuse

PHẠM ĐÌNH HIỀN

Chánh xứ

2013 – 2017

Cha Raymualdo

TRẦN QUỐC THẮNG

Chánh xứ

2017 cho đến nay

 

 

 

QUÝ CHA PHÓ

 

Cha Giuse

ĐỖ VĂN NGUYÊN

Phó xứ

1974 – 1982

 Cha Giuse

TRẦN PHÚ SƠN

Phó xứ

1989 – 1995

   
 Cha Giuse

ĐỖ ĐỨC CHÍNH

Phó xứ

2000 – 2002

Cha Giuse

PHẠM NGỌC DUY

Phó xứ

2002 – 2006

 Cha Giuse

PHẠM ĐÌNH HIỀN

Phó xứ

15/5/2006 đến 15/11/2006

 Cha Giuse

ĐINH VĂN THÀNH

Phó xứ

2006 – 2007

   

 

 Cha Giuse

ĐỖ MẠNH DŨNG

Phó xứ

2006 – 2008

 Cha Micae

NGUYỄN CHÍ HÙNG

Phó xứ

2007 – 2008

 Cha Giuse

NGUYỄN THANH CAO

Phó xứ

2008 – 2009

Cha Vinh sơn

VŨ XUÂN NHÂN

Phó xứ

2008 – 2011

 

 

 
Cha Gioan Baotixita

PHẠM ĐỨC NHÂN

Phó xứ

2009 – 2011

Cha Alphongsô

HỒ NGỌC THẮNG

Phó xứ

2011 – 2012

Cha Phêrô

NGUYỄN PHI HOÀNG

Phó xứ

2011 – 2012

Cha Augustinô

NGUYỄN THỨ LỄ

Phó xứ

2012 – 2014

 

 

 
 Cha Cosma

HOÀNG VĂN DŨNG

Phó xứ

2012 – 2015

Cha Giuse

ĐỖ NĂNG THỨC

Phó xứ

2014 – 2017

Cha Mátthêu

LÊ LỰC

Phó xứ

2015 – 2017

Cha Phêrô

TRẦN ANH KHÔI

Phó xứ

Đặc trách GHBL Bàu Mây

2017 – 2020

Cha Đaminh

NGUYỄN HỮU THỨC

Phó xứ

2017 – 2020

Cha Giuse Vinhsơn

NGUYỄN NHẬT TRỌNG KHANH

Phó xứ

Đặc trách GHBL Bàu Mây

2020 cho đến nay

Cha Gioan Baotixita

NGUYỄN VŨ THANH SƠN

Phó xứ

2020 cho đến nay

Cha Martinô

NGUYỄN ĐỨC THANH

Phó xứ

2022 cho đến nay

 

 

 

TIỂU SỬ  CHA CỐ

Giuse Maria Phạm Quang Thiều

Sáng lập, chánh xứ tiên khởi Ngọc Lâm

Cậu Giuse Phạm Văn Cử sinh ngày 24.10.1917 tại Bạch Long, Tiền Hải, Thái Bình, là con thứ hai của ông bà cố Augustinô Phạm Ấn và bà Maria Trương Thị Hường, được nuôi dưỡng trong một gia đình trung nông. Khi lên 8 tuổi, thì Bà Cố qua đời, cậu bắt đầu đi học và tập giúp lễ trong Nhà thờ. Ngoài những giờ phụng tự và đi học, cậu sinh hoạt thường xuyên với các bạn đồng trang lứa, cũng chăn trâu, cắt cỏ và giúp việc vặt trong nhà. Đến năm 1930, được Cha Bùi Đức Tạc nhận làm nghĩa tử và cậu đi tu từ đó.

Năm 1933, cậu về học tại trường thử Trung Linh.

Năm 1937, cậu về trường Latinh Ninh Cường.

Năm 1941, cậu về Đại Chủng Viện Quần Phương.

Ngày 13.05.1948, Lễ Kính Chúa Ba Ngôi, thầy Giuse Maria Phạm Quang Thiều (Phạm Văn Cử) được thụ phong linh mục tại nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Quần Phương). Sau đó Cha làm linh hướng tại Tiểu Chủng Viện Ninh Cường.

Năm 1950, ngài giữ chức vụ Trưởng ban truyền giáo Địa Phận Bùi Chu.

Năm 1954 đi di cư, ngài làm thông dịch viên cho thuyền trưởng và vào Tân Mai.

Cuối năm 1954, ngài được Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đặc cử đưa giáo dân đi Long Xuyên lập xứ Trinh Vương.

Năm 1956, ngài trở về Thủ Đức, lập xứ Châu Bình và làm chủ tịch Hợp tác xã dệt Liên Châu.

Đầu năm 1958, ngài được cử đi lập xứ Châu Ninh (Bố Đức)

Cuối năm 1958, được gọi về lập xứ Sao Biển (Phan Thiết).

Năm 1959, đi lập xứ Đồng Xoài.

Năm 1960, ngài làm Cha phó Phước Tỉnh.

Năm 1961, ngài rời giáo phận Sài Gòn ra giáo phận Đà Nẵng. Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi bổ nhiệm ngài làm Chánh xứ Ô Gia.

Năm 1962, lập giáo xứ Phước Hải.

Năm 1963, ngài nhận Chánh xứ An Hải, lập giáo xứ Gia Phước.

Năm 1973, ngài đưa giáo dân vào miền Nam, lập giáo xứ Ngọc Lâm. Ngài làm Chánh xứ tiên khởi (1973-1995) kiêm quản hạt Giáo hạt Phương Lâm (1976-1989). Qua đời ngày 26/11/2004 được an nghỉ tại Đài Thánh Giuse giáo xứ Ngọc Lâm.

Với 87 năm tuổi đời chồng chất, với 56 năm trong chức Linh Mục, ngài đã thành lập được 8 giáo xứ trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau, quả là công đức thật nhiều và tất nhiên gian nan cũng không thiếu. Và với đôi tay được xức dầu, ngài đã hoà giải, dẫn đưa biết bao linh hồn về với Chúa, đồng thời cũng đón chuyển vô số hồng ân của Chúa đến cho mọi người qua các Bí tích. Ngài đã “Trở Nên Mọi Sự Cho Mọi Người” đúng như phương châm mà ngài đã chọn cho đời sống linh mục của ngài vậy.

 

 

GIÁO XỨ NGỌC LÂM

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

TỪ MỘT KHÁT VỌNG VÙNG ĐẤT MỚI

Vào những năm cuối của thập niên 60, Cha Giuse Maria Phạm Quang Thiều, Chánh xứ An Hải, giáo phận Đà Nẵng (miền Trung) đã có nhiều trăn trở băn khoăn, không phải cho riêng ngài, vì ngài đang cai quản một giáo xứ tuy nhỏ, nhưng rất ổn định về tổ chức cũng như sinh hoạt mục vụ. Nỗi khắc khoải của ngài là lo lắng cho con chiên trong giáo xứ cũng như vùng lân cận về hai phương diện:

-Tinh thần: Con chiên trong giáo xứ, sống ở ven đô, nên con cái họ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cuộc sống xô bồ của phố thị, với những phim ảnh, sách báo không lành mạnh, những nếp sống quay cuồng của người nước ngoài.

-Vật chất: Đất đai chỉ có hạn, mà con người sinh sản ngày một nhiều thêm. Mỗi gia đình, dù là tự tạo hay thuê mướn, cũng chỉ vỏn vẹn mấy chục thước vuông nhà ở để tránh nắng, trú mưa, sống nhờ vào tiền lương ba cọc ba đồng của chồng con. Tương lai sẽ ra sao khi con chiên trong Giáo xứ không nghề nghiệp, không vốn liếng, không có cả đến miếng đất, mảnh vườn để canh tác mưu sinh?

Vì vậy, phải kiếm tìm một nơi có đất ở, có ruộng vườn cho mọi người càng sớm càng tốt nhằm tránh xa cho thanh thiếu niên những cảnh sống bát nháo ngoài đường phố, đồng thời gây dựng một tương lai ổn định cho các gia đình. Suy đi, tính lại, chỉ có cách xin di dân lập ấp mới cứu vãn được tình thế. Ngài đã chọn hướng đi theo diện tự túc: không được hưởng trợ cấp nào của chính quyền, nhưng được quyền chọn đất để xin cư ngụ và canh tác, mỗi gia đình được cấp 10 mẫu đất.

 

GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH.

(1971 – 1973)

Sau khi được Đức Giám Mục Giáo phận Đà nẵng Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chấp thuận dự án, cuối năm 1971, Cha Giuse Maria Phạm Quang Thiều đã đi tìm đất ở nhiều nơi (Pleiku, Kontum, Lâm Đồng, Bảo Lộc, Long Khánh). Cuối cùng, ngài đã làm đơn xin cư ngụ và khai thác 6.000 mẫu đất cho 600 gia đình tại khu rừng Tà Lài nằm từ phía Bắc quốc lộ 20 (phía trong đường điện Đa-nhim) vào đến sông Đồng Nai, trải dài từ đường be Tà Lài (cây số 125) đến cây số 142 (giáp ranh Bảo Lộc), thuộc xã Phương Thọ, huyện Định Quán, tỉnh Long Khánh.

Cuộc di dân lập nghiệp có tính cách hoàn toàn tự túc, nên các gia đình tự nguyện đã dùng mọi phương tiện có thể được di chuyển vào Nam, tập trung tại trung tâm Saviô (Thủ Đức) – trung tâm này do nhà dòng Don Bosco cho nhờ đỡ, làm nơi tạm trú chờ ngày lên đất mới. Tháng 12 năm 1972, đã có trên 100 gia đình đến ở nơi tạm trú này. Vì những phần đất do chính quyền cấp tạm cách xa quốc lộ, sự đi lại rất bất tiện, do đó Cha Giuse Maria phải mua lại của đồng bào địa phương hơn 2 mẫu rẫy, sát phía Bắc quốc lộ 20, quãng cây số 130 để làm nơi cho giáo dân tạm ngụ.

Ngày 17.03.1973, 180 gia đình gồm 1.160 người từ trung tâm Saviô và một số gia đình ở các xứ Châu Bình, Phú Bình, Bình An, Xóm Mới, Hố Nai, Võ Dõng… đồng loạt di chuyển tự túc đến khu đất mới mua được nói trên.

Ngày 19.03.1973, sau khi dâng Thánh lễ mừng trọng thể Thánh Cả Giuse, kẻ dao người búa, kẻ câu liêm, người liềm sắc đều tề tựu trước nhà nguyện tạm, lãnh phép lành, rồi rần rần kéo nhau đi Mở Cửa Rừng, khởi đầu cho việc phá rừng làm rẫy.

Để ghi nhớ những ngày lên đất mới, có bài ca rằng:

BÀI CA MỞ RỪNG

 

Ai ơi nhớ lấy đừng quên

Tháng ba, mười bảy ngày lên đất lành.

Lòng người nở đóa bình minh

Đến nơi đất mới ân tình chứa chan.

Mười chín mở cửa rừng hoang

Trẻ, già lớp lớp hàng hàng đi lên.

Một lòng một ý dưới trên

Vung dao, phạt búa rộn lên tiếng cười.

(Dom. Vũ Mạnh Cường)

 

NGỌC LÂM – NGÀY THÀNH LẬP

Ngày 04/04/1973, toàn dân xứ hân hoan đón mừng phái đoàn thượng khách: Đức Tổng Giám Mục Giáo khu Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền, Đức Giám Mục Đà Nẵng Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Đức Giám Mục Xuân Lộc Giuse Lê Văn Ấn, Cha Hạt  trưởng Giáo hạt La Ngà Giuse Nguyễn Bá Thi, cùng một số đông quan khách đạo đời. Trong dịp này, Đức Giám mục Đà Nẵng đã chính thức trao quyền coi sóc những con chiên của ngài qua Đức Giám Mục Xuân Lộc. Đáp lại, Đức Giám Mục Xuân Lộc đã mở rộng lòng thương đón nhận và đặt dưới quyền Cha Hạt trưởng La Ngà, trước sự chứng kiến ân tình của Đức Tổng Giám Mục Giáo khu Huế. Đức Tổng Giám Mục cũng đã tỏ lòng ưu ái bằng những lời tán thành và chúc lành rất khích lệ. Kể từ ngày này- ngày 04/04/1973, giáo xứ được chính thức thành lập, mang tên Ngọc Lâm và nhận Thánh Cả Giuse làm bổn mạng giáo xứ. Giáo xứ mang tên Ngọc Lâm là để tỏ lòng tri ân Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, vì nhờ ân đức và lòng quảng đại của ngài mà Cha xứ An Hải cùng số đông giáo dân Đà Nẵng được di cư về đây, nên đã lấy chữ đệm của tên Ngài mà đặt tên giáo xứ, để chẳng những bấy giờ mà sẽ còn được truyền tử, nhược tôn, đời đời ghi nhớ công ơn của Ngài.

Ngày đầu thành lập xứ với số giáo dân là 1.160 người; Số gia đình là 180 hộ.

 

NGỌC LÂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1- Cha Chánh xứ Tiên khởi Giuse Maria Phạm Quang Thiều (1973 – 1995) “Trở nên mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9, 22)

Năm 1974, kẻ góp công, người góp của, Giáo xứ đã dựng được 1 nhà nguyện 6 gian bằng gỗ lợp tôn. Dân số tăng nhanh lên đến 2.540 người, trong đó có 465 gia đình công giáo, 2.520 giáo dân, tỷ lệ 98.3%. Đất cư ngụ đã được nới rộng và kéo dài xuống cây số 128 do Cha xứ mua và giao Hội Đồng Giáo xứ cấp cho bà con. Bên cạnh đó, một số cá nhân với tinh thần lá lành đùm lá rách đã mua bằng tiền riêng, chỉ giữ lại một lô để ở, còn bao nhiêu giao lại cho Hội Đồng Giáo xứ chia cho bà con có khó khăn (mỗi lô đất ở được chia 15x45m). Giáo xứ được chia thành 5 khu (Rạng Đông, Tử Đạo, Bắc Thần, Toàn Mỹ và Sao Mai). Cơ cấu tổ chức trong Giáo xứ được hình thành và hoạt động rất có hiệu quả.

Một vài số liệu năm 1974.

Cơ sở:

1 nhà nguyện 6 gian bằng gỗ lợp tôn.

 

 

 

 

 

 

 

 

1 trường Trung-Tiểu học, 700 học sinh khai giảng từ niên khóa 1973- 1974.

1 phòng phát thuốc kiêm hộ sinh.

1 chợ nhỏ (68 căn lều). 6 giếng nước công cộng.

3 nhà hội quán tạm để sinh hoạt.

Hội đoàn:

  • Thiếu nhi Thánh Thể: 346.
  • Đạo binh Đức Mẹ: 22 đoàn viên hoạt động, 110 hội viên tán trợ.
  • Ca đoàn Sao Linh: 50 ca viên.
  • Con Đức Mẹ Việt Nam gồm 71 đoàn viên.

Đầu năm 1975, một tượng đài Thánh Cả Giuse được dựng lên. Nền đài hình tròn, đường kính 8m, cao 1,6m, xây bao bằng đá cục. Trung tâm nền là một trụ tròn đường kính 0,8m, cao 3m, đỉnh trụ là tượng Thánh Cả Giuse cao 2,5m.

Những ngày áp lễ kính Thánh Cả Giuse năm này là những ngày vô cùng sôi động. Đồng bào trên Phú Lâm, Phương Lâm chạy xuống, đồng bào Võ Đắc, Bình Tuy chạy sang đều tuôn cả về khu vực Thánh đường Ngọc Lâm dựng lều, bạt tạm trú.

Sáng ngày 19/03, ngày lễ trọng kính Thánh Cả Giuse, bổn mạng Giáo xứ, Thánh Lễ đã được cử hành ngay tại tượng đài trong khi tiếng súng lớn, nhỏ nổ rền khắp nơi. Sau thánh lễ, Cha xứ kêu gọi mọi thành phần có mặt, giáo cũng như lương, hãy tin tưởng vào sự che chở, bênh đỡ của Thánh Cả Giuse, đồng thời kêu gọi mọi người hãy quỳ gối trên sỏi, đá với lời thành tâm khẩn nguyện: Xin Thánh Cả ban sự bình an cho hết mọi người trong lúc gian nan khốn khó, qua cơn chiến tranh tàn khốc này mà được bình an, Giáo xứ chúng con sẽ kiêng thịt, ăn chay trước ngày lễ kính Ngài hằng năm.

Quả nhiên, qua những ngày sôi động ác liệt, chừng như bỏng cháy, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhờ ơn Thánh Cả, đã có được sự bình an tuyệt đối trên địa bàn thuộc Giáo xứ Ngọc Lâm và thói lành của giáo dân trong xứ là kiêng thịt, ăn chay trước ngày lễ kính Thánh Cả Giuse được bắt nguồn từ lời khấn hứa trên.

Song song với việc xây tượng đài là hình thành một khuôn nền Nhà thờ dài 42m, rộng 24m, cao 1,6m toàn bằng đá ong do công sức của toàn thể giáo dân đóng góp.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975), giáo dân tụ về ngày càng đông, ngoài số di dân đã đến từ trước, còn có giáo dân từ Bắc vào, từ các nơi đi kinh tế mới đến Ngọc Lâm lập nghiệp. Do đó, số giáo dân vào thời điểm này đã lên tới hơn 1 vạn người (so với năm 1973 là 1.160). Niềm trăn trở lại bùng lên nơi Cha xứ: lo cơm gạo qua ngày cho con chiên. Một hình ảnh có lẽ không bao giờ phai mờ trong lòng mỗi người lúc đó: Cha xứ ngót lục tuần, đích thân tham gia cùng giáo dân vào Ca-bin, Bào Kẻ nhận đất khai phá làm ruộng.

Dù đói nghèo, dù khó khăn thiếu thốn, nhưng “lòng nhiệt thành xây dựng nhà Chúa” được hun đúc trong tâm khảm của mỗi người. Trên nền đá đã đắp trước giải phóng, sau 6 tháng ròng rã, một ngôi nhà thờ bằng gỗ, vách ván, lợp tôn, gồm 9 gian rộng 648m2 (dài 36m, rộng 18m) cột cao 5m do ông Phạm Văn Tán (Lạc) thiết kế đã được hoàn thành thay cho nhà nguyện tạm. Bàn thờ và Cung Thánh đều được trang trí bằng gỗ trắc. Ghế ngồi trong Nhà thờ đến cuối năm 1977 đã đủ 4 hàng ghế.

Sau đó, Giáo xứ đã xây dựng 14 chặng đàng Thánh Giá 2 bên đường vào Nhà thờ. Trong thời kỳ này,

Cha xứ được sự cộng tác đắc lực của Cha phó Giuse Đỗ Văn Nguyên, Thầy Giuse Nguyễn Thanh Khiết (1973-1982, thụ phong linh mục năm 1996), Thầy Vinhsơn Trần Quốc Vụ, quí dì và quí chức việc đã tích cực củng cố về cơ cấu tổ chức, xây dựng và thành lập các hội đoàn.

  • Hội Dòng Ba Đaminh (1975).

 

 

 

 

  • Hội Tây Nhạc (1975).
  • Các nhóm ca đoàn.
  • Gia đình Giáo lý viên (1982)

 

Củng cố các đoàn thể đang hoạt động.

Thời gian này Cha xứ còn kiêm thêm chức vụ Quản Hạt hạt Phương Lâm (từ 1976-1989).

Năm 1985, số giáo dân đã lên tới gần 20.000 người, trên địa bàn rất dài và quá rộng (trên 27 ngàn hecta). Cũng năm này, Cha phó Giuse Đỗ Văn Nguyên được Đức Cha giáo phận bổ nhiệm làm cha xứ giáo xứ Long Thành. Công tác mục vụ của Cha xứ lúc này, không chỉ có giáo dân cư ngụ ở hai xã Phú Thanh và Phú Lộc, mà còn phải đảm trách thêm số giáo dân ở hai địa bàn xa xôi là Đồng Hiệp và Tà Lài cách xa nhà thờ giáo xứ từ 13 đến 15 km. Thời gian này (từ 1982-1995) Thầy Phêrô Trần Đức Cường, Thầy Phaolô Trần Thắng là những cộng sự viên  đắc lực của Cha xứ.

Ngày 20/01/1989, Giáo xứ hân hoan đón cha Giuse Trần Phú Sơn, được Đức Cha Giáo phận bổ nhiệm làm phó xứ Ngọc Lâm. Các hoạt động trong giáo xứ dưới sự điều hành của hai Cha dần dần đi vào nề nếp và qui củ.

Vì địa bàn giáo xứ trải quá dài và quá rộng, đã gây không ít trở ngại cho việc phụng tự của giáo dân, nên đầu thập niên 90, hai giáo điểm truyền giáo Đồng Hiệp, Tà Lài đã được Đức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc thành lập hai giáo xứ mới giáo xứ Thạch Lâm năm 1990 và giáo xứ Đồng Hiệp năm 1993. Số giáo dân trên địa bàn Ngọc Lâm còn lại 11.688 nhân danh, 2.010 gia đình, chia thành 8 giáo họ.

Nhận thấy khuôn viên Thánh đường quá trống trải, nhất là phía giáp quốc lộ, Giáo xứ đã xây cổng nhà thờ bằng đá do ông Đaminh Vũ Mạnh Cường vẽ kiểu: Cổng chính rộng 4,5m, cao 8,5m, phần trên của cổng là cây Thánh Giá cao 3m, đứng trên Chữ CHỦ (Chữ Hán) và hai cổng phụ rộng 2,5m, cao 3,8 m ; phần còn lại xây tường đá cao 2,8m. Công trình thi công mất 45 ngày, khánh thành vào ngày bế mạc năm Thánh Mẫu (1998).

Nhà thờ cũ đã xiêu đổ mục nát, năm 1990, nhà thờ mới được đặt viên đá đầu tiên vào ngày 26/12. Nhà thờ được khởi công xây dựng trong điều kiện hết sức hy hữu, tài chính chỉ vỏn vẹn có 9 triệu đồng (giá vàng lúc đó là khoảng 5 triệu đồng một lượng). Tuy nhiên, với quyết tâm cao của hai Cha chánh, phó xứ, cùng sự cộng tác nhiệt tình của Ban Hành Giáo, Ban Điều Hành các giáo họ cũng như sự đóng góp nhân, tài, vật lực của toàn thể giáo dân trong xứ, mọi người quyết tâm thực hiện. Điển hình là: đóng những thùng tiết kiệm bằng gỗ trần của nhà thờ cũ, đặt tại các gia đình, tháng tháng, các chức việc giáo họ đến từng nhà khui thùng, thu gom những đồng tiền đóng góp về quỹ xây dựng Thánh đường trong suốt thời gian thi công. Quý Cha và quý chức việc cũng phải phân công nhau đi xin giúp đỡ từ các xứ bạn, có nơi   thuận lợi nhưng cũng có nơi gặp khó khăn. Mọi người giáo dân trong xứ cũng đều hết lòng vì việc chung, vừa tham gia công tác do Ban Hành Giáo phân công, vừa đóng góp tài chánh theo khả năng. Có những cụ già đi ăn xin để sống qua ngày, hoặc cắt lá chuối đổi gạo để độ nhật…thế mà cũng hy sinh  đóng góp với Giáo xứ.  Đồng thời còn có nhiều vị hảo tâm ngoài giáo xứ, trong nước cũng như ở nước ngoài, nhất là nhờ Thánh Cả Giuse phù giúp nên sau gần 3 năm thi công, ngôi Thánh đường mong ước khang trang, nguy nga đã hoàn tất. Nhà thờ có tổng diện tích 1.350m2, với chiều dài 54 m, rộng 18m, hành lang mỗi bên 4m, tường cao 11m, với 3 tháp chuông, tháp cao nhất 27m, tháp thứ hai cao 21m, tháp thấp nhất 16m, do kiến trúc sư Nguyễn Đức Trịnh vẽ mẫu, Sở Xây Dựng Đồng Nai thiết kế. Giáo xứ  cũng đúc ba quả chuông: Quả thứ nhất đường kính 0,8m, quả thứ hai đường kính 0,6m, quả thứ ba đường kính 0,5m. Tiếng kêu của ba quả chuông này được chỉnh ghép với âm giai Đô trưởng theo đúng âm thanh mẫu (diapason) quốc tế. Tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.

Ngày 23/06/1993, Đức Giám Mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật đã khành thành và thánh hiến bàn thờ.

 

 

 

Một năm sau đó, để tạ ơn Thánh Cả Giuse Bổn mạng Giáo xứ, giáo xứ đã di dời hai tượng đài về hai bên sân phía đầu Nhà thờ, xây dựng lại lớn hơn, khang trang hơn. Cả hai công trình này đều được hoàn tất nhanh: Đài Thánh Cả Giuse được làm phép ngày 19/ 3/1994

 

Đài Đức Mẹ Ban Ơn ngày 01/5/1994. Cũng trong ngày này, Cha xứ đã chính thức hiến dâng Giáo xứ cho Đức Mẹ.

Lúc này giáo xứ hiện có 11 giáo họ: 1. Rạng Đông,  2. Tử Đạo, 3. Bắc Thần, 4. Toàn Mỹ, 5. Sao Mai, 6. Trinh Vương, 7. Giáo họ 7, 8. Giáo họ 8, 9. Giáo họ 9, 10. Giáo họ 10, 11. Giáo họ 11 (Bàu Tranh).

Với số giáo dân là 12.000, số gia đình là 2.270

Từ năm 1993 đến nay, Ban Hành Giáo được tổ chức bầu cử nhiệm kỳ 4 năm theo qui chế Ban Hành Giáo của Giáo phận. 23 năm làm linh mục quản xứ, Cha Cố Giuse Maria đã dầy công gầy dựng và xác lập nên những truyền thống quí báu của Giáo xứ.

 

Biến cố cha cố Giuse Maria Phạm Quang Thiều Qua đời

TIỂU SỬ  CHA CỐ

Giuse Maria Phạm Quang Thiều

Chánh xứ tiên khởi giáo xứ Ngọc Lâm

 

 

 

 

 

 

 

Sinh ngày 24/10/1917 tại Bạch Long, Tiền Hải, Thái Bình

Năm 1930 được Cha Bùi Đức Tạc nhận làm nghĩa tử và đi tu từ đó.

Năm 1933 học tại trường thử Trung Linh.

Năm 1937 học trường Latinh Ninh Cường.

Năm 1941 học Đại Chủng Viện Quần Phương.

Ngày 13.05.1948 thụ phong linh mục tại nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Quần Phương). Sau đó Cha làm linh hướng tại Tiểu Chủng Viện Ninh Cường.

Năm 1950 Trưởng ban truyền giáo Địa Phận Bùi Chu.

Năm 1954 đi di cư, ngài làm thông dịch viên cho thuyền trưởng và vào Tân Mai.

Cuối năm 1954, ngài được Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đặc cử đưa giáo dân đi Long Xuyên lập xứ Trinh Vương.

Năm 1956, ngài trở về Thủ Đức, lập xứ Châu Bình và làm chủ tịch Hợp tác xã dệt Liên Châu.

Đầu năm 1958, ngài được cử đi lập xứ Châu Ninh (Bố Đức)

Cuối năm 1958, được gọi về lập xứ Sao Biển (Phan Thiết).

Năm 1959, đi lập xứ Đồng Xoài.

Năm 1960, ngài làm Cha phó Phước Tỉnh.

Năm 1961, ngài rời giáo phận Sài Gòn ra giáo phận Đà Nẵng. Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi bổ nhiệm ngài làm Chánh xứ Ô Gia.

Năm 1962, lập giáo xứ Phước Hải.

Năm 1963, ngài nhận Chánh xứ An Hải, lập giáo xứ Gia Phước.

Năm 1973, ngài đưa giáo dân vào miền Nam, lập giáo xứ Ngọc Lâm. Ngài làm Chánh xứ tiên khởi (1973-1995) kiêm quản hạt Giáo hạt Phương Lâm (1976-1989).

Qua đời ngày 26/11/2004 được an nghỉ tại Đài Thánh Giuse giáo xứ Ngọc Lâm.

 

Với 87 năm tuổi đời, 56 năm trong thiên chức Linh Mục, ngài đã thành lập được 8 giáo xứ trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau, quả là công đức thật nhiều và tất nhiên gian nan cũng không thiếu. Và với đôi tay được xức dầu, ngài đã hoà giải, dẫn đưa biết bao linh hồn về với Chúa, đồng thời cũng đón chuyển vô số hồng ân của Chúa đến cho mọi người qua các Bí tích. Ngài đã “Trở Nên Mọi Sự Cho Mọi Người” đúng như phương châm mà ngài đã chọn cho đời sống linh mục của ngài vậy.

 

2- Cha chánh xứ kế nhiệm Giuse Trần Phú Sơn (1995-2004) “Vâng lời Thầy con xin thả lưới” (Lc 5, 5)

Năm 1995, được sự chấp thuận của Đức Cha Giáo phận, Cha Giuse Maria Phạm Quang Thiều vì tuổi già sức yếu đã xin nghỉ hưu tại Ngọc Lâm. Thầy Phêrô Trần Đức Cường trở về giáo phận Đà Nẵng và được thụ phong linh mục ngày 25/03/ 1998.

Ngày 11.10.1995 Cha Giuse Trần Phú Sơn chính thức nhận nhiệm vụ chánh xứ. Từ tháng 01.1998 đến 05-2004, ngài được Đức Cha Giáo phận bổ nhiệm làm Quản hạt Giáo hạt Phương Lâm.

Trong thời gian này, công tác mục vụ đã được Cha xứ thực hiện theo đường hướng chung của giáo phận, trên nền tảng là kho tàng truyền thống tốt đẹp của giáo xứ đã được Cha Cố Giuse Maria dầy công gầy dựng, Giáo xứ đã không ngừng phát triển. Song song đó, giáo xứ đã không ngừng chỉnh trang, nâng cấp các cơ sở như nâng cấp nhà xứ, xoá sạch những căn nhà gỗ lợp tranh; trồng cây, lát đá chẻ đường đi trong khuôn viên Nhà thờ (1995-1997). Bên cạnh đó, có các giáo họ xây dựng tượng đài bổn mạng : Tượng đài Đức Mẹ ở Giáo họ 7 (1993), Tượng đài Mẹ Thiên Chúa ở Giáo họ 5 (1994), Tượng đài Mẹ Rạng Đông ở Giáo họ 1 (1995), Tượng đài Mẹ Trinh Vương ở Giáo họ 6 (1997), Tượng đài Đức Mẹ ở Giang Lâm (1999).

Tại khuôn viên Thánh đường, Giáo xứ từng bước xây dựng hội quán Huynh Đoàn Đaminh, hội quán Ban Tây Nhạc, bồn cỏ (cùng trong năm 1997),  khu phòng Cha xứ (1998), nhà hội  Giáo xứ (1999), tượng đài Đức Mẹ La Vang tại nhà xứ (1999), nhà bán ảnh tượng và phòng hội họp của Giáo Lý Viên (2001), nâng cấp dãy phòng giáo lý (2001). Năm 1999, để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, giáo xứ tiến hành làm mới trần, sơn sửa quét vôi lại nhà thờ và trang bị đầy đủ quạt trần. Năm 2000, thực hiện đóng mới toàn bộ ghế nhà thờ, mở rộng đất và nâng cấp lễ đài tại nghĩa trang giáo xứ (1999-2000). Năm 2001, dựng 12 ki-ốt tại đất của giáo xứ phía chợ Ngọc Lâm. Năm 2002, làm hàng rào chỉnh trang lại khuôn viên Thánh đường, đồng thời tiếp tục tu sửa nghĩa trang Giáo xứ.

Năm 1998, kỷ niệm Ngân khánh thành lập giáo xứ, số giáo dân là 13.690 người với 2.650 gia đình và 12 giáo họ, thêm giáo họ Giang Lâm được chuyển từ Giáo xứ Phương Lâm về Ngọc Lâm cho phù hợp với địa giới hành chánh và việc sinh hoạt đi lại thuận tiện hơn và sau đó Họ 12 (Giang Lâm) được chuyển về GX. Đồng Hiệp ngày 06/12/2002

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, giáo xứ có nhiều vinh dự tổ chức:

Kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục và Thượng Thọ Bát tuần Cha Cố Giuse Maria Phạm Quang Thiều (20.5.1998).

Là Giáo xứ đầu tiên trong giáo phận được vinh dự nghinh đón Đức Mẹ La Vang với rất đông người đến kính viếng và sau đó luân chuyển đến các Giáo xứ trong Hạt (30.4 -13.5 .1999).

Năm Thánh 2000, Nhà thờ Ngọc Lâm được chỉ định là nhà thờ hành hương cho Hạt Phương Lâm. Khai mạc ngày 25.12.1999, bế mạc ngày 05.01.2001. Có 330 cuộc hành hương chính thức với 133.461 lượt người.

Tổ chức Lễ Truyền Dầu 2002 (ngày 28.3.2002), Giáo xứ hân hoan đón tiếp Hai Đức Cha Giáo phận, khoảng 200 linh mục và đông đảo giáo dân toàn giáo phận về dự.

 

Trong 9 năm làm chánh xứ cha Giuse Trần Phú Sơn, với sự cộng tác nhiệt tình của quý thầy xứ Giuse Đỗ Đức Chính giúp xứ từ 1997-2000 được thụ phong linh mục ngày 25/01/2000 và được bổ nhiệm làm phó xứ Ngọc Lâm. Năm 2002 cha Giuse Đỗ Đức Chính được bổ nhiệm làm phó xứ Kim Thượng. Đồng thời gian này Thầy Phêrô Nguyễn Ngọc Điệp giúp xứ từ 1997-2000 được thụ phong linh mục năm 2001 và thi hành sứ vụ tại Đài Loan. Năm 2002 ĐGM bổ nhiệm cha Giuse Phạm Ngọc Duy làm phó xứ Ngọc Lâm. Thầy Tôma Aquinô Nguyễn Đức Trọng giúp xứ từ 2001-2005 được thụ phong linh mục 30/09/2005 và sau đó được bổ nhiệm làm phó xứ Phú Lâm.

Giáo xứ có 11 giáo họ: 1. Rạng Đông,  2. Tử Đạo, 3. Bắc Thần, 4. Toàn Mỹ, 5. Sao Mai, 6. Trinh Vương, 7. Giuse Thợ, 8. Kitô Vua, 9. Phanxicô, 10. Bàu Mây, 11. Bàu Tranh, Giáo xứ tách họ 3 thành hai giáo họ và đặc tên là giáo họ 12 nhận Đức Mẹ Hồn xác lên trời làm bổn mạng.

Lúc này không gọi tên theo tước hiệu của lễ bổn mạng mà gọi các họ bằng chữ số.

Với số giáo dân là 16.515, số gia đình là 2.785

3- Cha chánh xứ Giuse Đinh Văn Huấn (2004-2006) “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5, 14)

Ngày 31-05-2004 Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật Giám Mục giáo phận Xuân Lộc đã bổ nhiệm cha Giuse Trần Phú Sơn làm chánh xứ giáo xứ Kẻ Sặt và bổ nhiệm cha Giuse Đinh Văn Huấn chánh xứ giáo xứ Tam Thái làm chánh xứ Ngọc Lâm tiếp tục vai trò mục tử chăm sóc và phục vụ đoàn chiên. Với bao nhiệt huyết của người mục tử nhất là một đời sống toả hương nhân đức thánh thiện, cha đã tiếp tục xây dựng đời sống tâm linh và nuôi dưỡng dân Chúa xứ Ngọc ngày một thăng tiến hơn.

Nhận thấy giáo dân ngày một gia tăng, các em thiếu nhi cần có nơi để học giáo lý cho xứng đáng. Cha đã ưu tư và dành dụm để chuẩn bị cho công việc xây dựng tổng thể khu nhà giáo lý, nhà mục vụ và nhà xứ.

Nhà thờ mỗi bên chỉ có 3 cửa ra vào, cha cho mở thêm mỗi bên 2 cửa ra vào như vậy mỗi bên có 5 cửa ra vào để tăng thêm độ thông thoáng hơn.

Thế nhưng thánh ý Chúa thật khó hiểu ngày 15/5/2006 vâng lời Đức Giám Mục giáo phận cha Giuse Đinh Văn Huấn đi du học tại Philíppin và cha Giuse Phạm Ngọc Duy làm chánh xứ giáo xứ Đồng Hiệp. Thầy Giuse Nguyễn Thái Cường giúp xứ từ 2005-2006 được thụ phong linh mục ngày 08/08/2006 và sau đó được bổ nhiệm làm phó xứ Bùi Chu.

Giáo xứ có 12 giáo họ: Họ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12.

Với số giáo dân là 17.566, số gia đình là 3.939

4- Cha chánh xứ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hưng (2006-2013) “Con hiến tế chính mình con cho họ” (Ga 17, 19)

Ngày 15 tháng 5 năm 2006 giáo xứ được đón tiếp hai vị mục tử mới: Cha chánh xứ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hưng và cha phó Giuse Phạm Đình Hiền. Với sức trẻ và nhiệt huyết tông đồ, quí cha đã hết tình yêu thương chăm sóc và phục vụ đoàn chiên, nhất là những con chiên nghèo khổ bất hạnh. Đúng 6 tháng sau cha phó Giuse Phạm Đình Hiền được Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh giám mục giáo phận thuyên chuyển về làm chánh xứ giáo xứ Phát Hải.

Vì nhu cầu mục vụ của giáo xứ. Đức Giám Mục giáo phận đã bổ nhiệm hai cha Giuse Đinh Văn Thành và cha Giuse Đỗ Mạnh Dũng về làm phó xứ. Và cũng tròn một năm sau đó cha Giuse Đinh Văn Thành lại được thuyên chuyển về giáo xứ Định Quán và bổ nhiệm cha Micae Nguyễn Chí Hùng làm phó xư Ngọc Lâm.

Cuối năm 2008 Đức Giám mục giáo phận sai cha Giuse Đỗ Mạnh Dũng đi nhận nhiệm sở mới và bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Thanh Cao và cha Vinh sơn Vũ Xuân Nhân về phục vụ giáo xứ với trách nhiệm phó xứ.

Năm 2009 Cha Giuse Nguyễn Thanh Cao được ĐGM bổ nhiệm làm chánh xứ giáo xứ Minh Tín và bổ nhiệm cha GioanBaotixita Phạm Đức Nhân làm phó xứ Ngọc Lâm. Thầy Giuse Phạm Hoàng Minh giúp xứ từ năm 2009-2010 được thụ phong linh mục năm 2010 và được bổ nhiệm làm phó xứ Trung Ngãi. Thầy Đaminh Nguyễn Khắc Tuyên giúp xứ từ năm 2010-2011 được thụ phong linh mục năm 2011 và được bổ nhiệm làm phó xứ Xuân Bắc.

Năm 2011 Cha Giuse Vũ Xuân Nhân được ĐGM bổ nhiệm đặc trách giáo họ Minh Long. Cha GioanBaotixita Phạm Đức Nhân làm phó xứ giáo xứ Dốc Mơ và bổ nhiệm cha Alphongsô Hồ Ngọc Thắng và cha Phêrô Nguyễn Phi Hoàng về làm phó xứ Ngọc Lâm.

Năm 2012 cha Alphongsô Hồ Ngọc Thắng được bổ nhiệm làm chánh xứ tiên khởi giáo xứ Bích Lâm và cha Phêrô Nguyễn Phi Hoàng về làm phó xứ Định Quán. Năm 2012 ĐGM bổ nhiệm cha Augustinô Nguyễn Thứ Lễ và cha Cosma Hoàng Văn Dũng về làm phó xứ Ngọc Lâm. Thầy Phêrô Nguyễn Đăng Ký giúp xứ từ năm 2012-2013 được thụ phong linh mục năm 2013 và được bổ nhiệm làm phó xứ La Ngà.

Trong thời gian hơn 7 năm cha GioanBaotixita Nguyễn Văn Hưng làm chánh xứ thì có 11 cha phó và 4 thầy giúp xứ.

Giáo xứ có 12 giáo họ: Họ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12.

 

 

 

 

 

Nhiệm kỳ 2009-2013 chia thành 17 giáo: Họ 1, 2, 3, 4, 5A, 5B, 6A, 6B, 7, 8A, 8B, 9A, 9B, 10, 11, 12A, 12B.

Năm 2012 số giáo dân là 20.031, số gia đình là 4.770. Ngày 13/10/2012 giáo xứ Bích Lâm được chia tách gồm có 5 giáo họ là họ 8A, 8B, 9A, 9B và 11, có số giáo dân là 5.359 người số gia đình là 1.257 hộ.

Giáo xứ Ngọc Lâm còn lại 12 giáo họ có số giáo dân là 14.672 người, số gia đình là 3.513 hộ.

Thời gian đầu khi về nhận xứ với những dự liệu mà Vị tiền nhiệm để lại quả thật là một thách đố với một linh mục trẻ. Thế nhưng, thực tế trong khi chăm sóc một đoàn chiên đông đảo như vậy, Tình yêu Đức Kitô đã thúc bách ngài đã làm cho ngài phải ưu tư lo lắng trước một nhu cầu lớn đó là chỗ học giáo lý cho hơn 3.400 thiếu nhi.

Tháng 12 năm 2019 cha cùng với Ban hành giáo đã bắt đầu một công trình với dãy nhà giáo lý một trệt hai lầu có 30 phòng giáo lý và 3 phòng hội nhỏ. Dãy nhà xứ một trệt một lầu với sáu phòng ở, phòng khách, Phòng họp, nhà cơm, phòng cầu nguyện. Dãy nhà mục vụ một trệt một lầu tầng trệt với 14 phòng dùng để học giáo lý và sinh hoạt của các hội đoàn, tầng lầu là hội trường dùng để tổ chức các hoạt động của giáo xứ. Quả là một công trình to lớn và đồ sộ đã được hoàn thành sau hai năm tám tháng.

Mua đất để chuẩn bị cho việc tách xứ Bích Lâm. Vì diện tích đã chuẩn bị trước đây nằm trong khu quy hoạch của huyện Tân Phú nên không thể xây dựng nhà thờ được.

Vận động giáo dân đóng góp mua đất để làm nghĩa trang cho giáo xứ mới ở đường be 128 khu làn điện Đa Nhim.

Mở rộng khuôn viên nhà xứ bằng quỹ đất Bà Sao hiến tặng để hoán đổi cho ông Tư và bà Hoa với diện tích 675m2. Nơi đây cha đã làm một công viên Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với một trụ tháp Epsrem.

Mua căn nhà của anh Hải liền kề với đất nhà thờ về phìa Hội kèn và nhà ảnh tượng để phụng dưỡng Bà Sao.

Đầu năm 2012 cha cùng với giáo xứ tiếp tục trùng tu nhà thờ, mặc cho nhà thờ một cái áo mới với những loại đá. Nền nhà thờ bằng đá mài, nền cung thánh bằng gỗ giá tị, nới rộng phòng áo, mặt tiền cung thánh với khung cảnh núi đồi và bầu trời. Mua đất để nới rộng nghĩa trang.

Đài Họ Thăm Viếng, Truyền Tin, Mông Triệu cũng được xây dựng trong thời gian này.

Xây dựng nhà tình thương, lợp mái chống dột cho nhiều nhà chưa có thể xây được theo diện nhà tình thương. Tiếp sức mùa thi. Mời các đoàn y bác sỹ thiện nguyện đến khám chữa bệnh cho nhiều người. Gạo ăn hàng tháng cho người già yếu bệnh tật.

Đến nhiệm kỳ 2013-2017 giáo xứ chia tách họ 5B ra làm 2 họ và họ 12A ra làm 2 họ. Như vậy giáo xứ có 14 họ và gọi tên theo tước hiệu: 1. Rạng Đông,  2. Tử Đạo, 3. Truyền Tin, 4. Mẫu Tâm, 5. Mẹ Thiên Chúa, 6. Thăm Viếng, 7. Mân Côi, 8. Vô Nhiễm, 9. Trinh Vương, 10. Giuse Thợ, 11. Mông Triệu, 12. Fatima, 13. Phaolô, 14. Martinô.

Với số giáo dân là 15.661; Số gia đình là 4.105

5- Cha chánh xứ Giuse Phạm Đình Hiền (2013-2017) “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống” (Mc 10, 39)

Ngày 04/09/2013 Cha GioanBaotixita Nguyễn Văn Hưng được Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh Giám mục giáo phận bổ nhiệm làm chánh xứ giáo xứ Tâm An và bổ nhiệm Cha Giuse Phạm Đình Hiền chánh xứ Giáo xứ Phát Hải làm chánh xứ giáo xứ Ngọc Lâm. Năm 2014 cha Augustinô Nguyễn Thứ Lễ được bổ nhiệm làm chánh xứ giáo xứ Tịnh Lâm và bổ nhiệm cha Giuse Đỗ Năng Thức làm phó xứ Ngọc Lâm. Thầy Phêrô Nguyễn Ngọc Đức giúp xứ từ năm 2014-2015. Thầy được tuyền chức phó tế tại nhà thờ giáo xứ Ngọc Lâm ngày tháng 12 năm 2014, được thụ phong linh mục ngày 30/05/2015 và được bổ nhiệm làm phó xứ Thái Hòa. Năm 2015 cha Cosma Hoàng Văn Dũng được bổ nhiệm làm phó xứ Bạch Lâm và bổ nhiệm cha Mátthêu Lê Lực làm phó xứ Ngọc Lâm. Năm 2017 cha Giuse Đỗ Năng Thức được bổ nhiệm làm phó xứ Bùi Chu và cha Mátthêu Lê Lực làm phó xứ Bạch Lâm.

Cha củng cố lại các lớp giáo lý với chương trình mỗi cấp học là 3 năm. Khuyến khích các em đi lễ ngày thường, hàng năm cho các em đi tham quan dã ngoại một lần.

Xin phép chính quyền tổ chức lễ bổn mạng của các giáo họ tại các đền đài. Đổi tên họ Fatima thành họ La Vang. Đài Đức Mẹ La Vang được công nhận là Đài của giáo họ được người giáo dân hiến tặng. Thành lập Ban truyền thông, gia đình Mẹ Sầu Bi, Mẹ Fatima, Kinh Thánh.

Xây dựng lại Đài Đức Mẹ theo mẫu Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị. Xây dựng lại Đài Thánh cả Giuse nơi có mộ phần Cha cố Giuse Maria. Làm các khung hình kiếng màu diễn tả về lịch sử Ơn Cứu Độ. Làm bàn thờ đá thay bàn thờ gỗ. Nới rộng lễ đài Đất thánh từ 2 gian lên thành 6 gian có hàng hiên bao quanh, phòng áo và nhà kho. Đài giáo họ Mân Côi, Đài Thánh Giuse họ Giuse Thợ cũng được xây dựng. Mua đất chuẩn bị cho sự phát triển ở giáo họ Trinh Vương.

Xây dựng nhà tình thương, lợp mái chống dột cho nhiều nhà. Đặc biệt hỗ trợ xây 7 căn ở Bàu Chim do bị thiên tai đổ sập. Hàng năm tiếp sức mùa thi ĐH và CĐ giúp từ 250 – 300 em đi dự thi lo nơi ăn chốn ở cho các em có người đưa rước đến trường thi. Mời các đoàn y bác sỹ thiện nguyện đến khám chữa bệnh cho nhiều người. Cùng với Caritas giáo xứ lo gạo ăn hàng tháng cho khoảng 180 người già neo đơn, khuyết tật.

Hàng năm tổ chức các lễ hội: Ngày của Mẹ, ngày của cha, ngày tình nhân, ngày gặp gỡ những người không đồng đạo trước lễ Giáng sinh, lễ chúc thọ, hội chợ ẩm thực vào các dịp lễ lớn của giáo xứ.

Tổ chức lễ Thánh hiến nhà thờ và bàn thờ giáo xứ ngày 12/03/2016.

 

 

 

 

 

 

Sử dụng hai phòng C4 và D4 ở dãy nhà mục vụ làm nhà nguyện. Xây dựng nhà nguyện Bàu Mây và các công trình phụ như nhà xứ, phòng học giáo lý, nhà bếp nhà kho, tường rào bao quanh.

Giáo xứ có 14 giáo họ: 1. Rạng Đông,  2. Tử Đạo, 3. Truyền Tin, 4. Mẫu Tâm, 5. Mẹ Thiên Chúa, 6. Thăm Viếng, 7. Mân Côi, 8. Vô Nhiễm, 9. Trinh Vương, 10. Giuse Thợ, 11. Mông Triệu, 12. La Vang, 13. Phaolô, 14. Martinô.

Năm 2017  số giáo dân là 15.785, số gia đình là 4.145.

6- Cha chánh xứ Raymualdo Trần Quốc Thắng (2017 đến nay) “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12, 7)

Ngày 02/09/2017 giáo xứ hân hoan đón cha Raymualdo Trần Quốc Thắng nguyên chánh xứ Gia Cốc được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo Giám mục giáo phận bổ nhiệm làm chánh xứ Ngọc Lâm, cha Phêrô Trần Anh Khôi và Đaminh Nguyễn Hữu Thức làm phó xứ Ngọc Lâm. Thầy Phêrô Nguyễn Đức Đại giúp xứ từ năm 2019-2020 được thụ phong linh mục ngày 16/07/2020 và được bổ nhiệm làm phó xứ Tân Triều năm 2020. Tháng 9/2020 cha Phêrô được bổ nhiệm làm chánh xứ giáo xứ Xuân Tây. Cha Đaminh Nguyễn Hữu Thức đươc bổ nhiệm làm phó xứ Minh Hòa. Và bổ nhiệm cha Giuse Vinhsơn làm phó xứ Ngọc Lâm Đặc trách họ Biệt lập Bàu Mây, cha GioanBatixita Nguyễn Vũ Thanh Sơn làm phó xứ Ngọc Lâm. Do nhu cầu mục vụ ngày   19/03/2022 cha Martinô Nguyễn Đức Thanh được bổ nhiệm làm phó xứ Ngọc Lâm.

Từ năm 2018 số gia đình và giáo dân họ Biệt lập Bàu Mây báo cáo riêng nên giáo xứ Ngọc Lâm có số giáo dân là 15.299; Số gia đình là 3.884.

Nét đẹp của Hội Thánh là Phụng vụ. Chính vì điều này cha đã dần đưa người giáo dân đến gần bàn thờ, gần Chúa hơn trong các cử hành phụng vụ. uốn nắn các hội đoàn ý thức và tích cực hơn trong việc phục vụ cộng đoàn như là Hội Ca vịnh, Hội Kèn, Hội Trống, Hội Giúp Lễ, Phòng Thánh, Ban đọc sách…

Nhìn thấy sự khó khăn và vất vả của những người phục vụ và anh em Ban truyền thông khi có tổ chức sự kiện. Cha đã dần đưa vào sử dụng hệ thống âm thanh, ánh sáng và màn hình leb hiện đại hơn việc phục vụ và sử dụng cho nhà thờ cũng như các sự kiện.

Cha đã cùng với TV. BHG giáo xứ nhìn về tương lai vì sự phát triển của giáo xứ. Đã sang nhượng được một số diện tích đất đáng kể: Đất đồi Đức Mẹ Mân Côi, đất nghĩa trang, đất Bàu Chim, đất trên trục lộ Phú Xuân – Núi Tượng, đất mở đường Ngọc Lâm – Thị Trấn Tân Phú thông với QL20. Đặc biệt là sắp xếp để nhà nguyện Bàu Chim đã có được khuôn viên và diện tích đất mà ông bà Trùm Thiệp hiến tặng.

Về việc đất thánh, những người đã có phần mà trước đây qua các thời kỳ BHG đã giải quyết thì cứ sử dụng bình thường theo phiếu phần mộ đã cấp. Từ nay, khi có người qua đời thì được an táng theo thứ tự từng khu vực đã được sắp xếp, hết khu này sang khu khác. Không giải quyết cho vợ hoặc chồng xí phần bên cạnh kể cả khu chức việc. Và định hướng cho việc quy hoạch khu nghĩa trang mới.

Nhìn thấy nhu cầu phục vụ và mục vụ cho thiếu nhi cần có thêm một nơi để dâng lễ cho các em thiếu nhi ngày Chúa nhật và các hoạt động tổ chức ở khuôn viên nhà thờ. Ngày Chúa nhật nhà thờ có 6 lễ, lễ thiếu nhi vào lúc 8h30 và 15h00 thay vì như vậy cùng một thời gian là 8h30 sẽ có lễ cho thiếu nhi khối nhỏ ở nhà thờ và thiếu nhi khối lớn ở tầng lầu nhà Mục vụ.

Xét thấy khu công viên Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II có thể làm một căn nhà tiền chế để phục vụ các hoạt động của giáo xứ thay thế cho tầng lầu của nhà mục vụ.

Nhìn thấy dấu hiệu xuống cấp của các công trình giáo xứ. Cha cùng với TV. BHG trăn trở có nên bắt tay vào việc sửa chữa hay không. Sửa bây giờ thì tốn 1 đồng, vài năm nữa thì tốn từ 3 đến 5 đồng. Nhận thấy làm được bây giờ thì có lợi hơn cho giáo xứ. Chúng tôi đã bắt tay vào việc làm lại nhà nguyện Bàu Chim từ tháng 11 năm 2019; Thực hiện sửa chữa các công trình của giáo xứ từ tháng 5 năm 2020. Nhà xứ, nhà mục vụ, nhà giáo lý và nhà thờ đã được mặt áo mới tạo nên phong cách tân thời uy nghi. Nhà nguyện cũng được nới rộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo xứ.

Trồng hoa và cây dầu trước khuôn viên nhà thờ tạo cảnh quang và bóng mát. Cắt tỉa bớt hàng sao sát tường rào trước đài Đức Mẹ và trước đài Thánh Giuse. Sửa chữa cống thoát nước dán gạch tường rào và lát gạch sân tạo nên khuôn viên sạch sẻ thoáng mát. Những ước muốn còn làm những việc này việc kia cho vì sự phát triển của giáo xứ tại những nơi xa của giáo xứ.

Kỷ niệm giáo xứ tròn 50 năm giáo xứ hiện có 14 giáo họ: 1. Rạng Đông,  2. Tử Đạo, 3. Truyền Tin, 4. Mẫu Tâm, 5. Mẹ Thiên Chúa, 6. Thăm Viếng, 7. Mân Côi, 8. Vô Nhiễm, 9. Trinh Vương, 10. Giuse Thợ, 11. Mông Triệu, 12. La Vang, 13. Bàu Chim, 14. Họ Biệt lập Bàu Mây.

Với số giáo dân là 16.531;  Số gia đình là 4.521.

Với lòng nhiệt tâm phục vụ nhà Chúa của Quí Dì, quí Ban Hành Giáo và sự đồng tâm hiệp lực của cộng đoàn giáo xứ đã và đang tiếp tục vun đắp và phát huy được những truyền thống tốt đẹp.

Nhìn lại chặng đường 50 năm với 6 đời cha xứ, có biết bao nhiêu công lao, khó nhọc cả vật chất lẫn tinh thần để Ngọc Lâm có được ngày hôm nay. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cũng có những lúc thăng trầm cũng có những chống đối hiểu lầm, cũng làm nên những thức tĩnh và biến đổi, cũng có những chối bỏ lạc đường. Nhưng Giáo Hội của Chúa thì luôn vững bền thiên thu, giáo xứ Ngọc Lâm vẫn mãi còn. “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” Các vị Mục tử đã hóa miền đất lạ thành quê hương, mà quê hương là chùm khế ngọt… Đi đến đâu các ngài luôn yêu thương hết lòng và phục vụ hết mình vì sứ vụ để danh Cha được cả sáng nước Chúa được hiển trị.

Sở dĩ Ngọc Lâm có được ngày hôm nay cũng nhờ vào sự hướng đạo khôn ngoan, linh mẫn của các vị Chủ Chăn, sự cộng tác không nề gian khó của quý Cha Phó, quý Thầy xứ và quý Dì, sự phục vụ nhiệt thành của quý chức Ban hành giáo, sự hưởng ứng nhiệt tình của các giới, các hội đoàn và toàn thể giáo dân, cùng sự hỗ trợ của quí vị ân nhân xa gần, trong nước cũng như ngoài nước, từ khởi thuỷ cho đến ngày nay.

Mong sao trên đà tiến triển như hiện nay, Giáo xứ Ngọc Lâm luôn duy trì và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được phát khởi từ ngày thành lập Giáo xứ, giữ vững và truyền bá Đức tin, phát huy tình yêu thương hiệp nhất để “Nước Chúa ngày càng rộng sáng”.

 

Hoa trái ơn gọi của giáo xứ

1/ Có 24 linh mục:

– 8 linh mục triều;

– 16 linh mục dòng thuộc các hội dòng;

– 1 phó tế thuộc Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc.

2/ Có 8 chủng sinh:

– 6 thuộc GP. Xuân Lộc;

– 2 thuộc GP. Phú Cường.

3/ Có 10 nam tu sỹ:

– 3 thuộc Dòng Biển Đức Thiên Phước;

– 2 Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc;

– 1 Dòng Thánh Thể Việt Nam;

– 1 Dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử;

– 1 Thuộc Đan viện Châu Sơn;

– 1 Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu;

– 1 Hội Thừa Sai Việt Nam.

4/ Có 87 nữ tu sỹ thuộc nhiều hội dòng khác nhau:

– 33 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Gò Vấp;

– 1 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Quy Nhơn;

– 2 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Phan Thiết;

– 2 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Đà Lạt;

– 1 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Xuân Lộc;

– 1 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Tân Lập;

– 1 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Tân Việt;

– 1 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Cái Nhum;

– 1 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Chợ Quán;

– 1 nữ tu thuộc Hội dòng MTG Thanh Hóa;

– 6 nữ tu thuộc hội dòng Đaminh Gò Vấp;

– 7 nữ tu thuộc hội dòng Đaminh Tam Hiệp;

– 2 nữ tu thuộc hội dòng Đaminh Monteils (Pháp);

– 2 nữ tu thuộc hội dòng Đaminh Rosa Lima;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Đaminh Thánh Tâm;

– 2 nữ tu thuộc hội dòng Đaminh Mân Côi Bà Rịa;

– 4 nữ tu thuộc hội dòng Mân Côi Chí Hòa;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Mân Côi (Pháp);

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Mân Côi;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Đaminh Truyền Tin;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm;

– 2 nữ tu thuộc hội dòng Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Nữ Tỳ Thánh Giuse;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Gioan Lasan;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Phaolô Mỹ Tho;

– 2 nữ tu thuộc hội dòng Phaolô Đà Nẵng;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Phaolô Sài Gòn;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Phanxicô (Pháp);

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Trinh Vương;

– 1 nữ tu thuộc hội dòng Đức Mẹ Phù Hộ;

– 2 nữ tu thuộc hội dòng Nô Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu;

– 1 nữ tu thuộc Đan viện Cát Minh Bình Triệu;

– 1 nữ tu thuộc Đan viện Cát Minh Đà Lạt.